CHÚA NHẬT 26 TN – B – CĐ Ds 11,25-29; Gc 5, 1-6; Mc 9,38-43.45.47-48


CHÚA NHẬT 26 TN – B – CĐ
Ds 11,25-29; Gc 5, 1-6; Mc 9,38-43.45.47-48

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT CHUYÊN VIÊN TRUYỀN THÔNG TIN MỪNG?
        Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng truyền thông. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người mà các phương tiện truyền thông lại phổ biến và dễ sử dụng đến thế. Truyền thông có những mặt tích cực như: mang con người xích lại gần nhau, dễ dàng cập nhật các thông tin, học hỏi, trau dồi kiến thức qua các phương tiện truyền thông… Bên cạnh đó, truyền thông cũng có những mối nguy hại: Rất nhiều những sự chia rẽ, tội phạm, sự xấu đầy dẫy trên các phương tiện truyền thông. Nếu chúng ta không sáng suốt, rất dễ rơi vào cạm bẫy của ma quỷ.
        Đặt nền tảng trên sứ điệp Lời Chúa Chúa nhật 26 Thường niên hôm nay, xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài: LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT CHUYÊN VIÊN TRUYỀN THÔNG TIN MỪNG?

        Muốn trở thành một chuyên viên truyền thông Tin mừng ta cần hội đủ 3 yếu tố sau:

1.   Để trở thành một chuyên viên truyền thông Tin mừng điều đâu tiên cần có đó là phải biết lắng nghe Lời Chúa qua tiếng nói của Thần Khí.

Bài tin mừng chúng ta vừa nghe đề cập đến việc ông Gio-an cảm thấy khó chịu khi nhiều người dùng Danh của Chúa mà trừ quỷ, vì thế ông đã ngăn cản họ. Tuy vậy, Chúa Giê-su đã trả lời: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh Thầy mà làm phép lạm, rồi sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.” (Mc 9, 39).

        Thật vậy, việc trừ quỷ, hay tất cả những việc khác, đặc biệt là trong công việc rao truyền Tin Mừng, đó không phải là một đặc quyền, đặc lợi của một tập thể hay cá nhân nào mà là của cả mọi người, những người mang danh Ki-tô hữu. Bởi Thần Khí Chúa hoàn toàn tự do và không lệ thuộc vào các cơ cấu phẩm trật. Thần Khí Chúa ban cho mỗi người ơn ích khác nhau. Thánh Phao-lô cũng đã nói: “Chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác nữa làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ…”(Ep 4, 11-13).

        Ngay từ thời Cựu ước cũng đã có những người được Thần Khí Chúa ban ơn nhưng không để trở thành những ngôn sứ của Chúa. (Ds 11,29). Mà bài đọc 1 trích sách Dân số đã nói rõ điều đó.

        Như vậy, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi lắng nghe Lời Chúa qua tiếng nói của Thần Khí. Để có thể lắng nghe được tiếng của Thần Khí thì buộc chúng ta phải thực tập. Bằng cách thường xuyên học hỏi Tin mừng, nghe giảng dạy, đặc biệt hơn cả là suy niệm Lời Chúa trước Chúa Giê-su Thánh Thể. Nếu chúng ta thường xuyên làm như thế, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra được tiếng nói của Thần Khí trong đời sống hằng ngày.
         
2.   Muốn trở thành một chuyên viên truyền thông Tin mừng thì chúng ta cần phải biết sống Lời Chúa.

Lắng nghe Lời Chúa là một chuyện mà thực hành, sống Lời Chúa lại là một chuyện khác. Lời Chúa tuy rất dễ nhưng những đòi hỏi của Tin mừng lại rất khó thực hiện. Vì những giá trị của Nước Trời đôi khi trái ngược với não trạng của chúng ta. Vì thế Chúa cũng đã nói: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa.” (Lc 11, 18).

Thực hành Lời Chúa đơn giản là sống giới răn mến Chúa yêu người.

·    Mến Chúa

Có nghĩa là chúng ta không bám vào bất cứ thứ gì ở đời này, đặc biệt là của cải vật chất. Những ai bám vào của cải trần gian này sẽ phải gặp cảnh hư nát. Như bài đọc 2 trích thư của thánh Gia-cô-bê có nói: “ hỡi những kẻ giàu có, các ngươi hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ trên đầu các ngươi.” (Gc 5, 1)

·    Yêu người

Cụ thể như bài Tin mừng hôm nay Chúa gợi ý cho chúng ta 2 điều. Đó là chuyên cần làm phúc bố thí và không làm cớ vấp phạm cho những kẻ bé mọn. (x. Mc 9, 41 - 48)
Như vậy, để có thể trở thành một chuyên viên truyền thông Tin mừng thì chúng ta cần sống Lời Chúa mỗi ngày. Đó là một đời sống mến Chúa và yêu người.

3.   Một chuyên viên truyền thông đích Tin Mừng thực thì cần thường xuyên rao truyền Lời Chúa cho mọi người.

Về điều này, Thánh Phao-lô đã khẳng định: “Thưa anh em, rao giảng Tin mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng. (1 Cr 9, 16).”
Cũng vậy, sau khi nghe và thực hành Lời Chúa qua tiếng nói của Thần Khí thì chính Thần Khí cũng sẽ tác động khiến chúng ta ra đi loan báo Tin Mừng.

Loan báo Tin mừng không chỉ bằng lời nói, lời rao giảng mà quan trọng là qua cách sống của chúng ta. Một đời sống bác ái yêu thương. “Vì cứ dấu này người ta sẽ nhận ra anh em là một đệ Thầy, đó là anh em hãy yêu thương nhau.”(Ga 13, 35).  

Nói tóm lại, Mỗi người chúng ta được mời gọi trở thành một chuyên viên truyền thông  Tin mừng của Chúa.
Thoạt nghe đến truyền thông, chúng ta thấy không liên quan mấy đến chúng ta. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, một khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta trở thành một ngôn sứ của Chúa. Ngôn sứ có nghĩa là rao truyền Lời Chúa cho mọi người. Như vậy, ai trong chúng ta cũng có nhiệm vụ truyền thông Tin mừng cho. Chúng ta truyền thông bằng chính đời sống của mình. Đó chính là một đời sống tích cực, bác ái, yêu thương. Amen.
Cầu chúc cho mỗi người chúng ta, dù trong phận vụ và vai trò nào thì chúng ta cũng trở thành một chuyên viên truyền thông Tin Mừng đích thực. Có như thế, Nước Chúa sẽ ngày càng phát triển và triều đại Thiên Chúa sẽ hiển trị khắp trần gian. Amen.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSs


Share:

TÔI ĐÃ SỐNG CHỮ HIẾU NHƯ THẾ NÀO? (Lễ An Táng: Mt 28:1-8)


TÔI ĐÃ SỐNG CHỮ HIẾU NHƯ THẾ NÀO?
(Lễ An Táng: Mt 28:1-8)


Kính thưa cộng đoàn! Khi còn sống ở trần gian, Chúa Giê-su đã tiên báo, sau khi chết chưa đủ 3 ngày thì Người đã sống lại. Tuy vậy, các môn đệ của Chúa trong cơn hoảng loạn đã không nhớ điều đó. Vì thế, đang khi trời còn sáng, các bà đi tìm người sống giữa những kẻ chết vì quên lời dạy của Thầy. Chính lúc này sứ thần hiện ra loan báo Tin mừng Phục sinh: “Người đã trỗi dậy từ cõi chết,và hãy mau chóng loan báo cho các tông đồ hay.”
Vâng! Đức Kitô phục sinh đã chiến thắng mọi sự dữ và quyền lực của sự chết. Người chính là trưởng tử của những kẻ chết sống lại và tất cả những ai tin vào Người cũng sẽ được sống lại với Người.
Tất cả chúng ta ngồi đây, đều xác tín rằng: Chết không phải là ra đi vĩnh viễn nhưng là bước qua một sự sống mới, trở về với nguồn cội của mình là chính Thiên Chúa. Nếu còn vướng những tham sân si của trần gian thì sau một thời gian thanh luyện, sẽ được hưởng hạnh phúc thiên đàng. Cụ bà Tê-rê-sa của chúng ta đây, sau thời gian làm người và làm con Chúa đã được Chúa gọi về trong sự thương tiếc của con cháu. Chúng ta xác tín sớm muộn gì Chúa cũng đưa bà về Thiên Quốc. Tuy vậy, trong thân phận làm người chắc hẳn không ít lần bà có những lầm lỗi mà giờ đây bà không còn cơ hội để sửa đổi nên cần sự cầu thay nguyện giúp của con cháu, của tất cả chúng ta, những người còn đang sống.
Hiểu như thế là đúng với Giáo lý của Giáo hội. Tuy nhiên, cũng từ cách hiểu như thế, nên nhiều người có một cái nhìn lệch lạc về Chữ Hiếu. Họ cứ nghĩ rằng cứ cầu nguyện, xin lễ cho ông bà cha mẹ là làm tròn chữ hiếu. Do vậy, khi các ngài còn sống lại không chăm sóc, không yêu thương, không lo lắng cho các ngài, đến khi các ngài qua đời lại đọc kinh cầu nguyện, xin lễ. Liệu rằng, làm nhưng vậy, chúng ta có thực sự làm tròn chữ hiếu hay chưa?

Nhạc sĩ Trần Tiến có một ca khúc rất hay về Mẹ:Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con. Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ, nhớ ngôi nhà xưa…” Vâng! Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ lớn, lấy vợ lấy chồng, có con có cái, rồi cũng làm cha làm mẹ, rồi cũng sẽ già... nhưng có lẽ kí ức về một thời tuổi thơ, kí ức một thời tối ngủ được gối lên tay cha, chui vào vạt áo mẹ có lẽ sẽ không bao giờ phai nhòa trong tâm trí chúng ta. Để rồi đến một lúc nào đó, trước những va vấp sóng gió của cuộc đời, khi mà không còn ai bên cạnh thì bóng dáng cha mẹ bỗng nhiên ùa về trong ký ức, làm sóng sánh nụ cười, xốn xang lồng ngực.
Rất nhiều người trong chúng ta, hễ nhắc đến cha mẹ lại khiến chúng ta rơi nước mắt. Bởi cha mẹ là một điều gì đó rất cao quý và thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ban tặng. Nhưng thử hỏi được mấy người trong chúng ta có những hành động cụ thể, quyết tâm trong đời sống để báo hiếu cho cha mẹ.
Trong tâm tình trong thánh lễ an táng của cụ bà Tê-rê-sa hôm nay mỗi người chúng ta cần đặt lại câu hỏi: TÔI ĐÃ SỐNG CHỮ HIẾU NHƯ THẾ NÀO?

Người xưa có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”. Nghĩa là: Trăm cái thiện thì chữ Hiếu đứng đầu. Chữ Hiếu không chỉ là nhân bản con người mà còn là luật Chúa.
Con cái có hiếu với cha mẹ cần được thể hiện qua 3 việc làm cụ thể sau đây:
1.   Trước hết là chia sẻ vật chất:
Con cái phải có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ, lo cho cha mẹ, không để các ngài thiếu thốn vật chất. Nhiều người, cứ nghĩ rằng cha mẹ phải cho con chứ con cái không cần cho cha mẹ. Hoặc cho cha mẹ cái gì đó thì kể lể, than vãn, hoặc biện lý do rằng mình quá nghèo, quá thiếu thốn... Nhưng thử hỏi, cha mẹ của chúng ta, dù nghèo cỡ nào đi nữa thì cũng không để chúng ta chết đói, không bỏ rơi chúng ta, các ngài cho chúng ta cả cuộc đời mà có bao giờ than vãn gì đâu. Vậy mới thấy câu nói cha mẹ nuôi con biển trời lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngàythấm thía dường bao.

2.   Kế đến, báo hiếu cho cha mẹ là phải biết dành nhiều thời giờ ở bên cạnh cha mẹ.
Nhiều người, hay biện minh: vì công việc, vì ở xa, vì không đủ thời gian nên chẳng mấy khi thăm nom cha mẹ. Thảo kính cha mẹ không phải là chuyện gởi tiền trợ cấp đều đặn hàng tháng, hay cho các ngài những món quà này quà nọ... nhưng thảo kính cha mẹ còn thể hiện ở chỗ biết về bên các ngài trong những ngày nghỉ, thăm hỏi, chăm sóc, hiện diện, an ủi, đỡ đần và yêu thương. Càng già, càng cảm thấy cô đơi, tủi thân, tâm lý các ngài càng mong muốn có con cháu bên cạnh để hỏi han thưa gửi, để chuyện trò...
Vậy thì những ai còn cha còn mẹ, đừng biện lý do này lý do kia nữa, hãy biết sắp xếp thời gian mà về bên cha mẹ, dù chỉ là một vài phút ngắn ngủi

3.   Cuối cùng, phải cầu nguyện cho cha mẹ khi các ngài qua đời.
Như đã nói ở trên, khi cha mẹ qua đời, trong thân phận con người, chắc chắn các ngài còn những khúc mắc, lỗi phạm đến Chúa và tha nhân, vậy nên chúng ta phải có nhiệm vụ đọc kinh, xin lễ, và thực hành những hy sinh mà cầu nguyện cho các ngài.

Nói tóm lại, trong Thánh Lễ An táng của cụ Tê-rê-sa hôm nay, mỗi người chúng ta được Lời Chúa soi sáng, để rồi chúng ta biết sống trọn chữ hiếu. Sống chữ hiếu đích thực đó chính là:
·       Biết chia sẻ vật chất cho cha mẹ.
·       Biết dành nhiều thời giờ ở bên cạnh cha mẹ.
·       Phải cầu nguyện cho cha mẹ khi các ngài qua đời
Cộng đoàn phụng vụ thân mến! Chúng ta thử tưởng tượng đến khung cảnh những ngày cuối năm, khi mà không khí tết trở nên chộn rộn khắp mọi nơi, người người, nhà nhà đang háo hứa đón mùa xuân mới. Đêm giao thừa, cả gia đình cùng nhau đi lễ. Sáng mùng một, sau thánh lễ rạng đông, con cháu cùng quy tụ đông đủ để cùng nhau chúc tuổi ông bà, cha mẹ. Thế nhưng, nhiều gia đình, trong đó có các con cháu của cụ bà Tê-rê-sa đây, sẽ buồn lắm, bởi chẳng còn thấy bóng dáng của ông bà, cha mẹ ngồi đấy, quây quần bên con cháu nữa. Chỉ còn lại hai tấm ảnh trên bàn thờ với ba nén hương trầm, như chứng kiến tất cả những buồn vui của con cháu.
Vâng! Thưa cộng đoàn, đừng đợi đến khi ông bà, cha mẹ qua đời rồi chúng ta mới báo hiếu. Hãy yêu thương, chăm sóc và ở bên ngay khi các ngài còn sống với chúng ta, bởi:mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi. Mồ côi tội lắm ai ơi, đói cơm khát nước biết người nào lo.” Amen.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Share:

LỄ THÁNH MÁT-THÊU


LỄ THÁNH MÁT-THÊU
Ep 4, 1-7.11-13; Mt 9, 9-13
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Hôm nay chúng ta cử hành thánh lễ để kính nhớ thánh Mát-thêu, tác giả sách Tin mừng.
        Thánh Mát-thêu là một trong nhóm 12 tông đồ. Ngài là nhân viên thu thuế, được Chúa Giê-su gọi lúc ngồi ở bàn thu thuế. Thánh Mát-thêu còn có tên gọi khác là Lêvi, ngài là một trong 4 tác giả viết sách Tin mừng.
        Mừng lễ thánh Mát-thêu và nhất là qua việc Chúa Giê-su kêu gọi Ngài làm tông đồ, chúng ta nhận ra rằng, mỗi chúng ta cũng được Chúa mời gọi trở thành tông đồ của Chúa khi chúng ta chịu phép rửa tội.
        Dâng Thánh lễ này, chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa để có thể đáp lại lời mời gọi của Người.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.


BÀI GIẢNG
AN VUI TRONG ĐỊA VỊ CHÚA ĐÃ ĐẶT

1.   Đứng núi này trông núi nọ
Kính thưa cộng đoàn!
        Người xưa có câu: Đứng núi này, trông núi nọ. Nghĩa là không thỏa mãn với vị trí hoặc những thứ mình đang có. Hễ thấy điều gì chướng tai gai mắt, hay trái ý với mình thì chúng ta hay nói rằng: Tôi mà là người đó, tôi sẽ làm thứ này thứ kia. Điều này cũng rất thường gặp trong các sinh hoạt của giáo xứ. Chẳng hạn chúng ta không vừa ý với cha xứ hoặc một ai đó trong hội đồng mục vụ, chúng ta thường nói: Tôi mà làm cha xứ tôi sẽ làm thứ này thứ kia cho giáo xứ. Tôi mà làm trưởng ban hành giáo tôi sẽ có nhiều chương trình cho giáo xứ…Chúng ta nghĩ nếu mình là người này người kia thì mình sẽ làm rất tốt, trong khi, hiện tại trong vai trò làm cha, làm mẹ chúng ta lại không chu toàn trách nhiệm của mình.
Vâng! Ai trong chúng ta cũng được mời gọi cộng tác với Chúa trong việc làm cho Nước Thiên Chúa được lan rộng khắp nơi, tùy theo môi trường, khả năng và ơn riêng Chúa ban. Bài đọc 1 trích thư của thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-xô cho chúng ta biết điều đó: “Mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tùy theo mức độ Đức Ki-tô ban cho. Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ…” (Ep 4, 7-11)
       
        Vấn đề ở đây là chúng ta hay nhìn người khác để rồi đánh giá, và cho rằng mình mà có chức vụ đó mình sẽ làm tốt hơn nhiều. Nghĩ như thế thật không hay chút nào. Bởi những chức vụ trong Giáo hội không phải do ý muốn của con người nhưng hoàn toàn là ân ban và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

2.   Đáp lại lời mời gọi của Chúa
        Chẳng hạn như trong Tin mừng theo thánh Mát-thêu vừa nghe, chính ngài tường thuật lại cho chúng ta biết ơn gọi vô cùng kỳ diệu của ngài. Chỉ qua một cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su mà cuộc đời thánh nhân đã bước qua một trang mới. “Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: Anh hãy theo tôi! Ông đứng dậy đi theo Người.” (Mt 9,9). Thật là khó tin. Làm sao chúng ta có thể theo ai được chỉ với một câu nói “hãy theo tôi!”.
Vâng! Sỡ dĩ trước lời mời gọi của Chúa, thánh Mát-thêu mau chóng thực thi là vì lời mời gọi này không đơn thuần là một lời mời gọi mà còn là một mệnh lệnh. Và đã là mệnh lệnh của Thiên Chúa thì không gì không thể làm được. Chúng ta nhớ đến mệnh lệnh của Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng. Hãy có thứ này, hãy có thứ kia, và tức thì liền có như vậy. Hoặc nhiều lần Chúa Giê-su trừ quỷ hay chữa lành, Người cùng dùng mệnh lệnh, ma quỷ xuất khỏi, bệnh tật biến hết. Mệnh lệnh này chúng ta cũng thấy qua việc kêu gọi thánh Phê-rô và An-rê (Mc 1, 16) hoặc các tông đồ khác. Lời đó, thúc đẩy bên trong linh hồn con người, khiến chúng ta không thể từ chối được.
        Như vậy, việc thánh Mát-thêu trở thành tông đồ, đó không chỉ là một lời mời gọi nhưng còn là một mệnh lệnh của Chúa. Chúa muốn thánh Mat-thêu cộng tác với Chúa trong việc loan báo Tin mừng cho thế gian.
        Hơn nữa, việc được chọn lựa để trở thành tông đồ, thánh sử, không phụ thuộc vào bản thân của đương sự, nhưng lệ thuộc hoàn toàn vào tự do và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Hầu hết các tông đồ không phải là người đạo đức, tốt lành hay có học thức, nhưng Chúa mời gọi các ngài chỉ vì Chúa muốn mà thôi. Ở đây cũng thế, thánh Mát-thêu được mời gọi không vì ngài giỏi giang hay tốt lành, thậm chí ngài chỉ là một con người tội lỗi công khai vì cộng tác với ngoại bang. Thế nhưng Chúa vẫn mời gọi. Điều đó cho thấy, Chúa gọi làm tông đồ không lệ thuộc vào bản thân đương sự nhưng lệ thuộc vào tự do và lòng thương xót của Thiên Chúa.
        Như vậy, qua việc Chúa Giê-su chọn gọi thánh Mát-thêu trở thành tông đồ của Chúa, chúng ta nhận ra rằng mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa mời gọi trong việc loan báo Danh Chúa cho thế gian. Tùy theo khả năng và ân ban riêng mà Chúa trao cho chúng ta những sứ vụ khác nhau. Có người làm chức vụ này, có người làm chức vụ kia, có người được trao những nhiệm vụ to lớn, cũng có người chỉ được trao những trách nhiệm nhỏ bé.

3.   An vui trong địa vị Chúa đã đặt
        Nếu như các linh mục tu sĩ có nhiệm vụ dạy dỗ và rao giảng Lời Chúa trong môi trường lớn, cấp Giáo hội, giáo xứ thì mỗi chúng ta được mời gọi an vui trong địa vị Chúa đã đặt. Đó là trở thành ngôn sứ cho Chúa trong chính môi trường và địa vị của mình. Là một người chồng, người cha, chúng ta có trách nhiệm làm chứng cho Chúa cho vợ con. Cũng vậy, là một người vợ, người mẹ, chúng ta được mời gọi an vui trong địa vị Chúa đã đặt qua việc trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất, nối kết các thành viên. Là những đứa con trong gia đình, chúng ta cộng tác với Chúa qua việc tôn trọng và kính yêu tuân phục cha mẹ.

        Nói tóm lại, trong ngày mừng kính Thánh Mát-thêu tông đồ, chúng ta nhận ra rằng ai trong chúng ta cũng được mời gọi cộng tác với Chúa trong việc làm cho Nước Chúa ngày càng rộng lớn.
Đừng nghĩ mình sẽ được trao những trọng trách to lớn, tốt nhất là hãy an vui trong địa vị Chúa đã đặt và chu toàn những trách nhiệm mà Chúa đã ban.
Trách nhiệm đó đơn giản chỉ là làm chứng cho Chúa trong chính môi trường gia đình. Để qua cuộc sống của mình, chúng ta trở thành lời chứng cho Chúa, qua đó mang lại Ơn Cứu Độ không chỉ cho bản thân mà cho mọi thành viên trong gia đình. Amen.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Share:

Thứ Sáu tuần XII TN – Lễ Lòng Thương Xót (1Cr 4, 1-5; Lc 5, 33-39) LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÉP LẠ XẢY RA?


Thứ Sáu tuần XII TN – Lễ Lòng Thương Xót
(1Cr 4, 1-5; Lc 5, 33-39)
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Hôm nay ngày thứ sáu đầu tháng, chúng ta tụp họp nhau đây lúc 3g chiều để cử hành cuộc khổ nạn của Chúa qua Thánh lễ này. Cách đây 2000 năm trước, cũng vào ngày thứ sáu, Chúa chúng ta đã hy sinh thân mình, đổ hết những giọt máu cuối cùng để mang lại sự sống cho chúng ta.
        Sự hy sinh mạng sống chính là quà tặng lớn nhất mà Chúa đã ban cho chúng ta. Vì vậy, ngay thứ quý giá nhất Người còn ban cho chúng ta vậy thì thiết chi những điều nhỏ nhoi mà chúng ta xin Chúa trong Thánh lễ này mà Chúa lại không ban cho chúng ta.
        Dâng thánh lễ này, chúng ta cảm tạ vì sự hy sinh cao cả của Chúa để cho chúng ta được sống. Không những thế, mỗi người chúng ta còn được mời gọi thay đổi đời sống để phù hợp với sự sống mới này.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.


BÀI GIẢNG
LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÉP LẠ XẢY RA?
        Kính thưa cộng đoàn! Tất cả chúng ta ngồi đây nơi nhà thờ này đều mong muốn Chúa ban ơn cho chúng ta điều gì đó. Chẳng hạn như sức khỏe, sự bình an, hay xin cho có công ăn việc làm, hoặc xin ơn biến đổi cho những người thân của chúng ta, hoặc xin ơn lành bệnh, xin ơn trả được nợ, …
        Chúng ta cầu xin và hy vọng Chúa sẽ ban cho chúng ta như lòng sở nguyện. Tuy vậy, trên thực tế, ít người trong chúng ta nhận được những phép lạ nhãn tiền. Chúng ta chỉ nghe thấy phép lạ xảy ra cho ai đó, ở đâu đấy chứ không phải ở đây, hoặc ban cho chính chúng ta.

        Vậy một câu hỏi đặt ra cho chúng ta: Làm thế nào để phép lạ xảy ra cho chính bản thân tôi?

        Bài tin mừng hôm nay mở ra cho chúng ta qua cuộc nói chuyện giữa Chúa Giê-su và những người Pha-ri-siêu. Tuy vậy, chúng ta chỉ chú ý đến dụ ngôn mà thôi. Chúa nói: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải và áo cũ, vì như vậy không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ…Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư…” (x. Lc 5, 36-39)
        Khi nói hai dụ ngôn này, Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh, Người chính là rượu mới và áo mới. Để có thể đón nhận Người đòi hỏi chúng ta phải thay đổi con người mới cho phù hơp với sự mới mẻ của Chúa. Không có sự nhập nhằng giữa mới và cũ, giữa ánh sáng và bóng tối. Chúng ta là con người cũ kỹ, tối tăm. Chúng ta muốn Chúa đến trong cuộc đời thì buộc phải thay đổi lối sống cho mới mẽ, từ bỏ tội lỗi và tà thần đển trở nên sáng sủa.
        Cũng vậy, khi chúng ta mong muốn phép lạ, nghĩa là chúng ta mong muốn có một sự mới mẻ của Chúa. Thế nhưng, làm sao chúng ta có thể đón nhận Đấng Toàn Năng, Toàn Thiện trong khi chúng ta chỉ là con người tội lỗi, bất toàn. Vì thế, để phép lạ có thể xảy ra trên cuộc đời của chúng ta, điều kiện tiên quyết đòi buộc chúng ta đó là: PHẢI THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG.
        Chẳng hạn như chúng ta hay nghe những người ngoại đạo hay được ơn Chúa, hoặc được Chúa ban cho thứ này thứ kia. Sở dĩ phép lạ xảy ra với những người đó là vì họ biết đổi chiếc áo cũ, để mặc áo mới, biết đổi bầu da cũ để có thể chứa rượu mới. Nghĩa là họ từ một người không biết Chúa, không tin vào Chúa, thì nay họ thay đổi bằng cách tin và tín thác vào Chúa.

        Còn chúng ta thì sao? Chúng ta là những người đã tin Chúa, vậy chúng ta cần đổi mới như thế nào?

Thưa, những người Pha-ri-siêu cũng tin vào Thiên Chúa, nhưng họ luôn bám vào lề luật và nghĩ rằng giữ luật mới mang lại ơn cứu độ cho họ. Nghĩ như thế là hoàn toàn không chính xác. Chúa nói: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế.” (Mt 12, 7). Nghĩa là Chúa muốn chúng ta biết mến Chúa yêu người chứ không phải chỉ giữ luật mà thôi.
        Vì người Pha-ri-siêu đã không chịu thay đổi não trạng thành mới thế nên họ không thể đón nhận Chúa. Do vậy, chúng ta muốn được Chúa ban phép lạ đòi buộc chúng ta phải thay đổi lối sống mới trước đã. Lối sống mới đó chính là một lối sống tích cực qua việc mến Chúa yêu người bằng những việc làm cụ thể.

Nói tóm lại, qua Thánh lễ kính Lòng Thương Xót Chúa hôm nay, chúng ta nhận ra rằng, để phép lạ có thể xảy ra chúng ta cần một điều kiện. Điều kiện đó chính là thay đổi một lối sống mới, một con người mới, đó là một đời sống bác ái, yêu thương, mến Chúa yêu người. Bao lâu chúng ta không làm được việc này thì đừng mong Chúa sẽ làm phép lạ trên cuộc đời chúng ta. Amen.
Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share: