Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2025

Tùy bút NHỮNG KẺ THA PHƯƠNG CỦA THỜI ĐẠI

Tùy bút

NHỮNG KẺ THA PHƯƠNG CỦA THỜI ĐẠI

---|sss|---

Con đã ngồi suốt nhiều giờ trong tòa giải tội ở Giáo xứ Thánh Gia, Berlin, Đức quốc, cho đến khi thời gian như ngừng lại. Những người di dân khốn khổ chỉ có vài ngày ngắn ngủi trong Tuần Thánh để lãnh nhận Bí tích Hòa Giải. Nhiều người, vì dòng người quá đông, đã không kịp đến lượt. Nhưng Chúa biết, không phải vì con giải tội lâu, cũng chẳng phải vì con nói quá nhiều hay kết án hối nhân bằng những luật lệ cứng nhắc. Chúa ơi, con giải tội lâu bởi vì con bận... bận lau nước mắt. Những giọt nước mắt của những người mẹ, người chị, người em, người anh, người chú — những linh hồn chỉ tìm được chút an ủi duy nhất nơi tòa giải tội, nơi mà người ta vẫn luôn cảm thấy sợ hãi vì nghĩ rằng mình sẽ bị kết án.

 

Họ là ai? Họ chính là những kẻ tha phương của thời đại này.

 

Họ ra đi từ quê hương Việt Nam — nơi mà, dù yêu thương bao nhiêu, cũng không đủ an toàn, không đủ cơ hội, không đủ tự do để gìn giữ cuộc sống hay nuôi lớn những ước mơ. Một thế hệ "thuyền nhân" năm xưa đã liều mình trên biển tìm tự do giữa tiếng súng và đổ nát chiến tranh. Còn hôm nay, những người trẻ ra đi để đổi đời, với ước mơ rất thực và rất người: có việc làm, có tương lai, có chút ổn định — những điều mà quê nhà chỉ còn là một giấc mơ xa vời.

 

Họ bất chấp tất cả để bám víu, để sống, để tồn tại. Có người đánh đổi cả tuổi trẻ, sức khỏe, gia đình, danh dự. Có những thỏa hiệp tưởng chừng nhỏ bé mà lại đánh mất phần sâu thẳm nhất của nhân phẩm. Và rồi, nơi đất khách quê người, họ trở thành đàn chiên không người chăn dắt. Không phải vì họ bỏ Chúa hay vì lương tâm họ chai lì, mà vì nhịp sống vội vã, vì áp lực mưu sinh ngày càng bào mòn ký ức về căn tính là con cái Thiên Chúa. Họ vẫn mong sống đẹp lòng Chúa, nhưng những toan tính thiệt hơn — những nỗi lo về giấy tờ, việc làm, thu nhập, bệnh tật, chỗ ở — như những xiềng xích vô hình trói buộc họ trong tội lỗi và lầm lạc. Bao nhiêu tệ nạn đắng lòng đã mọc lên: cờ bạc, sống thử, hôn nhân rối rắm, lừa lọc chính đồng bào mình để sinh tồn. Thảm cảnh ấy chẳng ai mong, nhưng nó vẫn diễn ra như một căn bệnh âm thầm gặm nhấm cộng đoàn những người di dân Công giáo nơi xứ người.

 

Chúa đã phục sinh! Ánh sáng Phục Sinh phá tan bóng tối của thất vọng. Nhưng là linh mục của Chúa, lại chỉ là một “linh mục đánh thuê nửa mùa”, con tự hỏi mình phải làm gì đây để cùng Chúa thay đổi hiện tại, để đưa đàn chiên lưu lạc này về một tương lai sáng hơn? Con hiểu rằng, trước tiên, chính con phải dám nhìn thẳng vào sự thật: con đã xa Chúa thế nào, con đã lầm lỗi ra sao. Để rồi, bằng chính kinh nghiệm được tha thứ và chữa lành, con có thể giúp từng người, từng gia đình biết chủ động quay về, biết thắp lên một ngọn nến nhỏ của niềm tin, của hy vọng — dù chỉ là một ngọn nến mong manh, lắt lay trong gió.

 

Người ta mong chờ phép lạ. Người ta xin con cầu nguyện cho họ. Nhưng con nghĩ, không cần đợi những phép lạ lớn lao. Chỉ cần mỗi ngày một chút: một lời cầu nguyện chân thành, một Thánh lễ sốt sắng, một hành động yêu thương không tính toán…

 

Ở nơi đây, Giáo xứ Quốc Xã đang cố gắng thực hiện một giấc mơ: Ngôi Nhà Hiệp Thông. Một mái nhà đơn sơ thôi, nhưng đối với họ, đó chính là hành trình Đức Tin giữa sa mạc đời di dân. Như dân Do Thái xưa lang thang bốn mươi năm để tìm Đất Hứa, chúng con cũng đang gom góp từng viên gạch, từng đồng xu nhỏ, để xây một nơi chốn thiêng liêng: một mái nhà để những đứa con tha hương tìm về, để thờ phượng Chúa, để sống đạo, để tựa vào nhau giữa đời gió bụi.

 

Ngôi Nhà Hiệp Thông sẽ không chỉ là một tòa nhà. Nó sẽ là một lời mời gọi: gửi đến những ai lầm lạc, hãy trở về; gửi đến những ai mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi trong Chúa; gửi đến những ai thất vọng, hãy thắp lại niềm hy vọng trong lòng Chúa Phục Sinh.

 

Chúa ơi, người ta trách con giải tội lâu. Người ta chê con yếu đuối, mít ướt. Người ta bảo con mềm mỏng quá, dễ dãi quá. Ừ, người ta nói đúng. Con yếu đuối thật đấy, bởi vì làm sao con có thể vô cảm trước nỗi đau của đàn chiên Chúa? Làm sao con có thể làm ngơ khi nước mắt họ cứ lặng lẽ rơi xuống nơi tòa giải tội? Con đã khóc nhiều, đau nhiều, và đôi khi cũng đã trách Chúa nhiều. Là linh mục của Chúa, con thấy mình bất lực, bởi con chỉ biết lắng nghe, chỉ biết lau nước mắt, chỉ biết dắt họ về với Chúa — nhưng con chẳng thể tự mình cứu ai ra khỏi cảnh ngổn ngang của kiếp sống. Chỉ có Chúa thôi, Chúa ơi, chỉ nơi Chúa họ mới được thỏa chí toại lòng. Chỉ trong Chúa, những kẻ tha phương này mới tìm thấy sự tự do thật sự.

 

Dịp Phục Sinh, người ta đến với Bí tích Hòa Giải. Người ta xưng thú, chịu đền tội bằng vài kinh nguyện, rồi tự nhủ rằng mình đã giữ trọn lề luật Chúa. Nhưng Chúa ơi, Chúa có cần người ta chỉ giữ luật bằng hình thức thế không? Con hiểu rằng, Bí tích Hòa Giải chỉ có ý nghĩa khi nó biến đổi thật sự trái tim, khi người ta được hòa giải không chỉ với Chúa, mà còn với tha nhân, với gia đình, và với chính bản thân mình. Vì thế, con đã chẳng nặng lời trách mắng ai. Con chỉ lắng nghe và mời gọi họ, sau khi xưng thú, hãy mở tiệc mừng. Bởi vì chỉ trong bàn tiệc yêu thương, người ta mới học được cách hy sinh, phục vụ và yêu thương, như chính Chúa đã làm trong Bữa Tiệc Ly với các môn đệ. Và con đã nhắc họ rằng, để có được bữa tiệc ấy, biết bao người đã phải trải qua gian khổ, lầm than nơi đất khách quê người. Xin đừng vì một phút yếu lòng, một cơn ích kỷ chợt đến, mà đánh mất tất cả những gì mình đã khổ công gìn giữ.

 

Lạy Chúa, xin giúp chúng con — những kẻ tha phương của thời đại này — tìm thấy nhau, tìm lại Chúa, và tìm lại chính mình, trong tình yêu vĩnh cửu của Chúa Phục Sinh.

-----

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tùy bút NHỮNG KẺ THA PHƯƠNG CỦA THỜI ĐẠI

Tùy bút NHỮNG KẺ THA PHƯƠNG CỦA THỜI ĐẠI ---|sss|--- Con đã ngồi suốt nhiều giờ trong tòa giải tội ở Giáo xứ Thánh Gia, Berlin, Đức qu...