CHÚA NHẬT XIII – TN – CĐ Kn 1,13-15;2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43 KHI NÀO THÌ PHÉP LẠ SẼ XẢY RA?

CHÚA NHẬT XIII – TN – CĐ
Kn 1,13-15;2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Ai trong chúng ta cũng ham sống sợ chết, bởi đã được sinh ra làm người, cho dầu cuộc sống của chúng ta có muôn ngàn khó khăn, nhưng phần lớn chúng ta muốn được sống và sống trường thọ. Tuy vậy, trên thực tế rồi thì ai cũng phải chết. Thế nhưng, chúng ta không giống loài vật, chỉ có thân xác, chúng ta còn có linh hồn. Điều quan trọng là sau khi lìa đời, thân xác và linh hồn chúng ta có được phục sinh như Chúa Giê-su và nhất là được hưởng kiến nhan thánh Chúa hay không thôi.
        Tin mừng hôm nay tường thuật lại việc Đức Giê-su cứu sống một đứa bé và chữa lành người đàn bà bị băng huyết. Qua hai phép lạ này, chúng ta cần nhận ra rằng, việc được sống lại, hay sống thêm một vài năm không quan trọng bằng việc chúng ta có được sống vĩnh cửu trên thiên quốc hay không?
        Dâng thánh lễ này, chúng ta xin Chúa ban ơn cho mỗi chúng ta không chỉ biết sống trọn vẹn, sống tràn đầy ở cuộc sống dương gian này mà còn biết chuẩn bị đời sống mai sau cho mình trên thiên quốc qua đời sống bác ái, yêu thương và phục vụ.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

KHI NÀO THÌ PHÉP LẠ SẼ XẢY RA?

Kính thưa cộng đoàn! Thiên Chúa không làm ra bệnh tật và cái chết. Bài đọc 1 trích sách Khôn Ngoan nói rõ: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.” (Kn 1,13) . Vì ông bà nguyên tổ nghe theo lời ma quỷ, hậu quả của là chúng ta phải mang lấy bệnh tật đau khổ và nhất là phải chết đời đời.
Trong đời sống đạo, chúng ta thường nghe mọi người hay kể cho nhau nghe những phép lạ xảy ra ở đâu đó, cho một ai đó. Chỗ thì Đức Mẹ khóc, có chỗ Chúa chữa lành cho người bị ung thư gần chết…Vậy là chúng ta rủ nhau đến đền thánh này, nơi hành hương nọ để cầu xin, hoặc đến với cha này cha kia để xin khấn… Nói chung là chúng ta muốn xin ơn gì đó, muốn Chúa thực hiện phép lạ trên chính cuộc đời mình.
Bài Tin mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta hai phép lạ Chúa Giê-su làm đó là cứu chữa người phụ nữ bị băng huyết 12 năm và cứu sống một đứa bé. Vậy, một câu hỏi đặt ra cho chúng ta: KHI NÀO THÌ PHÉP LẠ SẼ XẢY RA?
Thưa! Phép lạ sẽ xảy ra khi chúng ta hội đủ 3 điều kiện sau:

1.   Điều kiện thứ nhất: Cần phải có lòng tin vững vàng
Trong Tin mừng, Chúa nhiều lần làm phép lạ từ việc hóa bánh ra nhiều, trừ quỷ, chữa bệnh, và đặc biệt là làm phép lạ cho sống lại  đều xuất phát từ lòng tin của người xin. Thật vậy, ông trưởng hội đường đã tín thác vào Chúa và tin rằng Chúa có thể sẽ cứu sống con của ông. Dù là trường hội đường Do thái nhưng ông đã không sợ dư luận, để đến với Chúa. Chính vì thế ông đã được Chúa nhận lời cứu sống con gái của ông.
Cũng vậy, người phụ nữ bị băng huyết 12 năm, thật là khổ sở biết chừng nào. Bởi với não trạng lúc bấy giờ của người Do thái, bệnh băng huyết bị cộng đồng từ chối và bị ô uế (x. Lv 15,19.25). Hơn nữa, tất cả những gì bà động chạm đến cũng sẽ trở nên ô uế. Vượt qua mặc cảm tội lỗi, bệnh hoạn, lấy hết cam đảm, bà sờ vào tua áo Chúa với hy vọng sẽ được cứu chữa. Trước lòng tin và sự can đảm của người phụ nữ, Đức Giê-su không những chưa lành mà còn trấn an: “Này con lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về, bình an và khỏi hẳn bệnh.” (Mc 5, 34).
Như vậy, điều kiện đầu tiên để Chúa làm phép lạ là phải có lòng tin vững vàng. Tin vững vàng nghĩa là như người đàn bà bị băng hay ông trưởng hội đường dám vượt ra ngoài khỏi phạm vi của mình, dám khiêm nhường nhận mình chỉ là kẻ yếu hèn, bất chấp người đời biết được sẽ khinh thường, thậm chí có khi mất cả địa vị và chỗ đứng trong xã hội. Liệu chúng ta có dám hạ mình xuống như ông trưởng hội đường và người đàn bà băng huyết không?

2.   Điều kiện thứ hai: Cần phải có đức cậy bền bỉ.
Ngoài đức tin đưa ông trưởng hội đường và người phụ nữ đến với Chúa thì chính nhờ đức cậy mà họ đã được chữa lành.
Người đàn bà đã vượt qua mặc cảm tội lỗi để chạm vào áo Chúa. Bà biết mình đang mắc ô uế, không thể đụng chạm đến ai vì có thể gây ô uế cho người khác, nhưng vì trông cậy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nên bà bất chấp tình trạng ô uế của mình mà đụng đến gấu áo Chúa.
Cũng vậy, ông trưởng hội đường tại sao lại không tìm đến các kinh sư và những người Pha-ri-siêu mà lại tìm đến Chúa, bởi ông đã mất niềm tin vào những nhà lãnh đạo Do thái, giờ đây, ông không những tin mà còn trông cậy vững vàng vào Lòng Thương Xót của Chúa.
Như vậy, điều kiện thứ hai để Chúa làm phép lạ là chúng ta cần phải có đức cậy bền bỉ. Thật vậy, nhiều khi chúng ta thường nghĩ tại sao phép lạ thường xảy ra cho ai đó chứ không phải cho bản thân tôi, dù tôi cũng tin, cũng xác tín vào Chúa. Thế nhưng, có lẽ như thế vẫn chưa đủ, Chúa cũng cần chúng ta biết phó thác, trông cậy hoàn toàn vào tình thương và sự khôn ngoan của Người. Bởi Chúa biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta.

3.   Điều kiện thứ ba: Cần phải có lòng mến sắt son.
Hình ảnh Chúa Giê-su cầm tay bé gái mà nói: “Ta-li-tha-khum, có nghĩa là Này bé, Thầy truyền cho con trỗi dậy đi.” (Mc 5, 41) gợi lại cho chúng ta hình ảnh trong vườn địa đàng, khi mà Đức Chúa lấy đất tạo thành con người đầu tiên và thổi hơi và lỗ mũi, ban cho con người sự sống (x. St 2, 7). Chính vì yêu mà Chúa tạo dựng và ban cho con người sự sống, chính vì yêu mà Chúa chữa lành và cứu sống con người.
Do đó, sự sống của con người được đặt trên nền tảng tình yêu. Đức Giê-su đã nhấn mạnh giới răn yêu thương như là một dấu hiệu nhận biết con người là hình ảnh của Thiên Chúa: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới đó là anh em hãy yêu thương nhau..và cứ dấu này người ta sẽ nhận ra anh em là môn đệ thầy ở chỗ anh em có lòng yêu thương nhau.” (x. Ga 13, 34-35).
Do đó, điều kiện thứ ba để Chúa làm phép lạ là chúng ta phải có lòng mến sắt son. Đức mến đó cần phải được thể hiện qua hành động. Cụ thể trong bài đọc 2 trích thư thứ hai của thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô nói rõ lòng bác ái là biết chia sẻ tinh thần và nhất là vật chất cho cho người nghèo, cho công việc truyền giáo của Giáo hội. Quả thật, Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô không chỉ yêu mến chúng ta, mà tình yêu đó còn được chảy tràn thể hiện qua lòng quảng đại, ban cho chúng ta mọi ơn ích thiêng liêng. Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì chúng ta, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho chúng ta trở nên giàu có. (x. 2Cr 8, 9-12). Vậy thì chúng ta cũng phải noi gương bắt chước Người cũng yêu thương tha nhân qua những việc làm cụ thể, bằng lời nói, bằng hành động, bằng việc rộng lòng giúp đỡ vật chất cho người nghèo, người bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội.

Nói tóm lại, Tin mừng thuật lại cho chúng ta sự việc Chúa chữa lành và cứu sống người đàn bà bị băng huyết và đứa bé. Tuy vậy, người đàn bà được chữa bệnh rồi cũng sẽ bệnh lại, đứa bé được cứu sống rồi cũng sẽ chết, vì bản chất của con người là sinh – lão – bệnh – tử. Do vậy, việc Chúa làm phép lạ chắc chắn có một lý do khác, không chỉ là cứu chữa thân xác, nhưng phép lạ đó là hình bóng cho phép lạ cao trọng hơn là cứu chữa cả xác lẫn linh hồn trong ngày cánh chung.
        Hơn nữa, dù chúng ta có sống tốt và hội đủ 3 điều kiện nêu trên  là sống đức tin vững vàng, đức cậy bền bỉ và đức mến sắt son nhưng nếu Chúa vẫn không ban ơn cho chúng ta như chúng ta cầu xin, thì cũng đừng nên than trách Chúa hoặc lý luận tại sao Chúa lại không làm phép lạ, không chữa lành, không cứu sống... Bởi đơn giản Chúa là Chúa, và ta là ai mà dám chất vấn Thiên Chúa; ta là ai mà dám ra lệnh cho Thiên Chúa. Tốt nhất hãy cứ tin, cứ trông cậy, cứ yêu mến Chúa tha thiết. Vì hạnh phúc thật sự không phải là có được ơn này ơn kia, hạnh phúc thật sự là có Chúa trong cuộc đời. Thánh Eymard đã khẳng định: “có Chúa Giê-su Thánh Thể rồi, hỏi bạn còn mong gì hơn nữa ở đời này!” (T. Eymard). Liệu chúng ta có dám khẳng định như thế hay không? Amen

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share:

LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ SỐNG VÀ CHẾT CHO CHÚA

LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ
TÔNG ĐỒ
(Cv 12, 1-11; 2Tm 4,5-8.16b.17-18)

Lời dẫn đầu lễ

        Kính thưa cộng đoàn! Hôm  nay Giáo hội long trọng mừng kính hai vị đại thánh, trụ cột của Giáo hội đó là thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ. Thánh Phê-rô được mệnh danh là tông đồ của dân Ít-ra-en, còn Phao-lô là tông đồ của dân ngoại. Hai thánh nhân có một ví trí quan trọng trong giáo hội sơ khởi, góp một phần rất lớn trong việc rao truyền Tin mừng Phục Sinh cho những con người đầu tiên ngay khi Chúa Phục sinh.
        Mừng lễ hai thánh Phê-rô và Phao-lô chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi người chúng ta biết noi gương hai thánh nhân đó là trở thành tông đồ cho Chúa ngay trong môi trường sống của mình.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

SỐNG VÀ CHẾT CHO CHÚA

        Hôm nay chúng ta mừng kính trọng thể hai thánh Phê-rô và Phao-lô. Đây quả thực là hai vị đại thánh, là cột trụ của Giáo hội, bởi các ngài đã có một vai trò rất quan trọng trong việc đưa tin mừng Phục sinh lan rộng khắp hoàn cầu.

        Khi đọc các bài đọc hôm nay có một điểm rất thú vị và dường như mâu thuẫn với đời sống thực của các ngài. Bài đọc một trích sách Công vụ tông đồ trình thuật lại cho chúng ta biết thánh Phê-rô được thiên sứ cứu thoát khỏi tay vua Hê-rô-đê. Tuy vậy, chẳng lâu sau đó, thánh Phê-rô lại bị đóng đinh ngược đầu xuống đất tại Rô-ma năm 64 dưới tay hoàng đế Nê-ra. Bài đọc 2 trích thư của thánh Phao-lô gửi ông Ti-mô-thê cho thấy ngài xác tín rằng: “Tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử, Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời.” (2Tm 4, 18). Ấy vậy mà thánh Phao-lô đã tử đạo vào năm 67.

        Điều mâu thuẫn ở đây là cả hai thánh nhân đều xác tín rằng Chúa sẽ cứu các ngài khỏi chết, ấy vậy mà các ngài vẫn chết. Vậy qua sự sống và cái chết của các ngài chúng ta học được gì?

1.     Cần phải trả lời câu hỏi: Với tôi Đức Ki-tô là ai?

Cuộc đời hai Thánh Phê-rô và Phao-lô đã sang trang mới, và các ngài chỉ sống cho Thiên Chúa khi các ngài nhận biết ra Đức Ki-tô là ai trong cuộc đời mình.

Thánh Phê-rô đại diện các tông đồ xác tín niềm tin của mình vào Đức Giê-su: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 16). Thánh Phao-lô đã được Đức Giê-su gọi đích danh trên đường đi Đa-mát để bắt bớ dân Chúa. Và chính khi ngã ngựa, Thánh Phao-lô nhận ra người mình bắt bớ là chính Đức Ki-tô. Vâng! Chỉ khi hai thánh nhân trả lời câu hỏi: “Đức Ki-tô là ai? Thì cuộc đời các ngài bước sang một trang mới, và chỉ sống cho một mình Thiên Chúa mà thôi.

Mỗi chúng ta cũng cần phải trả lời câu hỏi: “Bao nhiêu năm nay, tôi theo đạo, sống đạo, vậy với tôi, Đức Ki-tô là ai?” Một khi chúng ta trả lời được câu hỏi này, chúng ta mới có cái nhìn chính xác về Đức Giê-su để rồi có được sự thay đổi, và có một đời sống mới như hai thánh Phê-rô và Phao-lô.

2.     Thực thi sứ vụ mà Chúa trao phó

Ngay khi Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô thì Người trao cho thánh nhân nhiệm vụ cao cả đó là trở nên người nắm giữ chìa khóa Nước Trời (Mt 16,18). Còn thánh Phao-lô, một khi nhận ra bấy lâu nay mình đã bắt hại Đức Giê-su qua việc bắt hại các tín hữu thì ngài đã trở thành một tông đồ nhiệt thành mang tin mừng Phục sinh đến cho dân ngoại. Và cả cuộc đời, từ khi nhận ra Đức Giê-su là ai, từ khi được Người trao phó sứ vụ, các ngài chỉ sống là thực thi sứ vụ mà Chúa đã trao phó cho mình mà thôi.

Mỗi chúng ta, chắc hẳn cũng đã được Chúa trao cho một sứ vụ nào đó. Có thể đó không phải là một sứ vụ to lớn như hai thánh tông đồ, nhưng việc đặt để chúng ta vào trong gia đình nhỏ bé thì chúng ta hãy thực thi sứ vụ là loan truyền tin mừng Phục sinh cho các thành viên ngay trong gia đình của mình, hoặc rộng hơn là cho giáo xứ, môi trường chúng ta đang sống. Chỉ đơn giản không cần nói nhiều nhưng bằng đời sống bác ái, phục vụ.

3.     Sống và chết cho Chúa

“Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.” (Rm 14, 8) Thánh Phao-lô đã dạy cho các tín hữu Rô-ma như thế, và ngài, hay thánh Phao-lô, hay bất kỳ một vị thánh nào đi chăng nữa thì cuộc đời của các ngài đã trao phó cho bàn tay quan phòng của Chúa rồi, nên sống hay chết các ngài đều chỉ vì Chúa mà thôi. Thế nên, cho dầu các ngài đã được Chúa cứu sống khỏi vòng vây của sự dữ thì các ngài cũng ca tụng Chúa; nhưng đến lúc, Chúa muốn các ngài dùng cái chết để làm chứng cho Chúa thì các ngài cũng vui vẻ chấp nhận.

Liệu mỗi chúng ta các dám sống và chết cho Chúa hay không? Đừng vội trả lời, nhưng để thời gian kiểm chứng. Chúng ta còn nhiều dịp để chỉ mình chúng ta khi đối diện với Đấng Giàu Lòng Xót Thương chúng cha sẽ trả lời cho Người.

Nói tóm lại, mừng kính lễ hai thánh Phê-rô và Phao-lô chúng ta được dịp nhìn lại cuộc đời các ngài. Trước hết, các ngài chỉ là những con người hết sức bình thường, thậm chí học thức còn thua cả chúng ta, nhưng một khi chính các ngài xác định được Đức Giê-su là ai thì cuộc đời của các ngài đã sang trang mới. Từ đây, dù sống, dù chết các ngài vẫn một lòng tín thác vào Chúa và không ngừng loan truyền Tin mừng Phục Sinh cho muôn người.

Mừng lễ kính hai đại thánh, mỗi chúng ta cũng phải bắt chước các ngài qua việc đặt lại câu hỏi:  Với tôi, Đức Giê-su là ai? Chỉ khi nào chúng ta trả lời được câu hỏi này cách rốt ráo thì cuộc đời chúng ta mới sang trang mới, và lúc đó, chúng ta cũng có thể xác tín như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ  TÔNG ĐỒ
(Cv 12, 1-11; 2Tm 4,5-8.16b.17-18)

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
Share:

Chúa Nhật XI TN – B – TN Ed 17,22-24; 2Cr 5,6-10; Mc 4,26-34 CÙNG ĐI GIEO GIỐNG VỚI CHÚA

Chúa Nhật XI TN – B – TN
Ed 17,22-24; 2Cr 5,6-10; Mc 4,26-34

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Lời Chúa Chúa nhật 11 hôm nay trình bày cho chúng ta hiểu biết về Mầu Nhiệm Nước Trời. Mầu nhiệm ấy như hạt giống gieo vào lòng đất, ngày đêm cứ âm thầm nảy nở, đến một ngày nó phát triển mạnh mẽ và sinh nhiều bông hạt.
        Mỗi người chúng ta được mời gọi trở thành cộng tác viên đắc lực trong việc làm phát triển Nước Thiên Chúa ở trần gian này qua một đời sống chủ động, tích cực, bác ái và yêu thương.
        Dâng thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi người chúng ta biết chuẩn bị tốt mảnh đất nơi tâm hồn mình, để khi Chúa gieo Lời của Người vào đó, nó sẽ trổ sinh nhiều bông hạt.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.


SÁM HỐI

1.   Lạy Chúa, Chúa đã đến trần gian để gieo hạt giống Lời Chúa vào tâm hồn chúng con.
X. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

2.   Lạy Chúa Ki-tô, Chúa đã tẩy rửa tâm hồn chúng con, để tâm hồn chúng con trở thành thửa đất tốt.
X. Xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con.

3.   Lạy Chúa, Chúa đã làm cho hạt giống Lời Chúa nảy nở, và phát triển lớn mạnh.
X. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời…


CÙNG ĐI GIEO GIỐNG VỚI CHÚA

        Kính thưa cộng đoàn! Cha chào tất cả các con thiếu nhi. Các bài đọc trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta Mầu Nhiệm Nước Trời. Đã là mầu nhiệm thì chúng ta không thể hiểu được. Do vậy, để có thể diễn tả Mầu Nhiệm Nước Trời cho chúng ta hiểu, Đức Giê-su đã dùng những hình ảnh rất bình dị trong đời sống. Nước Trời được gieo vào trần gian như một bác nông dân trồng cây, và thu hoạch hoa màu. Chúng ta sống ở thành phố, chưa biết người nông dân người ta làm ruộng, người ta trồng rau, trồng cây như thế nào. Hôm nay, dựa vào các bài đọc, để biết người nông dân trồng cây như thế nào, và cũng để biết Thiên Chúa gieo trồng Nước Trời của Người vào trần gian như thế nào thì chúng ta hãy cùng nhau theo chân Chúa đi gieo giống trồng cây.
        Trồng cây theo cách thức của Chúa Giê-su qua 5 giai đoạn:

1.   Giai đoạn 1: Chuẩn bị hạt giống
Để có thể gieo hạt giống thì chúng ta phải có hạt giống. Hạt giống ở đây không phải là hạt của cây lúa, cây cải, hay bất kỳ một loại thực vật nào, nhưng đó là hạt giống Lời Chúa. Để có thể có được hạt giống Lời Chúa thì chúng ta cần phải biết lắng nghe và học hỏi. Lắng nghe Lời Chúa hằng ngày trong các thánh lễ, trong những giờ suy niệm, giờ chầu Thánh Thể, giờ kinh trong gia đình... Học hỏi Lời Chúa qua việc siêng năng nghe các cha giảng, đọc các sách chia sẻ, hoặc học giáo lý…
Như vậy, một khi chúng ta siêng năng đến với Chúa, lắng nghe Chúa nói thì chúng ta mới có được Lời Chúa. Một khi có Lời, chúng ta mới có thể gieo hạt giống Lời Chúa được.

2.   Giai đoạn thứ hai: Chuẩn bị đất
Giai đoạn thứ hai rất quan trọng đó chính là chuẩn bị đất. Đất ở đây chính là tâm hồn của chúng ta. Có những đất: sỏi, gai, đất khô cằn,… Cũng vậy, tâm hồn cũng có nhiều loại: tâm hồn khô cằn tội lỗi, tâm hồn sỏi đá chai cứng lòng tin, tâm hồn gai nhọn bởi những lý luận…
Mỗi người chúng ta được mời gọi chuẩn bị đất tốt nơi tâm hồn mình chính là thay đổi lại đời sống, siêng năng xưng tội, ăn năn dốc lòng chừa những thói hư tật xấu, …Có như vậy, tâm hồn chúng ta mới trở thành một thửa đất tốt để hạt giống Lời Chúa gieo vào.

3.   Giai đoạn thứ 3: Tưới nước, bón phân
Giai đoạn thứ ba của việc trồng cây đó chính là tưới nước, bón phân. Tưới nước bón phân ở đây đó chính là những nhân đức tốt mà chúng ta cố gắng làm hằng ngày. Ví dụ như đức tin, cậy, mến; hoặc bốn nhân đức trụ là khôn ngoan, công bình, can đảm, tiết độ. Đối với các con thiếu nhi là những hy sinh học tập, giúp đỡ cha mẹ trong khả năng của mình, ngoan ngoãn…
Một khi chúng ta thực hành các nhân đức này trong đời sống cách thường xuyên là chúng ta đang tưới nước và bón phân cho hạt giống Lời Chúa trong lòng chúng ta nảy mầm và phát triển.

4.   Giai đoạn thứ tư: Chờ đợi
Về điểm này, Thánh Phao-lô đã nói rất rõ: “Phao-lô trồng, A-pô-lô tưới, Thiên Chúa mới là người làm cho lớn lên.” (1Cr 3, 6). Cũng vậy, Bài Tin mừng cho chúng ta biết “đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết…” (Mc 4, 27). Thật vậy, chúng ta không thể biết được hạt giống Lời Chúa nảy nở như thế nào trong cõi lòng của chúng ta. Bởi chính Thiên Chúa mới là người là cho nó lớn lên. Nhiệm vụ của chúng ta là kiên nhẫn chờ đợi.
Nhiều khi, chúng ta nhiệt tình làm một việc gì đó tốt đẹp, xong chúng ta quá nóng lòng chờ kết quả, và đòi hỏi phải có kết quả liền. Tuy nhiên, việc lành, sự hy sinh chúng ta cứ làm, còn kết quả như thế nào thì cứ để Thiên Chúa lo liệu. Chúng ta cần xác tín bất cứ việc lành nào xuất phát từ hạt giống Lời Chúa trước sau, sớm muộn gì cũng sẽ sinh hoa kết quả.

5.   Giai đoạn thứ năm: Thu hoạch hoa lợi
Giai đoạn cuối cùng của việc trồng cây đó chính là thu hoạch hoa lợi. Người ta trồng cây gì đó cũng nhằm mục đích để thu hoa lợi thật nhiều. Ví dụ trồng lúa để lấy gạo, trồng rau để lấy rau, trồng cây to để lấy gỗ… Cũng vậy, Thiên Chúa gieo hạt giống Lời cũng nhằm mục đích thu hoạch hoa lợi. Hoa lợi chính là “những hoa quả của Thần Khí: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.” (Gl 5, 22-23). Những hoa quả đó quy về một mối lợi duy nhất là chúng ta không những được thừa hưởng Ơn Cứu Độ, mà còn có thể lôi kéo nhiều người khác về với Chúa. Từ đó, trần gian trở thành họa ảnh của Nước Thiên Chúa mà mỗi người chúng ta đều hướng đến.
       
        Nói tóm lại, hôm nay chúng ta có dịp cùng với Đức Giê-su đi gieo trồng Lời Chúa vào trần gian. Để gieo trồng và thu hoạch được nhiều hoa lợi thì cần phải trải qua 5 giai đoạn: 1) chuẩn bị hạt giống; 2) Chuẩn bị đất; 3) Tưới nước, bón phân; 4) Chờ đợi; 5) Thu hoạch hoa lợi.
        Mỗi người chúng ta hãy biết cộng tác với Chúa qua việc gieo trồng hạt giống Lời Chúa không chỉ trong tâm hồn mình mà còn trong tâm hồn người khác. Có như vậy, chúng ta sẽ trở thành một cộng tác viên chuyên gieo giống Lời Chúa vào trần gian để Nước Thiên Chúa được lan rộng khắp nơi.
        Tuy nhiên, nếu mỗi người chúng ta không cố gắng nỗ lực để hạt giống Lời Chúa nơi tâm hồn mình được nảy nở và phát triển thì Thiên Chúa là Đấng có thể làm cho “cây xanh tươi phải khô héo” (Ed 17, 24), sẽ loại trừ chúng ta ra khỏi vương quốc của Người. Và ở đó chúng ta sẽ khóc lóc và nghiến răng.


Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
Share:

Thứ Sáu tuần X TN – CĐ 1V 19,9a.11-16; Mt 5, 27-32 LUẬT CHUNG THỦY

Thứ Sáu tuần X TN – CĐ
1V 19,9a.11-16; Mt 5, 27-32

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Tin mừng hôm nay Chúa dạy cho chúng ta và nhất là những người đang sống trong đời sống hôn nhân biết chung thủy với nhau. Thật vậy, nhiều khi chúng ta nghĩ rằng chỉ khi nào bỏ vợ, bỏ chồng để lấy người khác mới là ngoại tình nhưng ngoại tình ngay khi lòng chúng ta thèm muốn một người khác đã là ngoại tình rồi.
        Dâng Thánh lễ này chúng ta cầu nguyện cho các cặp vợ chồng biết trọn đời chung thủy với nhau cho dù đời sống có nhiều khó khăn thử thách.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.
      

LUẬT CHUNG THỦY

        Kính thưa cộng đoàn! Một trong những nguyên nhân đầu tiên gây ra đổ vỡ trong đời sống gia đình đó là ngoại tình. Ngoại tình không chỉ là lên giường với nhau, hoặc là lấy vợ lấy chồng người ta nhưng Chúa đã khẳng định “bất cứ ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mt 5, 28).
        Vâng! Thưa cộng đoàn. Có vẻ như đây là đề tài rất tế nhị, vì nó đụng chạm đến cái cốt lõi của con người, đụng chạm đến cái riêng tư, đụng chạm đến cái thể diện của mỗi người. Một cái tội mà rất nhiều người sống trong bậc hôn nhân mắc phải mà không ai muốn mình bị lên án, hay bị phát hiện ra.
Thật vậy, ai cũng mong muốn mình có một gia đình hạnh phúc, một vợ một chồng và các con. Tuy nhiên, dường như đó chỉ hạnh phúc của ai đó, chứ không phải của tôi. Phần lớn những người sống trong đời sống gia đình luôn bị cám dỗ thèm muốn chồng hoặc vợ của người khác. Nguyên nhân dẫn nhiều người đến chỗ ngoại tình chính là không thỏa mãn với tình yêu và không thỏa mãn tình dục.

1.   Trước hết, không thỏa mãn tình yêu.
        Khi yêu thật đẹp, hai người luôn cảm thấy người mình yêu đẹp đủ mọi mặt, và mỗi người đều ráng sức tìm cách thu hút đối tượng của mình đủ mọi cách. Tuy nhiên, khi cưới nhau về, thì mọi việc lại khác. Đụng chạm nhau hằng ngày, bao nhiêu tính tốt lẫn trăm ngàn tật xấu bắt đầu lòi ra. Hơn nữa, nhiều cặp vợ chồng cứ nghĩ rằng lấy nhau rồi có con có cái là bao nhiêu tình thương dành hết cho con. Rồi còn công ăn việc làm, kinh tế lo cho gia đình, rồi còn các tương quan nội ngoại, bạn bè… Thế nên, vợ chồng không còn thời gian dành cho nhau, không chăm sóc nhau như khi là tình nhân. Chính vì thế, nhiều vợ chồng lấy nhau về thì không cảm thấy mình được yêu, được chăm sóc, được chiều chuộng như khi còn là tình nhân. Do vậy, chỉ cần một ánh mắt, một sự quan tâm của ai đó dù chỉ là thoáng qua cũng có thể làm cho tâm hồn mình có những rung động. Và một khi không làm chủ được cảm xúc của mình thì chắc chắn người thứ ba sẽ xem đời sống của hai vợ chồng lúc nào không hay.


2.   Nguyên nhân thứ hai chính là không thỏa mãn tình dục.
        Cưới nhau rồi, cái gì cũng hiểu nhau, ngay cả vấn đề tình dục. Đâu phải lúc nào vợ chồng cũng sẵn sàng để đến với nhau, chưa kể đến vấn đề tuổi tác, về sức khỏe, về nhu cầu mỗi người mỗi khác. Hơn nữa, vợ chồng sống với nhau nhiều khi không hiểu nhau, không hiểu nhu cầu của nhau, không biết chồng mình, vợ mình đang muốn gì, đang cần gì ở mình. Và một khi nhu cầu tình dục cao mà người vợ hoặc chồng không biết, hay không đáp ứng được thì bắt đầu đi tìm kiếm thú vui bên ngoài để thỏa mãn.

        Vâng! Thưa cộng đoàn, đời sống chúng ta đâu phải chỉ sống bằng bản năng, nhưng chúng ta chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Đời sống hôn nhân không chỉ có tình yêu và tình dục mà thôi. Đời sống hôn nhân là một ƠN GỌI NÊN THÁNH. Xin nhắc lại đời sống hôn nhân chính là một ơn gọi. Và vì là một ơn gọi nên một khi đã cầm tay nhau Ký Kết Giao Ước: Anh/em sẽ trọn đời chung thủy với nhau, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng mọi ngày suốt đời, thì cho dù sau này không yêu, không thỏa mãn tình dục cũng phải ở với nhau, cũng phải có trách nhiệm với nhau và giúp nhau nên thánh. Giúp nhau nên thánh đó mới làm nên ý nghĩa đích thực trong đời sống gia đình. Nên thánh, đơn giản đó là chu toàn bổn phận Chúa đã trao phó, đó là bổn phận của một người cha, người chồng, bổn phận của một người mẹ, người vợ.

        Nói tóm lại, đời sống hôn nhân luôn là một thách đố cho mỗi người chúng ta. Luật chung thủy có thể là một gánh nặng cho chúng ta. Chúa đòi chúng ta phải giữ luật chung thủy cách trọn vẹn, nghiêm ngặt đến nỗi móc mắt, chặt tay nếu chúng là nguyên nhân khiến cho chúng ta lỗi luật hôn nhân. Tuy nhiên nếu chúng ta biết bám vào Chúa, xin ơn Chúa đặc biệt là Chúa Giê-su Thánh Thể thì chắc rằng đời sống vợ chồng sẽ luôn được bình an và hạnh phúc. Amen.


Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
Share:

Thứ Tư tuần X TN – CĐ 1V 18, 20-39; Mt 5,17-19 VAI TRÒ CỦA LỀ LUẬT TRONG ĐỜI SỐNG

Thứ Tư tuần X TN – CĐ
1V 18, 20-39; Mt 5,17-19
Lễ kính thánh An-tôn Pa-đô-va (13/6)

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Trong cuộc sống chúng ta phải tuân giữ rất nhiều luật, nào là luật dân sự, Luật Giao thông,.. trong Giáo hội thì Luật Hội Thánh, nhưng với Đức Giê-su thì chỉ có một luật mà thôi, luật đó không ghi chép trên sách vở nhưng được ghi khắc vào tâm khảm, đó là Luật Yêu Thương.
        Tin mừng hôm nay Chúa nói rõ Chúa đến không phải để bãi bỏ Luật và các Ngôn sứ nhưng là để kiện toàn luật, đưa luật đến chân lý vẹn toàn đó là để phục vụ con người và đưa con người đến sự sống.
        Hôm nay cũng là ngày 13/6, ngày lễ Thánh An-tôn Pa-đô-va. Thánh nhân sinh vào tháng 8 năm 1195, Bồ đào Nha. Từ tấm bé, Antôn đã tỏ ra hiền lành. Thánh nhân được hấp  thụ một nền giáo dục đạo đức và đầy bác ái, nên Ngài sớm nhận ra tiếng Chúa mời gọi. Thánh nhân xin gia nhập Dòng thánh Augustinô và được nhà Dòng, Bề Trên cho lãnh nhận sứ vụ linh mục. Nhờ tài lợi khẩu, nhờ gương sáng đạo đức và thánh thiện, Ngài được các Bề Trên tin tưởng, tín nhiệm sai đi giảng khắp nơi và lo công việc đào tạo, giáo dục các tu sĩ trong Dòng. Chúa Thánh Thần luôn tác động tâm hồn thánh nhân, nên lời giảng của Ngài luôn luôn có sức thu hút, lôi cuốn nhiều người. Chúa củng cố lời giảng của thánh Antôn Pađua bằng nhiều phép lạ kèm theo. Thánh nhân đã có ảnh hưởng rất lớn tại Ý, tại Pháp, thánh nhân làm việc không mệt mỏi, không ngơi nghỉ. Thánh nhân ra đi trong an bình, trở về với Chúa khi Ngài mới tròn 36 tuổi, ngày 13 tháng 6 năm 1231. Thánh nhân rất nổi tiếng về các nhân đức và các phép lạ Ngài đã làm. Năm 1946, Đức Giáo Hoàng Piô 12 đã tôn phong thánh Antôn Pađua làm tiến sĩ Hội Thánh.
        Dâng thánh lễ này chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho những ai nhận thánh hiệu là An-tôn biết noi gương thánh quan thầy mà làm chứng cho Chúa trong đời sống của mình. Đồng thời cũng cầu nguyện cho mỗi người chúng ta biết làm chứng cho Chúa trong việc giữ Luật yêu thương.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

VAI TRÒ CỦA LỀ LUẬT
TRONG ĐỜI SỐNG

Kính thưa cộng đoàn! Bất cứ quốc gia hay tổ chức lớn nhỏ nào trong xã hội loài người đều cần có luật, để giữ kỷ cương phép tắc, giữ trật tự an ninh và đảm bảo sự công bằng xã hội. Tuy nhiên đó là luật dân sự, luật con người, còn ở đây chúng ta chỉ nói đến Lề Luật, nghĩa là Luật Chúa mà thôi.
Thật vậy, Luật Mô-sê và các ngôn sứ mà Chúa Giê-su nói đến chính là lối nói chỉ về toàn bộ sách Kinh Thánh Cựu Ước. Những người Do thái cho rằng Chúa đã không tuân giữ Lề Luật nên đã chống đối Chúa. Tuy nhiên, Tin mừng hôm nay Chúa đã nói rất rõ ràng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc Lời các Ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5, 17)
Trước lời khẳng định của Chúa, chúng ta thấy được: VAI TRÒ CỦA LỀ LUẬT TRONG ĐỜI SỐNG.

1.   Lề luật để phục vụ con người.

Những nhà Pha-ri-siêu và các kinh sư được biết đến như những người giữ Luật nghiêm ngặt nhất. Điều đó là tốt. Nhưng cái không tốt ở đây là họ quá bán vào Luật như là cứu cánh, họ nghĩ rằng chính khi giữ Luật cách nghiêm ngặt họ sẽ được hưởng ơn Cứu Độ. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã dạy cho họ và cũng là cho chúng ta một bài học về cách giữ Luật đúng với Thánh Ý Thiên Chúa nhất. Lề Luật là để phục vụ con người, đưa con người đến với Thiên Chúa và tha nhân, chứ con người không nệ luật.  Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Rô-ma đã nói rõ: “Giữ Luật theo tinh thần chứ không phải theo chữ viết của Luật.” (Rm 2m 29).

2.   Lề luật để cứu sống con người.

Trong vụ án xử Đức Giê-su những người Do thái đã khẳng định: “Cứ theo Luật thì nó phải chết.” (Ga 19,7). Điều đó có nghĩa là trong tâm thức của người Do thái nói chung và người Pha-ri-siêu và các Kinh sư nói riêng Luật là để xét xử con người. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã khẳng định luật là để cứu sống con người: “Ngày Sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sa-bát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabát.” (Mc 2, 28-28). Nghĩa là con người làm chủ Lề Luật chứ không phải Luật làm chủ con người.

3. Không được xem thường Lề Luật

Khi Chúa Giê-su nói sẽ kiện toàn Lề Luật thì không có nghĩa là Người tìm cách để lách luật và để tìm sự dễ dãi. Về điểm này, nhiều người chúng ta cũng rất dễ hiểu sai lời Chúa. Và nghĩ rằng: nếu Chúa nhấn mạnh đến tinh thần của Luật thì hay quá, đâu có gì bắt buộc, giữ đạo dễ thôi, miễn là trong lòng mình có Chúa là được rồi. Hiểu như thế là hoàn toàn sai với Thánh ý của Chúa. Chính vì thế, Chúa đã khẳng định: “Ai bãi bỏ dù chỉ là một điều răn nhỏ nhất, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời.” (Mt 5, 19).

Như vậy, Luật Cựu ước chưa hoàn thiện, vì toàn bộ Luật ấy là quy hướng về Đấng Cứu Độ, hay nói cách khác là Luật Cựu ước chỉ là những hướng dẫn để con người quy hướng về Đức Giê-su. Thế nên, Luật ấy chỉ là hình bóng của Luật Mới, Luật mà Đức Giê-su mang lại cho con người, Luật yêu thương.
Bài Tin mừng hôm nay một lần nữa Chúa Giê-su lưu ý chúng ta phải hiểu biết ý nghĩa và mục đích của Lề Luật. Tất cả mọi khoản luật của Giáo Hội, của Dòng tu, của Chủng viện, của Giáo xứ… đều nhằm giúp ta thêm mến Chúa và yêu người. Giữ những luật đó mà lòng không mến Chúa và yêu người thì vô ích. Dựa vào những khoản luật đó để làm khổ người khác là phản lại luật. Xin cho mỗi người chúng ta biết vâng theo lời dạy của Chúa, để hân hoan giữ luật Chúa và Hội Thánh truyền trong tinh thần yêu mến và liên kết trong Người, hầu cho luật không còn là gánh nặng, nhưng giúp chúng chúng ta ngày một nên giống Chúa hơn. Amen

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


                                                                               
Share:

LỄ KÍNH THÁNH ĐAMINH SAVIO BỔN MẠNG BAN LỄ SINH NHỮNG ĐỨC TÍNH CẦN CÓ CỦA MỘT LỄ SINH.

LỄ KÍNH THÁNH ĐAMINH SAVIO
BỔN MẠNG BAN LỄ SINH

NHỮNG ĐỨC TÍNH CẦN CÓ CỦA MỘT LỄ SINH.
Kính thưa cộng đoàn! Và cha chào tất cả các con thiếu nhi!
Nếu chúng con ăn cái gì đó mà nhạt nhẽo có ngon không? Thật là nhạt nhẽo khó nuốt nếu thức ăn thiếu muối, hoặc không có muối. Hơn nữa, muối còn có tác dụng tốt nhất là bảo quản và thanh tẩy. Không có muối, mọi thứ sẽ bị hủy hoại nhanh chóng. Bản chất của muối là mặn, mà nếu muối mà không còn mặn nữa thì sẽ không còn là muối.
        Cũng vậy, chúng ta không đương nhiên là ánh sáng, nhưng vì chúng ta có nguồn gốc từ Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là ánh sáng “(1Ga 1,5) và chỉ có Chúa Giê-su mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga 8,12), nên ở nơi chúng ta cũng phản ảnh ánh sáng của Thiên Chúa. Ánh sáng tự nó có bản chất chiếu soi mọi nơi tối tăm. Không có sự đồng lõa, mập mờ giữa ánh sáng và bóng tối. Bất cứ ở đâu có ánh sáng thì ngay lập tức bóng tối nơi đó bị hủy diệt.
        Như vậy, Chúa nói chúng ta là muối, là ánh sáng cho trần gian có nghĩa là bản chất của chúng ta là những chứng nhân sống động của Chúa cho thế gian. Muối mà nhạt đi, ánh sáng mà bị để dưới cái thùng thì coi như hỏng. Cũng vậy, chúng ta sống mà không làm chứng tá cho Chúa và vương quốc của Người thì coi như hỏng rồi. Đời sống của chúng ta không còn giá trị gì nữa.
        Mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên muối và ánh sáng như lời Thánh Phao-lô đã nói trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng. Mà ánh sáng mang lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật.” (Ep 5, 8-9).
Không cần chúng ta phải làm những gì to tát, chỉ cần chúng ta trở nên ánh sáng và muối ngay trong chính đời sống của mình. Hôm nay là bổn mạng của Ban Lễ Sinh – lễ Thánh Đaminh Savio, chính vì thế cha xin được chia sẻ cách đặc biệt với Ban Lễ Sinh đề tài: NHỮNG ĐỨC TÍNH CẦN CÓ CỦA MỘT LỄ SINH.

1. Đức tính thứ nhất: Siêng năng đi lễ
Thật vậy, để có thể trở thành một lễ sinh thì đức tính đầu tiên cần có đó là có thói quen siêng năng đi lễ. Thánh Savio là một chứng nhân sống động cho các con về việc siêng năng đi lễ. Ngay từ khi cậu Savio được 5 tuổi thì ngày ngày đã theo mẹ đến nhà thờ dâng lễ. Thậm chí có nhiều ngày trời đầy tuyết lạnh giá nhưng cậu vẫn không bỏ lễ.
Cha giúp nhiều giáo xứ, nhưng khi về Khiết Tâm này cha rất ngạc nhiên vì một tuần thiếu nhi đi lễ có 2 ngày. Còn những ngày khác các con đi đâu? Nhiều bạn sẽ trả lời là đi học. Tuy nhiên, trên thực tế con số đi học vào giờ Thánh lễ chiếm một phần rất nhỏ, không đáng kể. Ở những xứ khác, thiếu nhi đi lễ cả tuần, ngày nào cũng đi, nếu hôm đó là lễ thiếu nhi thì mặc đồng phục. Còn ở xứ mình, chỉ khi nào lễ thiếu nhi thì mới đi, không phải lễ thiếu nhi thì không đi.
Và cha càng ngạc nhiên hơn với các em trong Ban Lễ Sinh. Lẽ ra các con phải là mẫu gương là muối, là ánh sáng cho các bạn khác về việc siêng năng đi lễ. Đàng này cha để ý, chỉ lễ nào cha Quốc Anh dâng lễ các con mới đi đông, còn lại thì vắng tanh, nhiều khi bỏ cả phiên giúp. Như vậy, các con đi lễ chỉ vì vừa lòng một ai đó, chứ không phải xuất phát từ lòng yêu mến Chúa.

2. Đức tính thứ hai: Yêu thích phục vụ bàn thánh.
Đaminh Savio chưa đầy sáu tuổi, câu đã biết giúp lễ! Nhưng cậu rất buồn vì thấy mình thấp bé: cậu có thể bưng hai ve rượu và nước một cách dễ dàng nhưng đến cuốn sách lễ to tướng thì… thật là khổ hết chỗ nói! Cậu đã phải kiễng chân mãi mới với tới bàn thờ.
        Cha nhận thấy phần lớn các em trong Ban Lễ Sinh chỉ xin vào lễ sinh vì thích được sinh hoạt vui chơi, thay vì thật lòng muốn phục vụ Bàn Thánh. Tại sao cha lại nói như vậy? Là bởi vì cha Quốc Anh và các anh lớn liên tục giúp các con về phụng vụ, về kỹ năng giúp lễ hằng tuần mà các con vẫn còn rất luộn thuộm, giúp lễ nhiều khi còn gây chia chí cho cộng đoàn. Phần lớn lễ sinh không có óc quan sát và phán đoán. Trong khi cha dâng lễ, đang trên bàn thờ, cần thứ gì đó thì không phải lúc nào cha chủ tế cũng nói được. Nếu các con tập quan sát, tập óc phán đoán, chú tâm vào Bàn Thánh thì chỉ cần cha chủ tế ra hiệu là các con đã hiểu. Đàng này nhiều bạn ngay cả khi cha chủ tế gọi lại nói rõ ràng mà các con còn không hiểu ý. Vậy cha hỏi hàng tuần các con đi học phụng vụ, học cách giúp lễ các con học cái gì? Hay chỉ tụ tập vui chơi với nhau thôi?

3. Đức tính thứ ba: Say mê Chúa Giê-su Thánh Thể.
Công việc chính của lễ sinh là phục vụ Bàn Thánh, phục vụ tiệc Thánh Thể. Làm sao chúng con có thể phục vụ tốt được nếu chúng con không say mê, yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể, là chủ nhân của bữa tiệc?
Một ngày kia, đang đi ngoài đường phố để đến trường, Đaminh Saviô gặp một vị linh mục kiệu Mình Thánh cho kẻ liệt, Saviô liền quỳ sụp xuống, không để ý gì tới đường phố ướt bẩn. Khi cậu đứng lên, hai vết bùn thật lớn in rõ trên đầu gối quần cậu! Mỗi năm, tới lễ Mình Thánh Chúa, cái thú lớn nhất của Saviô là được mặc bộ đồ của các trẻ giúp lễ để được đi tung hoa hay xông hương trước Hào Quang Thánh Thể. Những lần đó cậu tưởng như đang ở trên Trời, gần các Thiên Thần của Chúa và theo Chúa Giê-su đi khắp chốn.
        Các con thiếu nhi nói chung và Ban Lễ Sinh nói riêng, thật may mắn là các con đang sống trong một giáo xứ Thánh Thể, có các cha Thánh Thể phụ giúp. Giáo xứ có những giờ chầu hằng ngày. Ấy vậy mà, chưa bao giờ cha thấy 1 em thiếu nhi nào đi chầu, đến với Chúa Giê-su Thánh Thể. Lâu lâu, sau Thánh lễ các anh chị huynh trưởng tổ chức cho các con được chầu Chúa vài phút, vậy mà nhiều bạn tỏ thái độ chán nản, mệt mỏi. Thậm chí ngay cả cha mẹ của các con nhiều người khó chịu, phàn nàn chỉ vì đi rước con mà con kẹt chầu nên ra trễ vài phút.
       
        Nói tóm lại, trong ngày lễ kính Thánh Đaminh Savio hôm nay, bổn mạng của Ban Lễ Sinh, không chỉ các bạn lễ sinh mà toàn thể thiếu nhi được mời gọi noi gương thánh nhân, trở nên là muối men, là ánh sáng cho trần gian qua việc siêng năng đi lễ, yêu mến phục vụ và yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể. Một khi chúng con làm được ba việc này là chúng con đang làm cho muối của mình thêm mặn và ánh sáng ngày càng tỏa rạng. Nhờ đó mà mọi người có thể nhận ra tình yêu của Thiên Chúa. Và cũng nhờ đó mà Chúa luôn ban nhiều ơn lành xuống trên các con. Amen.

        Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share:

Thứ Ba tuần X TN – CĐ 1V 17,7-16; Mt 5, 13-16 TRỞ NÊN MUỐI VÀ ÁNH SÁNG NGAY TRONG CHÍNH GIA ĐÌNH

Thứ Ba tuần X TN – CĐ
1V 17,7-16; Mt 5, 13-16

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Tin mừng hôm nay Chúa Giê-su đã nói với các tông đồ mà cũng là nói với mỗi người chúng ta: “Anh em là muối, anh em là ánh sáng cho trần gian.”
        Dẫu biết rằng đời sống của chúng ta là muối, là ánh sáng nghĩa là phải làm chứng tá cho Thiên Chúa, tuy vậy, bản thân chúng ta yếu đuối bởi bị ma quỷ và tội lỗi kìm kẹp, thế nên nhiều người trong chúng ta đã làm cho muối nơi mình không còn mặn nữa và ánh sáng đã tàn lụi.
        Dâng Thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban thêm sức mạnh để chúng ta vượt qua được những giới hạn của bản thân, sống xứng đáng là muối, là ánh sáng cho trần gian theo thánh ý Chúa.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Thánh lễ.


TRỞ NÊN MUỐI VÀ ÁNH SÁNG
NGAY TRONG CHÍNH GIA ĐÌNH

Kính thưa cộng đoàn! Nhiều khi nghe Tin mừng chúng ta thấy còn xa cách và dường như chưa thiết thực, chưa đụng chạm đến chúng ta. Tuy vậy, Lời Chúa hôm nay lại rất rõ ràng và liên quan trực tiếp đến chúng ta, Chúa nói rằng: Chính anh em là muối cho đời…Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. (x.Mt 15,13-14).
        Thật là nhạt nhẽo khó nuốt nếu thức ăn thiếu muối. Hơn nữa, muối còn có tác dụng tốt nhất là bảo quản và thanh tẩy. Không có muối, mọi thứ sẽ bị hủy hoại nhanh chóng. Chúa nói chính anh em là muối cho đời. Bản chất của muối là mặn, mà nếu muối mà không còn mặn nữa thì sẽ không còn là muối.
        Cũng vậy, chúng ta không đương nhiên là ánh sáng, nhưng vì chúng ta có nguồn gốc từ Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là ánh sáng “(1Ga 1,5) và chỉ có Chúa Giêsu mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga 8,12), nên ở nơi chúng ta cũng phản ánh ánh sáng của Thiên Chúa. Ánh sáng tự nó có bản chất chiếu soi mọi nơi tối tăm. Không có sự đồng lõa, mập mờ giữa ánh sáng và bóng tối. Bất cứ ở đâu có ánh sáng thì ngay lập tức bóng tối nơi đó bị hủy diệt.
        Như vậy, Chúa nói chúng ta là muối, là ánh sáng có nghĩa là bản chất của chúng ta là những chứng nhân sống động của Chúa cho muôn thế hệ. Muối mà nhạt đi, ánh sáng mà bị để dưới cái thúng thì coi như hỏng. Cũng vậy, chúng ta sống mà không là chứng tá cho Chúa và vương quốc của Người thì coi như hỏng rồi. Đời sống của chúng ta không còn giá trị gì nữa.
        Mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên muối và ánh sáng như lời Thánh Phao-lô đã nói trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng. Mà ánh sáng mang lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật.” (Ep 5, 8-9). Không cần chúng ta phải làm những gì to tát, chỉ cần chúng ta trở nên ánh sáng và muối ngay trong gia đình của mình. Qua hai điểm sau đây:

1.   Điểm thứ nhất: An vui trong địa vị Chúa đã đặt.
Nghĩa là người làm ông, làm cha, làm chồng thì phải sống sao cho đúng với tư cách làm chồng làm cha của mình. Cũng vậy, người bà, người mẹ phải chu toàn trách nhiệm trong phận vụ Chúa đã trao phó. Mỗi cây mỗi cành, mỗi nhà mỗi cảnh, gia đình nào cũng có những khó khăn nhất định. Đừng hễ có khó khăn gì là chúng ta nản lòng, than vãn. Chồng thế này, vợ thế kia, con thế nọ. Những lúc gia đình khó khăn không phải là lúc chúng ta than vãn cho bằng hãy thể hiện gương sáng qua việc trở nên là muối, là men, là ánh sáng; để qua đời sống tốt lành của bản thân những người còn lại trong gia đình thấy đó mà biết ăn năn lỗi lầm. Một Mô-ni-ca đã trở nên ánh sáng và muối ngay trong chính gia đình mình, khi mà bà đã khóc và cầu nguyện suốt mấy chục năm trời. Cuối cùng, người chồng, người con đã trở về đường ngay nẻo chính.

2.   Điểm thứ hai: trở nên gương mẫu trong đời sống gia đình
Thật vậy, nhiều gia đình, cha mẹ đã đánh mất đi vai trò là muối và ánh sáng của mình qua việc làm gương mù gương xấu cho con cháu. Làm sao cha mẹ có thể dạy con sống tốt lành khi mà cãi nhau như cơm bữa, chồng thì say xỉn tối ngày, vợ thì quần này áo nọ, son này phấn kia,…đến giờ đi lễ thì ba ngồi nhậu với bạn bè hoặc nằm xem tivi, còn mẹ thì lê la qua hàng xóm tám đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.

        Vâng! Thưa cộng đoàn, chẳng cần chúng ta làm chứng đâu xa xôi, chỉ cần chúng ta chu toàn tốt bổn phận làm cha làm mẹ, làm ông làm bà gương mẫu trong chính gia đình của chúng ta thì chúng ta đã thể hiện được bản chất là muối là ánh sáng rồi. Thánh Phao-lô đã khẳng định: “Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm cũng không thuộc về bóng tối” (1Tx 5,5). Do vậy, trong vai trò và phận vụ của mình chúng ta cũng được mời gọi phản ảnh rõ nét nhất ánh sáng và muối mặn trong gia đình. Nguyện xin cho những người sống trong đời sống gia đình biết trở nên ánh sáng và muối men cho gia đình ngang qua việc chu toàn bổn phận Chúa trao phó và luôn biết sống làm gương mẫu cho con cháu. Amen.

Lm. Mar - Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS



Share:

CHÚA NHẬT TUẦN X TN – B – CĐ St 3, 9-15; 2Cr 4, 13-5,1; Mc 3, 20-35 NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY RA RẠN NỨT TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

CHÚA NHẬT TUẦN X TN – B – CĐ
St 3, 9-15; 2Cr 4, 13-5,1; Mc 3, 20-35

Lời dẫn đầu lễ
        Kính thưa cộng đoàn! Đời sống gia đình chưa bao giờ hết thách đố. Cưới nhau là một chuyện, nhưng về chung sống với nhau, đưa nhau đến hạnh phúc đích thực trong đời sống hôn nhân lại là chuyện khác.
        Lời Chúa Chúa Nhật X thường niên hôm nay đưa ra cho chúng ta những thách đố trong đời sống gia đình.
        Chúng ta tụ họp nhau nơi đây để dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các anh chị …trong ngày cưới, luôn biết đặt Chúa là trung tâm của đời sống gia đình. Để cho dù đời sống hôn nhân có khó khăn đến đâu đi chăng nữa thì nhờ có Chúa đồng hành, gia đình của các anh chị vẫn bình an và hạnh phúc.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Thánh Lễ.



NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY RA
RẠN NỨT TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Trong trang báo điện tử BáoMới.com có bài viết “Những nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng ly hôn”, tác giả Mộc Trà đưa ra 8 nguyên nhân sau: 1. Ngoại tình, 2. Thường xuyên cãi vã, 3. Mâu thuẫn xung đột, bạo lực kéo dài, 4. Chăn gối không hòa hợp, 5. Ít tranh luận, 6. Mâu thuẫn về tiền bạc, 7. Ghen tuông thái quá, 8. Kỳ vọng thiếu thực tế.
Tuy vậy, đó chỉ là những nguyên nhân ngọn, theo nhãn quan xã hội. Với chúng ta là những ki-tô hữu, đời sống chúng ta liên quan trực tiếp đến Thiên Chúa, vì thế những nguyên nhân gốc gây ra rạn nứt trong đời sống gia đình cũng có liên quan đến Thiên Chúa. Do vậy, dựa vào Lời Chúa của Chúa nhật tuần X thường niên này, (đặc biệt cũng là ngày cưới của các bạn trẻ đây), xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài: NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY RA RẠN NỨT TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH.

1.   Nguyên nhân thứ nhất, quá cậy dựa vào của cải vật chất.

Hầu hết chúng ta nghĩ rằng, để gia đình hạnh phúc thì cần phải giàu có, ít ra cũng có của cải vật chất, nhà cửa, xe cộ… Chính vì thế, sau khi cưới nhau, cả hai tập trung dành nhiều thời gian và sức lực cho công việc, để ít ra cũng có nhà cửa ổn định, một ít vốn liếng rồi mới dám sinh con. Thế nhưng, đến khi vật chất có đầy đủ thì sinh con không được, phần là quá tuổi sinh sản, phần là sử dụng các biện pháp tránh thai lâu năm làm cho cơ thể cả hai bị đảo lộn, hoặc nếu có con thì con lại bị thiểu năng, bị đao…Lúc đó bao nhiêu tiền của dành dụm bấy lâu nay lại đem ra chữa vô sinh, chữa bệnh cho con…từ đó bắt đầu có những lục đục trong đời sống, bắt đầu mất niềm tin ở nhau, bắt đầu gia đình có những rạn nứt...
Thật vậy, nguyên nhân đầu tiên gây ra những rạn nứt trong gia đình đó chính là chúng ta quá cậy dựa vào vật chất của cải, và xem của cải chính là cứu cánh của gia đình. Bằng lòng là chúng ta sống cần phải có vật chất, nhưng không vì thế mà chúng ta quên đi các giá trị tinh thần, nhất là niềm tin của chúng ta. Như Thánh Phao-lô đã nói rõ trong bài đọc hai trích thư thứ hai gửi tín hữu Cô-ri-tô: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại, sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời.” Thật vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những sự vật vô hình mới tồn tại vĩnh viễn. (x.2Cr 4, 17…).Sự vật hữu hình là tài sản, của cải vật chất… những sự vật vô hình chính là hoa trái của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. (Gl 5, 22-23). Do vậy, điều đầu tiên để gia đình phát triển đúng với thánh ý Thiên Chúa đó là phát triển kho tàng trên trời thay vì chỉ chú tâm đến của cải vật chất đời này. Vì quả thật, nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất…bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do người thế làm ra. (x.1Cr 5, 1).

2.   Nguyên nhân thứ hai, đánh mất Chúa.

Nguyên nhân thứ hai gây ra những rạn nứt trong đời sống gia đình đó là đánh mất Chúa. Điều này đã được chứng minh trong bài đọc 1. A-đam và E-va đã có được đời sống hạnh phúc, tuy nhiên ông bà không nhận ra rằng hạnh phúc Chúa ban cho ông bà chỉ là một phản ảnh rất nhỏ hạnh phúc Nước Trời. Chính vì thế, thay vì hướng đến hạnh phúc viên mãn thì ông bà đã đẩy Chúa ra khỏi cuộc đời mình để được tự do như lời ma quỷ dụ dỗ. Và ngay lập tức, ông bà mở mắt, thấy mình trần truồng, …Khi nghe tiếng Đức Chúa cả hai sợ hãi và bắt đầu đổi lỗi cho nhau.
Cũng vậy, nhiều gia đình chỉ chú tâm đến vật chất nên không còn nhận ra ân ban của Chúa. Chính vì thế họ sống như thể không có Chúa. Nhưng họ đâu biết rằng, những của cải họ đang có chính là ơn Chúa ban nhưng không. Những của cải Chúa ban đó không là cứu cánh cho gia đình, nhưng qua của cải, con người hướng đến Chúa là hạnh phúc đích thực trên thiên đàng.
Cũng như nguyên tổ, một khi đẩy Chúa ra khỏi đời mình thì làm sao con người có được hạnh phúc mà mang lại hạnh phúc cho nhau. Chính vì thế, gia đình rạn nứt, chồng đổi lỗi cho vợ, vợ đổi cho chồng…hậu quả là cha mẹ con cái mất niềm tin vào nhau, giết nhau, loại trừ lẫn nhau. Lúc này, chúng ta có thể liệt kê ra không chỉ 8 nguyên nhân như nhà báo Mộc Trà, mà còn hàng trăm nguyên nhân khác: nào là ngoại tình, thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn xung đột, bạo lực kéo dài, chăn gối không hòa hợp ít tranh luận, mâu thuẫn về tiền bạc, ghe tuông thái quá, kỳ vọng thiếu thực tế…

3.   Nguyên nhân thứ ba, không tin vào ơn Chúa.

Bởi vì nhiều cặp vợ chồng xem vật chất là cứu cánh nên khước từ Thiên Chúa. Do vậy chắc chắn sẽ có những rạn nứt, đổ vỡ, bất hòa trong gia đình. Những lúc đó, thay vì chúng ta được mời gọi trở về với nguồn gốc của hạnh phúc là Thiên Chúa thì nhiều gia đình đánh mất luôn niềm tin vào Chúa. Không tin rằng gia đình sẽ được cứu chữa, không tin bản thân mỗi người được Thiên Chúa chữa lành. Chính sự mất niềm tin đó mà Chúa Giê-su đã nói: “mọi tội lỗi, dù nói phạm thượng đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha, nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì sẽ chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” (Mc 3, 28-29).
Tội phạm Thánh Thần là tội: Hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa là Cha nhân lành giầu lòng xót thương và tha thứ. Từ khước ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Phủ nhận Chân Lý mà Thần Khí Chúa đã mặc khải cho con người. Không còn nhìn nhận tội lỗi đã phạm để xin  được tha thứ

Nói tóm lại, Lời Chúa Chúa nhật X Thường niên hôm nay cho chúng ta một bài học rất cụ thể về đời sống gia đình. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra những rạn nứt, đổ vỡ đời sống gia đình, nhưng căn nguyên của tất cả đó là do nhiều gia đình đảo lộn giữa giá trị trần thế và giá trị Nước Trời, đặt của cải vật chất lên trên Thiên Chúa, hơn nữa, một khi có những thất bại, rạn nứt chúng ta lại không tin vào Lòng thương xót của Thiên Chúa, không tin Chúa có thể giúp chúng ta làm lại từ đầu, xây dựng lại gia đình đã đổ vỡ.

Vì thế, nhận ra được những nguyên nhân gây ra rạn nứt trong đời sống gia đình, mỗi chúng ta cần biết xác định lại và nhất là đặt lại tương quan với Thiên Chúa. Thiên Chúa cần được ưu tiên và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống gia đình. Có như thế, gia đình sẽ dễ dàng vượt qua mọi sóng gió vì có Chúa cùng đồng hành.

Cầu chúc cho các cặp vợ chồng hôm nay luôn biết đặt Chúa là trung tâm của đời sống. Để qua đó, cho dù đời sống gia đình có rất nhiều khó khăn thách đố nhưng vẫn vững vàng vượt qua mọi chông gai vì có Chúa đồng hành. Amen.


Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
Share:

LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU ĐỀN TẠ THÁNH TÂM

LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU
Hs 11,1.3-4.5c.8ac-9; Ep 3,8-12.14-19; Ga 9, 31-37

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
Kính thưa cộng đoàn! Trong những lần Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ Ma-ga-ri-ta Ma-ri-a A-la-cốc, Người đã mạc khải cho thánh nữ hiểu biết sâu xa về nhu cầu phải đền tạ vì các tội lỗi riêng cũng như tội lỗi toàn thế giới đã xúc phạm đến Thánh Tâm Người. Chúa Giê-su yêu cầu thánh nữ cổ động việc thường xuyên hiệp Lễ, nhất là vào các ngày thứ Sáu đầu tháng, với tâm tình đền tạ. Và lần hiện ra với thánh nữ vào tháng 6-1675, Chúa Giê-su đã phán với chị thánh rằng: “Cha đã quá yêu thương loài người, nhưng loài người không những chẳng báo ơn Cha, lại có nhiều kẻ bội bạc làm hư phép Mình Thánh và xúc phạm đến Cha, vì thế Cha muốn mỗi năm dành riêng một lễ tôn thờ Trái Tim Cha. Ngày ấy những ai có lòng mến Cha hãy rước Lễ, đền tội những người phạm đến Cha trong phép Mình Thánh. Cha hứa sẽ ban nhiều ơn cho những ai sốt sắng mừng và khuyên bảo người ta mừng lễ ấy.”
Dâng Thánh lễ này chúng ta cầu nguyện cho mỗi chúng ta không chỉ biết tín thác, yêu mến và đền tạ  Thánh tâm Chúa mà còn biết sống sao cho người khác nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời sống thường ngày của mỗi người.
Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Thánh lễ.


BÀI GIẢNG
ĐỀN TẠ THÁNH TÂM

Kính thưa cộng đoàn! Khi nói đến Thánh Tâm Chúa Giê-su chúng ta thường nghe nói đến cụm từ “phạt tạ, hay đền tạ Thánh Tâm”. Vậy Đền Tạ Thánh Tâm có nghĩa gì?
 “Đền tạ” có nghĩa là: sự sửa chữa, đền bù; nó giả thiết là đã có cái gì hư hỏng, thiệt hại, vì thế mà cần phải sửa lại hay là bồi thường. “đền” có nghĩa là bù lại, trả lại; “tạ” có nghĩa là lời xin lỗi (tạ lỗi) hay là cám ơn (tạ ơn). Như vậy, Đền Tạ Thánh Tâm là đền bù lại những lỗi lầm của chúng ta đã xúc phạm đến tình yêu của Chúa.
        Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta rất nhiều, thể hiện qua việc đổ hết máu và nước đến giọt cuối cùng, hy sinh mạng sống để cứu độ chúng ta. “Một tên lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra.” (Ga 19, 34). Tuy nhiên, dường như nhân loại ngày càng thờ ơ trước tình yêu thương vô bờ bến của Chúa. Điều đó đã khiến cho trái tim của Chúa càng thêm đau buồn và cô đơn. Chính vì thế, hơn bao giờ, hết chúng ta được mời gọi đền tạ Thánh Tâm Chúa, để đáp lại tình yêu của Người.
        Đền tạ Thánh Tâm Chúa bằng cách nào đây? Xin được gợi ý với cộng đoàn 3 điểm sau.

1.   Sống đức tin mạnh mẽ.

Trước hết, chúng ta có thể đáp lại tình yêu của Chúa bằng việc sống đức tin cách mạnh mẽ. Đức tin là ơn Chúa ban. Tuy nhiên, Đức tin ấy sẽ không thể lớn mạnh, thậm chí có ngày sẽ tàn lụi dẫn đến mất đức tin, nếu chúng ta không biết cộng tác với ơn Chúa.
Thiên Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu qua việc ban cho chúng ta đức tin để có thể nhận biết và yêu mến Người. Trái tim của Chúa luôn thổn thức vì chúng ta, như bài đọc nói rõ: “Trái tim ta thổn thức, ruột gan ta rối bời.” ( Hs 11, 8). Sở dĩ trái tim Chúa thổn thức và ruột gan rối bời là do chúng ta chưa nhận biết và chưa đáp lại tình yêu của Chúa. Chúa luôn ban ơn đức tin để chúng ta trở về mà tôn thờ Chúa. Thế nhưng, cho dù “Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn. Nhưng nó không chịu về với Ta.” (Hs 11, 4-5)
Như vậy, điều đầu tiên chúng ta có thể làm để đền tạ Thánh Tâm Chúa chính là biết cộng tác với ơn Chúa để sống đức tin cách mạnh mẽ. Đó là luôn biết quay trở về với Thiên Chúa, cũng như không ngừng đào sâu học hỏi Lời Chúa và siêng năng tham dự Thánh lễ mỗi ngày.

2.   Sống đức cậy vững vàng

Sống đức cậy vững vàng nghĩa là chúng ta phải biết trông cậy vào Thiên Chúa thay vì cậy dựa vào của cải vật chất. Thật vậy, Đức cậy là một nhân đức Chúa phú vào linh hồn làm cho ta hy vọng chắc chắn có được Chúa là hạnh phúc vĩnh cửu, và có được những phương thế cần thiết để đạt tới hạnh phúc đó. Những phương thế Chúa ban để chúng ta đạt đến hạnh phúc, như thánh Phao-lô nói trong bài đọc hai trích thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, đó chính là Tin mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô.(Ep 3,8)
Tin mừng đó đã được giấu kín từ ngàn xưa. Những người thời Cựu ước cũng có niềm hy vọng Đấng Cứu Thế đến để giải thoát họ. Tuy nhiên, niềm hy vọng ấy không được mặc khải trọn vẹn cho đến khi Chúa Giê-su đến trần gian. Chúng ta là những người thật hạnh phúc vì sống trong thời Cứu độ, thời viên mãn, thời mà mầu nhiệm cứu độ đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa …để giờ đây được thực hiện nơi Đức Giê-su. (x. Ep 9-11)
Do vậy, cách thức thứ hai để chúng ta có thể đền tạ Thánh Tâm Chúa đó chính là sống đức cậy vững vàng. Xác tín, trông cậy vào Thiên Chúa và tin rằng Người sẽ ban cho chúng ta những ơn cần thiết để đạt đến hạnh phúc Nước Trời.

3.   Sống đức mến tràn đầy.

Đức mến là ơn Thiên Chúa ban, giúp ta có luôn biết kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu thương mọi người như chính bản thân mình. Đức mến nói cụ thể ra chính là tình yêu. Mà không phải tự nhiên chúng ta biết yêu. Chính Thiên Chúa là Tình yêu đã ban cho chúng ta tình yêu của Người. Tuy nhiên, vì nguyên tổ đã gạt Thiên Chúa là tình yêu ra khỏi cuộc đời mình, nên tình yêu của con người đã không còn trọn vẹn nữa.
Chúa đã rất mực yêu thương chúng ta, thì chúng ta cũng phải biết đáp lại tình yêu của Người cách xứng đáng. Đó chính là sự tự nguyện từ con tim của chúng ta. Mặc dù vì tội, tình yêu của ta không tròn đầy nhưng Thiên Chúa vẫn mong ngóng chúng ta đáp lại tình yêu của Người. Việc đáp lại tình yêu của Chúa được thể hiện chính bằng đời sống bác ái yêu thương, bằng việc quyết tâm chừa bỏ những tội lỗi luôn vây kín tâm hồn chúng ta.
Như vậy, cách thức thứ ba để đền tạ Thánh Tâm Chúa chính là chúng ta cần phải có Đức Mến tràn đầy. Đó là đời sống biết yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu người thân cận như chính mình.

Kính thưa cộng đoàn! Ai trong chúng ta cũng có một con tim, để rồi con tim đó biết thổn thức, biết yêu thương. Nhưng thật buồn làm sao khi chúng ta yêu mà không được đáp lại, yêu thật nhiều, mà nhận chẳng có bao nhiêu. Đối với Đức Giê-su có lẽ nỗi buồn ấy lớn hơn nỗi buồn của bất kỳ người nào trên thế gian này. Bởi yêu càng nhiều thì đau càng nhiều. Trái tim Chúa đã đổ đến những giọt máu và nước cuối cùng để mang lại cho chúng ta sự sống. Ấy vậy mà càng ngày nhân loại dường như càng thờ ơ trước tình yêu vô bờ bến của Người. Chúng ta đã phạm không biết bao nhiêu tội, từ cá nhân đến tập thể, khiến trái tim Chúa ngày càng tan nát. Đã có biết bao người không sám hối về lỗi lầm của mình, thậm chí ngay cả khi đến tòa giải tội, đối diện với Thánh Tâm đầy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mà nhiều người vẫn cứ trơ cứng cõi lòng, hoặc xưng tội như một thói quen chứ không xuất phát từ tấm lòng sám hối thật sự. Thậm chí nhiều người xưng tội còn tìm cách biện minh lý do này, lý do kia để cầu xin sự thỏa hiệp của linh mục trước tội lỗi mà mình đã phạm.

Mừng lễ Thánh Tâm Chúa, mỗi người chúng ta có dịp chiêm ngắm lại trái tim của Chúa. Qua đó, chúng ta cũng được mời gọi đền tạ Thánh Tâm Chúa qua việc sống đức Tin mạnh mẽ, sống đức cậy vững vàng và sống đức mến tràn đầy. Cả ba nhân đức này, nếu được tập luyện thường xuyên sẽ là một thói quen tốt và bền vững, giúp ta làm sự thiện một cách dễ dàng hơn. Xin cho chúng ta, nhờ lòng tin được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; xin cho chúng ta được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái. Để qua đó có thể hiểu hết được mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình yêu của Đức Ki-tô, tình yêu vượt quá sức hiểu biết. Như vậy, chúng ta sẽ đầy tràn niềm cậy trông tín thác vào Thánh Tâm Chúa. (x. Ep 3, 14-19) Amen.


Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
Share: