LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THỂ CHẤP NHẬN NHỮNG GIỚI HẠN NƠI BẢN THÂN MÌNH?


Chúa Nhật XXX Thường niên – B – CĐ
Gr 31, 7-9; Dt 5, 1-6, Mc 10, 46-52

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
       
Kính thưa cộng đoàn! Hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật 30 thường niên. Lời  Chúa hôm nay muốn nhắn nhủ mỗi người, trong thân phận làm người chắc hẳn chúng ta không có khiếm khuyết này thì cũng có những tật nguyền kia. Quan trọng chúng ta phải đối diện với những bất toàn nơi thể xác và linh hồn mình như thế nào.
        Dâng thánh lễ này, chúng ta cầu xin Chúa ban ơn để mỗi người biết chạy đến với Chúa, để Chúa chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền của chúng ta như Chúa đã chũa cho người mù trong Tin mừng hôm nay.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.


LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THỂ CHẤP NHẬN NHỮNG GIỚI HẠN NƠI BẢN THÂN MÌNH?

Kính thưa cộng đoàn! Đã mang thân phận con người, ai trong chúng ta cũng đầy dẫy những khiếm khuyết và giới hạn. Những khiếm khuyết và giới hạn đó có thể là màu da, gia cấp; hoặc những khiếm khuyết vì bệnh hoạn tật nguyền, hoặc những người chẳng may sinh ra bị đồng tính, bị dị tật, mù đui, câm điếc…
Tuy là những người có đức tin, nhưng nhiều khi chúng ta tự hỏi: Tại sao Chúa lại để con bệnh tật, đau khổ như thế này? Tại sao khi sinh con ra để con bị đồng tính, giờ bị mọi người kỳ thị? Tại sao Chúa lại để cho con của con, người thân của con gặp những tai nạn này, sự cố kia?
Thế thì một câu hỏi được đặt ra cho mỗi người chúng ta: Tôi phải làm gì để có thể vượt qua những giới hạn của bản thân?

Trước khi trả lời câu hỏi này, xin mời cộng đoàn cùng nhìn lại 3 hình ảnh sau:

1.   Trước hết, xin mời cộng đoàn nhìn vào công trình tạo dựng.
Kinh thánh cho chúng ta biết, Thiên Chúa tạo dựng muôn loài trong 6 ngày và ngày thứ 7 Ngài nghỉ ngơi. Thật ra Thiên Chúa không cần nghỉ ngơi bởi Ngài quyền năng. Nhưng Thiên Chúa tự ý giới hạn quyền năng của mình để con người tiếp tục cộng tác với Ngài mà sáng tạo, đưa thế giới đến mức vẹn toàn.
Tuy vậy, con người, thay vì sử dụng tự do Chúa ban để nối tiếp công việc sáng tạo của Thiên Chúa,  đã phạm sai lầm khi cắt đứt tương quan với Người, qua hành động ăn trái cấm. Nguyên tổ đã sa ngã phạm tội. Vì thế, một khi tội lỗi thâm nhập vào đời sống con người thì ngay lập tức gây ra những hậu quả nặng nề. Đó là đau khổ, là bệnh tật và chết chóc.

2.   Kế đến, xin cộng đoàn hãy nhìn vào chính bản thân mình.
Nhiều người cho rằng một đứa bé thì làm gì có tội? hoặc tôi có phạm tội gì đâu mà phải liên luỵ bị mắc tội tổ tông? hoặc tại sao nguyên tổ phạm tội mà tôi bị vạ lây?
Vâng thưa cộng đoàn! Chúng ta không tự nhiên mà có, nhưng chúng ta được sinh ra trong một gia đình; gia đình đó được đặt vào trong một xã hội; trong xã hội mọi người cùng chung bản tính con người. Đã là con người thì tất cả chúng ta đã sẽ liên đới với nhau.
Thật vậy, theo Thánh Augustino: Tội nguyên tổ  là tình trạng cụ thể của kiếp người ngay khi mỗi người chúng ta chào đời. Mỗi người chúng ta được sinh ra trong thế giới đã bị hư hoại; nó hiện diện ngay lúc ta chào đời và chúng ta bước vào đó. Do vậy, đã sinh ra dù chưa có tội riêng nhưng vì liên đới với nhau nên chúng ta cũng mắc tội nguyên tổ.
Và dĩ nhiên, một khi có tội thì có hậu quả của tội. Điền hình nhất những hậu quả của tội mà mỗi người chúng ta phải mang đó chính là những giới hạn nơi bản thân chúng ta. Đó là bệnh hoạn, tật nguyền, đau khổ và chết chóc.

3.   Sau cùng nhìn vào Đức Giê-su
Thiên Chúa vì yêu thương con người, không muốn con người phải chết đời đời nên ngay sau khi nguyên tổ phạm tội, Ngài đã hứa ban Đấng Cứu Thế để cứu chuộc nhân loại. Và đến thời viên mãn, lời hứa ấy đã được thực hiện khi Đức Giê-su là Con Thiên Chúa đã giáng sinh làm người. Người chính là vị thượng tế trỗi vượt hơn muôn ngàn thượng tế, được Thiên Chúa Cha kêu gọi từ trước muôn đời (Dt 5, 5). Nhờ người mà muôn vật được cứu độ.

Như vậy, khi chúng ta nhìn vào vũ trụ, nhìn vào bản thân mình và nhất là nhìn vào Đức Giê-su chúng ta đã có được cái đúng đắn về những giới hạn của con người.  Tất cả những giới hạn của con người như bệnh hoạn, tật nguyền, đau khổ và chết chóc không bao giờ đến từ Thiên Chúa; mà là hậu quả của tội gây ra.
Đến đây, chúng ta đã hiểu được nguyên nhân gây ra những giới hạn bệnh tật, đau khổ và chết chóc nơi con người, giờ đây chúng ta sẽ trả lời câu hỏi: Tôi phải làm gì để có thể vượt qua những giới hạn của bản thân?

Thưa, để có thể vượt qua được những giới hạn nơi bản thân, chúng ta cần làm hai việc sau đây.

1.   Khiêm nhường nhận ra bản thân mình chỉ là con người tội lỗi và bất toàn.

Rất nhiều người trong chúng ta không khiêm nhường, để rồi không biết chấp nhận những giới hạn của con người. Vì thế, càng không chấp nhận bao nhiêu thì chúng ta lại càng bế tắc và đau khổ bấy nhiêu.
Dĩ nhiên, chấp nhận ở đây không có nghĩa là bằng lòng chịu vậy. Nhưng chấp nhận những giới hạn đó chính là để Thiên Chúa hoàn thiện con người chúng ta.

2.   Hoàn thiện bản thân bằng ân sủng của Chúa.

Hình ảnh anh mù trong Tin mừng hôm nay cũng chứng minh điều đó. Mù nói lên giới hạn của con người cả về thể xác lẫn tâm hồn. Mù là một khiếm khuyết ở mắt, khiến con người không nhận biết được xung quanh, nhưng cái mù đó cũng nói lên cái mù đức tin, mù trong tương quan với Thiên Chúa. Do vậy, việc Chúa chữa mù cho anh Ti-mê không chỉ là chữa về giới hạn thể lý nhưng là mở ra cho anh ánh sáng của sự sống vĩnh cửu. Anh đã bỏ lại tất cả mà bước theo con đường Chúa đã đi.
Thật vậy, Đức Giê-su chính là cứu cánh duy nhất cho chúng ta. Người chính là vị thượng tế tối cao, nhờ người mà chúng ta ơn Cứu độ như bài đọc hai  đã nói. Người sẽ chữa lành cho chúng ta, và đưa chúng ta về nơi hạnh phúc. Ở đó, sẽ không còn đui mù, què quạch nữa như bài đọc một trích sách tiên tri Giê-rê-mi-a: “Này Ta sẽ đưa chúng ta đất bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng trái đất. Trong chúng, có kẻ đui người què, kẻ mang thai, người ở cử: tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo.” (Gr31, 8).
       
        Nói tóm lại, ai trong chúng ta cũng mang những khiếm khuyết nơi tâm hồn và thể xác mình do hậu quả của tội gây ra. Những giới hạn đó chúng khiến chúng ta mù lòa để rồi tiếp tục chối từ Thiên Chúa. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết hoàn thiện bản thân bằng chính ân sủng của Chúa. Hãy vượt qua mọi rào cản như người mù, để đến với Chúa. Vì chỉ có nhờ Người, với Người và trong Người, chúng ta mới được chữa lành và trở nên hoàn thiện. Một con người hoàn hảo không phải là một con người đẹp đẽ về thân xác nhưng là một con người luôn có Chúa đồng hành. Chính Người sẽ chữa lành và hoàn thiện con người ta. Sự chữa lành đó không chỉ là những chữa lành về thân xác chóng qua này, nhưng quan trọng là chữa lành linh hồn vốn đã bị tội nguyên tổ và tội cá nhân làm cho hư hoại. Amen.

        Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share:

Thứ Sáu tuần XXIX Thường niên - CĐ NHẬN RA THÁNH Ý CHÚA QUA CÁC DẤU CHỈ


Thứ Sáu tuần XXIX Thường niên  - CĐ
Ep 4,1-6; Lc 12, 54-59
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
Kính thưa cộng đoàn! Nhiều khi trong đời sống, chúng ta thường hay nhìn trời, nhìn trăng để tiên đoán vận mệnh, tiên đoán điều gì đó. Người Do thái ngày xưa cũng thế. Thế nhưng, khi Đấng Cứu Thế đến thì họ lại không hay không biết gì cả.
Lời nhắc nhở của Đức Giê-su với những người Do thái ngày xưa cũng rất thiết thực cho mỗi chúng ta sống hôm nay. Liệu rằng, trước những dấu chỉ của thời đại, chúng ta có nhận ra được sứ điệp của Chúa hay không?
Dâng thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết nhận ra thánh ý Thiên Chúa qua những biến cố trong đời sống, để rồi chúng ta thực hành đúng với Thánh ý Chúa.
Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.


NHẬN RA THÁNH Ý CHÚA QUA CÁC DẤU CHỈ
Kính thưa cộng đoàn! Trong cuộc sống có rất nhiều xảy đến với chúng ta cách bất ngờ. Chẳng hạn như một người mấy chục năm lúc nào cũng khỏe mạnh, bỗng một ngày tự dựng đau bụng, đi khám bệnh, bác sĩ bảo đã ung thư giai đoạn cuối. Người bệnh và cả gia đình thật sốc, ba tháng sau, người đó chết. Hoặc một gia đình khác đang sống êm ấm, vợ chồng con cái hạnh phúc, bỗng một ngày có người đến tố cáo người chồng ngoại tình, có con riêng. Sự việc vở lỡ, gia đình tan nát…
Vâng! Thưa cộng đoàn, có quá nhiều điều bất ngờ xảy đến cho chúng ta. Khiến chúng ta không kịp trở tay. Để rồi chúng ta thường hay than trách Chúa tại sao lại mang những tai ương đến cho bản thân và gia đình chúng ta. Nhưng nếu xét kỹ lại, những sự việc đến với chúng ta hoàn toàn không có gì bất ngờ cả. Tất cả những gì sẽ xảy đến với chúng ta đều có dấu hiệu báo trước, tại chúng ta quá dửng dưng, ỉ y mà không nhận ra thôi.
Bài Tin mừng hôm nay cũng đề cập cho chúng ta tình huống tương tự. Chúa Giê-su cảnh tỉnh những người Do thái đã thiếu khôn ngoan và tỉnh thức. Bởi họ biết nhìn thiên nhiên cảnh vật mà tiên báo trước sự việc sắp xảy ra, mà khi Đấng Cứu Thế đến thì họ lại không hề biết gì. Trong khi đó, Đấng Mê-si-a đã được sách Luật và các ngôn sứ nói đến rất nhiều lần, nhưng khi Đấng ấy đến thì họ lại không nhận ra và đã chối từ Người.
Cũng vậy, trong đời sống của chúng ta, nhiều khi những bệnh tật, hay tai ương xảy đến bất ngờ khiến chúng ta xất bất xang bang, thậm chí phải mất mạng. Tất cả là do chúng ta quá chủ quan, không nhận ra những dấu chỉ báo trước.
Xét về phần xác, thứ mà gắn liền với chúng ta mà chúng ta còn dửng dưng như vậy thì huống hồ phần hồn. Chúng ta dường như chỉ quan tâm đến thân xác là thứ chóng qua, trong khi đó linh hồn mới tồn tại mãi thì chúng ta lại quên mất.
Do vậy, Lời Chúa hôm nay một lần nữa nhắc nhở chúng ta hãy sống khôn ngoan và tỉnh thức để có thể nhận ra đâu là thời khắc quan trọng, thời khắc Chúa đến với chúng ta. Nếu như chúng ta biết lo lắng và nhận ra những dấu chỉ nơi thân xác mình thế nào thì chúng ta cũng phải lo lắng cho linh hồn như vậy.
Vậy chúng ta phải sống như thế nào để được xem là khôn ngoan và tỉnh thức?
Thưa chúng ta phải sống như lời thánh Phao-lô dạy các tín hữu ở giáo đoàn Ê-phê-xô. Mà bài đọc 1 chúng ta vừa nghe: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại: hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí mang lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau.” (Ep 4,2-3).
Ngày xưa những người Do Thái đã không đủ khôn ngoan và tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện của Chúa, rồi xuyên suốt dòng lịch sử biết bao nhiêu người phải sa hỏa ngục vì không biết nhìn ra tiếng nói của Chúa thông qua các dấu chỉ của thời đại. Còn chúng ta, chúng ta đang sống trong một thời đại biến đổi không ngừng, liệu ra chúng ta có đủ khôn ngoan và tỉnh thức để sống đúng với tiếng nói của Thần Khí mà thánh Phao-lô đã nói hay không, hay chúng ta cũng tiếp tục ngu muội, sống buông thả và phóng túng.

Vì thế, qua Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta có dịp xét lại chính đời sống của mình. Tôi có đủ khôn ngoan và tỉnh thức để có thể nhận ra tiếng nói của Chúa qua từng biến cố trong cuộc sống hay chưa? Cầu chúc cho mỗi người, mỗi gia đình luôn tỉnh thức và khôn ngoan nhìn vào những dấu chỉ, để có thể nhận ra thánh ý Chúa và mau mắn thi hành. Amen.

Lm. Mar - Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
Share:

TỬ ĐẠO TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH


LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
ĐẠI HỘI THÁNH THỂ - SỞ KIỆN
(Lc 9,23-26)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Ðức Giê-su nói với mọi người rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần."


TỬ ĐẠO TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

        Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Mỗi khi chúng ta có dịp được ôn lại, đọc lại, hoặc tìm hiểu về hạnh của các Thánh Tử Đạo. Ai trong chúng ta cũng thấy lòng mình sôi lên, không thể không ngưỡng mộ về đời sống của các ngài. Dù rằng bị chống đối và giết chết, nhưng các ngài vẫn kiên quyết, thà chịu chết chứ không chối bỏ đức tin. Quả thật, máu của các ngài đổ xuống đã trở nên hạt giống đức tin cho chúng ta ngày nay hưởng nhờ.
        Các thánh tử đạo là những người sống Lời Chúa cách triệt để nhất. Các ngài đã từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Chúa. Và cũng chính vì các ngài đã liều mất mạng sống mình vì Danh Chúa, nên ngày nay các ngài được Chúa ban thưởng sự sống đời đời, hưởng hạnh phúc trên Nước Thiên Đàng. Điều đó rất đúng với tinh thần bài Tin mừng chúng ta vừa nghe.
        Thật vậy, lời mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” không dành riêng cho một ai. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi vác thập giá mình mà theo Chúa như các thánh tử đạo Việt Nam đã làm. Đó là dám hy sinh mạng sống mình mà làm chứng cho Chúa.
Tuy nhiên, ngày nay, khi mà tự do tín ngưỡng tôn giáo được đề cao, đạo nghĩa không còn bị cấm cách như trước đây, vậy thì chúng ta phải noi gương các thánh tử đạo sống và làm chứng cho Chúa như thế nào đây?
Vì thế, xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài:

“TỬ ĐẠO” TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH.

Tử đạo trong đời sống gia đình bao gồm 3 khía cạnh sau:
1.   Trước hết, tử đạo bằng việc phục vụ.
Trong đêm vượt qua, Đức Giê-su đã quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ, qua đó Người dạy các ông bài học thế nào là sự phục vụ đích thực. Càng làm lớn thì càng phải là người phục vụ. Khi rao giảng Chúa đã dạy điều này rất nhiều lần.
Các thánh tử đạo chắc chắn là những người đã thực hành bài học phục vụ bằng chính địa vị và phận vụ trong đời sống của mình. Các ngài đã noi gương Chúa phục vụ cách triệt để.
Cũng vậy, trong đời sống gia đình, nếu không có sự phục vụ lẫn nhau thì gia đình đó không bao giờ có tiếng cười. Một ông bố chỉ biết ngồi chỉ tay bắt vợ con phục vụ từ miếng ăn giấc ngủ. Một bà vợ chỉ lo la cà, nhiều chuyện không biết phục vụ chồng và con. Những đứa con chỉ biết hưởng thụ không cảm thông với những nỗi khổ cực vất vả của cha mẹ. Một gia đình mà mọi người không biết phục vụ lẫn nhau thì chắc chắn gia đình đó là hỏa ngục và không bao giờ có hạnh phúc và tiếng cười.

2.   Kế đến, tử đạo bằng việc hy sinh.
Chúa Giê-su vì tuân phục Thiên Chúa Cha, và vì không muốn con người phải làm nô lệ cho ma quỷ, nên Người đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng hy sinh mạng sống, chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã tôn phong Người trỗi vượt trên các tầng trời.
        Các thánh tử đạo đã họa lại cuộc đời Chúa Giê-su ngang qua chính cuộc đời mình. Để rồi, noi gương Thầy Chí Thánh, các ngài cũng hy sinh mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa.
Còn với chúng ta, chúng ta cũng phải biết hy sinh đời sống của mình vì chồng, vì vợ, vì con vì cháu. Sở dĩ ngày nay nhiều gia đình đổ vỡ là do không còn người dám hy sinh cho gia đình của mình nữa. Vợ đòi quyền của vợ, chồng đòi quyền chồng, con cái đòi quyền con cái…tự do cá nhân được đề cao. Chính vì thế, mọi thành viên không biết hy sinh cho nhau. Một khi trong gia đình không còn sự hy sinh thì gia đình đó không còn sự sống, một gia đình đã chết dù ngày ngày vẫn kề cận bên nhau.

3.   Tử đạo bằng việc tha thứ.
Chúa của chúng ta, khi bị treo và hấp hối trên thập giá, thay vì căm thù, Chúa lại nói lên lời tha thứ: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23-34)
        Các thánh tử đạo của chúng ta không chết trong sự thù hận, nhưng các ngài vui vì được tử đạo, được minh chứng cho Thiên Chúa, và nhất là các ngài chết đi trong sự thanh thản, tha thứ.
        Cũng vậy, trong đời sống gia đình, làm sao mọi người có thể sống hòa thuận hạnh phúc với nhau được khi mà các thành viên trong gia đình không biết tha lỗi cho nhau. Ai cũng mang thân phận yếu đuối. Chắc chắn trong đời sống hằng ngày, vợ chồng, con cái sống chung thế nào cũng có những lỗi phạm, những lúc xúc phạm hay làm tổn thương nhau. Chính lúc này lời mời gọi hãy tha thứ cho nhau lại được vang vọng lên.
        Như vậy, để tử đạo trong đời sống gia đình là chúng ta cầm làm ba việc sau:
·       Phải phục vụ
·       Phải hy sinh
·       Phải tha thứ
Khi làm được những việc này, chúng ta không chỉ noi gương bắt chước các thánh tử đạo mà quan trọng là chúng ta đang họa lại cuộc đời mình theo nếp sống của Đức Giê-su.

        Thưa cộng đoàn! Những gì chúng ta vừa bàn ở trên, nghe có vẻ dễ dàng, dường như ai cũng có thể nên thánh được. Chỉ cần phục vụ, hy sinh và tha thứ. Nhưng trên thực tế, những ai đã và đang sống trong đời sống gia đình đều trải qua những thời điểm mà sự tự ái, lòng tổn thương, sự giận hờn xâm chiếm tâm hồn. Khiến chúng ta không thể nào chịu đựng được nổi, không thể hy sinh nổi, không thể phục vụ được và không thể nào nói lên lời tha thứ.
Làm sao có thể hy sinh mãi với một ông chồng sáng xỉn chiều say lại còn đánh vợ mắng con? Làm sao có thể phục vụ mãi một người vợ đanh đá hổn láo, nhiều chuyện? Làm sao có thể nói lời tha thứ khi chồng mình, khi vợ mình hết lần này đến lần khác sẻ gối chia chăn với người thứ ba? Làm sao có thể chấp nhận được những đứa con hoang đàng, hư hỏng chửi cha mắng mẹ…

Thế thì một câu hỏi được đặt ra: Mỗi khi chúng ta bị khủng hoảng, mất niềm tin vào gia đình, hay bị lòng tự ái làm cho tổn thương, thì dựa vào đâu để chúng ta có thể tiếp tục phục vụ, tiếp tục hy sinh và tiếp tục tha thứ trong đời sống gia đình?
Thưa! Chúng ta phải dựa vào Chúa Giê-su Thánh Thể.
Thánh Eymard – Đấng sáng lập Dòng Thánh Thể, cả một đời phụng sự Thánh Thể, ngài đã khám phá ra rằng: “Chỉ 15 phút trước Chúa Giê-su Thánh Thể cũng đủ để tôi lấy lại được bình an.”
Vâng! Đời sống gia đình không phải lúc nào cũng thuận buồn xuôi gió. Những lúc chúng ta quá mệt mỏi, chán chường chúng ta được mời gọi ở lại bên Chúa Giê-su Thánh Thể. Và trong thời gian ở lại đó, Chúa sẽ bổ sức để chúng ta dám hy sinh bản thân sẵn sàng vác thánh giá theo Chúa bằng việc tử đạo trong chính gia đình ngang qua sự hy sinh, phục vụ và tha thứ.

Nói tóm lại, trong ngày lễ mừng kính các thánh tử đạo hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi tử đạo trong chính gia đình của mình. Xin được nhắc lại một lần nữa: Tử đạo trong gia đình đơn giản chỉ bằng sự hy sinh, bằng sự phục vụ và bằng những lời tha thứ.
Những nếu chẳng may bị tổn thương, tự ái, bị hiểu lầm… khiến chúng ta không thể tiếp tục phục vụ, hy sinh và tha thứ cho các thành viên trong gia đình của mình nữa. Thì hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi ở lại bên Chúa Giê-su Thánh Thể. Chỉ có ở bên Chúa Giê-su Thánh Thể chúng ta mới học được thế nào là sự tử đạo đích thực. Bởi chính Chúa Giê-su đã dành cả cuộc đời để phục vụ, hy sinh và tha thứ dù chúng ta đã bao lần xúc phạm đến Người. Amen.
Lm. Mar –Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share:

Thứ Sáu tuần 28 Thường niên CĐ Ep 1,11-14; Lc 12, 1-7 TIN TƯỞNG VÀO SỰ QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA


Thứ Sáu tuần 28 Thường niên CĐ
Ep 1,11-14; Lc 12, 1-7
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Trong đời sống chúng ta có rất nhiều điều phải lo lắng bận tâm. Từ những sinh hoạt trong đời sống hằng ngày cho đến những dự tính to lớn của vợ chồng gia đình. Dù chúng ta vẫn biết mọi việc đều phải phó thác cho Chúa, thế nhưng chúng ta vẫn cứ lo lắng.
        Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Chúa. Chắc chắn mỗi chúng ta đều được Chúa chăm lo cho theo các riêng của Người. Việc của chúng ta là cần tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa. Vì ngay sợi tóc trên đầu chúng ta cũng đã được đếm cả rồi.
        Dâng Thánh Lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn để mỗi người, mỗi gia đình luôn biết tín thác vào sự quan phòng của Chúa.
        Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.


BÀI GIẢNG
TIN TƯỞNG VÀO SỰ QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA

        Kính thưa cộng đoàn! Nhiều người ngày nay, nhất là thế hệ trẻ, không dám lập gia đình vì họ nghĩ rằng nếu lập gia đình bây giờ thì sẽ làm gì mà nuôi sống nhau, rồi còn vợ chồng con cái, nhà cửa, sự nghiệp…Không những thế, nhiều gia đình khác cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng trước sự thay đổi không ngừng của thời đại. Cha mẹ lo lắng không biết con cái mình sau này thế nào? Có thành người không? Rồi tương lai của gia đình mình, …
        Vâng! Chúng ta lo lắng rất nhiều điều trong đời sống gia đình. Sở dĩ chúng ta lo lắng là chúng ta muốn xây dựng một gia đình theo ý riêng của mình. Và với những gì chúng ta mường tượng ra, chúng ta nghĩ rằng nếu đạt được những thứ ấy thì gia đình sẽ hạnh phúc. Nhưng trên thực tế, chẳng bao giờ gia đình chúng ta được như lòng chúng ta mong muốn. Không có bất trắc điều này, thì cũng khủng hoảng điều kia.
Tất cả những lo toan tính toán đó đều hoàn toàn không giống với Thánh ý Chúa mà hôm nay Tin mừng đề cập đến.
        Chúa Giê-su nói với dân chúng: “Anh em đừng sợ, ngay đến sợi tóc trên đầu anh em đã được đếm cả rồi.” (Lc12,7). Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa quan phòng, và Người biết mọi sự, biết cặn kẽ, biết từng li từng tí, từ bản thân mỗi người cho đến cả gia đình. Thiên Chúa biết và ban những ơn cần thiết cho mỗi người, cho gia đình chúng ta. Người mời gọi mỗi chúng ta hãy tin tưởng phó thác và dâng đời sống cá nhân và gia đình mình cho sự quan phòng của Thiên Chúa.
Có hằng trăm ngàn thứ lo toan khác nhau, khiến gia đình của chúng ta không thể tín thác vào Chúa. Từ những lo toan cơm áo gạo tiền, đến những lo toa vì thói hư tật xấu của các thành viên, hoặc tương lai của con cái…? Điều đó khiến chúng ta đau khổ và bất an.
Vậy! Làm thế nào để có thể tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa?

1.   Trước hết, phải đề phòng men Pha-ri-siêu, tức là thói đạo đức giả.
Chúng ta biết, men có tác dụng làm cho cả khối bột được dậy lên. Nếu men tốt thì bột sẽ tốt, bánh sẽ ngon. Còn men xấu thì bột sẽ bị chai cứng, bánh không ngon. Men Pha-ri-siêu tức là những thói hư tật xấu, những phản chứng về đức tin mà hằng ngày chúng ta luôn phải đối diện.
Sống gần khu chợ, khu công nghiệp, biết bao nhiêu gương mù gương xấu ảnh hưởng đến vợ chồng con cái. Nếu mỗi người trong gia đình không biết ý thức, chúng ta sẽ dễ dàng bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu ấy. Từ đó, chúng ta lại tiếp tục tiêm nhiễm những thói hư tật xấu ấy cho các thành viên trong gia đình. Và như thế, từ một gia đình lành thánh, chúng ta biến gia đình mình trở nên tệ hại, phản chứng Tin mừng.
Như vậy, để có thể phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, Chúa mời gọi gia đình chúng ta cần coi chừng, chớ lây nhiễm những thói hư tật xấu đang đầy dẫy trong đời sống thường ngày.

2.   Kế đến, Chúa mời gọi chúng ta biết kính sợ Chúa.
Điều này nghe có vẻ dễ nhưng lại khó. Chúng ta sợ những thứ khác hơn là sợ Chúa. Chẳng hạn như chúng ta sợ mất việc, vì mất việc thì lấy tiền đâu mà lo cho gia đình. Hay chúng ta sợ bệnh tật, vì bệnh tật không những đau khổ bản thân mà còn là nỗi lo cho cả gia đình.
Tuy vậy, phần lớn nỗi sợ hãi của chúng ta chủ yếu là những nỗi sợ hãi về thân xác. Nhưng chúng ta cần biết rằng, đã mang trong mình kiếp con người thì chúng ta mang một thân xác yếu hèn và mau hư hoại. Không sớm thì muộn thân xác chúng ta cũng tan rã về với bụi đất. Chỉ có linh hồn là tồn tại mãi. Vì thế, Chúa mời gọi chúng ta hãy biết kính sợ Chúa, vì Chúa mới là người làm chủ thân xác và linh hồn chúng ta.

Nói tóm lại, một khi chúng ta biết ý thức, không để tiêm nhiễm men xấu, thói đạo đức giả, những gương mù gương xấu, và quan trọng là chúng ta biết kính sợ Chúa trên hết mọi sự, thì chúng ta mới có thể dễ dàng tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa. Và dĩ nhiên, Chúa sẽ không để chúng ta phải thất vọng bao giờ nếu chúng ta biết tin tưởng phó thác vào Chúa. Chắc chắn, gia đình của chúng ta sẽ tai qua nạn khỏi, trước những khó khăn thử thách.  Amen.
Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Share:

Chúa Nhật XXVIII TN – B – TN Kn 7, 7-11; Dt 4, 12-13; Mc 10, 17-30 THẾ NÀO LÀ SỰ KHÔN NGOAN ĐÍCH THỰC?


Chúa Nhật XXVIII TN – B – TN
Kn 7, 7-11; Dt 4, 12-13; Mc 10, 17-30


LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn và các con thiếu nhi thân mến! Tất các các con thiếu nhi ai trong chúng ta cũng phải đi học để có kiến thức, để được khôn ngoan, để khi lớn lên các con biết tận dụng sự khôn ngoan và kiến thức đó để làm ăn nuôi sống bản thân và gia đình.
        Tin mừng hôm nay đề cập đến một thanh niên giàu có, thế nhưng anh ta lại không khôn ngoan khi chỉ biết bán vào của cải trần gian mà từ bỏ Thiên Chúa.
        Dâng Thánh lễ này, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, cho các con thiếu nhi biết học theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Biết chọn lựa Chúa là nguồn mạch và là cùng đích của cuộc sống.
        Giờ đây chúng ta hãy thông hối lỗi lầm để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

BÀI GIẢNG
THẾ NÀO LÀ SỰ KHÔN NGOAN ĐÍCH THỰC?
       
Ai trong chúng ta cũng biết vua Sa-lô-môn là một vị vua nổi tiếng về sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan này không phải bởi tự nhiên mà ông có, nhưng là do ơn Chúa ban. Khi ông được lên làm vua, Thiên Chúa phán với ông: Con muốn xin gì ta cũng ban cho. Thế nhưng Sa-lô-môn trả lời: ‘Thưa Đức Chúa Trời của con, con còn trẻ quá và con không biết cách cai trị. Vậy xin Ngài ban cho con sự khôn ngoan để cai trị dân Ngài đúng cách’. Thế là Đức Chúa ban cho vua sự khôn ngoan không ai sánh bằng.
        Có một câu chuyện kể về sự khôn ngoan của ông như sau: Có hai người đàn bà tới tìm Sa-lô-môn nhờ giải quyết một chuyện khó xử. Một người trong họ giải thích: ‘Bà này với tôi sống chung một nhà. Tôi sinh được một con trai, và hai ngày sau bà này cũng sinh được một con trai. Rồi một đêm nọ con bà chết. Nhưng khi tôi đang ngủ bà bồng đứa con chết bỏ xuống bên cạnh tôi và bồng con tôi đi. Khi tôi thức dậy và nhìn đứa con chết thì thấy nó không phải là con tôi’.
Nghe tới đây người đàn bà kia nói: ‘Không phải vậy! Đứa con sống là con tôi, và đứa chết là con bà ấy!’ Người đàn bà thứ nhất đáp: ‘Không phải vậy! Đứa con chết là con bà, đứa sống là con tôi!’ Hai người đàn bà cứ cãi nhau như vậy. Sa-lô-môn sẽ làm gì đây?
Thế là ông bảo đem lại một thanh gươm, và khi người ta đem gươm lại thì ông nói: ‘Hãy xẻ đứa bé sống này ra làm hai, và giao cho mỗi bà một nửa!’
Khi nghe điều đó, người mẹ thật la lên: ‘Khoan, khoan! Xin đừng giết đứa nhỏ. Hãy giao nó cho bà kia!’ Nhưng người đàn bà kia nói: ‘Đừng giao nó cho bà này hay tôi gì cả; cứ việc xẻ nó ra làm hai đi’.
Cuối cùng Sa-lô-môn nói: ‘Chớ giết đứa bé! Hãy giao nó cho bà thứ nhất. Bà ấy mới là mẹ thật của nó’. Sa-lô-môn biết được điều này vì người mẹ thật yêu đứa bé đến nỗi sẵn sàng nhường nó lại cho người đàn bà kia miễn là nó khỏi bị giết. Khi mọi người nghe cách Sa-lô-môn phân giải vụ khó xử này, họ vui mừng có được một vị vua khôn ngoan như thế.     
Dưới thời Vua Sa-lô-môn, Đức Chúa ban ơn lành cho dân chúng bằng cách khiến cho đất đai sản xuất đầy dẫy lúa mì, lúa mạch, nho và trái vả cùng những thứ đồ ăn khác. Dân chúng mặc quần áo tốt và sống trong nhà đẹp đẽ. Mỗi người đều có dư dật mọi thứ tốt đẹp. (x. 1 V 3:3-28; 4:29-34)
Thế nhưng, ngay sau đó, Vua Sa-lô-môn đã không biết cách sử dụng sự khôn ngoan Chúa ban cho đúng với thánh ý Thiên Chúa. Ông cưới các bà vợ dân ngoại, và nghe theo lời vợ mà thờ các thần ngoại, không phụng thờ Thiên Chúa nữa. Do vậy, ngay sau khi ông chết thì đất nước bị chia cắt nam bắc, chiến tranh triền miên và cuối cùng giặc ngoại xâm chiếm mất nước.
Các con thiếu nhi thân mến! Vua Sa-lô-môn quả thật là khôn ngoan, nhưng đó chưa thật sự là sự khôn ngoan đích thực. Đó chỉ là sự khôn ngoan theo thói đời chứ không theo Thánh ý Thiên Chúa.
Vậy, khôn ngoan đích thực, hay khôn ngoan theo Thánh ý Thiên Chúa là khôn ngoan như thế nào?

Thưa, khôn ngoan theo Thánh ý Thiên Chúa là biết từ bỏ tất cả để chọn một mình Thiên Chúa mà thôi. Về điểm này, Chúa Giê-su đã nói rất rõ trong bài Tin mừng các con vừa nghe.
Có một người thanh niên có nhiều của cải muốn theo Chúa, tuy vậy, khi nghe Chúa đề nghị bán tất cả của cải cho người nghèo rồi theo Chúa, nhưng anh ta buồn rầu bỏ đi. Có lẽ anh ta rất khôn ngoan, chính vì khôn ngoan nên anh biết cách làm ăn để rồi có nhiều của cải. Tuy vậy, sự khôn ngoan của anh chưa phải là sự khôn ngoan theo thánh ý Chúa. Chúa muốn theo Chúa phải từ bỏ tất cả. Bởi có Chúa là có tất cả. Như bài đọc 1 trích sách khôn ngoan có nói: “Tôi coi của cải chẳng ra gì, so với Đức Khôn Ngoan. Đối với tôi trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới so với Đức Khôn Ngoan  cũng chỉ là cát bụi, bạc so với Đức Khôn Ngoan cũng kể như bùn đất.” (Kn 7, 8-9)
        Như vậy, vua Sa-lô-mô có khôn ngoan không? Thưa có! Nhưng không phải là khôn ngoan đích thực. Người thanh niên giàu có có khôn ngoan không? Thưa có! Nhưng không phải là khôn ngoan đích thực.
        Khôn ngoan đích thực là biết chọn Chúa là ưu tiên số 1 trong đời sống của mình.
        Các con thiếu nhi thân mến, các con cần phải đi học ở trường cả ngày, thậm chí ban tối còn đi học thêm, để các con có kiến thức, có được sự khôn ngoan. Nhưng các con phải biết rằng, sự khôn ngoan trần thế không thể nào sánh bằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì thế, bên cạnh việc học hỏi kiến thức trên trường lớp các con cần phải học sự khôn ngoan của Chúa bằng việc dành thời gian học giáo lý, siêng năng đi lễ, siêng năng cầu nguyện. Có như vậy, chúng con mới biết chọn Chúa thay vì từ chối Chúa như Sa-lô-môn và người thanh niên giàu có. Và dĩ nhiên, có Chúa trong tâm hồn, chúng con không chỉ có hạnh phúc ở đời này mà còn có hạnh phúc đích thực trên Nước Thiên Đàng.
        Nói tóm lại, Lời Chúa Chúa Nhật 28 thường niên hôm nay Chúa mời gọi các con thiếu nhi và cũng là tất cả chúng ta phải biết khôn ngoan cho đúng với thánh ý Thiên Chúa. Sự khôn ngoan đích thực là biết chọn Chúa là ưu tiên số một trong cuộc đời mình chứ không phải của cải vật chất, hay kiến thức và tài năng. Nếu chúng ta biết chọn Chúa, chắc chắn, Chúa sẽ ban cho chúng ta dư tràn hơn những gì chúng ta mong đợi. Amen.

        Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share: