NẾU TÔI LÀ THIÊN CHÚA! Lễ Giáng Sinh – Lễ Đêm 24.12.2018


Lễ Giáng Sinh – Lễ Đêm 24.12.2018
Is 9, 1-6; Tt 2, 11-14; Lc 2, 1-14

NẾU TÔI LÀ THIÊN CHÚA!

Kính thưa cộng đoàn!
Trong đêm linh thánh này, đêm trời đất giao hòa, đêm mà con người và Thiên Chúa gặp nhau, đêm tràn đầy niềm vui, chúng ta cùng chúc mừng nhau bằng một băng reo nho nhỏ:
Giáng sinh – an lành
Giáng sinh – hạnh phúc
Giáng sinh – an lành hạnh phúc

XIN CÁM ƠN CỘNG ĐOÀN!

Vâng! Với một bầu khí vui tươi như thế này, lẽ ra không nên nói những điều tiêu cực, tuy vậy, xin được mở đầu bài chia sẻ hôm nay với một trích đoạn trong Thư Gửi Các Gia Đình Công Giáo của Hội Đồng Giáo Mục Việt Nam - 2016:“Chúng ta không thể phủ nhận thực tế này là tình trạng vợ chồng Công giáo ly thân và ly dị đang có chiều hướng gia tăng, cách riêng nơi các gia đình trẻ; bạo hành gia đình vẫn là điều nhức nhối; một số bạn trẻ sa đà vào lối sống buông thả về mặt tình dục, chủ trương sống chung, sống thử trước hôn nhân; tệ nạn phá thai lan tràn đến mức coi thường…

Khi nghe những điều như thế, cộng đoàn nghĩ gì?
Nhưng! Với tôi, tôi nghĩ rằng:

1.   Nếu tôi là Thiên Chúa tôi sẽ cho phép ly dị.
Bởi nếu tình yêu ban đầu không còn nữa, nếu vợ chồng không còn có thể chung sống được với nhau được nữa, nếu gia đình không còn là tổ ấm nữa, không còn là nơi bình yên để trở về nữa, thì còn cố níu kéo làm gì. Thôi thì hãy giải thoát cho nhau.

2.   Nếu tôi là Thiên Chúa, tôi sẽ cho phép phá thai.
Vì thà đứa trẻ không được sinh ra đời, còn hơn ra đời mà bị bỏ rơi, bị hắt hủi, bị giết chết cách tàn nhẫn bởi chính những người đã sinh ra chúng.

3.   Nếu tôi là Thiên Chúa, tôi sẽ cho phép hôn nhân đồng tính.
Có rất nhiều người sinh ra thuộc giới tính thứ ba bị khinh miệt, bị kỳ thị, bị bỏ rơi …thậm chí bị coi là bệnh hoạn, là biến thái…
Những người như thế, hoàn toàn không phải là lỗi của họ, họ cũng có quyền sống, quyền được yêu thương, quyền được kết hôn…

TUY NHIÊN, rất tiếc tôi không là Thiên Chúa, và tất cả chúng ta ở đây cũng không phải là Thiên Chúa. Thế thì tại sao Thiên Chúa lại cấm ly dị, cấm phá thai, và không cho kết hôn đồng tính?

CÂU CHUYỆN GỢI Ý

Trước khi trả lời cầu hỏi này xin phép kể hầu cho cộng đoàn một câu chuyện, mà chính bản thân tôi là người đã trải qua.
Tôi còn nhớ rất rõ một đề thi trong một môn mà tôi được học khi còn là sinh viên, nội dung như sau: Anh/chị hãy so sánh sự khác biệt cơ bản về lòng yêu thương con người giữa vị chủ tịch của chúng ta với Chúa Giê-su?
Tất cả các sinh viên Công giáo, trong đó có tôi, rất bối rối vì không biết trả lời câu hỏi này như thế nào? Sau đó, khi được hỏi, giáo viên trả lời rằng: Vị chủ tịch của chúng ta yêu thương con người bằng cách đến với con người, đồng hành với con người, cụ thể là làm cách mạng để giải phóng dân tộc. Còn ông Giê-su thì cũng yêu con người đấy, nhưng là yêu từ trên cao, không đồng hành với con người…

Vâng thưa cộng đoàn! Một ông Giê-su mà người ta cho rằng xa cách với con người, yêu thương con người từ trên cao; thế thì tại sao hôm nay, hơn 1,3 tỷ người Công giáo trên thế giới mừng Lễ Chúa Giáng Sinh? Vì đêm nay, trong niềm tin của tất cả các ki-tô hữu trên thế giới: Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em.” (Lc 2, 11); “vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu chúng ta…danh hiệu của người là Cố Vấn Kỳ Diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thủa, Thủ Lãnh hòa bình…” (Is 9,5).

Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe tường thuật lại thân phận làm người của Đức Giê-su. Quả thật, Vị Thiên Chúa mà người ta cho là ở trên cao, xa cách con người đó, nhưng đã hoàn toàn tự nguyện trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên người phàm nhân, sống như người trần thế. Không dừng lại ở đó: Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá, để cứu chuộc con người khỏi chết muôn đời. (x. Pl 2, 6-11).

Vì thế, nếu như người ta hết lòng ca ngợi một ai đó vì đã có công làm cách mạng để giải phóng cho một dân tộc ở một thời điểm nào đó trong lịch sử; thì chúng ta tin rằng, Đức Giê-su giải thoát con người được tự do khỏi ách nô lệ của ma quỷ, cho mọi người, mọi thời và mọi nơi. Người chính là ánh sáng soi lối con người đang lầm lũi trong tối tăm của bóng đêm sự chết, như những lời trích sách Tiên tri I-sa-ia đã nói: Đoàn dân đang lần bước trong tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. (Is 9, 1).

 Chính khi đã làm người cách trọn vẹn, thấu hiểu được thân phận con người, nên Đức Giê-su đã ban ÂN SỦNGLUẬT YÊU THƯƠNG để đổi mới và cứu độ con người. Như lời của thánh Phao-lô gửi ông Ti-tô mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc 2: “Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức…” (Tt 2, 12)

Đến đây chúng ta có thể trả lời được câu hỏi: Tại sao luật Chúa không được ly dị, không được phá thai, và không được kết hôn đồng tính?

Thưa, là vì Chúa đến thế gian để cho chiên được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 1-10). Do đó, Chúa đã ban Luật Yêu Thương, luật mang lại sự sống. Sở dĩ, chúng ta đòi ly dị, đòi phá thai, đòi kết hôn đồng tính là vì nhiều người trong chúng ta vẫn tăm tối, chưa nhận ra ánh sáng chân lý của Đức Giê-su, để rồi vẫn tiếp tục sống vô luân và những đam mê trần tục.

-        Chính đời sống vô luân và những đam mê trần tục ấy nên nhiều cặp vợ chồng hễ gặp khó khăn một chút là đòi ly dị, lầm lỡ một tý là đòi phân ly, như kiểu hăm dọa lẫn nhau.

-        Chính sống vô luân và những đam mê trần tục ấy mà người ta phá thai một cách vô tội vạ, không một chút áy náy lương tâm.

-        Chính sống vô luân và những đam mê trần tục ấy mà người ta biện minh, cổ xúy cho những quan hệ đồng giới là tốt lành, là đáng hoan nghênh. (Giáo Lý Số 2357)

Nói tóm lại, Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh năm nay, mỗi người chúng ta, không phân biệt người sống đời thánh hiến hay ơn gọi gia đình, ai cũng được mời gọi TRỞ NÊN MỘT HÀI NHI GIÊ-SU SỐNG ĐỘNG trong chính gia đình, giáo xứ và môi trường của mình; thể hiện qua việc sống lời dạy của thánh Phao-lô: Phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục mà sống chừng mực, công chính và đạo đức.

Cộng đoàn phụng vụ thân mến! Những gì chúng ta vừa bàn bạc ở trên nghe có vẻ rất dễ dàng để có thể giữ được Luật Chúa. Nhưng những ai đã, đang trải qua đời sống gia đình, mới hiểu được những khó khăn, nghịch cảnh ngoài ý muốn gây ra đau khổ như thế nào. Tôi tin chắc rằng, bản thân những người đang sống trong bế tắc của đời sống gia đình cũng không bao giờ muốn mình lỗi luật Chúa.
        Để chứng minh đều đó, xin cộng đoàn dành thêm một ít phút nữa thôi để nghe một bức tâm thư, của một em thiếu nhi gửi cho Chúa Hài Đồng, nhân dịp lễ Giáng Sinh.

THƯ GỬI CHÚA HÀI ĐỒNG

        Kính gửi Chúa Hài Đồng!

        Chúa Hài Đồng ơi! Ngày nào cũng vậy, mỗi khi đi ngủ là mẹ lại khóc. Con hỏi tại sao mẹ khóc, mẹ nói nếu con ngoan, chăm học thì mẹ sẽ không khóc nữa.

Để mẹ không buồn, không khóc, mỗi sáng con tự thức dậy rửa mặt đánh răng, dù rằng con rất thích ngủ nướng. Mỗi buổi đến trường con chăm chú học dù con rất thích chơi đùa với các bạn. Mỗi bữa cơm con tự động ăn dù có những ngày phải ăn cơm với cá, mà con ghét nhất là cá. Mỗi buổi chiều, con tự một mình đi lễ mà không cần mẹ nhắc nhở. Chúa ơi, con cố gắng thật ngoan, chăm học…nhưng không biết tại sao đêm đêm mẹ con vẫn khóc?

Con còn nhớ năm ngoái, sau khi đi lễ Giáng Sinh về, ba mẹ cãi nhau. Thật ra con cũng đã chứng kiến biết bao nhiêu lần ba mẹ cãi nhau như thế. Nhưng lần này, linh cảm báo cho con rằng, con sẽ không bao giờ được nhìn thấy ba mẹ cãi nhau nữa.
Vậy là mẹ dẫn con về nhà ngoại, rồi ở luôn không về nhà mình nữa. Và từ khi đó, con không bao giờ gặp lại ba; và cũng từ khi đó, đêm nào mẹ cũng khóc.
        Chúa Hài Đồng ơi, năm nay con lên lớp một rồi, con đã biết đánh vần, biết đọc chữ. Bữa hôm, một tờ giấy nhàu nát dưới gối mẹ rớt ra, con vô tình đọc được vài chữ in đậm:

ĐƠN LY HÔN

Chúa ơi, bạn con nói, ly hôn nghĩa là ba mẹ mày không bao giờ về ở với nhau nữa đâu.

        Có thật như thế không, Chúa Hài Đồng?

        Nếu vậy, thà ngày ngày, con được nhìn thấy ba mẹ cãi nhau, còn hơn là đêm đêm nhìn thấy mẹ khóc. Thà ngày ngày, con được nhìn thấy ba mẹ gây gỗ, còn hơn là con không bao giờ được gặp lại ba con nữa. 


Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Khởi đầu bài chia sẻ, tôi tuyên bố có vẻ hùng hồn, làm như thấu hiểu, đồng cảm với thân phận con người lắm. Nếu tôi là Thiên Chúa thì tôi sẽ cho phép li dị, cho phép phá thai, ủng hộ hôn nhân đồng tính. Thiết nghĩ nhiều người trong chúng ta cũng có suy nghĩ giống tôi. Và cho rằng suy nghĩ như thế là tiến bộ, là văn minh, là hợp với thời đại.

Suy nghĩ như thế là hoàn toàn sai lầm thưa cộng đoàn!

Hãy nhìn lại đi,
-        nhìn lại cách mà chúng ta đang giải quyết những mâu thuẫn trong đời sống gia đình,
-        nhìn lại cách mà chúng ta cho rằng phá thai là chọn lựa tốt nhất,
-        nhìn lại cách chúng ta đối xử với những người thuộc giới tính thứ ba;
có thật sự mang lại cho chúng ta hạnh phúc hay không? Hay chúng ta lại tiếp tục bế tắc, đau khổ, để rồi trầm ải, trầm luân ngay khi còn sống ở đời này.
Vậy thì trên thực tế, biết bao gia đình đang gặp khó khăn thử thách, đứng trên bờ vực của chia ly, phân tán; biết bao nhiêu phụ nữ không còn chọn lựa nào khác ngoài việc phải giết đi đứa con đang tượng hình trong bụng mình; biết bao nhiêu người thuộc giới tính thứ ba cũng đang khao khát được chấp nhận, được yêu thương; thì làm thế nào để cứu vãn tình thế đây, để có thể giữ được luật Chúa cách trọn vẹn đây? 
        Tôi xin lỗi vì không thể trả lời câu hỏi này. Nhưng xin được nói rằng: Giáng Sinh không là thời gian chỉ để mãi mê vui chơi, chụp ảnh, ăn nhậu..., và các sinh hoạt tục hóa khác. Giáng Sinh chính là thời gian tốt nhất để lắng đọng, chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su bị con người khước từ ngay từ khi xuống trần; để nhìn lại gia đình mình; nhìn lại bản thân mình; nhìn lại trách nhiệm của mình; nhìn lại biết bao trẻ em đang khao khát được sống, khao khát có đầy đủ cha mẹ như tâm sự em nhỏ trong bức tâm thư chúng ta vừa nghe. Để rồi, trước mặt Chúa, mỗi người chúng ta phải tự có câu trả lời cho chính cuộc đời của mình. Amen.

Lm. Mar - Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Share:

Lễ Giáng Sinh - NẾU TÔI LÀ THIÊN CHÚA!


Lễ Giáng Sinh – Lễ Đêm 24.12.2018
Is 9, 1-6; Tt 2, 11-14; Lc 2, 1-14

NẾU TÔI LÀ THIÊN CHÚA!

Kính thưa cộng đoàn!
Trong đêm linh thánh này, đêm trời đất giao hòa, đêm mà con người và Thiên Chúa gặp nhau. Chúng ta cùng vỗ một tràng pháo tay thật lớn, thật dài, để Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh.

XIN CÁM ƠN CỘNG ĐOÀN!

Vâng! Trong đêm linh thánh, tràn đầy không khí vui tươi như thế này, lẽ ra không nên nói những điều tiêu cực, tuy vậy, xin được mở đầu bài chia sẻ hôm nay với một trích đoạn trong Thư Gửi Các Gia Đình Công Giáo của Hội Đồng Giáo Mục Việt Nam - 2016:“Chúng ta không thể phủ nhận thực tế này là tình trạng vợ chồng Công giáo ly thân và ly dị đang có chiều hướng gia tăng, cách riêng nơi các gia đình trẻ; bạo hành gia đình vẫn là điều nhức nhối; một số bạn trẻ sa đà vào lối sống buông thả về mặt tình dục, chủ trương sống chung, sống thử trước hôn nhân; tệ nạn phá thai lan tràn đến mức coi thường…

Khi nghe những điều như thế, cộng đoàn nghĩ gì?
Nhưng! Với tôi, tôi nghĩ rằng:

1.   Nếu tôi là Thiên Chúa tôi sẽ cho phép ly dị.
Bởi nếu vợ chồng không còn có thể chung sống được với nhau được nữa, nếu gia đình không còn là tổ ấm nữa, không còn là nơi bình yên để trở về nữa, thì còn cố níu kéo làm gì. Thôi thì hãy giải thoát cho nhau.

2.   Nếu tôi là Thiên Chúa, tôi sẽ cho phép phá thai.
Vì thà đứa trẻ không được sinh ra đời, còn hơn ra đời mà bị bỏ rơi, bị hắt hủi, bị giết chết cách tàn nhẫn bởi chính những người đã sinh ra chúng.

3.   Nếu tôi là Thiên Chúa, tôi sẽ cho phép hôn nhân đồng tính.
Có rất nhiều người sinh ra đã không có một đời sống tình yêu và tính dục như bao người khác. Họ luyến ái những người cùng giới tính với mình. Chính vì thế, họ bị khinh miệt, bị kỳ thị, bị bỏ rơi …thậm chí bị coi là bệnh hoạn, là biến thái…
Những người như thế, hoàn toàn không phải là lỗi của họ, họ cũng có quyền sống, quyền được yêu thương, quyền được kết hôn…

TUY NHIÊN, rất tiếc tôi không là Thiên Chúa, và tất cả chúng ta ở đây cũng không phải là Thiên Chúa. Thế thì tại sao Thiên Chúa lại cấm ly dị, cấm phá thai, và không cho kết hôn đồng tính?

CÂU CHUYỆN GỢI Ý

Trước khi trả lời cầu hỏi này xin phép kể hầu cho cộng đoàn một câu chuyện, mà chính bản thân tôi là người đã trải qua.
Tôi còn nhớ rất rõ một đề thi trong một môn mà tôi được học khi còn là sinh viên, nội dung như sau: Anh/chị hãy so sánh sự khác biệt cơ bản về lòng yêu thương con người giữa vị chủ tịch của chúng ta với Chúa Giê-su?
Tất cả các sinh viên Công giáo, trong đó có tôi, rất bối rối vì không biết trả lời câu hỏi này như thế nào? Và chủ trương của người ra đề, muốn chúng tôi phải trả lời như thế nào?
        Sau đó, giáo viên trả lời rằng: Vị chủ tịch của chúng ta yêu thương con người bằng cách đến với con người, đồng hành với con người, cụ thể là làm cách mạng để giải phóng dân tộc. Còn ông Giê-su thì cũng yêu con người đấy, nhưng là yêu từ trên cao, không đồng hành với con người…

Vâng thưa cộng đoàn! Một ông Giê-su mà người ta cho rằng xa cách với con người, yêu thương con người từ trên cao; thế thì tại sao hôm nay, hơn 1,3 tỷ người Công giáo trên thế giới mừng Lễ Chúa Giáng Sinh. Vì đêm nay: Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em.” (Lc 2, 11); “vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta…danh hiệu của người là Cố Vấn Kỳ Diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thủa, Thủ Lãnh hòa bình…” (Is 9,5).

Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe tường thuật cho chúng ta biết thân phận làm người của Đức Giê-su. Vì muốn đồng hành với con người, yêu thương con người cách trọn vẹn nên Đức Giê-su không chỉ làm người, nhưng còn làm một con người sinh ra trong cảnh khốn cùng nhất, không một nơi nương náu, không một ai chấp nhận, giữa trời giá rét.
Quả thật, Vị Thiên Chúa mà người ta cho là ở trên cao đó, xa cách con người đó, nhưng đã hoàn toàn tự nguyện trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên người phàm nhân, sống như người trần thế. Không dừng lại ở đó: Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá, để cứu chuộc con người khỏi chết muôn đời. (x. Pl 2, 6-11).

Vì thế, nếu như vị lãnh tụ, một vĩ nhân nào đó mà người ta hết lòng ca ngợi vì đã có công làm cách mạng để giải phóng cho một dân tộc ở một thời điểm nào đó trong lịch sử; thì Đức Giê-su giải thoát con người được tự do khỏi ách nô lệ của ma quỷ, cho mọi người, mọi thời và mọi nơi. Người chính là ánh sáng soi lối con người đang lầm lũi trong tối tăm của bóng đêm sự chết: Đoàn dân đang lần bước trong tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. (Is 9, 1).

 Đức Giê-su, một khi đã làm người cách trọn vẹn, thấu hiểu được thân phận con người nên đã ban ân sủng để đổi mới và cứu độ con người. Như lời của thánh Phao-lô gửi ông Ti-tô mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc 2: “Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức…” (Tt 2, 12)

Đến đây chúng ta có thể trả lời được câu hỏi tại sao luật Chúa không được ly dị, không được phá thai, và không được kết hôn đồng tính?

Thưa, Chúa đến thế gian để cho chiên được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 1-10). Do đó, Luật Chúa chính là luật yêu thương, luật mang lại sự sống. Sở dĩ, chúng ta đòi ly dị, đòi phá thai, đòi kết hôn đồng tính là vì nhiều người trong chúng ta vẫn tăm tối, chưa nhận ra ánh sáng chân lý của Đức Giê-su, để rồi vẫn tiếp tục sống vô luân và những đam mê trần tục.
-        Chính đời sống vô luân và những đam mê trần tục ấy nên nhiều người sống trong đời sống gia đình hễ gặp khó khăn một chút là đòi ly dị, lầm lỡ một tý là đòi phân ly, như kiểu hăm dọa lẫn nhau.

-        Chính sống vô luân và những đam mê trần tục ấy mà người ta phá thai một cách vô tội vạ, không một chút áy náy lương tâm.

-        Chính sống vô luân và những đam mê trần tục ấy mà người ta biện minh cho những quan hệ đồng giới. Thật vậy, quan hệ cùng giới “tự bản chất là vô trật tự. Chúng nghịch với luật tự nhiên. Chúng khép kín hành vi tính dục khỏi việc ban tặng sự sống. Chúng không phát xuất từ tính bổ sung thật sự về tình cảm và tính dục.” (Giáo Lý Số 2357)

        Nói đến đây, thì một câu hỏi đặt ra cho mỗi người chúng ta: Vậy với các gia đình đang gặp khó khăn có nguy cơ đổ vỡ rất cao; hoặc có những người rơi vào tình trạng bị buộc phải phá thai, hay có những người đồng tính cũng đang khao khát được yêu thương thật sự, thì làm thế nào để biến đổi được tình thế, để có thể giữ được luật Chúa?
        Thưa chúng ta chỉ có một chỗ dựa duy nhất. Đó chính là Đức Giê-su. Cụ thể là Chúa Giê-su Hài Đồng.
        Giáng Sinh không là thời gian chỉ để mãi mê vui chơi, chụp ảnh, ăn nhậu... Giáng Sinh còn là thời gian lắng đọng, để chiêm ngắm Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Để nhận ra rằng:
-        Một Thiên Chúa vì yêu thương nên đã làm người, để hàn gắn những vết thương, đổ vỡ trong đời sống gia đình chứ không phải để phân ly chia rẽ.
-        Một Thiên Chúa vì yêu thương nên đã làm người, để cứu sống chứ không phải để giết chết, như bao nhiêu thai nhi và trẻ em bị chính cha mẹ ruột của mình sát hại.
-        Một Thiên Chúa vì yêu thương nên đã làm người, để đưa hôn nhân trở lại với trật tự ban đầu chứ không phải chỉ để sống theo bản năng tình dục, như một số người biện minh cho những lệnh lạc của mình.

Nói tóm lại, Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh năm nay, mỗi người chúng ta, không phân biệt người sống đời thánh hiến hay ơn gọi gia đình, ai cũng được mời gọi, TRỞ NÊN MỘT HÀI NHI GIÊ-SU SỐNG ĐỘNG trong chính gia đình, và môi trường của mình. Để rồi chính mỗi người trở thành mối nối, hàn gắn mọi vết thương rạn nứt, là người cản ngăn người ta phá thai, và là người biết yêu thương đúng nghĩa.

Để kết thúc bài chia sẻ hôm nay, xin phép được thêm vài phút, để đọc cho cộng đoàn nghe một lá thư của một em nhỏ, gửi Chúa Hài Đồng nhân dịp lễ Giáng Sinh.

THƯ GỬI CHÚA HÀI ĐỒNG
--------------------------------
       
        Kính gửi Chúa Hài Đồng!

        Chúa Hài Đồng ơi! Ngày nào cũng vậy, mỗi khi đi ngủ là mẹ lại khóc. Con hỏi tại sao mẹ khóc, mẹ nói nếu con ngoan, chăm học thì mẹ sẽ không khóc nữa.
Để mẹ không buồn, không khóc, mỗi sáng con tự thức dậy rửa mặt đánh răng, dù rằng con rất thích ngủ nướng. Mỗi buổi đến trường con chăm chú học dù con rất thích chơi đùa với các bạn. Mỗi bữa cơm con tự động ăn dù có những ngày phải ăn cơm với cá, mà con ghét nhất là cá. Mỗi buổi chiều, con tự một mình đi lễ mà không cần mẹ nhắc nhở. Chúa ơi, con cố gắng thật ngoan, chăm học…nhưng không biết tại sao đêm đêm mẹ con vẫn khóc?

Con còn nhớ năm ngoái, sau khi đi lễ Giáng Sinh về, ba mẹ cãi nhau. Thật ra con cũng đã chứng kiến biết bao nhiêu lần ba mẹ cãi nhau như thế. Nhưng lần này, linh cảm báo cho con rằng, con sẽ không bao giờ được nhìn thấy ba mẹ cãi nhau nữa.

Mẹ dẫn con về nhà ngoại, rồi ở luôn không về nhà mình nữa. Và từ khi đó, con không bao giờ gặp lại ba; và cũng từ khi đó, đêm nào mẹ cũng khóc.

        Chúa Hài Đồng ơi, năm nay con lên lớp một rồi, con đã biết đọc chữ. Bữa hôm, một tờ giấy nhàu nát dưới gối mẹ rớt ra, con  vô tình đọc được vài chữ in đậm: ĐƠN LY HÔN. Bạn con nói, ly hôn nghĩa là ba mẹ mày không bao giờ về ở với nhau nữa đâu.

        Có thật như thế không, Chúa Hài Đồng?

        Nếu vậy, con ước gì:
Thà ngày ngày được nhìn thấy ba mẹ cãi nhau, còn hơn là đêm đêm nhìn thấy mẹ khóc.
Thà ngày ngày được nhìn thấy ba mẹ cãi nhau, còn hơn là con không bao giờ được gặp lại ba con nữa.  
                                                       
                                                Ký tên
                                                Gà con

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share:

SỐNG LÝ TƯỞNG THÁNH THỂ


Thứ Ba tuần II Mùa Vọng
Is 40, 1-11; Mt 18, 12-14

SỐNG LÝ TƯỞNG THÁNH THỂ

Kính thưa cộng đoàn! Thủ bản Huynh đoàn Thánh Thể, số 2 ghi rõ: “Lý tưởng của chúng ta là sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể và giải bày ý nghĩa của mầu nhiệm ấy, ngõ hầu nước Đức Ki-tô trị đến và vinh quang Thiên Chúa rạng tỏ khắp trần gian. Để đáp lại ơn gọi đã lãnh nhận nơi Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta làm chứng cho Đức Ki-tô giữa lòng xã hội loài người, và khởi đi từ Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh toàn thể công cuộc Phúc Âm hóa, chúng ta đưa tinh thần Phúc âm vào mọi thực tại con người.”
Vâng! Lý tưởng của chúng ta là sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể và giải bày ý nghĩa của mầu nhiệm ấy.
1.   Vậy! Sống sung mãn là sống như thế nào?
        Các bà, các mẹ và các chị ở đây chắc hẳn rất thích đá quý, hoặc kim cương. Bởi vì nó óng ánh, rất đẹp, dùng để làm đồ trang sức, rất quý giá mà mắc tiền.
Hãy tưởng tượng Thánh Thể là một viên kim cương đẹp và quý giá. Sở dĩ viên kim cương đẹp và lấp lánh là do có nhiều mặt, nhiều góc  cạnh. Với Thánh Thể cũng thế, mỗi một mặt ấy là một chiều kích, khía cạnh khác nhau. Chẳng hạn như: Chiều kích phục vụ, chiều kích hy sinh, chiều kích bác ái, chiều kích giáo hội, chiều kích hôn nhân, chiều kích tha tội, chiều kích hiện diện, hy tế, chiều kích hiệp thông…Tất cả các chiều kích này tập họp lại mới làm nên giá trị đích thực của Thánh Thể.
Vì thế, sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể, TỨC LÀ: chúng ta sống trọn vẹn các chiều kích ấy. Đời sống của chúng ta phải là một đời sống bác ái, yêu thương, phục vụ, hy sinh, hiệp thông, …v.v, như những gì Thánh Thể có. Khi sống được như thế, có thể gọi chúng ta đang sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể Chúa

2.   Điểm thứ hai đó là: Trình bày ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể cho mọi người.
Vâng! Một khi chúng ta sống tốt các chiều kích của bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi đi một bước nữa là trình bày ý nghĩa của Thánh Thể cho mọi người.
Nếu như các linh mục tu sĩ Dòng Thánh Thể có nhiệm vụ trình bày ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể thông qua những bài giảng, cử hành phụng vụ, mục vụ giải tội, mục vụ di dân, mục vụ huynh đoàn… thì khi chúng ta gia nhập hoặc quyết định tuyên hứa trong Huynh Đoàn Thánh Thể, chúng ta có nhiệm vụ loan truyền Thánh Thể bằng chính đời sống của mình. Đó là siêng năng và trung thành tuân giữ các điều luật của hội, trung thành chầu Thánh Thể và yêu mến Thánh Lễ.

3.   Cụ thể lời mời gọi trình bày ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể trong Mùa Vọng này mà chúng ta có thể làm, đó chính là ăn năn sám hối, quay trở về với Thiên Chúa.
Thật vậy, bài Tin mừng chúng ta vừa nghe đề cập đến dụ ngôn Chiên lạc trở về. Khi một con chiên lạc quay trở về, thì “Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì 99 con không bị lạc.” Mỗi người chúng ta trở về, sám hối không chỉ bằng việc đi xưng tội, hay tham dự các thánh lễ, nhưng hơn bất cứ ai hết, đã mang danh là hội viên của huynh đoàn Thánh Thể, chúng ta được mời gọi trở nên gương sáng cho những ki-tô hữu khác qua việc sám hối thực sự.
Sám hối thật sự tức là cần phải kèm theo hành động. Đó là quyết tâm sửa đổi bản thân, từ bỏ những ý riêng, trong gia đình bớt tranh cải giữa vợ chồng con cái, yêu thương nhường nhịn lẫn nhau. Ngoài giáo xứ thì bác ái, yêu thương, sẵn sàng cộng tác với cha xứ trong những công việc chung của giáo xứ…

Nói tóm lại, trong ngày tuyên hứa của các hội viên Huynh Đoàn Thánh Thể hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể và trình bày ý nghĩa của mầu nhiệm ấy cho mọi người.
Sống sung mãn là sống mọi chiều kích, khía cạnh của Thánh Thể, qua đó trình bày tình yêu của Chúa Thánh Thể qua chính đời sống bác ái, yêu thương và phục vụ của mình.
Cầu chúc các hội viên tuyên hứa hôm nay, luôn là chứng nhân sống động cho Tình Yêu của Chúa Giê-su Thánh Thể cho mọi người xung quanh. Ngõ hầu, Nước Đức Ki-tô trị đến và vinh quang Thiên Chúa rạng tỏ khắp trần gian. Đúng như lời cha thánh Eymard tổ phụ của chúng ta hằng thao thức: “Tôi ao ước thế giới tràn ngập những tông đồ nhiệt thành để thức tỉnh thế giới khỏi tình trạng thờ ơ, lãnh đạm và uể oải.” Amen.

Share:

Thứ Năm tuần II Mùa Vọng


Thứ Năm tuần II Mùa Vọng
Is 41, 13-20; Mt 11,11-15

SỐNG LÝ TƯỞNG THÁNH THỂ

Kính thưa cộng đoàn! Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe nói về ông Gio-an Tẩy Giả, là tiếng hô trong hoang địa. Chúa Giê-su đã khẳng định: “Trong số phàm nhân lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an tẩy giả.” Thật vậy, ông chính là vị ngôn sứ được sánh ngang hàng với vị ngôn sứ vĩ đại trong Cựu ước được xe lửa đưa về trời, đó chính là ông Ê-li-a.
Ông Gio-an tẩy giả có sứ mạng cao cả là giới thiệu Đức Giê-su cho mọi người. Ông đã sống trong hoang địa, ăn châu chấu và uống mật ong. Rao giảng và kêu gọi sám hối. Rồi khi Đức Giê-su bắt đầu rao giảng công khai, ông giới thiệu Chúa và lui vào sa mạc: Người cao trọng hơn tôi, và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”
Gợi lên hình ảnh Gio-an như thế, mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên một Gio-an tẩy giả thứ hai, sống động, giới thiệu Chúa cho mọi người trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Thủ bản Huynh đoàn Thánh Thể, số 2 ghi rõ: “Lý tưởng của chúng ta là sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể và giải bày ý nghĩa của mầu nhiệm ấy, ngõ hầu nước Đức Ki-tô trị đến và vinh quang Thiên Chúa rạng tỏ khắp trần gian. Để đáp lại ơn gọi đã lãnh nhận nơi Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta làm chứng cho Đức Ki-tô giữa lòng xã hội loài người, và khởi đi từ Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh toàn thể công cuộc Phúc Âm hóa, chúng ta đưa tinh thần Phúc âm vào mọi thực tại con người.”
Vâng! Lý tưởng của chúng ta là sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể và giải bày ý nghĩa của mầu nhiệm ấy.
1.   Vậy! Sống sung mãn là sống như thế nào?
        Các bà, các mẹ và các chị ở đây chắc hẳn rất thích đá quý, hoặc kim cương. Bởi vì nó óng ánh, rất đẹp, dùng để làm đồ trang sức, rất quý giá mà mắc tiền.
Hãy tưởng tượng Thánh Thể là một viên kim cương đẹp và quý giá. Sở dĩ viên kim cương đẹp và lấp lánh là do có nhiều mặt, nhiều góc  cạnh. Với Thánh Thể cũng thế, mỗi một mặt ấy là một chiều kích, khía cạnh khác nhau. Chẳng hạn như: Chiều kích phục vụ, chiều kích hy sinh, chiều kích bác ái, chiều kích giáo hội, chiều kích hôn nhân, chiều kích tha tội, chiều kích hiện diện, hy tế, chiều kích hiệp thông…Tất cả các chiều kích này tập họp lại mới làm nên giá trị đích thực của Thánh Thể.
Vì thế, sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể, TỨC LÀ: chúng ta sống trọn vẹn các chiều kích ấy. Đời sống của chúng ta phải là một đời sống bác ái, yêu thương, phục vụ, hy sinh, hiệp thông, …v.v, như những gì Thánh Thể có. Khi sống được như thế, có thể gọi chúng ta đang sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể Chúa

2.   Điểm thứ hai đó là: Trình bày ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể cho mọi người.
Vâng! Một khi chúng ta sống tốt các chiều kích của bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi đi một bước nữa là trình bày ý nghĩa của Thánh Thể cho mọi người.
Nếu như các linh mục tu sĩ Dòng Thánh Thể có nhiệm vụ trình bày ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể thông qua những bài giảng, cử hành phụng vụ, mục vụ giải tội, mục vụ di dân, mục vụ huynh đoàn… thì khi chúng ta gia nhập hoặc quyết định tuyên hứa trong Huynh Đoàn Thánh Thể, chúng ta có nhiệm vụ loan truyền Thánh Thể bằng chính đời sống của mình. Đó là siêng năng và trung thành tuân giữ các điều luật của hội, trung thành chầu Thánh Thể và yêu mến Thánh Lễ.

Như vậy, để trở thành một Gio-an tẩy giả thứ hai, chúng ta cần sống trọn vẹn lý tưởng mà cha Thánh Eymard đã vạch ra cho chúng ta. Sống sung mãn và trình bày ý nghĩa mầu nhiệm Thánh Thể cho con người ngày nay.
Trong phận vụ là một hội viên Thánh Thể, chúng ta sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể bằng việc siêng năng chầu Thánh Thể, yêu mến Lời Chúa và cử hành Thánh Lễ.
Trình bày ý nghĩa của mầu nhiệm thánh thể bằng đời sống yêu thương, phục vụ từ trong chính đời sống gia đình, bớt tranh cải giữa vợ chồng con cái, yêu thương nhường nhịn lẫn nhau. Ngoài giáo xứ thì bác ái, yêu thương, sẵn sàng cộng tác với cha xứ trong những công việc chung của giáo xứ…

Nói tóm lại, trong ngày tuyên hứa của các hội viên Huynh Đoàn Thánh Thể hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên một Gio-an thứ hai qua việc sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể và trình bày ý nghĩa của mầu nhiệm ấy cho mọi người.
Cầu chúc các hội viên tuyên hứa hôm nay, luôn là chứng nhân sống động cho Tình Yêu của Chúa Giê-su Thánh Thể cho mọi người xung quanh. Ngõ hầu, Nước Đức Ki-tô trị đến và vinh quang Thiên Chúa rạng tỏ khắp trần gian. Đúng như lời cha thánh Eymard tổ phụ của chúng ta hằng thao thức: “Tôi ao ước thế giới tràn ngập những tông đồ nhiệt thành để thức tỉnh thế giới khỏi tình trạng thờ ơ, lãnh đạm và uể oải.” Amen.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Share: