LỄ THÁNH NỮ MÔ-NI-CA
BỔN MẠNG CÁC BÀ MẸ
(Hc 26,1-4.13-16; Lc 7, 11-17)
SỨC MẠNH
CỦA NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT
Kính
thưa cộng đoàn! Không ai muốn khóc cả. Bởi nước mắt thường gắn liền với nỗi buồn.
Và dĩ nhiên, có ai trong chúng ta lại muốn buồn phiền bao giờ. Tuy nhiên, sự buồn
phiền và nước mắt có sức mạnh của nó. Vậy, sức mạnh của giọt nước mắt nằm ở chỗ
nào?
Chúng
ta thử tìm hiểu qua ba phụ nữ tiêu biểu sau, để xem đâu là sức mạnh từ những giọt
nước mắt:
1. Trước hết là Đức Ma-ri-a.
Sau
lời xin vâng, Đức Ma-ri-a đã trải qua một cuộc hành trình đầy nước mắt. Ở đây
chúng ta không kể ra từng chi tiết, từng biến cố mà Đức Ma-ri-a đã vượt qua,
nhưng chỉ cần chiêm ngắm hình ảnh người phụ nữ ngồi ôm xác con ngay dưới chân
thập giá cũng đủ để cho chúng ta thấy được Đức Ma-ri-a đã khóc nhiều như thế
nào. Những giọt nước mắt của Đức Mẹ đã được Chúa nhận lời, qua việc làm cho Đức
Giê-su trỗi dậy từ cõi chết.
2. Người phụ nữ tiếp theo, xin cộng đoàn cùng
chiêm ngắm đó chính là bà góa thành Na-im mà Tin mừng hôm nay đề cập đến.
Bà
có mỗi một đứa con trai, và con của bà đã chết. Vì thế bà đã khóc than thảm thiết.
Người phụ nữ Do thái không có vị trí nào trong xã hội, hoàn toàn lệ thuộc vào người
nam. Vì thế, khi con của bà chết, xem như cuộc đời của bà cũng không còn ý
nghĩa gì nữa. Bà khóc thương đứa con đã chết cũng là khóc thương cho thân phận
mình.
Trước sự đau khổ và bế tắc của bà, một cuộc gặp gỡ định mệnh
đã xảy ra làm thay đổi cuộc đời bà. Đức Giê-su đã đi bước trước, trông thấy bà,
Người chạnh lòng thương và đã cứu sống con trai bà.
3. Nhân vật thứ ba mời cộng đoàn chiêm ngắm đó
chính là chân dung thánh nữ Mô-ni-ca mà chúng ta mừng kính hôm nay.
Không
phải ngẫu nhiên mà thánh Mô-ni-ca được đặt làm quan thầy của các bà mẹ. Bởi
thánh nhân đã trải qua cuộc đời đầy nước mắt, khóc cho chồng và khóc cho con. Cuối
cùng, nhờ những giọt nước mắt đó mà Chúa đã nhận lời. Người chồng trước khi mất
đã quay trở về với Chúa, đứa con trai hư hỏng theo lạc giáo đã quay về với đức
tin chân chính.
Vâng
thưa cộng đoàn! Ba người phụ nữ trên đã dùng nước mắt của mình mà cảm hóa các
thành viên trong gia đình. Có thể nói nhờ những giọt nước mắt mà phép lạ đã xảy
ra.
Tuy
nhiên, thiết nghĩ các bà mẹ của chúng ta ở đây, cũng đã từng khóc cho chồng, từng
rơi nước mắt vì những đứa con, khóc không chỉ một lần mà rất nhiều lần. Thế tại sao phép lạ lại không xảy ra. Chồng vẫn rượu chè, cờ
bạc, trăng hoa, con cái vẫn hư đốn ngỗ nghịch.
Vâng!
Sở dĩ Đức Mẹ, bà Góa thành Na-im hay thánh Mô-ni-ca đã được Chúa nhận lời, vì
nước mắt chảy ra bao nhiêu thì đi kèm với sự hy sinh bấy nhiêu. Nghĩa là, phép
lạ xảy ra là vì sự hy sinh của người vợ, người mẹ dành cho chồng và con. Chính
sự hy sinh đó mà Chúa đã nhận lời. Vì sự hy sinh của các ngài họa lại sự hy
sinh của Đức Ki-tô đã hy sinh thân mình vì nhân loại.
Vậy các bà mẹ đang ngồi đây phải hy sinh như thế nào cho đủ để phép
lạ xảy ra?
Xin
được kể với cộng đoàn, cách riêng các bà mẹ một câu truyện về sự hy sinh.
Có một người phụ nữ, chồng chết, bà quyết
định ở vậy nuôi con. Ngày ngày bà gánh bún riêu đi bán dạo.
Cũng chẳng hiểu vì sao khi vừa lớn lên
thằng con trai bà đòi đi tu. Nghe thấy thế bà cũng vui. Nhưng vui một thì bà lại
lo mười. Lo là vì người ta nói đi tu phải tốn tiền tốn bạc nhiều lắm, mà bà bán
bún không thể nào đủ tiền lo cho con được.
Tuy nhiên, từ ngày con đi tu, chẳng bao
giờ bà thấy nó mở miệng xin bà tiền bạc gì hết. Mỗi lần bà hỏi, nó nói: “Con của
Chúa thì Chúa lo, má lo gì.”
Sau mười mấy
năm đi tu, cuối cùng con của bà cũng được chịu chức linh mục. Bà vẫn gánh bún
riêu đi bán mà miệng lúc nào cũng tươi cười. Người ta nói gần nói xa: “bà cố sướng
ghê! Con trai sắp vinh quy bái tổ còn gì!” Nghe cứ như rưng rức vào lòng. Vui
buồn lẫn lộn. Rồi tạ ơn làm sao, rồi Thánh lễ làm sao? Nghĩ vậy, bà mở tủ lấy
ra chiếc hộp đựng tiền mà bà dành dụm mười mấy năm nay.
“Hai mươi lăm
triệu, sáu trăm ngàn.” Bà đếm đi đếm lại mấy lần, rồi cẩn thận gói tất cả vào một
túi ni lông. Định bụng khi con về thì trao cho con mua cái chén lễ. “Quà của
má! Mà con nhớ khắc tên của má dưới đáy chén lễ, má muốn con dâng lễ thì luôn
có má bên cạnh.” Chỉ nghĩ đến đó thôi mà
lòng bà vui lắm. Bà cười thầm.
Hôm cậu con
trai về làm giấy tờ chịu chức, bà đang định đưa tiền cho con, thì con trai đã
nói:
-Má cứ yên
tâm. Có người lo hết rồi! Con đã nói rồi, con của Chúa thì Chúa lo. Má lo làm
gì! Ngày con chịu chức má không phải lo gì hết. Bữa đó má đi lễ thôi. Còn mọi
việc có ba mẹ nuôi của con lo rồi.
- Ba mẹ nuôi
nào? Bà ngạc nhiên hỏi lại.
- Thì ba mẹ
nuôi con mười mấy năm nay. Má bán bún, không có tiền lo cho con ăn học và tu
trì. Ba mẹ nuôi đỡ đầu cho con ăn học. Ba mẹ nuôi thương con lắm.
- Trời đất ơi,
người ta tốt thế, sao con không nói với má bao giờ - bà trợn trừng mắt vì ngạc
nhiên, nói với con.
- Thì giờ con
nói đó. Mà bữa đó, khi trao áo cho Tân linh mục, má cứ ngồi ở ghế, để ba mẹ
nuôi đưa lên cho con được rồi. Mình chịu ơn người ta. Giờ mình cho người ta
vinh dự một chút.
- Ừ, thì má biết
mà, con yên tâm.
Bà nói vậy
nhưng sao nghe nghẹn ở cổ họng! Làm sao mà không buồn cho được, con mình sinh
ra, mình nuôi lớn, rồi người ta giúp đỡ đâu được vài triệu, lo cho con mình ăn
học, vậy mà người ta tự cho mình cái quyền lấy luôn cái danh hiệu làm mẹ của
mình. Câu nói: “Đời chẳng ai cho không cái gì bao giờ” nghe sao thấm thía đến
thế. Chỉ nghĩ đến đó thôi, bà đã không cầm được nước mắt. Nhưng đã hy sinh nhiều
rồi, giờ hy sinh nữa cũng đâu có gì là lạ. Tất cả là vì con và hạnh phúc của
con thôi mà. Nghĩ như thế để tự an ủi mình.
Ngày chịu chức
linh mục đã đến, sau khi Đức Giáo Mục đặt tay, lần lượt các ông bà cố tiến lên
gian cung thánh trao áo cho các Tân linh mục. Bà ngồi yên không nhúc nhích, mắt
ráo hoảnh nhìn con trai của bà. Một cặp vợ chồng trẻ, quần áo sang trọng tiến
bước lên gian cung thánh trao áo cho con của mình. Đâu đó có tiếng khen: “Trời
ơi, ông bà cố gì mà trẻ đẹp thế!”
Bà không khóc,
nhưng sao nước mắt lại cứ trào ra như không gì có thể ngăn cản được.
Cuối thánh lễ,
bà lặng lẽ bước ra ngoài để lại đằng sau một đám người đang vây quanh con trai của
bà chụp ảnh. Bà thoáng nghĩ: Không! Tân Linh Mục mới phải. Cha đâu chỉ là con của
mình, con của người ta. Mà không! Con của Chúa…
Bước ra đài Đức
Mẹ, bà ngước mắt nói trong nghẹn ngào:
- Mẹ ơi, Mẹ có
một mình Chúa Giêsu là con, con cũng chỉ có mỗi một đứa. Con đã dâng con của
con cho Chúa như xưa Mẹ cũng dâng Chúa Giêsu cho Chúa Cha. Xin Mẹ thêm ơn cho
con vững mạnh để chấp nhận thực tế: con của con đã là con của mọi người chứ
không còn là của riêng con nữa, như xưa Chúa Giêsu đã trối Mẹ cho thánh Gioan vậy.
Vâng! Kể câu chuyện này con không nhắm đến người con, nhưng
nhằm nói đến sự hy sinh cao cả của bà mẹ. Bà mẹ trong câu chuyện đã hy sinh tất
cả vì con và hạnh phúc của con. Bà đã không đòi cho mình bất kỳ một quyền lợi
và vinh dự nào. Dù rằng sự hy sinh của bà đáng để được người ta tôn vinh.
Kính thưa cộng đoàn, các riêng là các bà mẹ thân mến! Trong
ngày lễ kính thánh Mô-ni-ca, bổn mạng của các bà mẹ hôm nay, trong tư cách là một
linh mục, được trao quyền giảng dạy, xin phép được nhắc nhở các bà mẹ phải có tấm
lòng hy sinh cho chồng, cho con như Đức Ma-ri-a, như thánh nữ Mô-ni-ca đã làm. Bởi
nhờ sự hy sinh đó mà Chúa sẽ nhận lời cầu xin của chúng ta. Chúa sẽ biến đổi những
người thân yêu của chúng ta.
Thế nhưng, trong tư cách là một người con trong gia đình, con
xin đại diện và thay lời cho những bậc làm con xin được nói lời Xin Lỗi Mẹ. “Mẹ,
chúng con đã quá bất công khi lúc nào cũng bắt mẹ phải hy sinh cho gia đình,
cho chúng con. Trong khi đó chúng con lại hết lần này đến lần khác khiến mẹ phải
buồn lòng. Trong ngày lễ dành riêng cho các bà mẹ hôm nay, chúng con xin hứa sẽ
thay đổi đời sống mỗi ngày một tốt hơn. Bởi đơn giản đó cách báo hiếu trọn vẹn
nhất, vừa đẹp lòng Thiên Chúa và để làm cho mẹ trọn niềm vui.”
Lm. Mar –Aug Bùi Văn Hồng
Phúc, SSS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét