Chúa Nhật tuần XVII TN – B – CĐ 2V 4, 42-44; Ep 4, 1-6; Ga 6, 1-15 THÁNH THỂ LƯƠNG THỰC TRƯỜNG TỒN

Chúa Nhật tuần XVII TN – B – CĐ
2V 4, 42-44; Ep 4, 1-6; Ga 6, 1-15

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Trong đời sống, chúng ta phải lao động vất vả cực nhọc, quy chung lại là cũng để kiếm cái gì đó để ăn, để nuôi sống bản thân và để có thể tồn tại. Thật vậy, lương thực là nhu cầu thiết yếu nhất trong đời sống con người. Không có lương thực, con người sẽ chết đói.
        Tin mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta Phép Lạ Chúa Hóa Bánh Ra Nhiều cho 5000 người ăn. Qua phép lạ này, Chúa muốn hướng chúng ta đến một phép lạ cao quý hơn. Đó là Bí Tích Thánh Thể. Thánh Thể là phép lạ mà Chúa ban chính Thịt Máu Người làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn và mang lại cho chúng ta sự sống bất diệt.
        Dâng Thánh Lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi chúng ta không chỉ biết tìm kiếm của ăn nuôi dưỡng phần xác mà còn quan tâm chú ý tìm kiếm Thánh Thể Chúa, là lương thực trường tồn, mang lại cho chúng ta sự sống đích thực.
        Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.
SÁM HỐI

        1. Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã làm phép lạ cho 5000 người ăn no nê – xin Chúa thương xót chúng con.
        2. Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể làm lương thực trường tồn cho muôn người thuộc mọi dân tộc, mọi thế hệ được hưởng dùng – Xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con.
        3. Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã thiết lập Bí tích Truyền Chức Thánh, để ngày ngày, qua bàn tay linh mục, và bởi phép Chúa Thánh Thần, Chúa biến đổi bánh rượu thành Mình Máu Thánh Chúa để nuôi sống chúng con và trợ lực cho chúng con trên đường về quê trời – Xin Chúa thương xót chúng con.

        Xin Thiên Chúa toàn năng…

Bài giảng
THÁNH THỂ
LƯƠNG THỰC TRƯỜNG TỒN

        Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Có lẽ Phép Lạ Hóa Bánh Ra Nhiều quá quen thuộc, bởi chúng ta đã được nghe đi nghe lại nhiều lần. Nhưng một câu hỏi đặt ra: “Ngày nay trên thế giới có biết bao con người đói khổ, tại sao Chúa không làm Phép Lạ Hóa Bánh Ra Nhiều như xưa nữa?
        Vâng! Chúa không làm phép lạ nữa là có lý do của nó. Vậy lý do gì khiến Chúa không làm Phép Lạ Hóa Bánh Ra Nhiều Nữa?
        Có hai lý do sau:

1. Lý do thứ nhất: Chúa không làm Phép Lạ Hóa Bánh Ra Nhiều vì Người muốn chính chúng ta làm phép lạ.
Ngay từ thời Cựu ước, thời của tiên tri Ê-li-sa khi mà trong nước Ít-ra-en xảy ra nạn đói, qua bàn tay của Ê-li-sa, Thiên Chúa đã làm phép lạ từ hai mươi chiếc bánh lúa mạch cho nhiều người ăn no và còn dư đầy (2V 4, 42).
Đến thời Tân ước, cụ thể trong bài Tin mừng hôm nay, khi thấy đám đông dân chúng, Chúa mời gọi các tông đồ  cộng tác với Người, qua việc gợi lên cho các ông nhu cầu của dân chúng: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6, 5). Mặc dù Chúa biết mình sẽ làm phép lạ, nhưng Chúa muốn các tông đồ chủ động, cộng tác với Chúa. Và các ông đã tìm được 5 chiếc bánh và 2 con cá. Từ một số ít này, Chúa đã làm phép lạ cho hơn 5000 người ăn.
Như vậy, Chúa có thể tự mình làm phép lạ nhưng Người muốn chúng ta học nơi Người tấm lòng bác ái, biết chia sẻ cho người đói nghèo, dù rằng chúng ta có rất ít. Phép lạ Chúa làm là để minh chứng rằng nếu chúng ta biết giảm bớt những chi tiêu, chia cơm sẻ áo, chia sẻ cho người nghèo, thì chính chúng ta cũng có thể làm phép lạ như Chúa đã từng làm xưa kia.
Như vậy, khi Chúa không làm phép lạ nữa là để chúng ta có cơ hội thực hành lòng bác ái như Chúa đã làm.       

2. Lý do thứ hai: Chúa không làm Phép Lạ Hóa Bánh Ra Nhiều là Người muốn chúng ta tập trung vào Phép lạ Thánh Thể - Bánh Trường Sinh.
Phép Lạ Hóa Bánh Ra Nhiều còn mang một ý nghĩa siêu hình. Đó không chỉ là làm phép hóa bánh ra cho con người được no nê phần xác, nhưng qua việc hóa bánh ra nhiều đó, Chúa muốn hướng chúng ta đến một phép lạ cao trọng hơn, mang lại cho con người sự sống đời đời. Đó là Phép lạ Thánh Thể.
        Thật vậy, Phép Lạ Hóa Bánh Ra Nhiều và Phép Lạ Thánh Thể cả hai đều cần có sự cộng tác của con người. Cũng như các tông đồ dâng cho Chúa năm chiếc bánh, trong mỗi Thánh lễ, chúng ta có nhiệm vụ dâng của lễ. Đó có thể là vật chất, cũng có thể là những ước nguyện của chúng ta.
        Điểm khác biết cơ bản giữa Phép Lạ Hóa Bánh Ra Nhiều và Phép Lạ Thánh Thể là:
ü Bánh trong Phép Lạ Hóa Bánh Ra Nhiều chỉ làm bằng tinh bột, còn bánh Thánh Thể thì là chính Thịt và Máu Chúa.
ü Phép Lạ Hóa Bánh Ra Nhiều chỉ cho 5000 ăn, còn phép lạ Thánh Thể thì cho muôn người và muôn thế hệ hưởng dùng.
üPhép Lạ Hóa Bánh Ra Nhiều, ai ăn rồi sẽ lại đói, và vẫn chết, còn phép lạ Thánh Thể ai ăn sẽ không bao giờ chết, và Bánh Thánh Thể chính là lương thực cho linh hồn chúng ta trên đường về quê trời.

Như vậy, Chúa làm Phép Lạ Hóa Bánh Ra Nhiều chính là để tiên báo, giới thiệu về Phép Lạ Thánh Thể. Thật vậy, con người chúng ta ai rồi cũng sẽ chết, dù chúng ta có no đủ, Chúa biết điều đó, chỉ có linh hồn là có thể sống mãi.  Do đó, việc Chúa làm Phép Lạ Hóa Bánh Ra Nhiều chỉ là hướng chúng ta đến với Bánh Thánh Thể mà thôi. Chỉ có Bánh Thánh Thể mới là thứ lương thực cần thiết nhất cho chúng ta.

3. Chúng ta phải làm gì khi nhận ra được ân huệ cao quý mà Chúa đã ban cho chúng ta?
Qua Thánh Thể, Chúa biểu thị tình yêu của Người với chúng ta. Người yêu đến nỗi đã ban chính Mình Máu Người làm của ăn dưỡng nuôi chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta khi nhận ra được ân huệ cao quý này chúng ta phải: “ăn ở khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại, hãy lấy tình bác ai mà chịu đựng lẫn nhau…vì chỉ có một Thiên Chúa là Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Ep 4, 1-6)

Nói tóm lại, qua Phép Lạ Chúa Hóa Bánh Ra Nhiều chúng ta học được hai bài học.
üThứ nhất là phải cộng tác với Chúa để làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, giúp đỡ cho những người đói khổ, như xưa Chúa và các tông đồ đã làm khi cho 5000 người ăn no nê.
üThứ hai, chúng ta không chỉ ăn cơm bánh nhưng còn phải biết chạy đến với Chúa Giê-su Thánh Thể, bởi chỉ có Thánh Thể mới là thứ lương thực trường tồn, ai ăn sẽ được sống muôn đời.
Cầu chúc cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta luôn có lòng bác ái, chia sẻ giúp đỡ người nghèo, cũng như luôn có tấm lòng yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể và siêng năng rước Mình Thánh Chúa. Vì không ai khác ngoài Chúa Giê-su Thánh Thể mới có thể làm thỏa mãn cơn đói khát của chúng ta và mang lại cho ta sự sống đời đời. Amen.
Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share:

Thứ bảy tuần XVI TN – CĐ Gr 7, 1-11; Mt 13, 24-30 CHỌN LỰA NHỮNG GÌ THUỘC VỀ THIÊN CHÚA

Thứ bảy tuần XVI TN – CĐ
Gr 7, 1-11; Mt 13, 24-30
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Ngày thứ bảy chúng ta tưởng nhớ Đức Ma-ri-a các đặc biệt. Là  những con cái của Mẹ, mỗi người chúng ta được mời gọi núp dưới áo Mẹ, bởi không có nơi nào an toàn hơn khi được Mẹ che chở phủ bóng. Vì thế trong thánh lễ này chúng ta hãy dâng vào tay mẹ trót cuộc đời của chúng ta để xin Mẹ dâng lên Con Chí Thánh của Mẹ.
        Bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su kể cho chúng ta nghe dụ ngôn lúa và cỏ lùng. Lúa là những gì thuộc về Thiên Chúa, tốt lành, thánh thiện, còn cỏ lùng là những điều xấu xa, do ma quỷ bày ra.
        Dâng Thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi chúng ta biết chọn lựa những gì là tốt lành đến từ Thiên Chúa và loại trừ cỏ lùng là những tội lỗi và bất chính.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

BÀI GIẢNG
CHỌN LỰA NHỮNG GÌ THUỘC VỀ THIÊN CHÚA
        Kính thưa cộng đoàn! Nhiều khi trong đời sống, chúng ta nghĩ rằng tại sao Chúa là Đấng tốt lành thánh thiện và toàn năng, vậy sao Người lại không loại trừ tội lỗi, sự xấu ra khỏi chúng ta. Câu hỏi này đã được Chúa Giê-su trả lời trong bài Tin mừng hôm nay qua Dụ Ngôn Cỏ Lùng.
1.   Trước hết, cần phân biệt cái nào là lúa, cái nào là cỏ lùng
Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng tốt lành, và Người gieo những gì là tốt lành trong đời sống của chúng ta. Đó là lúa. Lúa là những điều lành thánh đến từ Thiên Chúa, và mang lại sự sống cho con người. Tuy nhiên, ngay chính bản thân chúng ta cũng cảm nhận thấy bên cạnh sự tốt lành chúng ta có thể làm, thì vẫn còn đó rất nhiều cái xấu, cái ác, sự dữ, chết chóc mà chúng ta luôn bị cám dỗ làm theo. Đó là cỏ lùng. Và Chúa đã nói rõ: “Chính kẻ thù đã làm điều đó” (Mt 13, 27). Mà kẻ thù của Thiên Chúa không ai khác chính là ma quỷ. Thánh Phao-lô đã cảm nghiệm sâu sắc cám dỗ của ma quỷ khi ngài cho rằng: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19).
        Lúa và cỏ lùng rất giống nhau. Vì thế, khi kẻ thù gieo cỏ lùng vào ruộng lúa thì chúng ta khó lòng mà phân biệt được. Do vậy, khi người đầy tớ xin được gom cỏ lùng lại thì Chúa không đồng ý vì sợ sẽ nhổ lầm lúa.
        Cũng vậy, trong đời sống, có những việc tốt và xấu lẫn lộn và chúng ta cũng không phân biệt được. Vậy làm thế nào để phân biệt được một điều gì xấu, với một điều gì tốt? Thưa! Đó là chúng ta nhìn đến hậu quả của sự việc đó. Việc tốt thì luôn mang lại cho chúng ta bình an và hoan lạc còn việc xấu thì làm cho chúng ta cảm thấy xấu hổ và sợ hãi.
Thật vậy, chính Chúa đã khắc ghi vào trong linh hồn của chúng ta một luật để chúng ta có thể phân biệt được việc nào là xấu, việc nào là tốt. Đó là tiếng lương tâm. Lương tâm chính là nơi sâu kín nhất của tâm hồn con người. Chính nơi đây, Chúa đặt để Luật của Người vào trong lòng chúng ta để chúng ta có thể phân biệt phải trái, phân biệt điều gì đến từ Thiên Chúa, điều gì đến từ ma quỷ.
        Thế nhưng trên thực tế, sẽ có những lương tâm bối rối, không thể phân định được tốt xấu. Do vậy, rất cần chúng ta có những người linh hướng. Và một trong những người linh hướng tốt nhất đó chính là Chúa Thánh Thần. Vậy, mỗi khi chúng ta cảm thấy bối rối không phân định được tốt xấu thì chúng ta phải cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, xin Người ban những ơn cần thiết để chúng ta có thể vâng theo tiếng Chúa mà làm lành lánh dữ.

2.   Biết tận dụng thời gian Chúa ban để loại trừ dần cỏ lùng ra khỏi đời mình.
Khi người đầy tớ đề nghị loại cỏ lùng ra khỏi ruộng, nhưng vì sợ ảnh hưởng đến lúa, nghĩa là sợ ảnh hưởng đến những người tốt lành, và mong muốn người tội lỗi ăn năn thống hối nên người cho thêm thời gian. Người luôn mời gọi chúng ta biết loại trừ cỏ lùng nơi tâm hồn mình, ăn năn thống hối trở về với Thiên Chúa, như bài đọc 1 trích sách tiên tri Giê-rê-mi-a có nói: “hãy cải thiện lối sống và hành động của các ngươi” (Gr 7, 3).
Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương và rộng lượng, Người không muốn loại trừ con người, nhưng luôn kiên nhẫn chờ đợi những ai biết ăn năn thống hối quay trở về. Do vậy, nhận ra Lòng Thương Xót của Chúa, chúng ta được mời gọi loại trừ cỏ lùng là những tật xấu và tội lỗi ra khỏi cuộc đời chúng ta.

        Nói tóm lại, qua dụ ngôn cỏ lùng, Chúa cho chúng ta biết sự xấu, sự dữ không đến từ Thiên Chúa mà do ma quỷ là đầu mối gây ra. Chúng ta được đặt để vào trần gian này có cả sự tốt và cái xấu. Do vậy, chúng ta cần chọn lựa những gì tốt lành đến từ Thiên Chúa và loại trừ những gì là xấu xa đến từ ma quỷ. Nếu chúng ta luôn biết chọn lựa những gì tốt lành thì đến ngày sau hết, chúng ta sẽ không bị gom đi như cỏ lùng mà đốt thiêu rụi. Chắc chắn Chúa sẽ ban hạnh phúc Nước Trời cho chúng ta trong ngày thu hoạch. Amem.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share:

Thứ Sáu tuần XVI thường niên – CĐ Gr 3, 14,17; Mt 13,18-23 CHUẨN BỊ ĐẤT TỐT NƠI TÂM HỒN

Thứ Sáu tuần XVI thường niên – CĐ
Gr 3, 14,17; Mt 13,18-23
LỜI DẪN ĐẦU LỄ

        Kính thưa cộng đoàn! Mỗi ngày thứ sáu chúng ta dành riêng để kính nhớ Thánh Tâm Chúa. Trái tim Chúa đã rất mực yêu thương chúng ta và nơi thánh tâm Chúa chúng ta sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì thế, trong Thánh lễ này chúng ta hãy dâng trót tâm hồn và thân xác chúng ta cho Thánh Tâm Chúa, và nghỉ nơi nơi Thánh Tâm dịu hiền và êm ái của Người.
        Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su giải nghĩa dụ ngôn gieo giống, qua đó chúng ta học được cách biến đổi lòng mình thành thửa đất tốt để hạt giống Lời Chúa được phát triển và sinh hoa kết quả.
        Dâng Thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi người chúng ta luôn biết chuẩn bị tâm hồn thật tốt, để mỗi khi Lời Chúa được gieo vào sẽ trổ sinh hoa trái.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Bài giảng
CHUẨN BỊ ĐẤT TỐT NƠI TÂM HỒN

Kính thưa cộng đoàn! Lời Chúa hôm nay là phần sau của Dụ Ngôn Gieo Giống, ở phần này, khi chỉ có các môn đệ ở với mình, Chúa Giê-su đã giải thích Dụ Ngôn Gieo Giống. Cụ thể, để hạt giống Lời Chúa được sinh hoa kết quả thì cần phải có đất tốt nơi tâm hồn.
Mỗi người trong chúng ta ai cũng mong muốn tâm hồn mình trở thành đất tốt để hạt giống Lời Chúa có thể này nở và sinh hoa kết quả. Vậy làm cách nào để tâm hồn chúng ta trở thánh thửa đất tốt?
Thưa! Muốn tâm hồn trở thành thửa đất tốt cần phải có sự chuẩn bị 3 việc sau:

1.   Trước hết, ý thức sự hiện diện của ma quỷ
Chúa nói rõ: Hễ ai nghe rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ được gieo trên vệ đường” (Mt 13, 19).
Thật vậy, ngày nay nhiều người trong chúng ta không nghĩ rằng có ma quỷ. Đó là một thành công mà ma quỷ đã gieo lên trong đầu chúng ta. Khi chúng ta không ý thức có ma quỷ, chúng sẽ lợi dụng sự thiếu cảnh giác để có thể lôi kéo chúng ta theo đường lối của chúng. Trên thực tế, nhiều người có xuất phát tốt lành thánh thiện, đạo đức nhưng lại có kết thúc tệ hại, bán mình cho quỷ dữ. Bởi vì không tin có ma quỷ nên chúng ta thường hay hãnh diện, tự hào xem mình tốt lành hơn người khác, và từ đó, ma quỷ gieo vào lòng sự tự cao tự đại, kiêu ngạo, và cuối cùng người ấy đã trở thành nô lệ của ma quỷ thay vì là con cái Thiên Chúa.
Do vậy, mặc dù Lời Chúa được gieo vào lòng chúng ta, nhưng nếu chúng ta không ý thức Lời Chúa, không sống Lời Chúa, không đặt Lời vào vị trí quan trọng trong đời sống của mình thì ma quỷ sẽ đến cướp lấy, và rốt cuộc chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho ma quỷ.

2.   Điểm thứ hai: Kiên trì trước mọi thử thách
Trong đời sống của mỗi ki-tô hữu có rất nhiều khó khăn thử thách. Tuy nhiên nếu chúng ta không biết trông cậy, phó thác vào Chúa thì chắc chắn Lời Chúa không thể bén rễ và sinh hoa trái trong tâm hồn chúng ta.
Do vậy, để tâm hồn trở thành đất tốt, chúng ta cần phải biết sống đức cậy cách bền bỉ. Cho dù cuộc sống có khó khăn đến đâu đi nữa thì cũng phải luôn biết bám vào Chúa. Có như vậy, hạt giống Lời Chúa sẽ nảy nở và sinh hoa trái.

3.   Điểm thứ 3: Không quá lo toan về đời sống
“Mọi âu lo hãy trút cả cho Chúa”(1Pr 5,7), Thánh Phê-rô đã nói như thế, và chúng ta cũng đã từng an ủi mình cách tương tự. Vì chính Chúa đã nói: Ngày mai cứ để ngày mai lo, ngày nào có cái khổ của ngày ấy (Mt 6, 34). Thế nhưng chúng vẫn cứ lo, nào là cơm gạo, điện nước, nào là vợ chồng con cái…những điều đó khiến chúng ta lúc nào cũng lo lắng. Chúa đã nói nếu chúng ta lo lắng sự đời quá nhiều thì hạt giống Lời Chúa bị bóp nghẹt và không thể phát triển được.

Nói tóm lại, qua Lời Chúa hôm nay, nếu chúng ta muốn cho Lời Chúa được nảy nở và trổ sinh hoa trái trên cuộc đời chúng ta thì mỗi người cần phải biết chuẩn bị mảnh đất nơi tâm hồn thật tốt bằng cách:
·       Ý thức sự hiện diện của ma quỷ là đầu mối mọi tội lỗi.
·       Kiên trì tín thác vào Chúa trước mọi thử thách
·       Không quá lo lắng về đời sống.
Nếu chúng ta làm được như thế, thì chắc chắn tâm hồn của chúng ta sẽ trở thành thửa đất tốt, từ đó, hạt giống Lời Chúa sẽ nảy nở, phát triển và trổ sinh hoa trái. Và hoa trái của Lời Chúa chính là hoan lạc và bình an ngay ở đời này. Amen.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share:

Lễ Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ 2Cr 4, 7-15; Mt 20, 20-28 PHỤC VỤ TRONG GIA ĐÌNH

Lễ Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ
2Cr 4, 7-15; Mt 20, 20-28
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Hôm nay Mẹ Giáo Hội cho chúng ta mừng kính Thánh Gia-cô-bê Tông đồ. Thánh Gia-cô-bê là con của ông Dê-bê-đê và bà Sa-lô-mê, anh của thánh Gio-an Tông Đồ; sống nghề chài lưới ở biển Giê-nê-gia-rét, bạn chài với Phê-rô và An-rê. Tin Mừng thường nhắc đến hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an Tông Đồ nhiều lần.
        Cụ thể là trong Tin mừng hôm nay, hai ông Gia-cô-bê và Gio-an nhờ mẹ của mình để xin Chúa cho được ngồi bên hữu và tả Người. Qua thỉnh nguyện này của hai ông, Chúa đã dạy cho các tông đồ và cũng là cho mỗi người chúng ta tinh thần phục vụ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải là người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.” (Mt 20, 26-27).
        Dâng Thánh lễ này chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi chúng ta có được tinh thần phục vụ như Chúa, đặc biệt đó là phục vụ trong đời sống gia đình.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối lỗi lầm để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

BÀI GIẢNG

PHỤC VỤ TRONG GIA ĐÌNH
        Kính thưa cộng đoàn! Thánh Mát-thêu trong bài Tin mừng hôm nay kể lại cho chúng ta nghe sự việc hai môn đệ con ông Dê-bê-đê đã nhờ mẹ của mình mà xin với Chúa cho được ngồi bên hữu và bên tả Chúa. Mặc dù theo Chúa cũng đã lâu, nhưng các ông vẫn nghĩ rằng Chúa sẽ thiết lập vương quyền trần thế, chính trị, thiết lập một vương quốc ở trần gian này. Tuy nhiên, Chúa đã trả lời với các ông việc được ngồi ở đâu hay có vị trí nào trong Nước Thiên Chúa, thì tùy thuộc vào quyền của Thiên Chúa Cha. Và Người đã dạy cho các ông một bài học thế nào là có quyền lực và chức vụ đích thực.
        Chúa nói rằng những người làm lớn thực sự, thì phải làm người phục vụ người khác. Ở đây, chúng ta không bàn tới những người có chức vụ cao trong trong xã hội, hay các linh mục trong Giáo hội, mà chúng ta chỉ đề cập đến vai trò làm lớn của những bậc làm cha mẹ trong đời sống gia đình.
        Thật vậy, trong gia đình, cha mẹ là người có vai trò lãnh đạo và có trách nhiệm quan trọng trên các thành viên khác. Vậy, cha mẹ phải thực thi trách nhiệm đó như thế nào cho đúng với Thánh ý Chúa?

1.   Trước hết, cha mẹ phải phục vụ, và hy sinh cho con cái.
Gia đình nào cũng phải có nề nếp trên dưới. Ông bà cha mẹ rồi mới tới anh chị em con cái. Trật tự này xuất phát từ quyền và trách nhiệm được Thiên Chúa đặt để từ thủa tạo thiên lập địa. Phần lớn các cha mẹ đã chu toàn vai trò trách nhiệm của mình. Tuy vậy, để trở thành một người làm đầu đích thực trong gia đình theo đúng với thánh ý Chúa thì ít người làm được.
Trên thực tế có một số cha mẹ, đã không làm gương cho con cái trong tinh thần phục vụ. Không ít người đã phải khổ sở với cha mẹ vì bị các ngài ép duyên hoặc đòi hỏi con phải chu cấp phụng dưỡng tiền bạc quá đáng, ngoài khả năng của con.
Cách đây không lâu, một ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam đã lên mạng xã hội tố cáo mẹ ruột của mình trước bàn dân thiên hạ. Ca sĩ này cho rằng, mẹ của mình là một con nghiện bài bạc, và lợi dụng tên tuổi của anh để lừa đảo nhiều người. Không xét đúng hay sai khi người ca sĩ tố cáo mẹ mình trên mạng xã hội, nhưng thiết nghĩ, nếu đó là sự thật thì đáng buồn cho những đứa con có những cha mẹ như thế.
Thật vậy, trong đời sống, bên cạnh những cha mẹ tốt lành chu toàn bổn phận nhưng còn rất nhiều cha mẹ gây gương mù gương xấu cho con, lợi dụng vai trò làm cha mẹ để làm khó dễ các con.
Chúa nói rất rõ: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20. 28). Do đó, cha mẹ cũng phải học gương phục vụ này của Chúa. Cha mẹ phải là người phục vụ và hy sinh cho con cái của mình.

2.   Kế đến, cha mẹ phải giáo dục cho con cái tinh thần phục vụ.
Nhiều cha mẹ phục vụ con không đúng cách, dẫn đến nuông chiều, hậu quả là con cái hư đốn, hỗn hào.
Do vậy, bên cạnh việc phục vụ và hy sinh cho con cái, cha mẹ còn có trách nhiệm giáo dục tinh thần phục vụ cho các con ngay từ khi chúng còn nhỏ. Cha mẹ phải là người giáo dục đức tin cho con. Phải là những tông đồ đầu tiên, rao truyền Lời Chúa cho chính con cái của mình, dù rằng vai trò tông đồ của cha mẹ rất mong manh như thánh Phao-lô đã nói trong bài đọc một trích thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô: “Chúng tôi mang sứ vụ tông đồ nơi mình, như chứa đựng kho tàng trong những bình sành.” (1Cr 4, 7).
Trong ngày ký kết giao ước hôn nhân, vợ chồng đã thề hứa sẽ yêu thương và giáo dục con cái theo luật Chúa. Do vậy, bên cạnh việc cha mẹ phải nuôi dưỡng, phục vụ và hy sinh cho con cái thì cũng phải hết sức chú ý đến khía cạnh giáo dục con. Dạy cho chúng giáo lý, nhất là dạy cho chúng tinh thần phục vụ và yêu thương theo đúng với khuôn mẫu của Chúa Giê-su. Có như vậy, sau này, con cái lớn lên, dựa trên mẫu gương cha mẹ đã sống, con cái chắc chắn cũng sẽ trở thành những con người biết phục vụ và hy sinh như chính cha mẹ đã làm. Có như vậy, gia đình của chúng ta đã thánh hóa nhau, cùng giúp nhau nên thánh trong bậc sống gia đình.
Nói tóm lại, qua lời Chúa hôm nay, những bậc làm cha làm mẹ cần ý thức lại vai trò của mình trong đời sống gia đình. Cha mẹ không những là người phục vụ và hy sinh cho con cái mà còn phải biết giáo dục, dạy dỗ đức tin và lòng mến, để chúng cũng có được tinh thần phục vụ và hy sinh. Đó chính là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa.


Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
Share:

Chúa nhật tuần XVI TN – B – CĐ Gr 23, 1-6; Ep 2, 13-18; Mc 6, 30-34 CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ MỖI KHI ĐẾN VỚI CHÚA?

Chúa nhật tuần XVI TN – B – CĐ
Gr 23, 1-6; Ep 2, 13-18; Mc 6, 30-34


LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Trong đời sống thường ngày, có một lúc nào đó trước khi đặt lưng xuống giường, chúng ta tâm sự điều gì với Chúa chưa? Chẳng hạn như kể cho Chúa nghe mọi công việc của chúng ta trong ngày. Thiết nghĩ nhiều người trong chúng ta vẫn thường đọc kinh sáng tối, hoặc cầu xin Chúa điều gì đó, chứ còn nói chuyện với Chúa như các tông đồ trong Tin Mừng hôm nay, kể lại cho Người biết mọi việc đã làm, có lẽ ít người thực hiện.
        Vâng! Thưa cộng đoàn, thông thường chúng ta cầu nguyện chỉ là để xin Chúa điều này điều kia, nhất là những khi chúng ta có chuyện gì khó khăn, bất an. Tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy chủ động trong tương quan của Chúa. Chúa chính là vị mục tử nhân lành, Người sẽ thấu hiểu và đỡ nâng chúng ta bất cứ khi nào chúng ta chạy đến với Người.
        Dâng Thánh lễ này, chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi chúng ta luôn biết tín thác và đặt niềm trông cậy vào Chúa là vị Mục tử nhân lành. Người không những ban cho chúng ta được sống mà còn sống dồi dào.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

BÀI GIẢNG
CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ MỖI KHI ĐẾN VỚI CHÚA?

        Kính thưa cộng đoàn! Cuộc sống của chúng ta nhiều cơ cực vất vả. Đã vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng gặp được những người lãnh đạo tốt lành, biết lo cho dân, sống vì dân. Bài đọc một trích sách tiên tri Giê-rê-mi-a cho chúng ta biết giới lãnh đạo Do thái Giáo đã chèn ép, bóc lột dân. Chính vì thế, qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-an Thiên Chúa hứa ban cho dân những mục tử tốt lành: Họ sẽ chăn dắt đoàn chiên. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa.” (Gr 23,4).
        Đến thời đến buổi, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, thực hiện kế hoạch cứu độ đã được tiên báo từ ngàn xưa. Người chính là vị Mục Tử Nhân Lành hy sinh tính mạng để cho chiên được sống và sống dồi dào.
        Cuộc sống của chúng ta, vốn dĩ quá vất vả. Đã vậy, mang trong mình thân phận phàm hèn, chúng ta dễ dàng có những lầm lỡ và sai đường lạc lối. Do đó, rất cần chúng ta siêng năng đến với Chúa, để được Chúa ủi an, đỡ nâng.
        Tuy vậy, nhiều người nói rằng thánh lễ Chúa nhật thật nhàm chán, đã vậy, rất ít những bài giảng hay có thể hữu ích cho đời sống của tôi. Và thế là nhiều người chỉ đi lễ vì giữ luật, chứ cũng chẳng biết phải nói gì, xin gì, hay cầu nguyện gì với Chúa.
        Như vậy, một câu hỏi đặt ra cho chúng ta trong lúc này: Tôi sẽ làm gì, nói gì và cầu nguyện như thế nào mỗi khi đến với Chúa, hay mỗi khi tham dự Thánh lễ?

1.   Trước hết là kể cho Chúa nghe những việc chúng ta đã làm.
        Tin mừng kể thuật lại: “Các tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.” (Mc 6, 30).
        Vâng! Chúa quan phòng, biết tất cả những việc chúng ta làm, thế nhưng việc chia sẻ với Chúa những công việc của chúng ta nói lên tình thân của chúng ta với Chúa. Thật vậy, khi chúng ta chia sẻ với Chúa một vấn đề gì đó, là chúng ta đang để cho Chúa có một chỗ đứng trong cuộc đời của chúng ta. Cũng giống như trẻ con, đi học được điểm 10 về khoe với bố mẹ, thì mỗi chúng ta không những khoe những ưu điểm mà còn kể cho Chúa biết cả những thất bại, đổ vỡ, lỗi phạm của chúng ta. Đó là tâm tình thân thương nhất giữa chúng ta với Thiên Chúa, đó là tình cảm cha và con, tình cảm của chủ chiên và con chiên.
        Chính khi chúng ta đến với Chúa với một sự chủ động như thế, với tâm tình cha con như thế thì chúng ta muốn cầu xin gì mà chẳng được, vì tất cả của Cha cũng là của con (x. Lc 15, 31).
       
2.   Kế đến, hãy nghỉ ngơi trong Chúa
Sau khi nghe các tông đồ tường thuật lại những việc các ông đã làm, Chúa nói với các ông: “Các con hãy tìm một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi đôi chút. Thật vậy, kẻ lui người tới quá đông nên các ông cũng chẳng có thời giờ ăn uống nữa” (Mc 6, 31).
        Thật vậy, máy móc làm việc quá tải chúng sẽ bị cháy, bị hư hại, đàng này chúng ta là con người, chúng ta không thể liên tục làm việc mà không nghỉ ngơi, ăn uống bồi bổ sức khỏe. Cuộc sống của chúng ta quá vất vả, nhiều chuyện, nhiều sự: nào là cơm áo gạo tiền, nào là vợ chồng con cái, tương quan này nọ…, chiếm hết thời gian của chúng ta. Do đó, rất nhiều người trong chúng ta bận rộn từ sáng đến tối, ngày này qua ngày khác, thậm chí cả ngày Chúa nhật cũng không có thời gian rảnh mà đến với Chúa.
Do vậy, khi đến với Chúa, dâng thánh lễ ngày Chúa nhật, chúng ta không chỉ chu toàn bổn phận của một tín hữu mà quan trọng là nơi Chúa ta được nghỉ ngơi.
        Nghỉ ngơi trước hết là biết dành thời gian chăm sóc cho chính bản thân mình. Kế đến, thời gian nghỉ ngơi cũng là lúc vợ chồng cha mẹ con cái thăm ông bà, hoặc bà con hàng xóm…
Không những thế, nghỉ ngơi cũng chính là thời gian chúng ta dành cho Chúa cách đặc biệt. Khi đến dâng Thánh lễ, chúng ta sẽ được Lời Chúa và Thánh Thể Chúa bồi bổ cho linh hồn suy nhược của chúng ta được mạnh mẽ, tràn đầy sức sống. Chính khi nghỉ ngơi bên Chúa, chúng ta có thời gian suy xét lại những việc chúng ta đã làm, và xin ơn Chúa giúp sức cho những gì chúng ta dự định được theo Thánh ý Chúa.

3.   Sau cùng, khi đến với Chúa, Chúa sẽ ban bình an cho chúng ta
        Chúa chính là vị Mục Tử Nhân Lành, tình yêu của Người luôn đi bước trước. Điều đó được chứng tỏ khi chỉ cần “nhìn thấy đám đông thì Người chạnh lòng thương vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6, 34). Chính vì Người luôn yêu thương chúng ta trước, nên Chúa cũng sẽ chủ động ban những ơn ích thiêng liêng cho chúng ta trong đời sống mà đôi khi không cần chúng ta phải cầu xin. Một trong những ơn trọng đại mà ai trong chúng ta cũng mong muốn đó là ơn bình an. Quả thật, thánh Phao-lô đã nói rõ: “Chính Người là Bình an của chúng ta.” (Ep 2, 14). Vậy khi chúng ta rước Thánh Thể Chúa vào lòng, là chúng ta rước lấy chính Đấng Bình An. Một khi có được Đấng Bình An, chúng ta sẽ luôn an nhàn thư thái cho dù chúng ta đang phải đối đầu với muôn ngàn khó khăn trong đời sống.

        Nói tóm lại, qua Lời Chúa Chúa nhật 16 thường niên hôm nay, chúng ta cần xác nhận lại vai trò quan trọng của Chúa Giê-su trong cuộc đời của chúng ta. Người chính là vị Mục Tử Nhân Lành. Khi ở bên Người, chúng ta sẽ được nghỉ ngơi về thân xác, no đầy về linh hồn, và quan trọng, Người sẽ chính Thánh Thể Người, là nguồn bình an đích thực cho chúng ta. Bình an đó là thứ quý giá nhất mà ai cũng mong muốn bởi đơn giản: “Tâm an vạn sự an!”. Amen.

Lm. Mar –Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS




Share:

Chúa nhật tuần XVI TN – B – GT Gr 23, 1-6; Ep 2, 13-18; Mc 6, 30-34 NGHỈ NGƠI TRONG CHÚA

Chúa nhật tuần XVI TN – B – GT
Gr 23, 1-6; Ep 2, 13-18; Mc 6, 30-34

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn và các bạn trẻ thân mến! Hằng ngày tất cả chúng ta đều phải lao đầu vào làm việc vất vả để lo cho đời sống của mình. Nhiều khi chúng ta làm việc hăng say, quên mỏi mệt. Thế nhưng, đang khi chúng ta sung sức làm việc như thế thì Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta: “Anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 30-34).
        Vâng! Giữa thời đại công nghiệp và sống trong một xã hội náo nhiệt này thì làm gì có chỗ thanh vắng mà nghỉ ngơi. Tuy vậy, sâu hơn lời mời gọi này, Chúa muốn các bạn trẻ biết dành thời gian để tĩnh tâm, suy nghĩ về những đời sống của mình.
        Tụ họp nhau đây dâng Thánh lễ, chúng ta không chỉ ca ngợi chúc tụng tạ ơn Chúa, mà thật ra là chúng ta đang dành cho chính mình một ít phút ngắn ngủi để nghỉ ngơi trong Chúa.
        Dâng Thánh Lễ này, chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi bạn trẻ chúng ta biết tận dụng một ít thời gian, dù là ngắn ngủi trong tuần để ca tụng, tạ ơn Thiên Chúa và nhất là để cho thân xác và linh hồn chúng ta được nghỉ ngơi, bồi dưỡng.
        Hôm nay cũng là ngày Rước Lễ lần đầu của một vài bạn trẻ, chúng ta cũng hãy cùng hiệp lời cầu nguyện, xin Chúa Giê-su Thánh Thể trở nên nguồn hạnh phúc và bình an mỗi khi các bạn rước Mình Thánh Chúa.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối đế xứng đáng cứ hành Mầu Nhiệm Thánh.

BÀI GIẢNG
NGHỈ NGƠI TRONG CHÚA

        Kính thưa cộng đoàn, cách riêng các bạn trẻ thân mến! Giới trẻ chính là nòng cốt của gia đình và xã hội. Ở các bạn có tất cả: sức trẻ, sức khỏe, tương lai, công ăn việc làm, nhiệt huyết, hoài bão ước mơ to lớn, có trách nhiệm với gia đình và xã hội…Chính vì thế mà ngày ngày các bạn lao đầu vào làm việc, bất chấp tất cả.
Thế nhưng, nhiều người, sau khi thời trai trẻ qua đi đã than vãn rằng phải chi ngày xưa, khi còn trẻ, mình biết dưỡng sức, biết giữ gìn sức khỏe, hoặc phải chi ngày xưa khi còn trẻ, mình biết thận trọng, suy nghĩ trước khi hành động hơn một chút, để bây giờ mình khỏi phải mang lấy bệnh tật, hoặc phải gánh lấy những hậu quả, mà tuổi trẻ đã lầm lỡ gây ra…
        Vâng! Có thể nói, Tin Mừng hôm nay như một lời mời gọi rất thiết thực của Chúa cho giới trẻ chúng ta: “Anh em hãy lánh ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mt 6, 31).
Vậy, chúng ta phải nghỉ ngơi như thế nào để tốt cho chúng ta và phù hợp với thánh ý Chúa?

1.   Trước hết, nghỉ ngơi về thân xác.
        Tin mừng cho biết Chúa Giê-su và các môn đệ đã quá vất vả làm việc cực nhọc để rao giảng và giúp đỡ nhiều người. Kẻ lui người tới quá đông, đến nỗi các ông chẳng có thời giờ để ăn uống. (x. Mt 6, 31b).
        Cũng vậy, trong đời sống, giới trẻ chúng ta bận rộn quá nhiều. Thứ hai đầu tuần mở mắt ra là đã phải bắt đầu vất vả. Đến thứ bảy, chủ nhật muốn được nghỉ ngơi đôi chút thì phải đi đám này, tiệc nọ, hoặc nhiều bạn còn tranh thủ đi làm để tăng thêm thu nhập, để có chút ít làm vốn gửi về quê cho ba mẹ và các em. Do vậy, nhiều khi thèm lắm một ngày được nghỉ ngơi, thèm lắm một ngày được ngủ một giấc thật đã mà nhiều bạn trẻ cũng không có.
        Theo tự nhiên, thân xác của chúng ta, nếu làm việc quá tải thì nó sẽ mau xuống sức, và chẳng mấy chốc sức khỏe suy kém, sức đề kháng xuống, chúng ta dễ dàng mắc các bệnh tật. Thực tế là có rất nhiều người mới bước qua tuổi 30 nhưng đã mắc rất nhiều bệnh tật. Đó là chưa kể đến thực phẩm ngày ngày chúng ta ăn, không bảo đảm chất lượng an toàn, nên nguy cơ mắc ung thư là rất cao.
        Chính vì thế, được lời Chúa đánh động, chúng ta cần phải biết dành thời gian để cho thân xác chúng ta được nghỉ ngơi. Cũng như phải biết dành thời gian để chăm sóc chính bản thân mình. Có biết chăm sóc bản thân, và để cho cơ thể chúng ta được nghỉ ngơi thì chúng ta mới có một sức khỏe tốt và tinh thần minh mẫn mà tiếp tục làm việc.

2.   Kế đến, nghỉ ngơi về linh hồn
        Thật vậy, nếu như chúng ta để cho thân xác chúng ta được nghỉ ngơi làm sao, thì linh hồn của chúng ta cũng cần được nghỉ ngơi như vậy. Hơn nữa, thân xác này sẽ qua đi và hư nát, chứ linh hồn chúng ta không bao giờ mục nát. Nếu chúng ta không biết chăm sóc cho linh hồn thì sau khi lìa thế, chúng ta sẽ đánh mất hạnh phúc Nước Trời và chúng ta sẽ mãi đau khổ vì xa rời Thiên Chúa.
        Do đó, chúng ta phải chăm sóc và để cho linh hồn chúng ta được nghỉ ngơi. Nhưng linh hồn chúng sẽ nghỉ ngơi như thế nào?
        Thưa! Bằng cách trao linh hồn của chúng ta vào bàn tay của Thiên Chúa. Tin mừng nói rõ: “Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 6, 34). Và vì yêu thương con người, nên trong bữa tiệc sau hết, Chúa biết mình sẽ không còn ở thế gian cách hữu hình nữa, nên Người kêu gọi và trao nhiệm vụ cho nhiều người khác, trở thành linh mục để tiếp tục chăm lo cho đoàn chiên của Người cho đến tận thế.
        Thật vậy, dân Chúa, thời nào cũng lao đao vất vả, long đong  lệnh đệnh, đặc biệt là thời Cựu Ước, khi mà Chúa chưa đến trần gian thì dân Chúa không những bị giặc xâm lăng mà còn bị chính những chủ chăn của mình ức hiếp. Bài đọc 1 trích sách tiên tri Giê-rê-mi-a  cho chúng ta biết điều đó: “khốn thay những mục tử làm cho chiên ta phải thất lạc và tan tác.” (Gr 23, 1). Vì thế, qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a Thiên Chúa đã hứa ban những chủ chiên đích thực: “Ta sẽ cho xuất hiện các chủ chiên đích thực để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp vì bị bỏ rơi nữa.” (Gr 23,4).
        Vâng! Chúa Giê-su chính là vị mục tử nhân lành, hy sinh tính mạng để cho chiên được sống.
        Như vậy, chúng ta muốn để cho linh hồn chúng ta được nghỉ ngơi, thì mỗi người phải năng đến với Chúa Giê-su, là chủ chăn đích thực mà Thiên Chúa đã ban cho loài người. Đến với Chúa Giê-su bằng cách siêng năng tham dự Thánh lễ, nhất là lễ Chúa nhật, cũng như dành thời gian viếng Thánh Thể Chúa.
        Thật vậy, khi chúng ta đến với Chúa Giê-su Thánh Thể linh hồn chúng ta không chỉ được nghỉ ngơi mà hơn nữa là được bồi bổ và dưỡng nuôi. Lời Chúa giúp ích cho chúng ta vững vàng trong đời sống, Thánh Thể Chúa trở nên lương thực cho chúng ta trên đường về quê trời. Cha thánh Eymard đã cảm nghiệm được điều đó nên đã nói: “Chỉ 15 phút trước Chúa Giê-su Thánh Thể cũng đủ để tôi lấy lại được sức sống và bình an.”

        Nói tóm lại, qua Lời Chúa Chúa nhật 16 thường niên hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta đừng để cho cuộc sống này làm chủ mà chúng ta phải biết dành thời gian để nghỉ ngơi dưỡng sức. Nghỉ ngơi dưỡng sức cả về thân xác và linh hồn. Thân xác cần có thời gian nghỉ để bồi bổ, linh hồn cũng cần được Lời và Thánh Thể Chúa nuôi dưỡng. Có như vậy, chúng ta mới đủ sức đối đầu với những khó khăn trong cuộc sống cũng như chiến đấu chống lại sức mạnh của ma quỷ. Nếu chúng ta làm được điều này, thì chắc rằng chúng ta sẽ có được một thân xác khỏe mạnh và một linh hồn luôn tràn ngập trong ân sủng của Chúa. Amen.

Lm. Mar –Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
Share:

Thứ bảy tuần XV TN – CĐ Mk 2, 1-5; Mt 12, 14-21 CẢM HÓA NHAU BẰNG SỰ DỊU HIỀN

Thứ bảy tuần XV TN – CĐ
Mk 2, 1-5; Mt 12, 14-21

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Tụ họp nhau mỗi ngày thứ bảy chúng ta cùng với Đức Ma-ri-a hợp dâng thánh lễ này. Dâng vào tay Mẹ trót nỗi buồn vui của kiếp nhân sinh, nhờ Mẹ dâng lên Con Chí Thánh của Mẹ.
        Tin mừng hôm nay gợi cho chúng ta chân dung đích thực của Đức Ki-tô, Người chính là Tôi Trung của Thiên Chúa, dịu hiền, nhân từ. Người dùng chính sự dịu hiền nhân từ đó để chống lại các ác, sự xấu và cả các thế lực thù địch.
        Dâng Thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi chúng ta biết học sự dịu hiền nhân từ như Chúa mà đối xử với nhau.
        Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.


BÀI GIẢNG
CẢM HÓA NHAU BẰNG SỰ DỊU HIỀN

        Kính thưa cộng đoàn! Thông thường trong đời sống, chúng ta muốn mướn ai đó làm bảo vệ cho công ty hoặc cơ sở, thậm chí cho bản thân thì chúng ta phải chọn những người to, khỏe và nhất là biết võ thuật. Bởi đơn giản, nếu có trộm cướp, hoặc kẻ thù thì người bảo vệ có thể dùng vũ lực mà chống lại kẻ xấu. Hoặc khi chúng ta bị đe dọa, bị dồn vào đừng cùng, thường mọi việc sẽ được giải quyết bằng sức mạnh, đấu tranh.

        Tuy vậy, với Chúa Giê-su thì hoàn toàn ngược lại. Đứng trước những người Pha-ri-siêu tìm cách giết hại Chúa, thay vì Chúa dùng quyền năng của mình mà diệt trừ kẻ thù, đằng này Người lánh khỏi nơi đó. Đức Giê-su được diễn tả đúng với Người Tôi Trung của Thiên Chúa mà sách tiên tri I-sa-ia đã nói đến: “Người sẽ không cãi vả, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường…” (Mt 12, 19).

        Thật vậy, Đức Giê-su không là vị lãnh tụ như những nhà lãnh tụ của trần thế này, dùng quyền lực mà trị dân. Người là bậc thầy trong việc đào tạo nội tâm, chiều sâu nơi linh hồn con người một cách êm ả, thanh bình và chân thành. Người không gây náo động hay dùng quyền lực. Người không o ép kẻ khác. Vai trò của Đức Giê-su chính là làm thức tỉnh lương tâm con người, chữa lành các vết thương, giúp cho các tội nhân lấy lại can đảm mà làm lại cuộc đời.

        Như vậy, Lời Chúa hôm nay phác lại cho chúng ta chân dung đích thực của Chúa Giê-su. Chúa là một vị lãnh đạo nhân từ, hiền hậu, dùng tình yêu mà hoán cải lòng con người.

        Mỗi chúng ta cần học đức tính này nơi Chúa cách triệt để. Thật vậy, trong đời sống gia đình, nhiều người trong chúng ta hay cau có, chửi rủa, dùng sức mạnh hay quyền lực mà cư xử với nhau. Nhiều bà vợ, có thói quen lúc nào cũng càm ràm chồng con. Nhiều ông chồng thì lại có tính vũ phu, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ con…Chỉ vì chúng ta nóng giận và không làm chủ được bản thân, nên chúng ta thường có những lời nói và hành động gây tổn thương cho nhau. Hậu quả, nhẹ thì gây xáo trộn bất an trong đời sống gia đình, nặng thì ly thân, ly dị, gia đình đổ vỡ.

        Nguyên nhân chính đó là chúng ta quá nóng nảy, cố giải quyết các vấn đề khi trong người đang bực tức. Hãy học nơi gương lành của Chúa. Ngay cả khi Chúa bị những người Pha-ri-siêu tìm cách giết mình thì Chúa vẫn không nóng nảy, bực tức, hay chống đối lại họ. Trái lại, Chúa lấy sự dịu hiền, nhân từ mà chống lại cái xấu và sự gian ác.
        Nói như vậy, thì không có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng im lặng, dù chồng mình, vợ mình, con mình sai lỗi. Cũng có những lúc Chúa nổi nóng và Người quát mắng. Nhưng Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương thương suốt cả đời (Tv 30,6). Những gì chúng ta cảm thấy cần nói, để xây dựng gia đình mỗi ngày tốt hơn thì trong trách nhiệm làm chồng, làm vợ, làm cha làm mẹ đôi khi chúng ta cũng phải nóng giận. Nhưng trên hết, chúng ta nóng giận là vì yêu thương chứ không phải ghét bỏ.

        Nói tóm lại, qua Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta hãy biết noi gương Chúa, sống hiền từ và nhân lành. Lấy tình yêu thương mà cư xử với nhau, hãy cảm hóa nhau bằng sự dịu hiền. Ngay cả khi chúng ta bị sự xấu, cái ác đe dọa thì hãy học như Chúa, lấy sự nhân từ và hiền hòa để chống lại thay vì chỉ dùng bạo lực. Vì đơn giản như Chúa đã nói: Kẻ dùng gươm thì chết vì gươm (Mt 26, 52). Amen.


Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
Share:

Thứ Sáu tuần XV TN Is 38, 1-6.21-22.7-8; Mt 12,1-8 LUẬT YÊU THƯƠNG

Thứ Sáu tuần XV TN
Is 38, 1-6.21-22.7-8; Mt 12,1-8

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Mỗi ngày thứ sáu chúng ta tụ họp dâng thánh lễ, tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa để cứu chuộc chúng ta. Qua đó, mỗi người chúng ta cũng hãy dâng lên Chúa những khó khăn khốn khổ trong đời sống của mình, xin Chúa mang vác dùm cho chúng ta.
        Tin mừng hôm nay đề cập đến chuyện những người Pha-ri-siêu tìm cách bắt bớ Chúa và các môn đệ khi cho rằng các ngài vi phạm luật Sa-bát. Qua đó Chúa Giê-su đã dạy cho chúng ta bài học về việc giữ luật. Luật để giúp con người chứ con người không vì luật.
        Với tất cả tâm tình đó, dâng thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi chúng ta luôn biết thực thi luật bác ái mến Chúa yêu người thay vì chỉ biết lệ vào luật lệ mà bắt bẻ lẫn nhau.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

BÀI GIẢNG
LUẬT YÊU THƯƠNG

        Kính thưa cộng đoàn! Trong đời sống chúng ta giữ không biết bao nhiêu là luật lệ. Luật dân sự, luật giao thông,... Luật có vai trò quan trọng trong đời sống, giúp cho xã hội được ổn định trật tự, từ đó mang lại hòa bình cho mọi người.
        Tuy vậy, Giáo luật, hay luật của Giáo hội lại có một ý nghĩa hoàn toàn khác. Luật của Thiên Chúa không chỉ giúp con người có được cuộc sống bình an nhưng quan trọng luật Chúa nhằm mang đến sự sống đời sau cho con người.
        Từ khởi nguyên, vốn đã không có bất kỳ một luật lệ nào. Tuy vậy, nguyên tổ của chúng ta đã sa ngã và hậu quả là nhân loại phải chết. Và vì yêu thương nhân loại, muốn cứu sống con người nên Thiên Chúa đã ban luật của Người, hay còn gọi là Mười Điều Răn, để những ai thi hành luật này thì được sống muôn đời.
        Thế nhưng, trải dài trong lịch sử, từ Mười Điều Răn của Thiên Chúa, những nhà lãnh đạo Do thái đã thêm vào vô số những điều luật khác. Và với não trạng của họ, con người được cứu độ nhờ thi hành nghiêm ngặt những gì luật dạy. Đây quả là một thái độ cực đoan, lệ luật.
        Chính trong não trạng lệ luật đó mà hôm nay những người Pha-ri-siêu kết án Chúa và các môn đệ đã lỗi luật ngày Sa-bát. Một hành động tưởng chừng rất nhỏ và không có chủ ý, các môn đệ chỉ bứt lúa, vo trên tay vài hạt rồi ăn, vậy mà những người lệ luật cho rằng các ngài đã vi phạm ngày Sa-bát vì dám lao động trong ngày này.
        Trước thái độ cực đoan, lệ luật này của những người Pha-ri-siêu, Chúa Giê-su đã bác bỏ và dạy cho họ và cũng là cho chúng ta một bài học về việc giữ luật đúng nhất.
        Trước hết, Chúa đưa ra hình ảnh Vua Đa-vít và các thuộc hạ của ông, trong khi trốn chạy khỏi cuộc truy sát của vua Sa-un, ông và các thuộc hạ đói bụng nên đã ăn bánh trong đền thờ. Mà thứ bánh này chỉ có một mình tư tế mới được ăn. Luật là thế, nhưng trong trường hợp nguy cấp thì không còn luật nữa, sự sống của con người là trên hết.
Sau đó Chúa xác định: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế” (Mt 12, 7). Nghĩa là con người dù có giữ luật, dâng tiến cho Chúa muôn vàn của lễ nhưng không có tình yêu, không có lòng nhân từ với nhau thì việc giữ luật cũng vô nghĩa.
Như vậy, Chúa Giê-su dạy cho chúng ta cốt tủy của mọi lề luật là thi hành ý muốn của Thiên Chúa; mà ý muốn của Thiên Chúa là luôn luôn yêu thương và nhân nghĩa với tha nhân. Thiếu tinh thần này thì cho dù giữ luật nghiêm ngặt đến đâu cũng trở nên vô ích.
        Kính thưa cộng đoàn! Nói đến đây, chúng ta liên tưởng đến nhiều người cũng giữ luật rất nghiêm ngặt, như siêng năng đi lễ, hoặc chầu Thánh Thể, hoặc ăn chay…Tuy vậy, trong đời sống thì họ thường lấy mình làm chuẩn và lên án người khác. Hơn nữa, họ không biết tha thứ, nhường nhịn người khác, thậm chí họ còn chửi rủa, lên án, chỉ trích những người trong gia đình của mình. Thiết nghĩ rằng những người như thế cũng giống như những người Pha-ri-siêu, chỉ giữ luật mà không biết yêu thương tha nhân, như vậy, việc giữ luật cũng chẳng mang lợi ích gì cho họ.
        Cầu mong sao cộng đoàn chúng ta đừng có ai như thế. Xin Chúa chúc lành cho mỗi chúng ta, để mỗi ngày sống, chúng ta thực thi trọn vẹn luật yêu thương thay vì chỉ biết lên án và chỉ trích người khác. Amen


Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS  
Share:

VAI TRÒ CỦA LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI TU SĨ LINH MỤC


Thứ Ba tuần XIV thường niên
Hs 8, 4-7. 11-13; Mt 9, 32-38

VAI TRÒ CỦA LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG 
NGƯỜI TU SĨ LINH MỤC

Kính thưa quý cha và anh em! Trong đời sống, chúng ta đọc rất nhiều sách, nhưng có lẽ quyển sách gối đầu mà mỗi ngày chúng ta không những đọc mà còn suy niệm đó chính là Lời Chúa. Thật vậy, Lời Chúa có vai trò rất quan trọng trong đời sống của tín hữu nói chung và của mỗi một tu sĩ và nhất là một Linh mục nói riêng. Cha Eymard cũng đã có phần cứng rắn khi cho rằng “một linh mục mà mỗi ngày không đọc Kinh Thánh thì xem như phí một ngày đó.” (NR 9,7)
        Trong ý tưởng đó, đặt nền tảng trên Lời Chúa, thứ ba tuần 14 thường niên hôm nay, con xin phép được chia sẻ với quý cha và anh em đề tài: VAI TRÒ CỦA LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG CỦA TU SĨ LINH MỤC, với 3 nội dung chính sau:
·     Lời Chúa làm phát triển đức tin
·     Lời Chúa giúp củng cố đức cậy
·     Lời Chúa thúc đẩy ta sống đức ái tràn đầy

1.   Trước hết, Lời Chúa giúp phát triển đức tin.
        Mở đầu Tin mừng hôm nay thánh Mát-thêu trình bày cho chúng ta việc Đức Giê-su đã chữa lành một người bị quỷ ám, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: “Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel”. Tuy vậy, điều lạ lùng và đáng kinh ngạc hơn đó là dân chúng đã không tin vào Chúa, và cho rằng Người dùng thế quỷ mà trừ quỷ.
        Cũng vậy, trong đời sống, chúng ta cũng khó lòng mà tin vào Thiên Chúa, mặc dầu chúng ta đã được thấy tận mắt phép lạ nhãn tiền mỗi ngày, phép lạ biến đổi bản thể bánh rượu thành Mình Máu Chúa; dù chúng ta là thừa tác viên chính thức của Giáo Hội; được ủy thác để cử hành mầu nhiệm thánh này.
Làm sao chúng ta có thể tin được vào sự biến đổi, và trăm ngàn những chân lý, mầu nhiệm cao sâu khác nữa nếu chúng ta không đọc và suy niệm cũng như rút tỉa những điều đó ra từ Kinh Thánh.
Thật vậy, Kinh thánh chính là Lời Chúa mặc khải cho chúng ta cách tỏ tường qua chính ngôn ngữ của loài người. Mặc dầu chúng ta được thừa hưởng đức tin từ các thế hệ trước, nhưng đức tin ấy cần được phát triển lớn mạnh theo thời gian. Do đó, việc siêng năng đọc và suy niệm Lời Chúa sẽ giúp chúng ta phát triển đức tin mỗi ngày một mạnh mẽ hơn.
       
2. Vai trò thứ hai của Lời Chúa, đó là củng cố đức cậy cho chúng ta.
Trong đời sống của một tu sĩ linh mục, nhất là những thời điểm giao thời, hoặc có những biến cố nào đó, thường tạo ra những khủng hoảng trong đời sống cá nhân và cộng đoàn. Những lúc như thế, chúng ta thường bị cám dỗ lỗi đức trông cậy qua việc bất mãn, hoặc mất tin tưởng vào bản thân, vào một ai đó, thậm chí là mất niềm tin vào nhà Dòng, lỗi đức trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Bài đọc 1 trích sách Hô-sê cho chúng ta thấy được dân Ít-ra-en đã mất đức trông cậy vào Thiên Chúa khi họ rời bỏ giáo huấn của Người mà thờ ngẫu tượng. Chính trong hoàn cảnh đó, qua miệng ngôn sứ Hô-sê, Thiên Chúa đã thể hiện sự trung thành của Người, Người vẫn luôn hướng đến dân dẫu họ tội lỗi, bất trung và phản bội.
Như vậy, giữa những thử thách trong đời tu chúng ta cần có Lời Chúa soi dẫn và Lời đó trở thành kim chỉ nan giúp chúng ta củng cố đức trông cậy vào Thiên Chúa. Dù thế nào đi nữa thì Người cũng muốn điều tốt nhất cho mỗi người chúng ta.
Chắc chắn rằng, nếu chúng ta là người siêng năng đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày thì không bao giờ bị lỗi đức trông cậy mà hơn nữa, nhờ Lời, đức cậy được củng cố, qua đó chúng ta luôn biết tín thác vào sự quan phòng và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

3. Lời Chúa thúc đẩy ta sống đức ái tràn đầy.
Có thể nói toàn bộ giáo huấn của Đức Giê-su tóm gọn ở giới răn yêu thương: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới đó là anh em hãy yêu thương nhau”. Chúa Giê-su đã rất mực yêu thương chúng ta và Người đã thể hiện tình yêu thương ấy bằng hành động tự hiến.
Mỗi chúng ta cần siêng năng đọc và suy gẫm Lời Chúa mới có thể thấm nhuần được giới răn yêu thương này, vì đây là tóm gọn toàn bộ mọi điều răn của Thiên Chúa, dàn trãi khắp Kinh thánh. Để rồi từ đó, được Lời Chúa thúc đẩy, chúng ta sẵn sàng cộng tác với Chúa qua việc đáp lại lời mời gọi trở nên thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít; trở nên một tông đồ Thánh Thể đích thực của Chúa: Chúa gọi tôi phụng sự Thánh Thể Người cho dù tôi bất xứng.

Nói tóm lại, qua các bài đọc hôm nay, đã giúp chúng ta nhận ra được VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG CỦA MỘT TU SĨ LINH MỤC. Lời Chúa giúp phát triển đức tin, củng cố đức cậy và thúc đẩy ta thực thi đức mến.
Cầu xin Chúa ban ơn xuống trên mỗi chúng ta, để mỗi ngày khi đọc và suy niệm Lời Chúa, chúng ta ngày thêm mạnh mẽ trong đức tin, vững vàng trong đức cậy và một lòng mến sắt son. Amen



Share: