NIỀM VUI BÊN THÁNH THỂ

Mắt chưa một lần thấy, tai chưa một lần nghe tiếng Chúa nói nhưng ở đó – trong mỗi giờ chầu Thánh Thể tâm hồn tôi luôn ngập tràn niềm vui, hạnh phúc và bình an. Niềm vui ấy cứ trào dâng, trào dâng mãi. Sóng sánh nụ cười, xốn xang lồng ngực. Tôi muốn la lên thật to, hét lên thật lớn để thỏa lòng sung sướng đang ngập tràn. 
Vui, cười. Buồn, khóc. Đôi khi ngược lại, niềm vui có thể làm tuôn trào nước mắt và trước nỗi buồn tiếng cười thốt lên nghe đau đớn, xé nát con tim. Nơi ấy. Vâng! Chính nơi ấy đã cho tôi những cảm xúc lẫn lộn như thế. Nơi ấy, tôi có thể trải lòng mình ra, bộc lộ bản chất, con người, những điều tốt đẹp và cả những thói hư tật xấu, tội lỗi mà không cảm thấy hổ thẹn, ái ngại. 
Cuộc sống đôi lúc làm cho tôi cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, chán chường, thất vọng… song ở nơi ấy, tất cả những điều đó được thay thế bằng niềm vui, hạnh phúc và bình an. Rồi khi trở về, tôi có được sức sống mới, tinh thần mới và sự sảng khoái của thể xác. “Thánh Thể” mới ngày nào nghe còn xa lạ nay lại gần gũi, thân thương đến lạ kỳ. 
Tôi còn nhớ lần đầu tiên khi đặt chân vào Dòng Thánh Thể là một ngày trời nhiều mây nhưng không mưa. Gió khe khẽ thổi len qua những kẽ lá nghe như tiếng cười khúc khích. Gió làm lá đung đưa hệt như những bàn tay vẫy chào đón tôi. Cảm giác hồi hộp ngày một tăng, tim đập rộn rã, tôi như lặng người trước khung cảnh mới lạ của nhà Dòng. Nhưng không vì thế mà làm giảm đi sự tò mò và muốn khám phá, tìm hiểu rõ hơn về Dòng trong tôi. 
Tất cả sẽ chẳng là gì nếu như trong giờ chầu hôm đó tôi không cảm được niềm vui, hạnh phúc và bình an. Một niềm vui thật sự từ tận đáy lòng mà chưa bao giờ tôi có được. Niềm vui ấy rõ ràng, chỉ cần với tay là tôi có thể chạm lấy nhưng mỗi khi tôi đưa tay ra thì niềm vui lại xa dần, xa dần. Và đó là điều lôi kéo tôi, kích thích tôi. Để rồi sau khi cầu nguyện, suy nghĩ và tham khảo ý kiến của nhiều người tôi đã quyết định ra đi tìm kiếm niềm vui, mà chỉ ở bên Thánh Thể tôi mới có được. 
Ngày vào Nhà Thử lòng tôi rộn ràng vì ước nguyện được thực hiện song cũng tràn đầy lo âu, sợ sệt. Những ngày đầu tiên tôi sống thật khó khăn bởi chưa quen với lối sống, sinh hoạt nhà tu. Thế nhưng trước Thánh Thể Chúa trong những giờ chầu, tôi lại tìm gặp được một sự gần gũi, thân thương. Rồi sau những lần gặp gỡ thân thương đó, tôi dần lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống. Cảm giác lo âu, sợ sệt được thay thế bằng sự tự tin và vui tươi. Mọi thứ trước kia xa lạ bao nhiêu thì nay thân thương, quen thuộc bấy nhiêu. Mọi người với tôi thật tốt. Tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm xây dựng nhà Dòng ngay trong những bước đi đầu tiên này. Dù cho sau một năm sống thử, tôi có quyết định dấn thân tiếp với ơn gọi dâng hiến, hay tôi sẽ phải trở về vì không phù hợp với đời sống của Dòng thì những ngày sống ở đây tôi thật sự hạnh phúc. 
Nghĩ và làm. Tôi đã luôn sống với chính con người thật của tôi. Sống theo những gì Chúa đã nói với lương tâm của tôi qua những giờ chầu Thánh Thể. Sự thật dễ gây mất lòng. Có thể chính cuộc sống của tôi lại gây cho nhiều người khó chịu, hay không thích, thậm chí tôi đã nhiều lần làm ảnh hưởng đến quyền lợi của anh em. Và những lúc như thế, qua những giờ chầu tôi tìm lại được sự cảm thông, chia sẻ. Rồi khi trở về với cuộc sống thường ngày tôi ý thức hơn trong lời nói, hành động, trong cách cư xử sao cho không ảnh hưởng đến người khác
Còn những khi nhớ nhà, nhớ ba mẹ, anh chị em và nhớ cả người yêu… tôi cũng chạy đến với Thánh Thể. Không có ngôn từ nào có thể nói hết được tâm trạng của tôi lúc đó. Chỉ biết rằng qua Thánh Thể tôi đã gặp gỡ được mọi người. Tim tôi như đập cùng nhịp vời họ. Và tôi đã nói chuyện với từng người qua Thánh Thể. Thật tuyệt vời!
Cuộc sống không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Nhiều khi gặp mâu thuẫn với anh em, hay những điều không đồng quan điểm với bề trên, giám đốc… thì qua những giờ chầu tôi đem những đều đó ra bàn bạc, chia sẻ… và dĩ nhiên tôi đã tìm được câu trả lời, cũng như sự cảm thông với những người có trách nhiệm.
Và cứ như thế, thời gian trôi đi thật nhanh. Bất cứ lúc nào gặp khó khăn, thử thách thì ở bên Thánh Thể tôi có thể tháo cởi và giải tỏa. 
Những ngày này cha bề trên, ban cố vấn và thầy phụ trách đang thẩm định, đánh giá chúng tôi. Để tìm ra người đủ điều kiện, phù hợp với đời sống và linh đạo Dòng Thánh Thể. Đây là một việc quan trọng, bởi ảnh hưởng đến một thế hệ, đến sự phát triển của Dòng. Dĩ nhiên tôi lo âu, hồi hộp chờ kết quả. Không biết mọi người đánh giá tôi thế nào? Nhưng dù sao đi nữa tôi cũng đã sống hết mình, sống bằng chính con người thật của tôi. 
Sáng qua, anh em to nhỏ bảo nhau: “Ban cố vấn đang bỏ phiếu anh em mình.” Lòng tôi thắt lại. Nặng trĩu! Hồi hộp, mất ngủ…
Chiều nay, chầu, tôi đem tất cả những tâm tư suy nghĩ, lo âu,… thưa chuyện cùng Chúa. Chẳng nghe Chúa nói. Nhưng thay vào đó là niềm vui lại trào dâng, trào dâng như bọt biển, giòn tan.
Cười. Phải! Tôi cười. Lòng lại tràn ngập niềm vui, bình an và hạnh phúc như ngày đầu tiên đặt chân vào Dòng. Bên ngoài, gió thổi nghe nhẹ tâng. Lòng tôi nhẹ tâng…


Thỉnh sinh 2006
MAPHUC, sss

Share:

MẸ MARIA VÀ THÁNH THỂ

Mẹ Maria và Thánh Thể
MẸ MARIA VÀ THÁNH THỂ

         Có nhiều bậc thánh nhân, như thánh Phêrô Damien, thánh Bênađô, thánh Bônaventura, thánh Bernadine . . . đã đồng thanh nói rằng, Chúa Giêsu đã thành lập Bí tích Thánh Thể, trước hết cho Mẹ Maria, rồi qua Mẹ Maria, Đấng trung gian mọi ân sủng, cho tất cả chúng ta. Vì thế, xuất thân từ Đức Maria về thể lý, Chúa Giêsu đã đến để Ngài được ban cho chúng ta ngày qua ngày; và trong Chúa Giêsu, thịt vô nhiễm và máu trinh nguyên của Mẹ Người luôn luôn thấm nhập vào chúng ta, và làm cho linh hồn chúng ta say men tình ái. 
Dựa vào lời xác tín của các thánh nói trên, chúng ta cùng suy niệm chủ đề: Mẹ Maria trong tương quan với Bí tích Thánh Thể. Phần suy niệm này xoay quanh khuôn khổ: Thịt bởi thịt tôi, máu bởi máu tôi.

I. GIỜ CỦA MẸ - GIÁNG SINH - NHÀ BÁNH

1. Giáng Sinh.
          Nhìn vào bối cảnh Giáng Sinh, chúng ta nhận thấy Giáng Sinh là một mầu nhiệm  đơn sơ, nhưng gây ngỡ ngàng, được diễn ra ở  Bêlem như lời tiên báo của ngôn sứ Mika: “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi, vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mk 5, 1).
         Bêlem là chi tộc nhỏ  nhất mà Chúa ưa thích. Thiên Chúa ưa thích chọn những gì bé nhỏ để biểu dương ơn cứu độ của Người. Thiên Chúa như bị thu hút bởi sự yếu hèn của loài người chúng ta. Bởi đó, “từ nơi ngươi, hỡi Bêlem, sẽ xuất hiện vị cứu tinh…”.

2. Nhà bánh.
         Bêlem có nghĩa là  ngôi nhà làm bánh. Ở đó, các cô gái đang nhồi bột làm bánh cho ngày Sabbat, bánh của ngày lễ. Cũng ở đó, như một bức ảnh in chồng lên, Maria, người nội trợ của Giáo Hội đang nhồi bánh của Thiên Chúa, chiếc bánh cho ngày Sabbat, một chiếc bánh mới để rạng sáng ngày Phục Sinh: Chúa Giêsu, chiếc bánh được ban cho chúng ta.

3. Giờ của Maria.
          Tại Bêlem, ngôi nhà  bánh, giờ của Mẹ đã đến.
         Theo lệnh kiểm tra dân số của hoàng đế Augustô, Giuse và Maria trở về Bêlem để khai tên vào sổ bộ. “Khi hai người đang ở đó, thì Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa” (Lc 2, 6).
          Giờ của Maria đã  đến, giờ của ngày Giáng Sinh. Tấm bánh đã được làm ra.
        “Khi sinh con, người đàn bà cảm thấy lo buồn, vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui, vì một người con đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16, 21). Khi nói lời này, Chúa Giêsu muốn so sánh giờ Giáng Sinh với giờ Thương Khó, đó là hai huyền nhiệm, nhưng chỉ là một thực tại. Ở giờ Thương khó, Chúa Giêsu, Bánh Thánh Thể chính thức được ban cho Giáo Hội mãi mãi.  
         Cha Stêphanô Manelli nói rằng: “Thánh Thể là Bánh từ trời  đã đến qua Mẹ chúng ta. Đó là bánh do Mẹ chế biến từ bột của xác thịt vô nhiễm, và được nhào trộn với sữa trinh nguyên của Mẹ”. Và thánh Augustinô đã nói: “Chúa Giêsu lấy thân xác của Người từ thân xác của Mẹ Maria”.
        Đối lại với Giờ của Mẹ Maria, thì ba mưoi ba năm sau là Giờ của Chúa Giêsu, diễn ra qua cuộc Thương Khó. Lúc đó, Chúa Giêsu là Tấm Bánh được bẻ ra.

II. GIỜ CỦA CHÚA GIÊSU - THƯƠNG KHÓ - TẤM BÁNH ĐƯỢC BẺ RA
1. Giờ của Chúa Giêsu.
        Phúc âm thánh Gioan có ghi: “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”  (Ga 13, 1). Và Người còn nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
        Do đó, trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã bắt đầu một hy lễ mới, để tiếp tục ở lại với những kẻ thuộc về Người. Khi Người lập Bí tích Thánh Thể: Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và phán: “Nầy là Mình Ta sẽ bị nộp vì các con”. Cùng một thể thức ấy, Người cầm lấy chén rượu, tạ ơn, trao cho các môn đệ và phán: “Nầy là chén Máu Ta sẽ đổ ra vì các con. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Hy lễ này rồi sẽ được hoàn tất nơi cuộc Thương Khó.

2. Thương Khó.
         Chúa Giêsu bắt đầu cuộc hiến tế từ chiều nay, thứ năm, để chiều mai, thứ sáu, Người hoàn tất trên thập giá, vì lễ hy sinh trong bữa tiệc ly và lễ hy sinh trên thập giá chỉ là một. Trong cả hai, Chúa Giêsu đã hiến mình làm lễ vật dâng hiến Chúa Cha:
        * Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hiến tế cách mầu nhiệm và bí tích. Trên thập giá, Chúa Giêsu hiến tế bằng chính Mình Máu mình.
       * Trong bữa tiệc ly, ý  muốn hiến thân của Chúa Giêsu đã được biểu lộ  qua một cử chỉ bề ngoài: Người cương quyết dấn thân chịu hy sinh đẫm máu trên thập giá. Ở  đó, tấm bánh đã được bẻ ra.

3. Tấm bánh được bẻ ra.
         Tấm bánh được bẻ ra như thế  nào ?
       Trên thập giá, Chúa Giêsu chịu hiến tế:  “Đứng gần thập giá Chúa Giêsu, có Mẹ Người, chị của Mẹ Người là bà Maria vợ  ông Clôpas và bà Maria Macdala” (Ga 19, 25).
        Mẹ Maria đã trung thành hợp nhất với Con cho đến bên thập giá. Tấm bánh mà Mẹ đã làm ra ở ngày Giáng Sinh, hôm nay, sau 33 năm, Mẹ tiến dâng trên thập giá. Mẹ đã hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng Mẹ sinh ra, để tấm bánh ấy được bẻ ra và trao ban.
       Đúng vậy, Công Đồng Vatican II, trong Hiến chế về Giáo Hội đã nhắc nhở chúng ta nhớ lại lòng trắc ẩn của Mẹ Maria: trong tim Mẹ dội lại tất cả những gì Chúa Giêsu chịu đựng trong thân xác và linh hồn, đề cao lòng mong muốn của Mẹ được chia sẻ với hy lễ cứu chuộc của Con, và nối kết sự đau đớn tình mẹ của Mẹ với sự hiến dâng tư tế của Con (LG 58).
       Quả là một hành động yêu thương đích thực, qua đó, Mẹ dâng Con mình như của lễ hy sinh đền tội cho toàn thể  nhân loại. Đến đây, ta thấy lóe lên một vấn nạn.
4. Vấn nạn.
       Lễ hy sinh trong bữa tiệc ly và lễ hy sinh trên thập giá là  một. Vậy, tại sao dưới chân thập giá có Mẹ  Maria hiện diện, còn trong bữa tiệc ly Mẹ lại vắng mặt ?
       Đức Hồng Y James Hickey đã giải thích như sau: Chúa Giêsu đã yêu Mẹ rất nhiều, yêu hơn hết mọi sự, Người muốn cho chúng ta một bài học đích đáng, qua việc không đưa Mẹ Người vào trong bữa tiệc ly. Đó là Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến nguồn gốc “tặng ân đến từ bên ngoài” (Extra nos) của chức tư tế trong Tân ước.
       Chức tư tế trong Tân ước không do bởi tương quan huyết nhục, không do cha truyền con nối, cũng không do bởi tình trạng thánh thiện của vị tư tế, nhưng đó là “một tặng ân đến từ bên ngoài”, nghĩa là một tặng ân đến từ Chúa Cha, qua Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần. Nó làm cho vị tư tế có thể hoạt động trong ngôi vị Chúa Kitô (in persona Christi). Bản tính và quyền năng của chức linh mục trong Tân ước được tỏ lộ nơi Chúa Kitô và duy nơi mình Người.
       Công Đồng Vatican II, Hiến chế Giáo Hội nói rằng: chức tư tế chung của tín hữu và chức tư tế thừa tác khác nhau, không chỉ về cấp bậc mà còn về yếu tính, tuy nhiên, cả hai đều bổ túc cho nhau (LG 10). Sự bổ túc cho nhau của chức tư tế thừa tác và chức tư tế chung được biểu lộ rõ nét ở dưới chân thập giá. Ở đó, có thánh Gioan, là một linh mục đang đứng bên Mẹ Maria.
       Như vậy, sự tách biệt nơi bữa tiệc ly là nhằm để chứng minh bản tính phẩm trật của Giáo Hội, được đi theo bởi một tổng hợp ở dưới chân thập giá. Dưới chân thập giá, có Mẹ Maria và Gioan, mỗi người như là một khía cạnh của bản tính Giáo Hội, vẫn tách biệt, nhưng cả hai được sắp đặt và cấu tạo để bổ túc cho nhau:
- Gioan được ban cho Mẹ  Maria.
- Mẹ Maria được ban cho Gioan.

III. HIỆP LỄ CÓ  MẸ.

      Mỗi khi chúng ta rước lấy Mình Máu Chúa Giêsu, chúng ta nên ý thức rằng có sự  hiện diện của Mẹ Maria.
1. Lưu lại.
      “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì luôn lưu lại trong Ta, và Ta ở trong người ấy” (Ga 5, 56). Lưu lại là sự kết hiệp thật sâu xa đến nỗi sự kết hiệp này có tính cách thường hằng và bền vững. Được kết hiệp với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, chúng ta kết hiệp với Thịt và Máu Chúa Giêsu, được lấy từ thịt và máu của Mẹ Maria. Do đó, mỗi khi chúng ta rước lễ là có sự hiện diện dịu dàng và huyền nhiệm của Mẹ Maria, Đấng liên kết bất khả phân ly với Chúa Giêsu trong hình bánh hình rượu.
      Chúa Giêsu là người con mà Mẹ hằng tôn thờ. Người là xác thịt của xác thịt Mẹ. Xưa kia, Ađam có thể gọi Eva, khi bà được lấy từ xương sườn của ông, rằng: “Xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2, 23), thì nay, Mẹ Maria cũng có thể có lý để gọi Chúa Giêsu là “thịt bởi thịt tôi và máu bởi máu tôi”.
      Thánh Tôma Aquinô đã nói: “Được lấy từ Đức Nữ Đồng Trinh, xác thịt của Chúa Giêsu là xác thịt thuộc mẫu tính của Mẹ Maria”.
      Thánh Augustinô đã dạy: “ Trong Bí tích Thánh Thể, Mẹ Maria nối dài, và làm cho tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ mãi mãi tồn tại”.
      Thánh Albertô Cả  ân cần khuyên: “Bạn ơi, nếu bạn muốn có kinh nghiệm về tình thân mật với Đức Maria, bạn hãy để chính bạn được ôm ấp trong cánh tay của Mẹ.
      Hãy bước đi với tư  tưởng tinh tuyền khôn tả này tới bàn tiệc của Thiên Chúa, rồi bạn sẽ tìm thấy được sự nuôi dưỡng của người Mẹ bằng bửu huyết của người Con”.

2. Kinh nghiệm thực hành trong Giáo Hội.
      Thể hiện những tư  tưởng trên, chúng ta nhận thấy rõ nét, ở kinh nghiệm thực hành các việc tôn sùng trong Giáo Hội, qua nhiều cuộc biểu dương lòng sùng kính Mẹ Maria, được kết thúc bằng việc tôn thờ Thánh Thể và Phép Lành Mình Thánh Chúa.
       Đó là kết quả hợp tình hợp lý: Lòng tôn kính Mẹ Maria đã dẫn đưa các tín hữu đến lòng tôn thờ Chúa Giêsu Kitô.

KẾT
       Để kết thúc bài suy niệm này, tôi xin mượn lời kinh AVE, VERUM CORPUS để ca ngợi Đức Mẹ Thánh Thể:
Con kính lạy Mình Thánh Chúa Giêsu,
Xưa bởi lòng rất thánh Đức Bà Maria,
Trọn  đời đồng trinh mà ra,
Chuộc tội chịu chết trên cây thánh giá,
Cùng chịu lưỡi đòng đâm cạnh nương long,
Chảy hết máu cùng nước ra.
Con xin ngày sau, khi con qua đời,
Xin Chúa hằng nuôi lấy linh hồn con.

    Ôi Giêsu khoan thay,      
    Ôi Giêsu nhân thay,      
    Con rất thánh mẫu Maria. Amen

(bản dịch trích từ sách kinh của Giáo phận Qui Nhơn)
            Lm And. Phạm văn Bé

Share:

ĐỨC MARIA VÀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ 2

Đức Maria và Bí Tích Thánh Thể
ĐỨC MARIA VÀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ

     Dưới chân thập giá, Chúa Giêsu đã trao phó thân mẫu Người cho Giáo Hội, đại diện là  người môn đệ yêu dấu (“này là Mẹ con”) và đồng thời, Người đã trao phó Giáo Hội cho Đức Maria (“Này bà, đây là con bà” –  Ga 19, 26-27). Được tràn đầy ân sủng, Đức Maria không hề giữ lấy cho riêng mình mối liên hệ đặc quyền nào với Chúa Giêsu, thậm chí Mẹ không hề thể hiện một biểu hiện nhỏ nào, dù là nhỏ nhất, của sự chiếm hữu. Trái lại, Mẹ hằng mong mỏi muốn chia sẻ với toàn thể Giáo Hội ân sủng đầy tràn của Mẹ và đặc biệt, mối liên hệ của Mẹ với con Mẹ. Ở đây, dựa vào thông điệp Ecclesia de Eucharistia (Giáo Hội Sống Nhờ Thánh Thể) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta sẽ học nơi Mẹ để biết thế nào là kết hợp với Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể.     

Thiên Chúa không ép buộc Đức Maria phải làm Mẹ  của Con của Người; nhưng Người chờ đợi sự ưng thuận tự do của Mẹ cho cuộc nhập thể. Cũng tương tự như thế, Chúa Giêsu Thánh Thể không tự ý ngự vào thân thể và tâm hồn ta. Người chỉ ngự vào lòng ta khi ta khao khát mời Người đến và biến đổi ta. “Có một sự tương đồng sâu sắc giữa tiếng FIAT (xin vâng) của Mẹ Maria khi ngài đáp lời thiên sứ với tiếng AMEN mà mọi tín hữu đáp lại khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa .” (Ecclesia de Eucharistia, 55).

      Chỉ khi Mẹ Maria cất lên lời “xin vâng”, cuộc nhập thể của Thiên Chúa vào nhân loại và vào lịch sử mới bắt đầu. Như một sự mở rộng tiếng xin vâng của Mẹ Maria, chúng ta hãy khao khát và cầu xin Chúa Kitô ngự vào tận đáy lòng ta qua bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không có ý định chỉ cư ngụ ở trong ta mà thôi nhưng, hiểu theo nghĩa loại suy, Người còn muốn được sinh ra trong ta và từ nơi ta nữa. Bằng việc cư ngụ, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đang hiện diện, mà thực tế là hiện diện một cách sống động trong ta. Tuy nhiên, hình ảnh Chúa Giêsu sinh ra trong ta ngụ ý muốn nói rằng Chúa Giêsu làm nên thân thể của Người theo khuôn mẫu thân thể của ta. Nghĩa là lời nói của ta, cái nhìn của ta, nụ cười của ta, nước mắt của ta, một cách nào đó biểu lộ lời nói của Người, cái nhìn của Người, nụ cười của Người, nước mắt của Người.

      Ngay sau khi mang thai Chúa Giêsu, Mẹ Maria đã vội vã  lên đường đi thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét. Khi chúng ta mang Mình Thánh cho người bệnh, chúng ta có  thể nghĩ đến việc Mẹ Maria đã cưu mang Chúa Giêsu trong bụng ra sao khi vượt qua những vùng đồi núi xứ Giu-đê-a. Có lẽ Mẹ không thể nói lên bằng lời cái cảm nghiệm của Mẹ, nhưng chắc chắn, một cách trực giác, mẹ biết rằng Mẹ đang cưu mang chính Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và là Đấng Cứu Độ của Mẹ. Có thể Mẹ rất lấy làm kinh ngạc về sự khiêm nhường của Thiên Chúa, một Thiên Chúa đã trao HAGION, Mầu Nhiệm Thánh của chính Bản Thể Người, cho Mẹ. Khi ta mang Mình Thánh Chúa trong người, thậm chí ta có thể nghĩ đến một sự khiêm nhường lớn lao hơn, đó là Chúa Kitô đã trở nên thật nhỏ bé vì chúng ta và hoàn toàn phó thác chính mình trong bàn tay ta. Để rồi sau đó chúng ta có quyền hoặc mang Người đến cho bất cứ ai ta muốn, hoặc từ chối mang Người đến cho ai đó; chúng ta có thể tôn thờ hoặc lăng mạ Người (Đương nhiên, chúng ta không thể làm hại Người dưới những dấu chỉ bí tích, nhưng chắc chắn chúng ta có thể đoạn tuyệt và báng bổ Người).

      Như Mẹ Maria đã đến viếng thăm và  chào bà Ê-li-sa-bét, chúng ta cũng phải loan báo Tin Mừng. Chúng ta không chỉ mang trong mình một thông điệp, một giáo huấn, một nhân sinh quan, một tư tưởng, nhưng hơn thế, chúng ta mang chính Chúa Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh, chịu chết và đang hiện diện ở giữa chúng ta ngày hôm nay. Dĩ nhiên, việc loan báo Lời phải đi trước Bí tích Thánh Thể, tuy nhiên chỉ nhờ Bí Tích Thánh Thể tiến trình Phúc Âm hóa mới được hoàn thành. Như bà Ê-li-sa-bét đã ôm lấy Chúa Giêsu qua Mẹ Maria, người ta cũng sẽ chấp nhận Chúa Giêsu qua chứng tá của chúng ta về bí tích Thánh Thể.

      Mẹ Maria, khi ngắm nhìn “quả phúc bởi lòng Mẹ”, chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu mới sinh là chính con Mẹ, là thịt bởi thịt Mẹ, mắt bởi mắt Mẹ  thì cũng đồng thời tôn thờ Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Cứu Độ của Mẹ.

      Khi chúng ta lãnh nhận Chúa Kitô trong Thánh Lễ  hay khi chúng ta viếng Thánh Thể, chúng ta hãy xin Mẹ Maria cho chúng được chia sẻ tình yêu và sự ngạc nhiên của Mẹ. Con Thiên Chúa đã trở nên nhỏ bé và tầm thường vì chúng ta bao nhiêu – chỉ một tấm bánh nhỏ và vài giọt rượu nho rất dễ bị coi thường và vứt bỏ – thì tình yêu và lòng tôn kính của chúng ta với Người càng phải lớn bấy nhiêu. Chúa Giêsu ở lại trong tâm hồn ta không còn với sự hiện diện thể lý đầy đủ như trong Bí Tích Thánh Thể, nhưng Người ở lại trong ta qua quyền năng biến đổi của Người. Trong cả những khi công việc căng thẳng lẫn những lúc vui chơi giải trí, chúng ta nên thi thoảng trở về với tâm hồn của mình, nơi Chúa các chúa và trung tâm của vũ trụ đang hoạt động trong ta. Chúng ta hãy để cho Mẹ Maria dạy chúng ta suy đi nghĩ lại và chiêm niệm những lời của Chúa Giêsu, ngõ hầu chúng ta ngày càng thấm nhuần mầu nhiệm của Người.

      Khi Mẹ Maria dâng con mình cho Thiên Chúa trong Đền thờ, ông Si-mê-on đã nói tiên tri rằng, con Mẹ  sẽ nên dấu hiệu cho người đời chống báng và  một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Mẹ. Như thế, con trẻ Giêsu được hiến dâng trong Đền thờ tượng trưng cho của lễ hy sinh. Hoàn toàn trinh trắng và đầy tràn ân sủng, Mẹ Maria hiểu rõ hơn ai hết trong chúng ta sự mâu thuẫn và xung đột giữa Chúa Giêsu và thế gian, đang nằm dưới ách thống trị của ma quỉ. Chỉ mình Mẹ là người đồng cảm và “đồng chịu đau khổ” với con Mẹ, bởi trên thế gian này chỉ mình Mẹ hiểu được sự dữ bởi tội lỗi của chúng ta đã làm cho con Mẹ đau khổ thế nào và Con Mẹ vẫn yêu thương chúng ta, những kẻ tội lỗi, đến cùng ra sao. Mẹ biết Chúa Giêsu đã tận tâm thờ lạy, tôn vinh và hòa giải với Chúa Cha thay cho chúng ta và vì chúng ta ra sao. Chính vì vậy, trong Đền Thờ và sau này ở dưới chân thập giá, chỉ mình Mẹ mới có thể dâng con Mẹ cho Chúa Cha với một “trái tim thấu hiểu”. Nơi bí tích Thánh Thể chúng ta hãy xin Mẹ Maria dạy chúng ta nhận biết thánh tâm Chúa Giêsu và nhận ra rằng, chúng ta có một kho tàng thật vô tận ở giữa chúng ta khi, nhờ của lễ hiến dâng là Chúa Giêsu, chúng ta chia sẻ sự tự hiến một lần cho tất cả của Chúa Giêsu.

      Khi Mẹ Maria ở giữa các môn đệ đang chuyên cần cầu nguyện và chờ đợi được ban Thánh Thần, chắc chắn Mẹ cũng tham dự Tiệc Thánh Thể mà các Tông Đồ cử hành, ít nhất là  sau Lễ Ngũ Tuần:

      “Làm sao cảm nghiệm được những tâm tình của Mẹ Maria khi Mẹ nghe từ miệng thánh Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê và các Tông Đồ khác những lời đã được cất lên trong bữa Tiệc Ly: “Này là mình thầy bị hiến tế vì anh em [Lc 22,19]”? Thân thể bị hiến tế vì chúng ta và hiện diện dưới những dấu chỉ của bí tích cũng là chính thân thể mà Mẹ đã cưu mang trong lòng! Đối với Mẹ Maria, lãnh nhận bí tích Thánh Thể, dù thế nào đi chăng nữa thì đó là một lần nữa đón nhận vào trong lòng trái tim đã đập cùng một nhịp với trái tim Mẹ và sống lại những gì Mẹ đã cảm nghiệm khi ở dưới chân thập giá.” (Ecclesia de Eucharistia, 56)

      Đón nhận Đức Chúa Phục Sinh trong bí tích Thánh Thể, Mẹ Maria đã đón nhận chính thiên đàng trong linh hồn mình. Quyền năng của Chúa Thánh Thần đã bắt đầu hoạt động trên thế gian này và quyền năng ấy chuẩn bị cho linh hồn và thân xác của Mẹ ngày Lên Trời. Mẹ sẽ cầu nguyện với chúng ta và cho chúng ta hầu thân xác của chúng ta được chữa lành khỏi sự thống trị của những đam mê tội lỗi và được thông phần những nhân đức, sự tốt lành, lòng trắc ẩn, sự nhẫn nại, và lòng khiết tịnh của Mẹ
.


                Pax_man
Dịch từ  Rock A. Kereszty, The Wedding Feast of  the Lamb, Appendix 1

Share: