LỄ GIỖ - CĐ Ga 11:17-27 CHÚNG TA CẦN CÓ THÁI ĐỘ NHƯ THẾ NÀO KHI ĐỐI DIỆN VỚI CÁI CHẾT?

LỄ GIỖ - CĐ
Ga 11:17-27

CHÚNG TA CẦN CÓ THÁI ĐỘ NHƯ THẾ NÀO KHI ĐỐI DIỆN VỚI CÁI CHẾT?

Tôi nhớ có một lần tôi nằm mơ thấy mẹ chết và người ta đem đi chôn. Tôi không nhớ rõ lúc đó mình như thế nào chỉ nhớ khi người ta chôn mẹ con xong, tôi đã khóc rất nhiều, ôm mộ mẹ mà khóc, tôi khóc và không để cho ai khuyên nhủ. Tôi cứ khóc mãi, và phép lạ xảy ra là mẹ tôi bỗng dưng đội mồ sống lại…Vừa lúc ấy tôi cũng chợt tỉnh giấc, rờ lên mặt, thấy mặt đã ướt mèm, cổ họng vẫn còn nghẹn ứ. Rồi tự nhủ thầm: Chỉ là mơ, mẹ vẫn chưa chết!
Sáng dậy, tôi xin phép cha giám đốc cho về thăm mẹ. Vừa về đến nhà, thấy mẹ một mình nằm trên võng, miệng bõm bẽm nhai trầu, tôi chạy lại ôm mẹ mà khóc. Mẹ hỏi: “sao con khóc”, tôi im lặng… muốn nói một lời “con thương mẹ” sao lúc đó lại khó khăn đến thế.
Vâng! Nếu như đó chỉ là giấc mơ và tôi còn có cơ hội được ôm mẹ thì đối với những gia đình mất cha mẹ lại không có cơ hội như tôi. Con cháu có muốn nói với ông bà rằng: “con thương cha mẹ lắm!” cũng không được. Chỉ còn lại hai tấm ảnh trên bàn thờ như chứng kiến tất cả những buồn vui của con cháu. Dù cha mẹ đã mất từ lâu, nhưng có lẽ những ngày cuối năm, khi mà không khí tết tràn về, ai cũng muốn gia đình đoàn viên sum vầy, lúc này đây, có lẽ nỗi nhớ cha, lòng thương mẹ lại ùa về làm xốn sang nụ cười đến rơi nước mắt.
Đứng trước nỗi đau mất mát của người thân trong gia đình, nhất là mất cha mất mẹ, không có một lời nào có thể nói hết được nỗi đau mất mát của họ. Chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Thế nên những lời khuyên nhủ của mọi người đều trở nên vô nghĩa và trống rỗng.
Nếu vậy, xin được mượn Lời Chúa và chỉ có Lời Chúa để như một lời nhắn nhủ đối với những ai có người thân qua đời và cũng là đối với mỗi người chúng ta.

Trước cái chết của người thân chúng ta cần có thái độ nào?

1.   Thái độ của Mátta và Maria trước cái chết của em mình.

Tin Mừng mở ra cho chúng ta quang cảnh Đức Giêsu đối diện với sự ra đi của người bạn thân yêu. Ladarô có hai người chị là Matta và Maria. Trước cái chết của đứa em trai thân yêu hai người chị đã có hai thái độ hoàn toàn trái ngược. Nếu như, cô Maria chỉ biết đau buồn, ngồi ở nhà khóc lóc thì cô Matta đã nhanh chóng ra tiếp đón Chúa. Cô quả thật là một người mạnh mẽ, có niềm xác tín vào việc con người sẽ sống lại vào ngày sau hết. Thế nên cô đã trả lời với Chúa:“con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” Chúng ta hãy dừng lại ở hai thái độ này của Maria và Matta để nhận định xem đâu là thái độ đúng đắn nhất, mà mỗi Kitô hữu cần có, trước cái chết của người thân và của chính chúng ta.
Maria là đại diện cho típ người sống tình cảm, uỷ mị. Trước cái chết của người thân chỉ biết đau buồn, than khóc, không để ai an ủi. Với những người như thế cái chết là hết, là chấm dứt, là ra đi vĩnh viễn. Còn Matta là đại diện cho những người quá thiên vào lý trí, tự an ủi mình bằng lý luận: con người chết rồi sẽ sống lại. Do vậy, trước cái chết của người thân dường như họ không có một chút tình cảm quyến luyến nào. Vâng! Cả hai thái độ này đều chưa đúng với thánh ý Thiên Chúa. Tại sao lại chưa đúng, chúng ta thử xem Chúa đã có thái độ như thế nào?

2.   Thái độ của Chúa Giêsu trước cái chết của Ladarô

Đức Giêsu sau khi vào nhà, thì cô Maria chạy đến quỳ dưới chân và nói: “thưa thầy, nếu có thầy ở đây thì em con đã không chết” và cô khóc. Trước tình cảnh đó, tác giả Gioan cho biết Chúa đã thổn thức trong lòng, xao xuyến và khi vừa nhìn thấy mộ Ladarô Chúa liền khóc. Chính hành động này cho thấy trước cái chết của người thương yêu, Chúa cũng đau buồn, rơi lệ. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Chúa cầu xin Chúa Cha cách khẩn thiết, xin cho Ladarô sống lại. Và Chúa đã làm cho Ladarô sống lại trước con mắt ngỡ ngàng của tang quyến và những người chứng kiến. Đến đây chúng ta sẽ thở phào, vậy là Chúa đã làm phép lạ cho Ladarô sống lại, thế tại sao bây giờ Chúa không làm cho người thân của chúng ta sống lại?
Ladarô sau khi Chúa cho sống lại, người ta sẽ chúc mừng anh, chúc mừng gia đình anh, thậm chí còn ganh tỵ nữa. Tuy vậy, anh cũng chỉ sống được thêm một vài năm rồi cũng chết. Cho nên, việc Chúa làm cho Ladarô sống lại chắc chắn còn có một ý nghĩa khác. Đó chính là báo trước sự sống lại đích thực, sống lại mà không bao giờ chết nữa. Việc sống lại đích thực không phải là việc tăng thêm tuổi thọ nhưng là một cuộc biến đổi toàn diện con người chúng ta. Bởi thân xác phục sinh là thân xác có thần khí chứ không phải là thân xác của sinh khí như chúng ta hiện nay. Ơn Phục Sinh đó phát xuất từ Chúa Giêsu, Đấng sẽ bị kết án, chịu chết và Người sẽ sống lại để mở ra cho những ai tin vào Người cũng sẽ được phục sinh vinh hiển như Người. Thật vậy, Đức Giêsu chính là trưởng tử của những kẻ chết sống lại.
Như vậy, qua Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy cho chúng ta thái độ đúng đắn trước cái chết của người thân yêu và trước cái chết của chính chúng ta. Thái độ đó không phải là quá đau buồn, tuyệt vọng như Maria hoặc như Matta lại quá thiên vào lý trí, đến nỗi dường như vô cảm trước cái chết của người thân. Thái độ cần có là đau buồn đấy nhưng không tuyệt vọng. Mà tin tưởng vào quyền năng của Chúa sẽ cho chúng ta sống lại. Chúng ta không phải xin Chúa cho người thân hoặc chính chúng ta sống lại như Ladarô để rồi lại chết một lần nữa, mà là được sống lại như Chúa, Phục Sinh vinh hiển, sống lại với một con người được biến đổi toàn diện, sống lại và không bao giờ chết nữa.

MA.PHUC,SSS
Share:

LỄ TẤT NIÊN – CĐKT – CĐ Is 63,7-9; 1Cr 1,3-9; Lc 1,39-55 CHÚNG TA PHẢI CẢM ƠN NHƯ THẾ NÀO CHO PHẢI?

LỄ TẤT NIÊN – CĐKT – CĐ
Is 63,7-9; 1Cr 1,3-9; Lc 1,39-55


CHÚNG TA PHẢI 
CẢM ƠN  NHƯ THẾ NÀO CHO PHẢI?

Truyền thống dân tộc chúng ta hằng năm cứ sau 23 tháng Chạp là con cháu quy tụ lại đưa Ông Táo về trời, còn người Công giáo thì cùng dâng lễ, cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Sau đó cùng nhau dọn dẹp trang trí nhà cửa, gói bánh chưng bánh tét, làm mứt tết, cả gia đình cha mẹ con cái xum vầy, vui vẻ... Tuy vậy, đó chỉ là tết của ngày xưa. Còn ngày nay thì khác nhiều. Thời buổi kinh tế thị trường, thời của công nghệ internet dường như làm cho con người xa cách nhau hơn, ngay cả con cái anh chị em trong cùng một gia đình. Cái gì cũng có sẵn, chỉ cần ra chợ mua hoặc đặt trước là có. Thậm chí ngay cả việc dành thời gian đi lễ cầu nguyện cho ông bà nhiều khi cũng không có. Cứ lên cha xin lễ là xong.
Những ngày cuối năm, dù bận rộn như thế nào đi nữa thì nhất là khoảng khắc giao thừa thường làm cho chúng ta dễ nhớ về Thiên Chúa, về ông bà tổ tiên, hướng về nguồn cội với lòng biết ơn sâu sắc.
Và chắc hẳn, trong tâm tình hướng về Thiên Chúa và cuội nguồn với lòng biết ơn sâu sắc đó, chúng ta được mời gọi dâng một Thánh Lễ Tạ Ơn Cuối Năm để tỏ lòng biết ơn đến các đấng sinh thành, các ân nhân thân nhân, sau là dâng lên Chúa lời tạ ơn vì biết bao hồng ân Chúa đã ban trên từng gia đình và từng người trong suốt một năm qua.

Nếu như một đứa trẻ khi bập bẹ biết nói, tiếng đầu tiên là “ba” hoặc “mẹ” thì tiếng thứ hai chắn hẳn phải là hai tiếng “Cám ơn”. Thật vậy, “cám ơn” là câu cửa miệng của con người. Vẫn biết cám ơn là câu cửa miệng nhưng vấn đề đặt ra cho chúng ta là chúng ta phải cảm ơn như thế nào cho đúng? Xin được gợi ý 2 điểm.
1.   Điểm thứ nhất, cám ơn hay tạ ơn là trách nhiệm và bổn phận của bậc làm con.
Chúng ta sinh ra trên đời này không có gì là không lãnh nhận từ người khác. Thân xác này của cha mẹ cho, kiến thức của thầy cô, của cải vật chất là do các mối tương quan, công ăn việc làm. Và nói như thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-ri-tô: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7).
Tuy nhiên, trong muôn vàn ân huệ chúng ta nhận được thì ân huệ làm con Thiên Chúa là ân huệ lớn lao nhất.“Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, cha ơi!” (Gl 4,6). Chính vì nhận được ân huệ lớn lao đó nên chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm biết ơn đối với Thiên Chúa. Cũng như con cái có bổn phận biết ơn và báo hiếu cho cha mẹ thế nào thì chúng ta cũng có bổn phận và trách nhiệm tạ ơn Thiên Chúa như vậy. Vì thế “hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (x. Tv 136).
Tâm tình tạ ơn không chỉ có một vài lần nhưng cần phải được nhắc đi nhắc lại về những ân tình mà Thiên Chúa đã vì yêu thương mà ban tặng cho con người như bài đọc 1 gợi mở cho chúng ta: “Tôi xin nhắc lại ân nghĩa Đức Chúa, dâng lời ca tụng Đức Chúa, vì tất cả những gì Đức Chúa đã thực hiện cho chúng tôi vì lòng nhân hậu lớn lao của Người đối với nhà Itraen, vì những gì Người đã thực hiện, bởi lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giàu ân” (Is 63, 7).
Không dừng lại ở đó, thánh Phaolô trong thư gửi thứ nhất gửi tín hữu Côritô cũng nhắc cho chúng ta về tình yêu và lượng hải hà mà Thiên Chúa ban nơi Đức Giêsu. Chính thánh nhân là người đã làm gương cho chúng ta cách thức tạ ơn khi ngài cất cao lời tạ ơn Chúa thay cho con cái của mình: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu”.  Đây là hành động nêu gương cho chúng ta về thái độ biết ơn Chúa (x. 1 Cr 1,3-9). Thánh nhân còn mời gọi: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” vì “đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5:16-18).

2.   Điểm thứ hai: Lời tạ ơn phải kèm với hành động
Nhiều thánh lễ tạ ơn của các tân linh mục rất xúc động, kể lể không biết bao ơn lành Chúa đã ban. Nhưng ngay sau đó, liệu rằng được bao linh mục sống trọn vẹn với ơn Chúa ban. Hay chẳng mấy chốc đã trở nên một thứ gì đó quái gỡ trong đời sống của giáo hội, không những không mưu ích cho mình mà còn trở nên gương mù gương xấu và là cớ vấp phạm cho muôn ngàn con chiên khác.
Nhiều cặp vợ chồng trong ngày cưới ngập tràn hạnh phúc, cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, kể ra nào là ân phúc lớn lao Chúa đã ban trong ngày cưới. Ấy vậy mà chỉ về chung sống chưa được bao lâu, vợ đi đường vợ, chồng đi đường chồng, ơn Chúa vẫn còn đó, chưa kịp sinh hiệu quả.
Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn cầu xin Chúa ban ơn cho đứa con. Thật hạnh phúc vì Chúa đã nhận lời, nhưng rồi cô út cậu ấm ấy chẳng mấy chốc trở nên ông tướng, bà tướng chỉ vì nó là con cầu con khẩn.
Và còn biết bao gia đình, tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho thứ này thứ kia, của cái vật chất… nhưng rồi chẳng mấy chốc đã trở nên tan nát, đổ vỡ.
Nguyên nhân do đâu? Phải chăng Chúa không ban ơn nữa?
Thưa là vì chúng ta đã quá ỉ lại, quá lạm dụng vào ân sủng mà không hành động, không cộng tác để ân sủng đó phát sinh hiệu quả. Chúng ta đáp lại ơn Chúa bằng lời chúc tụng tạ ơn, đó đã là một việc chính đáng, phải đạo. Nhưng để hành vi này thật sự có ý nghĩa và hữu hiệu, còn phải biết sử dụng ơn Chúa sao cho đích đáng. Quan trọng nhất không phải là những lời cảm ơn chót lưỡi đầu môi mà là phải biết hành động, cộng tác với ơn Chúa thì ơn đó mới sinh ra hiệu quả.
Về điểm này xin mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng chân dung Đức Maria, Mẹ chúng ta. Ngay sau khi được sứ thần truyền tin, Mẹ đã lên đường chia sẻ niềm vui đó với bà chị họ. Tại đây, Mẹ đã dâng lời chúc tụng Thiên Chúa. Hơn bất kỳ ai, mẹ Maria khi ý thức được thân phận tôi hèn nơi mình. Dù hèn mọn, nhưng Mẹ lại được Thiên Chúa yêu thương và trao ban một ân huệ lớn lao là được trở thành Mẹ Thiên Chúa, ngang qua việc cưu mang và sinh hạ Đức Giêsu. Ngay lập tức, Mẹ đã coi đây là ân huệ lớn lao không chỉ cho riêng Mẹ, nhưng cho toàn thể nhân loại qua muôn ngàn thế hệ, vì thế, Mẹ đã cất lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.
Tạ ơn Thiên Chúa với cả linh hồn và thần trí là thế, xong lời tạ ơn này không chỉ dừng lại trên môi miệng nhưng được thể hiện bằng hành động của Mẹ. Đó là cả một đời Mẹ sống với lời xin vâng. Xin vâng đón nhận Ngôi Lời nhập thể, xin vâng sinh con giữa đêm đông, xin vâng trốn chạy qua Ai cập, xin vâng khi tìm thấy con trong đề thờ…xin vâng khi đứng dưới chân thập giá, xin vâng cho đến hơi thở sau cùng. Chính vì lời tạ ơn kèm với hành động Mẹ đã được Thiên Chúa ban thưởng trên thiên quốc.
Bởi vậy, Phaolô mới khuyên chúng ta học nơi gương Đức Maria: "Ðừng để ân huệ của Thiên Chúa trở nên vô hiệu" (2Cr 6,1). Vô hiệu, khi ta sống không tương ứng với ân sủng đã lãnh nhận. Vô hiệu, khi ta không vun xới ân sủng, để nó mang lại hoa trái là những hoa trái của Thần Khí và các nhân đức.
Nói tóm lại, thời gian cuối năm, khi mà không khí tết trở nên chộn rộn khắp mọi nơi, mọi nhà thì cũng là lúc lòng mỗi người dậy lên một tâm tình tạ ơn mãnh liệt. Đó không chỉ là những lời cám ơn suông nhưng được thể hiện qua những quà bánh, rượu mừng.
Lời tạ ơn đích thực phải là lời tạ ơn đi kèm với hành động. Nếu như con cái cám ơn cha mẹ thể hiện qua việc thường xuyên thăm viếng, chăm sóc cha mẹ bằng vật chất tinh thần thì tất cả chúng ta trong tương quan với Cha trên trời cũng thế. Chúng ta đã nhận được không biết bao nhiêu ơn lành từ Cha, tạ ơn là đúng nhưng phải kèm theo hành động cộng tác với ơn Chúa để ơn đó phát sinh hiệu quả.
MA.PHUC,SSS
Share:

Chúa nhật IV TN – B – CĐ Đnl 18,15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1,21-28 CHÚA Ở CÙNG U23 VIỆT NAM! (Ai là vị ngôn sứ đích thực của Thiên Chúa?)

Chúa nhật IV TN – B – CĐ
Đnl 18,15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1,21-28

CHÚA Ở CÙNG U23 VIỆT NAM!
(Ai là vị ngôn sứ đích thực của Thiên Chúa?)

        Vừa rồi, khi xem trận bán kết giữa Việt Nam và Qatar, phải nói rằng đó là một trận đấu không dành cho những người cao huyết áp và yếu tim. Sau trận đấu, rất nhiều người vui mừng, reo hò…biểu lộ tình cảm của mình dành cho các cầu thủ U23. Trăm ngàn thứ cách ăn mừng khác nhau. Người thì vác cờ chạy vòng vòng, người thì rủ bạn bè đi nhậu, kẻ thì đăng tin chúc mừng trên facebook…Việt Nam thắng, tôi thấy lòng cũng phấn khởi, tuy vậy không dám đi bão như các bạn trẻ, thôi đành ở nhà mở các trang mạng đọc tin tức vậy.
Đâu đâu cũng thấy người ta bàn về bóng đá. Lướt qua facebook các bạn trẻ chia sẻ hình ảnh của cờ đỏ rợp trời, chân dung và đời tư của các cầu thủ được khai thác triệt để, bên cạnh là tràn ngập hình ảnh và các video phản cảm của các cô gái, chàng trai khỏa thân uốn éo cách dung tục và phản cảm... Trong vô số muôn vàn hình ảnh liên quan đến bóng đá được đăng trên facebook ngày hôm đó, chỉ có một hình ảnh làm tôi bị đánh động và dừng lại. Một tấm bìa của Báo Công Giáo và Dân Tộc với hình ảnh của các cầu thủ, phía trên có dòng chữ “Chúa Ở Cùng U23 Việt Nam”. 
Thật vậy, khi nhìn vào tấm ảnh, tôi nhận thấy đó không chỉ là để chúc mừng với chiến thắng của U23, nhưng còn là cách mà người Công giáo tuyên xưng niềm tin và giới thiệu Chúa cho mọi người.

AI LÀ NGÔN SỨ CỦA CHÚA?
Chúng ta biết rằng việc giới thiệu Chúa, hay nói về Chúa là nhiệm vụ của các ngôn sứ. Phải nói rằng nhiều tín hữu ngày nay đã rất khéo léo và sáng tạo trong việc sống với ơn gọi ngôn sứ của mình. Thật vậy, khi được Rửa tội, tất cả chúng ta trở thành ngôn sứ của Chúa. Và trong đời sống hiện đại, internet là phương tiện tốt nhất để chúng ta sống với ơn gọi ngôn sứ. Đó là một việc làm đúng đắn và cần được khích lệ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây, phải chăng bất cứ ai đăng một vài tấm hình Chúa, đăng một câu Lời Chúa, chia sẻ các bài viết về Chúa…là đã sống đúng với ơn gọi làm ngôn sứ của mình?
        Thưa không đơn giản thế! Tin mừng của thánh Maccô phần nào trả lời rõ cho chúng ta. Không phải bất cứ ai tuyên xưng Chúa đều là ngôn sứ của Chúa. Có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giêsu Nadaret…tôi biết ông là ai rồi, ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Mc 1,24) Ngay sau đó, Chúa quát mắng nó và bắt nó im lặng vì nó biết Người là ai. Chúng ta biết rằng bản chất của ma quỷ là dối trá và thù ghét. Cho dù chúng tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa nhưng nó không yêu thương và không chấp nhận quyền năng của Chúa. Hơn nữa, ma quỷ không đủ tư cách để tuyên xưng Chúa cho người khác. Chỉ những ai được Rửa tội, mang chức vụ ngôn sứ cộng đồng mới có tư cách để loan truyền mà thôi.

Vậy thì ngôn sứ đích thực phải là người như thế nào?

1.   Trước hết, ngôn sứ đích thực là người được Thiên Chúa đặt để Lời của Ngài vào môi miệng người ấy.

Theo Kinh thánh ngôn sứ là những người được Thiên Chúa đặt Lời của Ngài vào môi miệng của người ấy (x.Đnt 18,15-25). “Từ giữa anh em, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ…Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ truyền cho chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.” Vì nhận được mệnh lệnh của Thiên Chúa nên ngôn sứ sẽ nói và chỉ nói về Chúa mà thôi.
Làm cách nào có thể nói về Chúa nếu như chúng ta chưa được Chúa đặt Lời của Ngài vào môi miệng chúng ta? Để có thể nói về Chúa cho mọi người điều đầu tiên chúng ta cần học biết về Chúa. Không có thì lấy gì mà cho người khác. Để sống với ơn gọi ngôn sứ, chúng ta cần học hỏi lời Chúa qua việc siêng năng tham dự Thánh Lễ, nghe các cha giảng giải Lời Chúa, đọc Kinh thánh mỗi ngày…
Nhiều người trong chúng ta hiện nay, hễ cứ thấy hình ảnh nào liên quan đến Chúa và Đức Mẹ là chia sẻ, đăng tải. Nhất là ngày nay tôi thấy nhiều hình ảnh của nhóm lạc giáo Sứ Điệp Từ Trời. Nhóm này có đặc điểm dễ nhận biết là luôn nói rằng sắp tận thế và để lời nói của mình có sức thuyết phục họ loan truyền một Thiên Chúa sẽ trừng phạt nặng nề, họ luôn đánh vào lòng tin nhẹ dạ của kitô hữu bằng những phép lạ Chúa khóc, Đức Mẹ khóc…và điểm nổi bật là luôn chống đối Đức Thánh Cha.
Nếu chúng ta nghĩ rằng thật tốt khi chia sẻ hình ảnh hay các video clip về Chúa, Đức Mẹ mà lại không biết phân định đâu là thật, đâu chỉ là chiêu trò lừa bịp của nhóm lạc giáo Sứ Điệp Từ Trời, của ma quỷ và các thế lực thù địch khác thì như thế cách nào đó chúng ta đang cộng tác với ma quỷ hoặc cũng giống như người bị quỷ ám trong bài Tin Mừng. Tuyên xưng đấy, nhưng không tin và không hoán cải. Và chắc chắn đó là điều Chúa không hề muốn.

2.   Thứ hai: Ngôn sứ đích thực phải là người biết họa đời mình theo chân dung của Ngôn sứ vĩ đại Giêsu
Trước hết, Chúa Giêsu là vị ngôn sứ vĩ đại vì chính Người là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này,Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Hr 1,1-2).
Kế đến, Chúa Giêsu là vị ngôn sứ vĩ đại vì Người làm cho người ta“sững sốt về lời giảng của Người, vì Người dạy như một Đấng có uy quyền chứ không như các kinh sư (Mc 1,22).
Sỡ dĩ Chúa giảng dạy như một đấng có uy quyền là vì lời giảng đi đôi với hành động. Thánh Maccô đã rất tài tình khi kết hợp lời giảng của Chúa với việc chữa lành. Điều này khiến Chúa khác biệt với các kinh sư và luật sĩ. Họ chỉ trọng lề luật chứ không đá động gì đến con người. Chúa lại khác, Người chú trọng đến con người, nhất là những người thấp cổ bé họng, người nghèo, bệnh nhân, những thành phần bị gạt ra bên lề xã hội...

Như vậy, Chúa Giêsu chính là vị ngôn sứ vĩ đại. Chúng ta, qua bí tích Rửa tội được trở nên Con Thiên Chúa và là em của Trưởng Tử Giêsu. Do vậy, chúng ta cũng cần học nơi Người để trở nên một ngôn sứ đích thực. Đó là phải biết họa lại đời mình theo nếp sống của Chúa, biết yêu thương, chia sẻ với người nghèo, những người bị bỏ rơi…

        Tóm lại, để có thể trở thánh vị ngôn sứ đích thực của Chúa cho thời đại hôm nay, trước hết mỗi người chúng ta cần biết đào sâu, học hỏi lời Chúa, qua đó có thể phân định đâu là những điều đúng với đức tin và giáo lý của Giáo hội, đâu là những điều sai lạc mà ma quỷ mê hoặc chúng ta. Kế đến chúng ta phải biết họa lại đời mình theo nếp sống của Đức Giêsu.

Ngay sau khi bức ảnh của Báo Công Giáo Dân Tộc được đăng tải, nhiều người vào comment tạ ơn Thiên Chúa và chúc mừng U23 Việt Nam. Tuy vậy, ngay sau đó, tôi thấy có một bạn khác đăng tấm ảnh trên với hai đường gạch chéo màu đỏ to đùng, kèm theo những lời chê trách nặng nề và khẳng định chẳng có Chúa nào ở cùng các cầu thủ cả. Chẳng thấy có anh nào làm dấu khi xút panelti cả, chỉ thấy mấy ảnh hôn lá cờ và đặt tay lên ngực thôi. Các anh thắng nhờ giỏi giang chứ không phải nhờ Chúa. Đừng có lôi Chúa vào đây…
Tôi thấy làm lạ với cách, mà bạn đó phản ứng. Thì tùy mỗi người mỗi tình cảm, mỗi suy nghĩ. Người Công giáo tin rằng trong mọi biến cố buồn vui, thua thắng đều có ơn lành của Chúa. Ngay từ trong Cựu ước, mặc dù nhiều người phân tích dân Do thái vượt qua biển đỏ khô chân là do có động đất, khiến nước cạn khô, hoặc những lý giải khoa học khác…nhưng trong tâm thức, người Do thái tin rằng Chúa đã giải thoát họ. Người Công Giáo chúng ta cũng thế, luôn nhìn mọi vấn đề, biến cố qua lăng kính của đức tin. Chẳng hạn như trong những ngày lễ Giáng Sinh vừa qua, liên tục báo đài đăng tin sẽ có bão rất lớn đánh trúng vào các tỉnh miền Nam Việt Nam. Các học sinh được thông báo nghỉ học, nhiều công ty cho công nhân nghỉ, hàng trăm ngàn hộ gia đình phải sơ tán. Tuy vậy, bão không vào. Nhà đài chỉ thông báo gọn lơ: Bão đã đổi hướng. Nhưng với người Công Giáo lại nghĩ  khác, Chúa cứu chúng ta, Chúa ở cùng chúng ta. Và dĩ nhiên, với bóng đá cũng thế, “Chúa ở cùng U23 Việt Nam”

MAPHUC,SSS


Share:

CĂN TÍNH CỦA TÌNH YÊU LỨA ĐÔI

CĂN TÍNH CỦA TÌNH YÊU LỨA ĐÔI

Bài trích Tin mừng theo Thánh Matthêu (Mt: 19, 3-6)
Khi ấy, các người Pharisiêu đến gần Chúa Giêsu để thử Người, và họ hỏi rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình vì bất cứ lý do nào chăng?” Người đáp lại các ông: “Các ông há không đọc thấy rằng: từ đầu tiên Thiên Chúa đã tác tạo nên người ta, và Người đã tác tạo nên họ cả nam và nữ ư?” Và Thiên Chúa đã phán dạy rằng: “Bởi lẽ đó, người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và luyến ái vợ mình, và cả hai sẽ thành nên một huyết nhục.  Như thế, họ không còn phải là hai, nhưng là một huyết nhục.  Vậy điều gì mà Thiên Chúa đã liên kết, con người không được tháo gỡ.”

Đó là Lời Chúa.

Kính thưa các bạn trẻ thân mến! Khi đi ăn tân gia, mà vừa vào nhà, chưa kịp chào chủ nhà chúng ta đã vội ý kiến: “Nhà này cái cửa nhỏ quá, một có người chết sao mà khiêng quan tài được.” Nói như thế ai mà chịu được. Nhà người ta mới xây, chưa kịp tân gia đã nói chuyện xui xẻo. Không khéo còn bị chủ nhà đuổi đi. Hoặc khi chúng ta đi xe, vừa bước lên xe, ta đã vội kể những chuyện nào là đụng xe, tai nạn…tài xế không chửi cho mới lạ. Vâng! Người ta nói khởi đầu một việc nào đó không nên nói những chuyện xúi quẩy, xui xẻo sẽ không tốt. Tuy nhiên, bài Tin mừng chúng ta vừa nghe lại thường được đọc trong các thánh lễ Cưới, đề cập đến chuyện xui xẻo trong đời sống vợ chồng mà ai cũng không muốn. Đó là ly dị.
Tại sao trong ngày cưới, Mẹ Giáo Hội lại cho chúng ta nghe một đoạn Tin Mừng đề cập đến vấn đề ly dị?
Thưa vì đó là những lời cảnh tỉnh thiết thực nhất dành cho những đôi tân hôn. Bởi nếu quay trở về thửa tạo thiên lập địa, ông bà nguyên tổ được hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa. Tuy vậy, cả hai đã không chấp nhận, từ chối Chúa qua hành vi ăn trái cấm. Chúa là tình yêu, vậy khi chối Chúa nghĩa là hai ông bà đã đánh mất tình yêu, cội nguồn của tình yêu. Vì thế, tình yêu của ông bà đã không còn nguyên vẹn, đã có những rạn nứt và mong manh dễ vỡ.
Căn tính trong tình yêu của vợ chồng dựa vào đâu? Dựa vào chính Thiên Chúa mà cụ thể là tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Tình yêu đó không còn trừu tượng, xa xôi nhưng thể hiện cách trọn vẹn nơi Bí tích Thánh Thể. Tình yêu thể hiện ở 3 khía cạnh:
1.   Yêu là Trao ban
Trước hết, Đức Kitô đã yêu thương nhân loại đến nỗi Người đã trao ban chính mình cho nhân loại. Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.(Pl 2, 6-8). Người chính là Thiên Chúa vô hình, đã vì yêu thương con người và vì tuân phục thánh ý Chúa Cha mà Người đã xuống thế mặc lấy thân phận phàm nhân như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Không dừng lại ở đó, “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” Đức Ki-tô đã trao ban chính mình cho nhân loại qua việc Người thiết lập Bí tích Thánh Thể. Qua đó Người trao ban chính mình, sự sống của Người làm của ăn nuôi dưỡng nhân loại. Khi yêu nhau người ta thường được ở gần nhau, được hôn nhau, nên một với nhau qua việc chăn gối. Đức Ki-tô đã hẳn yêu con người nhiều hơn thế, tình yêu không giới hạn trong giới tính nhưng là tình Agape – tình bằng hữu. Tình yêu hy sinh chính mình và nhất là trở nên của ăn cho người mình yêu. Như vậy, khi rước Mình Thánh Chúa chúng ta được tháp nhập, được hòa tan trong tình yêu của Chúa.
Đời sống hôn nhân cũng thế. Khi yêu nhau các bạn luôn muốn người yêu thuộc trọn về mình. Vì thế các bạn kiểm soát mọi thứ của nhau. Tuy vậy, nhiều bạn yêu ích kỷ, chỉ biết lợi cho mình mà không nghĩ đến cảm xúc của người yêu. Chình vì thế, về sống chung vài tháng, vài năm là chán. Tình yêu đích thực phải là tình yêu biết trao ban chứ không phải đòi hỏi. Chúng ta cần trao ban không chỉ thân xác mà còn cả tâm hồn, thời giờ…cho người yêu chứ không phải kiểm soát và ràng buộc.
2.   Yêu là Hy sinh
Đức Ki-tô đã hy sinh sự sống của Người cho nhân loại qua việc Người chịu chết trên thập giá. Người là Đấng Vô Tội mà đã gánh lấy tội con người, hy sinh chính thân mình làm của lễ đền tội. Cái chết trên thập giá của Đức Kitô là cớ vấp phạm cho người Do thái, và là sự điên rồ đối với dân ngoại (1 Cr 1,23). Nhưng đối với chúng ta là những kẻ được tuyển chọn, đó là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1 Cr 1,24). Cái chết của Đức Kitô là cái chết tự nguyện, tự nguyện hy sinh và vì lẽ đó mà Chúa Cha yêu mến Ngài (x. Ga 10,17-18). Chính sự vâng phục tự nguyện đem lại giá trị cho sự đau khổ và cái chết của Đức Kitô.
Cũng vậy, trong tình yêu lứa đôi cần lắm sự hy sinh cho nhau. Chồng hy sinh cho vợ, vợ hy sinh cho chồng, cha mẹ hy sinh cho con cái…Nghệ sĩ Trấn Thành trong một chương trình truyền hình thực tế Sau Ánh Hào Quang. Khi đề cập đến sự hy sinh trong đời sống vợ chồng, anh đã cho rằng từ hy sinh là từ tàn nhẫn nhất dành cho người phụ nữ nếu sử dụng không đúng mục đích và lạm dụng. Không có lý do gì để bắt chúng ta hy sinh một cách vô lý. Sự hy sinh hữu ích thì đáng ghi nhận, bỏ đi quyền lợi để mang lại cái gì có giá trị tốt đẹp hơn. Còn bắt người ta hy sinh quá đáng thì sự hy sinh không có giá trị. Vâng! Sở dĩ sự hy sinh không có giá trị là vì chúng ta chưa kết hợp với sự hy sinh của Chúa. Ai có thể thấu hiểu được sự hy sinh của Đức Maria, Thánh Giuse đã âm thầm sinh hạ và nuôi dưỡng, bảo vệ Con Thiên Chúa đến hơi thở sau cùng. Ai có thể thấu hiểu được sự hy sinh của thánh nữ Mô-ni-ca khi mấy chục năm trời cầu nguyện cho chồng và con. Chính sự kết hiệp với Đức Ki-tô mà sự hy sinh đó đem lại giá trị đó là chồng và con đã quay trở về với Thiên Chúa. Sự hy sinh này không chỉ của riêng ai nhưng là của mọi thành viên trong gia đình.
3.   Tình yên làm Nảy sinh sự sống
Đức Ki-tô hy sinh sự sống cho chúng ta, nhưng sự hy sinh đó không phải là vô ích. Người đã sống lại. Chính vì thế, Người đưa nhân loại bước vào thời đại mới, thời của sự sống thật, sống không chết nữa. Chúa Giêsu phục sinh để chúng ta được công chính hóa. Bằng cái chết, Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi; và bằng việc Phục Sinh, Người đã mở ra cho chúng ta một con đường sống mới. Sự sống mới này trước hết là việc làm cho chúng ta sống trong chân lý sự thật, Người phục hồi sự sống của chúng ta trong ơn nghĩa Chúa, “cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới như vậy” (Rm 6,4).
Chúa Kitô phục sinh sống trong lòng của chúng ta khi chúng ta mong chờ điều ấy được nên trọn. Và đời sống của chúng ta được Chúa Kitô thu hút vào ngay tâm điểm của sự sống thần linh, để họ có thể “không sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình”. (2Cr 5,15)
“Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu… Như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,20-22). Từ đây, cuộc đời con người không còn phải là chu kỳ “sinh ra-sống-chết-mục nát”, nhưng là “sinh ra-sống-chết-phục sinh”. Do quyền năng của Chúa Giêsu Phục Sinh, Thiên Chúa Toàn năng sẽ làm cho chúng ta sống lại, cho thân xác chúng ta kết hiệp với linh hồn, cho ta sự sống bất diệt ở đời sau. Bởi vì Thiên Chúa đã đem cả thân xác nhân loại của Ngài vào Thiên quốc, thì chúng ta cũng tràn ngập hy vọng, hân hoan, chắc chắn sẽ được gặp và ở với Ngài trên Thiên quốc như Ngài đã hứa.
Tình yêu trong đời sống hôn nhân cũng thế. Tình yêu làm này sinh sự sống. Sự sống đó thể hiện cụ thể qua việc sinh ra và giáo dục con cái theo luật Chúa. Sự sống đó còn thể hiện qua việc gia đình luôn đầm ấm, hạnh phúc và tiếng cười.

Nói tóm lại, các chuyên gia tâm lý học, kinh tế học…chạy vào nghiên cứ tại sao ngày nay số lượng ly dị của các cặp hôn nhân trẻ ngày càng nhiều. Và người ta đưa ra trăm ngàn những giải thích khác nhau. Tuy vậy, đó không phải là vấn đề của chúng ta ngày nay mà của toàn thể con người ngay từ buổi đầu tạo thiên lập địa. Tự bản chất, con người không thể có tình yêu đích thực, nên không thể mang lại hạnh phúc cho nhau cách trọn vẹn được. Cần phải quay trở về với căn cốt của tình yêu. Cội nguồn của tình yêu là Thiên Chúa. Muốn có tình yêu đích thực cần phải học theo gương Đức Giêsu Ki-tô Thiên Chúa làm người qua 3 khía cạnh: yêu là phải Trao ban, yêu là biết hy sinh và tình yêu làm nảy sinh sự sống.
MAPHUC,SSS
Share:

LỄ CHÚA HIỂN LINH – GT Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12 NGÔI SAO NĂM CÁNH

LỄ CHÚA HIỂN LINH – GT
Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12

NGÔI SAO NĂM CÁNH

Năm nào cũng vậy, mới khởi đầu Mùa Vọng là nhiều người trong chúng ta đã chộn rộn chuẩn bị trang trí nhà cửa, làm hang đá mừng Lễ Chúa Giáng Sinh. Công phu nhất là trang trí hang đá. Ai cũng muốn làm hang đá sao cho đẹp, cho bắt mắt, làm sao người ta nhìn vào thấy toát lên được vẻ linh thiêng, hướng tâm hồn mình lên Chúa. Sau khi hang đá được hoàn tất, có Chúa, có Đức Mẹ, thánh Giuse, có bò lừa…Tuy vậy vẫn còn thiếu một thứ cũng quan trọng không kém khi làm hang đá, theo cộng đoàn đó là gì? Vâng! Hang đá không thể thiếu ngôi sao.
Ngôi sao có vai trò quan trọng như thế nào trong lễ Chúa Giáng Sinh mà khi trang trí hang đá lại không thể thiếu ngôi sao?
1.   Ngôi sao của cựu ước – mặc khải của Thiên Chúa qua tự nhiên.
Ngôi sao nói riêng hay muôn vàn tinh tú nói chung, “trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa. Không trung loan báo việc tay Người làm.” ( Tv 19,18) Nghĩa là nhìn vào tự nhiên: tinh tú trăng sao, biển khơi núi non, muôn loài thọ tạo…, con người có thể nhận biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa gửi vào mọi vật trong vũ trụ và lịch sử một dấu ấn chứng minh về Người.“Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ.” (Rm 1,20). Thánh Phaolô đã khẳng định như thế trong thư gửi tín hữu Rôma. Cũng vậy, chính vì thấy được ánh sáng vinh quang Thiên Chúa nơi thành Giêrusalem nên tiên tri Isaia nói rõ: “chư dân sẽ đi về ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng vế ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.” (Is 60,3)
Như vậy, ngôi sao trong Cựu ước là biểu tượng tiêu biểu cho việc Thiên Chúa tự mặc khải, tự tỏ mình ra cho con người qua tự nhiên. Nhìn vào tinh tú, vạn vật…, dù chúng không nói nên lời nhưng chính chúng là phản ảnh rõ nét hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, Đấng sáng tạo muôn loài.
2.   Ngôi sao của Tân ước – loan báo Đấng Cựu Độ đến trần gian
Tin mừng theo thánh Mátthêu thuật lại cho chúng ta hình ảnh ngôi sao lớn, hướng dẫn cho Ba Vua đến gặp Đấng Cứu Thế. Nếu ngôi sao trong Cựu ước là mặc khải của Thiên Chúa qua tự nhiên thì ngôi sao của Tân ước lại quy hướng về chính Đức Giêsu là Thiên Chúa Làm Người. Thật vậy,“thủa xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ. Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ và đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa.” (Hr 1,1-3). Và “trong sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của Ngài, Thiên Chúa đã vui lòng đích thân tỏ mình ra và cho biết mầu nhiệm của thánh ý Ngài, nhân đó và nhờ Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, con người có thể đến gần Đức Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần và được trở nên thông phân bản tính thần linh của Ngài.” (SGLGHCG, số 51)
Như vậy, ngôi sao trong Tân ước chỉ có nhiệm soi sáng cho Ba Vua, đại diện cho dân ngoại đến với Đấng Emmanuel, Thiên Chúa làm Người. Và chính Người sẽ là Mặt trời công chính, soi sáng không chỉ cho dân Do Thái mà toàn thể nhân loại đang lầm than trong bóng đêm tội lỗi. Thật vậy, trong thư gửi tín hữu Ephêsô thánh Phaolô khẳng định: “Chính Đức Giêsu sẽ mặc khải cho cả dân ngoại cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thánh một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. (Ep 3,6)

3. Ngôi sao của chúng ta
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Không biết tại sao người ta lại vẽ ngôi sao có năm cánh. Nhưng thiết nghĩ mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên ngôi sao có năm cánh đó, phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa, hay chiếu sáng dẫn lối cho người khác đến với Chúa qua năm nhân đức:
3.1.   Nhân Đức Khôn ngoan
Khôn ngoan là nhân đức giúp lý trí chúng ta nhận ra những điều thiện đích thực và lựa chọn những phương thế tốt nhất để đạt tới. “Người khôn ngoan thì đắn đo từng bước” (Cn 14,15). Chúng ta cần biết sống khôn ngoan để chọn Chúa chứ không chọn những giá trị trần thế.
3.2.   Nhân đức Công bình
Công bình là tôn trọng quyền lợi của người khác, đối xử hài hoà với hết mọi người và thực thi công ích là trách nhiệm của mỗi người. Đức công bình giúp chúng ta thực hiện những gì của người khác, thì trả về cho họ; những gì là của Thiên Chúa, thì trả về cho Thiên Chúa (x. Mc 12,17).
3.3.   Nhân đức Dũng cảm (can đảm)
Dũng cảm (can đảm): là nhân đức giúp chúng ta kiên trì theo đuổi điều thiện tới cùng dù gặp nhiều gian nan thử thách; cương quyết chống lại cám dỗ và vượt thắng sợ hãi; dám đối diện với những thử thách và bách hại, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì chính nghĩa.
3.4.   Nhân đức Tiết độ (chừng mực)
Tiết độ (chừng mực): là nhân đức giúp ta biết tự chủ trước những quyến rũ của các thú vui và giữ chừng mực trong cách hưởng dùng những tiện nghi vật chất.
3.5.   Bác ái yêu thương
Đức Giêsu đã nói rõ: Cứ dấu này người ta sẽ nhận ra anh em là môn đệ thầy nếu anh em biết yêu thương nhau. (Ga 13,35)Nhiều người trong chúng ta nghĩ cao xa phải làm rất nhiều thứ để có thể giới thiệu Chúa cho mọi người. Nhưng đơn giản chỉ là sống bác ái yêu thương. Đó không chỉ hạn hẹp tôi biết yêu tôi, lo cho tôi nhưng còn gia đình và những người xung quanh.
Để có thể thực hiện được 5 nhân đức tương ứng với năm cánh của ngôi sao thì cần phải cố gắng thường xuyên, phải cố gắng luyện tập từng ngày và suốt đời.

Nói tóm lại, ngôi sao trong Cựu ước biểu tượng cho mặc khải của Thiên Chúa qua tự nhiên. Tức là qua vụ trụ, trăng sao, biển khơi và muôn loài thọ tạo… con người có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngôi sao trong Tân ước dẫn dắt con người với Thiên Chúa làm Người, chính Người là Mặc Khải trọn vẹn về Thiên Chúa. Người không lặng im như tinh tú vạn vật nhưng chính Người sẽ lên tiếng và hành động để mặc khải về Thiên Chúa cũng như Công Trình Cứu Độ đã được dấu kín từ ngàn xưa. Và quan trọng, mỗi người chúng ta được mời gọi trở thành ngôi sao năm cánh với năm nhân đức: khôn ngoan, công bình, dũng cảm, tiết độ và yêu thương để soi sáng và làm chứng cho Chúa giữa một thế giới tràn ngập bóng đên của tội lỗi và sự chết. Amen
MAPHUC,SSS


Share: