Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su
Hs 11,
1.3-4.5c.8ac-9; Ep 3, 8-12.14-19; Ga 19, 31-37
LỜI DẪN ĐẦU LỄ

Dâng
Thánh lễ này chúng ta cầu nguyện cho mỗi chúng ta không chỉ biết tín thác, yêu
mến và đền tạ Thánh tâm Chúa mà còn biết
sống sao cho người khác nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời sống thường
ngày của mỗi người.
Giờ
đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Thánh lễ.
BÀI GIẢNG
MÁU VÀ NƯỚC CHẢY RA TỪ
THÁNH TÂM CHÚA
Kính
thưa cộng đoàn! Từ xa xưa, người ta vẫn tin rằng trái tim là trung tâm của mọi
cảm xúc. Vì vậy trao cho nhau trái tim là đồng nghĩa với sự hiến dâng một tình
yêu trọn vẹn. Trải qua thời gian, đến nay, trái tim vẫn là biểu tượng của một
tình yêu vĩnh hằng. Ngày hôm nay chúng ta cùng nhau cử hành Thánh Lễ Thánh Tâm
Chúa Giê-su. Tâm có nghĩa là tim, mà khi nói đến tim người ta liên tưởng ngay đến
tình yêu. Như vậy, khi nói đến Thánh Tâm của Chúa Giê-su chúng ta nói đến tình
yêu của Chúa dành cho nhân loại. Tình yêu đó vượt trên tất cả các tình yêu của
con người, đó là tình yêu trọn vẹn, tình yêu Agape. Người yêu đến nỗi đổ hết
máu và nước đến giọt cuối cùng, như bài Tin mừng chúng ta vừa nghe: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn
Người, tức thì máu và nước chảy ra.” (Ga 19, 34). Như vậy, máu và nước có ý
nghĩa gì?
1. Ý nghĩa của Nước.
Trước
hết, trong đời sống chúng ta thấy được tầm quan trọng của nước. Không có nước
con người sẽ chết. Trong Kinh thánh, nước có ý nghĩa thanh tẩy. Lụt Đại Hồng Thủy
là một ví dụ điển hình nhất Thiên Chúa dùng nước để thanh tẩy nhân loại. Tân ước,
Chúa khẳng định Người chính là Nước Hằng Sống, ai uống sẽ không bao giờ khát nữa
(x.Ga 4). Nước chảy ra từ cạnh sườn của Người là để thanh tẩy tâm hồn tội lỗi của
con người. Nước là tượng trưng cho bí Thánh tẩy, mà nhờ nước đó, con người được
rửa sạch khỏi mọi vết nhơ tội lỗi.
2. Ý nghĩa của máu.
Trong
Kinh thánh, máu nói đến sự sống. Khi vị tư tế rảy máu chiên bò trên dân chính
là cứu sống dân vốn là những kẻ đã chết do tội lỗi. Thật vậy, hậu quả của tội khiến
con người phải chết. Vì thế, máu Chúa đổ ra ban cho con người sự sống. Đó không
chỉ là sự sống thể lý nhưng là sống đời đời. Máu đó đã được Chúa ban cho chúng
ta qua Bí tích Thánh Thể: Đây là máu giao ước mới, sẽ đổ ra để anh em được sống.
Như
vậy, máu và nước được sử dụng trong Kinh Thánh như dấu chỉ biểu trưng mang đậm
ý nghĩa cứu độ. Máu là biểu tượng của hy tế, là dấu hiệu có mặt trong mọi giao
ước. Còn nước biểu trưng sự sống, như dòng nước vọt ra từ tảng đá trong sa mạc
(Xh 17,6), suối nước từ bên phải Đền thờ chảy ra (Ed 47,1-12), v.v…. Nước trào
ra từ cạnh sườn Chúa ám chỉ: Đức Giê-su là tảng đá tuôn trào dòng suối đem lại
sự sống mới cho nhân loại. Việc máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa cho thấy
Đức Giê-su đã chết thật về thể lý nhưng từ cõi chết Ngài đã phục sinh vinh hiển,
để tuôn trào sự sống mới cho nhân loại. Truyền thống Giáo Hội coi nước và máu
tượng trưng cho nguồn ơn của Bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể nhờ đó người tín hữu
được sinh ra và nuôi dưỡng trong Hội Thánh.
Mừng lễ Thánh Tâm Chúa chúng ta có dịp chiêm ngắm lại trái
tim vẹn sạch của Chúa, trái tim mà đã đổ hết máu và nước đến giọt cuối cùng để
mang lại Ơn Cứu Độ cho nhân loại. Mỗi người chúng ta không những được mời gọi
tôn sùng trái tim Chúa mà còn biết ẩn thân nơi trái tim Chúa. Sống trong xã hội
ngày nay, con người dường như không còn biết yêu thương nhau, không biết động
lòng trắc ẩn trước nỗi khổ của nhau. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, chúng ta cần
cậy dựa vào Thánh Tâm Chúa để kín múc tình yêu Chúa, qua đó chúng ta cũng biết
cách yêu nhau và hy sinh cho nhau như Chúa đã yêu và hy sinh để chúng ta được
thanh tẩy và được sống đời đời. Amen.
Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng
Phúc, SSS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét