TÂM TÌNH NGÀY CUỐI NĂM (Lc 9,22-25)


TÂM TÌNH NGÀY CUỐI NĂM
(Lc 9,22-25)

Người ta thường hay nói “30 chưa phải là tết”, nghĩa là đừng mất hy vọng bỏ qua điều gì đó, nếu vẫn còn chút thời gian để thực hiện. Hôm nay là 30 tết, ắt hẳn chúng ta có rất nhiều việc để làm, để chuẩn bị chào đón một năm mới. Vẫn còn hy vọng mình sẽ hoàn tất những dự tính trong năm qua, để chào đón năm mới.
Tuy vậy, cuộc sống hiện tại gánh nặng tiền bạc có lẽ là gánh nặng luôn đeo bám chúng ta. Cả một năm làm quần quật, chỉ hy vọng được nghỉ ba ngày tết, ấy vậy mà nhiều gia đình, nhất là những gia đình nghèo sợ nhất là tết, đặc biệt là ngày 30 tết. Vì đó là ngày chủ nở đi đòi, dù gì đi nữa thì cũng không để nợ sáng năm mới. Thế nên vì cuối năm mà cũng không kiếm đâu ra tiền, nhiều người ngày 30 phải trốn chui trốn nhũi.
Ai trong chúng ta cũng mang lấy những gánh nặng, mà chúng ta hay gọi là thánh giá phải mang vác. Đó không chỉ là thánh giá của chén cơm manh áo tiền bạc, nhưng còn là thánh giá của các tương quan ông bà, cha mẹ con cái, thánh giá của tuổi tác, bệnh hoạn tật nguyền...Cuộc sống vất vả, thánh giá thì nặng nên chúng ta luôn cảm thấy mệt mỏi. Chỉ mong được nghi ngơi mấy ngày tết. Ấy vậy mà nhiều người, nhiều gia đình tết cũng không được nghỉ, cũng phải quần quật làm việc.
Nguyên nhân do đâu mà con người phải mang vác những thánh giá nặng như thế trong đời sống?
Thưa! Nguyên nhân khởi thủy là do nguyên tổ của chúng ta vì kiêu ngạo và bất tuân đã cắt đứt con đường nối con người với Thiên Chúa, con đường nối dương gian với quê trời. Hậu quả của tội đã tạo nên một hố sâu lớn khiến cho không ai từ bên nhân loại có thể qua với Thiên Chúa được nữa.
Nếu nói như thế, chẳng khác nào chúng ta đổi lỗi cho nguyên tổ. Thật vậy, chính chúng ta cũng là người gây là những cây thánh giá nặng cho chính mình hoặc cho người khác. Qua việc chúng ta sống thiếu trách nhiệm, thiếu bổn phận hoặc sa đọa lừa lọc, tội lỗi, để cho sự dữ lan tràn, để cái chết làm chủ.
Tuy vậy, chúng ta không tuyệt vọng, chúng ta không phải vác thánh giá một mình. Đức Giêsu đã đến, cùng với chúng ta vác thập giá. Thật vậy, Chúa Giêsu đã đến bắc cây cầu qua cái hố sâu tội lỗi ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người, đó là thập giá làm bằng sự khiêm nhường và vâng phục. Để từ đây, con người muốn qua gặp gỡ Thiên Chúa, muốn vào Nước Trời thì phải đi trên cây cầu thập giá này, bởi: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”
Chúa Giêsu không những đã nói mà còn đi bước trước trong con đường thập giá đó. Tin Mừng hôm nay đưa ra cho chúng ta từng bước trên con đường thập giá mà đạt đến ơn cứu độ bằng việc: Từ bỏ và vác thập giá theo chân Chúa Giêsu.

1.   Từ bỏ chính mình
Làm sao chúng ta có thể theo Chúa được khi mà chúng ta vướng bận quá nhiều thứ. Từ những thứ bên ngoài như của cải vật chất, đến những cái bên trong như kiến thức, kinh nghiệm sống...
Bỏ những thứ trên đã khó, Chúa muốn chúng ta từ bỏ cách triệt để là bỏ chính mình. Tức là bỏ đi cái tôi của mình. Cái tôi chính là cá tính của mỗi người, vốn dễ kiêu ngạo muốn trên mọi người, muốn thể hiện chính mình, muốn người khác theo ý mình; chứ không dễ gì khiêm tốn và phục vụ tha nhân. Nhưng đó lại là điều kiện của “thập giá”, bởi thập giá được làm bằng chất liệu khiêm tốn và phục vụ.

2.   Kế đến, Chúa mời chúng ta vác thập giá mình mà theo Chúa.
Chúa bảo chúng ta vác thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa.
Con đường theo Chúa, đời sống đạo cần một sự dấn thân, phải vác lấy thập giá, Thập giá đó là những khó khăn, những trái ý nghịch lòng… Thập giá đó là việc tuân giữ lề luật Chúa…
        Như vậy, Chúa không nói sẽ cất thập giá của chúng ta nhưng Chúa mời gọi chúng ta từ bỏ chình mình vác thập giá mình theo Chúa. Chắc chắn Chúa sẽ bồi bổ, ban ơn để chúng ta có đủ sức vác thập giá mình vì ách của tôi thì êm ái và gánh của tôi nhẹ nhàng. Nếu chúng ta làm được như thế thì chúng ta đã sống đúng với Lời của Chúa Giêsu: “Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có ích lợi gì” (Lc 9,25). Bởi, dù đời này có lên đến đỉnh quyền lực hay tỉ phú sang giàu, thì cũng chỉ là số 0 tròn trĩnh khi về với nấm mộ và linh hồn ra trước toà Thiên Chúa.
        Tết đã gần kề, ai trong chúng ta cũng mong muốn bản thân mình và gia đình có một mùa xuân bình an hạnh phúc. Tuy vậy, bình an và hạnh phúc không có nghĩa là không có thánh giá. Chúng ta chỉ có bình an và hạnh phúc thật sự khi mỗi người biết từ bỏ chính mình vác thập giá theo Chúa. Vì không có mùa xuân nào đến mà không phải trải qua mùa đông giá lạnh, không có vinh quang hạnh phúc nào không trải qua thập giá của khổ đau. Amen

MA.PHUC,SSS


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét