BÍ TÍCH THÁNH THỂ - NGHỆ THUẬT BÀY TỎ TÌNH YÊU

BÍ TÍCH THÁNH THỂ - NGHỆ THUẬT BÀY TỎ TÌNH YÊU





Dàn bài
   Giới thiệu
1. Thiên Chúa – Đấng Sáng Tạo – nhà nghệ sĩ tài ba
2. Bí tích Thánh Thể - nghệ thuật bày tỏ tình yêu
2.1. Tình yêu tự hiến – đỉnh cao của cái đẹp
2.1.1.  Cái đẹp của tình yêu tự hiến thể hiện qua sự từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.
2.1.2.  Cái đẹp của tình yêu tự hiến thể hiện qua việc Đức Ki-tô hy sinh mạng sống của mình hầu cứu độ muôn người.
2.1.3.  Cái đẹp của tình yêu tự hiến được thể hiện qua việc Đức Ki-tô đã mở ra một thực tại mới.
     2.2. Nghệ thuật trong cách thức thể hiện tình yêu
    Kết luận.


Giới thiệu
“Cái đẹp là chìa khóa mở cửa mầu nhiệm và là tiếng mời gọi ta vươn lên cao. Đó cũng là tiếng nói mời gọi ta cảm nếm cuộc sống và mơ về tương lai. Chính vì thế cái đẹp của thụ tạo không bao giờ làm ta cảm thấy thỏa mãn hoàn toàn.”[1] Do đó, chỉ có cái đẹp hoàn bị mới làm no thỏa những con người đói khát. Cái đẹp hoàn bị vốn chỉ tồn tại nơi Đấng Sáng Tạo, cội nguồn của mọi cái đẹp được trao tặng cho muôn loài thọ tạo bằng chính tình yêu của Ngài. Tình yêu ấy, trải qua thời gian dài của lịch sử đã được Thiên Chúa mặc khải cách tiệm tiến. Vào thời viên mãn, tình yêu thể hiện trọn vẹn qua Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa. Chính Người là hiện thân của Thiên Chúa vô hình, là cái đẹp hoàn bị nhất nơi Thiên Chúa mà con người có thể đụng chạm và chiêm ngắm.
Trước khi bước vào cuộc Vượt Qua - cao điểm của công trình cứu độ, Đức Ki-tô đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể như là dấu chỉ cho sự hiện diện và tình yêu của Người dành cho nhân loại. Qua việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Đức Ki-tô làm nổi bật cái đẹp hoàn bị, cái đẹp trường cửu của Thiên Chúa.
Nhìn qua lăng kính của nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật trong Phụng vụ, xin được trình bày Bí Tích Thánh Thể dưới góc nhìn của người nghệ sĩ với đề tài: Bí Tích Thánh Thể - Nghệ Thuật Bày Tỏ Tình Yêu.
1.Thiên Chúa – Đấng Sáng Tạo – nhà nghệ sĩ tài ba.
Lật lại những trang đầu của Kinh Thánh, sách Sáng Thế đã giới thiệu Thiên Chúa như một khuôn mẫu cho tất cả những ai đang tạo ra một tác phẩm. Qua cách miêu tả, tác giả sách Sáng Thế đã trình bày một Thiên Chúa như một nghệ sĩ tài ba. Người Nghệ Sĩ này không chỉ biết sáng tạo ra muôn loài mà còn biết tự thẩm định, đánh giá tác phẩm của mình là đẹp: Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ...Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp![2]
Trình thuật trong sách Sáng Thế đã cho thấy Thiên Chúa vừa là Đấng Tạo Hóa vừa là một nghnhân tài ba. Tuy nhiên, “người sáng tạo” và “nghệ nhân” thì khác nhau. Theo Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II: “Người sáng tạo là người mang tới sự hiện hữu, đưa một sự gì đó ra khỏi cõi hư vô, như ngạn ngữ La-tinh thường nói: “ex nihilo sui et subjecti” (từ hư vô của mình và của chủ thể), và hiểu cho chặt nghĩa thì đây là cách hoạt động của một mình Đấng Tối Cao. Trái lại, “nghệ nhân” sử dụng một vật gì đó đã có, rồi cho nó một hình dạng và một ý nghĩa. Đây là cách hoạt động riêng của con người, một hữu thể đã được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. [3]
Như vậy, chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng Sáng Tạo. Nơi Ngài, hay nói cách khác chính Ngài là cái đẹp tuyệt đối, cái đẹp hoàn bị, là cội nguồn sáng tạo, là đỉnh cao của mọi hoạt động nghệ thuật của con người. Con người chỉ được tạo dựng nên theo hình ảnh vô cùng đẹp đẽ của Thiên Chúa và chính Ngài đã trao phó cho con người nhiệm vụ thống trị mặt đất.[4] Hơn thế nữa, con người còn được Thiên Chúa mời gọi cng tác vào công trình sáng tạo qua việc giao cho con người nhiệm vụ của những nghệ nhân. Chính qua “hoạt động sáng tạo nghệ thuật” ấy mà hơn bao giờ hết, con người cho thấy mình “giống Thiên Chúa”.[5]
Cái đẹp thụ tạo, cái đẹp do những nghệ nhân làm ra, hay cái đẹp của thiên nhiên vũ trụ chỉ là phản ảnh phần nào cái đẹp của Thiên Chúa, như trong thư gửi cho các nghệ sĩ, Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã khẳng định điều đó:Cái đẹp là chìa khoá mở cửa mầu nhiệm và là tiếng gọi mời ta vươn lên cao. Đó cũng là tiếng nói mời gọi ta cảm nếm cuộc sống và mơ về tương lai. Chính vì thế, cái đep của thụ tạo không bao giờ có thể làm ta cảm thấy thoả mãn hoàn toàn. Nó khơi dậy nỗi nhớ nhung thầm kín về Thiên Chúa, một sự thật mà chỉ có người mê say cái đẹp như thánh Augustinô mới diễn tả được một cách tuyệt vời như sau: “Con yêu Chúa quá muộn màng, ôi vẻ đẹp rất xưa mà rất mới; con yêu Chúa quá muộn màng”[6].
2.Bí tích Thánh Thể - nghệ thuật bày tỏ tình yêu.
2.1.                        Tình yêu tự hiến – đỉnh cao của cái đẹp.
Tình yêu nam nữ nói riêng, tình yêu giữa con người với nhau nói chung đa phần là tình yêu qua lại, cho – nhận. Riêng chỉ có tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người là tình yêu tự hiến, tức là tình yêu trao ban nhưng không. Tình yêu này trỗi vượt trên mọi tình yêu của con người. Có thể nói tình yêu tự hiến là đỉnh cao của cái đẹp. Thiên Chúa là cội nguồn, là nguyên nhân và cũng là cùng đích của mọi cái đẹp, thế nên tình yêu của Thiên Chúa với con người cũng là tình yêu trỗi vượt. Tình yêu đấy vĩnh cửu và mang cái đẹp hoàn bị, “cái đẹp cứu rỗi thế giới” [7] như thi hào người Nga Mikhailovich Dostoyevsky đã từng nói.
2.1.1.                        Cái đẹp của tình yêu tự hiến thể hiện qua sự từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa của Đức Kitô.
Trước hết, Cái đẹp của tình yêu tự hiến thể hiện qua sự từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa mà Đức Giê-su Ki-tô đã làm hầu cứu độ con người. Thật ra, nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa đã manh nha được nói đến ngay từ những trang đầu trong Sáng Thế Ký, sau khi con người đầu tiên phạm tội:Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó."[8] Trải qua thời gian dài của lịch sử, vào thời viên mãn thì lời hứa cứu độ ấy được thực hiện qua việc Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Chính Người là Em-ma-nu-en, là Đấng Mê-si-a và là Đức Ki-tô, Đấng đã được các ngôn sứ loan báo từ trong Cựu Ước, chính Người sẽ cứu độ con người ra khỏi nô lệ của tội lỗi.[9] Thật vậy, trong thư gửi cho tín hữu Phi-líp-phê thánh Phao-lô đã nói rõ: “Ðức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” [10]
Như vậy, hành động khước từ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa của Đức Ki-tô đã làm toát lên vẻ đẹp của sự từ bỏ. Sự từ bỏ của Đấng Hằng Hữu để trở nên giới hạn trong thân phận hữu hạn của con người. Sự từ bỏ của Đấng Sáng Tạo, cội nguồn của cái đẹp hoàn bị lại giới hạn cái đẹp của mình trong cái đẹp chóng tàn của thân phận con người. Nhưng chính sự từ bỏ cái đẹp hoàn bị nơi mình lại là lúc cái đẹp nơi Người được tôn vinh, được mặc khải cho muôn người.
2.1.2.                        Cái đẹp của tình yêu tự hiến thể hiện qua việc Đức Ki-tô hy sinh mạng sống của mình hầu cứu độ muôn người.
Kế đến, Cái đẹp của tình yêu tự hiến thể hiện qua việc Đức Ki-tô hy sinh mạng sống của mình hầu cứu độ muôn người. Thật vậy, “trước kia, hiện nay cũng như sau này, không có một ai mà Đức Ki-tô không chịu khổ nạn cho”[11]. Hội thánh tuyên xưng như thế và đây là một yếu tố trung tâm của đức tin Ki-tô giáo. Đức Ki-tô đã không chết cách tình cờ, cái chết của Người không phải là một tai nạn bi thảm hoặc một sự kiện ngẫu nhiên. Cái chết đó thuộc về kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa. Ngài cho phép xảy ra những hành vi xuất phát từ sự mù quáng của con người để hoàn thành kế hoạch cứu độ của Ngài.[12] Cái chết của Đức Ki-tô đã khơi gợi một cái đẹp viên mãn. Cái đẹp đó là sự tự nguyện chịu chết như một hy lễ, một hy lễ tuyệt hảo[13]. Hy lễ ấy tuyệt hảo vì là hy lễ của tình yêu: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống cho bạn hữu”[14] Chỉ có tình yêu mới có thể giao hòa thực sự. Bằng tình yêu vô tận, Đức Ki-tô đền thay cho “sự thiếu vắng tình yêu” trong mọi tội lỗi của loài người. Tình yêu vô tận ấy chỉ có được nơi Đức Ki-tô: “Không một ai, dù là người thánh thiện nhất, có khả năng mang lấy trên mình tội lỗi của mọi người và hiến mình làm hy lễ vì mọi người. Nơi Đức Ki-tô, sự hiện hữu của Ngôi Vị Chúa Con vừa vượt hẳn vừa bao gồm tất cả các nhân vị, khiến cho Đức Ki-tô là Đầu của toàn thể nhân loại, và làm cho hy tế của Người có giá trị cứu chuộc tất cả mọi người[15].
Như vậy, qua hành động hy sinh mạng sống,“Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh[16] đã vẽ lên bức tranh buồn của cái chết, của tang tóc. Nhưng bức tranh ấy lại chứa đựng cái đẹp sâu lắng, cái đẹp của màu tím hy vọng, cái đẹp ẩn sâu bên dưới hình ảnh cái chết là sự sống vĩnh cửu bởi “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.”[17]
2.1.3.                        Cái đẹp của tình yêu tự hiến được thể hiện qua việc Đức Ki-tô đã mở ra một thực tại mới.
Cuối cùng, Cái đẹp của tình yêu tự hiến được thể hiện qua việc Đức Ki-tô đã mở ra một thực tại mới cho loài người, sống chiều kích cánh chung ngay thực tại này qua việc mời gọi Ki-tô hữu lãnh nhận Mình Máu Thánh Người. Đó là cái đẹp của sự hiệp nhất. Thật vậy, chủ thể của vẻ đẹp sâu xa của phụng vụ là chính Chúa Ki-tô, phục sinh và vinh quang trong Chúa Thánh Thần, Đấng bao quát Giáo Hội trong công trình của Người.[18] Nên chính Đức Ki-tô mời gọi cộng đoàn phụng vụ hiệp nhất với cái đẹp sâu xa này qua việc rước Mình Máu Người. Cao điểm của Thánh lễ là lời vinh tụng ca: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời,”[19] nên việc hiệp lễ là lúc Ki-tô hữu được nên một với Đức Ki-tô, từ đó nên một với Chúa Cha, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần. Đức Ki-tô mời gọi cộng đoàn dân Chúa nên một với Người như hình ảnh cành nho gắn liền với thân cây nho[20], Người chính là đầu của chi thể[21], Người luôn khao khát đoàn chiên của Người hiệp nhất với Người trong Chúa Cha[22]…Việc đáp lại lời mời gọi nên một với Đức Ki-tô của linh mục chủ tế - “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” – đã cho thấy cái đẹp của sự hiệp nhất.
Cái đẹp của sự hiệp nhất trước hết được thể hiện qua hành vi bẻ bánh của linh mục chủ tế. Một hành động tuy nhỏ, và ngày nay dường như ít được chú ý trong Thánh lễ nhưng lại mang nhiều ý nghĩa cao quý. Một trong những ý nghĩa cao quý của hành động bẻ bánh nói lên sự hy sinh mạng sống của Đức Ki-tô. Hành động bẻ bánh là điểm nhấn trong bức tranh của tình yêu tự hiến. Bẻ ra là chấp nhận hy sinh, chấp nhận chết. Qua  đó, Đức Ki-tô trao ban chính mình Người để những ai “ăn thịt và máu tôi thì được sống muôn đời.”[23] Thật vậy, cái đẹp của hành vi bẻ bánh mà Đức Ki-tô đã làm, Người cũng mời gọi cộng đoàn phụng vụ tự bẻ thân mình cho tha nhân. Không phải là để chết như Người, nhưng là hiến thân phục vụ như Người đã phục vụ “Con Người đến để phục vụ chứ không phải được phục vụ.”[24]
Kế đến, cái đẹp của sự hiệp nhất còn thể hiện qua việc cộng đoàn phụng vụ được trở nên chính cái mà họ lãnh nhận. Thật vậy, nhờ tham dự vào Thánh Thể, tức nhờ Hiệp Lễ, Ki-tô hữu thực sự trở thành ‘cái mà họ ăn’ như Đức Lê-ô cả viết: “tham dự vào Mình và Máu Chúa Ki-tô có mục đích duy nhất là biến ta thành cái mà ta ăn” (Bài giảng 12 về Cuộc Thương Khó, 7).[25] Chính khi trở nên “cái mà họ ăn” cộng đoàn phụng vụ được tháp nhập trọn vẹn vào bản tính Thiên Chúa, được nên một với Đức Ki-tô, trong Chúa Cha và trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần. Cái đẹp ở đây được thể hiện qua việc một thụ tạo vốn chỉ là cái đẹp khiếm khuyết nay được tháp nhập vào cái đẹp hoàn bị, cái đẹp trường cửu, cái đẹp cổ xưa và hiện đại.[26] Khi được nên một với Đức Ki-tô qua hiệp lễ thì Ki-tô hữu được hiệp thông với Mình và Máu Chúa Ki-tô, hiệp thông với toàn thể cuộc sống và cái chết của Người. Do đó người Ki-tô hữu có thể cảm nghiệm toàn bộ cuộc sống của Người. Từ đó có thể chia sẻ và làm sống lại cuộc sống của Đức Ki-tô nơi chính cuộc sống của mình[27] như thánh Phao-lô đã xác tín “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là chính Đức Ki-tô sống trong tôi, đời sống của tôi lúc này trong thân xác, tôi sống nó trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và phó nộp mình vì tôi.”[28]
Cuối cùng cái đẹp của sự hiệp nhất thể hiện qua việc Ki-tô hữu được nên một với Hội thánh và với nhau. Nghi thức hiệp lễ được bắt đầu từ việc cả cộng đoàn phụng vụ đọc Kinh Lạy Cha.[29] Điều đó là nổi bật tình huynh đệ trong công đoàn phụng vụ. Thật vậy, lời Kinh Lạy Cha không chỉ là lời chúc tụng, cầu xin lên Chúa Cha mà Đức Ki-tô đã dạy, nhưng còn cho thấy tất cả mọi người là anh chị em với nhau, cùng thưa lêm “Ab-ba, cha ơi!”[30]  Hình ảnh đức Ki-tô là đầu của Hội thánh[31] và mỗi người là chi thể được nổi bật khi cộng đoàn cử hành phụng vụ và nhất là khi cộng đoàn ăn cùng một tấm bánh, uống chung một chén. Thánh Phao-lô đã xác tín điều này: “Khi ta nâng chén tạ ơn mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Ðức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.”[32]
Như vậy, khi rước Mình Máu Thánh Chúa, người tín hữu được sống thực tại mới. Một thực tại cánh chung ngay ở đời này. Điều này làm sáng lên vẻ đẹp của sự hiệp nhất. Nơi đây “không còn Do Thái hay Hi lạp; không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ; vì hết thảy anh em là một trong Ðức Ki-tô Giê-su.[33] Hành động hiệp lễ thể hiện rõ nét cái đẹp của sự hiệp nhất. Chính khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa là lúc người Ki-tô hữu được hiệp nhất với Đức Ki-tô, hiệp nhất với Giáo hội và hiệp nhất với nhau. Cái đẹp ở sự hiệp nhất này tưởng như muôn màu sắc hòa quyện, vẽ lên một tuyệt tác bằng bàn tay khéo léo của Thiên Chúa. Chính Ngài là nghệ sĩ tài ba đã khéo quy tụ muôn màu sắc thụ tạo, để rồi chính Ngài hòa sắc muôn màu thụ tạo đó bằng chính Mình Máu Con của Ngài. Trong tuyệt tác này, Người Nghệ Sĩ, Đấng Sáng Tạo ấy đã tự hủy chính vẻ đẹp hoàn bị của mình để mặc lấy muôn màu thọ tạo hầu có thể sáng tạo một bức tranh mới. Bức tranh được vẽ bằng sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người. Bức tranh diễn tả khung cảnh chung quyết của muôn loài. Bức tranh diễn tả rõ nét, không lờ mờ như trong một tấm gương, nhưng là mặt giáp mặt.[34]
Tóm lại, Cái đẹp nơi Bí tích Thánh Thể trước hết là Hy Tế Thập Giá của Đức Ki-tô hiến ban cho con người. Thánh Thể là bằng chứng cao nhất về tình yêu Thiên Chúa ban tặng cho con người, là bảo chứng tình yêu cứu độ được hiến tế trên thập giá. Nơi Bí tích Thánh Thể Đức Ki-tô tiếp tục hiện diện để ban ơn và chuyển cầu cho dân người,[35] và Người luôn mời gọi người tín hữu nên một với Người như Người nên một Chúa Cha trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần[36] qua việc hiệp lễ cũng như tôn thờ Đức Ki-tô nơi Bí Tích Thánh Thể.
2.2.                        Nghệ thuật trong cách thức thể hiện tình yêu.
Trong cuộc sống, khái niệm nghệ thuật được dùng với nhiều nghĩa như: nghệ thuật có thể được cho là đồng nghĩa với một tài nghệ nào của con người, cũng có thể nghệ thuật dùng để chỉ hoạt động sáng tạo theo nguyên tắc của cái đẹp. Nhưng với tác giả của tác phẩm Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy (1828-1910) đã định nghĩa “nghệ thuật như một hình thức truyền đạt các cảm xúc mà một người đã trải qua tới những người khác, khiến cho những người này cũng bị lây nhiễm các cảm xúc đó và thấy như mình cũng trải qua những kinh nghiệm đó.”[37] Thật vậy, nghệ thuật có vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Chính nhờ nghệ thuật mà con người có thể truyền đạt cảm xúc của mình cho người khác, từ đó thắt chặt hơn tình người, xua tan mọi ngăn cách và đẩy lùi những cái xấu xa để nhường chỗ cho cái đẹp, cái chân, cái thiện.
Nghệ thuật được ứng dụng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Từ những sáng tạo nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, điện ảnh, …đến những lãnh vực rộng hơn như nghệ thuật nói chuyện, nghệ thuật lắng nghe, nghệ thuật thuyết giảng, nghệ thuật bán hàng, …Tuy nhiên, có thể nói nghệ thuật là nơi bày tỏ tình yêu. Bởi tình yêu được biết đến như là cái tinh túy nhất của con người. Tình yêu không chỉ đơn thuần là “một trạng thái tình cảm của chủ thể này với chủ thể khác ở mức độ cao hơn sự thích thú và phải nảy sinh ý muốn được gắn kết với chủ thể đó ở một khía cạnh hay một mức độ nhất định [38], nhưng tình yêu đó còn là A-ga-pe – một thứ tình yêu trọn vẹn, cho đi tất cả: “Thiên Chúa yêu mến thế gian đến nỗi ban Con một mình cho thế gian”[39] Chính trong tình yêu A-g-a-pe này, Đức Ki-tô đã có cách thức thể hiện tình yêu mang đầy yếu tố nghệ thuật.
Trước hết, trong cách thức thể hiện tình yêu, Đức Ki-tô đã thể hiện ra với sự sáng tạo mới và độc đáo. Có thể nói, nghệ thuật là nơi bày tỏ tình yêu. Nhiều tình yêu đẹp được tìm thấy trong nghệ thuật. Có tình yêu quê hương đất nước, có tình yêu gia đình giữa các thành viên với nhau, có tình yêu đồng loại, tình yêu thiên nhiên vũ trụ...Chủ đề tình yêu chiếm một mảng lớn trong lĩnh vực nghệ thuật nói riêng và trong cuộc sống nói chung. Vì con người luôn khao khát tình yêu và luôn muốn được sống với tình yêu mà mình khao khát. Đôi khi tình yêu cũng đồng nghĩa với hạnh phúc. Vì yêu, nhiều người có thể làm được nhiều điều tưởng chừng như không thể. Như Hòn Vọng Phu yêu chồng, chờ chồng cho đến khi hóa đá, hay Rô-mê-ô và Ju-li-ét dám uống thuốc tự tử để có thể được ở bên nhau...Khi yêu nhau người ta có thể làm mọi thứ cho nhau để thể hiện tình cảm của mình với người yêu. Ca dao tục ngữ Việt Nam của có câu: “yêu nhau mấy núi cũng leo, mấy sống cũng lội mấy đèo cũng qua” hoặc “yêu nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.” Tình yêu rất đẹp, lãng mạn, tình tứ. Mỗi người có cách bày tỏ tình yêu của mình ra bên ngoài khác nhau. Tuy nhiên, tình yêu của Chúa Giê-su nơi Bí tích Thánh Thể có một sự khác biệt, nếu không muốn nói là vượt trội hơn tình yêu giữa con người với nhau. Tình yêu của Đức Ki-tô trước hết là tình yêu của Đấng Sáng Tạo với những tạo vật do chính Ngài dựng nên. Kế đến, lịch sử Cứu độ cho thấy Thiên Chúa dùng nhiều cách thức để thể hiện tình yêu của mình cho nhân loại. Cuối cùng với sáng tạo độc đáo trong cách thức thể hiện tình yêu, Thiên Chúa, qua hình ảnh Ngôi Lời đã cho thấy rõ nét nhất tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người như thế nào. Đó là hy sinh chịu chết hầu hầu muôn người được sống. Thật vậy, người ta khi yêu nhau có thể làm mọi thứ cho nhau, nhưng ít ai có thể hy sinh và cho đi chính mạng sống của mình. Đức Ki-tô không chỉ cho đi mạng sống mà còn hiến thân mình làm của ăn nuôi sống người mình yêu. Có thể khẳng định từ cổ chí kim chưa ai dám và thể hiện tình yêu một cách độc đáo và sáng tạo như thế ngoại trừ Đức Ki-tô.
Kế đến, tình yêu của Đức Ki-tô không những có sáng tạo mà còn được nhiều người chấp nhận và thán phục. Không chỉ có người Công giáo mà tất cả những ai tin vào Đức Ki-tô đều chấp nhận tình yêu tự hiến của Người. Khi yêu nhau, người ta luôn muốn nên một, là của nhau, thuộc về nhau cả về thể xác và tinh thần. Nhưng thuộc về nhau như thế nào đây? Cho dù nhiều người khi yêu có kết hợp với người mình yêu như thế nào đi nữa thì hai người vẫn là hai nhân vị khác nhau. Đức Ki-tô đã biến Mình làm của ăn, để muôn người được tháp nhận vào thiên tính của Ba Ngôi Thiên Chúa. Mỗi khi Ki-tô hữu rước Mình Máu Thánh Chúa là rước lấy chính Chúa, được hòa tan vào tình yêu của Chúa được nên một với Chúa cả về thể xác lẫn tinh thần.
3.Kết luận.
Tóm lại, tình yêu của Đức Ki-tô thể hiện nơi Bí Tích Thánh Thể mang giá trị nghệ thuật cao. Bằng sáng kiến độc đáo, Thiên Chúa đã sai Con một mình đến thế gian để làm thức dậy cái đẹp vốn đã bị thế gian làm cho xấu đi bởi tội lỗi và bất toàn. Hành động này quả thật mới lạ và khác biệt hoàn toàn với những suy nghĩ vốn hạn hẹp của con người thế nên “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.[40] Hơn thế nữa con người còn “giết chết Đấng khơi nguồn sự sống.”[41] Tuy nhiên, chính khi con người khước từ Đấng vốn giàu lòng từ bi và nhận hậu, Đấng mang trong mình cái đẹp hoàn bị thì cũng là cái đẹp ấy, tình yêu ấy được tôn vinh. Thánh Au-gus-ti-no cả một đời tìm kiếm cái đẹp thụ tạo, cái đẹp chóng qua để rồi cuối đời thốt lên rằng: “Ôi vẻ đẹp cổ xưa và hiện đại, con đã yêu Ngài quá muộn![42] Vẻ đẹp cổ xưa và hiện đại đó vẫn âm thầm hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể chờ đón những ai lạc bước trở về. Để khi lãnh nhận lấy chính vẻ đẹp cổ xưa và hiện đại này người tín hữu không những làm sáng lên cái đẹp nơi mình mà còn được tháp nhập vào cái đẹp vĩnh cửu, cái đẹp hiệp nhất trong thời viên mãn.

MAPHUC,SSS





[1] Nguyễn Hưng, Nghệ Thuật Công Giáo, (NXB Đồng Nai, 2011), tr. 1173.
[2] Xc. St 27-31.
[3] Nguyễn Hưng, Nghệ Thuật Công Giáo – Thư Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Pha-lô II Gửi Các Nghệ Sĩ, (NXB Đồng Nai), 2011, tr. 159.
[4] Xc. St 1, 27-28.
[5]Nguyễn Hưng, Nghệ Thuật Công Giáo – Thư Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Pha-lô II Gửi Các Nghệ Sĩ, (NXB Đồng Nai), 2011, tr. 159.
[6] Nguyễn Hưng, Nghệ Thuật Công Giáo, NXB Đồng Nai, 2011, tr.173.

[7] Scandal "hậu" HHVN 2012: Cái đẹp cứu rỗi được ai?, http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/87055/scandal--hau--hhvn-2012--cai-dep-cuu-roi-duoc-ai-.html, truy cập 7/4/2014.  

[8] St 3, 15.
[9] xc. Hr 1, 1-2.
[10] xc. Pl 2, 6-8.
[11] GLHTCG, số 605.
[12] Xc. ĐHY Christoph Schönborn, Đức Ki-tô Chịu Chết Vì Chúng Ta, http://tailieuthanhmau.net/TL-01-ABC/Tim%20Hieu%20Sach%20GLHTCG/Bai%2028.htm,  truy cập 13/5/2014.
[13] GLHTCG, số 613.
[14] Xc. Ga 15, 13.
[15] GLHTCG, số 616.
[16] Xc. 1Cr 15,3.
[17] Xc. Ga 11, 25.
[18] Sacramentum Caritatis, số 36.
[19]Nghi thức Thánh Lễ.
[20] Xc. Ga 15.
[21] Xc Cl 1, 18.
[22] Xc. Ga 17, 11.
[23] Xc. Ga 6, 54.
[24] Xc. Mc 10, 45.
[25] Nguyễn Phúc Thuần, Hiệu Quả Của Hiệp Lễ, (Tủ Sách Thánh Thể, Houston, 2002), tr. 1.
[26] Thánh Augustino, Tự Thuật, (NXB Tôn Giáo, 2007), tr. 608.
[27] Nguyễn Phúc Thuần, Hiệu Quả Của Hiệp Lễ, (Tủ Sách Thánh Thể, Houston), 2002, tr. 6.
[28] Xc. Gl 2, 20.
[29] Phạm Đình Ái, Cao Cả Thay Mầu Nhiệm Cứu Độ, (NXB Phương Đông, 2014), tr.137.
[30] Xc. Rm 8, 15.
[31] Xc. Cl 1, 18.
[32] Xc. 1Cr 10, 16-18.
[33] Xc. Gl 3, 28.
[34] Xc. 1Cr 13, 12.
[35] Xc. Dt 7,25.
[36] Xc. Ga 15, 22-23.
[37] Nguyễn Đình Đăng, Nghệ Thuật Là Gì?, http://ribf.riken.go.jp/~dang/whoarewe/Nghethuatlagi.htm, truy cập 13/5/2014.
[39] Ga, 3,16
[40] Xc. Ga 1, 11.
[41] Xc. Cv 1, 15.
[42] Thánh Augustino, Tự Thuật, (NXB Tôn Giáo, 2007), tr. 608.
Share: