LỄ THÁNH NỮ MÔ-NI-CA BỔN MẠNG CÁC BÀ MẸ (Hc 26,1-4.13-16; Lc 7, 11-170) SỨC MẠNH CỦA NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT

LỄ THÁNH NỮ MÔ-NI-CA
BỔN MẠNG CÁC BÀ MẸ
(Hc 26,1-4.13-16; Lc 7, 11-17)


SỨC MẠNH
CỦA NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT

Kính thưa cộng đoàn! Không ai muốn khóc cả. Bởi nước mắt thường gắn liền với nỗi buồn. Và dĩ nhiên, có ai trong chúng ta lại muốn buồn phiền bao giờ. Tuy nhiên, sự buồn phiền và nước mắt có sức mạnh của nó. Vậy, sức mạnh của giọt nước mắt nằm ở chỗ nào?
Chúng ta thử tìm hiểu qua ba phụ nữ tiêu biểu sau, để xem đâu là sức mạnh từ những giọt nước mắt:
1.   Trước hết là Đức Ma-ri-a.
Sau lời xin vâng, Đức Ma-ri-a đã trải qua một cuộc hành trình đầy nước mắt. Ở đây chúng ta không kể ra từng chi tiết, từng biến cố mà Đức Ma-ri-a đã vượt qua, nhưng chỉ cần chiêm ngắm hình ảnh người phụ nữ ngồi ôm xác con ngay dưới chân thập giá cũng đủ để cho chúng ta thấy được Đức Ma-ri-a đã khóc nhiều như thế nào. Những giọt nước mắt của Đức Mẹ đã được Chúa nhận lời, qua việc làm cho Đức Giê-su trỗi dậy từ cõi chết.

2.   Người phụ nữ tiếp theo, xin cộng đoàn cùng chiêm ngắm đó chính là bà góa thành Na-im mà Tin mừng hôm nay đề cập đến.
Bà có mỗi một đứa con trai, và con của bà đã chết. Vì thế bà đã khóc than thảm thiết. Người phụ nữ Do thái không có vị trí nào trong xã hội, hoàn toàn lệ thuộc vào người nam. Vì thế, khi con của bà chết, xem như cuộc đời của bà cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Bà khóc thương đứa con đã chết cũng là khóc thương cho thân phận mình.
        Trước sự đau khổ và bế tắc của bà, một cuộc gặp gỡ định mệnh đã xảy ra làm thay đổi cuộc đời bà. Đức Giê-su đã đi bước trước, trông thấy bà, Người chạnh lòng thương và đã cứu sống con trai bà.
3.   Nhân vật thứ ba mời cộng đoàn chiêm ngắm đó chính là chân dung thánh nữ Mô-ni-ca mà chúng ta mừng kính hôm nay.
Không phải ngẫu nhiên mà thánh Mô-ni-ca được đặt làm quan thầy của các bà mẹ. Bởi thánh nhân đã trải qua cuộc đời đầy nước mắt, khóc cho chồng và khóc cho con. Cuối cùng, nhờ những giọt nước mắt đó mà Chúa đã nhận lời. Người chồng trước khi mất đã quay trở về với Chúa, đứa con trai hư hỏng theo lạc giáo đã quay về với đức tin chân chính.

Vâng thưa cộng đoàn! Ba người phụ nữ trên đã dùng nước mắt của mình mà cảm hóa các thành viên trong gia đình. Có thể nói nhờ những giọt nước mắt mà phép lạ đã xảy ra.
Tuy nhiên, thiết nghĩ các bà mẹ của chúng ta ở đây, cũng đã từng khóc cho chồng, từng rơi nước mắt vì những đứa con, khóc không chỉ một lần mà rất nhiều lần. Thế tại sao phép lạ lại không xảy ra. Chồng vẫn rượu chè, cờ bạc, trăng hoa, con cái vẫn hư đốn ngỗ nghịch.

Vâng! Sở dĩ Đức Mẹ, bà Góa thành Na-im hay thánh Mô-ni-ca đã được Chúa nhận lời, vì nước mắt chảy ra bao nhiêu thì đi kèm với sự hy sinh bấy nhiêu. Nghĩa là, phép lạ xảy ra là vì sự hy sinh của người vợ, người mẹ dành cho chồng và con. Chính sự hy sinh đó mà Chúa đã nhận lời. Vì sự hy sinh của các ngài họa lại sự hy sinh của Đức Ki-tô đã hy sinh thân mình vì nhân loại.
Vậy các bà mẹ đang ngồi đây phải hy sinh như thế nào cho đủ để phép lạ xảy ra?
Xin được kể với cộng đoàn, cách riêng các bà mẹ một câu truyện về sự hy sinh.
Có một người phụ nữ, chồng chết, bà quyết định ở vậy nuôi con. Ngày ngày bà gánh bún riêu đi bán dạo.
Cũng chẳng hiểu vì sao khi vừa lớn lên thằng con trai bà đòi đi tu. Nghe thấy thế bà cũng vui. Nhưng vui một thì bà lại lo mười. Lo là vì người ta nói đi tu phải tốn tiền tốn bạc nhiều lắm, mà bà bán bún không thể nào đủ tiền lo cho con được.
Tuy nhiên, từ ngày con đi tu, chẳng bao giờ bà thấy nó mở miệng xin bà tiền bạc gì hết. Mỗi lần bà hỏi, nó nói: “Con của Chúa thì Chúa lo, má lo gì.”
Sau mười mấy năm đi tu, cuối cùng con của bà cũng được chịu chức linh mục. Bà vẫn gánh bún riêu đi bán mà miệng lúc nào cũng tươi cười. Người ta nói gần nói xa: “bà cố sướng ghê! Con trai sắp vinh quy bái tổ còn gì!” Nghe cứ như rưng rức vào lòng. Vui buồn lẫn lộn. Rồi tạ ơn làm sao, rồi Thánh lễ làm sao? Nghĩ vậy, bà mở tủ lấy ra chiếc hộp đựng tiền mà bà dành dụm mười mấy năm nay.
“Hai mươi lăm triệu, sáu trăm ngàn.” Bà đếm đi đếm lại mấy lần, rồi cẩn thận gói tất cả vào một túi ni lông. Định bụng khi con về thì trao cho con mua cái chén lễ. “Quà của má! Mà con nhớ khắc tên của má dưới đáy chén lễ, má muốn con dâng lễ thì luôn có má bên cạnh.”  Chỉ nghĩ đến đó thôi mà lòng bà vui lắm. Bà cười thầm.
Hôm cậu con trai về làm giấy tờ chịu chức, bà đang định đưa tiền cho con, thì con trai đã nói:
-Má cứ yên tâm. Có người lo hết rồi! Con đã nói rồi, con của Chúa thì Chúa lo. Má lo làm gì! Ngày con chịu chức má không phải lo gì hết. Bữa đó má đi lễ thôi. Còn mọi việc có ba mẹ nuôi của con lo rồi.
- Ba mẹ nuôi nào? Bà ngạc nhiên hỏi lại.
- Thì ba mẹ nuôi con mười mấy năm nay. Má bán bún, không có tiền lo cho con ăn học và tu trì. Ba mẹ nuôi đỡ đầu cho con ăn học. Ba mẹ nuôi thương con lắm.
- Trời đất ơi, người ta tốt thế, sao con không nói với má bao giờ - bà trợn trừng mắt vì ngạc nhiên, nói với con.
- Thì giờ con nói đó. Mà bữa đó, khi trao áo cho Tân linh mục, má cứ ngồi ở ghế, để ba mẹ nuôi đưa lên cho con được rồi. Mình chịu ơn người ta. Giờ mình cho người ta vinh dự một chút.
- Ừ, thì má biết mà, con yên tâm.
Bà nói vậy nhưng sao nghe nghẹn ở cổ họng! Làm sao mà không buồn cho được, con mình sinh ra, mình nuôi lớn, rồi người ta giúp đỡ đâu được vài triệu, lo cho con mình ăn học, vậy mà người ta tự cho mình cái quyền lấy luôn cái danh hiệu làm mẹ của mình. Câu nói: “Đời chẳng ai cho không cái gì bao giờ” nghe sao thấm thía đến thế. Chỉ nghĩ đến đó thôi, bà đã không cầm được nước mắt. Nhưng đã hy sinh nhiều rồi, giờ hy sinh nữa cũng đâu có gì là lạ. Tất cả là vì con và hạnh phúc của con thôi mà. Nghĩ như thế để tự an ủi mình.
Ngày chịu chức linh mục đã đến, sau khi Đức Giáo Mục đặt tay, lần lượt các ông bà cố tiến lên gian cung thánh trao áo cho các Tân linh mục. Bà ngồi yên không nhúc nhích, mắt ráo hoảnh nhìn con trai của bà. Một cặp vợ chồng trẻ, quần áo sang trọng tiến bước lên gian cung thánh trao áo cho con của mình. Đâu đó có tiếng khen: “Trời ơi, ông bà cố gì mà trẻ đẹp thế!”
Bà không khóc, nhưng sao nước mắt lại cứ trào ra như không gì có thể ngăn cản được.
Cuối thánh lễ, bà lặng lẽ bước ra ngoài để lại đằng sau một đám người đang vây quanh con trai của bà chụp ảnh. Bà thoáng nghĩ: Không! Tân Linh Mục mới phải. Cha đâu chỉ là con của mình, con của người ta. Mà không! Con của Chúa…
Bước ra đài Đức Mẹ, bà ngước mắt nói trong nghẹn ngào:
- Mẹ ơi, Mẹ có một mình Chúa Giêsu là con, con cũng chỉ có mỗi một đứa. Con đã dâng con của con cho Chúa như xưa Mẹ cũng dâng Chúa Giêsu cho Chúa Cha. Xin Mẹ thêm ơn cho con vững mạnh để chấp nhận thực tế: con của con đã là con của mọi người chứ không còn là của riêng con nữa, như xưa Chúa Giêsu đã trối Mẹ cho thánh Gioan vậy.

        Vâng! Kể câu chuyện này con không nhắm đến người con, nhưng nhằm nói đến sự hy sinh cao cả của bà mẹ. Bà mẹ trong câu chuyện đã hy sinh tất cả vì con và hạnh phúc của con. Bà đã không đòi cho mình bất kỳ một quyền lợi và vinh dự nào. Dù rằng sự hy sinh của bà đáng để được người ta tôn vinh.
        Kính thưa cộng đoàn, các riêng là các bà mẹ thân mến! Trong ngày lễ kính thánh Mô-ni-ca, bổn mạng của các bà mẹ hôm nay, trong tư cách là một linh mục, được trao quyền giảng dạy, xin phép được nhắc nhở các bà mẹ phải có tấm lòng hy sinh cho chồng, cho con như Đức Ma-ri-a, như thánh nữ Mô-ni-ca đã làm. Bởi nhờ sự hy sinh đó mà Chúa sẽ nhận lời cầu xin của chúng ta. Chúa sẽ biến đổi những người thân yêu của chúng ta.
        Thế nhưng, trong tư cách là một người con trong gia đình, con xin đại diện và thay lời cho những bậc làm con xin được nói lời Xin Lỗi Mẹ. “Mẹ, chúng con đã quá bất công khi lúc nào cũng bắt mẹ phải hy sinh cho gia đình, cho chúng con. Trong khi đó chúng con lại hết lần này đến lần khác khiến mẹ phải buồn lòng. Trong ngày lễ dành riêng cho các bà mẹ hôm nay, chúng con xin hứa sẽ thay đổi đời sống mỗi ngày một tốt hơn. Bởi đơn giản đó cách báo hiếu trọn vẹn nhất, vừa đẹp lòng Thiên Chúa và để làm cho mẹ trọn niềm vui.”


Lm. Mar –Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
Share:

Lễ thánh Ba-tô-lô-mê-ô

Lễ thánh Ba-tô-lô-mê-ô
(Kh 21,9b-14; Ga 1,45-51)
       
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Hôm nay chúng ta cùng nhau dâng thánh lễ mừng kính thánh Ba-tô-lô-mê-ô, hay còn gọi là thánh Na-tha-na-en. Thánh nhân được Chúa Giê-su gọi làm tông đồ. Ngài được biết đến qua lời khen của Chúa: "Ðây đích thực là người It-ra-en. Lòng dạ ngay thẳng" (Ga 1:47b).
        Mừng kính thánh Ba-tô-lô-mê-ô hôm nay, chúng ta cầu xin thánh nhân cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta cũng có đức tính giống ngài. Có một lòng dạ ngay thẳng. Nhất là ngay thẳng trong việc thờ phượng Thiên Chúa.
        Hôm nay cũng là ngày thứ sáu, chúng ta mừng kính Lòng Thương Xót Chúa. Vì thế, trong thánh lễ này, cộng đoàn chúng ta cũng hãy dâng lên Chúa trót cả tâm hồn thân xác, những buồn vui, những nhu cầu của chúng ta cho Lòng Thương Xót Chúa. Nguyện xin Chúa biến đổi chúng ta.
        Để của lễ của chúng ta được Thiên Chúa toàn năng là Cha chấp nhận, giờ đây chúng ta hãy cùng thành tâm sám hối.
SẼ ĐƯỢC THẤY
NHỮNG ĐIỀU CAO CẢ HƠN NỮA.
Kính thưa cộng đoàn! Bài tin mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa thánh Ba-tô-lô-mê-ô và Chúa Giê-su. Qua cuộc gặp gỡ này, Ba-tô-lô-mê-ô đã được biến đổi và trở thành một môn đệ trong 12 môn đệ thân tín nhất của Chúa.
Tin mừng thuật lại ông Phi-lip-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Ðấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét”. Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được ?” . Ông Phi-lip-phê trả lời:” Cứ đến mà xem” ( Ga 1, 45-46 ).
Vâng! Từ lời mời gọi “Cứ đến mà xem” mà Na-tha-na-en đã trở thành tông đồ đích thực của Chúa. Sự kỳ diệu và hết sức lạ lùng là khi Chúa Giê-su vừa thấy Na-tha-na-en, Người đã nói:” Ðây đích thật là một người Is-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối ” ( Ga 1, 47 ). Việc Chúa gọi Na-tha-na-en thật là huyền nhiệm vì chính Chúa đã thấy, đã biết ông khi ông đang ở dưới cây vả (Ga 1, 48 ). Chúa nói lòng dạ của Na-tha-na-en không có gì gian dối. Ðiều này nói lên hồng phúc của ông vì tâm hồn mới là quan trọng. Chúa Giê-su đã nhìn thấy thấu tâm can của ông. Qua đó, Chúa đã quyết định tuyển chọn Na-tha-na-en làm tông đồ. Ðó là giờ cứu độ, giờ hồng phúc của Ba-tô-lô-mê-ô, kể từ giờ trở đi Ba-tô-lô-mê-ô được lột xác trở nên hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa. Làm tông đồ nghĩa là thuộc trọn vẹn về Chúa.
Vâng thưa cộng đoàn! Mỗi người chúng ta muốn được trở nên tông đồ của Chúa, trước hết chúng ta phải đến mà xem như thánh nhân đã làm. Nghĩa là chúng ta phải thường xuyên đến với Chúa, đến với Thánh Thể Chúa. Qua việc thường xuyên tham dự thánh lễ và chầu Chúa, chúng ta sẽ nhận ra được lời mời gọi của Chúa. Không những thế, từ lời mời gọi đó, chúng ta sẽ được thấy những điều cao trọng hơn nữa: “Thật tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên con người (Ga1, 51).”
Như vậy, được thấy trời rộng mở và thiên thần lên xuống trên Con Người nghĩa là gì?
Tước hiệu “Con Người” được Chúa Giê-su sử dụng để nói về chính Chúa (x.Ga 3,13), trong khi hình ảnh ‘trời rộng mở và các thiên thần lên xuống’ lại gợi nhớ đến sự kiện Gia-cóp thấy Thiên Chúa phán với ông qua trung gian một cái thang (x.St 28,13).
Như vậy, qua hai hình ảnh Con Người và các thiên thần lên lên xuống xuống, Chúa mặc khải cho những người thân cận của Chúa thiên tính của Người. Nghĩa là Người tỏ lộ rõ ràng hơn Người chính là Con Thiên Chúa làm người.
Cũng vậy, hằng ngày, nơi nhà chầu, chúng ta chỉ chiêm ngắm tấm bánh nhỏ bé, và mắt của chúng ta chỉ nhìn thấy tấm bánh tầm thường. Nhưng nếu chúng ta biết học gương nơi Ba-tô-lô-mê-ô, siêng năng đến và xem, và một lòng một dạ ngay thẳng thờ phượng Chúa thì chắc chắn chúng ta sẽ nhìn thấu suốt tấm bánh nhỏ bé để có thể nhìn thấy chân dung đích thực của Ngôi Hai Thiên Chúa. Cảm nghiệm được tình yêu của Đức Giê-su dành cho chúng ta cao cả dường nào.
Một khi chúng ta cảm nghiệm được tình yêu và Lòng thương xót của Chúa, chúng ta sẽ được biến đổi và trở nên tông đồ đích thực của Chúa. Amen.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc. SSS
Share:

Chúa nhật XX TN – B – GT Cn 9, 1-6; Ep 5, 15-20; Ga 6, 51-58 TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC CHẦU THÁNH THỂ

Chúa nhật XX TN – B – GT
Cn 9, 1-6; Ep 5, 15-20; Ga 6, 51-58


LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn và các bạn trẻ thân mến! Hằng ngày chúng ta phải làm việc vất vả, cực nhọc, rồi phải sống với các tương quan gia đình, bạn bè, làng xóm, công ty... Nhiều khi không có thời gian chăm lo cho bản thân nữa. Chúng ta thường rơi vào tình trạng mệt mỏi, chán chường, thiếu năng lượng.
        Tin mừng hôm nay, Chúa khẳng định: Thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6, 55-56). Qua đó, Chúa mời gọi chúng ta hãy siêng năng rước Mình Thánh Chúa và biết dành thời gian chầu Thánh Thể Chúa. Bởi chính Chúa mới là nguồn năng lượng mang lại cho chúng ta sự sống. Nhờ Chúa mà đời sống của chúng ta không trở nên vô nghĩa, vô vị và vô định. Nhờ Chúa, chúng ta mạnh mẽ tiến bước về quê trời.
        Để của lễ của chúng ta được Thiên Chúa là cha toàn năng chấp nhận, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.


Sám hối

·    Lạy Chúa, Chúa là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn bánh ấy sẽ được sống muôn đời – Xin Chúa thương xót chúng con.
·    Lạy Chúa Ki-tô, Chúa là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn bánh ấy thì ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong người ấy – Xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con
·    Lạy Chúa, Chúa là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, xin cho con biết khôn ngoan chọn lựa Chúa là lương thực cần thiết nhất cho linh hồn con – Xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót…


BÀI GIẢNG
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC
CHẦU THÁNH THỂ

Kính thưa cộng đoàn! Cách riêng là các bạn trẻ thân mến! Ngày nay dường như ai trong chúng ta cũng sử dụng điện thoại di động. Điện thoại là thiết bị điện tử, nghĩa là nó phải có điện năng thì mới hoạt động được. Tạm gọi là phải có năng lượng. Vì thế, để điện thoại có thể hoạt động thì chúng cần phải được sạc pin.
Xin được mượn hình ảnh của chiếc điện thoại để nói về bản thân mỗi người chúng ta. Mỗi người ta muốn hoạt động được cần phải được bổ xung năng lượng. Năng lượng đó ở đâu ra, thưa năng lượng đó chỉ có nơi Chúa Giê-su Thánh Thể.
Dựa trên ý tưởng về chiếc điện thoại và đặt nền tảng trên Lời Chúa Chúa nhật XX thường niên hôm nay, xin được chia sẻ với cộng đoàn, cách riêng là các bạn trẻ đề tài: TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC CHẦU THÁNH THỂ.

Vâng! Nếu như việc sạc pin là cần thiết để chiếc điện thọai có thể hoạt động, thì chúng ta cũng cần được sạc pin nơi Thánh Thể, nếu không muốn có một đời sống vô nghĩa, vô vị, vô định. Sạc pin đơn giản là nối kết với nguồn điện, cũng vậy, chầu Thánh Thể là chúng ta nối kết với Thiên Chúa, là nguồn năng lực vô tận. Chính nhờ việc sạc pin, cắm mình vào Thánh Thể Chúa qua những giờ chầu, chúng ta mới có nguồn năng lượng để hoạt động.
Vì thế, việc chầu Thánh Thể mang lại cho chúng ta những lợi ích sau đây:

1.   Trước hết, nhờ Chầu Thánh Thể chúng ta có được sức sống của Chúa.
Thật vậy, Thiên Chúa là sự sống. A-đam và E-và đã phải chết vì ông bà tự ý cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa. Chính vì không muốn chúng ta phải chết như tổ tiên khi xưa nên Chúa Giê-su đã ban chính mình Người để chúng ta được sống. Vì thế, hãy siêng năng rước Mình Thánh Chúa và Chầu Thánh Thể Chúa để chúng ta có thể kín múc sự sống của đích thực.
Chúa đã khẳng định rất rõ ràng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6, 51) Chúng ta không chỉ ăn, rước Mình Thánh Chúa để có sự sống, nhưng quan trọng là chúng ta hãy biết dành thời gian để ở bên nguồn sống ấy. Để rồi chúng ta không chỉ sống mà còn sống dồi dào.

2.   Điểm thứ hai, nhờ Chầu Thánh Thể mà chúng ta có năng lượng yêu thương.
Con người chúng ta không chỉ sống, nhưng còn phải là sống yêu thương. Nhưng tình yêu của chúng ta hạn hẹp ích kỷ và nông nổi. Một khi chúng ta biết dành thời gian ở lại với Chúa nơi Bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể suy niệm về tình yêu của Người, một tình yêu trọn vẹn, vì: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã thí mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15, 13).
Chính Chúa vì yêu chúng ta đến tận cùng nên đã hy sinh chính mạng sống của mình cho chúng ta được sống. Làm sao chúng ta có thể cảm nghiệm được tình yêu cao trọng này nếu như chúng ta không dành thời gian ở lại với Chúa nơi Bí tích Thánh Thể.
        Thánh Augustino cũng đã nói: “Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Để xác tín điều này, chắc hẳn thánh nhân đã phải trải qua thời gian dài thinh lặng chiêm ngắm tình yêu của Chúa trước Thánh Thể, nên ngài mới học được giá trị đích thực của tình yêu.
        Như vậy, việc chầu Thánh Thể giúp chúng ta chiêm ngắm tình yêu của Chúa, qua đó chúng ta cũng biết yêu tha nhân như Chúa đã yêu chúng ta.

3.   Chầu Thánh Thể mang lại cho ta sự khôn ngoan đích thực.
Bài đọc một trích sách Châm ngôn có nói: “Đức Khôn ngoan bảo với kẻ ngu si: hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế.” (Cn 9,5) Vâng! Con người chúng ta vốn dĩ khờ dại và ngu si. Do vậy, muốn được khôn ngoan, không còn cách nào khác hơn là chúng ta ăn chính bánh và rượu mà Chúa ban. Bánh và rượu đó chính là Mình và Máu Đức Ki-tô Đấng đã hy sinh thân mình cho chúng ta.
Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô cũng nhấn mạnh điều này: “Thưa anh em, anh em hãy cẩn thận xem cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan.” (Ep 5, 15-16).
Làm sao chúng ta có được sự khôn ngoan nếu chúng ta không kín múc điều đó từ Thánh Thể Chúa. Chính Thánh Thể Chúa là cội nguồn của mọi sự khôn ngoan và tri thức của con người. Nhiều thánh nhân, không có học hành gì, nhưng chỉ nhờ ở lại với Chúa nơi Thánh Thể mà cũng trở thành tiến sĩ của Hội Thánh như thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng, hay thánh Tê-rê-sa A-vi-la, hoặc gần đây là thánh Tê-rê-sa Can-cút-ta, hoặc như vị thánh rất gần với giáo xứ chúng ta là Thánh Eymard. Nhờ đâu các ngài có được sự khôn ngoan và hiểu biết như vậy, thưa nhờ các ngài siêng năng chầu Thánh Thể Chúa.
Chính nhờ có sự khôn ngoan của Chúa mà mỗi chúng ta, nhất là các bạn trẻ biết phân định được điều thật giả trong đời sống, biết chọn lựa những gì hữu ích cho đời sống của mình.

Nói tóm lại, khi chúng ta chầu Thánh Thể Chúa là lúc chúng ta đang sạc pin cho bản thân mình. Nhờ cắm sâu vào Thánh Thể mà chúng ta có được ba nguồn năng lượng: Sức Sống của Chúa, Tình yêu của Chúa, và sự khôn ngoan của Chúa.
Tuy vậy, dù chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc chầu Thánh Thể, xong chúng ta luôn bận rộn với trăm công nghìn việc, đúng không các bạn? Hằng tuần, chúng ta phải sắp xếp thời gian ổn thỏa mới có thể đến với Chúa ngày Chúa nhật. Vậy thì làm cách nào để các bạn trẻ và những người không có thời gian đi chầu có thể kín múc nguồn năng lượng của Chúa?
Thưa đó là chúng ta thờ phượng Chúa, Chầu Thánh Thể Chúa nơi: PHÒNG TIỆC LY NỘI TÂM.
PHÒNG TIỆC LY NỘI TÂM là một khám phá vô cùng đặc biệt của thánh Eymard – tông đồ Thánh Thể. Những khi chúng ta không có thời gian đến chầu Chúa nơi nhà nguyện, thì chúng ta hãy quy tâm, nghĩa là hãy tĩnh tâm lại, thờ phượng Chúa đang hiện diện ngay chính trong tâm hồn chúng ta. Bằng cách, mỗi ngày, trước khi ngủ hay sau khi thức dậy, chúng ta hãy dành một vài phút để chiêm ngắm Chúa đang hiện diện trong chính tâm hồn và lương tâm của mình. Đơn giản thế thôi, nhưng lại mang lại cho chúng ta lợi ích thiêng liêng vô cùng to lớn.
Xin cho mỗi chúng ta luôn ý thức được tầm quan trọng của việc Chầu Thánh Thể. Để qua từng ngày sống, chúng ta luôn biết ưu tiên dành thời gian cho việc tôn sùng Thánh Thể, nơi nhà tạm hoặc nơi chính tâm hồn chúng ta. Có như thế, chúng ta mới có một sống dồi dào, sống yêu thương và sống khôn ngoan. Amen.


Share:

Chúa Nhật tuần XVIII – TN – B – CĐ Xh 16,2-4.12-15; Ep 4, 17,20-24; Ga 6, 24-35 TÌM KIẾM LƯƠNG THỰC BỞI TRỜI

Chúa Nhật tuần XVIII – TN – B – CĐ
Xh 16,2-4.12-15; Ep 4, 17,20-24; Ga 6, 24-35
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Ngày ngày chúng ta phải lao động vất vả mới có của ăn, của mặc. Đó là nhu cầu thiết yêu nhất trong đời sống con người. Tuy nhiên, của ăn, của mặc, của cải vật chất dù cần thiết nhưng đó không phải là những thứ quan trọng nhất chúng ta cần ra sức tìm kiếm. Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật 18 Thường niên hôm nay cho chúng biết rằng điều quan trong nhất trong đời sống của chúng ta chính là có được thứ lương thực thường tồn.
        Thật vậy, con người chúng ta bao gồm hồn và xác. Nếu như thân xác chúng ta được dưỡng nuôi bằng của cải vật chất của trần thế này, thì linh hồn chúng ta phải được nuôi bằng Bánh Bởi Trời là chính Mình và Máu Thánh Chúa. Hơn nữa, thân xác chúng ta cùng với của cải vật chất ở đời này rồi cũng sẽ tan biến, chỉ còn lại linh hồn là bất tử. Do vậy, được Lời Chúa mời gọi, chúng ta hãy ra sức tìm kiếm lương thực mang lại cho chúng ta sự sống đời đời.
Dâng Thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi chúng ta biết chạy đến với Chúa để kín múc lấy Lời và Bánh Hằng Sống, ngõ hầu Lời và Bánh Chúa ban sẽ mang lại cho chúng ta Ơn Cứu Độ.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

SÁM HỐI

        1. Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều – xin Chúa thương xót chúng con.
        2. Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể làm lương thực trường tồn cho muôn người thuộc mọi dân tộc, mọi thế hệ được hưởng dùng – Xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con.
        3. Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã thiết lập Bí tích Truyền Chức Thánh, để ngày ngày, qua bàn tay linh mục, và bởi phép Chúa Thánh Thần, Chúa biến đổi bánh rượu thành Mình Máu Thánh Chúa để nuôi sống chúng con và trợ lực cho chúng con trên đường về quê trời – Xin Chúa thương xót chúng con.

        Xin Thiên Chúa toàn năng…

BÀI GIẢNG
TÌM KIẾM LƯƠNG THỰC BỞI TRỜI

        Kính thưa cộng đoàn! Chúng ta vất vả trong cuộc sống cốt chỉ để kiếm cái để ăn. Không ăn, chúng ta sẽ chết. Trong bài Tin mừng tuần trước, khi nhìn thấy dân chúng không người chăn dắt, đói khát theo Chúa, nên Chúa đã làm phép lạ hóa bánh cho 5000 người ăn no nê. Tuy nhiên, việc Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều không có nghĩa Chúa muốn chúng ta lệ thuộc vào Chúa. Nhưng qua phép lạ đó, Chúa muốn giới thiệu cho chúng ta một phép lạ cao trọng hơn, đó chính là phép lạ Thánh Thể, mà qua đó Người ban cho chúng ta Bánh Trường Sinh, mang lại cho chúng ta sự sống đời đời .
        Những người Do thái sau khi được Chúa cho ăn no nê, họ tiếp tục tìm Chúa với hy vọng sẽ được ăn nữa. Nhưng Chúa đã dạy cho họ cần tìm kiếm Bánh Hằng Sống mang lại sự sống đời đời, thay vì chỉ tìm kiếm của ăn, ăn bao nhiêu thì cũng sẽ chết.
Vậy, làm thế nào để có Bánh Trường Sinh?

1.   Trước hết, để có được Bánh Trường Sinh chúng ta phải siêng năng lao động.
Những người Do thái cứ nghĩ rằng theo Chúa sẽ được ăn no nê, không phải vất vả lao động tìm kiếm của ăn nữa. Vì thế, sau khi được Chúa cho ăn no nê, họ tìm đến với Chúa, với mong ước sẽ tiếp tục được ăn nữa. Tuy nhiên, Chúa không muốn điều đó. Chúa muốn chúng ta phải biết dùng sức lao động của mình để tìm kiếm của ăn cho thân xác này: “Thật tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.” (Ga 6, 26).
Do vậy, việc đầu tiên Chúa muốn chúng ta trước hết phải biết lao động để tìm kiếm của ăn cho thân xác. Vì không có của ăn, vật chất, chúng ta không thể sống.
Trong Cựu ước, khi dân Do thái lưu lạc trong sa mạc, họ than trách ông Mô-sê đã đưa họ vào sa mạc. Ông Mô-sê cầu xin Chúa và Chúa đã ban Man-na và chim cút từ trời cho dân. Tuy vậy, khi đã vào Đất Hứa thì Chúa không ban Man-na và chim cút nữa. Chúa muốn con người phải biết lao động để tìm kiếm của ăn. Và chính khi lao động như thế, chúng ta thể hiện mình là hình ảnh của Thiên Chúa. Vì chính Thiên Chúa cũng đã lao động trong sáu ngày để sáng tạo muôn loài muôn vật. Ngài có thể tiếp tục hoàn tất công việc sáng tạo, đưa đến sự hoàn bị. Nhưng Thiên Chúa đã không làm thế, Ngài tự giới hạn bản thân và giao cho con người có trách nhiệm tiếp tục công việc của Ngài, để đưa muôn loài muôn vật đến sự hoàn thiện.
Như vậy, việc đầu tiên để có thể tìm kiếm lương thực thường tồn là chúng ta phải biết lao động để tìm kiếm của ăn nuôi dưỡng thân xác.

2.   Để có được Bánh Trường Sinh chúng ta phải dâng lễ vật cho Chúa
Lương thực trường tồn chính là Mình và Máu Chúa. Mình và Máu chính là Bánh và Rượu đã được truyền phép. Do vậy, để có Mình Máu Chúa chúng ta cần dâng của lễ cho Thiên Chúa. Của lễ đó được làm từ hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng ta phải dâng lên Chúa để xin trở nên của ăn trường sinh cho chúng ta.
        Do đó, để có được Bánh Trường Sinh, chúng ta phải dâng lễ vật cho Thiên Chúa. Lễ vật đó có thể là vật chất, tiền bạc nhưng quan trọng hơn đó chính là sự hy sinh của chúng ta. Hy sinh là từ bỏ con người cũ, sống theo con người mới như lời thánh Phao-lô đã nói trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ, với nếp sống xưa, là con người hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em.” (Ep 4, 22-23)
        Như vậy, việc thứ hai để có thể có Lương Thực Thường Tồn đó là chúng ta phải dâng lễ vật cho Thiên Chúa. Lễ vật đó bao gồm vật chất và sự thay đổi đời sống.

3.   Siêng năng rước Mình Thánh Chúa là Lương Thực Thường Tồn.
Khi những người Do thái tìm kiếm Chúa để mong Chúa sẽ cho ăn no nê một lần nữa, Chúa đã nói rõ với họ mà cũng là nói với mỗi chúng ta: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có Lương Thực Thường Tồn mang lại phúc trường sinh…và Người đã khẳng định, lương thực thường tồn đó chính là Mình Máu Người: Chính tôi là Bánh Trường Sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ.” (Ga 6, 35).
Như vậy, chúng ta lao động vất vả, ngoài việc để tìm kiếm của ăn vật chất nhưng quan trọng là tìm kiếm Bánh Hằng Sống. Ngày ngày, nơi Bàn tiệc thánh Chúa luôn ban chính mình làm Bánh Hằng Sống cho chúng ta. Vậy, chúng ta được mời gọi thường xuyên tham dự thánh lễ, không chỉ ngày Chúa nhật mà bất cứ khi nào. Vì những ai siêng năng rước Thánh Thể Chúa sẽ luôn được bảo đảm có sự sống đời đời.

Nói tóm lại, qua lời Chúa Chúa nhật 18 thường niên hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta hãy biết lao động để tìm kiếm của ăn nuôi dưỡng thân xác. Không những thế, chúng ta cũng phải biết siêng năng tìm kiếm của ăn nuôi linh hồn nữa. Ngày ngày, nơi Bàn Tiệc Thánh Chúa không ngừng ban Bánh Trường Sinh cho chúng ta. Vậy, nếu không muốn mình phải chết đời đời thì chúng ta hãy siêng năng tham dự Bàn Tiệc Thánh để được rước Bánh Bởi Trời, Bánh Trường Sinh. Amen


Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
Share:

TA PHẢI CÓ THÁI ĐỘ NHƯ THẾ NÀO KHI ĐẾN VỚI LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA?

Thứ Sáu tuần XVII – TN – LTX – CĐ
Gr26,1-9; Mt 13,54-58


LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Vào lúc 3g chiều Thứ Sáu Tuần Thánh cách đây 2000 năm, Chúa của chúng ta đã đổ hết giọt máu cuối cùng, chịu chết, đền tội cho chúng ta. Chính vì thế, từ thời xa xưa, Giáo hội đã có truyền thống dành ngày thứ Sáu, lúc 3g để cử hành cuộc tử nạn của Chúa.     
        Trong ngày thứ Sáu đầu tháng 8 này, cộng đoàn chúng ta tụ họp nhau đây để cử hành Thánh lễ, tưởng nhớ cách đặc biệt kính Lòng Thương Xót Chúa, Người đã yêu thương mà hy sinh mạng sống mình cho chúng ta được sống.
        Bài Tin mừng hôm nay đề cập đến chuyện Đức Giê-su bị dân làng từ chối vì họ biết được lai lịch của Chúa, quá quen thuộc với Chúa. Vì thế, họ đã đẩy Chúa ra khỏi làng, cũng như ra khỏi cuộc đời mình.
        Dâng thánh lễ này, chúng ta hãy cầu xin cho mỗi người chúng ta luôn nhận ra được Chúa là quan trọng trong cuộc đời, để chúng ta đừng chối từ Chúa như dân làng xưa kia.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Bài giảng
TA PHẢI CÓ THÁI ĐỘ
NHƯ THẾ NÀO KHI ĐẾN VỚI
LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA?

        Thời gian mấy năm trở lại đây, kể từ khi phong trào sùng kính Lòng Thương Xót Chúa được khuyến khích trong đời sống của Giáo hội thì xuất hiện rất nhiều nhóm được quy tụ để cử hành giờ kính Lòng Thương Xót Chúa. Nhiều người nhận được những ơn ích thiêng liêng từ việc siêng năng sùng kính Lòng Thương Xót Chúa. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những trường hợp quá lạm dụng vào phép lạ, dẫn đến nhiều người, nhất là những giáo dân yếu lòng tin có thái độ cực đoan, và chỉ tìm kiếm phép lạ thay vì đổi mới cuộc đời trở nên tốt lành.
        Như vậy, phải chăng việc chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa chỉ là để nhận được những phép lạ, hay còn có một ý nghĩa nào khác? Và quạn trọng, chúng ta phải có thái độ gì khi sùng kính Lòng Chúa Thương Xót?
        Chúng ta sẽ lần lượt trả lời 2 câu hỏi này.

1.   Xin được trả lời câu hỏi thứ nhất: Việc chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa chỉ là để nhận được những phép lạ, hay còn có một ý nghĩa nào khác?
Trong bài Tin mừng hôm nay, những người cùng quê với Chúa mặc dù đã chứng kiến những phép lạ Chúa làm, nhưng họ vẫn không chấp nhận Chúa. Lý do đơn giản là họ biết rõ gia cảnh của Chúa, biết Chúa xuất phát từ đâu, con của ông nào bà nào. Hơn nữa, trong não trạng của họ, Đấng Mê-si-a không có xuất thân tầm thường như thế. Đấng ấy phải xuất thân từ hoàng tộc Đa-vít, oai phong lẫm liệt.
Vì thế, khi nghe Chúa rao giảng và làm các phép lạ, loan báo về Nước Thiên Chúa thì họ đã vấp ngã vì Người (x. Mt 13, 57).
Trong đời sống chúng ta, chúng ta cũng có thái độ tương tự như vậy. Chúng ta quan niệm Thiên Chúa theo ý riêng của mình, để rồi hầu hết chúng ta đến với Chúa chỉ mong Chúa sẽ làm phép lạ này, hay nhận được ơn này ơn kia. Thế nhưng, đó là những thứ tùy phụ, những thứ thực sự không cần thiết và quan trọng đó không phải là điều Chúa muốn chúng ta hướng đến. Bởi thứ quý giá nhất mà Chúa cũng đã ban cho chúng ta rồi còn gì. Đó chính là sự sống của Chúa. Hơn nữa, ngày ngày, nơi Bàn Tiệc Thánh, Chúa trao ban chính mình làm của ăn dưỡng nuôi cho chúng ta.
Như vậy, việc chạy đến với Lòng Chúa Thương Xót trước hết không phải là để chúng ta xin ơn này ơn kia, hay mong mỏi phép lạ xảy ra; nhưng là để sống tương quan CHA – CON. Vâng! Ngày ngày, chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, nhưng có bao giờ chúng ta ý thức chúng ta có một người cha thực sự chưa? Hay chúng ta chỉ muốn làm một đứa nô lệ, đứa ăn kẻ ở. Bởi chỉ có nô lệ và đứa ăn kẻ ở mới mong mỏi chủ mình ban cho mình một điều gì đó. Còn chúng ta là con, mà như Chúa đã nói: Tất cả những gì của Cha cũng là của con (x. Lc 15, 31b). Thánh Eymard, người đã cả một đời tìm kiếm phép lạ từ Thánh Thể Chúa, để rồi cũng phải khẳng định rằng: “Có Chúa Giê-su Thánh Thể rồi, hỏi bạn còn mong gì hơn nữa ở đời này!”
Do vậy, chúng ta cần xác định lại việc chúng ta chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa không phải là để xin phép lạ, nhưng trước hết là chúng ta được sống trong tâm tình CHA – CON. Xin nhắc lại một lần nữa, chúng ta đến với Chúa là để sống tâm tình CHA – CON. Vì đây là điều rất quan trọng. Bởi có Chúa là có tất cả. Có Chúa chúng ta sẽ luôn thấy no đủ, có Chúa, chúng ta sẽ được sống một đời sống mới, chứ không chỉ quanh quẩn với cơm áo gạo tiền, danh vọng, sức khỏe…tất cả những thứ đó rồi cũng qua đi cùng với thân xác mau hư nát của chúng ta. Có Chúa ở kề bên, chúng ta luôn được sống trong bình an và hạnh phúc, dù rằng chúng ta đang nợ nần chồng chất, dù rằng chúng ta đang u thư giai đoạn cuối, dù rằng gia đình chúng ta sắp sụp đổ…

2.   Chúng ta phải có thái độ gì khi sùng kính Lòng Chúa Thương Xót?
·    Đến với Lòng Thương Xót trước hết chúng ta phải có tâm tình tôn thờ.
Thật vậy, trong Kinh Tiền Tụng IV có nói: Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con. Như vậy, thái độ đầu tiên chúng ta cần có khi đến với Lòng Thương Xót là thái độ tôn thờ, vì qua đó, Chúa sẽ ban Ơn Cứu Độ cho chúng ta.
·    Kế đến, khi đến với Lòng Thương Xót Chúa chúng ta phải dâng lời tạ ơn.
Đừng nghĩ rằng Chúa có ban ơn cho tôi đâu mà phải tạ ơn. Việc chúng ta được rút ra từ hư vô, được hiện hữu trên cõi đời này đã là một hồng ân vô cùng cao quý rồi. Đã vậy, Chúa lại ban cho chúng ta muôn vàn hồng ân khác; nhưng vì chúng ta quá kiêu ngạo nên không nhận ra đấy thôi. Không dừng lại ở đó, dù chúng ta không nhận ra tình yêu của Chúa qua những ân huệ Người ban thì Người vẫn hy sinh cứu độ chúng ta khỏi chết đời đời. Ngoài ra, Người còn ban chính mình nơi Bí tích Thánh Thể để có thể ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho chúng ta phải liên lỷ tạ ơn Chúa suốt cả cuộc đời này rồi.
·    Thái độ sau cùng, khi đến với Lòng Thương Xót là xin ơn.
Thật vậy, chúng ta là con người có giới hạn, nên tự sức mình chúng ta không thể vươn lên đến Chúa được. Vì thế rất cần ơn của Chúa để chúng ta có thể làm điều tốt. Bởi như Chúa đã nói: “Không có Thầy anh em chẳng làm được gì” (Ga 15, 5).
Việc xin ơn, ngoài những ơn tầm thường như ban cho thứ này thứ kia, hay khỏi bệnh, hoặc trả được nợ, hoặc kiếm được việc, hoặc xin ban ơn hoán cải … tất cả những thứ đó xem ra tầm thường và cỏn con, chúng ta cần xin có Chúa hiện diện trong cuộc đời, xin Chúa cùng đồng hành, xin Chúa cùng ở bên, thay vì chỉ xin những thứ ngoại tại, bên ngoài.

Nói tóm lại, trong ngày thứ sáu kính Lòng Thương Xót Chúa, được Lời Chúa đánh động, chúng ta nhận ra rằng mình không có quyền bắt Thiên Chúa theo ý riêng của mình, mà tốt nhất mỗi khi đến với Lòng Chúa Thương Xót, thì hãy xin cho chúng ta ngày càng yêu mến và gắn bó với Chúa nhiều hơn. Bởi đơn giản, có Chúa là có tất cả. Amen.


Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
Share: