Thứ Sáu tuần VIII TN – CĐ 1Pr 4,7-13; Mc 11,11-26 CƠN THỊNH NỘ CỦA THIÊN CHÚA

Thứ Sáu tuần VIII TN – CĐ
1Pr 4,7-13; Mc 11,11-26


LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn, nhiều người trong chúng ta cứ xưng đi xưng lại một tội mà chúng ta vẫn chưa chừa bỏ được, thậm chí nhiều khi chúng ta còn hoang đàng, xa lìa Thiên Chúa. Những lúc đó, thường thì Chúa nhân từ tha thứ và không ngừng kêu gọi chúng ta thành tâm trở về. Tuy nhiên, không phải lúc nào Chúa cũng dịu dàng, hiền lành, hôm nay đây, Tin mừng phác họa cho chúng ta cơ nóng giận của Thiên Chúa. Thế nhưng, Người nóng giận chỉ muốn sửa dạy chúng ta mà thôi.
        Hôm nay còn là ngày kính thánh Giút-ti-nô tử đạo. Ngài sinh ra trong một gia đình Hy Lạp. Tuy là người ngoại đạo nhưng ngài vẫn khao khát được tìm biết Thiên Chúa chân thật. Nhờ ơn Chúa soi sáng, ngài đã cảm phục và say mê các giá trị luân lý của đời sống Kitô giáo. Cuối cùng, ngài đã được rửa tội để lãnh nhận một đức tin như những người công giáo khác.
Tự thâm tâm, ngài nhận thấy mình có bổn phận phải rao truyền lời Chúa. Những kiến thức uyên thâm của ngài đã làm cho những người chống đối phải đuối lý. Nhờ những buổi diễn thuyết, những cuộc đối thoại của ngài, rất nhiều người đã trở lại đạo Công Giáo.
Năm 1882, Ðức Giáo Hoàng Lê-ô 13 đã phổ biến lễ kính ngài trên toàn Giáo Hội, đặt ngài làm quan thầy các tâm hồn ngay chính.
Dâng Thánh lễ này chúng ta cầu nguyện cho mỗi người chúng ta biết noi gương thánh nhân mà làm chứng cho Chúa trong đời sống của mình.
Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.


CHIA SẺ
CƠN THỊNH NỘ CỦA THIÊN CHÚA
       
        Kính thưa cộng đoàn! Trong suy nghĩ thường ngày, chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Đấng nhân từ và đầy lòng xót thương. Những tưởng rằng Thiên Chúa chẳng bao giờ nổi giận cho dù con người lỗi phạm và liên tục phản bội Người. Tuy vậy, Tin mừng chúng ta vừa nghe cho chúng ta một cái nhìn rất khác về Thiên Chúa, đó là Thiên Chúa cũng có lúc nóng giận.
        Chuyện xảy ra là hôm ấy, Chúa Giê-su và các môn đệ rời khỏi Bê-ta-ni-a để đến Giê-ru-sa-lem, Ngài cảm thấy đói. Trông thấy ở đằng xa có một cây vả tốt lá. Ngài đến để tìm trái ăn nhưng không có vì không phải là mùa vả. Người liền lên tiếng chúc dữ cây vả “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa. (Mc 11,12).
Tại sao Chúa lại chúc dữ cây vả ? Phải chăng nhằm thỏa mãn cơn đói của Ngài? Bởi lúc này không phải là mùa vả. Hơn nữa, câu chuyện Chúa chức dữ cho cây vả lại được lồng ghép vào câu chuyện Chúa nổi giận với những người đã biến đền thờ thành sào huyệt của bọn cướp (Mc 11, 17). Như vậy, cả hai câu chuyện trên đều thể hiện sự nóng giận bực tức của Thiên Chúa, vậy đâu là nguyên do khiến Chúa nóng giận?

1. Trước hết, Thiên Chúa nóng giận là do con người lỗi phạm và phản bội Chúa.
Đối với người Do thái, cây nho hay cây vả tượng trưng cho dân Ít-ra-en và Thiên Chúa là người trồng. Nhưng dân Chúa chẳng mang lại hoa trái, lợi lộc gì lại phản nghịch với lòng mong đợi của Ngài, nên chắc chắn nó sẽ bị tru diệt (x.Mc 12,1-11).
Cũng vậy, Đền Thờ này thật lộng lẫy, nguy nga, tráng lệ nhưng trong đó chất đầy những lễ nghi vụ hình thức bên ngoài mà không có tấm lòng tin kính, tôn thờ. Nó đã trở thành cái chợ để mua bán trao đổi, thành sào huyệt của bọn cướp (Mc 11,17). Thế nên số phận của nó chẳng khác nào như cây vả sum suê lá mà chẳng có trái đã bị Chúa chúc dữ.
Như vậy, chỉ vì Dân Chúa đã lỗi phạm bất trung với Chúa nên Người đã nổi giận. Thế nhưng, không giống chúng ta, bởi “Thiên Chúa nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.” (Tv 30, 6).

2. Kế đến, Thiên Chúa nổi giận là do yêu thương và muốn sửa dạy con người.
Đức Giê-su bước vào Đền Thờ Giê-ru-sa-lem với một thái độ hết sức giận dữ (x.Mc 11, 15-16). Nhưng không phải Người ghét bỏ, nhưng qua hành động này, Chúa muốn thanh tẩy và đem lại trật tự vốn có của đền thờ. Người công bố bãi bỏ kiểu cầu nguyện Do Thái giáo và khai mạc thời kỳ mới mà Ngôn sứ Da-ca-ri-a đã loan báo: “Ngày ấy sẽ không còn lái buôn trong nhà Đức Chúa các đạo binh  nữa”(x.Dcr 14,21). Cũng như cây vả bị Chúa chúc dữ đã chết khô, Đền thờ bị ô uế đã trở nên vô nghĩa. Như vậy, qua cơn nóng giận, Đức Giê-su thể hiện khuôn mặt từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Người không muốn con người như cây vả, bên ngoài có vẻ sum suê lá nhưng lại không có hoa quả; cũng như đời sống đạo của chúng ta, tuy bên ngoài rất đạo đức, kinh hạt, tham dự Thánh lễ hằng ngày nhưng lại không mang lại hoa trái tốt lành mà trong lòng chỉ toàn là ghen tị, ghen ghét, hận thù... Chúa nóng giận phá đổ tất cả là muốn chúng ta biết cách thờ phượng Chúa đích thực và quay trở về đường ngay nẻo chính. Qua cơn nóng giận đó, Thiên Chúa chỉ muốn sửa phạt và cứu sống chúng ta mà thôi.
Nói tóm lại, tin mừng hôm nay cho chúng ta có một cái nhìn khác về Thiên Chúa. Người rất mực yêu thương chúng ta, nhưng không phải lúc nào Người cũng hiền lành, sẽ có những lúc Người nóng giận. Tuy nhiên, Chúa “giận thì giận” mà “thương lại càng thương” bởi như sách tiên tri I-sa-i-a có nói: “Ta bỏ ngươi một lúc thôi, nhưng động lòng trắc ẩn vì quá yêu thương ngươi, Ta sẽ tụ họp ngươi lại. Trong cơn nóng giận, Ta ẩn mặt khỏi ngươi một lát, nhưng rồi lại yêu thương ngươi mãi mãi” (Is 54,7t).
Vậy, nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa trong cơn nóng giận, chúng ta không còn cách nào khác hơn là sám hối, sống chừng, mực tiết độ và siêng năng cầu nguyện, như thánh Phê-rô đã nói trong thư thứ nhất của ngài: “Anh em hãy sống chừng mực và tiết độ,… hãy hết lòng yêu thương nhau vì lòng yêu thương phủ lấp muôn vàn tội lỗi…” (1Pr 4, 7-8)
       
        Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share:

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – CĐ Cv 2, 1-11; 1Cr 12,3b-7,12-13 VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – CĐ
Cv 2, 1-11; 1Cr 12,3b-7,12-13


VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN 
TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
       
        Kính thưa cộng đoàn, hôm nay hòa với Giáo hội Hoàn Vũ chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Khi nói đến Chúa Thánh Thần thì ai trong chúng ta cũng biết rằng Chúa Thánh Thần chính là Ngôi Ba Thiên Chúa, đồng bản thể với Đức Chúa Cha và Chúa Con. Biểu tượng của Chúa Thánh thần là: Lửa, Nước, Chim Bồ câu…Tuy nhiên, sâu xa hơn dường như nhiều người vẫn chưa hiểu biết nhiều về vai trò Chúa Thánh Thần. Vì vậy, rất nhiều người có vẻ xa lạ với Chúa Thánh Thần và hầu như chưa hiểu biết các công trình cũng như hoạt động của Ngài và Ngài có giúp gì cho đời sống người Kitô hữu hay không?
Chính vì thế, trong ngày mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài: VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH.

1.   Thánh Thần, Đấng khơi lên Tình yêu trong gia đình.
Có bao giờ chúng ta tự hỏi: tại sao tôi yêu anh/chị đó mà không phải là người khác? Văn hóa Đông phương cho rằng đó là do ông Tơ Bà Nguyệt se duyên nên hai người mới yêu thương nhau và nên nghĩa vợ chồng. Còn theo thần thoại Hy lạp thì cho rằng chẳng ai khác, chính thần tình yêu Cupis đã bắn mũi tên xuyên qua trái tim của hai người vì thế họ yêu nhau. Tuy nhiên, trong niềm tin của chúng ta, tình yêu có xuất phát từ chính Thiên Chúa. Thánh Gio-an đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16).  Đời sống gia đình được xây dựng trên nền tảng tình yêu. Đó là do Thiên Chúa tuôn đổ Thánh Thần, nguồn mạch tình yêu xuống trên đôi bạn trẻ. Nhờ tình yêu đó mà họ liên kết với nhau nên nghĩa phu phụ. Thật vậy, trong thư gửi tín hữu Rô-ma thánh Phao-lô đã khẳng định:“Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Tuôn đổ là một thuật ngữ của Kinh Thánh thường được dùng để chỉ Thánh Thần được ban cho các tín hữu một cách tràn trề. Nhờ Chúa Thánh Thần, mà  con người biết yêu thương nhau. Do vậy, có thể nói Thánh Thần là Đấng khơi dậy tình yêu trong đời sống gia đình. 

Tuy vậy, con người vốn tội lỗi và bất toàn, nên nhiều khi lẫn lộn không phân biệt giữa tình yêu và tình dục. Chính vì thế, nhiều cặp vợ chồng đã tan vỡ khi một trong hai không đáp ứng được nhu cầu tình dục của người kia. Vâng! Tình yêu mà Chúa Thánh Thần khơi lên trong chúng ta, khiến chúng ta gắn kết với nhau vượt lên trên cảm xúc tình dục, để qua đó, dù mỗi người có những giới hạn và cảm xúc riêng nhưng tình yêu do Chúa Thánh Thần tác động vẫn có thể liên kết chúng ta mà không làm cho chúng ta chán nản, thất vọng vì người mình yêu.

2.   Thánh Thần khơi dậy sự sống trong gia đình
Nếu như Thánh Thần là Đấng khơi lên tình yêu trong gia đình thì chính Ngài cũng là nguyên nhân làm phát sinh sự sống. Sự sống này không chỉ là con đàn cháu đống, nhưng còn là những hoa quả tốt đẹp mà Thần Khí mang lại như thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Ga-lát nói rõ: “Hoa quả của Thần Khí là: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Gl 5, 22-23).
Như vậy, chúng ta cần nhìn ra rằng hạnh phúc mình đang có, bao gồm con cái, tài sản hoặc những thứ thiêng liêng như bình an, hoan lạc…đều là hoa trái của Chúa Thánh Thần.

3.   Thánh thần hiệp nhất mọi thành viên trong gia đình
Ngày nay, nhiều gia đình tan vỡ nguyên nhân chính đó là mối dây hiệp nhất trong gia đình bị phá vỡ. Lúc đó vợ chồng con cái chia rẽ, lục đục, tranh cãi nhau, khắc khẩu với nhau. Tuy nhiên, nếu gia đình chúng ta biết cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, chắc chắn gia đình sẽ luôn bền vững vì biết hiệp nhất với nhau. Sự hiệp nhất này xuất phát từ Thánh Thần, Đấng liên kết mọi thành viên.
Thật vậy, Đức Giêsu biết chúng ta dễ chia rẽ, nên đã cầu xin cùng Chúa Cha cho các tín hữu nói chung và gia đình nói riêng: Xin cho “tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. (Ga 17,21). Sự hiệp nhất chỉ có thể được thực hiện trong Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần sẽ liên kết mọi người trong gia đình làm nên một thể thống nhất, một tế bào của Giáo hội.
Như lời Đức Giê-su đã nói với các tông đồ: “ Bình an cho anh em!” (Ga 20, 21). Vâng! Chỉ có sự hiệp nhất mới mang lại cho gia đình nguồn bình an. Vì thế, mỗi khi gia đình có chuyện gì lục đục, thì hơn bao giờ hết, mọi người cần cầu xin Chúa Thánh Thần để Ngài hiệp nhất mọi người và ban bình an cho mọi người.

4. Thánh Thần giúp gia đình vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Sau khi Chúa chết, các tông đồ rơi vào tình trạng rắn mất đầu, tất cả đều sợ hãi, co cụm lại với nhau. Tuy vậy, trong ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần được ban xuống thì tất cả các ông được đầy tràn sức mạnh, mạnh dạn mở tung cánh cửa bước ra ngoài loan báo Tin mừng Phục sinh.
Cũng vậy, đời sống gia đình không phải lúc nào cũng suông sẻ. Sẽ có những lúc cơm không lành, canh không ngọt, khiến chúng ta sợ hãi, chán nản thì chính Thánh Thần là Đấng thúc đẩy trong lòng mỗi người để chính mỗi thành viên, như các tông đồ, dám đối đầu với những sóng gió, thay vì tìm cách tránh né hoặc muốn từ bỏ gia đình.

Nói tóm lại, tuy chúng ta không ý thức sự hiện diện cũng như những ơn ban nhưng không của Chúa Thánh Thần, thế nhưng Ngài có vai trò rất quan trọng trong đời sống của gia đình. Không có gia đình nào hạnh phúc, bình an mà không có bóng dáng của Chúa Thánh Thần. Bởi Chúa Thánh Thần không chỉ là Đấng khơi lên tình yêu trong gia đình, làm nảy sinh sự sống, liên kết mọi thành viên mà quan trọng nhờ ơn Chúa Thánh Thần gia đình mới có thể đủ sức vượt qua mọi sóng gió thử thách.

Lm. Mar - Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Share:

Lễ Vọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Gt St 11,1-9; Rm 8, 22-27; Ga 7, 37-39 VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI TRẺ

Lễ Vọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Gt
St 11,1-9; Rm 8, 22-27; Ga 7, 37-39

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn và các bạn trẻ! Chúng ta đang sống giữa một thời đại phát triển tột bậc của khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin. Là những người trẻ, chúng ta dễ bị chao đảo, mất phương hướng vì không phân biệt được cái nào là thế giới thật, cái nào thuộc về thế giới ảo, cái gì là tốt, cái gì là xấu, sự sống và cái chết nhập nhằng… Chính vì thế, nhiều bạn trẻ bị ảo tưởng về sức mạnh, khả năng của mình, dẫn đến sống không thực tế, ước mơ viễn vông…Hậu quả là nhiều bạn rơi vào tình trạng mất phương hướng, mất mục đích sống, mà những bạn như thế lại có nguy cơ cao rơi vào cạm bẫy của các tệ nạn, tội lỗi do ma quỷ cầm đầu.
Chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần. Hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần trong đời sống của mình, bởi không ai khác, ngoài Ngài, có thể hướng dẫn chúng ta.
Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Bài giảng
VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI TRẺ
       
        Kính thưa cộng đoàn, trong trang báo mạng Tri Thức Trẻ, tác giả Khánh Linh có bài: “NGƯỜI TRẺ BÂY GIỜ LẮM KẺ CHẲNG ĐƯỢC TÍCH SỰ GÌ!” đã cho chúng ta cái nhìn khá đúng về thực trạng của giới trẻ ngày nay. Tác giả đưa ra hai điểm tiêu cực chính trong đời sống giới trẻ hiện nay là “Ảo tưởng vô độ” “không biết cách làm việc”. Theo tác giả, nhiều người trẻ, mới bước ra đời, đi làm được dăm ba bữa, bốn bảy nơi, đạt được chút ít thành quả, thì bắt đầu tin vào quyền năng ghê gớm của bản thân. Bắt đầu cảm thấy mình không thèm làm những thứ nhỏ mọn tầm thường, mà phải làm những cái gì lớn lao vĩ đại. Đi cà phê với bạn bè thì chém gió bạt mạng, lên facebook thì thể hiện phô trương, nổ banh nhà lồng. Nhưng kì thực thì họ gặp rất nhiều vấn đề về tư chất. Việc nhỏ thì quá lười để làm, việc lớn thì hét giá trên trời. Kĩ năng không nâng cấp lên, bấy nhiêu đó dùng hoài. Lại quá lười biếng để rèn luyện, nghĩ rằng mình vậy đủ rồi. Từ đó, mỗi khi có khó khăn thì dễ dàng thối chí bỏ cuộc. Điều đó chính là nguyên nhân chính khiến nhiều bạn trẻ ngày nay rơi vào các tệ nạn xã hội, gây ra những hậu quả nặng nề cho bản thân và những người xung quanh.
        Vâng! Thưa các bạn trẻ thân mến, hơn bao giờ hết, giới trẻ chúng ta đang đánh mất mục đích sống vì ảo tưởng về bản thân. Là những người Công giáo, chúng ta được mời gọi lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần để nhìn nhận thực lực về bản thân mình, và để nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà chúng ta có những bước đi vững chắc trên đường đời.
        Vì vậy, trong bài chia sẻ này xin được chia sẻ với các bạn trẻ đề tài: VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI TRẺ với ba phần:
1.   Thánh Thần – định hướng tương lai
2.   Thánh Thần – giúp người trẻ kiên vững trong chọn lựa.
3.   Thánh Thần – dẫn đưa đến thành công

1. Thánh Thần – định hướng tương lai
Như nói ở phần giới thiệu, nhiều bạn trẻ ngày nay không thể định hướng tương lại cho mình được vì quá ảo tưởng về bản thân. Mạng xã hội phát triển tột bậc càng làm cho giới trẻ lẫn lộn giữa thế giới thật và thế giới ảo. Chính vì thế nhiều bạn trẻ đã và đang đánh mất đi tương lai của mình khi không thể phân định được mình là ai, mình đang ở đâu, đang có gì để mà có thể định hướng tương lai cho mình.
Chúa Thánh Thần là Đấng  sẽ giúp cho các bạn trẻ biết cách định hướng đi cho tương lai của mình, biết nhìn nhận đúng thực lực của bản thân mà không ảo tưởng sức mạnh. Bởi, chúng ta tuy là những người yếu hèn, nhưng nói như thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Rô-ma thì: “Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta, là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8, 26)
Vâng! Thưa các bạn trẻ, nhờ Thần Khí cầu thay nguyện giúp bằng những tiếng rên siết mà Chúa chúng ta sẽ ban những ơn cần thiết. Trong đó có ơn quan trọng là biết nhìn nhận chính bản thân mình. Vì chỉ khi ta biết chính mình thì mới có thể định cho mình một sự nghiệp, một ước mơ đúng thực lực, như cha ông ta đã nói: “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng.”

2. Thần Khí giúp người trẻ kiên vững trong chọn lựa.
Cuộc sống của chúng ta không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Trong quá trình thực hiện ước mơ, chắc chắn chúng ta sẽ gặp biết bao nhiêu khó khăn thử thách. Là người trẻ và chưa có kinh nghiệm chiều sâu nội tâm, chính vì thế, nhiều bạn trẻ đã gục ngã bỏ cuộc, hoặc chán chường thối chí trước những khó khăn trong quá trình thực hiện ước mơ. Chính những lúc đó, Chúa Thánh Thần lại lên tiếng. Người là Thần Khí, thúc đẩy từ bên trong, khơi lên tình yêu ban đầu, nghị lực ban đầu của chúng ta. “Đức Chúa là Chúa thượng phán thế này: Từ bốn phương trời, hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh” (Ed 37,9). Thật vậy, nhiều khi chúng ta đang sống mà như đã chết, vì những thất bại trong cuộc sống, nhưng chính Thần Khí thổi lên trong chúng ta, giúp chúng ta đủ nghị lực và kiên vững trong những chọn lựa của mình.

3. Thần Khí - dẫn đến thành công
Cuộc đời của Chúa Giê-su cũng luôn có Chúa Thánh Thần đồng hành. Từ khi xuống trần gian cho đến khi hoàn thành kế hoạch cứu độ, luôn có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, nhờ Chúa Thánh Thần mà Người đã thụ thai trong cung lòng Đức Trinh Nữ; rồi trong ngày khai mạc sứ vụ công khai cũng có Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu; và cuối cùng, khi chết trên thập giá, Người trao Thần Khí lại cho Chúa Cha.
Cũng vậy, cuộc đời của chúng ta là họa ảnh lại cuộc đời của Chúa Giê-su. Nếu Đức Giê-su cần Chúa Thánh Thần thế nào thì chúng ta cũng cần Chúa Thánh Thần như vậy.
Người ta thường nói “khởi sự tại nhân và thành sự tại thiên”, tuy vậy, chúng ta thì khác, khởi sự cũng xuất phát từ Thiên Chúa và thành sự cũng xuất phát từ Thiên Chúa vì từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa; mà cụ thể ở đây chính là Ơn Chúa Thánh Thần. Chính Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cho chúng ta, Ngài phán rằng: “Ta sẽ đổ Thần Khí của ta trên tôi tớ nam nữ” (Ge 3, 1). Thần Khí không chỉ là Đấng định hướng tương lai, là Đấng giúp ta kiên vững trong đời sống mà còn là tác nhân chính đưa chúng ta đến thành công.

Nói tóm lại, Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, mỗi người chúng ta có dịp tìm hiểu về Ngôi Ba Thiên Chúa, nhận ra vai trò của Ngài trong đời sống của mình. Đặc biệt đối với những người trẻ, Chúa Thánh Thần có vai trò định hướng tương lai, giúp ta bền tâm vững bước trên đường đời và quan trọng chính Ngài là tác nhân chính đưa chúng ta đến thành công trong đời sống.
Cha Thánh Eymard đã khẳng định rằng: “Chúa Thánh Thần cư ngụ trong chúng ta, nên chính Ngài là ông chủ, là thầy dạy, Đấng thánh hóa nội tâm chúng ta. Vì thế chúng ta phải lắng nghe, phải đặt mình trong sự xếp đặt, cộng tác với Ngài.”  Sự cộng tác này thể hiện bằng việc không ngừng siêng năng cầu nguyện, biết lắng đọng, biết sống chậm lại đang khi thế giới ồn ào và náo nhiệt luôn lôi kéo chúng ta bằng những lừa lọc và dối trá. Có như thế, chúng ta mới có thể trở thành một người trẻ thành công mà không ảo tưởng sức mạnh, một người có thể thực hiện được ước mơ của mình, cho dầu đôi khi ước mơ ấy dường như quá sức của chúng ta.


 Lm. Mar - Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
Share:

Thứ Bảy sau Chúa Nhật VII Phục Sinh Cv 28,16-20.30-31; Ga 21,20-25 SỐNG VÀ CHẾT CHO CHÚA

Thứ Bảy sau Chúa Nhật VII Phục Sinh
Cv 28,16-20.30-31; Ga 21,20-25

Lời dẫn đầu lễ
        Kính thưa cộng đoàn! Chúa Giê-su trước khi về trời Người đã hiện ra không chỉ củng cố niềm tin cho các tông đồ nhưng quan trọng là Người mời gọi cũng như ra mệnh lệnh cho các ông: “hãy theo Thầy”
        Lời mời gọi hãy theo Thầy không chỉ dành cho các tông đồ mà còn là lời mời gọi cho tất cả chúng ta, những người đã mang danh là Ki-tô hữu. Theo Chúa chính là sống và chết như Chúa.
        Dâng thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi người chúng ta biết theo Chúa và chu toàn bổn phận trong trách nhiệm và địa vị của mình.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Bài giảng

SỐNG VÀ CHẾT CHO CHÚA
Bài Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay là kết thúc Tin Mừng theo thánh Gioan. Sau khi tra vấn về lòng mến, Chúa Giêsu trao quyền cho Phêrô trách nhiệm chăm sóc đoàn chiên với tư cách Tông đồ trưởng. Phê-rô đã bằng lòng với trách nhiệm Chúa ban nhưng ông còn thắc mắc  muốn biết Gio-an sẽ được Chúa trao cho trách nhiệm gì? Trước thắc mắc này của ông Chúa đã trả lời: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho đến khi Thầy đến, thì việc gì đến anh.” (Ga 21, 22). Dựa vào câu trả lời này của Chúa có ý nghĩa gì? Và chúng ta rút ra được bài học gì?
Trước hết, dựa vào câu trả lời này của Chúa trong phần kết thúc Tin mừng Gioan nhiều người cho rằng đó là lời tuyên báo về số phận khác nhau dành cho hai thánh Phê-rô và Gio-an. Thật vậy, Thánh Phê-rô sẽ tử vì đạo tại Rô-ma, còn thánh Gio-an sẽ sống và làm chứng cho Chúa. Thánh Gio-an là người duy nhất không tử đạo trong số các tông đồ của Chúa Giê-su. Khi đọc đoạn Tin mừng này nhiều người nghĩ rằng thánh Gio-an sẽ sống cho đến ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Tuy nhiên, mấu chốt quan trong trong bài Tin mừng hôm nay không nằm ở chỗ hai ông sẽ chết cách nào cho bằng lời mời gọi, mà cũng là một mệnh lệnh: “Hãy theo Thầy”
Vậy Hãy Theo Thầy là như thế nào?

1. Trước hết đó là hãy Sống như Thầy.
Thật vậy Đức Giê-su đã khước từ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa mặc lấy thân phận tôi đòi, Người đã sống một cuộc đời nghèo khó, rong ruổi rao giảng Nước Thiên Chúa. Cũng vậy, các môn đệ, được mời gọi họa lại cuộc đời mình như Chúa đã từng sống. Đó là sống nghèo khó và rao giảng Tin mừng cho muôn dân.

2. Kế đến đó là Chết như Thầy.
Đức Giê-su đã tự hiến thân mình là giá chuộc nhân loại. Qua cái chết của Chúa, những ai tin vào Người sẽ được sống lại như Người đã sống lại. Các tông đồ phải là những người tiên phong dám hy sinh mạng sống mình như Thầy để làm chứng cho Đức Giê-su.

Như vậy, qua cuộc đối thoại ngắn gọn giữa Chúa Giê-su Phục Sinh và hai môn đệ thân tín là Phê-rô và Gio-an, Chúa cũng mời gọi chúng ta “Hãy theo Thầy” trong môi trường sống của mình. Ai trong chúng ta cũng được mời gọi sống và chết như Chúa.
Vâng, mỗi người trong chúng ta đều có những ơn gọi khác nhau dựa trên lời mời gọi “hãy theo Thầy”. Cùng là Tông đồ, nhưng mỗi người được Chúa gọi làm tông đồ theo cách thức riêng của mình, không ai giống ai: Phêrô khác Gioan: Phêrô sẽ tử đạo để biểu lộ lòng mến, nhưng Gioan lại ca ngợi Thiên Chúa tình yêu bằng trái tim và ngòi bút của mình…các tông đồ khác cũng thế. Điều quan trọng không phải là so sánh địa vị cao thấp, công việc này khác… nhưng là chu toàn bổn phận Chúa trao cho mình, ở đây và lúc này. Chúng ta được mời gọi hãy theo Thầy ngay trong đời sống gia đình, thì chúng ta chỉ cần sống và có trách nhiệm với gia đình của mình, dù có nhiều gian nan vất vả. Nhưng khi chúng ta hoàn thành tốt đẹp ơn gọi của mình trong gia đình, đồng nghĩa với việc chúng ta đóng góp vào việc hoàn thành ơn gọi của anh chị em và liên đới với nhau để hoàn thành chương trình chung của Thiên Chúa, như các chi thể trong một thân thể vậy. Nói như thánh Phao-lô: “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.” (Rm 14,8)


 Lm. Mar - Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
Share:

Thứ Sáu sau Chúa nhật Chúa Thăng Thiên TÌNH YÊU VÀ TRÁCH NHIỆM

Thứ Sáu sau Chúa nhật Chúa Thăng Thiên
Cv 25, 13b-21; Ga 21, 15-19
Lời dẫn đầu lễ


Chia sẻ Lời Chúa
        Kính thưa cộng đoàn! Sau khi Chúa sống lại đã hiện ra với các tông đồ khi các ông đi đánh cá. Trong lần hiện ra này, vì biết rằng Người sẽ chẳng ở lại với nhân loại bao lâu nữa nên Người đã trao trách nhiệm cho Phê-rô thay mặt Người coi sóc đoàn chiên của Người. Nhưng trước khi trao trách nhiệm cho Phê-rô Người muốn ông xác định lại tình yêu của ông đối với Người. Vì chỉ có yêu thật sự ông mới có thể chu toàn trách nhiệm mà Chúa đã trao phó.
        Mỗi người chúng ta cũng được Chúa trao phó trách nhiệm đó là hướng dẫn và chăm sóc những người thân trong gia đình. Vì thế, dâng Thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta ngày càng yêu mên Chúa nhiều hơn và chúng ta có thể hy sinh để chu toàn trách nhiệm chăm sóc gia đình của chúng ta.
        Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.


TÌNH YÊU VÀ TRÁCH NHIỆM
        Kính thưa cộng đoàn! Trong tư cách là Người mục tử nhân lành, Đức Giêsu lo lắng cho đàn chiên của Người, vì bây giờ Người không hiện diện hữu hình ở giữa họ nữa. Bởi vì Người chăm sóc họ và muốn gìn giữ họ, Người đã trao ban Phêrô, để ông làm mục tử dẫn dắt họ. Phêrô phải săn sóc họ, phải giữ cho họ đi trên đường ngay nẻo chính, phải điều khiển và hướng dẫn họ. Tuy vậy, trước khi giao nhiệm vụ cho Phê-rô Chúa cần ông xác tín lại tình yêu của mình.

        1. Tình yêu của Phê-rô
Tin mừng hôm nay có lẽ làm cho nhiều người chúng ta cảm thấy khó trả lời nếu như chúng ta đặt tâm trạng mình vào tình thế của Phê-rô. Đây là lần đối thoại gặp gỡ giữa Chúa và Phê-rô lần đầu tiên sau khi Người sống lại, kể từ sau khi Phê-rô xác tín rằng dù có chết cũng không chối Chúa. Nhưng những gì xảy ra sau đó thì ai trong chúng ta cũng biết rồi. Ông đã chối Chúa ba lần. Gặp Chúa lần này, có lẽ Phê-rô rất ái ngại vì lỗi lầm của mình, nhưng có lẽ ông đau khổ nhiều hơn khi Chúa hỏi ông đến ba lần: Này anh Phê-rô, anh có yêu mến Thầy không? Dường như Chúa chưa tin lắm vào tình yêu của Phê-rô thì phải. Không phải thế. Ở điểm này, nhiều nhà thần học cho rằng sở dĩ Chúa hỏi Phê-rô đến ba lần vì để bù lại ba lần ông đã chối Chúa. Tuy nhiên, việc hỏi Phê-rô, Chúa muốn ông quả quyết và xác tín vào Tình yêu của Chúa. Thật vậy, việc Chúa hỏi đến ba lần ngụ ý rằng Chúa muốn Phê-rô yêu Người cách trọn vẹn, bằng hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Trong cả ba lần hỏi của Chúa, Phê-rô đều trả lời dứt khoát:  Lạy Chúa, con yêu mến Chúa.
       
2. Tình yêu phải đi kèm với trách nhiệm.
Thưa cộng đoàn! Tình yêu không đơn giản chỉ là yêu không không, nhưng cần phải được thể hiện qua hành động, đó là phải có trách nhiệm, mà ở đây trách nhiệm của Phê-rô chính là: “hãy chăm sóc chiên của Thầy.”
        Tình yêu của Phê-rô lúc này chắc chắn khác với tinh thần hăng hái trước khi Chúa chết, bởi nó đã qua thử thách và ông đã đổ vỡ. Tình yêu lúc này của Phê-rô đối với Chúa đó là tình yêu trưởng thành, tình yêu đã sống lại sau khi ông chối Chúa. Tình yêu này có kèm theo hành động, trách nhiệm đối với Chúa. Đó là chăn dắt đoàn chiên của Chúa.

        3. Lời mời gọi của Chúa đối với mỗi người chúng ta.
Mỗi người chúng ta cũng vẫn được Chúa hỏi: Ông, bà, anh, chị…có yêu mến Thầy hơn những người khác không? Và dĩ nhiên chúng ta cũng sẽ trả lời là có. Nhưng trả lời như vậy là chưa đủ, cần phải có hành động như Phê-rô, đó là chu toàn trách nhiệm mà Chúa đã ban cho chúng ta.
Ai trong chúng ta cũng đã cảm nghiệm được thế nào là yêu thật sự. Tình yêu không bao giờ đi một mình, tình yêu phải đi đôi với trách nhiệm. Chẳng hạn trong gia đình, vợ chồng yêu thương nhau thì phải có trách nhiệm trên cuộc đời nhau. Vì khi cầm tay nhau đọc lời kết ước cũng là lúc hai người ký kết một giao ước, qua đó mỗi người phải lãnh nhận phần trách nhiệm của mình đó là yêu thương và tôn trọng nhau, là yêu thương và giáo dục con cái theo luật Chúa.

Nhiều người hay than rằng: Tại sao Chúa lại ban cho con thánh giá nặng quá? Làm sao con vác nổi và nhiều khi muốn bỏ cuộc. Chúng ta phần nào với kinh nghiệm đời sống gia đình cũng hiểu được tâm trạng của người vợ luôn phải chịu đựng một ông chồng trăng hoa, nhậu nhẹt tối ngày; hoặc một người chồng luôn đau đáu khi vợ của mình hết quần này áo nọ đến tô son trét phấn; hoặc nhiều cha mẹ cũng đau khổ vì những đứa con bất hiếu, hư đốn... Vâng! Thưa cộng đoàn, gia đình là những người Chúa đã gửi đến để chúng ta sống với, sống cùng, để như Phê-rô chúng ta chăn dắt những người đó. Nếu chúng ta nói rằng: Lạy Chúa con yêu Chúa, như Phê-rô thì đòi buộc chúng ta phải chu toàn trách nhiệm Chúa gửi đến cho chúng ta mà không than vãn kêu ca. Vì chính những người trong gia đình dù xấu, hay tốt thì cũng là những con người giúp chúng ta nên thánh trong địa vị mà Chúa đã trao phó.
       
Nói tóm lại, qua Tin mừng hôm nay, chúng ta cần biết rằng Tình yêu không bao giờ chỉ là những lời nói không không. Tình yêu luôn đi đôi với trách nhiệm. Nếu chúng ta đã mang danh là những Ki-tô hữu, nghĩa là những người có Chúa, những người tin vào Chúa, những người sống giới răn yêu thương của Chúa thì phải chu toàn trách nhiệm mà Chúa đã trao phó. Trách nhiệm đó đơn giản chỉ là hết lòng hết sức chăm lo cho gia đình của mình, dù đôi lúc cũng rất mệt mỏi và chán nản vì những trái nghịch và bất toàn của một ai đó. Tuy vậy, việc chu toàn tốt bổn phận và trách nhiệm lại là cơ hội tốt nhất để chúng ta nên thánh mỗi ngày. Amen.

  Lm. Mar - Aug Bùi Văn Hồng Phúc, sss




Share:

LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHỎI BỊ CHIA TRÍ KHI DÂNG THÁNH LỄ HOẶC KHI CẦU NGUYỆN?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHỎI BỊ CHIA TRÍ KHI DÂNG THÁNH LỄ HOẶC KHI CẦU NGUYỆN?

Nhiều hối nhân khi đến với Tòa Giải Tội xưng thú rằng mình thường xuyên chia trí khi cầu nguyện và hỏi tôi có cách nào giúp khỏi chia trí khi cầu nguyện.
Để giải quyết được vấn đề này trước hết chúng ta cần đặt lại câu hỏi: Nguyên nhân nào khiến bạn hay bị chia trí khi cầu nguyện?
Thưa có 2 nguyên nhân chính:

1. Nguyên nhân thứ nhất: Không có sự chuẩn bị trước khi tham dự Thánh lễ và cầu nguyện.

Nhiều người trong chúng ta đi lễ không xuất phát từ nhu cầu của mình nhưng là do luật buộc, hoặc đi lễ do thói quen. Thế nên phần lớn khi tham dự Thánh lễ chúng ta đi vì giữ luật chứ không do sự tự nguyện và lòng ước ao. Nhiều người khi đến với Thánh lễ hoặc khi cầu nguyện thì hoàn toàn bị động và không có sự chuẩn bị trước. Chính vì thế, khi đến với Thánh lễ nhiều người bối rối, không tập trung, không có ý tưởng, chất liệu để cầu nguyện. Điều đó gây ra sự chia trí.

2. Nguyên nhân thứ hai: không làm chủ được các giác quan.

Chúng ta có các giác quan để nhận biết thế giới xung quang mình, tuy vậy, khi đến nhà thờ, chúng ta không tập trung được là do bị các giác quan chi phối. Nhiều khi nghe tin gì đó, nhìn thấy những điều làm chúng ta khó chịu là y như rằng chúng ta sẽ cảm thấy bực tức và bắt đầu sao nhãng việc cầu nguyện.

Như vậy, có hai nguyên nhân chính gây cho ta bị chia trí khi cầu nguyện đó là không có sự chuẩn bị trước và không làm chủ được giác quan. Vì thế, muốn chấm dứt tình trạng chi trí chúng ta phải khắc phục được hai nguyên nhân này.
1. Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đi lễ và trước khi cầu nguyện.

Chúng ta đến với Chúa, thì cần phải có nguyên do đến. Ngoài mục đích đến để tôn thờ Chúa với tâm tình con thảo, chúng ta cũng cần phải chuẩn bị ý tưởng và ước muốn gì khi đến với Chúa. Chúng ta chỉ tập trung vào ý tưởng và ước muốn này thôi. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ không bị chi phối bởi các ý tưởng khác bất chợt đến khi chúng ta cầu nguyện.

2. Cần làm chủ các giác quan

Nhất là làm chủ tai và mắt. Khi đến nhà thờ chúng ta cần phải tìm một vị trí tốt nhất, gần với bàn thờ để không bị cảnh vật, môi trường xung quanh chi phối. Thường chúng ta sẽ dễ bị cuốn theo những cảm xúc do các giác quan mang lại, thế nên cần thiết nhất là tìm một vị trí khuất với cảnh vật và thế giới bên ngoài, chỉ chú tâm vào những gì đang xảy ra trên bàn thờ mà thôi.

3. Nương theo những ý tưởng mới

Thật vậy, trí não chúng ta luôn mạnh mẽ và có nhiều ý tưởng nảy sinh mặc dù chúng ta đã chuẩn bị trước một ý tưởng nào đó. Chẳng may trong khi cầu nguyện, một ý tưởng nào đó nảy ra trong trí não, đừng chống lại, chúng ta có thể nương theo những suy nghĩ mới mà dâng lên cho Chúa ngay trong lúc đó. Ví dụ bạn đã chuẩn bị ý tưởng cầu xin “ơn bình an” trong giờ cầu nguyện này, nhưng vì lý do nào đó bạn lại bị chia trí bởi vấn đề “việc làm” thì đừng cố chống lại, hãy dâng cho Chúa cả hai việc này và cầu xin với Chúa ngay trong lúc bị chia trí.

Như vậy, để có thể giảm bớt sự chia trí khi cầu nguyện và khi dâng Thánh lễ chúng ta cần có 3 điều kiện:
o  Chuẩn bị trước ý tưởng, chất liệu để cầu nguyện.
o  Làm chủ các giác quan.
o  Nương theo những ý tưởng mới mà cầu nguyện với Chúa.

Lm. Mar - Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
Share:

Chúa Nhật Thăng Thiên – B – TN Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20 QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA Ở TRÊN TRỜI

Chúa Nhật Thăng Thiên – B – TN
Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20


LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn và các con thiếu nhi thân mến. Chúa Giê-su sau khi sống lại thì 40 ngày sau Người lên trời. Người lên trời không có nghĩa là đi xa chúng ta nhưng Người bước vào cõi phúc, nơi chỉ có hạnh phúc và sự thật.
        Tất cả chúng ta cũng sẽ được lên trời với Chúa nếu chúng ta biết sống giới răn yêu thương và loan truyền tin mừng cho mọi người.
        Dâng thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi người chúng ta đừng bám vào các thực tại trần thế mà biết hướng lòng mình lên các giá trị của Nước trời, vì quê hương đích thực của chúng ta là ở trên trời nơi có hạnh phúc tràn đầy trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
        Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu nhiệm Thánh.



BÀI GIẢNG
QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA Ở TRÊN TRỜI
       
Trong não trạng phương Đông, thế giới chúng ta bao gồm 3 phần: phía trên cao gọi là trời, rồi chúng ta đang sống ở trần gian, và dưới đất gọi là âm phủ. Vậy Chúa lên trời nghĩa là Chúa đi đâu? Có phải Chúa bay lên ở lơ lửng trên bầu trời?
        Thưa! Chúa lên trời, không có nghĩa là Chúa bay lơ lửng lên cao, nhưng trong truyền thống đức tin của chúng ta, trời không phải là nơi chốn, trời để chỉ một thực tại.
Trước hết chúng ta cần tìm hiểu: Theo Kinh thánh: Trời có nghĩa là gì?
Theo Sách giáo lý Công giáo thì “ở trên trời” là một thuật ngữ Thánh Kinh - không nhằm ám chỉ một nơi nào (trong “không gian”) nhưng muốn nói lên một cách thế hiện hữu : Thiên Chúa vượt xa hơn và vượt trên tất cả những gì chúng ta có thể tưởng nghĩ về Người (GLCG 2794).
Sách Công vụ Tông đồ cho biết Chúa Giêsu “lên trời” 40 ngày sau biến cố Phục sinh (Cv 1,3-9) ; nhưng thực ra, Người đã lên trời ngay khi sống lại. Trong 40 ngày sau khi phục sinh, Người đã hiện ra nhiều lần để dạy dỗ các tông đồ và để củng cố đức tin của các ông. Vì thế, khi mừng lễ Chúa lên trời, Phụng Vụ muốn nêu bật rằng biến cố này chấm dứt thời gian Chúa hiện diện giữa nhân loại bằng thân xác hữu hình và khai mở cho họ một niềm hy vọng lớn lao. Hy vọng tất cả những ai tin vào Chúa cũng sẽ được lên trời như Chúa.
Như vậy, Chúa lên trời không có nghĩa là Người bay vù vào vũ trụ, hay lên một hành tinh nào khác trong không gian vô tận, nhưng có nghĩa là Chúa Giêsu đạt tới một tình trạng hiện hữu cao hơn, Chúa bước vào tương quan tình yêu với Ba Ngôi Thiên Chúa cách trọn vẹn.
Khi làm người, Con Thiên Chúa đã tự trút bỏ địa vị của một vị Thiên Chúa để mang lấy thân phận con người, nghĩa là Người chia sẻ với nhân loại cách thế hiện hữu đầy giới hạn của con người. Nhưng một khi sống lại được siêu tôn, nghĩa là lãnh nhận quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa, Người hiện hữu theo cách thế của một vị Thiên Chúa chứ không hiện diện bằng thân xác hữu hình như trước đây.
Vậy một câu hỏi đặt ra cho chúng ta, việc mừng lễ Chúa lên trời mang lại cho chúng ta điều gì?
1. Điểm thứ nhất: Xác tín rằng quê hương chúng ta ở trên trời.
Thật vậy, tất cả chúng ta có nguồn gốc từ Thiên Chúa, và quê hương chúng ta ở trên trời. Trời là nơi Thiên Chúa ngự, là Nhà Cha, nên là quê hương của ta. Vì tội lỗi, chúng ta bị lưu đày xa miền Đất Hứa ; phải có hoán cải tâm hồn thì chúng ta đựợc về "trời", về cùng Cha. Trong Đức Ki-tô, trời đất được giao hòa, vì chỉ Chúa Con là Đấng "từ trời xuống thế" và đưa chúng ta lên trời với Người. Đức Giê-su đã khẳng định: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đưa anh em về với Thầy.” (Ga 14, 3)

2. Điểm thứ hai: Điều kiện để lên trời là gì?
Để được lên trời với Chúa thì cần phải có 2 điều kiện sau:

Trước hết: Phải sống giới răn yêu thương.

Chúa Giê-su trước khi bước vào Cuộc Vượt Qua Người đã ban cho chúng ta Giới Răn Yêu Thương: “Điều Thầy truyền dạy cho anh em đó là hãy yêu thương nhau.” (Ga 15, 17); và cứ dấu này người ta sẽ nhận ra anh em là môn đệ thầy ở chỗ anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,  35).
Như vậy, chỉ khi chúng ta sống giới răn yêu thương thì chúng ta mới được lên trời với Chúa vì Nước trời là nơi tình yêu được trọn vẹn và chỉ những ai khi còn sống ở đời này biết sống giới răn yêu thương thì mới có thể được lên trời.

Thứ hai: Phải loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

Trước khi Chúa về trời, Chúa đã trao cho các tông đồ mệnh lệnh mà cùng là giao cho mỗi ki-tô hữu chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Thật vậy, hồng ân lên trời là hồng ân phổ quát, được trao ban cho tất cả mọi người. Đức Giê-su đã chết đi cho nhân loại, và tất cả những ai ăn năn sám hối và tin vào Người sẽ được ơn cứu độ, nghĩa là sẽ được lên trời với Chúa. Mỗi người chúng ta có nhiệm vụ loan báo Nước Thiên Chúa cho mọi người. Để đến ngày Chúa đến trong vinh quang, tất cả mọi loài thọ tạo cũng sẽ được về trời với Chúa.

Nói tóm lại, Mừng lễ Chúa lên trời chúng ta xác tín rằng quê hương chúng ta ở trên trời. Chúa đi là để chuẩn bị chỗ cho chúng ta. Phần chúng ta, nếu muốn lên trời với Chúa thì điểm thứ nhất phải sống giới răn yêu thương, điểm thứ hai phải biết loan báo Tin mừng cho mọi người.

Chúa chúng ta tuy đã về trời, nhưng chưa bao giờ Chúa xa cách chúng ta, thật ra Chúa về trời chính là khi Người bước vào sự hiện diện đích thực. Lúc này, thời gian, không gian không còn chi phối Người được nữa. Do đó, Chúa luôn hiện diện bên cạnh chúng ta. Đặc biệt nhất, Chúa hiện diện cách bí tích, hiện diện thật sự với đầy đủ nhân tính và thần tính của Người nơi Bí tích Thánh Thể. Vậy, cộng đoàn chúng ta còn ngần ngại gì nữa mà không siêng năng đến với Chúa nơi Bí tích Thánh Thể để người ủi an đỡ nâng, vì khi chiêm ngắm Chúa nơi Bí tích Thánh Thể là chúng ta được cảm nếm trước Thiên Đàng ngay ở đời này.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS



Share: