CHÚA NHẬT PHỤC SINH – B - CĐ Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Lc 24,13-35 BỮA CƠM GIA ĐÌNH

CHÚA NHẬT PHỤC SINH – B - CĐ
Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Lc 24,13-35

         
Lời dẫn đầu lễ

        Kính thưa cộng đoàn Phụng Vụ! Có lẽ niềm vui lớn nhất của chúng ta đó chính là được sau khi chết đi, chúng ta sẽ được sống lại hưởng hạnh phúc trên Nước Thiên Đàng, giống như Đức Ki-tô Chúa chúng ta đã chết đi và phục sinh vinh hiển. Tuy vậy, để có thể sống lại và hường hạnh phục trên Nước Thiên Đàng cần phải có điều kiện. Đó là chúng ta phải sống giới răn yêu thương ngay ở đời này mà Đức Giê-su đã để lại cho chúng ta. Cụ thể là chúng ta phải biết yêu thương những người kề cận của chúng ta, đó là chính gia đình của mình.
        Cuộc sống hiện tại, các gia đình đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn thử thách hơn bao giờ hết. Nhiều gia đình có nguy cơ tan vỡ, chia rẽ, bất hòa chỉ vì không có thời gian ở bên nhau, nhất là giờ kinh chung và giờ cơm chung.
        Tin mừng Phục Sinh hôm nay cho chúng ta biết hai môn đệ đã thất vọng vì Chúa đã chết, nên họ bỏ về quê ở làng Ê-mau. Tuy Chúa đã hiện ra và cùng đồng hành với họ nhưng họ không nhận ra. Chỉ khi cùng đồng bàn, Chúa bẻ bánh, mắt họ sáng ra và nhận ra Chúa.
        Dâng Thánh lễ Mừng Chúa Phục Sinh hôm nay, xin cho mọi người ý thức tầm quan trọng của bữa cơm gia đình, vì đó không chỉ là thời gian mọi thành viên trong gia đình chăm sóc nhau mà còn là thời khắc nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh.
        Giờ đây, chúng ta hãy ăn năn thống hối lỗi lầm để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.


BỮA CƠM GIA ĐÌNH

Kính thưa cộng đoàn Phụng Vụ!
Nếu như các tông đồ và các môn đệ theo Chúa đang tràn trề đang hy vọng vì nghĩ rằng Thầy của mình chính là Đấng Mê-si-a, sẽ cầm gươm, cưỡi trên lưng ngựa oai hùng đánh giặc chống ngoại xâm như xưa Vua Đa-vít đã từng làm, thì nay các ông thất vọng biết bao nhiêu khi Chúa bị bắt và chịu chết trên thập giá. Thế nên, ngay khi Chúa bị bắt và chịu chết trên thập giá dường như tất cả các tông đồ và môn đệ đều bỏ Chúa. Cụ thể là Tin Mừng chúng ta vừa nghe, có hai người trong nhóm môn đệ vì quá thất vọng nên bỏ về làng E-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.
Đang giữa lúc ngập tràn sự thất vọng chán chường thì Chúa Phục Sinh ngự đến, cùng đồng hành, truyện trò, ấy vậy mà: “mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.” (Lc 24,16). Thế nhưng, chỉ khi, trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn, họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi.” (x. Lc 24,29). Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người…” (x. Lc 24,30).
Xin được dừng lại ở chi tiết này, để chia sẻ với cộng đoàn đề tài: Tầm Quan Trọng Của Bữa Cơm Gia Đình.

1. Thực trạng gia đình ngày nay
Vâng! Thưa cộng đoàn, ai trong chúng ta cũng biết rằng bữa ăn là dịp để các thành viên đoàn tụ sau một ngày làm việc, học tập. Tuy nhiên, nhiều gia đình sáng ra, cha mẹ đi làm, con cái đi học. Tối về, con cái học thêm, cha mẹ tăng ca…về đến nhà là chỉ còn biết ngủ để sáng mai ai lại vào việc ấy. Chính vì thế, nhiều gia đình, cha mẹ con ái tuy ở chung nhưng dường như không nói chuyện với nhau chứ đừng nói đến có những giờ chung như cùng nhau đọc kinh hay ăn cơm.
Chính điều này làm cho mọi thành viên trong gia đình ngày càng xa cách nhau. Ma quỷ thừa cơ hội đó mà gieo lên sự nghi ngờ, tính toán giữa các thành viên. Vì thế, nhiều gia đình đổ vỡ chỉ vì không có bữa cơm chung.

2. Nhận ra sự hiện diện của Đức Ki-tô Phục Sinh trong bữa cơm gia đình
Một câu hỏi đặt ra cho chúng ta: Tại sao trong suốt một hành trình dài, dù có Chúa đồng hành nhưng hai môn đệ không nhận ra Chúa; chỉ khi ngồi vào bàn ăn, mắt các ông mới sáng ra và nhận ra Chúa?
Thưa! Các môn đệ không nhận ra Chúa là do trong suốt một hành trình dài lòng các ông quá u sầu, thất vọng vì nghĩ rằng Thầy của mình đã chết. Chỉ khi ngồi và bàn các ông mới nhận ra Người, vì xét về tâm lý tự nhiên, khi ăn uống cùng nhau, mọi bức tường ngăn cách bị phá bỏ, từ đó mọi người có thể hiểu nhau nhiều hơn. Hơn nữa, đối với các môn đệ đã từng theo Đức Giê-su, thì cử chỉ bẻ bánh được đã mặc lấy một ý nghĩa hoàn toàn mới: bẻ bánh nói lên sự hy sinh thân mình của Chúa để cứu độ nhân loại. Chính vì thế “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người”!
Cũng vậy, trong đời sống, chúng ta luôn bị những lo toan, tính toán, bận rộn...thế nên không nhận ra sự đồng hành của Chúa. Chỉ khi chúng ta quây quần bên nhau, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau ăn cơm, mọi lo toan gạt qua một bên chúng ta mới có thể sáng mắt và nhận ra sự hiện diện cách tỏ tường của Đức Giê-su Phục Sinh, là Đấng nối kết mọi thành viên gia đình.

3. Xin Chúa ở lại với gia đình
Trời đã về chiều, ngày sắp tàn, đêm tối sắp đến. Tâm hồn của các gia đình ngày nay cũng như hai môn đệ trên đường Ê-mau bị chìm trong đêm tối, cái đêm tối của nghi ngờ, đêm tối của thất vọng, đêm tối của biết bao khó khăn thử thách trong gia đình, đêm tối của ngoại tình, phá thai, lừa lọc, bạo hành, hận thù, rượu chè, cờ bạc…Đêm tối ấy đáng sợ hơn là đêm tôi về mặt không gian và thời gian tự nhiên.
Chính trong tâm trạng ấy mà hai môn đệ đã  thưa với Chúa Giê-su: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Lời cầu khẩn ấy không phải là lời cầu khẩn của chính gia đình chúng ta hay sao? Những lúc gia đình của chúng ta có những thất bại, có những cay đắng, chán nản đến độ chúng ta đâm ra nghi ngờ Thiên Chúa, nghi ngờ lẫn nhau, chúng ta cần lắm phải bắt chước hai môn đệ thốt lên lời nguyện xin: “Lạy Chúa hãy ở lại với con”.

Nói tóm lại, “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người…” Vâng! Thưa cộng đoàn, chỉ khi đồng bàn, hai môn đệ mới sáng mắt nhận ra Chúa, mặc dù Chúa đã đồng hành với họ nguyên một chặng đường dài.
Mỗi gia đình chúng ta muốn nhận ra sự hiện diện của Chúa Ki-tô Phục Sinh cũng cần lắm những bữa cơm, khi mà cả gia đình quây quần bên nhau, cùng đọc một kinh Lạy Cha và chỉ cần nói rằng: “Lạy Chúa xin ở lại với gia đình con.” Nếu làm được như thế thì có lẽ gia đình của chúng ta sẽ rất khác. Khác không phải là chúng ta sẽ bớt gánh nặng hay những lo toan, khác ở chỗ chúng ta sẽ có được niềm vui và bình an cho dù cuộc sống toàn những khó khăn và thử thách.

MA.PHUC,SSS 




Share:

Canh Thức Vượt Qua – B - Cđ Mc 16,1-8 SỐNG CHIỀU KÍCH PHỤC SINH TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Canh Thức Vượt Qua – B - Cđ
Mc 16,1-8


 SỐNG CHIỀU KÍCH PHỤC SINH

         TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Kính thưa cộng đoàn! Đêm nay, đêm Vượt Qua, Đêm Cực Thánh của mọi Ki-tô hữu, đêm mà toàn thể Giáo Hội hân hoan cử hành mầu nhiệm Chúa Ki-tô Phục Sinh. Trong niềm tin, chúng ta xác tín rằng, sau khi chết, chúng ta cũng sẽ được sống lại như Đức Ki-tô đã sống lại.
Lẽ ra, trong Đêm Canh Thức Vượt Qua tràn đầy niềm hy vọng phục sinh như thế này, chúng ta chỉ có thể nói đến sự sống và niềm vui mà thôi, nhưng xin được mở đầu bài chia sẻ bằng một trích đoạn rất buồn về thực trạng của các gia đình Công giáo ngày nay, trích trong bức Tâm Thư Gửi Các Gia Đình Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - 2016: “Tình trạng vợ chồng Công giáo ly thân và ly dị đang có chiều hướng gia tăng, cách riêng nơi các gia đình trẻ; bạo hành gia đình vẫn là điều nhức nhối; một số bạn trẻ sa đà vào lối sống buông thả về mặt tính dục, chủ trương sống chung, sống thử trước hôn nhân; tệ nạn phá thai lan tràn đến mức coi thường...”
Tại sao trong một Đêm Cực Thánh, đêm vui mừng, đêm đầy tràn niềm hy vọng vào sự Phục Sinh Vinh Hiển, mà chúng ta lại đề cập đến những bi kịch, sự dữ và chết chóc trong đời sống gia đình?
Thưa, là bởi vì trong suốt cuộc đời, chúng ta mừng Đại Lễ Phục Sinh không biết bao nhiêu lần, nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn không sống Chiều Kích Phục Sinh. Chính vì thế, nhiều người, tuy đang sống trong cùng một gia đình, cùng chung một mái nhà, nhưng gia đình đó, mái nhà đó dường như đã sụp đổ và đã chết từ lâu rồi. Như có lời trong sách Khải Huyền đã nói: “Ta biết các việc ngươi làm, biết ngươi được tiếng là đang sống, mà thật ra đã chết.” (Kh 3,1)
Thế nên, xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài:

SỐNG CHIỀU KÍCH PHỤC SINH TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH.



Vậy, Sống Chiều Kích Phục Sinh Trong Gia Đình là sống như thế nào? Xin được gợi ý với cộng đoàn 3 điểm sau đây: 1. Sống lại tình yêu thuở ban đầu, 2. Sống lại trách nhiệm với nhau, 3. Sống lại sự hy sinh cho nhau.

1. Điểm thứ nhất: Sống lại tình yêu thuở ban đầu.
Dân Do thái trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa cũng đã nhiều lần phản bội Ngài mà thờ tà thần. Do đó, đã rất nhiều lần, Thiên Chúa gửi các ngôn sứ đến để nhắc lại cho dân tình yêu thuở ban đầu. Thời còn rong ruổi trong sa mạc, thời kỳ trăng mật, thời mà Dân Chúa được sống dưới sự chở che của Đức Chúa, được ban cho man-na và nước uống, được đón nhận Lề luật, thời mà dân trung thành và ngoan ngoãn như đàn chiên để Chúa chăn dắt.
Cũng vậy, để sống Chiều Kích Phục Sinh trong gia đình, buộc vợ chồng phải sống lại tình yêu thuở ban đầu. Cần đặt ra những câu hỏi: Lý do nào hai người đến với nhau? Anh chị yêu nhau ở điểm nào? Đã trải qua những thử thách nào để được ở bên nhau? …
Việc nhắc lại tình yêu thuở ban đầu không chỉ dành cho những cặp vợ chồng mới cưới, mà ngay của những cặp dù đã sống với nhau 1 năm, 5 năm, hay 10 năm, thậm chí 50 năm thì cũng hãy thường xuyên nhắc lại Tình Yêu Thuở Ban Đầu.
Việc nhắc lại tình yêu thuở ban đầu đó nhằm khơi lại tình yêu vốn có của hai người mà hiện tại đã bị thời gian, với nhiều biến chuyển của cuộc sống làm cho chết dần, chết mòn.

2. Điểm thứ hai: Sống lại trách nhiệm với nhau.
Khi ký kết Giao Ước với con người, Thiên Chúa luôn trung thành, đã hoàn toàn thực thi trách nhiệm của Ngài cách trọn vẹn. Đó là luôn bao bọc, chở che con người. Duy chỉ có con người là hay chối bỏ trách nhiệm với Thiên Chúa qua việc thờ thần ngoại.
Cũng vậy, khi vợ chồng nắm tay, cùng thề ước với nhau trong ngày cưới, cũng là lúc anh chị ký kết một giao ước. Giao ước này đòi buộc cả hai vợ chồng phải thực thi trách nhiệm của mình. Cụ thể là: sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời; sẵn sàng yêu thương, đón nhận con cái và giáo dục chúng theo luật Đức Ki-tô và Hội Thánh.
Việc nhắc lại trách nhiệm trong đời sống hôn nhân để mỗi người ý thức hơn vai trò của mình trong gia đình. Nhiều gia đình đổ vỡ là do không có ai dám sống trách nhiệm của mình. Bình thường thì không có gì, nhưng hễ có biến cố nào đó, thì y như rằng chồng đổi cho vợ, vợ đổi cho chồng, cha mẹ đổi thừa con cái, con cái quy trách nhiệm về cho cha mẹ. Cuối cùng, gia đình tan nát không thể hàn gắn được nữa chỉ vì chúng ta thiếu trách nhiệm, hoặc không dám đứng ra chịu trách nhiệm về phía mình.

3. Điểm thứ ba: Sống lại sự hy sinh cho nhau.
Đức Ki-tô đã hy sinh chính sự sống của mình để mang lại sự sống cho nhân loại. Và luôn lặp lại điều đó hằng ngày mỗi khi chúng ta dâng Thánh lễ.
Sở dĩ nhiều gia đình đổ vỡ và chết đi là do không còn người dám hy sinh cho gia đình của mình nữa. Vợ đòi quyền của vợ, chồng đòi quyền chồng, con cái đòi quyền con cái…tự do cá nhân được đề cao. Chính vì thế, mọi thành viên không biết hy sinh cho nhau. Một khi trong gia đình không còn sự hy sinh thì gia đình đó không còn sự sống, một gia đình đã chết dù ngày ngày vẫn kề cận bên nhau.

4. Lời mời gọi trở nên một Ma-ri-a Mác-đa-lê-na, người loan báo Tin Mừng Phục Sinh.
Thưa cộng đoàn! Khởi đầu bài giảng đến giờ, dường như chúng ta có một cái nhìn hơi tiêu cực về gia đình thì phải? Bởi bên cạnh những gia đình xào xáo, đổ vỡ vẫn còn biết bao gia đình đang sống rất tốt lành và trở nên gương sáng cho những gia đình chung quanh. Thế nhưng, thiết nghĩ sẽ không thừa nếu chúng ta kể ra những tiêu cực trong gia đình mà nhắc nhở nhau. Bởi hơn bao giờ hết, ma quỷ và các thế lực thù địch đang đánh phá vào các gia đình. Nền văn minh sự chết đang bao chùm khắp nơi.
Vì thế, nếu chẳng may gia đình chúng ta có sóng gió, có thử thách thì mỗi người chúng ta được được mời gọi sống Chiều Kích Phục Sinh cách trọn vẹn, cũng như trở nên một Ma-ri-a Mác-đa-lê-na, trở nên người tiên phong loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho chính các thành viên trong gia đình của mình. Qua việc khơi lại tình yêu, khơi lại trách nhiệm và khơi lại sự hy sinh trong gia đình.

KẾT LUẬN
Nói tóm lại, mừng Đại Lễ Phục Sinh chúng ta không mừng biến cố trong quá khứ, nhưng là hiện tại hóa biến cố ấy. Bởi ngày ngày biến cố Tử Nạn và Phục Sinh vẫn tiếp tục tái diễn nơi Bàn Tiệc Thánh, tuy không đổ máu.
Nếu Đức Ki-tô đã luôn tái hiện Biến Cố Phục Sinh trong suốt hơn 2000 năm qua, để rồi rồi Biến cố Phục Sinh luôn có giá trị cho mọi người ở khắp mọi nơi; thì chúng ta cũng phải sống Chiều Kích Phục Sinh hằng ngày trong đời sống gia đình. Đó là luôn sống tình yêu thuở ban đầu cách tràn đầy, luôn có trách nhiệm với nhau và nhất là luôn biết hy sinh cho gia đình.
Chính khi sống được như thế chúng ta không những có được niềm vui Phục Sinh trọn vẹn mà còn trở nên nhân chứng sống động cho các gia đình đang chết dần chết mòn, đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bị sự kìm kẹp của ma quỷ và sự dữ gây ra. Amen


MAPHUC,SSS
Share:

CHƯƠNG TRÌNH CHẦU THÁNH THỂ THỨ NĂM TUẦN THÁNH 2018 Chủ đề: GIA TÀI CỦA CHÚA

CHƯƠNG TRÌNH CHẦU THÁNH THỂ
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
2018

Chủ đề: GIA TÀI CỦA CHÚA

I.                 CHƯƠNG TRÌNH
1.   Hát:Tình Yêu Chúa Cao Vời
2.   Tâm tình đầu:
3.   Hát: Chúng Con Cần Đến Chúa
4.   Thinh lặng
5.   Hát: Lắng nghe Lời Chúa
6.   Tin mừng Ga 13, 1-15
7.   Chia sẻ
8.   Hát: Hỡi Người Tôi Yêu Dấu
9.   Lời cầu
10.                     Kinh Lạy Cha
11.                     Hát kết: Đâu Có Tình Yêu Thương


II.             NỘI DUNG CHI TIẾT
1.   Hát: Tình Yêu Chúa Cao Vời
2.   Tâm tình đầu:
Ø Lưu ý: Đọc thật chậm rãi, tự sự

Nữ: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể! Chúa đã nói với các tông đồ tại vườn cây dầu: “Anh em không thức nổi với Thầy một giờ ư?”. Có lẽ câu hỏi đó Chúa cũng đang hỏi chúng con trong giờ phút này.

Nam: Vâng lạy Chúa! Một giờ dành cho bạn bè, một giờ dành cho những cuộc tán gẫu, một giờ dành cho các mối tương quan khác… thì thật là ngăn ngủi…nhưng sao một giờ để ngồi thinh lặng bên Chúa như thế này lại dài thường thượt.

Nữ: Đêm nay, kỷ niệm Chúa thiết lập Bí Tích Tình Yêu, chúng con xin được dừng lại và ở bên với Chúa một giờ, để chiêm ngắm, nếm thử, và cảm nhận tình yêu của Chúa đã dành cho mỗi người chúng con.

Nam: Lạy Chúa, chúng con là những người trẻ, những người dám nói dám làm, những người nhiệt tình hăng hái, nhưng cũng là những người sôi nổi bất đồng, những người hời hợt nóng nảy. Thế nên tình yêu của chúng con cũng vậy, cũng yêu đấy, nhưng tình yêu của chúng con mỏng dòn và dễ đổ vỡ.

Nữ: Ngôi đây, bên Chúa, nhìn vào Thánh Thể, chúng con cảm nghiệm tình yêu của Chúa. Chỉ có Chúa mới có tình yêu đích thực, tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình.
Nam – Nữ (cùng đọc chung):
Chúng con xin tôn kính và thờ lạy Chúa!

3.   Thinh lặng.
Ø Lưu ý: Giữ thinh lặng ít nhất 5 phút

4.   Hát:Lắng nghe Lời Chúa

5.   Nghe Tin Mừng

Tin mừng theo thánh Gio-an (Ga 13,1-15)
Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?" Đức Giê-su trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu." Ông Phê-rô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! " Đức Giê-su đáp: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy." Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa." Đức Giê-su bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!" Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch." Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”

6.   Chia sẻ: GIA TÀI CỦA CHÚA
Ø Lưu ý: Đọc chậm rãi

Nữ: Năm 1983, truyền hình Đài Loan có khởi chiếu bộ phim mang tựa đề: Ngôi Sao Hiểu Lòng Tôi. Đây là một bộ phim thực sự mang lại cho khán giả những cảm xúc chân thực nhất về tình cảm gia đình.
Nội dung phim xoay quanh câu chuyện kể về một gia đình bảy người nghèo khó ở Đài Bắc. Người cha là Vương Minh, hằng ngày bán rau quả kiếm kế sinh nhai, nhưng  lại vì tai nạn xe cộ mà chết, để lại vợ và năm đứa con thơ. Cổ Thu Hà tuy chỉ là mẹ kế của năm đứa con, nhưng lại hết lòng thương yêu con của chồng. Sau khi chồng mất, cô bèn đem năm đứa con quay về huyện Gia Nghĩa để ở với ông ngoại. Sau đó, Cổ Thu Hà phát hiện ra mình bị ung thư giai đoạn cuối. Tuy các con được ông ngoại tận tâm chăm sóc, nhưng ông ngoại tuổi tác đã cao, thu nhập thiếu thốn, không đủ điều kiện nuôi năm đứa bé. Lo lắng cho cuộc sống của con sau này, kìm nén sự đau đớn thể xác, cô lặn lội đi tìm các gia đình tốt lành để đem cho năm đứa trẻ cho năm gia đình khác nhau, với hy vọng các con sẽ được hạnh phúc.

Nam: Vâng! Thưa cộng đoàn, cha mẹ nào chẳng thương con và luôn muốn điều tốt lành cho con cái. Nhất là trước khi biết mình chết, hầu hết cha mẹ nào cũng có những trăng trối và nhất là chuẩn bị gia tài cho con. Cổ Thu Hà trong phim, vì không có tiền bạc, nên đã chuẩn bị gia tài cho con bằng cách tìm đến nhiều gia đình tốt lành để gửi con của mình, may ra con có người nuôi dưỡng và cuộc sống hạnh phúc. Đó chỉ là câu chuyện hư cấu mà cũng đã khiến chúng ta không khỏi xúc động, còn tình yêu mà Đức Giê-su dành cho chúng ta là tình yêu thật sự, vậy mà nhiều khi chúng ta chưa cảm nhận được. Tình yêu đó còn vượt lên cả tình cảm trai gái, hay tình yêu cha mẹ với con cái. Đó là tình yêu A-ga-pê. A-ga-pê hoàn toàn là tình yêu thuần túy, thứ tình yêu như nuốt trọn những người trải nghiệm nó. Bất kỳ ai biết và trải qua A-ga-pê đều nhìn thấy rằng không có bất kỳ điều gì trên thế giới này quan trọng, ngoại trừ tình yêu. Đây là loại tình yêu mà chỉ có nơi Chúa Giê-su đối với nhân loại.

Nữ: Cũng chính vì yêu thương con người nhiều như thế, nên Đức Giê-su trước khi bước vào Cuộc Khổ Nạn, Người biết sẽ xa nhân loại và trở về với Thiên Chúa Cha, không còn hiện diện cách hữu hình ở trần gian nữa, nên Người đã chuẩn bị gia tài, đó là tất cả những gì là tốt đẹp nhất cho con người. Với hy vọng rằng, tất cả những gì Người để lại cho con người ở trần gian, con người sẽ biết dựa vào đó mà tìm được hạnh phúc đích thực.
Thật vậy, trước khi Chúa chịu chết, Người đã để lại cho nhân loại 3 gia tài sau:
Thứ nhất, Đức Giê-su thiết lập Bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng nhân loại.
Thứ hai, Chúa thiết lập Thiên chức Linh mục thừa tác để Chúa tiếp tục chăm sóc nhân loại.
Thứ ba, Chúa ban cho con người Giới răn yêu thương để con người được hạnh phúc.

Hát: Hỡi Người Tôi Yêu Dấu (câu 1)


Nam: Gia tài thứ nhất: Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể để nuôi dưỡng nhân loại.

Bí Tích Thánh Thể chính là hình ảnh tròn đầy của con chiên bị sát tế xưa kia đã cứu Dân Do Thái vượt qua, thoát khỏi nô lệ Ai cập. Nếu như xưa kia Dân Do thái thoát khỏi Ai cập nhờ máu của con chiên bị sát tế (x. Xh 12,1-8.11-14) thì ngày nay Thánh Thể chính là Chiên Thiên Chúa bị sát tế để cứu chúng ta được tự do, thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và bóng đêm sự chết, mang lại cho ta sự sống đời đời. Thánh Phaolô khẳng định điều đó trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô. Ngài đã nhận được từ Chúa và ngài truyền lại cho Giáo hội cử hành Thánh Thể hằng ngày để mang lại Ơn Cứu Độ cho mọi người qua mọi thời và ở khắp mọi nơi. “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.” (1Cr 11,23-26).
Không những thế, chính khi ta rước Mình Máu Thánh Chúa, ta trở nên kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, và cũng chính Mình Máu Thánh Chúa trở nên của ăn nuôi sống chúng ta trên đường về quê trời.
Việc Chúa lập Bí Tích Thánh Thể là sáng kiến độc nhất vô nhị. Chỉ một mình Thiên Chúa với tình yêu thương tuyệt đối mới có thể nghĩ ra cách thức để được ở lại với con người quá tuyệt vời đến như thế.

Hát: Hỡi Người Tôi Yêu Dấu (câu 2)

Nữ: Gia tài thứ hai: Chúa thiết lập Thiên chức Linh mục thừa tác để Chúa tiếp tục chăm sóc nhân loại.

Cũng vì muốn ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế, Chúa Giê-su đã lập bí tích Truyền Chức Thánh để thông ban chức linh mục cho một số người được tuyển chọn; để hằng ngày ban chính Mình Máu Người cho nhân loại. Đây là một tình yêu tự hiến được trao ban cách trọn vẹn trên thập giá trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
Thật vậy, nhờ Bí tích truyền chức Thánh, linh mục hành động nhân danh Chúa Giê-su là Đầu. Cho nên trong các cử hành Phụng vụ, Chúa Giê-su luôn có mặt và trở thành hữu hình giữa cộng đoàn tín hữu, qua các thừa tác viên và thừa tác vụ của họ. Sự hiện diện của Chúa Giê-su trong con người thừa tác viên khi cử hành Phụng Vụ, luôn bảo đảm đem lại kết quả thiêng liêng của các Bí tích, chứ không lệ thuộc vào tư cách thánh thiện hay bất xứng của thừa tác viên.
Hơn thế nữa, chức tư tế này mang tính thừa tác, nghĩa là để phục vụ. Vì quyền hành chức thánh là quyền của chính Chúa Giê-su, nên sử dụng quyền hành này cũng phải theo cách và rập khuôn mẫu của Chúa Giê-su. Trong Bữa Tiệc Sau Cùng này, Người cụ thể hoá tình yêu trao hiến bằng hành động rửa chân cho các tông đồ. Qua đó Chúa Giêsu thực hiện đúng như lời Người đã nói: “Con Người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ.” (Mt 22,28). Hành động quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ chính là hành động của một người đầy tớ phục vụ cho chủ mình. Chính hành động phục vụ như một đầy tớ đó mà Chúa được Chúa Cha siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu trỗi vượt trên muôn ngàn danh hiệu: Đức Giêsu Kitô là Kirios, là Đức Chúa.
Sau cùng, chức tư tế thừa tác không những đại diện cho Chúa Giê-su thủ lãnh, nhưng còn hành động nhân danh toàn thể Hội Thánh, khi dâng lời cầu nguyện của toàn thể dân thánh, và nhất là khi dâng Thánh lễ.
Như vậy, Chúa thiết lập Thiên chức Linh mục thừa tác để Chúa tiếp tục chăm sóc nhân loại.

Hát: Hỡi Người Tôi Yêu Dấu (câu 3)

Nam: Gia tài thứ ba: Chúa ban cho con người Giới Răn Yêu Thương để con người được hạnh phúc.

Nếu như 2 gia tài trên là xuất phát từ Chúa, thì gia tài thứ ba này để trở nên có hiệu lực thì cần sự cộng tác của con người. Con người muốn hạnh phúc thì phải sống Giới Răn Yêu Thương. Chúa đã nói rất rõ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau"..” (Ga 13, 34-35)
Cũng vậy, khi một luật sĩ đến hỏi Đức Giê-su đâu là giới răn quan trọng nhất, Người đã trả lời rất rõ ràng: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.”(Mt 22.37-40).
Chính Đức Giê-su đã làm gương cho chúng ta khi Người đã sống trọn vẹn Giới Răn Yêu Thương.
Trước hết, Người yêu thương Thiên Chúa Cha hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn  Người đã chấp nhận mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.(x Pl2, 6-7).
Nhiều lần trong Tin mừng cho thấy, trong thân phận yếu đuối của kiếp người Chúa cũng không muốn thực hiện Kế Hoạch Cứu Độ: “Xin cất chén này xa con” (Mc 14,36). Nhưng vì yêu thương Thiên Chúa Cha, Chúa đã chấp nhận tất cả “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” (x. Mc 14,36).
Kế đến, Đức Giê-su cũng đã yêu thương con người như chính mình qua việc chấp nhận chết đi để cứu độ con người. “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.” (Ga 15,13)
Như vậy, chính Đức Giê-su đã ban cho ta giới răn yêu thương và Người đã sống giới răn đó để nêu gương cho chúng ta.

Nữ: Nói tóm lại, trước khi bước vào cuộc tử nạn, Chúa chúng ta đã trao lại cho con người ba gia tài cao quý, và độc nhất vô nhị. Gia tài đó không phải là tiền bạc, vật chất. Gia tài đó không phải là địa vị quyền lực cao sang… Gia tài đó chính là Thánh Thể Người, để những ai khi rước Thánh Thể sẽ được nuôi dưỡng phần hồn; và nhất là được kết hợp, được nên một với chính Ba Ngôi Thiên Chúa. Gia tài đó chính là chứ Linh Mục Thừa Tác, để qua linh mục, Chúa như hiện diện cách sống động và hữu hình trong cộng đoàn. Gia tài đó là Giới Răn Yêu Thương, mà bất cứ ai sống giới răn này cũng sẽ tìm thấy được tình yêu đích thực.

Nam: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, tất cả chúng con, nếu muốn có hạnh phúc cho đời này và đời sau, thì không phải là đạt được một thứ gì đó theo ý chúng con; nhưng là biết dựa vào ba gia tài này của Chúa để sống. Vâng lạy Chúa, một khi chúng con biết sử dụng tốt ba gia tài của Chúa chắc chắn rằng chúng con không chỉ sẽ có được hạnh phúc ngay ở đời này mà còn hưởng hạnh phúc trường cửu trên Nước Thiên Đàng khi chúng con trở về với Chúa.Amen

7.   Hát: Hỡi Người Tôi Yêu Dấu (câu 4)

8.   Lời cầu
Chủ tế: Anh chị em thân mến, hôm nay Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo Hội nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy nhận ra tình yêu thương của Chúa qua việc Ngài lập Bí tích Thánh Thể, Bí tích Truyền Chức Thánh và qua lời dạy yêu thương phục vụ. Cảm tạ tình yêu vô biên đó, chúng ta hãy tha thiết dâng lời cầu xin:

Nam: 1. Chúa Giêsu đã lập Bí tích Truyền Chức Thánh để có những người tiếp nối tình thương của Ngài. Xin cho các vị Chủ Chăn trong Hội thánh, đặc biệt là các Linh mục trong giáo phận chúng con, luôn vượt qua mọi cám dỗ danh lợi vật chất tầm thường, để sống hết lòng với đoàn chiên và trung thành với ơn gọi mình đã lãnh nhận trong ngày chịu chức.
Chúng con cầu xin Chúa.

Nữ: 2. Bí tích Thánh Thể là quà tặng vô giá mà Chúa đã ban. Xin cho các Kitô hữu - đặc biệt là các em thiếu nhi và các tân tòng đang chuẩn bị rước lễ lần đầu, luôn biết yêu mến, tôn kính, có một niềm ước ao được lãnh nhận Mình Máu Chúa, để tâm hồn luôn được vui tươi, thánh thiện vì có Chúa ở cùng.
Chúng con cầu xin Chúa.

Nam: 3. Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ để nêu gương phục vụ trong yêu thương. Xin Chúa biến đổi tâm hồn mỗi người chúng con trở nên như những tấm bánh đơn sơ, khiêm nhường, sẵn sàng bẻ ra, sẻ chia, phục vụ những người đang sống gần bên, thông qua hành động, cử chỉ, lời nói và ánh mắt thân tình.
Chúng con cầu xin Chúa.

Nữ: 4. Hôm nay bước vào Tam Nhật Thánh. Xin cho mỗi người chúng con biết ý thức những ngày quan trọng này, nhắc nhở nhau siêng năng tham dự Thánh lễ, sốt sắng lãnh nhận các Bí tích, để đồng hành cùng Chúa Giêsu trên con đường thương khó, nhờ đó chúng con càng thêm can đảm và vững lòng tin tưởng phó thác trước những biến cố xảy đến trong đời.
Chúng con cầu xin Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu ngự trong hình bánh, chúng con cảm ơn Chúa đã lập nên Bí tích Thánh thể cao quý và còn ban giới răn yêu thương. Xin cho mỗi người chúng con bước vào Tam Nhật Vượt Qua với tâm tình thật sốt sắng, biết sám hối sửa mình, sống hiền hòa dễ chịu với nhau hơn, để đồng hành cùng Chúa trên con đường khổ nạn và Phục sinh vinh hiển. Chúa là đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.


9.   Kinh Lạy Cha
10.                     Hát kết: Đâu Có Tình Yêu Thương

MAPHUC,SSS


Share:

Thứ Ba Tuần Thánh – CĐ Is 49,1-6; Ga 13,21-33.36-38 ĐỪNG XÉT ĐOÁN NGƯỜI KHÁC!

Thứ Ba Tuần Thánh – CĐ
Is 49,1-6; Ga 13,21-33.36-38

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
Kính thưa cộng đoàn! Tin mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta biết Giu-đa là kẻ đã rắp tâm phản bội Chúa. Bán Chúa cho nhà cầm quyền Do thái chỉ vì 30 đồng bạc. Chính vì thế, cho đến ngày nay, nhiều người vẫn kết án Giu-đa là kẻ đã trực tiếp phản bội Thầy và gây ra cái chết cho Chúa.
Trong cuộc sống nhiều người chúng ta có thói quen hay xét đoán người khác mỗi khi thấy người khác hành động việc gì đó chưa đúng, chưa hay. Tuy nhiên, việc xét xử như thế là chưa đúng vì chỉ duy nhất một mình Thiên Chúa mới có quyền đó mà thôi.
Dâng thánh lễ này chúng ta xin Chúa ban ơn để mỗi người biết nhận ra tội lỗi của mình để ăn năn thống hối và quay trở về với Chúa trước khi lên án và xét xử người khác.
Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối tội lỗi để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.


ĐỪNG XÉT ĐOÁN NGƯỜI KHÁC!
Kính thưa cộng đoàn! Khi nghe bài Tin mừng hôm nay, nhiều người không khỏi không lên án Giu-đa là kẻ đã phản bội Chúa và rất nhiều người nghĩ rằng Giu-đa đã sa hỏa ngục đời đời và không được hưởng Ơn Cứu Độ. Tuy vậy, khi nghĩ như thế, thiết tưởng rằng chưa chính xác lắm. Ta không thể biết được Giu-đa có được hưởng Ơn Cứu Độ hay không?

Tại sao ta lại không biết được Giu-đa có được Ơn Cứu Độ hay không?

Thưa, là vì không ai biết được lòng người, không ai biết được trong khi bán Chúa và trước khi tự tử Giu-đa đã có suy nghĩ gì, đã có những dằn vặt nào trong nội tâm của ông ta. Như có lời chép rằng: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được? Ta là ĐỨC CHÚA, Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm can. Ta sẽ thưởng phạt ai nấy tuỳ theo cách nó sống và việc nó làm.” (Gr 17,9-10).
Vì vậy, Giu-đa được thưởng hay phạt chỉ duy nhất một mình Thiên Chúa là Đấng dò xét lòng người mới biết được thôi. Và dĩ nhiên, với niềm tin của chúng ta ai cũng biết được rằng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa rộng lượng như thế nào? Lòng Thương Xót khác Sự Tha Thứ. Sự Tha Thứ cần điều kiện; đó là phải ăn năn dốc lòng chừa tội thì mới được tha. Còn Lòng Thương Xót không cần điều kiện, không buộc tội nhân phải sám hối, Lòng Thương Xót luôn đi bước trước, và che phủ mọi tội lỗi của tội nhân. Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng (x. Lc 15) đã chứng minh Lòng Thương Xót phủ lấp muôn vàn tội lỗi mà không cần tội nhân phải sám hối. Người con quay trở về, không phải vì anh ta sám hối nhưng là vì anh ta đã bước vào đường cùng của cuộc đời, không còn nơi nào anh ta có thể dung thân được, nên mới quay trở về. Và chính khi quay trở về, anh ta đã nhận được Lòng Thương Xót của Cha. Chính vì thế anh không chỉ đã được tha thứ mà còn được cha phục hồi quyền làm con cho mình.
Do vậy, chúng ta cũng không thể khẳng định Giu-đa hay một người nào đó phải sa hỏa ngục đời đời, hay được lên thiên đàng. Bởi chỉ có một mình Thiên Chúa biết mà thôi.

Bài học rút ra từ việc làm của Giu-đa

Tuy vậy, qua hình ảnh của Giu-đa, chúng ta cũng cần rút ra một bài học cho riêng mình. Cũng có thể chúng ta trở thành một Giu-đa thứ hai, khi ngày ngày trong đời sống chúng ta sống gian dối, ham mê tiền bạc quá mức, sống thiếu bác ái, thiếu sẻ chia…
Đừng lên án, xét xử người khác khi chỉ nhìn thấy những việc bên ngoài người ấy đã làm. Chỉ một mình Thiên Chúa mới là Đấng có quyền xét xử mà thôi. Phần chúng ta, chúng ta hãy lên án sự dữ, cái xấu và quyết tâm không để mình bị sự dữ và cái xấu làm chủ bản thân như Giu-đa. Có như vậy, chúng ta mới sống đúng bản chất là con cái Chúa, con cái của sự sáng. Vì chính Đức Giê-su là ánh sáng cho muôn dân như có lời chép: “Ta đặt ngươi là ánh sáng muôn dân, để ngươi đem Ơn Cứu Độ của Ta đến tận cùng trái đất.” (Is 49, 6b) . Amen


Share:

CHÚA NHẬT LỄ LÁ – B - CĐ Is 50, 4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1-15,47 HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG CỦA HIỆU ỨNG ĐÁM ĐÔNG

CHÚA NHẬT LỄ LÁ – B - CĐ
Is 50, 4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1-15,47

     
Lời dẫn đầu lễ
Anh chị em thân mến! Cùng với Hội Thánh, hôm nay người tín hữu bước vào Tuần Thánh, mở đầu bằng Chúa Nhật lễ Lá: Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Thiên Sai, được dân chứng đi theo và hoan hô như đón mừng một ông vua khải hoàn vào thành. Nhưng Chúa Giêsu lại không đáp ứng sự mong đợi của người Do Thái về một vị vua trần thế, Người lại chọn thái độ khiêm nhu, hiền hòa của một vị vua mục tử bằng việc ngồi trên lưng lừa thay vì trên ngựa chiến. Chúa Giêsu chính là người tôi tớ đau khổ của Gia vê. Người đến không đòi người ta phục vụ, mà là để phục vụ. Chính Người đã quì xuống rửa chân cho các môn đồ. Người thể hiện tình yêu tột đỉnh khi lập phép Thánh Thể, để ban Mình Máu Người làm lương thực nuôi dưỡng chúng ta, và sẵn sàng hi sinh mạng sống, chấp nhận chết đau thương trên Thập Giá, để đền tội thay cho nhân loại, và sống lại để ban sự sống muôn đời cho chúng ta. Trong tâm tình biết ơn, chúng ta cùng tham dự Thánh Lễ, nhưng để xứng đáng, chúng ta cùng thành tâm hối lỗi.

NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM CHÚA VÀO GIÊ-RU-SA-LEM

(1) Linh mục chào giáo dân như thường lệ; nói ít lời với giáo dân hoặc:
Anh chị em thân mến, chúng ta tụ họp nơi đây, để cùng toàn thể Giáo Hội khai mạc tuần thánh tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua, tức là cuộc thương khó và Phục Sinh của Ðức Ki-tô. Ðể chuẩn bị Tuần Thánh, trong suốt mùa chay, chúng ta đã cầu nguyện, thống hối, chia sẻ tình thương và cơm áo cho nhau.
Chúa nhật lễ lá hôm nay là ngày kỷ niệm Ðấng Cứu Thế vào thành thánh Giê-ru-sa-lem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại cho loài người ơn cứu độ, chúng ta hãy đem cả niềm tin mà hăng hái bước theo Người. Xin Người ban ơn để chúng ta thông phần đau khổ Người đã chịu trên thập Giá, hầu được chia sẻ vinh quang Phục Sinh và sự sống của Người.

(2) Linh mục đọc một trong hai lời nguyện sau đây:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thánh (Dấu Thánh Giá) hiến những cành lá này, để chúng con cầm mà hoan nghênh Ðức Giêsu là Vua chúng con. Xin ban cho mọi người chúng con đây là tín hữu Chúa được theo Người vào thành thánh Giê-ru-sa-lem vĩnh cửu. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

(3) Linh mục thinh lặng rảy nước thánh trên lá. phát lá;

Công bố Tin Mừng:
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
Khi Ðức Giê-su và các môn đệ đi gần tới thành Giê-ru-sa-lem, lúc sắp vào làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi cây Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó về đây. Nếu có ai bảo: "Tại sao các anh làm như vậy?" thì cứ nói là: "Thầy có việc cần dùng, rồi sẽ trả về ngay". Hai môn đệ ấy ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền cởi dây lừa ra. Mấy người đứng đó hỏi: "các ông cởi lừa người ta ra làm gì vậy?" Hai ông trả lời như Ðức Giêsu đã dặn. Và họ để cho đi. Hai ông dắt con lừa về cho Ðức Giêsu, trải áo choàng của mình lên lưng nó, và Ðức Giêsu cỡi lên. Nhiều người trải áo xuống mặt đường, môt số khác lại chặt cành chặt lá ngoài đồng rải lên lối đi. Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: "Hoan hô! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Ða-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô Chúa trên các tầng trời!"

Ðó là lời Chúa.

(4) Sau Tin Mừng, tùy nghi giảng vắn tắt. Ðể bắt đầu cuộc rước chủ tế kêu gọi:

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy noi gương dân thành Giê-ru-sa-lem mà hoan hỷ lên đường nghênh đón Ðức Ki-tô.

(5) Thứ tự: người cầm hương; thánh giá có gắn lá; Linh mục và giúp lễ; giáo dân tay cầm lá.



HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG CỦA
HIỆU ỨNG ĐÁM ĐÔNG

Không biết cộng đoàn còn nhớ thứ Bảy ngày 27/1 vừa rồi có sự kiện gì không? Ngày đó có một sự kiện mà tôi chắc rằng rất nhiều trong chúng ta ngồi đây đã tham gia.
Nếu không nhớ ra thì xin phép được nhắc cho cộng đoàn nhớ đó là ngày đội tuyển U23 Việt Nam tranh chức vô địch Châu Á với U23 U-bê-kít-tăng. Đội tuyển của chúng ta sẽ có kết thúc tốt đẹp nếu như không có những điều đáng tiếc xảy ra. Điều đáng tiếc không phải là đội tuyển Việt Nam không được chức vô định mà là ngay sau khi trọng tài thổi còi chính thức kết thúc trận đấu, ấn định tỉ số 2-1 chiến thắng nghiêng về U-bê-kít-tăng, Việt Nam vuột khỏi tay chức vô địch chỉ trong giây phút cuối; đã có rất nhiều người nổi máu anh hùng, vào trang facebook của cầu thủ số 11, đội U-bê-kít-tăng – người đã được thay vào phút cuối, và đã có cú sút giúp đội U23 U-bê-kít-tăng đoạt chức vô địch, để chửi rủa, lăng mạ thậm tệ, cả bằng tiếng Việt, tiếng Anh, thậm chí bằng tiếng U-bê-kít-tăng.
Tôi xin dừng lại ở đây, để nói lên một thực trạng xã hội, mà hậu quả của nó gây ra thiệt hại rất lớn cho cả tập thể hoặc cá nhân nào đó. Tôi muốn đề cập đến HIỆU ỨNG ĐÁM ĐÔNG.

1. Hiệu ứng đám đông là gì?
 Hiệu ứng đám đông là việc một nhóm người thực hiện một hành động giống nhau nhưng chủ yếu là hành động theo vô thức, theo phong trào, không hiểu rõ và không nhận thức được ý nghĩa của hành động mình đang làm, thấy người ta làm thì mình cũng bắt chước làm theo, làm a dua theo người khác.
Chẳng hạn như trong bài Tin mừng trình thuật cho chúng ta về việc Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-s-lem, có một đám đông đón tiếp Chúa cách nồng nhiệt. Trong số đó, thử hỏi được bao nhiêu người thật sự chấp nhận Chúa và là môn đệ của Chúa? Chỉ vì bị đám đông lôi cuốn, nên nhiều người hùa theo, họ lấy áo choàng và lá cây trải xuống đường để Chúa bước qua. Người đi trước, kẻ theo sau reo hò vang dây: “Hoan hô, chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại Vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta, hoan hô trên các tầng trời.” (Mc11,9-10).

2. Chiều kích tích cực của Hiệu ứng đám đông.
Thông thường, người ta dễ bị lôi cuốn vào đám đông xuất phát từ những việc tốt lành, tích cực. Ví dụ như mời gọi đóng góp hỗ trợ làm bác ái, phúc lợi xã hội, hoặc hô hào đi dọn vê sinh ở nhà thờ, nghĩa trang vào những dịp lễ lớn…và gần đây nhất, nhiều người cùng hưởng ứng bảo vệ môi trường biển sạch qua việc chống đối công ti Formosa… Nhiều người sẵn sàng cộng tác vì đó là những việc tốt lành

3. Chiều kích tiêu cực của hiệu ứng đám đông.
Thế nhưng, bên cạnh chiều kích tích cực đó, thì hiệu ứng đám đông phần lớn luôn mang lại những điều tiêu cực, tệ hại. Chỉ vì đám đông thường hành động theo vô thức nên nhanh chóng bị kẻ xấu lợi dụng và khiến đám đông hiền lành bỗng chốc trở thành kẻ sát nhân. Điều đó đã được thể hiện rõ trong vụ án xử Chúa Giê-su mà chúng ta vừa nghe. Cũng là đám đông tung hô chúc tụng Chúa, nhưng nay bị những nhà lãnh đạo Do Thái sách động, đám đông ngay lập tức trở mặt, và hiện nguyên hình thành một tên sát nhân khát máu: “Đóng đi nó vào thập giá!”
Tất cả những điều đó cho thấy được sự nguy hiểm của lòng người. Sự nguy hiểm càng tăng một khi mỗi người hòa tan vào đám đông. Có sức mạnh hủy diệt, giết chóc và mang lại cái chết. Sách tiên tri Giê-rê-mi-a có nói: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được ? (Gr 17,9-10).

        4. Nguyên nhân nào khiến con người dễ bị lôi cuốn vào đám đông?
Hiệu ứng đám đông luôn lôi kéo được nhiều người vì khi thuộc về đám đông, trước hết, người ta có thể dễ dàng chối bỏ trách nhiệm khi đám đông gây ra thiệt hại, hậu quả nào đó; kết đến, ở trong đám đông thì hành động tự do mà không cần ý thức; và lý do quan trọng nhất khiến người ta dễ hùa theo đám đông, đó là suy nghĩ “thà xấu đều còn hơn tốt lỏi” đã ăn sâu vào nếp sống, cách nghĩ của chúng ta.

5. Ki-tô hữu được mời gọi tách ra khỏi đám đông, sống một mình với Thiên Chúa.
Trong đời sống đạo, chúng ta cần có đám đông để sống với sống cùng. Nhưng đám đông đó không phải là một đám hỗn độn vô tổ chức, nhưng là một cộng đoàn, có trật tự, có nề nếp, ta gọi đó là Giáo Hội. Chỉ nơi Giáo Hội chúng ta được nuôi dưỡng, chở che.
Tuy vậy, để được thừa hưởng Ơn Cứu Độ cần phải có ý kiến cá nhân, có chính kiến, diện đối diện với Thiên Chúa và nhất là được mời gọi tách ra khỏi đám đông, sống một mình với Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su cũng làm gương cho chúng ta khi nhiều lần người lên núi cầu nguyện một mình. Thánh Augustino đã từng nói: "Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người"

Nói tóm lại, ngày nay, khi nghe lại vụ án xử Chúa Giêsu thay vì chúng ta lên án những người Do thái đã giết Chúa khi xưa thì nhìn thấy trách nhiệm của mình trong cái chết của Chúa. Chúa đã chết vì tội lỗi chúng ta. Vì chúng ta cũng là thành phần của đám đông. Ngày nay chúng ta không hô to “đóng đinh nó vào thập giá” như xưa mà vẫn hô to, ủng hộ cho những cái xấu, sự gian dối đang bành trướng trong đời sống của chúng ta. Mỗi lần chúng ta hoà vào đám đông phạm tội bất công, lỗi đức bác ái, gây gương mù gương xấu, cộng tác với sự dữ gây tác hại trực tiếp cho tha nhân, làm hại bản thân, gây thiệt hại cho Hội Thánh là chúng ta làm khổ nhau, nhất là làm cho Chúa phải đau phiền và phải chết một lần nữa. Là một Ki-tô hữu chúng ta phải thật cảnh giác để không bị lôi cuốn vào đám đông mà biến mình trở thành một con cờ, một bình phong của sự dữ và những điều bất chính. Amen.
MAPHUC,SSS




Share:

Thứ Sáu tuần V MC - CĐ Gr 20,10-13; Ga 10, 32-42 NÉM ĐÁ

Thứ Sáu tuần V MC - CĐ
Gr 20,10-13; Ga 10, 32-42

Lời dẫn đầu lễ
       
Kính thưa cộng đoàn! Tin  mừng hôm nay cho biết những người Do thái đã ném đá Chúa với lý do cho rằng Chúa nói phạm thượng vì đã tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, sâu xa chính là vị họ ghen ghét, ganh tị và không chấp nhận Chúa.
Trong đời sống hằng ngày chúng ta dễ xảy ra những đụng độ, tranh luận bởi bất đồng quan điểm, hay ghen tị nhau. Chính vì thế mà nhiều người muốn loại trừ nhau. Điều này càng rõ hơn với những ai sống đời cộng đoàn. Nhiều khi cùng một nhà nhưng không thèm nhìn mặt nhau.
Dâng Thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết bỏ đi tính ích kỷ, thượng tôn bản thân để biết đón nhận nhau như Chúa đã đón nhận chúng ta; đừng như những người Do thái đã loại trừ Chúa.
Giờ đây, chúng ta hãy ăn năn thống hối lỗi lầm để xứng đáng cửu hành Mầu Nhiệm Thánh.

NÉM ĐÁ

Kính thưa cộng đoàn! Nếu để ý đến nhịp của Lời Chúa trong Phụng vụ thì những ngày này, Tin mừng liên tục cho chúng ta biết mâu thuẫn giữa Chúa và người Do thái ngày càng lên cao. Những cuộc tranh luận gay gắt giữa Chúa và những người Do thái dường như không có hồi kết. Nội dung của cuộc tranh luận vẫn xoay quanh về căn tính và sứ vụ của Đức Giê-su.
Sau khi tranh luận không lại được với sự khôn ngoan của Chúa, những người Do thái lấy đá ném Đức Giê-su. Chúa nói với họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp mà Chúa Cha đã giao phó cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” (Ga10, 32). Những người Do thái lúc này biện ra lý do ném đá Chúa chính là việc Chúa phạm thượng, dám gọi Thiên Chúa là Cha. Tuy nhiên sâu xa cuộc việc ném đá không đơn giản chỉ là thế. Sở dĩ người Do thái ném đá Chúa là vì:

1. Trước hết, họ không chấp nhận Chúa
 Họ cho rằng Chúa phạm thượng vì tự xưng mình là Con Thiên Chúa (Ga 10, 33). Bởi trong não trạng của người Do thái Thiên Chúa chỉ có một ngôi vị, một Thiên Chúa đã đồng hành cùng với dân Do thái trong suốt dòng lịch sử của họ. Chính vì thế, khi Chúa mặc khải cho họ Người chính là Con Thiên Chúa họ đã không chấp nhận một tín lý mới mẻ khác với não trạng và sự hiểu biết của họ vốn có về Thiên Chúa.
Kế đến, họ không chấp nhận Chúa vì với họ, theo Kinh thánh và các ngôn sứ loan báo, Đấng Mê-si-a phải có xuất thân cao quý, lẫm liệt oai hùng nhưng Đa-vít, cầm gươm đánh đuổi giặc ngoại xâm. 
Chính vì thế họ không thể chấp nhận một Đấng Mê-si-a có xuất thân bần cùng và không có gì nổi bật như Chúa.

2. Thứ hai, những người Do thái ném đá Chúa là vì không đối đáp lại được sự khôn ngoan của Người.

Thật vậy, được thúc đẩy bởi Thánh Thần và luôn đứng về sự thật, Đức Giê-su trở nên khôn ngoan và khiến tất cả những ai đối đáp tranh luận với Chúa đều phải vấp ngã. Liên tục trong những ngay qua, Tin mừng cho chúng ta biết những cuộc tranh luận rất gay gắt giữa Chúa và người Do thái. Nhưng chưa một lần người Do thái đủ khôn ngoan để lý luận với Đức Giê-su. Bởi họ không hiểu và nắm vững tất cả những gì Kinh thánh nói. Họ chỉ hiểu theo nghĩa đen, mặt chữ. Nhưng họ không biết rằng Kinh thánh chỉ là một sự nỗ lực hạn hẹp của con người trong việc cố gắng ghi lại thánh ý, cũng như kế hoạch của Thiên Chúa. “Trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của ta hơn tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu.” (Is 55,9). Thật vậy, Thánh ý và kế hoạch của Thiên Chúa vượt lên trên mặt chữ, vượt lên trên nghĩa đen hạn hẹp của từ ngữ. Bởi Ngôi lời là một Ngôi Vị sống động chứ không chết cứng như từ ngữ và lề luật.

3. Điểm thứ ba, những người Do thái ném đá Chúa là vì ghen tị.
Những người Do thái mà cụ thể là các kinh sư và Pha-ri-siêu ghen tị với Chúa vì các ông là thành phần được thừa hưởng những ưu đãi rất hậu hĩnh từ tiền bạc cho đến quyền lực trong việc phục vụ ở Đền thờ. Đức Giê-su đã nhiều lần lên án họ. Chính vì thế, họ đã tìm cách khử trừ Chúa.

4. Vậy, chúng ta học được gì qua hành động ném đá của những người Do thái.
Những người Do thái ném đá Chúa chỉ vì ghen tị, thiếu khôn ngoan và không chấp nhận Chúa, cũng vậy trong cuộc sống chúng ta cũng ném đá tha nhân vì ghen tị và không chấp nhận người khác hơn mình. Tuy vậy, ném đá ở đây không phải ném bằng tay, hay động thủ mà ném đá bằng thái độ và lối sống của chúng ta đối với tha nhân. Đó là ném đá bằng ánh mắt khinh bỉ, ném đá bằng nói xấu, xét đoán, ném đá bằng những lời cay độc nguyền rủa...
Nói tóm lại, nếu như xưa kia những người Do thái vì ghen tị, không chấp nhận Chúa nên đã ném đá Chúa thì ngày nay nhiều người trong chúng ta cũng đã và đang ném đá tha nhân bằng lối sống thiếu bác ái, ích kỷ, ghen ghét…
Đã gần hết Mùa Chay, có lẽ hơn bao giờ hết lời mời gọi sám hối lại vang vọng bên tai mỗi ngày một lớn. Đừng như những người Do thái xưa kia đã ném đá và giết Chúa. Kết quả họ không được thừa hưởng lời hứa cứu độ đang khi lẽ ra họ là những người được thừa hưởng lời hứa cứu độ đầu tiên. Hy vọng rằng, mỗi người chúng ta biết bỏ đi cái tôi ích kỷ, thượng tôn cá nhân để có thể đón nhận và yêu mến tha nhân. Amen.
MAPHUC,SSS


Share: