Thứ bảy tuần XV TN – CĐ
Mk 2, 1-5; Mt 12, 14-21
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
Kính thưa cộng đoàn! Tụ họp nhau mỗi ngày thứ bảy chúng ta
cùng với Đức Ma-ri-a hợp dâng thánh lễ này. Dâng vào tay Mẹ trót nỗi buồn vui của
kiếp nhân sinh, nhờ Mẹ dâng lên Con Chí Thánh của Mẹ.
Tin mừng hôm nay gợi cho chúng ta chân dung đích thực của Đức
Ki-tô, Người chính là Tôi Trung của Thiên Chúa, dịu hiền, nhân từ. Người dùng
chính sự dịu hiền nhân từ đó để chống lại các ác, sự xấu và cả các thế lực thù
địch.
Dâng Thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi chúng
ta biết học sự dịu hiền nhân từ như Chúa mà đối xử với nhau.
Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành
Mầu Nhiệm Thánh.
BÀI GIẢNG
CẢM HÓA NHAU BẰNG SỰ DỊU HIỀN
Kính thưa cộng đoàn! Thông thường trong đời sống, chúng ta muốn
mướn ai đó làm bảo vệ cho công ty hoặc cơ sở, thậm chí cho bản thân thì chúng
ta phải chọn những người to, khỏe và nhất là biết võ thuật. Bởi đơn giản, nếu
có trộm cướp, hoặc kẻ thù thì người bảo vệ có thể dùng vũ lực mà chống lại kẻ xấu.
Hoặc khi chúng ta bị đe dọa, bị dồn vào đừng cùng, thường mọi việc sẽ được giải
quyết bằng sức mạnh, đấu tranh.
Tuy vậy, với Chúa Giê-su thì hoàn toàn ngược lại. Đứng trước
những người Pha-ri-siêu tìm cách giết hại Chúa, thay vì Chúa dùng quyền năng của
mình mà diệt trừ kẻ thù, đằng này Người lánh khỏi nơi đó. Đức Giê-su được diễn
tả đúng với Người Tôi Trung của Thiên Chúa mà sách tiên tri I-sa-ia đã nói đến:
“Người sẽ không cãi vả, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa
phố phường…” (Mt 12, 19).
Thật vậy, Đức Giê-su không là vị lãnh tụ như những nhà lãnh tụ
của trần thế này, dùng quyền lực mà trị dân. Người là bậc thầy trong việc đào tạo
nội tâm, chiều sâu nơi linh hồn con người một cách êm ả, thanh bình và chân
thành. Người không gây náo động hay dùng quyền lực. Người không o ép kẻ khác. Vai
trò của Đức Giê-su chính là làm thức tỉnh lương tâm con người, chữa lành các vết
thương, giúp cho các tội nhân lấy lại can đảm mà làm lại cuộc đời.
Như vậy, Lời Chúa hôm nay phác lại cho chúng ta chân dung
đích thực của Chúa Giê-su. Chúa là một vị lãnh đạo nhân từ, hiền hậu, dùng tình
yêu mà hoán cải lòng con người.
Mỗi chúng ta cần học đức tính này nơi Chúa cách triệt để. Thật
vậy, trong đời sống gia đình, nhiều người trong chúng ta hay cau có, chửi rủa,
dùng sức mạnh hay quyền lực mà cư xử với nhau. Nhiều bà vợ, có thói quen lúc
nào cũng càm ràm chồng con. Nhiều ông chồng thì lại có tính vũ phu, thượng cẳng
chân, hạ cẳng tay với vợ con…Chỉ vì chúng ta nóng giận và không làm chủ được bản
thân, nên chúng ta thường có những lời nói và hành động gây tổn thương cho nhau.
Hậu quả, nhẹ thì gây xáo trộn bất an trong đời sống gia đình, nặng thì ly thân,
ly dị, gia đình đổ vỡ.
Nguyên nhân chính đó là chúng ta quá nóng nảy, cố giải quyết
các vấn đề khi trong người đang bực tức. Hãy học nơi gương lành của Chúa. Ngay
cả khi Chúa bị những người Pha-ri-siêu tìm cách giết mình thì Chúa vẫn không
nóng nảy, bực tức, hay chống đối lại họ. Trái lại, Chúa lấy sự dịu hiền, nhân từ
mà chống lại cái xấu và sự gian ác.
Nói như vậy, thì không có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng im lặng,
dù chồng mình, vợ mình, con mình sai lỗi. Cũng có những lúc Chúa nổi nóng và Người
quát mắng. Nhưng Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương thương
suốt cả đời (Tv 30,6). Những gì chúng ta cảm thấy cần nói, để xây dựng gia đình
mỗi ngày tốt hơn thì trong trách nhiệm làm chồng, làm vợ, làm cha làm mẹ đôi
khi chúng ta cũng phải nóng giận. Nhưng trên hết, chúng ta nóng giận là vì yêu thương
chứ không phải ghét bỏ.
Nói tóm lại, qua Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta hãy biết
noi gương Chúa, sống hiền từ và nhân lành. Lấy tình yêu thương mà cư xử với
nhau, hãy cảm hóa nhau bằng sự dịu hiền. Ngay cả khi chúng ta bị sự xấu, cái ác đe dọa thì hãy học như Chúa, lấy sự
nhân từ và hiền hòa để chống lại thay vì chỉ dùng bạo lực. Vì đơn giản như Chúa
đã nói: Kẻ dùng gươm thì chết vì gươm (Mt 26, 52). Amen.
Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng
Phúc, SSS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét