CHÚA NHẬT XII TN – A – CĐ Gr20,10-13; Rm5,12-15; Mt10,26-33 “NÊN SỢ VÀ ĐỪNG SỢ”

CHÚA NHẬT XII TN – A – CĐ
Gr20,10-13; Rm5,12-15; Mt10,26-33

“NÊN SỢ VÀ ĐỪNG SỢ”
       
       
Kính thưa cộng đoàn! Nếu cộng đoàn chú ý thì nhận ra ngay chủ đề chính của Lời Chúa Chúa nhật 12 thường niên hôm nay. Vâng! Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, nổi bật chữ “sợ”. Thật vậy, trong cuộc sống chúng ta sợ hãi rất nhiều điều như sợ bệnh tật, sợ nghèo đói, sợ chiến tranh, sợ tai nạn…Tuy nhiên, những nỗi sợ hãi đó có phải là nỗi sợ hãi quan trọng không? Đâu là nỗi sợ mà Chúa Giêsu muốn chúng ta nên sợ?             
        Cộng đoàn Phụng vụ thân mến, trong cuộc sống chúng ta sợ hãi rất nhiều điều, tuy vậy con xin được chia thành ba nỗi sợ hãi:
        Nỗi sợ thứ nhất: Sợ mất mâm cơm, hay còn gọi là sợ nghèo.
Thật vậy, ai mà chẳng muốn cuộc sống của gia đình mình được sung túc, giàu sang. Vì thế mà chúng ta phải lao động cật lực không chỉ để có ba bữa cơm mà còn phải chi tiêu nhiều thứ khác. Đó còn chưa kể chúng ta phải dành dụm cho tương lai, cho con cái sau này. Giáo xứ chúng ta con thấy làm kinh tế đa phần là xây phòng trọ. Hàng tuần con hay đi đọc kinh với các bạn di dân nhiều khi vào phòng của các bạn con tự đặt câu hỏi tại sao chủ nhà này có thể để cho các bạn sống trong một căn phòng mà không ra cái phòng, hôi thối mùi nhà vệ sinh, nóng bức ngột ngạt đến như thế. Dĩ nhiên khi được hỏi thì chẳng có bạn nào dám than cả. Nhiều bạn tặc lưỡi “tiền nào của đó mà thầy. Tụi em chịu khổ tý, dư ít tiền gửi về nhà cho ba má.” Nói vậy thôi chứ ánh mắt cũng len lên một sự cay đắng nào đó. Cộng đoàn thân mến, thử hỏi nếu không có công nhân thì chắc hẳn cuộc sống của nhiều người trong xứ chúng ta cũng không ổn định và nếu không muốn nói là sung túc như hiện nay.
Hoặc với những ai buôn bán ngoài chợ, có phải vì nỗi sợ hãi trước miếng cơm manh áo mà chúng ta buôn bán thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, hoặc chỉ biết thu lợi…
Như vậy, liệu rằng nỗi sợ hãi và kinh tế, về chén cơm manh áo có đang làm cho chúng ta trở nên ích kỷ lắm không? Thưa cộng đoàn.
        Nỗi sợ thứ hai: sợ mất danh dự, thể diện
        Nhiều gia đình vợ chồng sứt mẻ, ngoại tình, rượu chè, cờ bạc, nhưng khi được hỏi thì cứ tươi cười: “chồng em tốt lắm, hay vợ em chu đáo lắm.” Nhiều nhà con cái hoang đàng, lêu lổng bỏ học, bỏ nhà thờ nhà thánh vậy mà khi được hỏi thì thản nhiên trả lời: “cháu nhà em ngoan lắm.” Vâng! Chỉ vì sợ mất danh dự, giữ thể diện mà chúng ta chịu trận, không dám bày tỏ chuyện gia đình cho người khác, hoặc nhờ giúp đỡ. Đến khi mọi chuyện không thể dấu được nữa, không thể hàn gắn được nữa thì mới chạy đến các cha các thầy cầu nguyện như một phương thức giải quyết vấn đề tốt nhất. Để rồi tự an ủi rằng mình đã cố gắng hết sức, rằng không phải lỗi tại tôi.
        Như vậy, liệu rằng nỗi sợ hãi vì danh dự và thể diện có làm cho chúng ta sống ảo quá không? Thưa cộng đoàn.

        Nỗi sợ thứ ba: sợ mất tình yêu, mất lòng
        Nhiều khi thấy người mình yêu có tật xấu nào đó mà chúng ta không dám nói. Sợ nói ra chồng mình, vợ mình buồn, hay người yêu của mình buồn, sợ làm họ tổn thương. Hoặc khi thấy hàng xóm làm ăn bất chính, mất công bằng, bác ái chúng ta cũng im lặng vì sợ mất lòng.
        Như vậy, liệu rằng nỗi sợ mất lòng có làm cho chúng ta đồng thuận với cái xấu và tội ác không? Thưa cộng đoàn.
        Cộng đoàn Phụng Vụ thân mến, trên đây là ba nỗi sợ hãi tiêu biểu mà trong cuộc sống chúng ta thường gặp phải. Thật ra tất cả những nỗi sợ hãi đó chính là cái bẫy của mà quỷ giăng ra mà thôi. Ma quỷ rất khôn ngoan và lừa lọc. Chúng làm cho chúng ta cảm thấy sợ hãi trước những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống. Nếu chúng ta không cảnh giác, thì thay vì chúng ta làm chứng cho Chúa lại cộng tác với ma quỷ để cái xấu và sự dữ ngày càng lan rộng.
Thật vậy, chính những nỗi sợ hãi mà ma quỷ gieo lên đó làm cho chúng ta chỉ biết an phận, ích kỷ, chỉ biết gom góp cho mình, bảo vệ quyền lợi của gia đình mình. Để rồi, cách nào đó chúng ta để cho sự bất công, cái xấu, sự gian dối, ích kỷ, thiếu bác ái ngày càng lan rộng trong cuộc sống. Không những thế nhiều người trong chúng ta lại nghĩ rằng việc sợ hãi, và biết lo cho cuộc sống là chuyện chính đáng nên càng cầu xin Chúa nhiều hơn như những lời trích sách Tiên tri Giêrêmia: “Con nghe biết bao người vu cáo: hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi. Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã…”(Gr20,10)
Vâng! Thưa cộng đoàn, chúng ta có rất nhiều lý do để sợ, nhưng quan trọng Chúa nhấn mạnh rằng: “Phàm ai tuyên bố nhận thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn những ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt10,32-33) Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta để cho sự sợ hãi làm chủ và bao chùm lấy cuộc đời chúng ta, để rồi chúng ta không dám đứng lên làm chứng cho Chúa một cách nào đó chúng ta đang chối Chúa. Làm chứng cho Chúa ở đây không phải rao giảng, hoặc đi truyền đạo nhưng làm chứng bằng chính đời sống của chúng ta. Đó là đời sống không bị những nỗi sợ về kinh tế, danh dự, thể diện kìm kẹp, bao trùm.
        Chúa Giêsu khẳng định những nỗi sợ hãi trên không đáng để sợ. Vì đó chỉ là những nỗi sợ hãi từ bên ngoài, thể xác, ngoại tại. Chúng ta có gom góp, thu vén cho mình nhưng cuối cùng chết đi chúng ta còn lại gì? Chúa Giêsu đưa ra một nỗi sợ hãi mà chúng ta cần biết sợ đó là biết sợ Thiên Chúa là Đấng không chỉ giết được thể xác mà còn giết được cả linh hồn. Vâng! Sợ mất cả thể xác và linh hồn đó là nỗi sợ mà chúng ta cần biết sợ. Danh dự, tiền bạc, tình yêu có đấy nhưng khi chết chúng ta không mang theo được. Không những thế, tiền bạc còn là những cản trở chúng ta trên đường về nhà Chúa.
Như vậy, sứ điệp Lời Chúa trong Chúa nhật 12 hôm nay Chúa nhắc chúng ta cần phân định điều nào đáng sợ hãi, điều nào không nên sợ. Đừng để mình bị mắc bẫy của ma quỷ khi mà chỉ vì sợ điều này điều kia mà chúng ta để cho bất công, ích kỷ, sự gian dối, tội lỗi ngày càng lan rộng trong cuộc sống. Chúng ta không nên quá lo lắng, sợ hãi trước những nhu cầu của bản thân như tiền bạc, tình yêu, danh dự nhưng trước hết hãy biết kính sợ một mình Thiên Chúa, là Đấng có thể giết chết cả thể xác và linh hồn. Đấng ấy đầy lòng thương xót, Người sẽ tha thứ tất cả nếu chúng ta biết bỏ mọi sự mà theo Người. Amen

 MAPHUC,SSS
Share:

Truyện ngắn: CHÚA GỌI THÌ NHIỀU MÀ CHỌN LẠI ÍT.

       Truyện ngắn: 
CHÚA GỌI THÌ NHIỀU MÀ CHỌN LẠI ÍT.


Vừa về đến nhà, chưa kịp để cái giỏ rau xuống đất, con Út Méng nói với qua hàng rào mồng tơi.
-        Dì Năm, dì Năm…dì nghe tin gì chưa?
Chưa kịp để dì Năm trả lời, con nhỏ nói to.
-        Công an bắt thằng Hùng con bà Cúc rùi.
-        Bà Cúc nào?
-        Thì bà Cúc vợ ông chánh Khoản đó, nhà có hai đứa con đi tu đó.
-        Mà bắt đứa nào? Nó làm gì mà người ta bắt nó?
-        Bắt thằng Hùng. Hiếp dâm. Ác nhơn ác đức không. Nó hiếp dâm cả hai đứa học sinh chứ ít đâu. Thiệt tình. Công an theo dõi cả năm nay rồi. Cái ngữ đó mang ra xử bắn cho rồi. Ngoài chợ người ta vẫn còn om xòm kìa.
-        Mèng đéc ơi! Mày nói thiệt hông?
-        Dì không tin chạy qua nhà bà Cúc thử coi. Con mới ngoài đẳng về nè.

***
       Người ta nói trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nhưng cái chuyện một ông thầy tu xuất mà hiếp dâm con người ta, chỉ nghe thôi cũng thấy rùng mình rồi. Ở cái xứ đạo toàn tòng này thì đó là chuyện không thể tin nổi. Vả lại đó là chuyện của mấy nhà tu, toàn mấy đấng thánh ai mà dám nói tới. Giáo dân nghe được sốc chết. Bởi các cha các thầy xưa nay lúc nào cũng có tiếng là hiền lành thánh thiện. Nhiều kẻ ganh ghét nên đồn tầm bậy. Nhưng chuyện này là thiệt. Con Út Méng khẳng định dứt khoát với mấy bà ngoài chợ. Ai mà chẳng biết. Công an tới, ập vào nhà bắt thằng Hùng giữa ban ngày ban mặt. Sao mà lầm được.
Thì đó, ai mà ngờ được. Ở cái giáo xứ này từ trước giờ có ai mà chẳng biết nhà bà Cúc có hai đứa con đi tu cả hai. Nên mấy bữa thằng con trai mới khấn lần đầu, ngoài chợ lúc nào cũng nói tới nói lui cả tháng. Nghe nói nó sống được lòng các cha và anh em trong Dòng lắm. Hôm nó khấn, ba má nó có mời mấy người đi dự lễ. Đâu phải ai muốn đi cũng được. Không có mời nhiều, chỉ có mấy người ruột rà máu mủ mới được đi. Hôm nó về thăm nhà, hai ông bà có làm mâm cơm, mời mấy người hàng xóm. Suốt bữa ăn hai ông bà liên tục xin mọi người cầu nguyện thêm cho cháu ơn bền đỗ. Niềm vui, niềm hãnh diện thể hiện rõ trên khóe mắt nụ cười của ông bà. Mà không hãnh diện sao được. Thằng anh trai vừa khấn đầu thì đứa em gái cũng vào nhà tập. Nhiều người cứ tặc lưỡi. Ông bà vậy mà có phước!
Cha xứ tới chơi nói ông vô làm trong Ban Hành Giáo cho mấy ông khác noi gương bắt chước. Ông Khoản chẳng nói chẳng rằng chỉ gật đầu. Thế là ông được bầu làm trưởng Ban Hành Giáo ngay năm đó. Rồi người ta cũng quen dần với cái tên ông Chánh Khoản khi vui, còn lúc buồn thì ông bà cố chánh Khoản. Bà Cúc vợ ông chánh Khoản cũng đâu thua kém chồng. Tham gia ca đoàn các bà mẹ. Cứ đều đặn một tuần đi tập hát hai lần. Mấy người trong xứ nói ông bà vậy mà hạnh phúc. Chẳng phải lo kinh tế. Mấy chục cái phòng trọ dư sức cho ông bà hưởng tuổi già. Thời gian còn lại thì phục vụ ở Nhà Thờ. Có hai đứa con thì đi tu cả hai. Thằng anh đi tu rồi, con út cũng theo chân. Hồi mới ra trường, cũng có vài mối dòm ngó mà con út có chịu đâu. Không biết sao nó thích làm ma xơ. Thấy mấy xơ mặc áo trắng tinh khi đi lễ làm lòng nó như rưng rức. Thích thôi chứ biết diễn tả sao. Thì thấy thánh thiện. Thấy đẹp. Thế là nó đi tu. Ai cũng khen con bé ngoan, hiền, đạo đức, lại siêng năng học. Nhiều người cứ tặc lưỡi ganh tị. Sao Chúa ban cho hai ông bà nhiều dzữ dzậy trời!

***
Nhưng mà…đời ai biết trước được tương lai. Khấn hứa đâu được mấy năm thằng Hùng về. Má nó chỉ nói với mấy bà ngoài chợ Chúa không chọn. Ừ thì Chúa không chọn! Người ta hỏi tiếp nó về… rồi làm gì? Má nó nói, đi làm công nhân. Người ta không hỏi trực tiếp vì chẳng thấy nó nói chuyện với ai bao giờ. Cứ lầm lầm lỳ lỳ. Đi đâu cũng cúi gầm mặt.
Cứ tưởng đi tu mấy năm không thành công thì cũng thành nhân, hoặc chí ít cũng làm người lương thiện. Ai ngờ còn tệ hơn người bình thường. Thiệt tình! Số là từ khi thằng con còn nhỏ, ông bà Khoản cứ gieo vào đầu nó: “Mai mốt lớn con đi tu làm cha, để ba má nở mày nở mặt với người ta. Ở đời khổ lắm con ơi.” Vậy mà nó đi tu thiệt. Hồi ở nhà Dòng, thấy nó có những hành động kỳ quặc, ít vui chơi vận động, ù lỳ, sinh hoạt không hòa đồng với anh em, các cha cho nó về. Nhận thấy, nó chưa trưởng thành trong phái tính. Vậy mà về nhà đâu…chưa được hai năm thì xảy ra chuyện. Khi ở nhà Dòng, kỷ luật nghiêm ngặt nó bị ức chế tâm lý, đâm ra khi về, có cơ hội tiếp xúc bên ngoài là nó cứ để cho bản năng điểu khiển. Mấy thằng nhóc hàng xóm nói anh Hùng ở trong nhà riết. Bữa vô tình tụi con phát hiện ảnh đang xem phim “con heo”.

***
Người ta nói… đâu phải ai muốn đi tu cũng được. Quan trọng là có được Chúa chọn hay không. Kẻ được gọi thì nhiều… chứ người được chọn thì ít. Mới đây thôi chứ lâu đâu, thằng cu con bà Hai khu Fatima đó. Thiệt tình, nó giúp lễ từ năm lên mười, xong đại học nó vô đi tu. Ai dè, được vài bữa nó bệnh lên bệnh xuống. Nhà Dòng cho về. Tự nhiên nó khỏe lại. Chúa không chọn chứ còn gì. Rồi con bé Điệu con ông Tư ở cái khu nghĩa trang xóm Chùa. Tội ghê dzậy đó! Con bé hiền, dễ thương, giáo lý viên. Nghe lời mấy xơ thử đi tìm hiểu. Nghe đâu mới làm đệ tử gì đó. Chuẩn bị vào Nhà Thỉnh thì mẹ mất. Về lo đám tang cho mẹ, thấy mấy đứa em nheo nhóc. Tội! Thế là nó ở nhà luôn. Mà chưa hết đâu,… mấy đứa mới tu mà về thì nói làm chi, đàng này chú Sáu, con ông cựu chánh trương xứ mình nè. Nghe nói hồi trước đi tu đâu cũng được mấy năm. Nghỉ hè đi thực tập giúp xứ. Thế là kết luôn con bé trong ca đoàn. Vậy là về. Lấy vợ, vợ nó sảy thai mấy lần, giờ đẻ được một đứa cũng có thật tính người đâu. Mà ta nói… mấy người tu xuất làm như Chúa phạt thì phải. Ăn cơm nhà Chúa mà!
       Ở cái chợ này là thế, hễ người mua thưa đi một lát là y như rằng mấy bà bán hàng túm tụm lại xì xầm. Hết chuyện nhà ông Năm xóm Đồng Công bán cà phê ôm bị công an hốt, đến chuyện thằng con đi tù nhà bà Sáu khu Trinh Vương. Rồi đến khi hết chuyện nhà ông này bà kia thì chuyển qua đề tài các cha, các thầy, các xơ…mà mấy cái chuyện tu tác nghe cũng hay. Ai vô nhà dòng hồi nào đâu mà biết. Mấy cái chuyện đời tu làm như lôi cuốn hơn những chuyện khác. Ừ thì nghe đồn vậy mà.

       ***
       Tại phiên sơ thẩm, Hội Đồng Xét Xử nhận định: Hành vi của Hùng vô cùng nguy hiểm. Chỉ vì dục vọng đã dùng thủ đoạn lừa dối hai học sinh nghèo để hãm hại họ. Không những thế, trong quá trình phạm tội, Hùng còn lấy điện thoại quay lại nhằm khống chế các nạn nhân, nếu họ tố cáo công an. Hành vi của Hùng xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Đặc biệt, nạn nhân còn độ tuổi trẻ em nên cần phải nghiêm trị.
Tuy nhiên, nhận thấy Hùng có lòng ăn năn thống hối, thành thật khai báo và được gia đình hai nữ sinh làm đơn bãi nại. Hội Đồng Xét Xử phạt Trịnh Văn Hùng: 20 năm tù, tổng hợp hai tội Hiếp dâm và Hiếp dâm trẻ em.
Vừa nghe thế, ông Khoản ngã quỵ xuống.

***
Mỗi sáng Chúa Nhật mấy ông trong Ban Hành Giáo có thói quen đi lễ rồi ở lại uống cà phê với cha xứ. Kể từ cái ngày con ông bị bắt, người ta không còn thấy ông ngồi uống cà phê nữa. Mà cũng chẳng thấy ông đi lễ. Mấy tháng nay ông bà Khoản không dám đi đâu. Chẳng ai thấy ông bà cười. Chúa nhật vừa rồi cha xứ tới nhà an ủi, khuyên mãi ông Khoản mới chịu đi lễ lại. Ông buồn. Bệnh cả tháng. Bà Cúc vừa lo việc nhà, vừa phải chăm ông. Mọi việc từ trong ra ngoài đổ hết lên đầu một mình bà.
Bà chỉ mong sao thời gian trôi thật nhanh để người ta có thể quên hết chuyện nhà bà. Mà thời gian làm như biết đùa. Mỗi một ngày trôi qua là những lời bàn tán về gia đình bà ngày càng lan rộng ra. Rộng mênh mông như biển. Một mình sức bà không sao gom lại nổi.

***
Đang lụi cụi dưới bếp bỗng nghe giọng nói của đứa con gái, bà Cúc giật mình ngó lại.
-        Thưa má con mới về! Ba con đâu rồi má?
Vừa nghe giọng đứa con gái hỏi, nhìn thấy nó vác cái balô trên vai, linh tính báo ngay cho bà biết có chuyện chẳng lành. Bà hỏi lại.
-        Con làm gì mà về giờ này? Ba con đi thăm thằng Hùng  rồi. Sao con về giờ này? Có chuyện gì sao con?
-        Dạ!...dạ…! - Đứa con gái ấp úng. Hai mắt lưng tròng nước chỉ trực trào ra.
-        Nhà dòng cho con về rồi má. Bữa con nộp đơn khấn lại, Xơ Bề Trên nói con đi tu mà nhà có anh là tội phạm, sợ… sau này ảnh hưởng tới danh tiếng nhà Dòng… Ban Cố Vấn không nhận đơn của con.
Con nói chưa dứt lời bà đã khóc. Khóc ròng rồi nói
-        Con về chi. Con đi luôn đi. Đi liền. - Bà Cúc vừa quẹt nhanh nước mắt vừa đẩy đứa con gái lên nhà trên. 
-  Đừng cho ai biết hết. Đừng cho ba con biết, ổng không chịu nổi đâu. Thằng Hùng đã khiến ổng chịu không nổi rồi. Giờ tới con nữa, ổng mà biết chuyện ổng chết mất.
-        Dạ thì con đi. Mà biết đi đâu bây giờ? Từ nhỏ đến giờ con chỉ có hai chỗ để về. Một là nhà mình, hai là nhà Dòng. Giờ nhà dòng đuổi con về. Má lại nói con đi. Con biết đi đâu bây giờ hả má? – Đứa con út nghẹn ngào trong nước mắt.
-        Đi đâu cũng được. Đi liền. Ba mày về tới giờ - Bà Cúc vừa nói vừa tiếp tục đẩy đứa con gái ra cửa. Bất thình lình ông Khoản xuất hiện trước mặt bà.
-        Ông…ông về hồi nào sao không cho tôi hay? – bà lấp lửng, ấp úng không ra câu.
-  Bà định đuổi con gái của tôi đi đâu?
Ông Khoản bước lại ôm đứa con gái vào lòng, rồi nói.
-        Con không đi đâu hết. Ở nhà với ba. Không phải lỗi tại con. Tại Chúa gọi thì nhiều mà chọn lại ít con ơi!
Nói vậy, mà sao ông nghe nghẹn đắng ở cổ họng.

MAPHÚC.SSS


              
Share:

Truyện ngắn: CÓ MỘT CHUYỆN TÌNH TÌNH CỜ ĐẾN NHƯ THẾ!

Truyện ngắn:
CÓ MỘT CHUYỆN TÌNH
TÌNH CỜ ĐẾN NHƯ THẾ!


Mọi việc trên đời này cái gì cũng tình cờ. Nhất là tình yêu. Đến tình cờ. Đi cũng tình cờ. Mà thật sự vậy, tình yêu của anh với Thùy cũng tình cờ. Số là bữa trước chán học thế nào, anh lang thang ở bờ kè sông này. Tình cờ em rớt chiếc khăn tay. Anh lượm được. Thế là quen nhau. Chuyện cứ ngỡ như chỉ trong phim mới có.

***
Trước kia khu vực bờ sông này còn là một cái chợ cá bẩn thỉu, tanh rình mùi cá ươn, mùi rác thải… mỗi lần đi ngang qua ai cũng phải bịt mũi vì mùi hôi thối. Mấy năm trở lại đây khu vực này được nhà nước quy hoạch và đang trong quá trình thi công. Thay thế cho cái chợ cá bẩn thỉu ngày xưa, nay là một công viên với nhiều hoa. Người ta trồng nhiều cây liễu hai bên lối đi. Mỗi lần gió thổi làm những cành liễu đung đưa như tóc người thiếu nữ. Cũng từ đấy, Văn và Thùy hay đến đây vào mỗi khi tan học. Họ đi dọc theo bờ sông, nhìn về xa xăm nơi những cánh chim chợp chờn về tổ. Không cần nói, họ nhìn nhau, hiểu nhau, mơ ước xa xăm, hạnh phúc trong tầm tay.
Nhưng đó chỉ là mở đầu có vẻ tốt đẹp cho một cuộc tình tình cờ. Con người là thế, tình yêu chỉ hạn hẹp ở hai người. Nhưng với Chúa thì lại khác. Một tình yêu phổ quát hơn. Một tình yêu không ích kỷ. Một tình yêu cho đi cả mạng sống mình. Mấy lần đi lễ nghe cha giảng thế. Lúc đầu Văn cũng thấy chẳng liên quan gì đến mình. Song bữa trước có nhóm sinh viên Công giáo sinh hoạt ngoài căn tin trường, Văn thấy lạ lại làm quen. Rồi cũng bắt duyên với cái nhóm này từ đấy. Cũng qua nhóm này mà Văn nhận thấy mình có gì đó khác với những thằng đàn ông khác. Khác gì chứ? Thì cũng thích gái, ngắm gái. Tim cũng run lên bần bật mỗi khi Thùy ôm eo. Nhưng cái khác đó đến cả Văn cũng không diễn tả thành lời.
Rồi cũng lang thang trên mạng, lướt facebook. Đọc vài thông tin Giáo hội. Và cũng tình cờ Văn nhận được thông báo tuyển sinh đi tu. Thì thi thử xem thế nào? Biết đâu Chúa gọi mình đi tu thì sao? Một ý nghĩ thoảng qua trong đâu Văn. Ừ thì thi. Không biết có phải tình cờ hay là tiếng Chúa gọi anh.

***
Rồi cái ngày định mệnh ấy cũng đến. Ngày đó không phải tình cờ nhưng nằm trong ý định của Văn. Ngày mà anh sẽ nói tất cả những dự tính cho Thùy nghe. Nhưng anh không ngờ và cũng không bao giờ nghĩ rằng đó là ngày anh mất Thùy mãi mãi. Anh còn nhớ như in buổi chiều hôm ấy. Hẹn Thùy ra bờ sông để nói rõ về tất cả những dự tính của anh sau khi ra trường. Rằng sẽ chẳng có đám cưới. Rằng anh sẽ đi tu. Rằng xin lỗi vì anh đã phụ tình. Ngay đến anh cũng không thể ngờ Thùy phản ứng mạnh mẽ đến thế. Hai hàng nước mặt chảy tràn, Thùy chạy ra ngoài. Trời mưa như trút nước. Ông trời dường như cũng đang khóc với Thùy. Mà không, khóc nhiều hơn cả Thùy. Khóc đến nổi nước chảy thành dòng, tràn lan. Khóc làm cho nước sông dâng cao, tràn cả lên bờ. Thùy chạy như con thiêu thân vào khu đất trống. Trong cơn hoảng loạn cô không kịp nhìn thấy tấm biển báo có in hình cái đầu sọ gạch chéo và hai chữ “cấm vào”. Mưa lớn. Gió xoáy. Nước chảy xiết. Thùy đang chạy sát mé sông thì cứ như bị ai đó lôi chân cô xuống dòng nước. Dòng nước cuồn cuộn, đỏ ngầu như muốn nuốt chửng cô. Chỉ chậm hơn vài bước, Văn không kịp làm gì khi nhìn thấy bờ sông ngay chỗ Thùy đang chạy bị sạt lở, nước ập vào rồi cuốn Thùy ra xa. Phản xạ tự nhiên, anh nhảy xuống dòng sông theo Thùy. Dòng nước chảy xiết cũng muốn nuốt chửng anh như trước đó vài giây đã nuốt chửng Thùy. Nước như muốn xé nát thân thể anh. Anh không thể bơi ra xa tìm Thùy. Nhìn dòng nước dữ tợn, cuồn cuộn, lồng lộn mà bất lực. Mưa. Mưa quá to. Không ai qua lại. Văn gào thét kêu cứu trong tuyệt vọng. Dòng nước đã cướp mất Thùy. Văn cố gào thét như chính anh là người bị nước cuốn đi. Một vài công nhân của công trường nghe tiếng kêu cứu vội chạy lại. Người ta phải cố gắng lắm mới đưa được Văn lên bờ. Anh đã hoàn toàn kệt sức, đôi mắt nhắm nghiền.

***
Từ cái ngày Thùy chết. Mà không. Với anh Thùy chưa chết, chỉ là mất tích ở bờ sông. Anh tin điều đó. Thi được dịp gần gũi anh nhiều hơn. Cũng như Thùy, cô quen anh cách tình cờ. Trong một lần sinh hoạt Đoàn, anh ý kiến về cách tổ chức một chương trình. Chuyện chẳng có gì lạ nhưng tối về bóng dáng người đàn ông ấy cứ mãi vật vờ trong đầu Thi. Những ngày này cô thường xuyên đến nhà, chủ động rủ anh đi chơi đâu đó. Ở đâu đó tận đáy lòng Thi yêu anh mất rồi.
Ngày ba má về nước, Thi cùng anh đi đón ngoài sân bay. Xong mọi người không về nhà Thi và về thẳng nhà Văn. Mọi việc diễn tiến như những gì Thi đã sắp xếp trước. Một buổi ra mắt mà Thi là người chủ động. Ba má Thi ra về với lời ước hẹn béo bở. Hôn lễ mà được cử hành sẽ có ngay một căn nhà và một công việc ổn định cho anh và Thi khi ra trường. Không những thế, ba má Thi còn hứa sẽ cấp vốn làm ăn cho ba má Văn.

***
Văn sinh ra trong một gia đình nghèo. Anh lớn lên trong sự nghèo khó, thiếu thốn. Nếu không có sự giúp đỡ của Thùy thì có lẽ anh đã không có cơ hội học đại học. Anh mang trong mình nhiều mơ ước hoài bão lớn lao. Anh muốn vượt ra khỏi cuộc sống gia đình, xả thân đến với mọi người. Đối với anh, con người sống rất cần vật chất, nhưng con người cũng cần một thứ khác quan trọng không kém đó là tinh thần. Anh nhận thấy gia đình nghèo khổ như gia đình anh, gia đình giàu sang như gia đình Thùy cũng đâu được hạnh phúc, mọi người cùng khổ. Bữa trước đi lễ ngoài nghĩa trang anh đọc được câu:
Mọi sự biến tan giờ hạ huyệt
Chỉ còn công phúc đã lập xưa.
Chúng làm anh suy nghĩ mãi. Anh không thể chấp nhận một cuộc sống mà sáng ra chui đầu vào các xưởng làm, chiều về lùa vội chén cơm rồi đi ngủ. Cuộc sống như thế có quá tẻ nhạt chăng? Chắc đi tu cho rồi? Anh tặc lưỡi. Thì ít ra cũng làm được nhiều việc hơn cho người khác. Giờ thì tiếng mời gọi sống đời dâng hiến cũng làm như tình cờ vang lên bên tai. Dù trước đó, chưa bao giờ anh nghĩ thế.

***
Bà Hoan vừa tới đầu ngõ đã nghe tiếng ông Hoan hỏi lớn:
-       Tao hỏi mày một lần nữa, mày có chịu cưới con Thi không?
-       Con không thể ba ạ, con không hề yêu cô ấy. Ba biết con đã từng yêu Thùy mà.
-       Nó đã chết rồi, mày còn luyến tiếc gì nữa.
-       Khi Thùy còn sống con cũng không hế có ý định lấy cô ấy làm vợ. Con đã có hướng đi cho riêng mình. Chúa đã gọi con, Chúa muốn con sống trong đời dâng hiến, phục vụ Chúa và phục vụ mọi người.
-       Thế mày không nghe ông bà ta nói: “Tu đâu không bằng tu nhà” hả. “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Mày đã làm được gì cho cái nhà này? Thật uổng công tao nuôi này ăn học bao nhiêu năm nay.
-       Nhưng con không thể ba ạ, con không hề yêu Thi.
-       Mày không yêu thì kệ mày. Tao đã nhận sính lễ của người ta và đã ấn định ngày cưới rồi, chủ nhật đầu tháng tới sẽ tiến hành.
-       Nếu ba đã quyết thì con cũng quyết, con sẽ đi ngay bây giờ.
-       Mày bước chân ra khỏi nhà là tao từ mày.
-       Cho dù ba có từ con nhưng với con ba vẫn là ba và suốt đời này là như thế. Rồi ba sẽ hiểu con.
-       Mày… Đồ… thằng bất hiếu!
Vừa nói dứt lời ông ho sù sụ.
-       Mày mà đi tao cắn lưỡi tao chết.
-       Con không thể, con phải đi thôi.
-       Mày…
Ông Hoan mắt trợn chừng nhìn Văn. Mặt ông bỗng đổi sắc, trắng bạch. Rồi bỗng dưng ông ngã quỵ xuống. Thấy vậy bà Hoan lao tới.
-       Mày giết ba con rồi Văn ơi.
Rồi bà lay gọi chồng.
-       Ông! Ông ơi tỉnh lại. Tỉnh lại đi ông ơi.
Mọi người bao quanh lấy ông. Hơi thở thoi thóp, ông Hoan nằm dài trên mặt đất, hai mắt nhắm nghiền. Văn đứng chết trân, dường như dưới chân anh là khối bê tông nặng ngàn ký. Người anh cứng đờ, mồ hôi tuôn ra như tắm. Anh không tin vào mắt mình.
-       Mày còn đứng đó hả? Không mau gọi xe cấp cứu.
Vừa nghe tiếng mẹ, Văn như chợt tỉnh. Anh lao đến bên ông Hoan gọi to.
-       Ba, ba tỉnh lại đi, con xin lỗi ba, con sẽ làm theo lời ba mà. Ba. ba…
Gia đình hãy chuẩn bị hậu sự, tình trạng của bệnh nhân quá nặng, ông bị đứt mạch máu não. Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng không hy vọng gì. Bác sĩ vừa dứt lời thì bà Hoan quỵ xuống.
Đám tang ông Hoan diễn ra thật buồn. Bà Hoan ngất lên ngất xuống mỗi khi nhìn xác chồng. Người ta phải truyền nước biển cho bà và không để bà lên nhà trên – nơi đặt quan tài chồng bà. Nhưng người buồn nhất có lẽ là Văn. Anh là nguyên nhân gây ra cái chết của ông Hoan. Chưa dứt đau khổ vì cái chết anh đã gây ra cho Thùy thì nay anh lại gây ra cái chết cho bố mình. Lòng anh tan nát, vỡ vụn,… nỗi dày vò xé nát lồng ngực. Tất cả cũng chỉ vì anh muốn đi tu. Tại sao lại thế? – anh tự hỏi. Chúa ơi! Tại sao Ngài lại đối xử với con như thế? Ước mơ được sống đời dâng hiến yêu thương, phục vụ Chúa và yêu thương phục vụ mọi người là một việc chính đáng, vậy mà tại sao mọi người lại ngăn cản con. Chúa hãy nói đi, hãy trả lời con đi. Tại sao chỉ vì con muốn đi tu mà Chúa đã cướp đi hai người thương yêu nhất của con. Chúa hãy nói đi tại sao Ngài lại đối xử với con như thế? Trong cơn buồn sầu, uất ức Văn gào lên nghe thảm thương. Anh đấm ngực mình như muốn bể tan lồng ngực. Nước mắt trào ra như không gì có thể cản lại được. Anh khóc. Phải! Có lẽ đây là lần đầu tiên anh khóc, anh khóc như một đứa trẻ.
Bầu trời bao phủ một màu đen tối che khuất phía chân trời. Tương lai của Văn cũng mờ ảo, đen tối như thế. Lòng anh ngập trán những con sóng dữ, gào thét, cắn xé, anh đã mất niềm tin ư? Cuộc sống thật phức tạp. Tại sao những điều ta thích làm đều bị ngăn cản. Ta sống không phải cho riêng ta, cho gia đình, cho mọi người mà còn cho Đấng đã tạo dựng nên ta.

***
Sau đám tang bố vài tháng, Văn quyết định từ bỏ gia đình để theo tiếng Chúa nơi tâm hồn anh. Bữa chi tay, Thi nói em chưa thấy một người nào tin vào Chúa như anh. Thời gian đầu thật khó khăn, đã có những lúc anh muốn bỏ cuộc và hối tiếc vì những gì mình đã từ bỏ. Điều làm Văn day dứt nhất là mẹ già và các em thơ. Anh ra đi như một sự rũ bỏ trách nhiệm với gia đình. Cũng có nhiều lúc anh nghĩ đến Thi. Nếu khi trước anh quyết định cưới Thi làm vợ thì giờ đây ắt hẳn anh và Thi sẽ được hạnh phúc. Không những thế mà mẹ và các em của anh cũng đỡ vất vả. Và còn nhiều điều khác nữa làm cho Văn phải đắn đo, suy nghĩ. Thế rồi bao khó khăn thử thách cũng đã trôi qua, trong những giờ chầu Thánh Thể, Văn đã nhận ra điều Chúa muốn nói với anh, và anh đã quyết định tiếp tục dấn thân. Thế nhưng để đào tạo một tâm hồn, Chúa đã dùng đủ mọi phương thế, khi thì dịu dàng, lúc thì cứng rắn. Có khi Chúa lại cho những tâm hồn ấy làm những điều sai lạc, hầu sau đó họ có kinh nghiệm và chỉ bảo cho người khác một cách sáng suốt hơn. Nhờ thông minh, lanh lẹ và chịu khó học hỏi, lại đạo đức nên sau một năm khấn trọn anh được lãnh tác vụ phó tế và ở tuổi ba mươi hai anh lãnh tác vụ linh mục. Sau đó linh mục Văn được nhà dòng cho đi du học. Vài năm sau trở về, với tấm bằng tiến sĩ thần học, linh mục Văn được bầu chọn làm cha giáo tập ngay trong Tổng tu nghị năm đó.
Vị linh mục trẻ vui với ơn gọi của mình. Ngài đã đã tận dụng tất cả những gì Chúa ban để làm theo những ước vọng của mình, đó là giới thiệu Chúa cho mọi người. Ngài luôn khiêm tốn nghĩ rằng những gì có được ngày nay đó là sự bù đắp của Chúa. Tuy vậy có một điều cha luôn cảm thấy day dứt là cái chết của Thùy. Sự mất tích của Thùy. Tình yêu của Thùy. Phải! Tình yêu của Thùy vẫn làm cho lòng vị linh mục dậy lên những đợt sóng dâng trào. Ngài tin rằng ở đâu đó Thùy vẫn sống và tha thứ cho mình.

***
Lễ Chúa Chiên Lành – cầu cho Ơn Thiên Triệu, linh mục Gioan Trần Hoàng Văn với tư cách đại diện cho Dòng Các Linh Mục Thánh Thể giới thiệu về dòng mình thật ấn tượng. Mọi người đều trầm trồ khen vị linh mục trẻ khéo ăn, khéo nói. Chấm dứt bài giới thiệu trong tiếng vỗ tay của cộng đoàn, cha trở về ghế ngồi. Vừa ngồi xuống ghế, cha đứng bật dậy khi nghe giọng của một nữ tu vừa cất tiếng chào cộng đoàn. Hình như mắt mình bị nhòe. Cha dụi dụi mắt và tự nói với mình. Tại sao lại có người lại giống nhau như thế được. Giống từ giọng nói, tướng đi, vóc dáng, đến gương mặt có phần hơi nhăn nheo vì tuổi tác. Thùy! Phải chăng đây chính là Thùy. Đúng rồi! Thùy! Cha chồm người định chạy lại nhưng bỗng bị một bàn tay đặt lên vai cha ghìm lại.
-       Cha hãy bình tĩnh, đợi đến giờ giải lao hãy gặp.
-       Xin lỗi ông là ai? – cha ngạc nhiên hỏi lại.
-       Xin Cha hãy bình tĩnh, đợi đến giờ giải lao. – người đàn ông phía sau trả lời.
Trong suốt khoảng thời gian sau đó, cha ngồi không yên. Người đàn ông sau lưng mình là ai và vị nữ tu đang nói trên kia là ai mà lại giống Thùy như in vậy? Phải chăng đó là Thùy? Nhưng cô ấy đã chết rồi mà, cô đã bị nước sông vùi lấp trong cơn mưa năm xưa rồi cơ mà. Những câu hỏi đó cứ lượn lờ trong tâm trí cha.
Xơ Matta Thùy vừa dứt lời, người đàn ông ngồi phía sau ra hiệu cho cha ra bên ngoài. Cha đứng bật dậy, bước ra khỏi nhà thờ mà không quên không cúi đầu chào Chúa. Vội vàng bước ra nhưng vẫn với nhiều thắc mắc. Chuyện gì vậy?

***
        Chiều nào cũng thế, như một thói quen, sau khi lo cơm nước cho bà cụ và dọn sẵn mâm cơm cho hai cha con anh Tư, Thùy lại ra bờ sông nhìn về phía những ngôi nhà cao tầng, nơi có trường của cô và có cả Văn nữa. Cô ngồi thật lâu, đôi mắt luôn u sầu.
Những tưởng hạnh phúc trong tầm tay, nhưng cô bất ngờ với sự quyết định của Văn. Cô không tin đó là sự thật. Đêm cô bị nước sông cuốn đi, cô không hề biết gì. Cho đến khi tỉnh lại cô thấy mình trong một ngôi nhà xa lạ. Cô nằm trên một cái giường nhỏ xíu, ẩm mốc. Cố gượng dậy, đưa cái nhìn len qua những song sắt nơi khung cửa sổ nhỏ. Đang không hiểu điều gì đã xảy ra với mình chợt một giọng thốt lên làm Thùy giật mình. 
-       Ba ơi cô ấy tỉnh lại rồi.
Thùy quay nhìn về phía phát ra giọng nói thì thấy một người đàn ông cao to, nước da ngăm đen, cắt đầu đinh nhìn có vẻ bặm trợn bên cạnh một bé gái độ chừng chín mười tuổi. Thùy sợ hãi co mình lại thủ thế như một vận động viên võ thuật chuyên nghiệp.
-       Đừng ngồi dậy! Cô chưa khỏe hẳn đâu. Người đàn ông lên tiếng.
-       Anh là ai? Thùy hỏi lại và tỏ vẻ sợ hãi.
-       Khoan hãy hỏi, bây giờ hãy ăn một chút cháo để lấy lại sức đã.
Không chần chừ đứa bé chạy tọt xuống bếp, một lát sau bưng lên một tô cháo nóng hổi.
-       Cháo cá, cá lóc đấy. Con với ba con mới câu hồi chiều, cô ăn cho mau lại sức.
Thùy nhìn hai người chằm chằm, trước hành động này của hai người cô cảm thấy bình an hơn khi mới gặp người đàn ông  xa lạ và đứa bé. Có lẽ họ là hai cha con, thế con mẹ của đứa bé đâu? Thùy tự hỏi.
-       Cô cứ nằm đó, để con đút cho cô ăn. Đứa bé đề nghị.
-       Cám ơn con, cô tự ăn được rồi. Mà con cho cô biết tên của con được không ? Thùy hỏi lại.
-       Dạ con tên Ngọc. Còn cô.
-       Cô tên Thùy.
-       Thùy! Cô xinh đẹp như thế này mà sao lại tự tử? Bộ cô chán đời rồi sao?
Thùy chưa kịp trả lời đứa bé thì người đàn ông cắt ngang.
-       Cô Thùy còn yếu, con đừng hỏi nhiều quá. Con mau ra ngoài mời nội vào ăn cơm.
Con bé nhanh nhảu chạy ra ngoài, Thùy quay sang chưa kịp nói gì thì người đàn ông lên tiếng.
-       Đó là con gái tôi, nó được mười tuổi rồi. Tội nghiệp, mẹ nó bỏ đi khi nó còn đỏ hỏn để theo một người đàn ông khác, cũng vì tôi quá nghèo không đủ tiền để chu cấp cho cô ấy. Tất cả cũng chỉ vì cuộc sống cơ cực quá thôi cô ạ. Người đàn ông tặc lưỡi rồi nói tiếp:
- Hôm qua tôi và bé Ngọc thấy cô ngoài mé sông, biết cô vẫn còn thở cha con tôi đưa cô về đây. Quần áo cô đang mặc là của dì Bảy nhà bên kia, dì đã tắm rửa và thay cho cô, cô cứ yên tâm.
-       Cha con anh đã cứu tôi. Ơn này tôi không lấy gì để báo đền. Thùy thều thào.
-       Không cần phải đền đáp, chỉ cần cô cố gắng dưỡng sức cho cho chóng khỏe là đủ rồi. Cô cứ an tâm nghỉ dưỡng, cô cần gì thì cứ gọi, tôi không giúp được thì sẽ cho bé Ngọc mời dì Bảy giúp, dì Bảy tốt bụng lắm.
Thùy nhìn người đàn ông tỏ vẻ thân thiện hơn trước rồi gật đầu. Bên ngoài bầu trời trong xanh sau nhiều ngày mưa liên tục, gió thổi khe khẽ. Ánh nắng trưa hè chói chang rọi thẳng vào mái hiên phía trước sáng rực. Trong nhà lỗ chỗ những đốm nắng chiếu từ những lỗ thủng trên mái nhà xuống đất. Thùy thấy bàng hoàng như trong mơ khi nghe tiếng gà gáy vọng xa xa…

***
Mọi chuyện thật tình cờ phải không anh? Xơ Thùy nhìn vị linh mục rồi cúi đầu kể tiếp. Em ở đó được hai năm. Gọi là trả ơn cho cha con anh Tư. Em trở về thì anh đã vào dòng rồi. Những ngày đầu cũng thật tồi tệ. Nhưng rồi cũng tình cờ như chuyện tình của chúng ta vậy. Em đi tu. Mà không phải để hận thù hay giận dỗi. Chính tình cảm của anh và đặc biệt là của cha con anh Tư đã cho em biết thế nào là yêu thật sự. Tình yêu thật sự là tình yêu cho đi nhưng không mà không nhận lại. Em đã hiểu được tất cả những gì anh đã nói với em. Mà Chúa làm việc hay lắm. Chúa cho chúng ta những gì là tốt đẹp nhất. Chúa cho chúng ta những người chúng ta yêu thương nhất. Rồi Chúa lại lấy đi. Để cuối cùng Chúa cho ta thấy chỉ có Chúa mới quan trọng. Chúa khôn quá phải không anh?
Ừ thì Chúa khôn thật. Mà không khôn sao được. Chúa là Đấng Khôn Ngoan mà. Nhưng Người còn là một Người Cha vĩ đại nhất. Người Cha luôn biết con mình cần gì và luôn mang những điều tốt đẹp nhất cho con của mình. Chỉ những ai sống với Chúa bằng tâm tình con thảo mới nhận ra được tình yêu của Người vĩ đại như thế nào.
Tình cờ gặp lại nhau. Nhưng anh không nghĩ và cũng chưa bao giờ nghĩ chúng ta lại gặp nhau trong hoàn cảnh này. Nhưng tất cả đã nằm trong sự quan phòng của Chúa. Đó chẳng phải là tình cờ hay sao?




Share:

Truyện ngắn: LÒNG DẠ ĐÀN BÀ

Truyện ngắn: Lòng Dạ Đàn Bà

Vậy là ả si tình cha từ đó. Từ cái ngày cắm trại năm ấy. Từ cái ngày mà cha còn làm thầy. Dẫn hơn trăm đứa cả trai cả gái đi cắm trại, trời nắng, tụi con gái cứ nhao nhao than mệt, ông thầy mới ra trường tập tành mục vụ chẳng biết xử lý thế nào. Ả thì chẳng than chẳng rằng tự dưng đổ nhào ra đất. Cả đám xúm lại. Thầy hoảng hốt chạy lại xoa xoa bóp bóp trán ả. Chỉ vậy thôi mà sau mấy cái đụng chạm ấy ả lại chuyển qua “say nắng” luôn cả ông thầy.

Ả có chồng, một con. Lấy nhau chưa được bao lâu chồng bỏ ả, mang theo đứa con. Mà đâu phải tại chồng trăng hoa, ả cũng chẳng vừa. Có chồng mà cũng liếc mắt đưa tình. Nhất là đám trai trẻ chung dãy phòng trọ với vợ chồng ả. Chồng nhiều lần bắt quả tang ả tòng teng với ông thợ hồ phòng kế bên, hoặc cậu sinh viên tuổi đôi mươi ngoài đầu hẻm…Ả khóc lóc van xin. Xong đâu lại vào đấy. Ngựa quen đường cũ. Mắng chửi cũng chẳng được gì. Thôi thì chia tay. Chồng ả nói vậy.

Kể từ khi đó ả hận chồng, hân luôn cả đám đàn ông. Hận đến tận xương tủy. Thằng đàn ông nào cũng thế, qua đêm với ả, nhưng khi có chuyện thì không dám đứng ra bênh vực cho ả. Dù chính ả mới là người có lỗi.

Bữa trước thấy ông thầy xứ cùng với mấy đứa công nhân đọc kinh ở dãy phòng bên cạnh, ả tò mò tự hỏi có chuyện gì mà đọc kinh vui vẻ vậy. Tự nhiên trong lòng ả trỗi dậy cái thánh thiện vốn đã bị dục vọng bấy lâu che đậy. Ả xin tham gia cùng với mấy đứa công nhân. Rồi cũng đến nhà thờ, rồi cũng sinh hoạt giáo lý. Ả thấy thanh thản, nhẹ nhàng.

***
Người ta nói có sai đâu bao giờ: “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.” Sau cái ngày “say nắng” ông thầy, ả chủ động tìm đủ mọi cách để lôi kéo ông thầy. Mà thiệt tình với ông thầy, hồi nào giờ chỉ ở trong chủng viện có tương quan với giáo dân bao giờ đâu mà biết ai thật ai giả, ai tốt ai xấu. Thầy quý mến vì ả cứ nay mua món này, mốt mua món kia. Mà món nào ông thầy cũng thích mới đau chứ.

Bữa trời mưa lất phất. Ả gọi điện nói có chuyện buồn muốn tâm sự với thầy. Thầy dạ dạ vâng vâng, thu xếp công việc đến chỗ hẹn. Ngồi gác chéo chân, vừa thấy thầy, ả lên tiếng: “Đúng giờ heng.” Ả chủ động câu chuyện. Tâm sự đủ thứ từ chuyện phòng trọ, chuyện chồng con, chuyện mấy bà cãi nhau ngoài chợ… Nói chán ả chuyển đề tài hỏi thầy có bao giờ yêu chưa, có ai yêu thầy chưa…theo cái kiểu úp úp mở mở và mà mở cả luôn cái cúc áo. Ông thầy đang chẳng biết phải mở lời thế nào, ả nói luôn: “Chị yêu thầy!” Chưa kịp để thầy phản ứng, ả kéo tay thầy ép vào ngực mình: “Thầy nghe con tim của chị nè.”
Ông thầy đứng phách dậy, chạy ra ngoài.
Trời tối. Mưa.

***
Giúp xứ đâu được năm sáu tháng gì đó, Thầy được chịu chức. Người ta không còn gọi là thầy, mà chuyển qua gọi cha xưng con. Ngày tạ ơn, tân linh mục khóc rưng rức khi cám ơn công đoàn và gia đình. Ai nấy cũng cảm động theo. Rồi sau đó nhận được bài sai, cha chuyển đến làm cha phó một giáo xứ khác, cách xứ cũ chừng một tiếng đồng hồ chạy xe honda.

***
Ở cái giáo xứ nghèo này ai mà chẳng biết chị “Tô Hư” đọc lái lại là Tư Hô chuyên dọn dẹp phòng thánh, quét rác ở nhà thờ bao nhiêu năm nay. Chị chỉ ngoài ba mươi nhưng trông cứ như già lắm. Ngoại hình không mấy đẹp đẽ, mà cũng đủ đẹp hơn người yêu Chí Phèo. Được cái chị tưng tửng, lúc nào cũng vui cười. Nhà nghèo, lại đông em, mà chị thì lúc nắng lúc mưa nên chẳng nơi nào nhận làm việc. Cha xứ thấy thế cho vào giúp mấy việc lặt vặt ở nhà xứ.

Cha phó về, thấy thương, lâu lâu nhét cho chị vài trăm nói chị về mua thuốc cho bà. Số là mẹ chị nằm liệt đã mấy năm nay vì tai biến. Sống đời thực vật. Mấy đứa em thì cũng tứ phương làm ăn kiếm sống. Mọi việc trong gia đình đổ hết lên đầu chị. Chị hay dọn dẹp phòng khách, thi thoảng cũng giặt giũ luôn mấy cái áo lễ cho cha chánh. Bữa thấy cha phó giặt quần áo chị nói để con lo, con quen mấy công việc vặt vẵn này rồi. Cha cứ lo công việc của cha đi.

Mấy bữa trời mưa. Chị nằm co ro ở góc nhà. Nói là cái nhà mà cũng có ra cái nhà đâu. Bốn bề được bao bọc bằng mấy tấm bạt cũ, có chỗ rách toác. Mưa như được dịp cứ vậy mà ùa vào, trắng xóa cả nền đất. Số là chị bị cảm từ cái bữa dầm mưa dọn rác nghẹt ở mấy cái ống cống ngoài sân nhà thờ. Không thấy chị tới làm việc, cha phó qua nhà thăm, sẵn đem mấy lon sữa cho bà cụ. Vừa nhìn thấy chị nằm co ro như con mèo nơi xó nhà, lòng cha dậy lên một tình thương khôn siết. Tội thân phận con người. Cha tặc lưỡi.

Sau cái ngày ấy, cha thường quan tâm đến chị nhiều hơn. Thỉnh thoảng lại qua nhà không quên mang cho bà cụ mấy lon sữa bò, cho chị khúc vải may áo. Tình cảm giữa cha và giáo dân như Chúa Giêsu với đoàn chiên, cái đó tốt chứ. Cha nghĩ vậy. Nhưng hình như tình cảm cha dành cho chị Tư thì không thế. Có cái gì đó là lạ, khác lắm. Lúc đầu là thương cảm, nhưng rồi nhớ nhung chăng? Người ta nói “lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy” có sai hồi nào đâu. Mà phải chi cha cháy đống rơm đẹp chút. Còn đây rơm lỡ thời. 

Từ dạo ấy chị Tư bỗng nhiên thay đổi hẳn. Đầu tóc gọn gàng. Còn sơn móng tay đỏ chéc nữa chứ. Bữa đang giặt mấy cái áo lễ cho cha chánh, gặp cha phó chị cười tươi.
-       Bộ cha thương tui thật sao? Bộ cha không sợ người ta nói sao? Bộ cha bỏ tương lai của mình sao?
Mà biết nói với chị câu nào cho đúng với tình cảm của cha bây giờ.
-       Chị hiểu lòng tui rồi sao mà còn hỏi vậy? Mà nếu tui hồi tục chị thấy sao?
Chị cười, ừ thì mình làm lại từ đầu.
-       Con chờ! Mà …em chờ! Mà từ hồi nào giờ em có chờ ai bao giờ đâu.

***
Những ngày qua, cha trằn trọc mấy đêm không ngủ được. Nhiều lúc cha tự hỏi tại sao Chúa lại để con vào tình thế khó xử thế này. Người ta nói tiến thoái lưỡng nan quả thật không sai. Ừ thì cũng thương người ta, nhớ người ta. Con tim nó đập làm sao mà đè nén xuống được. Nhưng thiên chức linh mục thì thật cao quý. Đã cố gắng tu bao lâu nay dễ dàng bỏ chỉ vì một người phụ nữ sao? Đâu phải ai muốn làm cha cũng được.

Suy nghĩ hoài cũng bế tắc, cha quyết định xin cha chánh cho nghỉ vài ngày. Cũng thong thả việc mục vụ đôi chút. Rồi ghé thăm ông bà cố. Mà cái chính là đi linh thao để phân định ý Chúa. Cha linh hướng nói đó là những thử thách mà linh mục trẻ nào cũng phải trải qua. Bao nhiêu năm ở chủng viện ít tiếp xúc người ngoài. Nhưng một khi chịu chức, giúp xứ, tương quan với biết bao nhiêu người. Chúa đang thử thách lòng trung thành của con. Cổ nhân có câu “Tứ thập nhi bất hoặc” nghĩa là bốn chục tuổi mà thay đổi cuộc đời nữa là dang dở dở dang hết. Con suy nghĩ kỹ đi.

Ừ thì suy nghĩ kỹ. Quá kỹ là đàng khác. Kỹ là bởi cha đã trải qua gần nửa năm để tĩnh tâm, linh thao, cầu nguyện, linh hướng…mà hình như bên ngoài càng tĩnh bao nhiêu thì tâm lại càng động bấy nhiêu.

***
-       Cha xin hồi tục thật sao? Cha suy nghĩ và cầu nguyện kỹ càng chưa? – Giọng nói buồn trầm của Đức Giám Mục.
-       Dạ, con đã suy nghĩ và cầu nguyện rất nhiều. Con thấy Chúa đã gọi con nhưng đến lúc này lòng con không thuộc về Chúa nữa. Con đã đánh mất chính mình. Đánh mất chính con tim của mình. Xin cha tha lỗi cho con đã không giữ lòng trung thành.
-       Không lẽ bao nhiêu năm đi tu con cũng chưa hết lòng theo Chúa ư? Lý trí của con đâu? Còn bố mẹ, còn những người thân của con. Họ sẽ sống như thế nào với tiếng đời?

Hai chữ “tiếng đời” nghe sao chua xót quá. Cha nghĩ đến điều đó chứ. Nhưng một khi tình yêu và lòng chung thủy với Chúa không còn nữa thì làm sao cha có thể hàng ngày đứng trên bục giảng mà dạy dỗ ai được nữa. Lòng tự trọng không cho phép cha làm thế.

Hai cha con trả lại bầu khí im lặng đến lạ thường. Dường như tiếng gió thoảng cũng nghe được.
-       Cha chấp nhận đơn hồi tục của con - Đức Giáo Mục nói nhỏ.

***
      Về đến xứ, cha nhanh chóng thu gom đồ đạc rồi qua nha chị Tư. Chị ra đón vui vẻ cười nói.
-       Cha về rồi à. Cha thương tui vậy sao? Vì tui mà cha bỏ cả tương lai của mình sao? Sao cha dễ tin người vậy. Tui chỉ đùa với cha thôi mà. Chị cười khanh khách.
Chị Tư vừa dứt lời thì giọng một người phụ nữ khác vang lên:
-       Chào cha! Mà không, chào chú em mới đúng! 
Nói xong ả rút từ trong túi xách ra một gói tiền đưa cho chị Tư.
-       Vậy là đủ số tiền chúng ta giao kèo rồi nha chị. Nhiêu đó là quá đủ cho chị chạy chữa cho bà cụ, mà cũng còn để sửa lại cái nhà ọp ẹp này nữa.
-       Cha tưởng là chị ta thương cha thật hả? Cái mà chị ta cần chỉ là tiền. Tiền cha biết không. Chứ không phải là tình. Một túp lều tranh hai quả tim vàng à? Cha có sống ảo quá không? Cha có biết là ngày cha từ chối tình yêu của tôi, tôi hận cha như thế nào không?

Vị linh mục trẻ đứng như trời trồng. Bỗng đâu giọng nói của cha linh hướng vang lên bên tai: Cổ nhân có câu “Tứ thập nhi bất hoặc”, bốn chục tuổi mà thay đổi cuộc đời nữa là dang dở dở dang hết con ơi.
Dường như có gió. Rồi có mưa thì phải.

MAPHUC,sss


Share: