Chúa nhật V – B – CĐ
G 7,1-4.6-7; 1Cr 9,
16-19.22-23; Mc 1,29-39
THỜI KHÓA BIỂU MỘT NGÀY SỐNG
Chúng ta đang sống trong một thời đại của nền kinh tế thị trường,
đề cao của cải vật chất hơn nhân bản, tình thân con người. Mọi thứ dần như đảo lộn tất cả và bị cuốn vào vòng xoáy của nó.
Sáng
thức giấc, cha mẹ đi làm, con cái đi học. Trưa, cha mẹ cơm nước
ở công ty, con thì ở trường. Chiều con về, cha mẹ tăng ca, nhiều khi tối mịt mới
về. Tuy cha mẹ con cái, anh chị em ở chung một nhà nhưng dường như
ít khi nào nói chuyện với nhau. Thậm chí chẳng có thời gian ở bên nhau.
Ngay những người thân trong gia đình còn không có thời gian
dành cho nhau thì làm sao có thời gian dành cho làng xóm láng giềng. Câu thành
ngữ “Bán bà con xa mua láng giềng gần”
có lẽ đã không còn phù hợp với nhiều gia đình hiện nay. Rất nhiều gia đình, tuy
sống bên cạnh nhau nhưng dường như chẳng bao giờ biết nhau, chứ đừng nói tới
chuyện thăm viếng.
Trong đời sống đạo cũng thế,
chúng ta cũng bị đảo lộn. Một tuần cũng cố gắng dành được một tiếng đồng hồ cho
việc đi lễ. Tuy vậy, đó là để chu toàn bổn phận mà thôi. Dường như ngày nay,
người ta không cảm thấy nhu cầu phải đến với Chúa cách tự nguyện nữa. Hễ nói đến
lại tặc lưỡi: Bận đi làm, hay mắc công
việc!
Vâng! Con người ngày nay dường như không làm chủ được thời giờ của mình, luôn bận rộn với trăm công nghìn việc. Dường như một
ngày 24g là quá ngắn để có thể làm hết mọi việc. Vì thế, nhiều người khi chợt tỉnh
lại thì mới
nhận ra thời gian đã đi quá nhanh. Tôi đã
chẳng làm được gì cho bản thân tôi, cho cha mẹ, anh chị em trong gia đình…Sách Gióp nói rõ cho chúng ta: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải
là thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngày lao lung vất và đâu khác gì kẻ làm thuê.”
(G 1, 1)
Chính vì thế, tôi mời gọi cộng đoàn hãy
tham khảo thời gian biểu trong ngày của Chúa để chúng ta noi gương bắt chước.
1. Ban ngày – thời gian dành cho tương quan gia
đình, tình thân
Tin
mừng cho chúng ta biết Đức Giêsu và các môn đệ vừa rao giảng trong hội đường Caphacnaum
ra và Người đến nhà hai ông Simon và Anrê. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên
cơn sốt.(Mc1, 30) Và Chúa đã chữa lành cho bà. Sau khi được chữa lành bà ngồi dậy
và phục vục các ngài.
Qua
việc chữa lành này của Chúa, gợi cho ta hình
dung về mối tình thân, tương quan trong một gia đình. Mối
tình thân này là mối tình tự nguyện, không cần cầu
khẩn, Người cũng chữa lành cho bà. Chúng ta biết, thường khi làm phép lạ, hoặc
để chữa lành cho ai đó, điều tiên quyết là cần lòng tin. Ở
đây, thánh Maccô dường như bỏ qua, không nói đến việc
bà mẹ vợ hay các tông đồ có tin hay không. Thánh Maccô sử dụng từ “lập tức” dể diễn tả việc chữa lành của Chúa diễn ra một
cách tự nguyện,
nhanh - gọn - lẹ. Thật vậy, tình thân trong gia
đình tự nó đã
có sức chữa lành. Sự chữa lành này phải
kèm theo hành động. Đó là phục vụ lẫn nhau. Chúa Giêsu đối với các tông đồ như
những người thân trong gia đình. Chúa biết lòng tin của các ông đến đâu. Khi chữa
lành cho bà mẹ vợ ông Simon thì không đơn giản là bệnh thể xác nhưng còn là những
ràng buộc của tội lỗi nơi tâm hồn bà. Chính vì được thoát khỏi gánh nặng tội lỗi
và tràn đầy sức sống bà đã phục vụ Chúa và các tông đồ cách hăng say.
Như
vậy, thời gian ban ngày Chúa dành hết cho các mối tình thân trong gia đình. Nơi
có cha mẹ, anh chị em, nơi có những người cùng chí hướng.
2. Ban chiều – thời gian dành cho các mối tương
quan với tha nhân
Tin
mừng tiếp tục nói rõ cho chúng ta biết: “Chiều
đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến
cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa.”(Mc 1,23). Mới vừa rồi phép lạ diễn ra trong trong
nhà, cho tình thân gia đình vài ba người. Giờ đây, bước ra trước cửa, phép lạ đã
bung ra cho niềm khát mong của bao kẻ bên ngoài.
Như
vậy, ban
ngày Chúa dành thời gian để nuôi dưỡng và
chữa lành những người thân trong gia đình, thì ban chiều, Chúa dành thời
gian để nuôi dưỡng tình làng xóm láng giềng. Qua việc bước
ra cửa để chữa lành cho nhiều kẻ ốm đau, mắc đủ
thứ bệnh và trừ nhiều quỷ, Chúa cho thấy, Người không chỉ sống cách ích kỷ nơi gia
đình nhỏ bé nhưng còn mở rộng lòng đón tiếp những người xung quanh. Chúa không chỉ có tương quan gia đình, mà tương quan
đó còn được mở rộng ra cho tha nhân. Chẳng thấy thánh Maccô đề cập đến vấn đề lòng tin đối với những ai được chữa lành nhưng có vẻ
như thánh sử
nhấn mạnh đến việc Chúa đi ra ngoài, đi
bước trước, chủ động đến với tha nhân.
Như
vậy, nếu như ban ngày Chúa dành thời gian cho các tình thân gia đình thì ban
chiều Chúa dành cho các mối tương quan làng xóm láng giếng. Mối tương quan này
cũng có sức chữa lành qua việc Chúa dám bước từ bên trong nhà ra bên ngoài cửa
tiếp xúc với tha nhân. Chính Chúa đã chủ động đi bước trước và tiếp đón tha
nhân như những người trong gia đình mình.
3. Ban sáng – thời gian dành cho tương quan Thiên
Chúa.
Tin
mừng lại tiếp tục: “sáng sớm, lúc trời
còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”
(Mc 1, 35). Trái ngược hoàn toàn với công việc và các mối tương quan, Chúa đã rủ bỏ tất cả để cô đơn, tĩnh lặng nơi hoang vắng, để tương quan với chính mình và nhất là để sống với
Thiên Chúa Cha. Chắc chắn, trước sự ồn ào, nô nức của đám đông vây quanh mình,
Người cảm thấy có nhu cầu để đắm chìm trong sự thân mật với Chúa Cha, cũng như
xác đinh lại vị trí của mình trên con đường sứ vụ. Thời gian ban sáng là lúc Chúa ưu tiên dành cho chính mình để sống
tương quan thân mật với Thiên Chúa Cha.
Nói tóm lại,
một ngày sống của Chúa sáng chiều, tối Chúa phân chia rõ ràng để sống trọn vẹn các mối tương quan. Chúa không chỉ dành
thời gian cho Chúa Cha mà thôi, nhưng còn ưu ái chăm lo cho tình thân gia đình
và rộng lòng đón tiếp bà con xóm giềng.
Ai trong chúng ta cũng được mời gọi noi gương thời
gian biểu này của Chúa. Không nhất thiết sống các tương quan vào những thời điểm
như Chúa nhưng phải có thời giờ đồng đều dành cho ba mối tương quan: Với Thiên
Chúa, với gia đình và với tha nhân. Khi sống
với ba mối tương quan đó là chúng ta sẽ có được sự quân bình trong đời sống. Chúng ta sinh ra là con
cái của Thiên Chúa, được Ngài đặt để vào gia đình không sống một mình. Và gia
đình nhỏ bé ấy được lớn mạnh trong nhịp sống và vòng quay của xã hội. Ba mối
tương quan Chúa, gia đình và tha nhân đều có giá trị như nhau và không thể thiếu
trong ngày sống của chúng ta. Nó tựa như chiếc kiềng ba chân vững chắc.
MA.PHUC,SSS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét