LỄ MÙNG 2 TẾT KÍNH NHỚ TỔ TIÊN ÔNG BÀ CHA MẸ (Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6) THẾ NÀO LÀ CHỮ HIẾU ĐÍCH THỰC?

LỄ MÙNG 2 TẾT
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN ÔNG BÀ CHA MẸ
(Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6)

THẾ NÀO LÀ CHỮ HIẾU ĐÍCH THỰC?

Nhạc sĩ Trần Tiến có một ca khúc rất hay về Mẹ: Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con. Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ, nhớ ngôi nhà xưa…” Vâng! Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ lớn, lấy vợ lấy chồng, có con có cái, rồi cũng làm cha làm mẹ, rồi cũng sẽ già... nhưng có lẽ kí ức về một thời tuổi thơ, kí ức một thời tối ngủ được gối lên tay cha, chui vào vạt áo mẹ có lẽ sẽ không bao giờ phai nhòa trong tâm trí chúng ta. Để rồi đến một lúc nào đó, trước những va vấp sóng gió của cuộc đời, khi mà không còn ai bên cạnh thì bóng dáng cha mẹ bỗng nhiên ùa về trong ký ức, làm sóng sánh nụ cười, xốn xang lồng ngực.
Mỗi năm, Mẹ Giáo Hội dành ngày mùng 2 Tết để ca tụng các bậc tiền nhân và để nhắc nhớ cho chúng ta phải có bổn phận báo hiếu cho cha mẹ: “Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.” (Hc44,1;10). Rất nhiều người trong chúng ta, hễ nhắc đến cha mẹ lại khiến chúng ta rơi nước mắt. Bởi cha mẹ là một điều gì đó rất cao quý và thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ban tặng. Nhưng thử hỏi được mấy người trong chúng ta có những hành động cụ thể, quyết tâm trong đời sống để báo hiếu cho cha mẹ.
Trong tâm tình của ngày Lễ Kính Nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ hôm nay, xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài: THẾ NÀO LÀ CHỮ HIẾU ĐÍCH THỰC?

Người xưa có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”. Nghĩa là: Trăm cái thiện thì chữ Hiếu đứng đầu. Chữ Hiếu không chỉ là nhân bản con người mà còn là luật Chúa. Nói về chữ Hiếu chúng ta nghĩ nôm na rằng con cái có bổn phận phụng dưỡng và chăm sóc cha mẹ. Nhưng để có thể hiểu tường tận thì ít nhiều chúng ta chưa chú ý lắm. Chữ Hiếu đích thực thể hiện qua hai khía cạnh:
1.   Trước hết: Giáo dục chữ Hiếu
Ngày nay chúng ta thường xuyên nghe báo đài đăng tin nhiều nghịch tử; nhẹ thì từ bỏ, đánh đập cha mẹ; nặng thì giết cha giết mẹ. Khi nghe những chuyện như thế, ai trong chúng ta cũng cảm thấy căm phẩn và lên án đứa con. Tuy nhiên đó chỉ là phần ngọn. Cần phải truy về gốc để xem tại sao ngày nay lại có nhiều người vô ơn với cha mẹ như thế.
Thiết tưởng đó là vì ngày nay cha mẹ thương yêu con không đúng, nuông chiều con quá mức. Chẳng hạn như trong việc bênh vực bảo vệ con cái khỏi bạo hành học đường, nhiều phụ huynh đã bênh vực con cách quá đáng, bất kể con mình đúng hay sai. Nhiều trường hợp, khi các em thiếu nhi đi học Giáo lý, các em còn nhỏ nên hễ các bạn chọc ghẹo là không kiềm chế được nên xảy ra va chạm, đánh nhau. Nhiều phụ huynh bênh con mình, không những đánh lại con người ta mà còn lên làm ùm beng trên văn phòng Huynh trưởng, làm khó dễ các anh chị Huynh trưởng. Nhưng đến khi sự việc được điều tra rõ ràng thì con của mình mới là người có lỗi. Đó là trong môi trường nhà đạo, tại nhà thờ mà nhiều phụ huynh còn như vậy, huống hồ chi ngoài đời. Con cái hư đốn, bất hiếu là vì cha mẹ thương con chưa đúng, nuông chiều con quá mức. Thiết nghĩ kinh nghiệm dạy con của cha ông ta vẫn còn rất thích hợp với ngày nay: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.”
Để con cái biết chữ Hiếu mà sống, cha mẹ cần phải giáo dục chữ Hiếu cho con cái mình qua hai khía cạnh: Giáo dục nhân bản và giáo dục Kitô giáo.
Giáo dục nhân bản:
Theo tự điển Hán Việt: Hiếu có nghĩa là hết lòng thờ cha, kính mẹ, biết ơn cha mẹ đã sinh ra và nuôi nấng con cái. Do vậy, con cái phải có lòng biết ơn cha mẹ, thảo hiếu phụng dưỡng cha mẹ. Hiếu là phạm trù đạo đức của Nho giáo. Vì thế, dưới chế độ phong kiến: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ sử tử vong tử bất vong bất hiếu”. Nghĩa là: Vua khiến tôi chết, tôi không chết là tôi chẳng trung. Cha khiến con chết, mà con không chết là con chẳng hiếu.
Tuy vậy, đó là quan niệm chữ Hiếu ngày xưa, ngày nay, chúng ta không còn đặt nặng chữ Hiếu quá mức như thời phong kiến, nhưng con cái vẫn phải có bổn phận và trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, khi các ngài còn sống và cả khi các ngài đã qua đời. Và để con cái ý thức được chữ Hiếu, cha mẹ phải dạy dỗ con cái, cũng như phải làm gương cho con qua cách sống của mình đối với ông bà. Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó, nếu chúng ta vô ơn, bất hiếu với cha mẹ thì sau này con cháu chúng ta cũng thế.
Giáo dục Kitô giáo: Đối với người Công Giáo, đạo hiếu không chỉ là một bổn phận phải có đối với các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mà còn là đòi hỏi, là lệnh truyền, là giới răn của chính Thiên Chúa. Trong thập giới, Thiên Chúa dành ra giới răn thứ tư để truyền phải giữ, đó là: “Thảo kính cha mẹ”. Giới răn này chỉ đứng sau những giới răn tôn thờ Thiên Chúa. Như vậy, ngoài bổn phận với Thiên Chúa, người Công Giáo phải trung thành tuân giữ lòng hiếu nghĩa với tổ tiên.
        Tóm lại, trước hết để con có hiếu với cha mẹ thì cha mẹ cần biết giáo dục chữ Hiếu cho con, ngay từ khi chúng còn nhỏ. Đó là giáo dục ở khía cạnh nhân bản và giáo dục Kitô giáo.

2.   Thực hành chữ Hiếu
Tin mừng cho chúng ta biết Luật Thiên Chúa đã đặt ra là phải “hiếu thảo với cha mẹ của mình”, nhưng những người Do Thái lại nói: “Những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi”(Mt15,5). Những người Do Thái, đã dùng nghi lễ bề ngoài, để thoái thác một bổn phận căn bản là hiếu kính cha mẹ. Họ đã lấy quy ước của các kinh sư để xóa bỏ đi điều răn của Thiên Chúa. Không có chuyện nhập nhằng giữa việc thờ phượng Thiên Chúa và phụng dưỡng cha mẹ, hoặc thoái thác bổn phận và trách nhiệm đối với cha mẹ. Hiểu về chữ Hiếu là một chuyện, nhưng thực hành chữ Hiếu lại là chuyện khác. Con cái có hiếu với cha mẹ được thể hiện qua việc làm cụ thể:
Trước hết là chia sẻ vật chất: Con cái phải có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ, lo cho cha mẹ, không để các ngài thiếu thốn vật chất. Nhiều người, cứ nghĩ rằng cha mẹ phải cho con chứ con cái không cần cho cha mẹ. Hoặc cho cha mẹ cái gì đó thì kể lể, than vãn...Nhưng thử hỏi cha mẹ cho chúng ta cả cuộc đời mà các ngài có than vãn gì đâu. Vậy mới thấy cha mẹ nuôi con biển trời lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.
Kế đến, phải biết dành nhiều thời giờ cho cha mẹ. Nhiều người, hay biện minh vì công việc, vì ở xa, vì không đủ thời gian nên chẳng mấy khi thăm nom cha mẹ. Thảo kính cha mẹ không phải là chuyện gởi tiền trợ cấp đều đặn hàng tháng, hay cho các ngài những món quà to... nhưng thảo kính cha mẹ còn thể hiện ở chỗ biết về bên các ngài trong những ngày nghỉ, thăm hỏi, chăm sóc, hiện diện, an ủi, đỡ đần và yêu thương. Càng già, càng cảm thấy cô đơi, tủi thân, tâm lý các ngài càng mong muốn có con cháu bên cạnh để hỏi han thưa gửi, để chuyện trò...
3.   Thiên Chúa chúc phúc cho những ai sống trọn chữ Hiếu
Khi hiếu kính với tổ tiên, chúng ta sẽ được Thiên Chúa chúc phúc và tha thứ lỗi lầm, vì: “Ai tôn thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3,3-4). Thánh Phaolô thêm: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3); vì: “Ai vâng lời cha mẹ trong mọi sự sẽ đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20) và sẽ được Thiên Chúa sẽ nhận lời người hiếu nghĩa cầu xin (x. Hc 3,8). Còn với Đức Giêsu, ngài nhắc lại và kèm theo cảnh báo: “Ngươi hãy thờ kính cha mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).

Nói tóm lại, chữ Hiếu đích thực cần được thể hiện ở hai khía cạnh. Đó là giáo dục chữ Hiếu và thực hành chữ Hiếu. Con cái không tự nhiên biết hiếu thảo với cha mẹ mà chúng cần phải được giáo dục ngay từ nhỏ, mang ơn thì biết trả ơn, biết đền tạ công ơn cha mẹ. Khi sống trọn chữ Hiếu, không những ta chu toàn bổn phận và trách nhiệm với cha mẹ nhưng con được Thiên Chúa ban thưởng và chúc phúc cho chúng ta.
Những ngày đầu năm mới này, không khí tết trở nên chộn rộn khắp mọi nơi, người người, nhà nhà đang đón mùa xuân mới. Đêm giao thừa, cả gia đình cùng nhau đi lễ, sáng mùng 1, sau thánh lễ rạng đông, con cháu cùng quy tụ đông đủ để cùng nhau chúc tuổi ông bà, cha mẹ. Thế nhưng, nhiều gia đình sẽ buồn lắm bởi chẳng còn thấy bóng dáng của ông bà, cha mẹ ngồi đấy, quây quần bên con cháu. Chỉ còn lại tấm ảnh trên bàn thờ với ba nén hương trầm như chứng kiến tất cả những buồn vui của con cháu. Vâng! Thưa cộng đoàn, đừng đợi đến khi ông bà, cha mẹ qua đời rồi chúng ta mới báo hiếu. Hãy yêu thương, chăm sóc và ở bên ngay khi các ngài còn sống với chúng ta bởi: mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi. Mồ côi tội lắm ai ơi, đói cơm khát nước biết người nào lo.”
MA.PHUC,SSS
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét