LỄ GIỖ MÃN TANG


LỄ GIỖ MÃN TANG
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Tháng 11 là tháng dành riêng để tưởng nhớ và cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Họ không phai ai xa lạ cả, là tổ tiên, ông bà cha mẹ, những người thân quen đã ra đi trước chúng ta.
        Chắc chắn trong thân phận con người, các linh hồn cũng đã có những lỗi phạm đến Chúa và tha nhân. Vì thế mà các ngài rất cần những lời cầu nguyện của chúng ta.
        Cách riêng trong thánh lễ này xin cộng đoàn hiệp với gia đình ông bà cố Are Đặng Văn Thường cầu nguyện cho ông Phê-Rô Nguyễn Văn Kiêm trong dịp lễ mãn tang. Xin Chúa thương tha thứ mọi lỗi phạm sớm đưa ông Phê-rô sớm về thiên quốc.
        Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
(Ga 11:17-27)
Khi đến nơi, Ðức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. Vừa được tin Ðức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. Cô Mác-ta nói với Ðức Giê-su: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy." Ðức Giê-su nói: "Em chị sẽ sống lại! " Cô Mác-ta thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết." Ðức Giê-su liền phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không? " Cô Mác-ta đáp: "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Ðức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Ðấng phải đến thế gian."




CHÚNG TA CẦN CÓ THÁI ĐỘ NHƯ THẾ NÀO KHI ĐỐI DIỆN VỚI CÁI CHẾT?

Kính thưa cộng đoàn! Con nhớ có một lần nằm mơ thấy mẹ chết và người ta đem đi chôn. Con không nhớ rõ lúc đó mình như thế nào chỉ nhớ khi người ta chôn mẹ xong, con đã khóc rất nhiều, ôm mộ mẹ mà khóc. Con khóc và không để cho ai khuyên nhủ. Con cứ khóc mãi, và phép lạ xảy ra. Mẹ con bỗng dưng đội mồ sống lại…vừa lúc ấy con cũng chợt tỉnh ngủ, rờ lên mặt, thấy mặt đã ướt mèm, cổ họng vẫn còn nghẹn ứ. Rồi tự nhủ thầm: Chỉ là mơ, mẹ vẫn chưa chết!
Sáng hôm sau, con xin phép cha giám đốc cho về thăm mẹ. Vừa về đến nhà, thấy mẹ một mình nằm trên võng, miệng bõm bẽm nhai trầu, con chạy lại ôm mẹ mà khóc. Mẹ hỏi sao con khóc, con im lặng… muốn nói một lời “con thương mẹ” sao lúc đó lại khó khăn đến thế.
Vâng! Nếu như đó chỉ là giấc mơ và con còn có cơ hội được ôm mẹ thì đối với những ai không còn cha mẹ, sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được ôm cha, được hôn mẹ. Đặc biệt nhất là trong tháng 11 này, tháng dành riêng cầu nguyện cho những người đã khuất. Đốt cây nến, cắm vài bông hoa, thắp một nén nhang, hương khói nghi ngút, bỗng hình ảnh những người đã khuất hiện về trong tâm trí. Không thể không bùi ngùi thương nhớ.
Vâng! Trước cái chết của người thân trong gia đình, không có một lời nào có thể nói hết được nỗi đau mất mát của họ. Chỉ những người trong cuộc mới hiểu thế nào là mất mát, là trống vắng, là thương, là nhớ. Thế nên trong tâm tình của tháng 11, tháng dành riêng cầu nguyện cho những người đã khuất, cũng như trong ngày lễ mãn tạng của cụ ….xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài: TRƯỚC CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI THÂN VÀ CỦA CHÍNH MÌNH, CHÚNG TA CẦN CÓ THÁI ĐỘ NÀO?

Tin Mừng mở ra cho chúng ta quang cảnh Đức Giêsu đối diện với sự ra đi của người bạn thân yêu. Ladarô có hai người chị là Matta và Maria. Trước cái chết của đứa em trai thân yêu hai người chị đã có hai thái độ hoàn toàn trái ngược.
Nếu như, cô Maria chỉ biết đau buồn, ngồi ở nhà khóc lóc, thì cô Matta đã nhanh chóng ra tiếp đón Chúa. Cô quả thật là một người mạnh mẽ, có niềm xác tín vào việc con người sẽ sống lại vào ngày sau hết. Thế nên cô đã trả lời với Chúa:“con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” Chúng ta hãy dừng lại ở hai thái độ này, của Maria và Matta, để nhận định xem, đâu là thái độ đúng đắn nhất, mà mỗi Kitô hữu cần có, trước cái chết của người thân và của chính chúng ta.

1.   Trước hết, Maria là đại diện cho típ người sống tình cảm, uỷ mị.
Trước cái chết của người thân chỉ biết đau buồn, than khóc, không để ai an ủi. Với những người như thế cái chết là hết, là chấm dứt, là ra đi vĩnh viễn.
2.   Còn Matta là đại diện cho những người quá thiên vào lý trí.
Những người như thế thường tự an ủi mình bằng lý luận: con người chết rồi sẽ sống lại. Do vậy, trước cái chết của người thân dường như họ không có một chút tình cảm quyến luyến nào.

Vâng! Cả hai thái độ này đều chưa đúng với thánh ý Thiên Chúa.
Tại sao lại chưa đúng? Chúng ta thử xem Chúa đã có thái độ như thế nào?
Đức Giêsu sau khi vào nhà, thì cô Maria chạy đến quỳ dưới chân và nói: “Thưa thầy, nếu có thầy ở đây thì em con đã không chết” và cô khóc. Trước tình cảnh đó, tác giả Gioan cho biết Chúa đã thổn thức trong lòng, xao xuyến và khi vừa nhìn thấy mộ Ladarô Chúa liền khóc. Chính hành động này cho thấy trước cái chết của người thương yêu, Chúa cũng đau buồn, cũng rơi lệ. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Đức Giê-su cầu xin Chúa Cha cách khẩn thiết cho Ladarô sống lại. Và Chúa đã làm cho Ladarô sống lại trước con mắt ngỡ ngàng của tang quyến và những người chứng kiến.
Đến đây, một câu hỏi lại đến trong đầu chúng ta: Chúa đã làm phép lạ cho Ladarô sống lại, thế tại sao bây giờ Chúa không làm cho những người thân của chúng ta được sống lại?
Thưa rằng, Ladarô sau khi Chúa cho sống lại, người ta sẽ chúc mừng anh, chúc mừng gia đình anh, thậm chí còn ganh tỵ nữa. Tuy vậy, anh cũng chỉ sống được thêm một vài năm rồi cũng chết.
Cho nên, việc Chúa làm cho Ladarô sống lại chắc chắn còn có một ý nghĩa khác. Đó chính là báo trước sự sống lại đích thực, sống lại mà không bao giờ chết nữa. Việc sống lại đích thực không phải là việc tăng thêm tuổi thọ như Ladaro, nhưng là một cuộc biến đổi toàn diện con người chúng ta. Bởi thân xác phục sinh là thân xác có thần khí chứ không phải là thân xác của sinh khí như chúng ta hiện nay. Ơn Phục Sinh đó phát xuất từ Chúa Giêsu, Đấng bị kết án, chịu chết và Người đã sống lại để mở ra cho những ai tin vào Người, cũng sẽ được phục sinh vinh hiển như Người. Đức Giêsu chính là trưởng tử của những kẻ chết sống lại.
Nói tóm lại, qua Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy cho chúng ta thái độ đúng đắn trước cái chết của người thân yêu và trước cái chết của chính chúng ta. Thái độ đó không phải là quá đau buồn, tuyệt vọng như Maria hoặc như Matta lại quá thiên vào lý trí, đến nỗi dường như vô cảm trước cái chết của người thân.
Thái độ cần có là đau buồn đấy nhưng không tuyệt vọng. Tin tưởng vào quyền năng của Chúa sẽ cho chúng ta sống lại. Chúng ta không phải xin Chúa cho người thân hoặc chính chúng ta sống lại như Ladarô để rồi lại chết một lần nữa, mà là được sống lại như Chúa, Phục Sinh vinh hiển, sống lại với một con người được biến đổi toàn diện, sống lại và không bao giờ chết nữa.Amen.


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét