Chúa nhật 26TN – lễ Đức Mẹ Mân Côi – CĐ Cv1,12-14; Gl4,4-7; Lc1,26-38

Chúa nhật 26TN – lễ Đức Mẹ Mân Côi – CĐ
Cv1,12-14; Gl4,4-7; Lc1,26-38

KINH MÂN CÔI:
PHẢI CHĂNG LÀ MỘT SỰ LẶP ĐI LẶP LẠI NHÀM CHÁN!
Kính chào cộng đoàn, xin chào các bạn trẻ! Các bạn trẻ thân mến, có những bộ phim, những ca khúc, hoặc vài tin nhắn nào đó chúng ta có thể xem đi xem lại, nghe đi nghe lại, đọc đi đọc lại nhiều lần mà không cảm thấy nhàm chán. Sở dĩ chúng ta xem một bô phim nhiều lần là vì phim đó ý nghĩa, nghe đi nghe lại một ca khúc vì ca khúc đó hợp với tâm trạng, đọc đi đọc lại một tin nhắn vì tin nhắn đó là tin nhắn của người mình yêu.
Tuy vậy, có một lời kinh rất ngắn gọn, được Giáo hội, và đặc biệt là Mẹ Maria tha thiết kêu mời chúng ta đọc đi đọc lại mà rất ít người, đặc biệt là các bạn trẻ thực hiện. Đó là kinh Kính Mừng – kinh Mân Côi. Chúng ta không thể đọc kinh Mân Côi tại vì phần lớn chúng ta cảm thấy đó là một lời kinh quá nhàm chán, một sự lặp lại không cần thiết.
Tại sao kinh Kính Mừng lại là lời kinh chúng ta cảm thấy nhàm chán? Có nhiều lý do, nhưng thiết nghĩ lý do hàng đầu là vì chúng ta chưa hiểu được kinh Kính Mừng cũng như giá trị của việc lần hạt Mân Côi mang lại.
1. Trước hết, nếu chúng ta xem một bộ phim nhiều lần vì chúng ta cảm thấy phim đó có ý nghĩa thì lời kinh Mân Côi thật sự là một lời kinh có ý nghĩa sâu sắc hơn muôn vàn bộ phim. Bởi đó không phải là lời của người phàm, nhưng là Lời của Thiên Chúa. Nói đúng hơn là lời của Sứ thần đối với Đức Maria. Đó không chỉ là lời chào: Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng Đức Chúa Trời ở cùng bà, mà còn là lời tuyên bố mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ Thiên Chúa ở cùng nhân loại - Emmanuen. Nếu như thời Cựu ước muôn dân mong chờ Đấng Cứu Thế đến, thì việc sứ thần truyền tin cho Đức Maria chính thức mở đầu cho thời kỳ cứu độ. Thiên Chúa không còn ở xa nhưng rất gần, ở với, ở trong cung lòng Đức Maria và ngày nay là ở trong chính chúng ta mỗi khi chúng ta rước Mình Thánh Chúa. Do vậy, lời kinh Kính Mừng thật sự có ý nghĩa đối với chúng ta là những Ki-tô hữu. Đọc kinh ấy chính là lúc chúng ta xác tín vào Ơn Cứu Độ mà Đức Ki-tô mang lại. Biến cố nhập thể mởi đầu cho thời kỳ cứu độ. Chúng ta thật sự là những người có phúc vì được sống trong thời cứu độ.
2. Kế đến, nếu một ca khúc nào đó chúng ta nghe đi nghe lại nhiều lần là vì chúng ta thấy ca khúc đó phù hợp với tâm trạng thì, kinh Mân Côi là lời kinh luôn phù hợp với tâm trạng chúng ta trong mọi thời, mọi hoàn cảnh: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Mỗi lần đọc Kinh Mân Côi là chúng ta hiện tại hoá biến cố nhập thể, qua đó hiện tại hoá công trình cứu độ của Thiên Chúa. Lời Kinh tuy ngắn gọn nhưng tóm lược toàn bộ Kinh Thánh, tuy đơn sơn nhưng có sức mạnh to lớn vì mang lại cho ta Ơn Cứu Độ. Hơn nữa đó không chỉ là lời kinh phù hợp với những người già mà còn rất thiết thực với những người trẻ như chúng ta. Khi vui, lúc buồn, khi thịnh vượng, lúc gian nan,... thậm chí khi đền tội chúng ta cũng đọc kinh Mân Côi. Lời kinh ấy tuy đơn giản nhưng lại có giá trị tức thời, hiện thực – khi này và trong giờ lâm tử. Bất cứ ai, khi nào, bất cứ ở đâu, hoàn cảnh nào lời kinh Mân Côi được cất lên chúng ta đểu cảm thấy phù hợp với tâm trạng của mình.
3. Sau cùng, nếu như một tin nhắn chúng ta đọc đi đọc lại vì đó là những lời yêu thương thì, lời kinh Mân Côi cũng chính là những lời yêu thương, an ủi của Thiên Chúa đối với dân của Người. Thật vậy, thư Galat (Gl4,7) cho chúng ta thấy khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa sai Con mình xuống sinh làm con một người phụ nữ. Và chính Người làm cho chúng ta trở nên nghĩa tử, gọi Thiên Chúa là Apba- Cha ơi! Đọc kinh Mân Côi, đó không chỉ đơn thuần là những lời Kinh Thánh nhưng thật sự là một lời an ủi cho chúng ta đang sống giữa một thế giới vô thần, văn hóa sự chết thống trị, không biết cội nguồn của mình từ đâu. Kinh Mân Côi cốt yếu là lời yêu thương, an ủi của một Người Cha rất mực yêu thương con cái mình. Ngài ban chính Người Con Duy Nhất – sinh làm Con một người nữ để đến thế gian, đưa nhân loại về với Cha giàu lòng xót thương.
Như vậy, Kinh Mân Côi chính là lời kinh hết sức ý nghĩa - lời của Thiên Chúa, là lời kinh luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh và quan trọng nhất đó chính là lời yêu thương của Thiên Chúa Cha đối với con cái mình.
Hiểu được giá trị của Kinh Mân Côi như thế, vấn đề đặt ra cho những người trẻ chúng ta là làm cách nào chúng ta cảm thấy có hứng thú để đọc kinh Mân Côi? Xin được gợi ý với các bạn hai điểm sau:
Điểm thứ nhất: Đừng chần chừ, hãy bắt đầu ngay lúc này.
Nhiều khi chúng ta cứ nghĩ để đọc kinh cần phải có thời gian rảnh, hay bầu khí sốt sắng, im lặng thì chúng ta mới có thể đọc được. Không phải thế, kinh Mân Côi đơn giản tối thiểu đến mức chúng ta có thể đọc bất cứ khi nào, nơi đâu. Ví dụ như đang chạy xe đi làm, đang đi học, đang nằm nghỉ, đang lao động, lúc sáng sớm, khi đêm về... Đừng chần chừ đọc kinh Mân Côi nếu như chúng ta có thể.
Điểm thứ hai: Hình thành một thói quen tốt.
Đọc Kinh Mân Côi sẽ trở thành một thói quen tốt trong đời sống nếu chúng ta thực hiện hàng ngày. Rất khó khăn nếu đó là những lần đọc kinh Mân Côi đầu tiên. Cám giác nhàm chán dễ dàng xảy ra. Nhưng nếu tìm được niềm vui khi lần hạt, chúng ta dễ dàng vượt qua được cảm giác này. Mỗi khi nghe nhạc chúng ta thường đặt tâm trạng của mình vào đó để tìm sự đồng cảm, đọc kinh Mân Côi cũng thế, đừng để những lời kinh trở thành một thứ thần chú, hay chỉ là những lời lảm nhảm vô hồn. Thật vậy, với 20 mầu nhiệm, chúng ta có rất nhiều đề tài để suy niệm và đặt tâm trạng của mình vào đó. Chẳng hạn nếu bạn thấy buồn, hãy lần 5 sự Thương, thấy vui lần năm sự Vui, thấy hạnh phúc phấn khởi lần năm sự Mừng, thấy an bình thư thái lần năm sự Sáng. Quan trọng là việc lần hạt cần được lặp lại hằng ngày, cần kiên nhẫn và có thời gian để hình thành thói quen tốt này.
Tóm lại, vì không hiểu được ý nghĩa đích thực, nên kinh Mân Côi thường được biết đến như là một sự lặp đi lặp lại nhàm chán, chẳng lợi ích gì cho cuộc sống. Tuy vậy, Kinh Mân Côi thật sự là một bản văn Kinh Thánh cô đọng nhất. Đó không chỉ lời ca tụng Mẹ Maria, nhưng còn là lời kinh hết sức ý nghĩa đối với đời sống, lời của Thiên Chúa, lời luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh và quan trọng nhất đó chính là lời yêu thương của Thiên Chúa Cha đối với con cái mình. Để ham thích đọc kinh Mân Côi chúng ta đừng chần chừ mà cần thực hiện ngay khi có thể, và cần lặp đi lặp lại hằng ngày để hình thành thói quen tốt này. Amen.
MA.PHUC,SSS
Share:

Truyện ngắn NGÀY CON CHỊU CHỨC

Truyện ngắn
NGÀY CON CHỊU CHỨC


Người ta nói đi tu đã khó, làm bà cố lại khó hơn. Nhưng có lẽ bà cố nghèo lại khó hơn cả.
***
Quanh năm buôn bán ngoài chợ, bà cũng quanh quẩn với gánh bún riêu. Cũng chẳng hiểu vì sao thằng con của bà lại đi tu. Nó nói con đi tu để má được làm bà cố. Nghe cũng thích nhưng sao thấy xa vời quá!
***
Rồi nó bỏ bà đi cái rụp.
***
Mấy bà ngoài chợ bàn tán đâu phải muốn đi tu là được. Còn phải học đại học, học tiếng anh tiếng em gì đó rồi thi vào Dòng. Rồi các cha bỏ phiếu xét xem có được không nữa. Mà cái quan trọng là phải có tiền. Đi tu tốn tiền học tiền hành dữ lắm. Đấy, con bà Sáu bán cá đi tu mà có được đâu. Bả nghèo, không có tiền cho nó đi học. Cũng có mấy người bạn nói đứng ra lo cho nó ăn học. Nhưng đời chẳng ai cho không cái gì bao giờ bà ơi! Người ta đòi hỏi điều kiện lung tung. Tội! Thằng đó cũng hiền lành chứ bộ!
***
Khó vậy, nhưng chẳng bao giờ thấy nó than thở hay chia sẻ gì với bà. Mấy lần nó về thăm bà, bà hỏi con có cần tiền cần bạc gì không để má lo cho con. Nó nói:
-        Con của Chúa mà má, Chúa lo!
-        Thì Chúa lo nhưng mình cũng phải cộng tác chứ. Má bán bún không dư dả gì, nhưng cũng tằn tiện lo cho con được.
-        Không sao đâu má, con đi tu, không có người lo cho má, má cứ để tiền đó đề phòng khi bệnh tật không có ai lo.
***
Mười mấy năm với biết bao thay đổi và chờ đợi, mái tóc bà bạc phơ cũng là lúc con bà báo tin vui sẽ được chịu chức vào tháng tới. Còn gì vui mừng hơn nữa. Bà vẫn gánh bún riêu đi bán mà miệng lúc nào cũng tươi cười. Người ta nói gần nói xa: “bà cố sướng ghê! Con trai sắp vinh quy bái tổ còn gì!” Nghe cứ như rưng rức vào lòng. Vui buồn lẫn lộn. Rồi tạ ơn làm sao, rồi Thánh lễ làm sao? Nghĩ vậy, bà mở tủ lấy ra chiếc hộp đựng tiền mà bà dành dụm mười mấy năm nay. Chỉ mong sao đến ngày con thành tài có chút tiền lo cho con. Người ta cả chục đứa con còn lo cho hết thảy được, đàng này mình chỉ có mỗi một đứa, cũng lo không xong. Thân già cứ bệnh lên, bệnh xuống, bữa nào khỏe thì gánh bún đi bán, hễ mệt thì nằm ở nhà. Thằng con đi tu mười mấy năm cũng thi thoảng về thăm nhưng được mấy lần. Mỗi lần về, nấu cho nó bữa cơm, mà lần nào cũng vậy, chưa kịp ăn nó đã vội đi.
“Hai mươi lăm triệu, sáu trăm ngàn.” Bà đếm đi đếm lại mấy lần, rồi cẩn thận gói tất cả vào một túi ni lông. Định bụng khi con về thì trao cho con mua cái chén lễ. “Quà của má! Mà con nhớ khắc tên của má dưới đáy chén lễ, má muốn con dâng lễ thì luôn có má bên cạnh.”  Chỉ nghĩ đến đó thôi mà lòng bà vui lắm. Bà cười thầm.
***
Hôm cậu con trai về làm giấy tờ chịu chức, bà đang định đưa tiền cho con, thì con trai đã nói:
-        Má cứ yên tâm. Có người lo hết rồi! Con đã nói rồi, con của Chúa thì Chúa lo. Má lo làm gì!
-        Thì cũng biết vậy, nhưng làm mẹ mà không lo được cho con thì chẳng có gì buồn hơn nữa -  bà nghĩ bụng.
Cậu con trai nói tiếp.
-        Ngày con chịu chức má không phải lo gì hết. Bữa đó má đi lễ thôi. Còn mọi việc có ba mẹ nuôi của con lo rồi.
-        Ba mẹ nuôi nào? Bà ngạc nhiên hỏi lại.
-        Thì ba mẹ nuôi con mười mấy năm nay. Má bán bún, không có tiền lo cho con ăn học và tu trì. Ba mẹ nuôi đỡ đầu cho con ăn học. Ba mẹ nuôi thương con lắm.
-        Trời đất ơi, người ta tốt thế, sao con không nói với má bao giờ - bà trợn trừng mắt vì ngạc nhiên, nói với con.
-        Thì giờ con nói đó. Mà bữa đó, khi trao áo cho Tân linh mục, má cứ ngồi ở ghế, để ba mẹ nuôi đưa lên cho con được rồi. Mình chịu ơn người ta. Giờ mình cho người ta vinh dự một chút.
-        Ừ, thì má biết mà, con yên tâm.
***
Bà nói vậy nhưng sao nghe nghẹn ở cổ họng! Làm sao mà không buồn cho được, con mình sinh ra, mình nuôi lớn, rồi người ta giúp đỡ đâu được vài triệu, lo cho con mình ăn học, vậy mà người ta tự cho mình cái quyền lấy luôn cái danh hiệu làm mẹ của mình. Câu nói: “Đời chẳng ai cho không cái gì bao giờ” của mấy bà ngoài chợ năm nào giờ sao nghe thấm thía đến thế. Chỉ nghĩ đến đó thôi, bà đã không cầm được nước mắt. Nhưng đã hy sinh nhiều rồi, giờ hy sinh nữa cũng đâu có gì là lạ. Tất cả là vì con và hạnh phúc của con thôi mà. Nghĩ vậy để tự an ủi mình.
***
Ngày chịu chức linh mục đã đến, sau khi Đức Giáo Mục đặt tay, lần lượt các ông bà cố tiến lên gian cung thánh trao áo cho các Tân linh mục. Bà ngồi yên không nhúc nhích, mắt ráo hoảnh nhìn con trai của bà. Một cặp vợ chồng trẻ, quần áo sang trọng tiến bước lên gian cung thánh trao áo cho con của mình. Đâu đó có tiếng khen: “Trời ơi, ông bà cố gì mà trẻ đẹp thế!”
Bà không khóc, nhưng sao nước mắt lại cứ trào ra như không gì có thể ngăn cản được.
Cuối thánh lễ, bà lặng lẽ bước ra ngoài để lại đằng sau một đám người đang vây quanh con trai của bà chụp ảnh. Bà thoáng nghĩ: Không! Tân Linh Mục mới phải. Cha đâu chỉ là con của mình, con của người ta. Mà không! Con của Chúa…
Bước ra đài Đức Mẹ, bà ngước mắt nói trong nghẹn ngào:
-        Mẹ ơi, Mẹ có một mình Chúa Giêsu là con, con cũng chỉ có mỗi một đứa. Con đã dâng con của con cho Chúa như xưa Mẹ cũng dâng Chúa Giêsu cho Chúa Cha. Xin Mẹ thêm ơn cho con vững mạnh để chấp nhận thực tế: con của con đã là con của mọi người chứ không còn là của riêng con nữa, như xưa Chúa Giêsu đã trối Mẹ cho thánh Gioan vậy.
Bên ngoài, nắng lên cao! 
- Phúc ! dậy, trễ giờ đi lễ rồi kìa - giọng cha quản lý gọi to.
Nó mở mắt, rồi cười...chỉ là mơ...



MA.PHUC,sss
Share:

Chúa nhật 25 TN – A – CĐ Is 55,6-9; Pl 1,20c-24.27a; Mt 20,1-16a “GHEN TỊ” - KẺ THẦM LẶNG GÂY CHIA RẼ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Chúa nhật 25 TN – A – CĐ
Is 55,6-9; Pl 1,20c-24.27a; Mt 20,1-16a

“GHEN TỊ” - KẺ THẦM LẶNG GÂY CHIA RẼ 
TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

       
    Cộng đoàn thân mến! Người Do Thái cũng có quan niệm về con cái nối dõi, nối dõi như người Việt chúng ta. Người con trưởng thường được thừa hưởng quyền trưởng nam, được xức dầu và được thừa hưởng nhiều của cải vật chất, cũng như quyền lực trong gia đình, dòng tộc. Chính điều bất công này làm nảy sinh não trạng bài trừ con trưởng. Họ cho rằng người con thứ cũng phải được thừa hưởng gia tài và quyền lợi như người con trưởng.
        Nhìn rộng hơn, Dân Ítraen cho rằng họ là người con trưởng của Thiên Chúa, nên họ có thể được thừa hưởng mọi ân sủng và quyền năng của Ngài. Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn Người thợ vườn nho để chống trả lại não trạng này và nhấn mạnh người con thứ, tức là dân ngoại, cũng được thừa hưởng gia tài như con trưởng.
Thưa cộng đoàn! Dựa vào hình ảnh người con trưởng và con thứ đó, trong bài chia sẻ này với cộng đoàn con chỉ nói một khía cạnh nhỏ với chủ đề: Ghen tị - kẻ thầm lặng gây chia rẽ trong đời sống gia đình.
Trong cuộc sống gia đình, ghen tị vốn là một thói xấu, một điều tệ hại mà không gia đình nào mong muốn. Nhiều gia đình chỉ vì con cái ghen tị nhau mà biết bao đau thương đổ vỡ xảy ra. Cha mẹ con cái không nhìn mặt nhau, thậm chí nhiều gia đình còn đưa nhau ra tòa chỉ vì tranh chấp gia tài, quyền lợi, vật chất… Thật vậy, ghen tị là kẻ âm thầm gây ra chia rẽ người với người, thân bằng quyến thuộc, cha mẹ, con cái, anh chị em…là cơ hội để ma quỷ chiếm đoạt và thống trị lòng người.
1. Trước hết ghen tị khép lại tương lai của chúng ta.
Con đầu của A-đam và Ê-va là Ca-in đã tức giận khi Thiên Chúa chấp nhận lễ vật của A-ben nhưng lại không chấp nhận lễ vật của ông. Ca-in có thể khắc phục hoàn cảnh này vì Thiên Chúa đã cảnh tỉnh ông: “Tội lỗi, tức lòng ghen tị đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi, nhưng ngươi phải chế ngự nó.” (St 4,7b). Tuy vậy, Ca-in đã không chế ngự được lòng ghen tị, ông đã giết em mình (St 4,4-8). Hành động đó đã khép lại tương lai của ông và dòng dõi ông. Bởi chính máu của em ngươi đã kêu thấu đến ta và ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi do chính ngươi đổ ra. (St4,11)
Một khi chúng ta để cho lòng ghen tị thống trị, điều tệ hại nào cũng có thể xảy đến. Anh chị em đấu đá, kiện tụng, chối bỏ nhau…Tất cả những hậu quả gây ra khép lại tương lai của chúng ta và con cái và gia đình chúng ta. Đó là những vết thương mà thời gian cũng không dễ gì có thể hàn gắn lại.
2. Kế đến ghen tị gây tổn thương cho tâm hồn chính mình và hãm hại người khác.
Thật vậy, một khi ta ghen tị là lòng ta đã tức tối và bất an. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra: Tại sao tôi cũng là con, nó cũng là con mà ba mẹ cho nó nhiều hơn cho tôi? Để rồi, từ những tổn thương đó, lòng ghen tị dâng trào, khiến ta hành động cách mù quáng, theo sự xúi dục của ma quỷ. Câu chuyện Mười người anh của Giuse cho thấy điều đó. Lòng ghen tị của các anh ông đã dâng tràn  khi thấy ông được cha thương yêu hơn. Họ càng ghét Giuse hơn khi nghe ông kể về những giấc mơ mang ý nghĩa tiên tri của mình. Thậm chí họ còn muốn giết ông. Cuối cùng, họ bán ông làm nô lệ và tàn nhẫn khiến cha tin rằng Giuse đã chết (St 37,4-11, 23-28, 31-33).
Vâng! Thưa cộng đoàn! Ghen tị là cảm giác tức tối với người khác vì những gì họ có như tài sản, sự thịnh vượng, lợi thế v.v. Sự ghen tị không chỉ nói đến cảm giác muốn được bằng người khác mà còn muốn chiếm đoạt những gì họ có. Lòng ghen tị có thể gây ra những hậu quả vô cùng tai hại. Những trường hợp trên cho thấy nó dẫn đến sự thù ghét, bất công và hành vi giết người.
Các bạn trẻ thân mến, nhiều cặp vợ chồng trẻ lấy nhau không biết tự nỗ lực làm ăn kiếm sống mà cậy dựa vào tiền bạc của cải của gia đình bên vợ, hoặc chồng. Nhưng khi những mong mỏi đó chẳng may không được cha mẹ đôi bên đáp ứng, hoăc bị từ chối, hoặc phân chia gia tài không theo ý mình thì ngay lập tức sự ghen tức xảy ra. Để rồi, từ đó gây ra biết bao đổ vỡ trong tương quan huynh đệ. Thậm chí vợ chồng cũng vì thế mà cãi cọ, ly tán.
Vậy làm cách nào để chúng ta có thể chữa trị lòng ghen tị. Con xin được gợi ý với cộng đoàn 3 điểm sau:
1. Chấp nhận quyền năng tự quyết của Thiên Chúa
Thiên Chúa có quyền định đoạt về những gì là của Thiên Chúa. “Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng của ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu.” (Is55,9). Thiên Chúa ban quyền làm chủ gia đình cho ba mẹ chúng ta, cho dù họ chỉ là những con người yếu đuối, tội lỗi, bất toàn. Nhiều khi con cái muốn tác động vào ba mẹ để ba mẹ có thể ưu tiên hơn cho mình. Con nào mà chẳng là con, dù trai hay gái. Ba mẹ chúng ta đã vất vả cả đời để sinh thành, dưỡng dục và lo lấy vợ gả chồng cho chúng ta. Vậy mà một khi đã thành gia thất, chúng ta không những không biết báo hiếu chăm lo cho các ngài lại còn chăm chăm chỉ muốn cái gia tài, cho dù nhiều cha mẹ không còn gì để cho nữa. Hãy tôn trọng quyền định đoạt, tự quyết của ba mẹ vì các ngài là người được Thiên Chúa ủy quyền để chăm lo cho chúng ta.
2. Sống đức Mến triệt để.
Thánh Phao-lô nói rõ trong thư thứ 1 gửi tín hữu Cô-rin-tô: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, … (1Cr13,4-5). Chính vì thế, Đức mến thúc đẩy chúng ta vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12, 15). Nghĩa là chúng ta biết đồng cảm, chứ không ghen tuông, ích kỷ chỉ muốn thu góp cho mình.
Thật vậy, có của cải vật chất, có quyền lực,… nhưng đánh mất tình yêu trong tương quan huynh đệ, anh chị em thì đời sống chúng ta còn ý nghĩa gì. Bởi chúng ta sống là sống với, sống cùng trước hết là anh chị em trong gia đình. Nếu những người thân yêu mà chúng ta không sống được thì làm thế nào chúng ta có thể sống yêu thương tha nhân được.
3. Sống là Đức Ki-tô và chết là một mối lợi. (Rm1,21)
Một khi để cho lòng ghen tị làm chủ, chúng ta sẽ bấp chấp tất cả, đánh đổi tất cả để có được thứ này thứ kia. Cha mẹ cho chúng ta nhiều thứ, nhưng những thứ ba mẹ cho chúng ta không quan trọng bằng chúng ta có ba có mẹ để yêu để thương, để hờn để giận, có anh chị em để chia sẻ, chăm sóc. Gia đình là điều gì đó thiêng liêng biết bao mà Thiên Chúa ban tặng cách nhưng không. Nếu chúng ta chỉ để cho lòng ghen tị thống trị mà đánh mất gia đình điều đó có đáng không. “Mối lợi duy nhất của chúng ta là Đức Ki-tô” chứ không phải của cải vật chất hoặc những ơn ban của Người. Đức Ki-tô đó là ai, không ai xa lạ cả. Đức Ki-tô hiện diện ở những người chúng ta sống với, sống cùng, và sống cho. Đó là gia đình.
Vâng ! Thưa cộng đòan! Ai mà lại chẳng muốn gia đình mình hạnh phúc, ai mà lại chẳng muốn gia đình mình được êm ấm, an bình.  Vậy thì đừng để cho lòng ghen tị - kẻ thù âm thầm gây chia rẽ trong đời sống gia đình thống trị lòng ta. Thánh Phao-lô nhắc nhở: Chúng ta đừng tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ghen tị nhau (Gl 5,26). Thật khó để không ghen tị nhau. Nhưng nếu chúng ta biết tin tưởng và xác tín vào quyền tự quyết của Thiên Chúa, biết sống yêu thương và quan trọng là chúng ta có sống là sống cho Chúa, có chết cũng là chết cho Chúa thì ắt hẳn lòng ghen tị sẽ bị diệt trừ.
MA.PHUC,sss




Share:

CHÚA NHẬT 24 TN – A – CĐ (Hc 27,30-28-7; Rm 14,7-9; Mt 18,21-35) THA THỨ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

CHÚA NHẬT 24 TN – A – CĐ
(Hc 27,30-28-7; Rm 14,7-9; Mt 18,21-35)

THA THỨ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
       
        Kính thưa cộng đoàn! Cộng đoàn có khi nào nghe đến cụm từ: Bia căm thù chưa? Ở Việt Nam con thấy có rất nhiều nơi có bia căm thù. Nghĩa là lòng căm thù đó phải khắc vào bia, tạc vào đá, ăn sâu đến tận xương tủy. Hoặc khi xem các phim kiếm hiệp của Trung Quốc ta dễ dàng nhận ra đề tài chính trong các bộ phim là oan oan tương báo. Nghĩa là có thù thì phải trả. Đời này chưa trả được thì đời sau sẽ trả. Tư tưởng báo thù đó có phần nào giống với não trạng của người Do thái thời Cựu ước. Theo trình thuật Sáng Thế, có thù thì phải trả: “Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy!” (St 4, 24). Do vậy, theo Tin mừng hôm nay, việc một người Do Thái chính gốc như Phê-rô có quan điểm phải tha thứ 7 lần cho kẻ thù đã hẳn là một ý tưởng vượt xa với não trạng chung lúc bấy giờ. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Chúa Giêsu muốn ông đi đến sự tha thứ cách trọn vẹn hơn qua việc đòi hỏi Phê-rô phải  tha thứ 70 lần 7, nghĩa là tha thứ mãi mãi.
Không khó để nhận ra chủ đề chính của Lời Chúa Chúa nhật 24 TN này là tha thứ, phải tha thứ thì mới được Thiên Chúa tha thứ. Tuy vậy, tha thứ là một đề tài rất rộng trong đời sống, không có sự tha thứ chung chung. Vì vậy, trong bài chia sẻ này con xin chỉ nói gọn sự tha thứ trong đời sống gia đình. Bởi năm nay là năm Hội Thánh quan tâm đến các bạn trẻ chuẩn bị đời sống gia đình.
Có một bộ phim về bi kịch gia đình mà con từng được xem đó là phim Cánh Đồng Bất Tận, phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bộ phim xoay quanh 4 nhân vật, người cha và hai đứa con, cùng cưu mang một người đàn bà làm nghề mại dâm. Bốn người lênh đên trên một chiếc xuồng máy, nuôi vịt chạy đồng, không nhà không cửa, nay đây mai đó theo con nước. Đời sống của họ ngập chìm đau khổ dằn vặt xuất phát từ sự thù hằn.
Đầu tiên là người cha. Số là anh ta lấy vợ và có hai con. Cuộc sống cơ cực, anh phải vất vả để lo cho ba mẹ con. Ấy vậy mà người vợ ham sang phụ khó theo một thương lái người Hoa, bỏ lại hai đứa con cho anh. Đau khổ tột cùng vì bị chính người vợ yêu thương phản bội, anh đốt căn nhà, đốt cái mái ấm bấy lâu nay xuống ghe lênh đênh, bắt đầu một cuộc sống trôi sông lạc chợ, nay đây mai đó, không tương lai, không định hướng. Bao nhiêu hận thù, người cha trút hết lên đầu hai đứa con.
Kế đến là sự thù hận của cô gái điếm. Vì hận cha mẹ ly dị bỏ rơi cô, nên cô làm gái để trả thù đời. Trong một lần đi khách, cô bị đám đông các bà vợ bắt và đổ keo dán sắt vào vùng kín. Cô đau đớn chạy trốn và được ba cha con đưa lên ghe cứu chữa. Cuộc sống của 4 người cứ lênh đênh trên sông nước, buồn tẻ vì mỗi người đều mang trong mình những nỗi thù hằn, căm phẫn vì bị chính những người thương yêu phản bội. Ông bố hận vợ, thù người bạc tình luôn cau có, bạo lực đánh đập 2 đứa con. Cậu con trai tuy còn nhỏ nhưng đã mang trong mình nỗi hận thù của cha, cậu nói rằng cậu ghét cái ác, và muốn trả thù, có thù thì phải trả. Cô gái làm điếm vì hận thù gia đình, hận thù bố mẹ…
        Cũng vì sự hận thù và lòng muốn trả thù nên 4 người trở thành thù địch của nhau. Và đi đâu cũng gây oán thù chỗ đó, nên nhiều bọn giang hồ ghen ghét. Cậu con trai vì không chịu nổi người ta ức hiếp người đàn bà nên giết người. Và vì sợ cậu đã bỏ trốn. Người đàn bà không chịu được sự thù hằn của người bố nên cũng bỏ đi. Chỉ còn lại người cha và đứa con gái. Câu chuyện được đẩy lên đỉnh điểm khi đứa con gái bị nhóm côn đồ hiếp dâm ngay trước mặt ông bố. Chúng nó đánh ông bố ngã quỵ để rồi buộc ông phải nhìn cảnh bọn côn đồ từng thằng hiếp dâm đứa con gái của mình trong bất lực. Không còn đau khổ nào hơn nữa.
Kết thúc bộ phim, cô gái có bầu không biết cha đứa bé là ai. Cô đi trên một cánh đồng mênh mông, bất tận, vừa đi vừa nói với đứa con trong bụng: Là trẻ con, nên tha thứ lỗi lầm cho người lớn. Và mẹ sẽ đặt tên con là Thương.
Vâng! Thưa cộng đoàn, không biết Nguyễn Ngọc Tư có đạo Công giáo hay không nhưng rõ ràng với những bế tắc của các nhân vật, cuối cùng chỉ có giáo lý Kitô giáo mới giải quyết được vấn đề. Hận thù chỉ làm cho con người bế tắc, chỉ có sự tha thứ và tình yêu sẽ cứu rỗi thân phận con người.
Trong đời sống gia đình vợ chồng, cha mẹ, con cái, sự tha thứ thật sự rất quan trọng. Nói tha thứ thì dễ nhưng trên thực tế thật khó biết chừng nào. Bình thường thì chúng ta có thể tha thứ nhưng nếu chẳng may lấy phải người chồng rượu chè bê bết, đánh vợ đánh con hết ngày này qua ngày khác hoặc với những ai từng bị phản bội, bị chính người mình sẻ ái chia ân phản bội thật không gì có thể đau hơn. Chính những nỗi đau đó, và không thể tha thứ cho nhau nên đã có biết bao nhiêu gia đình tan vỡ, cha mẹ mỗi người một nẻo, con cái không ai nuôi dưỡng. Và cứ thế, sự thù hằn truyền từ người này qua người khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Vậy làm thế nào chúng ta có thể tha thứ được?
        Xin được gợi ý với cộng đoàn 2 điều kiện để chúng ta có thể tha thứ dựa vào chính đời sống của Chúa Giêsu.
1.               Hy sinh bản thân
Không biết cha ông ta đã cảm nghiệm đời sống vợ chồng như thế nào mà thường dùng hai chữ duyên nợ để diển tả nghĩa vợ tình chồng. Vợ chồng lấy nhau không chỉ là duyên mà còn là nợ. Và nói theo tư tường Phật giáo thì do kiếp trước nợ nhau nên kiếp này phải trả nợ. Tuy vậy, với Đức Giêsu lại khác. Dù chẳng mắc nợ gì với con người nhưng chính lòng thương xót, Đức Giêsu đã chấp nhận thân phận con người, gánh lấy tội lỗi và cao điểm là hy sinh thân mình để cứu chuộc con người. Đời sống vợ chồng cũng cần lắm sự hy sinh cho nhau. Sỡ dĩ ngày nay nhiều gia đình tan vỡ là do vợ chồng, cha mẹ, con cái không biết hy sinh cho nhau. Bài đọc 2 trích thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma có nói: “không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa và có chết cũng là chết cho Chúa.” (Rm14,7-8) Vợ chồng, con cái, cha mẹ là những người Chúa gửi đến để chúng ta sống với, sống cùng, chính họ là hình ảnh sống động của Thiên Chúa ngay trong gia đình chúng ta. Vậy, hãy bắt chước noi gương Đức Giêsu hy sinh bản thân để phục vụ và yêu thương những người trong gia đình. 
2.               Cầu nguyện cho người phản bội
Ngay trên thập giá, đỉnh cao của sự phản bội, Đức Giêsu không những không thù hằn mà Người còn cầu nguyện cho những kẻ giết người: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”(Lc 23,34). Bài đọc 1 trích sách Huấn Ca nói rõ hơn: “oán hờn và giận dữ là điều ghê tởm, về chuyện đó, kẻ tội lỗi có biệt tài.” (Hc 27,30). Chúa đã cầu nguyện và tha thứ cho những kẻ thù của mình, chính vì thế Thiên Chúa Cha đã mở ra cho Người một cơ hội mới, một sự sống mới. Thật vậy, khi ta không tha thứ cho một ai đó, tức là chúng ta đang quay lưng lại với tương lai của mình. Sự tha thứ không thể làm thay đổi quá khứ, nhưng nó có thể mở rộng tương lai. Khi chúng ta bao dung, điều đó có nghĩa chúng ta đang tiến về phía trước, mở ra cho đời sống gia đình một tương lai mới, một sự cứu chữa. Và chính vì làm được điều đó nên Chúa Giêsu đã cứu chữa được cả nhân loại.
Tóm lại, Lời Chúa Chúa nhật 24TN cho chúng ta bài học về sự tha thứ. Nói tha thứ chung chung thì dễ nhưng để tha thứ thật sự, và nhất là trong đời sống gia đình thì khó. Những người chúng ta thực sự yêu thương mà phản bội, hoặc gây tổn thương chúng ta, yêu càng nhiều thì đau càng nhiều, thì thật khó mà có thể tha thứ. Khó, không có nghĩa là không thể. Hãy chiêm ngắm đời sống đức Giêsu nhất là ở khía cạnh hy sinh và cầu nguyện. Có như vậy chúng ta mới có thể tha thứ cho nhau và chính khi tha thứ cũng là lúc chúng ta được Chúa thứ tha vì “hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn đã được tha.” (Hc28,2)


 MA.PHUC,SSS
Share: