Thứ Hai tuần V Phục Sinh Cv 14,5-18; Ga 14,21-26 TÌNH YÊU ĐI ĐÔI VỚI HÀNH ĐỘNG

Thứ Hai tuần V Phục Sinh
Cv 14,5-18; Ga 14,21-26

TÌNH YÊU ĐI ĐÔI VỚI HÀNH ĐỘNG

        Kính thưa cha và các bạn trẻ di dân thân mến! Trong đời sống của chúng ta, nhất là trong tình yêu nam nữ, nếu chúng ta nói: anh yêu em! Thì chắc chắn sẽ làm cho người tình của chúng ta cảm thấy vui và hạnh phúc. Nhưng nếu ngày nào chúng ta cũng chỉ nói anh yêu em mà không có bất kỳ một hành động nào để thể hiện tình yêu đó, thì có lẽ người yêu của chúng ta cũng mau chóng đi tìm một tình yêu khác mà thôi. Thật vậy, yêu không chưa đủ, tình yêu phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể.

        Tin mừng hôm nay Chúa Giê-su nói với các tông đồ và cũng là nói với mỗi người chúng ta: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14,21). Yêu mến thì phải thể hiện bằng hành động. Hành động đó là gì? Thưa hành động đó là có và giữ các điều răn của Chúa. Điều răn của Chúa chính là giới răn yêu thương: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, đó chính là anh em hãy yêu thương nhau”

         Thật vậy, đoạn Phúc Âm này được cho là đoạn Phúc âm Chúa Giêsu mặc khải rõ nhất về Ba Ngôi Thiên Chúa: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ… Ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến…Đấng phù trợ, là Thánh Thần mà Cha Thầy sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Ngài sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.

Như thế, giáo lý cơ bản về Chúa Ba Ngôi là: Chúa Cha là Đấng sai Chúa Con đến với loài người. Chúa Con vâng lời Chúa Cha đến với loài người để dạy loài người những lệnh truyền. Chúa Thánh Thần lại được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Con, để dạy loài người hiểu sâu hơn những lệnh truyền của Chúa Con. Mối dây liên kết Ba Ngôi chính là Tình yêu.

Ở đây, Chúa Giê-su đưa ra cho chúng ta thái độ con người phải có đối với Ba Ngôi đó là : Yêu mến Chúa Con nên tuân giữ những điều Ngài dạy. Chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp đỡ chúng ta làm điều đó.

        Như vậy, qua Tin mừng hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta sống trọn vẹn giới răn yêu thương. Tình yêu đó xuất phát từ Ba Ngôi Thiên Chúa, và tình yêu Thiên Chúa được tôn đổ xuống trên chúng ta là những thụ tạo. Đức Ki-tô khi đến trần gian cũng chỉ ban cho con người giới răn Mến Chúa yêu người. Có thể nói đây là giới răn tóm gọn tất cả mọi giới răn của Chúa. Giới răn này thể hiện trọn vẹn nhất đặc trưng của đạo Công giáo so với các tôn giáo khác.

        Các bạn di dân thân mến! Chúng ta là những người trẻ, những di dân chúng ta cần thể hiện giới răn yêu thương trong chính môi trường của chúng ta nơi nhà trọ, nơi công ty bằng một lối sống tích cực, bác ái. Đó là cách thức tốt đẹp nhất chúng ta có thể làm chứng cho Chúa vì “cứ dấu này người ta sẽ nhận ra anh em là môn đệ Thầy nếu anh em biết yêu thương nhau.”




Share:

Chúa nhật IV PS - B – CĐ Cv 4,8-12; 1Ga 3,1-2; Ga 10,11-18 CHÚA CHIÊN LÀNH

Chúa nhật IV PS  - B – CĐ
Cv 4,8-12; 1Ga 3,1-2; Ga 10,11-18

Lời dẫn đầu lễ
        Kính thưa cộng đoàn! Hôm nay là Chúa nhật thứ IV Phục Sinh, còn gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Tin mừng cho chúng ta hình ảnh Chúa chính là Vị Mục Tử Nhân Lành dám hy sinh tính mạng vì đàn chiên. Qua đó, Chúa mặc khải tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Chính vì yêu thương và không muốn con người phải như đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt nên Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến thế gian, làm vị mục tử chăn dắt chiên, không những thế, Người còn hy sinh mạng sống mình để chiên được sống.
        Dâng Thánh lễ này chúng ta cầu nguyện cho các linh mục là những chủ chăn biết họa lại đời mình như Đức Giê-su, và cũng cầu nguyện cho chính chúng ta luôn biết lắng nghe và thực thi những chỉ dẫn của chủ chăn.
        Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.


CHÚA CHIÊN LÀNH
Có bao giờ chúng ta để ý nghe một câu chuyện cổ tích chưa? Nếu để ý, thường những câu chuyện cổ tích mượn những con vật rất dễ thương, để diễn tả nội dung nào đó. Hôm nay đây, dường như Chúa Giê-su cũng đang kể cho chúng ta một câu chuyện cổ tích. Câu chuyện đó có các con chiên, con sói, có tên trộm, có người mục tử…Vâng, Chúa đưa chúng ta vào một thế giới mộng mơ của các em thiếu nhi, một thế giới cổ tích. Vậy thì xin mời mọi người bỏ qua tất cả những lo toan của cuộc sống để bước vào câu chuyện cổ tích này xem sao.

Trong thế giới cổ tích này, Chúa ví mình là Vị Mục Tử Nhân Lành chăn giữ đàn chiên, và chúng ta là những con chiên ngoan hiền của Chúa: “Tôi chính là Mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên.” (Ga10, 11). Ngay từ đầu câu chuyện, Người mục tử được giới thiệu không phải như bao mục tử khác. Mục tử ở đây là Mục Tử Nhân Lành. Sự nhân lành đó được thể hiện bằng hành động hy sinh.
Trong cuộc sống, dường như ít người trong chúng ta dám hy sinh, và chúng ta sợ hy sinh. Bởi hy sinh thường đi đôi với sự từ bỏ, nhất là từ bỏ ý riêng. Thật vậy, Người Mục Tử được giới thiệu như là người dám hy sinh tất cả cho đàn chiên, kể cả mạng sống của mình. Đức Giê-su đã từ bỏ chính mạng sống của mình để cho chiên được sống và sống dồi dào.

Hình ảnh thứ hai được diễn tả trong câu chuyện đó là hình ảnh những con chiên. Chiên không người chăn dắt. Đó là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Chúng ta sinh ra hoàn toàn bị động và không có bất kỳ một phòng vệ nào, giống như những con chiên vậy. Chúng ta rất dễ bị tổn thương. Cần phải có mục tử để hướng dẫn, chăn dắt đến đồng cỏ xanh tươi và suối nước mát. Vì thế, con chiên phải gắn liền với người mục tử. Không có mục tử con chiên không tìm được thức ăn; cũng như dễ dàng làm mồi cho các thú dữ khác như chó sói, hoặc tên trộm. Tương quan giữa con chiên và Mục tử là tương quan hết sức thân quen. Đến nỗi “chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi.” (Ga 10, 14). Một khi có chó sói hoặc tên trộm xuất hiện, thì Người Mục Tử sẽ quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ đàn chiên của mình.

Câu chuyện cổ tích dùng những hình ảnh bình thường nhất để diễn tả một chân lý nào đó cho các em thiếu nhi, vì trí não của các em chưa đủ để hiểu khi chúng ta nói trực tiếp. Cũng vậy, chúng ta là những người con của Chúa. Đối với những mầu nhiệm cao cả, chúng ta cũng không đủ sức để hiểu tường tận. Vì Chúa Giê-su muốn chúng ta hiểu nên Người phải dùng những hình ảnh gắn liền với đời sống của chúng ta để mặc khải cho chúng ta.

Như vậy, qua hình ảnh mục tử, con chiên, Chúa muốn mặc khải điều gì?

Thưa, Chúa muốn mặc khải tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Tình yêu đó được ví như tình yêu giữa Mục tử và đàn chiên. Thánh Gioan trong thư thứ nhất của mình khẳng định: “Anh em thân mến, anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là Con Thiên Chúa.” (1Ga 3,1).
Các tông đồ, sau khi Chúa sống lại, và sau khi nhận ra được tình yêu của Thầy mình, nên các ông đã mạnh dạn loan báo tình yêu ấy cho mọi người bất chấp bị chống đối, bắt bớ…Các ông khẳng định: Không một ai mang lại Ơn Cứu Độ cho chúng ta, ngoài một mình Đức Giê-su.

Như vậy, sứ điệp Lời Chúa chúa nhật IV PS hôm nay gợi cho chúng ta hình ảnh Người Mục Tử Nhân Lành và đàn chiên. Chúa Giê-su chính là vị mục tử hy sinh tính mạng cho chúng ta là những con chiên của Chúa. Qua đó, Chúa Giê-su diễn tả rõ nét nhất tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đó là tình yêu hy sinh, để cho chúng ta sự sống mới. Sự sống mới này chính là quyền làm con của Thiên Chúa.
Ước mong sao, mỗi người chúng ta luôn ý thức lại đời sống của mình, ý thức lại tương quan giữa bản thân mình với Thiên Chúa. Chúa không ở xa chúng ta, Chúa không là vị thần xa cách như các tôn giáo khác. Chúa là cha, là Vị Mục Tử Nhân Lành và chúng ta là con, là chiên ngoan hiền của Chúa. Khi ý thức được điều đó, chúng ta hãy biết lắng nghe Lời Chúa để qua đó, Chúa sẽ đưa chúng ta đến đồng cỏ tươi và suối nước mát, nơi mang lại cho ta sự sống và sống dồi dào. Amen.

MAPHUC,SSS
Share:

Chúa nhật III PS - B – CĐ Cv 3, 13-15. 17-19; 1Ga 2, 1-5; Lc 24, 35-48 LÀM CHỨNG CHO ĐỨC GIÊ-SU PHỤC SINH

Chúa nhật III PS - B – CĐ
Cv 3, 13-15. 17-19; 1Ga 2, 1-5; Lc 24, 35-48

           
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Đang khi các tông đồ lo lắng và chưa xác tín vào việc Thầy mình sống lại thì Đức Giê-su hiện ra giữa các ông. Người hiện ra không chỉ củng cố niềm tin cho các ông mà còn trấn an qua việc ban bình an cho các ông. Hơn thế nữa, Người còn mời gọi các ông phải làm chứng cho Người.
Dâng Thánh lễ này chúng ta cầu nguyện cho chính chúng ta và nhất là các gia đình mới này luôn trở thành chứng nhân cho Đức Giê-su Phục sinh trong đời sống hằng ngày.
Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

LÀM CHỨNG CHO
ĐỨC GIÊ-SU PHỤC SINH

Những ngày này Giáo hội đang sống trong Mùa Phục sinh, mừng biến cố Đức Ki-tô sống lại từ cõi chết. Đức Ki-tô vì yêu thương nên chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Tuy vậy, tử thần đã bị đánh bại hoàn toàn khi Người được Chúa Cha cho sống lại. Người sống lại và không bao giờ chết nữa. Đó là nên tàng đức tin của Giáo hội. Vì thế, từ buổi sơ khai đến nay, Giáo hội hiện diện là để làm chứng cho Đức Ki-tô Phục Sinh.
        Tin mừng cho chúng ta biết, đang khi các tông đồ đang rất hoang mang không biết thực hư thế nào về việc Đức Giê-su Phục sinh thì Người hiện ra với các ông, cùng với lời trấn an: “Bình an cho anh em.” (Ga 24,36). Rồi Người mở trí cho các ông hiểu Kinh thánh và ra lệnh cho các tông đồ, “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem”(Ga 24, 47).
Như vậy, Chúa mời gọi các tông đồ cũng là mời gọi chúng ta phải làm chứng cho Chúa.

 Có hai cách để làm chứng cho Đức Giê-su phục sinh:
1.   Trước hết, làm chừng bằng lời rao giảng.
        Mặc dù, sau khi Đức Giê-su chịu chết và phục sinh, các tông đồ liên tục bị bắt bớ và bị cấm rao giảng về danh Đức Giê-su, tuy vậy, vượt qua những sợ hãi, bài đọc 1 trích sách Công vụ Tông đồ cho biết ông Phê-rô đã mạnh dạn làm chứng cho Đức Giê-su bằng những lời rao giảng hùng hồn:“Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Về điều này chúng tôi xin làm chứng.”(Cv 3, 15)
        Là một ki-tô hữu, ai trong chúng ta cũng được mời gọi làm chứng cho Đức Ki-tô Phục sinh qua lời rao giảng. Không phải rao giảng về Đức Ki-tô là đặc quyền của một thành phần nào trong Giáo hội nhưng là trách nhiệm của mọi ki-tô hữu.

2. Kế đến, làm chứng cho Chúa Giê-su Phục Sinh bằng đời sống bác ái yêu thương.
Nếu như các giáo mục, linh mục, tông đồ giáo dân có thường được trao nhiệm vụ làm chứng cho Chúa Phục Sinh bằng lời rao giảng thì mỗi người chúng ta, khi được Rửa Tội có nhiệm vụ làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống của mình. Đó là đời sống luôn biết tuân giữ các giới răn của Chúa: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa, đó là chúng ta tuân giữ các giới răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người, mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối và sự thật không ở nơi người ấy. (1Ga 2, 3-4)
Giới răn của Chúa là gì? Thưa giới răn của Chúa được tóm gọn trong cụm từ “Mến Chúa yêu người.” Đời sống của chúng ta phải họa lại chính đời sống của Đức Giê-su. Đó là một đời sống tràn ngập tình yêu. Đúng như lời mời gọi của Đức Giê-su: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, đó là anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em (Ga 15,12); và ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau".(Ga 13,35)

Nói tóm lại, mỗi người chúng ta đều được mời gọi làm chứng cho Đức Giê-su Phục Sinh bằng lời rao giảng và bằng đời sống bác ái yêu thương.
Nói điều này thì rất dễ, nhưng để thực hiện lại rất khó. Chúa cũng đã cảnh báo tất cả những ai theo Chúa và làm chứng cho Chúa đều sẽ gặp chống đối, và giết chóc như Chúa. Liệu rằng khi gặp những khó khăn như thế, chúng ta có còn dám làm chứng cho Chúa không?


Share:

Thứ Sáu sau Chúa nhật II PS – CĐ Cv 5,34-42; Ga 6,1-15 NGUYÊN NHÂN CHÍNH KHIẾN CHÚA LÀM PHÉP LẠ HÓA BÁNH CHO 5000 NGƯỜI ĂN LÀ GÌ?

Thứ Sáu sau Chúa nhật II PS – CĐ
Cv 5,34-42; Ga 6,1-15

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
Kính thưa cộng đoàn! Tin mừng hôm nay tường thuật cho chúng ta phép lạ Chúa hóa bánh ra cho 5000 người ăn no nê. Qua phép lạ này chúng ta nhận ra rằng Tình yêu và Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn đi bước trước, ngay cả khi con người chưa mở miệng ra xin Chúa, thậm chí ngay cả khi chúng ta chưa nghĩ đến thì Chúa đã nhận ra những thiếu thốn của chúng ta và đã ban ơn cho ta.
Dâng thánh lễ này, chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết quý trọng những ơn lành Chúa ban và biết cách làm cho những ơn ích đó trổ sinh hoa trái.
Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh. 

CHIA SẺ

NGUYÊN NHÂN CHÍNH KHIẾN CHÚA LÀM PHÉP LẠ HÓA BÁNH CHO 5000 NGƯỜI ĂN LÀ GÌ?

        Kính thưa cộng đoàn! Khi nghe bài Tin mừng hôm nay ai trong chúng ta cũng biết rằng đó là đoạn Tin mừng tường thuật lại việc Chúa Giê-su làm phép lạ cho 5000 người ăn. Tuy nhiên, ít người lại để ý đến nguyên nhân nào khiến Chúa làm phép lạ này?
        Có hai nguyên nhân chính Đức Giê-su là phép lạ hóa bánh ra nhiều:
        1. Nguyên nhân thứ nhất: Lòng Thương Xót của Chúa đi bước trước.
        Tin mừng nói rất rõ ràng: “Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: ‘ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây’…” (Ga 6, 5). Điều này chứng tỏ, Chúa thấu hiểu nhu cầu của những người theo Chúa. Chúa băn khoăn về nhu câu của những người theo Chúa trước khi họ nhận ra điều đó, và trước khi họ xin Người. Qua đó, chúng ta thấy rằng chính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mới có thể nhận ra những nhu cầu của con cái mình, và Người đi bước trước, đáp ứng nhu cầu của con cái, trước khi họ xin Chúa.
        Việc Chúa hỏi ông Phi-líp-phê không có nghĩa là Chúa không biết phải làm cách nào, nhưng Chúa mở đầu như thế là muốn để dạy cho các môn đệ, là những người theo Chúa thì cùng học nơi Chúa, đó là biết nhìn ra những nhu cầu của người khác, trước khi họ xin.
        Trong đời sống của chúng ta, chúng ta hay tự hỏi tại sao xin Chúa nhiều mà Chúa chẳng cho bao nhiêu. Không phải thế, Chúa thừa biết nhu cầu của chúng ta, Chúa biết điều gì là cần thiết cho chúng ta ngay khi chúng ta còn chưa mở miệng xin, thậm chí có những điều chúng ta chưa nghĩ đến thì Chúa đã ban cho chúng ta rồi.

        2. Nguyên nhân thứ hai: Phép lạ hóa bánh ra nhiều tiên báo cho việc Chúa sẽ thiết lập Bí tích Thánh Thể, để trở nên lương thực thần linh cho con người.
        Chúa Giê-su làm phép lạ hóa bánh ra nhiều không phải chỉ cho dân ăn một bữa rồi lại đói, nhưng phép lạ này được làm nhằm tiên báo về phép lạ vĩ đại mà Đức Giê-su sẽ làm trước khi người bước vào cuộc vượt qua, đó là hóa bánh và rượu thành Mình và Máu Người.
        Thật vậy, trong bữa ăn sau cùng, trước khi bước vào cuộc tử nạn Chúa cầm lấy bánh và nói: Này là mình Thầy; rồi cầm lấy rượu, dâng lời tạ ơn và nói: Này là máu Thầy, anh em hãy nhận lấy mà uống.(x.Mc 14, 22-14)  Và Chúa đã trao quyền lại cho các tông đồ, qua Bí tích Truyền Chức Thánh, để khi không còn Chúa ở trần gian, chính các ngài trở thành những linh mục sẽ dâng của lễ, và qua ơn Chúa Thánh Thấn, bánh va rượu trở thành chính Mình Máu Thánh Chúa.
        Chúa nói với những người Do thái: “Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn Bánh này sẽ không chết đời đời.” (Ga 6, 51). Như vậy, việc làm phép hóa bánh ra nhiều cho 5000 người ăn chỉ là tiên báo cho phép lạ Thánh Thể, Chúa biến bánh và rượu thành Mình và Máu Người. Nếu như phép lạ hóa bánh ra nhiều chỉ đáp ứng cho 5000 người thì Bí tích Thánh Thể đáp ứng cho muôn người. Nếu như 5000 người được ăn bánh nhưng rồi sẽ lại đói và sẽ lại chết; thì bánh Thánh Thể Chúa ban ai ăn sẽ không bao giờ chết. Bởi đó là Bánh Trường Sinh, là lương thực cần có để chúng ta trở về với Thiên Chúa.

        Nói tóm lại, Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho 5000 người ăn chúng ta học được hai điều. Điểm thứ nhất, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa luôn đi bước trước và ban cho con người ơn ích cần thiết trước khi con người xin Chúa. Điểm thứ hai cần siêng năng rước Mình Thánh Chúa vì đó chính là Bánh Trường Sinh, là lương thực cho chúng ta trên đường về quê trời.


Share:

Thứ Ba, Tuần II Phục Sinh Cv 4, 32-37; Ga 3,7b-15 TÁI SINH BỞI NƯỚC VÀ THÁNH THẦN

Thứ Ba, Tuần II Phục Sinh
Cv 4, 32-37; Ga 3,7b-15

Lời dẫn đầu lễ
        Kính thưa cộng đoàn! Đức Giê-su đã khẳng định với ông Ni-cô-đê-mô rằng: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”
        Chúng ta đến đây, nơi nhà thờ này chắc chắn rằng chúng ta đã tin vào Chúa, Đức Ki-tô chịu chết trên thánh giá và đã sống lại hiển vinh. Tuy vậy, đức tin đó cần phải được thể hiện bằng hành động và việc làm cụ thể.
        Dâng thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa thêm ơn cho mỗi người, để chúng ta có thể dùng chính đời sống của mình mà làm chứng cho Chúa.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu nhiệm Thánh.


Chia sẻ
 TÁI SINH BỞI NƯỚC VÀ THÁNH THẦN

        Kính thưa cộng đoàn! Chúng ta nhiều lần nghe đến ông Ni-cô-đê-mô trong Tin mừng. Vậy ông Ni-cô-đê-mô là ai? Và qua cuộc đối thoại giữa ông với Chúa Giê-su chúng ta học được điều gì?

        1. Trước hết, ông Ni-cô-đê-mô là ai?
        Thưa! Chỉ Tin mừng theo thánh Gio-an mới nói đến Ni-cô-đê-mô. Ông là một  thành viên quan trọng trong Phái Pha-ri-sêu. Rất có thể cũng là một  thành viên của Thượng Hội Đồng. Tin mừng cho chúng ta biết ông đã tận dụng bóng đêm để đến gặp Đức Giêsu, vì đêm là thời gian yên tĩnh và an bình và chắc chắn ít người dòm ngó.
Trong toàn bộ Tin mừng theo thánh Gio-an ông xuất hiện ba lần. Lần thứ nhất ông gặp Chúa Giê-su ở chương 3; lần thứ 2 ông xuất hiện giữa các thượng tế tại Giê-ru-sa-lem đang tranh luận với nhau xem có thể loại trừ Đức Giêsu cách nào. (Ga 7,51-52); lần cuối cùng chúng ta gặp lại ông Giô-xếp A-ri-ma-thê: họ tẩm liệm thi hài Đức Giêsu bằng dầu thơm, bọc bằng khăn liệm rồi đặt vào trong mộ (Ga 19,39-40).
Như vậy, ông Ni-cô-đê-mô đại diện cho những người Do thái, với trái tim vẫn còn tinh trong, đang đi tìm ánh sáng chân lý và xác tín rằng vị chỉ có Đức Giê-su, người được Thiên Chúa sai đến”, mới có thể chỉ cho ông thấy ánh sáng chân lý mà thôi.

        Tin mừng hôm qua và hôm nay, cho chúng ta biết ông đến gặp Chúa Giê-su vào ban đêm. Mục đích ông Ni-cô-đê-mô tìm gặp Chúa là muốn Chúa chỉ cho ông nhận ra ánh sáng chân lý. Tuy vậy ông đã đến và ra đi trong đêm, nhưng chúng ta không biết được qua cuộc gặp gỡ này ông đã nhận ra điều gì, vì tác giả Gioan không nói.

        2. Thế nhưng, qua cuộc đối thoại giữa Chúa và ông Ni-cô-đê-mô chúng ta học được hai điều.
        Thứ nhất: Muốn được vào Nước Thiên Chúa thì phải được sinh ra bởi ơn trên. Đầu tiên Chúa Giê-su đưa ra một nguyên tắc là phải “tái sinh,” phải sinh lại bởi trời! Chữ “bởi trời” có nghĩa là sinh lại bởi uy quyền Thiên Chúa và trở nên con cái Thiên Chúa, là tiếp nhận một sức sống mới thần linh cao vượt hẳn sự sống con người nhân loại. Đó là sinh ra bởi Nước và Thần khí. Nhưng lúc ấy, Ni-cô-đê-mô đã không hiểu được như vậy, cho nên ông cứ mãi băn khoăn với chữ “Tái sinh.” Điều này cho thấy rằng không phải có học thức cao, hay có sự hiểu biết mọi sự là có thể lãnh hội được giá trị của Nước Thiên Chúa.
        Cộng đoàn chúng ta, là những người đã được tái sinh qua Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã có sự sống mới nơi mình, do vậy chúng ta phải sống làm sao cho đúng với phẩm giá là con cái Thiên Chúa.

        Thứ hai: Muốn được Ơn Cứu Độ thì phải tin vào Đấng bị treo trên thập giá, như xưa con rắn đồng được treo lên hễ bất cứ ai nhìn thấy sẽ được cứu.
Về điểm này Đức Giê-su nhắc lại cho Ni-cô-đê-mô một biến cố đã xảy ra trong cuộc Xuất Hành, - đó là hình ảnh con rắn đồng Mô-sê đã đúc và giương cao trong sa mạc (x. Ds 21,4-9), Chúa Giê-su đã khẳng định với ông Ni-cô-đê-mô rằng đó chỉ là tượng trưng cho những gì sắp xảy ra cho chính bản thân Đức Giê-su. Con Người sắp được giương cao trên thập giá để tất cả những ai nhìn lên Người thì sẽ được cứu. Chính Đức Giê-su mới mang lại Ơn Cứu Độ cho con người chứ không phải con rắn đồng.
       
        Nói tóm lại, qua cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô chúng ta học được hai điều. Thứ nhất nếu chúng ta là những người đã được tái sinh nhờ Nước và Thánh Thần, được trở nên con cái Thiên Chúa, con cái sự sáng thì chúng ta phải sống ngay lành theo thánh ý Chúa. Thứ hai, mặc dầu đã được tái sinh bởi Nước và Thánh Thần, thế nhưng nếu muốn được Ơn Cứu Độ, chúng ta cần phải tin yêu và làm chứng cho Đức Ki-tô, Đấng đã yêu thương và chịu chết trên thập giá và sống lại hiển vinh. Niềm tin vào sự phục sinh của chúng ta phải được biểu lộ qua đời sống hằng ngày, nghĩa là phải sống bác ái, yêu thương và làm chứng cho Nước Thiên Chúa. Amen.



Share:

Chúa Nhật II Phục Sinh – Chúa Nhật về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa – CĐ Cv 4,32-35; 1Ga 5,1-6; Ga 20, 19-31 VAI TRÒ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI KI-TÔ HỮU

Chúa Nhật II Phục Sinh – Chúa Nhật về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa – CĐ
Cv 4,32-35; 1Ga 5,1-6; Ga 20, 19-31

Lời dẫn đầu lễ
Kính thưa cộng đoàn! Ngày 30/4/2000 là Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục Sinh. Trong lễ phong hiển thánh cho nữ tu Faustina, người đã tận hiến đời mình để rao truyền Lòng Thương Xót Chúa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố quyết định dành riêng ngày Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Phục Sinh là ngày Chúa Nhật kính nhớ Lòng Thương Xót Chúa.
Thật ra Giáo hội đã có truyền thống từ rất lâu đời kinh nhớ Lòng Thương Xót Chúa. Nhưng đến triều đại Đức thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, và qua cuộc mặc khải tư của Chúa với thánh nữ Faustina thì Giáo hội mới mừng kính Lòng Thương Xót Chúa cách đặc biệt.
        Với bức tượng Chúa Giê-su phát ra hai luồng sáng trắng và xanh. Những luồng ánh sáng trắng nhạt biểu hiện Nước, sẽ làm cho các linh hồn nên công chính đạo đức. Những luồng ánh sáng màu đỏ biểu hiện Máu, là sự sống của các linh hồn.
        Dâng Thánh lễ này, chúng ta cầu xin cho mỗi người biết yêu mến, súng kính và năng chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa để được Người bảo vệ chở che.
        Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu nhiệm Thánh.


VAI TRÒ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA 
TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI KI-TÔ HỮU

Xin chào cộng đoàn, và cha chào tất cả các con thiếu nhi!
Các con có biết hôm nay là ngày Chúa nhật thứ mấy trong mùa Phục Sinh không?
Hôm nay là Chúa nhật thứ II Phục sinh, hay còn gọi là Chúa nhật thánh Tôma, bởi vì bài Phúc âm thuật lại cuộc gặp gỡ của Tông Đồ Tôma với Chúa Kitô, nhưng quan trọng hơn hôm nay được gọi là Chúa nhật kính nhớ Lòng Thương Xót Chúa.
Vậy thì Lòng Thương Xót Chúa có vai trò như thế nào trong đời sống của chúng ta?

Lòng Thương Xót Chúa có 3 vai trò quan trọng trong đời sống của chúng ta.

1. Trước hết, Lòng Thương Xót Chúa quy tụ mọi người lại với nhau, đưa chúng ta vào cùng một Hội Thánh.
Bài đọc 1 trích sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta biết: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.” (Cv 4,32). Sở dĩ các tín hữu sơ khai đồng tâm nhất trí với nhau là do được Lòng Thương Xót Chúa quy tụ lại. Thật vậy, khi các tín hữu quy tụ lại cùng nhau làm lễ Bẻ Bánh thì chính Đức Giê-su hiện diện nối kết mọi người. Sự hiệp nhất các tín hữu này chắc chắn là một phép mầu của Đức Ki-tô Phục Sinh, chính Người mở toang tấm lòng hẹp hòi và ích kỷ của con người cũ để hướng đến một tình yêu mới của những cư dân trong Nước Thiên Chúa. Người quy tụ tất cả mọi người vào Hội Thánh mà Người là đầu và tất cả là chi thể: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” (1 Cr 10,17)

2. Lòng Thương Xót Chúa đánh thức đức tin và tình yêu của người Ki-tô hữu.
Chính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đi bước trước, nên Ngài ban cho con người có Đức tin để nhờ đó con người có thể nhận biết Thiên Chúa, và trở thành nghĩa tử của Ngài: “Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.” (1Ga 5,1)
Không những thế, chính Lòng Thương Xót đã đánh thức tình yêu nơi con người để qua đó con người biết yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Thật vậy, chính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã cho tất cả chúng ta trở thành anh chị em, nối kết chúng ta trong sợi dây ràng buộc bởi tình yêu, vì ai yêu mến Chúa Cha “thì cũng yêu thương kẻ Người sinh ra” (1Ga 5, 1b).

3. Lòng Thương Xót Chúa ban lại cho con người bình an đích thực, bình an của Đức Ki-tô Phục Sinh
Lòng Thương Xót không chỉ quy tụ và đánh thức đức tin và tình yêu của chúng ta mà còn ban lại bình an đích thực cho chúng ta.
Thật vậy, nhiều lần Chúa Giê-su đã ban bình an cho các tông đồ, nhưng hôm nay đây, bình an đó trở thành thứ không thể ai lấy đi được, đó là bình an của Đấng Phục Sinh: “Bình An cho anh em!” ( Ga 20, 19). “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27),
Thế nên, khi có bình an của Chúa, các môn đệ đã vượt qua nỗi sợ hãi, yếu nhược mà mở tung cánh cửa, mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh, loan báo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Nói tóm lại, trong ngày Chúa nhật mừng kính Lòng Thương Xót Chúa hôm nay nhắc nhớ cho chúng ta rằng chính nhờ Lòng Thương Xót mà chúng ta được Chúa quy tụ lại trong cùng một Hội Thánh, để qua Hội Thánh, Chúa ban chính Thịt Máu Người làm của ăn nuôi dưỡng nhân loại. Chính nhờ Lòng Thương Xót Chúa mà mỗi người chúng ta luôn tin tin tưởng và hết lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Chính nhờ Lòng Thương Xót mà Chúa ban cho chúng ta bình an của Người, bình an của Đức Ki-tô Phục Sinh, bình an đích thực, không ai có thể lấy đi được cho dù cuộc sống của chúng ta đây những gian lao khốn khó.

Là những thiếu nhi của Chúa, mỗi người chúng con cần biết siêng năng cầu nguyện với Lòng Thương Xót Chúa. Để mỗi ngày, nhờ Lòng Thương Xót chúng con được lớn mạnh trong đức tin, nhiệt thành trong đức mến và trung thành trong đức cậy. Amen.

Lm. Bùi Văn Hồng Phúc, Dòng Thánh Thể (SSS)
Share:

Thứ Sáu tuần Bát nhật Phục Sinh Cv 4,1-12; Ga 21,1-14 “CHÚA ĐÓ!”

Thứ Sáu tuần Bát nhật Phục Sinh
Cv 4,1-12; Ga 21,1-14

Lời dẫn đầu lễ
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Sứ điệp Lời Chúa hôm nay tiếp tục cho chúng ta biết Chúa hiện ra lần thứ ba với các tông đồ tại biển hồ Ti-bê-ri-a. Qua lần hiện ra này, Chúa không chỉ cũng cố lòng tin cho các tông đồ mà còn đòi buộc các ông phải biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa, cũng như mời gọi các ông trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.
Dâng Thánh lễ này, chúng ta cầu xin cho mỗi người chúng ta luôn biết nhận ra thánh ý Chúa trong đời sống để thực thi và luôn biết nhận ra sự hiện diện của Chúa qua Thánh Thể và qua tha nhân.
Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.



“CHÚA ĐÓ!”

Có bao giờ chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời sống, để rồi thốt lên xác tín như thánh Gio-an trong Tin mừng hôm nay hay không? – Chúa đó!
Kính thưa cộng đoàn! Sau khi Chúa chết, mặc dù các tông đồ đã được một số người làm chừng rằng Chúa đã sống lại, thế nhưng bấy nhiêu chứng nhân ấy vẫn chưa đủ thuyết phục các ông. Đang trong lúc chưa biết phải làm gì thì việc đầu tiên Phê-rô nghĩ đến đó chính là trở về nghề cũ của mình, nghề đánh cá.
Ông đã đề nghị với các tông đồ khác: “Tôi đi đánh cá đây!” – các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh!”. Tin mừng tiếp tục cho chúng ta biết họ thức suốt đêm để đánh cá, nhưng tới sáng, họ vẫn trắng tay, không bắt được con cá nào.
Bắt cá lần này, dường như rất giống với lần mà Phê-rô và Gio-an gặp Chúa lần đầu tiên (Lc 5, 1-11). Họ cũng không bắt được gì. Nhưng khi nghe lời Chúa thì lưới họ lại đầy cá. Trong trường hợp này cũng thế, cả đêm không bắt được gì nhưng sau khi nghe lời Chúa: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền, thì sẽ bắt được cá!” và kết quả là các ông không kéo lên nổi vì lưới đầy cá.
Kính thưa cộng đoàn! Đây là lần thứ ba Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ, sau khi Người sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, lần này có những điểm đặc biệt vì ngoài việc củng cố niềm tin cho các tông đồ Chúa cũng gửi gắm những thông điệp khác nữa.

1. Thứ nhất, vâng lời Chúa thì sẽ được thành công cách mỹ mãn hơn cả suy tính của con người.
Thật vậy, có Chúa mọi chuyện sẽ được êm đẹp. Trong đời sống, chúng ta đầu tư vào làm ăn gì đó, tốn rất nhiều tiền của và công sức, nhưng rồi thất bại, tiền cũng hết, mà sức lực cũng chẳng còn. Hãy học gương các thánh tông đồ, luôn biết lắng nghe tiếng Chúa mà thực hiện. Bằng chứng là khi nghe lời Chúa, các tông đồ thả lưới và lưới đầy cá.

2. Thứ hai, qua mẻ cá lạ với 153 con, muốn nói lên các ông sẽ là lưới người như lưới cá và ơn cứu độ phải được loan đi đến với hết mọi người, mọi nơi và mọi thời. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi trở thành người loan báo Tin mừng Phục Sinh trong đời sống của chúng ta.
Qua chỉ một vài câu nói của người lạ, thế nhưng Gio-an lại nhận ra đó chính là Thầy chí ái của mình, chứng tỏ rằng chỉ có yêu mến đi vào mối tương quan mật thiết với Ngài cách đặc biệt thì sẽ nhận ra Chúa.

Thật vậy, trong tất cả các tông đồ chỉ có một mình Gio-an, người được mệnh danh là “Người môn đệ Chúa yêu” là người nhận ra Chúa đầu tiên và thốt lên: “Chúa đó!”. Sở dĩ ông nhận ra Chúa là vì ông luôn có một mối tương quan cách đặc biệt đối với Chúa. Chính vì luôn theo sát Chúa, cũng như chú ý đến những hành động lời nói của Chúa, nên thông qua những việc làm của Chúa ông có thể nhận ra Chúa.
Cũng vậy, trong cuộc sống, ngày nay Chúa vẫn hiện diện với chúng ta qua Thánh Thể và qua tha nhân, thế nhưng chúng ta không nhận ra Chúa như Gio-an khi xưa là do chúng ta chưa có sự kết hợp mật thiết với Chúa qua đức tin và kinh nguyện.

Nói tóm lại, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Sống tín thác vào Người ngay trong những biến cố đau buồn, thất vọng nhất của cuộc đời. Sống tình hiệp nhất, yêu thương và làm chứng cho Chúa trong thời đại chúng ta hôm nay.

MA.PHUC,SSS
Share:

THỨ BA BÁT NHẬT PHỤC SINH – B - CĐ Cv 2,36-41; Ga 20,11-18 CÓ BAO GIỜ BẠN THẤY CHÚA CHƯA?

THỨ BA BÁT NHẬT PHỤC SINH – B - CĐ
Cv 2,36-41; Ga 20,11-18

       
Lời dẫn đầu lễ
Kính thưa cộng đoàn! Tin mừng hôm nay tiếp diễn tin mừng Chúa nhật Phục sinh. Sau khi Phê-rô và Gio-an đến mộ, chứng kiến ngôi mộ trống, và các ông quay trở về thì bà Ma-ri-a Mác-đa-la vẫn ở lại mộ và than khóc. Chúa đã hiện ra với bà.
        Dâng thánh lễ này, chúng ta cần biết noi gương bà Ma-ri-a Mác-đa-la luôn biết tín thác vào Chúa cho dù cuộc sống đôi khi làm cho chúng ta lung lay niềm tin.
        Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.


CÓ BAO GIỜ BẠN THẤY CHÚA CHƯA?
Nhiều người ngoại đạo hay hỏi chúng ta: “Bạn tin Chúa. Vậy có bao giờ bạn thấy Chúa chưa?”
Nếu chúng ta là người được hỏi như thế, chúng ta sẽ trả lời như thế nao?
Thật khó để trả lời đúng không các bạn. Vì chưa ai trong chúng ta thấy Chúa hiện ra.
Tuy vậy, để trả lời được câu hỏi này, chúng ta thử tìm hiểu xem, người được thấy Chúa đầu tiên, sau khi Chúa sống lại từ cõi chết đã có phản ứng như thế nào và đã làm chứng ra sao sau khi được nhìn thấy Chúa.

Sáng sớm, Bà Ma-ri-a Mác-đa-la ra mộ Chúa, và phát hiện ra ngôi mộ trống. Bà sợ hãi, không hiểu sự việc gì đã xảy ra. Bà vội vã đi báo tin cho Phê-rô và Gio-an. Hai ông đến mộ và thấy sự việc như lời bà nói. Sau đó hai ông trở về nhà, còn bà Mác-đa-la thì ở lại mộ mà khóc.
Sự kiên nhẫn này của bà đã được Chúa đoái thương hiện ra với bà. Ngay sau đó bà Ma-ri-a vội vã đi báo tin cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa!”.

Việc bà Ma-ri-a xác tín với các môn đệ “tôi đã thấy Chúa” không có nghĩa là bà đã thấy Chúa bằng xương bằng thịt như trước kia, khi Người còn ở với các môn đệ. Bà thấy Chúa ở đây, là một Đức Giê-su hoàn toàn khác, một Đức Ki-tô đã Phục sinh vinh hiển. Thật vậy, khi nhận ra Chúa, bà liền ôm Người, đây là cử chỉ bà vẫn thường làm khi Chúa còn sống. Tuy vậy, Chúa nói với bà: “Thôi đừng giữ Thầy ở lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha.” (Ga 20,17). Trước khi chịu chết, Chúa Giê-su không hề phản đối trước những tình cảm và biểu lộ tha thiết nồng nhiệt như Ma-ri-a Mác-đa-la thường làm, đó là ôm thầy của mình. Nhưng giờ đây, cử chỉ quen thuộc của bà đối với Thầy yêu dấu của mình không còn thích hợp nữa.
        Tại sao lại như thế? Bởi Chúa Giê-su giờ đây đã là Đấng Phục Sinh. Thân xác Phục sinh thì hoàn toàn khác với thân xác thể lý. Bởi thân xác phục sinh là thân xác của thần khí, còn thân xác thể lý là thân xác của sinh khí. Mặc dù Người còn xuất hiện cho các môn đệ nhìn thấy trong vài ngày, nhưng thật ra, sau khi sống lại Đức Giê-su đã đi vào Vinh Quang của Chúa Cha. Các môn đệ của Người phải chấp nhận đoạn tuyệt với sự hiện diện thể lý của Chúa Giê-su.
Thế nên, câu hỏi “bạn đã gặp Chúa chưa” không thể hiểu theo nghĩa đen, đó là gặp Chúa cách thể lý nữa, bởi thân xác thể lý của Chúa đã không còn. Do vậy, ta chỉ có thể gặp gỡ Chúa Phục Sinh mà thôi. Vậy gặp gỡ Chúa Phục Sinh bằng cách nào? Bởi Chúa đâu có bao giờ hiện ra với chúng ta.

Thưa cộng đoàn, sở dĩ bà Ma-ri-a Mác-đa-la gặp được Chúa Phục Sinh vì bà có tâm hồn chiêm niệm ở lại mộ sau khi các tông đồ đã ra về hết. Do vậy, kể từ sau khi Chúa Phục Sinh, tất cả những ai muốn gặp gỡ Chúa thì đòi buộc phải bắt chước bà Ma-ri-a đó tức là phải bước vào trong cõi thâm kín và huyền diệu, đi vào chiều sâu của cầu nguyện và đức tin.
Thật vậy, trước khi chết, Chúa biết rằng mình sẽ không còn hiện diện cách thể lý với nhân loại nữa, và con người không thể nào có thể diện đối diện với Đấng Phục Sinh được, nên Người đã hạ mình xuống, qua việc thiết lập Bí tích Thánh Thể. Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa đã có thể diện đối diện và ở lại với con người cho đến tận thế.
Trong niềm tin, chúng ta vẫn phải xác tín rằng ngày ngày Chúa không hề vắng mặt, Người vẫn hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể. Chính khi chúng ta đến với Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể chúng ta không những được thấy Chúa mà hơn nữa được rước Chúa, được nên một với Chúa. Đây quả là một đặc ân Chúa chỉ dành cho những ai biết gắn bó đời mình với Chúa trong cõi thâm sâu, huyền diệu, trong cầu nguyện và lòng xác tín vào Bí tích Thánh Thể. Thật vậy, nơi Bí Tích Thánh Thể Đức Giê-su Phục Sinh hiện diện đích thân, đích thực với toàn thể thần tính và nhân tính của Người.
Như vậy, tuy Chúa đã phục sinh và bước vào vinh quang với Chúa Cha, nhưng Người vẫn không xa cách chúng ta, Người vẫn âm thầm hiện diện cách bí tích với chúng ta.
Vậy, nếu chúng ta muốn gặp Chúa như bà Mác-đa-la thì không còn cách nào khác ngoài việc chúng ta siêng năng đến với Chúa nơi Bí tích Thánh Thể qua việc chúng ta siêng năng tham dự Thánh lễ và chầu Thánh Thể mỗi ngày.


Tóm lại, chúng ta có thể trả lời câu hỏi: Có bao giờ bạn thấy Chúa chưa? Thưa là có, tôi không những được gặp Chúa, được chiêm ngưỡng Chúa mà còn được rước Chúa vào lòng, được nên một với Chúa. Đó chính là niềm tin của chúng ta, đó chính là hạnh phúc lớn lao nhất của mỗi người chúng ta.Amen
MA.PHÚC,SSS
Share: