Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2025

Tùy bút CON CHỈ LÀ ĐỨA TRẺ TỰ KỶ. À MÀ KHÔNG! MỘT ĐỨA TRẺ TĂNG ĐỘNG MỚI ĐÚNG!

 


Tùy bút

CON CHỈ LÀ ĐỨA TRẺ TỰ KỶ. À MÀ KHÔNG! MỘT ĐỨA TRẺ TĂNG ĐỘNG MỚI ĐÚNG!

 

P/s: viết cho Lễ Chúa Chiên Lành – Cầu cho ơn gọi thiên triệu.

---|sss|---

 

Mỗi năm, gần vào dịp lễ Chúa Chiên Lành – lễ cầu cho ơn gọi – con thường suy gẫm về chính ơn gọi của mình. Và rồi con viết ra, không phải vì nghĩ mình là ai đó đáng để người khác nghe, nhưng vì con hy vọng rằng những dòng chữ này, nếu Chúa muốn, có thể giúp ích cho ít nhất một người. Một bạn trẻ nào đó đang phân vân giữa các lối đời, hoặc ít ra là một tu sĩ nào đó đang bị tắt ngúm ngọn lửa yêu, có thể nhờ chút ánh sáng mờ nhòe này mà vực dậy trong lòng mình hình ảnh của một “Người Cha nhân hậu” – ẩn sau một đứa trẻ tự kỷ như con. Và từ đó, đánh thức lại trong mình câu hỏi chất chứa nỗi niềm của Chúa: “Con có yêu mến Thầy không?” – và cả tiếng gọi vẫn mãnh liệt vang vọng: “Hãy theo Thầy!”

 

---

 

Những ngày Năm Thánh này, Roma ồn ào, bát nháo, trộm cắp. Người và người, lớp lớp cuốn trôi nhau giữa những tượng đài, những ngọn tháp, những quảng trường, thánh đường… Con không tham gia bất kỳ hoạt động nào khi có đám đông. Con tránh hết. Thậm chí ngay cả lễ đám tang của Đức Thánh Cha, con cũng không đến. Dù ngày ngày đi học ngang qua Vatican, con cũng chưa bao giờ đi yết kiến Đức Thánh Cha như những tín hữu tốt lành khác. Vào những dịp lễ lớn, con thường chọn một nơi ít người để tham dự và cử hành. Không phải vì con khinh thường ngài hoặc không hiệp thông với giáo hội, mà vì… con sợ đám đông.

 

Con đã sợ đám đông và tự tách mình ra khỏi đám đông từ bé. Đó là một nỗi sợ ăn sâu, dai dẳng và khó hiểu. Đám đông làm cho con mệt mỏi và hao năng lượng. Con không thở được nếu mắc kẹt trong đám đông đó. Hồi còn đi học, mỗi khi kẹt xe, nhiều khi con thà bỏ học, hay trễ giờ để dừng lại một quán ven đường uống ly nước hơn là tiếp tục hùa vào đám đông hỗn độn đó. Vì thế con thường xuyên đi từ rất sớm, thong thả, đầu óc ung dung trong những ý tưởng chạy dài ngang qua trong dòng suy nghĩ. Để rồi đứa trẻ tự kỷ trong con trỗi dậy, con lại nói chuyện với Chúa, kể cho Chúa nghe, hát cho Chúa nghe, hoặc càm ràm một chuyện gì đó với Chúa.

 

Con vẫn còn nhớ rõ: Một lần, khoảng 4 hoặc 5 tuổi gì đó, mẹ cho con theo lên Sài Gòn để phụ nấu đám cưới cho chị họ. Tầm 3 giờ sáng, mẹ để con lại ở bến xe để quay trở về nhà lấy thêm đồ. Trong bóng đêm mịt mù ấy, một đứa trẻ như con có thể làm được gì ngoài nỗi sợ? Nhưng thay vì khóc đòi mẹ, một sức mạnh nào đó – không hiểu từ đâu – trỗi dậy trong con. Con đã can đảm, trong bóng đêm ấy, thốt lên: “Cha ơi, xin cho họ đừng bỏ con!” Có lẽ sự cô đơn, cô độc thích hợp cho con hơn.

 

---

 

Con không hiểu vì sao lại gọi Chúa là Cha. Con không nhớ có ai dạy con cầu nguyện như thế. Nhưng đó là ký ức đầu tiên, rõ ràng, như thể in khắc vào máu thịt. Từ đó, suốt hành trình lớn lên trong cô độc và lạc lõng, trước những biến cố lớn nhỏ, bệnh tật, thành công hay thất bại con luôn gọi: “Cha ơi!” – thay vì “ba ơi”, “mẹ ơi”, hay tên của một ai đó con có thể dựa dẫm được. Con không có ai cả. Ngoài Chúa – là Cha của con. Con chỉ khỏe khi cô đơn. Con không tìm được niềm vui hay sự đồng cảm khi ở trong gia đình, thậm chí không bao giờ cảm nhận được gia đình là “nhà”, là nơi bình yên, hoặc muốn gắn bó. Chưa bao giờ con chia sẻ hay tâm sự gì với gia đình. Sống trong một gia đình có 11 chị em – mà con là người con trai duy nhất – con lại càng dễ rút vào vỏ ốc. Nhất là trong giai đoạn tuổi dậy thì. Giữa những chuyển biến tâm sinh lý, con dần ý thức được sự khác biệt của bản thân mình – không chỉ khác với các chị, mà còn khác với các bạn bè đồng trang lứa. Con không giống ai cả. Trong con có cả một thế giới phong phú vô cùng. Và con bắt đầu sống nhiều hơn trong thế giới nội tâm: con nói chuyện với Chúa, kể chuyện, viết thư cho Chúa mỗi khi ra đường. Khi ở nhà, con có một con gấu bông nhỏ màu đen – chỉ nói chuyện với nó thôi. Bên nó, con luôn thấy bình an đến lạ.

 

---

 

Mặc dù con chẳng có gì nổi trội, lại yếu đuối và nhút nhát, nhưng con là đứa trẻ duy nhất được cha xứ chọn gọi vào ban lễ sinh, khác với các trẻ em khác phải có người giới thiệu hoặc cha mẹ đến xin. Và từ bao giờ, gian cung thánh chính là “sân khấu của con”. Con không cảm thấy sợ hãi hay lo lắng mỗi khi bước chân trên gian cung thánh. Ngay cả khi đến Ý, dù không biết ngôn ngữ, con đọc bập bẹ, nhưng có trước mặt các đấng bậc và những người vị vọng, nếu là trên gian cung thánh, chẳng gì khiến con khiếp sợ. Từ bé con đã biết thầm thì với Chúa, viết thư cho Chúa. Vì yếu đuối và hay bị ăn hiếp bởi đám bạn, sau giờ học con thường lẩn trốn vào đám nghĩa trang, lang thang giữa các ngôi mộ, và nói chuyện với các linh hồn. Con luôn có cảm giác sợ Chúa chứ không sợ ma. Con sợ vào nhà thờ một mình vì sợ nghe tiếng Chúa, sợ Chúa gọi.

 

---

 

Ngày vào dòng, ngay lập tức con như cây được tưới nước và phân. Có lẽ đó mới là nhà của con. Tuy vậy, con vẫn luôn là một đứa trẻ tự kỷ. Con sống như thể chỉ có ơn gọi mới cứu con khỏi bệnh tự kỷ. Ơn gọi đã chữa lành con. Chúa đã ở đó suốt thời gian ấy. Nhưng không phải để ban cho con một cái kết “sống hạnh phúc mãi mãi về sau”. Không. Đau khổ vẫn tiếp tục, và ngày một sâu hơn. Nhưng Chúa ở lại, để con biết mình không đơn độc. Và con dần học yêu Chúa bằng chính những vết thương của mình, những cơn đau đầu dai dẳng. Con thay đổi nhiều hơn con nghĩ và người khác nghĩ. Con tin rằng đó cũng là lý do mà các cha đào tạo luôn yêu thương và che chở cho con. Mọi hành trình, giai đoạn Chúa luôn gửi đến những người đồng hành yêu thương và trách nhiệm. Con làm linh mục nhanh như nụ hoa chỉ sau một đêm gặp cơn mưa mát là bung nở trong sự ngỡ ngàng và hoài nghi của chính bản thân con.

 

---

 

Rồi con được “trọng dụng” để tạm gọi theo kiểu thế gian “có tiền, tài, danh vọng, vị trí”, vốn là những thứ mà bao nhiêu người mơ ước. Lẽ ra con có thể an nhàn và hãnh diện với những gì mình có được, như là một thành quả đáng có vì bao nỗ lực của mình. Nhưng rồi con chọn từ bỏ và lên đường. “Đi hoang” để hiểu tâm trạng của một đứa con mất Chúa là như thế nào. Và giữa những lần “đi hoang”, trước Thánh Thể Chúa, con lại tự tát mình, tự hành hạ mình như thể chính Chúa đang dạy dỗ con. Hoặc những khi buồn phiền, chán nản, sau những va vấp và thất bại bởi sự ham hố vô độ của bản thân, hoặc trong những lúc con đòi Chúa thứ gì đó mà không như ý mình, thì thế nào con nằm bẹp dưới chân nhà tạm, giãy dụa khóc lóc, than vãn… Con không muốn nói quá nhiều về cách sống quá ư là khác thường của mình, vì sợ rằng người ta sẽ nói con đang cố khoe mẽ và đang gắng tỏ ra là mình thánh thiện cho người khác khen ngợi. Con chẳng cần ai khen ngợi, bởi con biết con là ai. Con chẳng là “cái chó” gì cả, con chẳng có gì tự hào ngoài sự yếu nhược và tự kỷ của mình. Bây giờ, sau nhiều năm linh mục, con lại đang xây dựng cho mình thêm ngọn tháp của sự chai lỳ, vô cảm và lạnh lùng. Tòa tháp tội ngày càng cao bởi sự tự mãn và chán nản. Con chẳng thèm cầu nguyện, chẳng thèm viết thư, chẳng thèm kể cho Chúa nghe, thậm chí con bỏ bê những việc cơ bản của một tu sĩ linh mục là dâng lễ, kinh hạt và giữ các giờ chầu, suy niệm… Con cảm thấy chán Chúa, con trốn Chúa, giận Chúa, chẳng thèm nói chuyện với Chúa nữa.

 

Con giao kèo với Chúa rằng, con đi hoang thì con không có về đâu, Cha đừng mong con như thằng con út trong tin mừng, đừng có đứng ở cửa mà chờ con về. Thằng con út nó còn về, chứ con đã đi hoang là đi luôn, không về nữa. Cha không tìm con thì Cha mất con, Cha có buồn thì ráng chịu.

 

---

 

Những biến cố lại đến bởi sự lỳ lợm và ngu dốt của mình. Sự hiểu lầm, chán nản và lạc lối… Giữa những biến cố, con đến được mẹ Fatima và Lộ Đức trong sợ ngỡ ngàng của chính bản thân. Con tự đi hành hương bằng sự dò dẫm lẫn hoang mang. Cũng lại là đi một mình. Khi đến Mẹ Fatima, nhìn đoàn người than khóc, con ngồi đó, rồi chỉ thì thầm với Mẹ: “Mẹ yêu ơi, xin cho con khi chết, được chôn ngay chân tượng Mẹ, nơi Mẹ đã hiện ra. Vì chắc chắn có Mẹ, con sẽ không hề cô đơn nữa.”

 

Rồi con tiếp tục hành hương đến Mẹ Lộ đức, con vẫn còn rất hoài nghi về hành trình của mình. Chẳng biết mình đang làm cái quái gì trong đời này nữa. Con chỉ nói với Mẹ rằng, con là đứa con hư và không thể làm sao để thoát ra khỏi tình cảnh tội lỗi của mình để sống cho ngay lành. Đang dâng lễ, con thấy một đứa trẻ tăng động chạy lên gian cung thánh và la hét, thánh lễ phải dừng lại, ai cũng kiên nhẫn chờ mẹ của thằng bé. Mẹ nó đến, bồng bế nó trong sự giãy giụa, khóc hét, chỉ muốn làm trò quấy rối người khác trong sự vô tri, vô minh của nó. Con ngồi ngay ghế đầu trong hàng ngũ các linh mục đồng tế, thấy bà mẹ đứng giạng chân kẹp thằng nhóc ở dưới, và mặt hướng về bàn thờ tiếp tục cầu nguyện trong khi đứa trẻ thì la hét… Bất chợt con khóc, và khóc thật nhiều, khóc nấc nghẹn. Con nhận ra mình chính là đứa trẻ tăng động đó. Con đáng thương đến nỗi không thể ý thức được những tội lỗi tày đình mà mình đã gây ra, chỉ làm trò và làm gương mù gương xấu cho người khác trong vai trò là linh mục của Chúa. Con biết Mẹ cũng khóc với con. Mẹ đang kẹp con dưới chân dưới áo Mẹ để bảo vệ con. Mẹ cho con biết rằng Cha giao cho, một đứa trẻ tự kỷ và tăng động, một đứa trẻ không có khả năng ý thức và phân định này, nhiệm vụ ban phát KHO TÀNG NƯỚC TRỜI là THÁNH THỂ CHÚA cho mọi người.

 

---

 

Những ngày tuần thánh, con đến Đức để giúp giải tội cho cộng đoàn Công giáo tại Berlin. Suốt ba ngày trong Tam Nhật Thánh, ngồi tòa giải tội, con đã khóc thật nhiều, thậm chí khóc còn nhiều hơn các hối nhân. Con chẳng hiểu tại sao con lại khóc, có lẽ con thấy Chúa yêu con quá, cho con quá nhiều quá trong khi con lại quá hư đốn và vô ơn. Con lại chẳng bao giờ chịu cố gắng dù là chỉ 1% sức lực cá nhân để cộng tác với ơn Chúa trong suốt hành trình ơn gọi của mình. Nghĩ thế, nhưng rồi con nhận ra con có làm gì đi chăng nữa, thì dù 1% cũng từ ơn Chúa mà ra. Vậy nên con sẽ chẳng như người ta luôn “thao thức dệt đời mình” nên lo lắng sợ Chúa cắt đứng ngang hàng chỉ. Con chẳng cần dệt đời mình, bởi có dệt cũng vô ích, vì mọi ngày trong suốt đời con, Chúa đã chuẩn bị hết rồi.

 

Con không phải là linh mục giỏi. Con học dốt và không có sức khỏe. Con cũng không có những bài giảng hay, không có khả năng lãnh đạo bẩm sinh, không khéo léo giao tiếp, chẳng làm được trò trống gì cho ra hồn. Hơn 20 năm trong hành trình ơn gọi, con chỉ mãi quanh quẩn với những ham hố của bản thân, mà chẳng bao giờ “thao thức” với Hội dòng và Giáo hội. Con thường nói sai, nói thiếu, nói dở. Con thậm chí còn sợ và tránh né các linh mục khác. Con sợ bị họ kết án. Con chỉ biết, mỗi khi cử hành Thánh lễ, khi nâng cao Mình Thánh Chúa, con luôn thì thầm trong lòng: Tạ ơn Cha! Vì Cha đã tin con, dù con chẳng thể hiểu nổi tại sao. Xin Cha đừng để con quên mình là ai. Chỉ là một đứa trẻ tự kỷ, mà không tăng động mới đúng, nhưng lại được chọn, được yêu, được sai đi để ban phát KHO TÀNG NƯỚC TRỜI là THÁNH THỂ CHÚA cho mọi người.

 

---

 

Và cuối cùng con muốn dành một câu cho các bạn trẻ đang phân phân trong hành trình dấn thân: Đừng làm gì cả bằng sức lực của mình dù chỉ 1%. Chỉ cần ở yên đó, giãy dụa than khóc cũng được, Chúa sẽ dẫn ta đi. Quan trọng là ta có đủ tin tưởng đứng yên ở đó cho Chúa dắt đi hay không mà thôi! Mà nếu lỡ có đang tự mình quyết định, mãi miết “dệt đời mình” mà có lạc đường, thì đừng có lo, cứ đi lạc nữa đi, thế nào Chúa cũng kiếm ta về à. Nếu Chúa không kiếm ta về, thì Chúa mất một ơn gọi. Chúa có buồn ráng mà chịu!

 

---------

Tuần Mừng Lễ Chúa Chiên Lành 2025

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tùy bút NHỮNG KẺ THA PHƯƠNG CỦA THỜI ĐẠI

Tùy bút NHỮNG KẺ THA PHƯƠNG CỦA THỜI ĐẠI ---|sss|--- Con đã ngồi suốt nhiều giờ trong tòa giải tội ở Giáo xứ Thánh Gia, Berlin, Đức qu...