SỐNG TƯƠNG QUAN Chúa nhật IV Mùa Chay – C – CĐ Gs 5, 9a.10-12; 2Cr5,17-21; Lc 15,1-3.11-32


Chúa nhật IV Mùa Chay – C – CĐ
Gs 5, 9a.10-12; 2Cr5,17-21; Lc 15,1-3.11-32

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhất IV mùa Chay. Phụng vụ Lời Chúa nhấn mạnh cho chúng ta Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Trong tương quan với Thiên Chúa, chúng ta là con, còn Ngài là Cha. Chúng ta chính là đứa con hoang đàng luôn muốn đi hoang và Thiên Chúa là người cha nhân từ ngày đêm mong ngóng chúng ta trở về.
        Dâng Thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi người chúng ta biết thực lòng ăn năn thống hối quay trở về để đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

BÀI GIẢNG
SỐNG TƯƠNG QUAN

        Cộng đoàn có thấy nhiều lúc, trong cuộc sống, tự nhiên các tương quan cha mẹ, vợ chồng, con cái làm cho chúng ta cảm thấy nặng nề, khó thở và chúng ta muốn buông bỏ tất cả không?

        Thiết nghĩ ai trong chúng ta cũng đã từng có kinh nghiệm về trách nhiệm nặng nề mà chúng ta phải mang, để sống tốt các tương quan trong gia đình.

        Tin mừng hôm nay không chỉ đơn giản nói về người con hoang đàng, hay người cha nhân hậu, nhưng là một bài học dạy cho chúng ta cách sống tốt các tương quan của mình.
        Vậy tương quan đó là gì?

1.   Trước hết, tương quan Cha – Con giữa Thiên  Chúa và con người.

Ai trong chúng ta cũng thừa biết rằng, con người có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Ngài chính là cha và chúng ta là con. Ấy vậy mà, ngày từ thủa tạo thiên lập địa, qua việc ăn trái cấm, nguyên tổ của chúng ta đã tự ý cắt đứt tương quan này. Và vì Chúa là nguồn sống và hạnh phúc, nên ngay lập tức ông bà phải đau khổ và phải chết. Thế nhưng, Thiên Chúa là người cha giàu lòng xót thương, Ngài không bỏ mặc con người, Ngài đã hứa ban Con Một để cứu chuộc và phục hồi cho con người quyền làm con. Qua việc chọn một dân riêng – dân Ít-ra-en, để từ một dân tộc này, Ngôi Hai sẽ xuống thế làm người. Và chính Ngôi Hai Thiên Chúa sẽ chịu chết để chuộc tội cho nhân loại, qua đó mang con người trở về với Thiên Chúa.

Bài đọc 1 trích sách Giô-suê tường thuật lại cho chúng ta việc dân Ít-ra-en sau khi trải qua 40 năm lưu lạc trong sa mạc, nay đã được vào đất hứa, vùng đất của sữa và mật. Chính tại đây, họ đã cử hành Lễ Vượt Qua, để tưởng nhớ việc Đức Chúa cứu thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Thật vậy, việc cử hành lễ Vượt Qua của dân Ít-ra-en là hình bóng tiên báo về cuộc vượt qua của Đức Giê-su sau này. Chính Người là A-đam mới. Và nói như thánh Phao-lô trong bài đọc hai trích thư thứ 2 gửi tín hữu Cô-rin-tô: “Phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Thật vậy, trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa…” (2Cr 5, 17-19)

Như vậy, trong tương quan với Thiên Chúa, chúng ta là con và Ngài là Cha. Thế nhưng, nhân loại, trong đó có mỗi người chúng ta, hết lần này đến lần khác muốn chối bỏ tương quan này, gạt Thiên Chúa ra bên ngoài, để tự quyết định cuộc đời mình, để được sống theo ý thích của mình.

Và một khi gạt Thiên Chúa ra bên ngoài thì cuối cùng chúng ta sẽ như thế nào thưa cộng đoàn? Cuối cùng thì dù “ao ước lấy đậu muồng heo ăn, mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.” (Lc15, 15). Con heo, theo văn hóa Do thái là con vật bẩn thỉu, ô uế, tội lỗi. Nghĩa là vắng Thiên Chúa, con người không còn sống cho ra con người nữa, muốn được như con heo cũng không được.
Cuối cùng, chỉ có sự sám hối thật sự, chỉ có quay đầu trở về với Thiên Chúa, chúng ta mới có thể sống cho ra con người đúng nghĩa.

2.   Kế đến, tương quan thứ hai là tương quan giữa chúng ta với mọi người xung quanh, mà tôi muốn nói cụ thể ở đây là tương quan giữa ông bà cha mẹ và vợ chồng, con cái trong gia đình với nhau.

Trong gia đình, chính vì chịu không  nổi những lề thói của cha mẹ mà con cái lần lượt bỏ nhà ra đi để tìm hạnh phúc riêng của mình. Điều này chúng ta thường thấy rất rõ nơi các bạn trẻ, nhất là những bạn di dân. Nghèo khổ, không có việc làm ở quê chỉ là chuyện bên ngoài, sâu xa bên trong là muốn được tự do, muốn thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ để sống với ý thích của mình. Và thế là vắng cha mẹ, là bao nhiêu điều tốt lành đạo đức ở quê chẳng mấy chốc được thay thế bằng sự ăn chơi, buông thả, tha hóa về đời sống đạo, xem thường bản thân qua việc buông thả về  mặt tính dục, sống thử, sống tạm trước hôn nhân…

Nhiều người được cha mẹ nuôi lớn, đến khi khôn lớn trưởng thành và có gia đình riêng và khi cha mẹ già đi, không còn tự kiếm sống lo cho mình được nữa, phải cậy dựa vào các con, thì các con lại trốn trách trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, bằng cách đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, hoặc đòi chia đều ra theo cái kiểu mẹ ở nhà tao rồi, còn tụi mày phải chu cấp tiền bạc…

Cũng vậy, rất nhiều cặp vợ chồng khi sảy ra mâu thuẩn thì chọn cách ly dị như là cách giải quyết vấn đề tốt nhất.

Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là mỗi khi chúng ta gặp khó khăn trong đời sống, mỗi khi trách nhiệm và bổn phận trong gia đình cần phải thực hiện là chúng ta chọn cách thức “CẮT ĐỨT TƯƠNG QUAN” để được giải thoát. Con cái muốn cắt đứt tương quan với cha mẹ để được tự do sống theo ý thích của mình, để không phải phụng dưỡng cha mẹ khi các ngài về già. Vợ chồng muốn cắt đứt tương quan để giải thoát cho nhau, để tìm một hạnh phúc mới.
Vậy liệu rằng, chúng ta giải quyết các vấn đề trong gia đình bằng cách cắt đứt tương quan, làm như thế có đúng không?

Chúng ta làm như thế là hoàn toàn sai, thưa cộng đoàn! Bởi chúng ta không tự mình được sinh ra. Chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng, cho sinh ra trong một gia đình cụ thể, và để nhờ sống các tương quan trong gia đình mà chúng ta trở nên người hơn, cũng như thực hiện lời mời gọi nên thánh trong chính đời sống gia đình của mình. Chúng ta không thể nào cắt đứt tương quan với Thiên Chúa như thế nào thì chúng ta cũng không thể cắt đứt các tương quan trong gia đình như vậy.

Nói tóm lại, Lời Chúa hôm nay nhắc nhở cho chúng ta việc sống và chu toàn các trách nhiệm trong tương quan với Thiên Chúa và với những người thân trong gia đình.

Đối với tương quan với Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi học gương của đứa con hoang đàng, biết sám hối, quay đầu trở về để được Thiên Chúa tha thứ và xót thương.

Trong tương quan với các thành viên trong gia đình, chúng ta được mời gọi sống các tương quan bằng cách chu toàn bổn phận và trách nhiệm, qua đó có thể nên thánh trong chính gia đình của mình.

Chính khi chúng ta sống tốt các tương quan với Thiên Chúa và tha nhân là chúng ta đã sống trọn vẹn giới răn quan trọng trong mọi giới răn: Đó là mến Chúa và yêu người.

Lm. Mar  - Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Share:

VỢ CHỒNG - HÃY CHO NHAU CƠ HỘI SỬA ĐỔI


Chúa Nhật III Mùa Chay – C – CĐ
Xh 3, 1-18a.13-15; 1Cr 10, 1-6.10-12; Lc13,1-9

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật III Mùa Chay. Phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta đừng xét đoán người khác khi người ta gặp nạn, mà tốt nhất, mỗi người hãy tỏ lòng ăn năn sám hối để được ơn tha thứ.
        Dâng Thánh Lễ này, chúng ta cầu nguyện cho mỗi người chúng ta biết nhìn ra được lòng thương xót của Thiên Chúa đã bao lần tha thứ và cho chúng ta cơ hội để sửa đổi bản thân. Qua đó, chúng ta cũng biết cho người khác cơ hội để sửa đổi.
        Để của lễ của chúng ta được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận, giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối.


- VỢ CHỒNG -
HÃY CHO NHAU CƠ HỘI SỬA ĐỔI

        Trong đời sống gia đình, nhất là trong tương quan vợ chồng có khi nào cộng đoàn cảm thấy vợ chồng khắc khẩu với nhau không? Hễ cứ mở miệng nói có một hai câu là đã muốn gây chuyện, cãi nhau rồi. Bực mình chịu không nổi. Nhiều khi nghĩ không biết ngày xưa tại sao lại lấy nhau nữa.

        Thiết nghĩ nhiều người trong chúng ta đang ngồi ở đây rơi vào tình trạng như thế. Riết rồi đời sống vợ chồng ngày càng tẻ nhạt, không khí gia đình cứ vậy mà trở nên nặng nề. Và từ đó, gây ra biết bao thảm họa cho đời sống gia đình. Những gia đình có tỉnh cảnh như thế thì nguy cơ đổ vỡ rất lớn.

        Vậy, nguyên nhân nào khiến cho nhiều gia đình trở nên căng thẳng và nặng nề, vợ chồng cha mẹ con cái trở nên khắc khẩu, đấu đá nhau?

        Thưa, nguyên nhân chính đó là là chúng ta không cho nhau cơ hội để sửa sai, để làm lại.
        Mời cộng đoàn cùng nhìn vào hình ảnh cây vả mà bài Tin mừng chúng ta vừa nghe. Số là chủ vườn có trồng một cây vả, đã 3 năm mà lại không có trái. Ông ta định bụng sẽ chặt đi, nhưng người làm vườn xin: “Cứ để nó lại 1 năm nữa, tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó, may ra nó còn có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.” (Lc 13, 7-9).

        Vâng, mỗi người chúng ta là cây vả như thế trong tương quan với Thiên Chúa và tương quan với nhau.

1.   Trước hết, trong tương quan với Thiên Chúa.
 Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dưng nên chúng ta, đặt chúng ta vào trong địa vị cao cả, đó là được làm con cái Thiên Chúa. Nhưng thử hỏi, trong đời sống, chúng ta đã phạm tội phản bội lại Chúa biết bao nhiêu lần?  Chúng ta có sinh hoa kết quả gì trong đời sống của mình chưa? Và Chúa đã cho chúng ta bao nhiêu cơ hội để chúng ta sửa đổi lỗi lầm?

        Như chúng ta đã biết, dân Ít-ra-en là một dân tộc được Chúa chọn, lập thành dân riêng để phụng sự Người. Nhưng hết lần này đến lần khác, dân ấy phản bội Thiên Chúa, thờ tà thần. Chính vì lẽ đó nên họ phải trải qua thời gian lưu đày đau khổ trên đất Ai cập.   

        Thế nhưng, qua bài đọc 1 trích sách Xuất Hành cho thấy, Chúa đã cho dân một cơ hội để sửa đổi, để quay trở về với Ngài. Qua việc kêu gọi ông Mô-sê làm trung gian để giải cứu dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập. Bởi hơn ai hết: “Ta thấy rõ cảnh khổ cực dân ta bên Ai cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ.” (Xh 3, 7).

        Thật vậy, hình ảnh ông Mô-sê giải thoát dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập tiên báo về việc Đức Giê-su sẽ xuống thế làm người, để giải thoát toàn thể nhân loại ra khỏi quyền lực tử thần, phục hồi cho nhân loại quyền làm Con Thiên Chúa. Trong đó bao gồm mỗi người chúng ta.

        Vâng! Chúng ta mang thân phận tội lỗi thấp hèn, ấy vậy mà chúng ta lại thường xuyên lên án người khác. Thậm chí giống như tư tưởng của người Do thái trong phần đầu của bài Tin mừng. Họ cho rằng những người bị tai nạn này, hay tai nạn kia là do phạm tội nhiều. Chúa đã khẳng định: “Không phải thế đâu! Nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông sẽ chết hết giống như vậy.” (Lc 13, 3)

        Như vậy, trong tương quan với Thiên Chúa, rõ ràng chúng ta phạm tội làm mất lòng Chúa rất nhiều lần. Nhưng Chúa luôn cho chúng ta cơ hội để sửa đổi, mong một ngày nào đó chúng ta quay về nẻo chính đường ngay.

2.   Điểm thứ 2: Trong tương quan với tha nhân: Cụ thể tôi muốn nói ở đây là trong tương quan vợ chồng.

        Nếu chúng ta đã được Chúa tha thứ và cho cơ hội sửa đổi, thế thì tại sao trong tương quan vợ chồng, chúng ta không cho nhau cơ hội để sửa đổi? Có rất nhiều người không bao giờ tha thứ, hay cho chồng mình, vợ mình cơ hội để sửa đổi, để làm lại.
        Khi tôi nói điều này chắc rằng nhiều người sẽ nghĩ: Có chứ, tôi vẫn thường xuyên cho chồng tôi, vợ tôi cơ hội để sửa đổi, nếu không có cho cơ hội thì đã ly dị từ lâu rồi. Cho cơ hội đấy mà có sửa đổi đâu. Vẫn chứng nào tật đấy.

Vì thế có người từng chia sẻ với tôi rằng: Con cầu cho chồng con bị tai nạn nằm đó, để chồng con biết thân biết phận mà không làm khổ vợ con. Cộng đoàn thấy một suy nghĩ như thế có nên không? Tôi nghĩ là không nên, nhưng tôi dám chắc trên thực tế nhiều người vợ ngày nay vẫn có suy nghĩ như thế đó. Bởi đã tha thứ cho chồng không biết bao nhiêu lần rồi, nói cũng nhiều rồi mà chồng có chịu thay đổi đâu. Suốt ngày cứ rượu chè, cờ bạc, gái gú… Ngược lại, cũng có nhiều ông chồng phải chịu đựng một bà vợ đanh đá, dữ dằn, nhiều chuyện không biết lo cho chồng con,…

Thế thì một câu hỏi đặt ra cho chúng ta, những lúc mà sức chịu đựng không còn nữa, chúng ta không thể nào tha thứ và cho nhau cơ hội để sửa đổi nữa, vậy chúng ta sẽ làm gì? Phải chăng chúng ta cũng giải quyết vấn đề bằng cách ly thân, ly dị như bao nhiêu cặp vợ chồng khác đã làm?

Nếu chúng ta không thể cho nhau cơ hội để sửa đổi nữa thì xin mỗi người chúng ta làm hai việc sau:

THỨ NHẤT: Nhìn vào bản thân mình. Thánh Phao-lô nói trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô: “Ai tưởng mình đứng vững thì hãy coi chừng kẻo ngã. (1Cr 10, 12).” Đừng tưởng mình luôn luôn đúng còn vợ mình, chồng mình thì lúc nào cũng sai. Sẽ có lúc mình là người vấp ngã trước. Có một chị luôn bực mình vì chồng hay bè bạn nhậu nhẹt. Nói hoài mà chồng không thay đổi. Trong thâm tâm chị lúc nào cũng nghĩ mình đúng, mình luôn là người tha thứ và cho chồng cơ hội sửa đổi. Nhưng cũng vì thế mà chị bắt đầu chia sẻ với một người khác, rồi so sánh người đó với chồng mình. Cuối cùng, chính chị ta lại là người phạm tội ngoại tình, bỏ chồng, bỏ con. Và đến lúc đó thì không còn cứu vãn được nữa.

THỨ HAI: Hãy nhìn vào Chúa Giê-su nơi Bí tích Thánh Thể.
Các tông đồ đã hứa hẹn như thế nào với Chúa trong phòng tiệc ly. Ấy vậy mà ngay sau khi Chúa bị bắt thì ngay những môn đệ thân cận nhất cũng phản bội, bỏ Chúa ra đi. Và Chúa đã âm thầm chờ đợi cách riêng là các tông đồ, nói chung là toàn thể nhân loại hoán cải trở về trong suốt hơn 2000 năm qua.

Thế thì, việc chúng ta cho chồng mình, vợ mình cơ hội sửa đổi và quay trở về trong 5 năm, 10 năm, thậm chí hơn nữa 50 năm thì có đáng gì với 2000 năm chờ đợi của Chúa. Thưa cộng đoàn!

Nói tóm lại, qua Lời Chúa Chúa nhật III Mùa Chay hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi nhìn lại 2 tương quan.

Trong tương quan với Thiên Chúa: Tôi đã bao nhiêu lần phạm tội, chối bỏ Ngài? Và Chúa đã thứ tha và cho tôi cơ hội để sửa đổi như thế nào?
Trong tương quan vợ chồng, cha mẹ con cái với nhau. Chúng ta đã thật sự tha thứ và cho nhau cơ hội để sửa đổi và trở lại chưa?
Đừng vội trả lời trong lúc này, mỗi người hãy dành thời gian thinh lặng bên Chúa để có thể tự đưa ra câu trả lời cho chính bản thân mình.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share: