Thứ Tư tuần II mùa chay Gr 18,18-20; Mt 20,17-28 HY SINH, PHỤC VỤ TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG

Thứ Tư tuần II mùa chay
Gr 18,18-20; Mt 20,17-28

Dẫn đầu lễ
Kính thưa cộng đoàn! “Con người đến không phải là để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng mình làm giá chuộc muôn người.”
Thời đại ngày nay nhiều người, chỉ thích làm người chỉ huy, sai bảo người khác. Ở gia đình thì gia trưởng, ngoài xã hội thì thích làm chủ, làm thượng đế…Tuy vậy, cũng như Chúa đến thế gian để phục vụ nhân loại, thì mỗi người chúng ta sinh ra cũng có sứ mệnh phục vụ những người Chúa gửi đến đó là gia đình và tha nhân.
Dâng thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết noi gương Chúa, đó là biết phục vụ tha nhân trong sự hy sinh và khiêm nhường.
Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.


HY SINH, PHỤC VỤ
TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG

Kính thưa cộng đoàn! Trước khi bước vào cuộc vượt qua, Chúa Giêsu đã ba lần loan báo về cuộc thương khó của Người cách rất rõ ràng. Không những thế vì biết các ông yếu lòng tin nên đã Chúa đã hiển dung trên núi để củng cố lòng tin cho các ông. Tuy vậy, hình như các ông không hiểu thế nào là Nước trời và giá trị của Nước Trời là gì. Đang giữa thời điểm cuối của hành trình rao giảng, các tông đồ tuy theo Chúa đã lâu nhưng trong tâm trí các ông, Nước Trời vẫn chỉ như một vương triều trần thế. Các ông coi trọng quyền lợi cá nhân của mình, nghĩ mình đáng được đối xử cách ưu tiên và đặc biệt. Hai người con ông Dê-bê-đê mong ước được ngồi bên hữu và bên tả; các môn đệ khác thì tức tối ghen tị. Trước suy nghĩ của các Tông đồ, Chúa Giêsu đã nắn chỉnh lại cách hiểu của các ông về hạnh phúc Nước Trời, về sứ mạng của người Tông đồ: Đó là con đường phục vụ, hy sinh và hiến dâng cả mạng sống mình.
Trong đời sống thường ngày của chúng ta cũng thế. Chúng ta luôn muốn mình là nhất, được cung phụng chứ không chịu hy sinh giúp đỡ ai. Ngày nay, nhiều gia đình trẻ, thậm chí cả những cặp vợ chồng đã có với nhau mấy mặt con nhưng cũng khủng hoảng vì không ai chịu là người hy sinh, phục vụ. Từ trước đến nay, trong văn hóa Việt, vốn ảnh hưởng Nho Giáo, coi khinh người phụ nữ: “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Nghĩa là người phụ nữ hoàn toàn phụ thuộc vào người đàn ông. Chính vì thế, cách nào đó trong não trạng người Việt nói chung luôn có tư tưởng chồng chúa vợ tôi. Chồng chỉ có việc đi làm còn tất cả những thứ khác từ việc sinh con, nuôi dưỡng con cái, quán xuyến gia đinh đều do một tay người vợ.
Khi mà những nhà đấu tranh cho nữ quyền lên tiếng thì giá trị của phụ nữ mới được nâng cao. Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ nữ, nhân cơ hội đó lại muốn trở thành bà chúa trong gia đình, mọi sự do mình quyết định, chồng con không có ý kiến ý cò gì hết.
Vâng! Cả hai thái độ trên của cả vợ và chồng đều chưa đúng. Nếu như các tông đồ có nhiệm vụ làm người phục vụ hi sinh thân mình cho giáo hội thì vợ chồng cũng phải là người biết hy sinh bản thân cho gia đình, vợ chồng và con cái. Việc hy sinh không chỉ là bổn phận của vợ, hay chồng, hoặc con cái nhưng là của mọi thành viên trong gia đình. Thật vậy, một gia đình có hạnh phúc hay không, có đẹp lòng Chúa hay không phụ thuộc vào cách thức mọi người biết phục vụ lẫn nhau, hy sinh cho nhau. Đó không phải là việc phục vụ hay sinh chung chung nhưng bằng những việc làm cụ thể. Đó là khi đi làm về vợ chồng con cái cùng phụ nhau dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm nước, cùng nhau ăn cơm, đọc kinh…

Cuộc sống hiện đại, mỗi người chúng ta hôm nay - những người đang sống trong môi trường xã hội, giáo xứ, gia đình- chắc hẳn cũng không thoát khỏi những cám dỗ về quyền lợi và hưởng thụ. Ít nhiều, trong thâm tâm, chúng ta cũng mong sao mình là người quan trọng, người được phục vụ, được “ngồi bên hữu hay bên tả”, được là người có quyền lực ít là trong đời sống gia đình. Thập giá và chén đắng, hy sinh và khổ chế dường như đã quá xa lạ với cuộc sống con người… Qua sứ điệp của lời Chúa hôm nay, đặc biệt trong mùa chay thánh này, Chúa Giêsu mời gọi mỗi chúng ta biết mở lòng, xét lại đời sống của mình, xem lại những tương quan của mình với Chúa, với tha nhân và với mọi người, qua mẫu gương yêu thương, phục vụ, hy sinh. Qua đó, chúng ta bỏ đi cái tôi ích kỷ mà biết dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân. Amen
MAPHUC,SSS
Share:

Thứ Năm tuần II mùa chay Gr 17,5-10; Lc 16,19-31 NGHỊCH LÝ CỦA NƯỚC TRỜI

Thứ Năm tuần II mùa chay
Gr 17,5-10; Lc 16,19-31

Dẫn đầu lễ
 “Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nổi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó qua bên này cũng không được.”
Kính thưa cộng đoàn! Sỡ dĩ giữa anh Ladaro và người giàu có có khoảng cách không thể bước qua được là vì khi còn sống người giàu đã tự đào lấy cái hố sâu ngăn cách ấy bằng lối sống vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau của tha nhân. Thời đại ngày nay nhiều người, chỉ biết sống hưởng thụ, ích kỉ mà không biết quan tâm đến người nghèo, những người bị bỏ rơi đang sống bên cạnh, hoặc ngay trước cửa nhà mình.
Dâng thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết từ bỏ lối sống ích kỷ, hưởng thụ mà chia sẻ với tha nhân. Có như thế chúng ta mới có cơ hội được gặp gỡ các thiên thần và ông Ápraham khi từ giã cõi đời này.
Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm xám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.


NGHỊCH LÝ CỦA NƯỚC TRỜI

Có bao giờ chúng ta chú ý một bài cảm ơn sau các thánh lễ trọng chưa? Nếu chú ý một chút, chúng ta dễ dàng nhận ra các bài cám ơn rất giống nhau. Phần đầu là kính thưa các bậc đáng kính như giám mục, các cha, các thầy…những đấng bậc này thường được giới thiệu rõ ràng, họ tên và chức vụ. Sau khi cám ơn xong rồi mới đến những người khác các thành phần ban bệ, và cuối cùng là những người tầm thường nhất: cộng đoàn.
Cũng vậy, trong cuộc sống, những người giàu, những người nắm quyền lực phần lớn là những người được giới thiệu đầu tiên, được ưu tiên ngồi vào chỗ nhất, được chào đón…
Tuy nhiên, trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe thì lại có một sự đảo ngược hoàn toàn. Ngay trong phần giới thiệu nhân vật, người giàu đã được giới thiệu một cách rất sơ sài, một người giàu chung chung không có tên tuổi. Còn người nghèo rất nhiều lại được giới thiệu rất chi tiết và cụ thể, kể cả tên của người đó - Ladarô.
Xin được dừng lại ở chi tiết này để thấy sự khác biệt giữa giá trị trần thế và giá trị Nước Trời.
Sự khác biệt này nằm ở chỗ kẻ tưởng rằng có lợi thế trong trần gian thì không được gọi tên, còn kẻ hèn mọn lại được gọi tên. Chúa Giêsu đã gọi tên người nghèo, như thế là Người đảo ngược trật tự xã hội thường tình. Ông nọ bà kia đáng được xem là người, còn dân lao động chân tay thì không. Nhưng khi chết, ông Ladarô đã tìm được những người bạn hữu là các thiên thần, tổ phụ Ápraham, hay còn gọi là những người có đức tin. Ngược lại, ông nhà giàu chẳng có bạn bè, chẳng có trạng sư biện hộ cho hoàn cảnh của ông ta, mặc dù ở trần gian ông rất giàu có và quyền lực. Hỏa ngục chính là nỗi cô đơn.
Nguyên nhân do đâu có sự đảo ngược giá trị giữa trần thế và Nước Trời?
Thưa nguyên nhân là do những người giàu tự tạo ra cho mình hố ngăn cách với người khác bằng tiền bạc và quyền lực. Để rồi khi chết đi, chính những thứ đó đó cách ngăn khiến ông xa rời người công chính và xa rời Thiên Chúa. Ông đã không biết sử dụng tiền của để mua lấy Nước Trời mà chỉ yến tiệc linh đình, lụa là gấm vóc. Thậm chí, người nghèo ngay trước cửa mà ông cũng không thấy, bởi ông bị tiền tài danh vọng che hết tầm mắt và che cả lương tâm của ông. Chính vì thế ông trở nên một người có lương tâm chai lỳ trước nỗi đau của người khác, tự che mắt mình bằng quyền lực và của cải. Mà của cải vật chất ở đời này rồi cũng sẽ qua đi khi con người nằm xuống.
Chúng ta đang sống giữa trần thế này, không thể không có của cải vật chất. Nhưng nếu chỉ biết bám vào chúng như người nhà giàu, chẳng khác nào chúng ta cũng đang tự mình đào hố sâu ngăn cách với Thiên Đàng sau khi xuôi tay nhắm mắt.
Người nghèo Ladarô vẫn sống giữa chúng ta, giữa những đống gạch bỏ hoang, những đống rác bẩn thỉu, giữa những công nhân đang sống trong các dãy phòng trọ nhà chúng ta. Họ làm điếm, ăn cướp, …nhưng khi nằm xuống thì họ gặp được những người thương yêu mình, các thiên thần và ông Ápraham chào đón. Không phải là Chúa thiên vị, hay dung túng cho tội nhân, nhưng hơn bao giờ hết, họ là những con người đáng thương, những con người luôn cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính Lòng Thương Xót đi bước trước, xóa sạch mọi lỗi phạm.
Còn chúng ta, chúng ta cố gắng rất nhiều, tuy nhiên chúng ta hay tự ru ngủ mình bằng triết lý được và mất. Tôi làm thứ này cho Chúa thì Chúa phải cho lại tôi thứ khác. Tôi có tiền, có của cải vật chất hoặc đời sống tốt lành thánh thiện thì những thứ đó sẽ là những trạng sư bảo hộ cho tôi trước tòa Chúa. Suy nghĩ như thế là hoàn toàn sai lầm, chúng ta chỉ có một Đấng Bảo Trợ, một Đấng Cứu Độ, một trang sự trước tòa Chúa là Đức Kitô mà thôi. Đức Kitô đã cứu chúng ta bằng cái chết của Người thì mỗi người chúng ta cũng phải biết chết đi để cứu giúp người khác trong đời sống của mình.
Như vậy, những giá trị quyền lực vật chất ở đời này sẽ trái ngược hoàn toàn với đời sau và trở thành hố sâu ngăn cách nếu chúng ta chỉ biết sống ích kỷ vun vén cho bản thân. Hiểu được như thế vậy còn chần chừ gì nữa mà không biết dùng của cải vật chất, quyền lực ở đời này để mua lấy của cải trên thiên đàng, nơi mối mọt không bao giờ đục khoét được bằng lối sống bác ái yêu thương, biết chia sẻ và giúp đỡ tha nhân.
MAPHUC,SSS
Share:

LỄ MÙNG 2 TẾT KÍNH NHỚ TỔ TIÊN ÔNG BÀ CHA MẸ (Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6) THẾ NÀO LÀ CHỮ HIẾU ĐÍCH THỰC?

LỄ MÙNG 2 TẾT
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN ÔNG BÀ CHA MẸ
(Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6)

THẾ NÀO LÀ CHỮ HIẾU
ĐÍCH THỰC?

Nhạc sĩ Trần Tiến có một ca khúc rất hay về Mẹ:Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con. Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ, nhớ ngôi nhà xưa…” Vâng! Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ lớn, lấy vợ lấy chồng, có con có cái, rồi cũng làm cha làm mẹ, rồi cũng sẽ già... nhưng có lẽ kí ức về một thời tuổi thơ, kí ức một thời tối ngủ được gối lên tay cha, chui vào vạt áo mẹ có lẽ sẽ không bao giờ phai nhòa trong tâm trí chúng ta. Để rồi đến một lúc nào đó, trước những va vấp sóng gió của cuộc đời, khi mà không còn ai bên cạnh thì bóng dáng cha mẹ bỗng nhiên ùa về trong ký ức, làm sóng sánh nụ cười, xốn xang lồng ngực.
Mỗi năm, Mẹ Giáo Hội dành ngày mùng 2 Tết để ca tụng các bậc tiền nhân và để nhắc nhớ cho chúng ta phải có bổn phận báo hiếu cho cha mẹ: “Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.” (Hc44,1;10). Rất nhiều người trong chúng ta, hễ nhắc đến cha mẹ lại khiến chúng ta rơi nước mắt. Bởi cha mẹ là một điều gì đó rất cao quý và thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ban tặng. Nhưng thử hỏi được mấy người trong chúng ta có những hành động cụ thể, quyết tâm trong đời sống để báo hiếu cho cha mẹ.
Trong tâm tình của ngày Lễ Kính Nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ hôm nay, xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài: THẾ NÀO LÀ CHỮ HIẾU ĐÍCH THỰC?

Người xưa có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”. Nghĩa là: Trăm cái thiện thì chữ Hiếu đứng đầu. Chữ Hiếu không chỉ là nhân bản con người mà còn là luật Chúa. Nói về chữ Hiếu chúng ta nghĩ nôm na rằng con cái có bổn phận phụng dưỡng và chăm sóc cha mẹ. Nhưng để có thể hiểu tường tận thì ít nhiều chúng ta chưa chú ý lắm. Chữ Hiếu đích thực thể hiện qua hai khía cạnh:
1.   Trước hết: Giáo dục chữ Hiếu
Ngày nay chúng ta thường xuyên nghe báo đài đăng tin nhiều nghịch tử; nhẹ thì từ bỏ, đánh đập cha mẹ; nặng thì giết cha giết mẹ. Khi nghe những chuyện như thế, ai trong chúng ta cũng cảm thấy căm phẩn và lên án đứa con. Tuy nhiên đó chỉ là phần ngọn. Cần phải truy về gốc để xem tại sao ngày nay lại có nhiều người vô ơn với cha mẹ như thế.
Thiết tưởng đó là vì ngày nay cha mẹ thương yêu con không đúng, nuông chiều con quá mức. Chẳng hạn như trong việc bênh vực bảo vệ con cái khỏi bạo hành học đường, nhiều phụ huynh đã bênh vực con cách quá đáng, bất kể con mình đúng hay sai. Nhiều trường hợp, khi các em thiếu nhi đi học Giáo lý, các em còn nhỏ nên hễ các bạn chọc ghẹo là không kiềm chế được nên xảy ra va chạm, đánh nhau. Nhiều phụ huynh bênh con mình, không những đánh lại con người ta mà còn lên làm ùm beng trên văn phòng Huynh trưởng, làm khó dễ các anh chị Huynh trưởng. Nhưng đến khi sự việc được điều tra rõ ràng thì con của mình mới là người có lỗi. Đó là trong môi trường nhà đạo, tại nhà thờ mà nhiều phụ huynh còn như vậy, huống hồ chi ngoài đời. Con cái hư đốn, bất hiếu là vì cha mẹ thương con chưa đúng, nuông chiều con quá mức. Thiết nghĩ kinh nghiệm dạy con của cha ông ta vẫn còn rất thích hợp với ngày nay: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.”
Để con cái biết chữ Hiếu mà sống, cha mẹ cần phải giáo dục chữ Hiếu cho con cái mình qua hai khía cạnh: Giáo dục nhân bản và giáo dục Kitô giáo.
Giáo dục nhân bản:
Theo tự điển Hán Việt: Hiếu có nghĩa là hết lòng thờ cha, kính mẹ, biết ơn cha mẹ đã sinh ra và nuôi nấng con cái. Do vậy, con cái phải có lòng biết ơn cha mẹ, thảo hiếu phụng dưỡng cha mẹ. Hiếu là phạm trù đạo đức của Nho giáo. Vì thế, dưới chế độ phong kiến: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ sử tử vong tử bất vong bất hiếu”. Nghĩa là: Vua khiến tôi chết, tôi không chết là tôi chẳng trung. Cha khiến con chết, mà con không chết là con chẳng hiếu.
Tuy vậy, đó là quan niệm chữ Hiếu ngày xưa, ngày nay, chúng ta không còn đặt nặng chữ Hiếu quá mức như thời phong kiến, nhưng con cái vẫn phải có bổn phận và trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, khi các ngài còn sống và cả khi các ngài đã qua đời. Và để con cái ý thức được chữ Hiếu, cha mẹ phải dạy dỗ con cái, cũng như phải làm gương cho con qua cách sống của mình đối với ông bà. Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó, nếu chúng ta vô ơn, bất hiếu với cha mẹ thì sau này con cháu chúng ta cũng thế.
Giáo dục Kitô giáo: Đối với người Công Giáo, đạo hiếu không chỉ là một bổn phận phải có đối với các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mà còn là đòi hỏi, là lệnh truyền, là giới răn của chính Thiên Chúa. Trong thập giới, Thiên Chúa dành ra giới răn thứ tư để truyền phải giữ, đó là: “Thảo kính cha mẹ”. Giới răn này chỉ đứng sau những giới răn tôn thờ Thiên Chúa. Như vậy, ngoài bổn phận với Thiên Chúa, người Công Giáo phải trung thành tuân giữ lòng hiếu nghĩa với tổ tiên.
        Tóm lại, trước hết để con có hiếu với cha mẹ thì cha mẹ cần biết giáo dục chữ Hiếu cho con, ngay từ khi chúng còn nhỏ. Đó là giáo dục ở khía cạnh nhân bản và giáo dục Kitô giáo.

2.   Thực hành chữ Hiếu
Tin mừng cho chúng ta biết Luật Thiên Chúa đã đặt ra là phải “hiếu thảo với cha mẹ của mình”, nhưng những người Do Thái lại nói: “Những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi”(Mt15,5). Những người Do Thái, đã dùng nghi lễ bề ngoài, để thoái thác một bổn phận căn bản là hiếu kính cha mẹ. Họ đã lấy quy ước của các kinh sư để xóa bỏ đi điều răn của Thiên Chúa. Không có chuyện nhập nhằng giữa việc thờ phượng Thiên Chúa và phụng dưỡng cha mẹ, hoặc thoái thác bổn phận và trách nhiệm đối với cha mẹ. Hiểu về chữ Hiếu là một chuyện, nhưng thực hành chữ Hiếu lại là chuyện khác. Con cái có hiếu với cha mẹ được thể hiện qua việc làm cụ thể:
Trước hết là chia sẻ vật chất: Con cái phải có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ, lo cho cha mẹ, không để các ngài thiếu thốn vật chất. Nhiều người, cứ nghĩ rằng cha mẹ phải cho con chứ con cái không cần cho cha mẹ. Hoặc cho cha mẹ cái gì đó thì kể lể, than vãn...Nhưng thử hỏi cha mẹ cho chúng ta cả cuộc đời mà các ngài có than vãn gì đâu. Vậy mới thấy cha mẹ nuôi con biển trời lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.
Kế đến, phải biết dành nhiều thời giờ cho cha mẹ. Nhiều người, hay biện minh vì công việc, vì ở xa, vì không đủ thời gian nên chẳng mấy khi thăm nom cha mẹ. Thảo kính cha mẹ không phải là chuyện gởi tiền trợ cấp đều đặn hàng tháng, hay cho các ngài những món quà to... nhưng thảo kính cha mẹ còn thể hiện ở chỗ biết về bên các ngài trong những ngày nghỉ, thăm hỏi, chăm sóc, hiện diện, an ủi, đỡ đần và yêu thương. Càng già, càng cảm thấy cô đơi, tủi thân, tâm lý các ngài càng mong muốn có con cháu bên cạnh để hỏi han thưa gửi, để chuyện trò...
3.   Thiên Chúa chúc phúc cho những ai sống trọn chữ Hiếu
Khi hiếu kính với tổ tiên, chúng ta sẽ được Thiên Chúa chúc phúc và tha thứ lỗi lầm, vì: “Ai tôn thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3,3-4). Thánh Phaolô thêm: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3); vì: “Ai vâng lời cha mẹ trong mọi sự sẽ đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20) và sẽ được Thiên Chúa sẽ nhận lời người hiếu nghĩa cầu xin (x. Hc 3,8). Còn với Đức Giêsu, ngài nhắc lại và kèm theo cảnh báo: “Ngươi hãy thờ kính cha mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).

Nói tóm lại, chữ Hiếu đích thực cần được thể hiện ở hai khía cạnh. Đó là giáo dục chữ Hiếu và thực hành chữ Hiếu. Con cái không tự nhiên biết hiếu thảo với cha mẹ mà chúng cần phải được giáo dục ngay từ nhỏ, mang ơn thì biết trả ơn, biết đền tạ công ơn cha mẹ. Khi sống trọn chữ Hiếu, không những ta chu toàn bổn phận và trách nhiệm với cha mẹ nhưng con được Thiên Chúa ban thưởng và chúc phúc cho chúng ta.

Những ngày đầu năm mới này, không khí tết trở nên chộn rộn khắp mọi nơi, người người, nhà nhà đang đón mùa xuân mới. Đêm giao thừa, cả gia đình cùng nhau đi lễ, sáng mùng 1, sau thánh lễ rạng đông, con cháu cùng quy tụ đông đủ để cùng nhau chúc tuổi ông bà, cha mẹ. Thế nhưng, nhiều gia đình sẽ buồn lắm bởi chẳng còn thấy bóng dáng của ông bà, cha mẹ ngồi đấy, quây quần bên con cháu. Chỉ còn lại tấm ảnh trên bàn thờ với ba nén hương trầm như chứng kiến tất cả những buồn vui của con cháu. Vâng! Thưa cộng đoàn, đừng đợi đến khi ông bà, cha mẹ qua đời rồi chúng ta mới báo hiếu. Hãy yêu thương, chăm sóc và ở bên ngay khi các ngài còn sống với chúng ta bởi:mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi. Mồ côi tội lắm ai ơi, đói cơm khát nước biết người nào lo.”


MA.PHUC,SSS
Share:

TÂM TÌNH NGÀY CUỐI NĂM (Lc 9,22-25)


TÂM TÌNH NGÀY CUỐI NĂM
(Lc 9,22-25)

Người ta thường hay nói “30 chưa phải là tết”, nghĩa là đừng mất hy vọng bỏ qua điều gì đó, nếu vẫn còn chút thời gian để thực hiện. Hôm nay là 30 tết, ắt hẳn chúng ta có rất nhiều việc để làm, để chuẩn bị chào đón một năm mới. Vẫn còn hy vọng mình sẽ hoàn tất những dự tính trong năm qua, để chào đón năm mới.
Tuy vậy, cuộc sống hiện tại gánh nặng tiền bạc có lẽ là gánh nặng luôn đeo bám chúng ta. Cả một năm làm quần quật, chỉ hy vọng được nghỉ ba ngày tết, ấy vậy mà nhiều gia đình, nhất là những gia đình nghèo sợ nhất là tết, đặc biệt là ngày 30 tết. Vì đó là ngày chủ nở đi đòi, dù gì đi nữa thì cũng không để nợ sáng năm mới. Thế nên vì cuối năm mà cũng không kiếm đâu ra tiền, nhiều người ngày 30 phải trốn chui trốn nhũi.
Ai trong chúng ta cũng mang lấy những gánh nặng, mà chúng ta hay gọi là thánh giá phải mang vác. Đó không chỉ là thánh giá của chén cơm manh áo tiền bạc, nhưng còn là thánh giá của các tương quan ông bà, cha mẹ con cái, thánh giá của tuổi tác, bệnh hoạn tật nguyền...Cuộc sống vất vả, thánh giá thì nặng nên chúng ta luôn cảm thấy mệt mỏi. Chỉ mong được nghi ngơi mấy ngày tết. Ấy vậy mà nhiều người, nhiều gia đình tết cũng không được nghỉ, cũng phải quần quật làm việc.
Nguyên nhân do đâu mà con người phải mang vác những thánh giá nặng như thế trong đời sống?
Thưa! Nguyên nhân khởi thủy là do nguyên tổ của chúng ta vì kiêu ngạo và bất tuân đã cắt đứt con đường nối con người với Thiên Chúa, con đường nối dương gian với quê trời. Hậu quả của tội đã tạo nên một hố sâu lớn khiến cho không ai từ bên nhân loại có thể qua với Thiên Chúa được nữa.
Nếu nói như thế, chẳng khác nào chúng ta đổi lỗi cho nguyên tổ. Thật vậy, chính chúng ta cũng là người gây là những cây thánh giá nặng cho chính mình hoặc cho người khác. Qua việc chúng ta sống thiếu trách nhiệm, thiếu bổn phận hoặc sa đọa lừa lọc, tội lỗi, để cho sự dữ lan tràn, để cái chết làm chủ.
Tuy vậy, chúng ta không tuyệt vọng, chúng ta không phải vác thánh giá một mình. Đức Giêsu đã đến, cùng với chúng ta vác thập giá. Thật vậy, Chúa Giêsu đã đến bắc cây cầu qua cái hố sâu tội lỗi ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người, đó là thập giá làm bằng sự khiêm nhường và vâng phục. Để từ đây, con người muốn qua gặp gỡ Thiên Chúa, muốn vào Nước Trời thì phải đi trên cây cầu thập giá này, bởi: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”
Chúa Giêsu không những đã nói mà còn đi bước trước trong con đường thập giá đó. Tin Mừng hôm nay đưa ra cho chúng ta từng bước trên con đường thập giá mà đạt đến ơn cứu độ bằng việc: Từ bỏ và vác thập giá theo chân Chúa Giêsu.

1.   Từ bỏ chính mình
Làm sao chúng ta có thể theo Chúa được khi mà chúng ta vướng bận quá nhiều thứ. Từ những thứ bên ngoài như của cải vật chất, đến những cái bên trong như kiến thức, kinh nghiệm sống...
Bỏ những thứ trên đã khó, Chúa muốn chúng ta từ bỏ cách triệt để là bỏ chính mình. Tức là bỏ đi cái tôi của mình. Cái tôi chính là cá tính của mỗi người, vốn dễ kiêu ngạo muốn trên mọi người, muốn thể hiện chính mình, muốn người khác theo ý mình; chứ không dễ gì khiêm tốn và phục vụ tha nhân. Nhưng đó lại là điều kiện của “thập giá”, bởi thập giá được làm bằng chất liệu khiêm tốn và phục vụ.

2.   Kế đến, Chúa mời chúng ta vác thập giá mình mà theo Chúa.
Chúa bảo chúng ta vác thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa.
Con đường theo Chúa, đời sống đạo cần một sự dấn thân, phải vác lấy thập giá, Thập giá đó là những khó khăn, những trái ý nghịch lòng… Thập giá đó là việc tuân giữ lề luật Chúa…
        Như vậy, Chúa không nói sẽ cất thập giá của chúng ta nhưng Chúa mời gọi chúng ta từ bỏ chình mình vác thập giá mình theo Chúa. Chắc chắn Chúa sẽ bồi bổ, ban ơn để chúng ta có đủ sức vác thập giá mình vì ách của tôi thì êm ái và gánh của tôi nhẹ nhàng. Nếu chúng ta làm được như thế thì chúng ta đã sống đúng với Lời của Chúa Giêsu: “Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có ích lợi gì” (Lc 9,25). Bởi, dù đời này có lên đến đỉnh quyền lực hay tỉ phú sang giàu, thì cũng chỉ là số 0 tròn trĩnh khi về với nấm mộ và linh hồn ra trước toà Thiên Chúa.
        Tết đã gần kề, ai trong chúng ta cũng mong muốn bản thân mình và gia đình có một mùa xuân bình an hạnh phúc. Tuy vậy, bình an và hạnh phúc không có nghĩa là không có thánh giá. Chúng ta chỉ có bình an và hạnh phúc thật sự khi mỗi người biết từ bỏ chính mình vác thập giá theo Chúa. Vì không có mùa xuân nào đến mà không phải trải qua mùa đông giá lạnh, không có vinh quang hạnh phúc nào không trải qua thập giá của khổ đau. Amen

MA.PHUC,SSS


Share:

Truyện ngắn CHO THÌ CÓ PHÚC HƠN NHẬN

Truyện ngắn

CHO THÌ CÓ PHÚC HƠN NHẬN

Sáng xuống nhà cơm, nhìn lên bảng thông tin, thấy hàng chữ to đùng của Cha Bề Trên: “Quý cha nhận được quà Tết, xin gom lại cho cha quản lý để giúp người nghèo”. Hắn gật gù, rồi tự nhủ với lòng mình rằng cần phải chia sẻ nhiều hơn với người nghèo. Tuy không có gì lớn lao, nhưng một hộp sữa, cặp bánh tét…cũng đủ mang tết đến với người nghèo.

***

Từ ngày đi tu, hắn luôn được dạy phải biết chia sẻ với người nghèo, chăm lo cho người nghèo. Và với hắn, mỗi khi có cơ hội được làm bác ái là hắn phấn khởi tích cực tham gia cách nồng nhiệt. Nào là bác ái Mùa Chay, chia sẻ Mùa vọng…nào là bữa cơm cho người nghèo, quà Tết cho người cơ nhỡ vào dịp cuối năm…lần nào cũng vậy, sau mỗi chuyến đi từ thiện, hắn thấy mình thật hạnh phúc vì hắn có cơ hội để sống tốt với lời Chúa dạy.

***

Sau mỗi chuyến bác ái, các cha đều đưa ra những nhận xét, góp ý để lần sau làm được tốt hơn. Nhất là để tránh những trường hợp lợi dụng lòng tốt để lừa lọc. Thật vậy, theo các cha cho biết, nhiều kẻ đã lợi dụng lòng tốt của các cha xứ lừa lọc để xin tiền, trục lợi. Và cứ sau mỗi chuyến công tác bác ái, các cha đều cảnh báo hắn rằng phải hết sức đề phòng, tránh không để mắc bẫy của những kẻ giả làm ăn xin.
Hắn một lòng khắc cốt ghi tâm. Không để cho lòng tốt của mình bị lợi dụng.

***

Ở cái giáo xứ này, ai mà chẳng biết bà cụ bán vé số ấy. Không ai biết tên bà. Bà được người ta chú ý bởi bà có vẻ ngoài khác thường. Bà thường xuyên đi lễ trễ. Đợi đến khi cha ra rồi bà mới lụ khụ bước vào. Lúc nào cũng thế, trên tay cầm một cây gậy bằng tầm vông dài quá đầu người, cái áo khoác bà bạc màu chùm lên đầu, choàng quanh đầu là một tràng chuỗi Mân Côi. Có một điểm nổi bật khác là hễ khi bà Rước Lễ xong là quỳ ngay lối đi, mặc kệ có cản trở người khác lên xuống khi rước lễ.

***

Bữa trước hắn ra sân nhà thờ phụ với mấy bạn Huynh trưởng chuẩn bị Hội chợ Xuân, thấy bà đang ngồi khóc. Hắn động lòng lại hỏi. Bà vừa khóc vừa xin: “thầy có ít tiền cho bà để về quê.” Tự nhiên bao nhiêu lời cảnh báo của các cha trỗi dậy, hắn trả lời như cái máy đã được thu âm sẵn: “Con không có tiền, bà vào xin cha quản lý nhé!” Rồi hắn bỏ lại bà ngồi đó, tiếp tục phụ giúp công việc chuẩn bị cho hội chợ Xuân.

***

Những ngày cuối năm, khi mà không khí tết trở nên chộn rộn trải dài từng góc phố, bao phủ từng mái nhà, thì cũng là lúc nhà nhà, người người tất bật lo mua sắm tết, chuẩn bị trang trí nhà cửa. Không khí tết dường như bao chùm lên từng ánh mắt nụ cười của người người. Không khí tết ấy cũng tràn lan trong khoảng không vắng lặng của nhà Dòng. Những ngày trong năm có vẻ im lìm thế, nhưng cuối năm lại ăm ắp tiếng nói cười, người ra kẻ vào. Nhà Dòng cũng bận bịu, tất bật với những chương trình từ thiện viếng thăm người nghèo. Nào là chương trình Bánh Chưng Cho Người Nghèo, hay Áo Mới Cho Em…
Hắn mới ra trường cũng hăng hái không kém để rồi cũng bị lôi vào những bận bịu với công việc bác ái. Xem ra cũng thích lắm. Thì ý nghĩa vì mình biết chia cơm sẻ áo cho người nghèo. Ý nghĩa vì mình biết làm việc từ thiện.

***

29 Tết. Tiết trời se lạnh. Hắn bận rộn trang trí phòng khách. Cắm hoa nhà nguyện chuẩn bị đón tết. Đang tất bật với việc, tranh thủ làm xong cho sớm, hắn ngước lên, thấy bà già hôm nọ chống gậy từ xa đi tới. Hắn nghĩ bụng sẽ vào lấy tiền cho bà chút ít, chắc bà đến để xin tiền về quê.
Vừa thấy hắn, chưa để hắn nói bà đã lên tiếng, giọng run run:
-        Con có chút ít quà biếu các cha ăn tết!
-        Dạ! con cám ơn bà, con đang dở tay, bà mang vô phòng khách dùm con nhé.
Rồi hắn lại tiếp tục công việc. Quên mất bà cụ, quên luôn việc vào phòng lấy tiền để biếu bà.

***
Chiều tối 29 tết. Hắn vào phòng khách, thấy một túi ni lông màu đen để trên bàn. Chợt nhớ đến bà cụ, hắn mở túi ra xem, chỉ có một hộp Vina Café đã bị bóc, 4 cây xúc xích. Hắn nhìn gói quà mà chết lặng. Lòng bỗng ân hận vì đã không giúp gì cho bà cụ. Trước giờ, những tưởng hắn chỉ biết cho và cho, hắn thấy mình vĩ đại. Giờ cầm món quà của bà cụ trên tay, mới thấy tất cả những gì hắn đã làm bấy lâu chỉ là rơm là rác so với món quà của bà cụ. Món quà tuy nhỏ bé tầm thường, nhưng đó là tất cả những gì bà có để biếu các cha, các thầy. Giờ hắn mới hiểu được câu nói: “Cho là có phúc hơn nhận!”.

***
Hắn tự nhủ để qua năm, khi bà cụ quay lại hắn sẽ biếu bà ít tiền. Không phải để làm bác ái mà cám ơn bà đã dạy cho hắn một bài học. Tuy vậy, Tết đã qua, lại một mùa Xuân mới đã đến, hắn đã trở thành linh mục…nhưng kể từ chiều 29 tết năm đó, hắn không bao giờ còn gặp bà cụ nữa.

MA.PHUC,SSS
Share:

Chúa nhật I MC – B – TN St 9,8-15; 1Pr 3,18-22; Mc 1,12-15 LỜI CẢNH BÁO!

Chúa nhật I MC – B – TN
St 9,8-15; 1Pr 3,18-22; Mc 1,12-15

LỜI CẢNH BÁO!

Lời dẫn đầu lễ
        Kính thưa cộng đoàn và các con thiếu nhi thân mến! Hôm nay là Chúa nhật thứ I Mùa Chay. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta chú ý và thực hiện những lời cảnh báo của Chúa. Trước một thế giới tràn ngập sự dữ, giết chóc, tội lỗi, bệnh hoạn tật nguyền, và sự chết lan tràn. Chúa cảnh báo chúng ta: “Thời kỳ đã mãn, triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng.”
Dâng Thánh lễ này, chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho các con thiếu nhi biết nghe những lời cảnh báo của người lớn để không phạm sai lầm và nhất là biết nghe lời cảnh báo của Chúa để không rơi vào cạm bẫy của ma quỷ.
Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm Thánh.



Chia sẻ Lời Chúa

Kính thưa cộng đoàn, cha chào các con thiếu nhi!
Trong cuộc sống chúng ta có rất nhiều biển báo. Ví dụ khi ra đường, gần ngay các cột điện hay có biển báo ái đầu sọ với hai đường gạch chéo và ở dưới có chữ cấm trèo, chúng con có đến gần không? – thưa là không, và chúng ta không được trèo lên cột điện, vì trèo lên chúng ta sẽ bị điện giật chết.
Hoặc gần mấy cái ao, hồ, có biển báo hồ sau nguy hiểm, cấm bơi lội. Chúng ta có được bơi không?  - Thưa là không, vì hồ sâu, nguy hiểm, bơi là chết đuối. Cha thấy trong báo hay đăng nhiều bạn học sinh, trưa nắng rủ nhau ra hồ bơi, mặc dù đã có biển báo cấm bơi lội nhưng các bạn ấy vẫn có tình bơi, và vì hồ sâu nên có bạn bị chuột rút, đuối nước. Các bạn khác thấy vậy nhảy xuống cứu, nhưng có cứu được không? Vì hồ sâu, nên không những không cứu được mà cả 3,4 bạn đều bị chết đuối.
Hay cụ thể hơn, thiếu nhi có đi Vũng Tàu chưa? Chắc chắn là có nhiều bạn đã đi Vũng Tàu rồi. Khi tắm biển chúng ta thường hay thấy người ta cắm cờ đen. Để làm gì? – thưa là để cảnh báo cho du khách biết chỗ đó sóng to, nguy hiểm, không bơi lại gần, nếu chúng ta bơi lại sẽ bị nước cuốn trôi, chết đuối.
Hoặc trong đời sống hằng ngày, cha mẹ thường cảnh báo trước chúng ta. Cha mẹ nói con không được chơi dao, vì chơi dao sẽ đứt tay, nhưng nếu các con cứ cố chơi, thì sẽ bị đứt tay chảy máu. Hoăc cha mẹ đi đâu đó, nói chúng ta ở nhà không được nghịch phá, xong chúng ta không nghe lời, cuối cùng cha mẹ về chúng ta bị ăn một trần đòn.
Các con thiếu nhi thân mến! Trong cuộc sống chúng ta có rất nhiều biển báo hoặc lời cảnh tỉnh để chúng ta chú ý không phạm vào. Nếu chúng ta phạm vào thì sẽ bị nguy hiểm. Trong đời sống đạo cũng thế, Thiên Chúa luôn cảnh tỉnh chúng ta, nếu không nghe tai họa sẽ ập xuống chúng ta. Chẳng hạn như bài đọc 1 trích sách Sáng thế cho chúng ta biết điều đó. Lúc bấy giờ loài người ăn chơi sa đọa, phạm biết bao nhiêu tội lỗi. Chúa đã cảnh báo là phải ăn năn thống hối, không là Chúa sẽ cho lụt đại hồng thủy tiêu diệt hết. Nhưng có ai nghe lời Chúa không? – không ai nghe và tin vào Lời Chúa. Chỉ có gia đình ông Nôe mới nghe thôi.
Gia đình ông Nôe nghe Lời Chúa, ăn năn thống hối và làm một con tàu thật to, ông mang lên tàu mọi động vật. Thế là nước lũ đột ngột ập đến như lời Chúa đã cảnh báo. Mọi người vì không nghe lời cảnh báo nên đã chết hết, bị nước lụt cuốn trôi.
Trong suốt dòng lịch sử của Dân Do thái không biết bao nhiêu lần Chúa cảnh báo dân ăn năn thống hối nếu không sẽ bị trừng phạt. Lúc đầu Thiên Chúa sai các ngôn sứ của Ngài, nhưng đến thời sau hết, chính Con Thiên Chúa, xuống thế làm người cảnh báo dân. Thật vậy, Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cảnh báo mỗi người chúng ta: “Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng.” (Mc 1,15).
Chúa mời gọi cũng như cảnh tỉnh chúng ta cần phải biết sám hối và tin vào Tin Mừng nếu như không muốn mình phải hư mất và chết đời đời. Thật vậy, nhiều lần trong Cựu ước Chúa đã cảnh tỉnh dân Chúa phải biết ăn năn sám hối. Tuy vậy, dân Chúa đã không nghe lời nên bị lưu đầy sang Ai Cập và Babilon. Nhưng mỗi khi dân thống hối ăn năn thì Chúa lại cứu chữa.
Lời cảnh tỉnh của Chúa, lời mời gọi ăn năn thống hối của Chúa vẫn còn phù hợp với chúng ta ngày nay. Mùa chay là mùa Chúa mời gọi cảnh tỉnh chúng ta trở về đường ngay nẻo chính. Từ bỏ những tội lỗi và đam mê bất chính quay trở về với Thiên Chúa. Các con thiếu nhi cũng được mời gọi sống ngoan hơn và biết vâng lời người lớn. Chúa cũng cảnh báo các con thiếu nhi qua lời dạy của người lớn đó là ông bà cha mẹ, là các cha, các xơ, các thầy cô và các anh chị huynh trưởng. Nếu các con không biết vâng lời dạy dỗ, khuyên nhủ của người lớn, chắc chắn các con sẽ rơi vào cạm bẫy của ma quỷ, phạm tội. Và như thế, các con sẽ chết đời đời, không được cứu chữa.
Tóm lại, qua tin mừng Chúa nhất I Mùa Chay hôm nay, Đức Giêsu cảnh báo mỗi người chúng ta phải biết ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng. Có ăn năn thống hối và quay trở về với Chúa chúng ta mới được Chúa cứu chữa và cho vào hường hạnh phúc thiên đàng. Còn không chịu sám hối chúng ta sẽ nhận lấy án phạt là xa Chúa, mãi mãi phải đau khổ và trầm luân trong đau khổ.
Hôm nay còn là mùng 3 Tết, Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm. Các con thiếu nhi cũng cầu nguyện cho ba mẹ các con sang năm mới công việc làm ăn được thuận buồn xuôi gió, có công ăn việc làm ổn định. Để có tiền nuôi chúng con là lo cho chúng con ăn học. Cầu chúc cho các con có một năm mới, tuổi mới luôn biết noi gương Hài Nhi Giêsu càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và trước mặt mọi người.

 MA.PHUC,SSS
Share:

Thứ Tư Lễ Tro – TN Ge 2,12-18; 2Cr 5,20-6,2; Mt 6,1-6.16-18 TÂM TÌNH SÁM HỐI ĐÍCH THỰC

Thứ Tư Lễ Tro – TN
Ge 2,12-18; 2Cr 5,20-6,2; Mt 6,1-6.16-18

TÂM TÌNH SÁM HỐI ĐÍCH THỰC

Lời dẫn đầu lễ
        Kính thưa cộng đoàn và các con thiếu nhi thân mến! Hôm nay chúng ta bước vào thứ Tư lễ Tro, bắt đầu Mùa Chay. Tâm tình của mùa Chay chính là mùa của sám hối, quay trở về với Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.
        Với việc xức tro lên đầu, chúng ta biểu lộ tâm hồn thành tâm ăn năn thống hối sau khi đã trót phạm tội. Thật vậy, tro bụi gắn liền với tội lỗi đã phạm, người Do Thái có thói quen rắc tro lên đầu để biểu hiện con người tội lỗi cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Tội lỗi ngập tràn như tro lấm lem dính đầy trên con người. Con người đôi khi trộn lẫn tro bụi vào thực phẩm mình dùng để xin lòng thương xót hoặc dường như để đánh các tội mình đã phạm (Tv 102, 10)
        Để của lễ của chúng ta được đẹp lòng Thiên Chúa, giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối lỗi lầm.

Bài giảng
Xin kính chào cộng đoàn, và Cha chào các con thiếu nhi!
Hôm nay chúng ta bước vào thứ Tư Lễ Tro, bắt đầu Mùa Chay. Các con có biết Mùa Chay kéo dài bao nhiêu ngày không?  - Mùa Chay kéo dài bốn mươi đêm ngày
Tính từ khi nào?  - Tính từ Lễ Tro tới Lễ Lá.
Trong suốt quãng thời gian đó chúng ta được chuẩn bị tâm hồn hầu sốt sắng đón mừng đại lễ Phục Sinh. Việc chuẩn bị ấy có phần nào tái hiện ại đời sống Dân Chúa khi vượt qua sa mạc trong bốn mươi năm tiến về Đất hứa. Sa mạc là nơi hoang vu khô cằn cùng với biết bao hiểm nguy chờ chực, nào chiến tranh với các bộ tộc bản địa, nào là thời tiết khắc nghiệt, nào đói khát, rắn độc thú dữ v.v. đến nỗi dân tình đã phải kêu trách và muốn quay lui về đất nô lệ Ai Cập.
Nói đến Mùa Chay người ta cứ nghĩ đến việc ăn chay. Tuy vậy, Mùa Chay gồm có 3 việc: Bố thí, cầu nguyện và ăn chay.
1.   Bố thí:
Bố thí hay còn gọi là làm bác ái. Nghĩa là chúng ta phải biết chia sẻ, giúp đỡ người khác cách âm thầm, không khoe khoang. Chúa nói khi bố thí thì đừng cho tay trái biết việc tay phải làm.
Các con thiếu nhi cũng thế, tuy các con chưa làm ra tiền nhưng các con phải có tinh thần  biết chia sẻ cho người khác. Qua việc các con có thể cho người nghèo, bạn bè. Hoặc các con biết để dành tiền, tự mua thứ gì đó thay vì phải xin cha mẹ. Nếu chúng con làm được như vậy là chúng con sống tốt khía cạnh bác ái của Mùa Chay.
2.   Cầu nguyện
Mùa Chay không chỉ có làm bác ái nhưng còn là thời gian tốt để cầu nguyện. Tinh thần của cầu nguyện là cách âm thầm, nhẹ nhàng, không khoe khoang, không ồn ào.
Các con thiếu nhi phải biết cầu nguyện nhiều hơn trong Mùa Chay, qua việc siêng năng đọc kinh lần hạt, siêng năng và tự giác đi lễ và học giáo lý không cần cha mẹ nhắc nhở. Nếu các con làm được như vậy là các con sống tốt khía cạnh thứ 2 của Mùa Chay. Đó là cầu nguyện.
3.   Ăn chay
Mùa Chay được nổi bật qua việc ăn chay. Tuy vậy, ngày nay Giáo hội chỉ buộc chúng ta ăn chay có 2 ngày là thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh. Chay không chỉ là ăn chay mà còn là kiêng bớt, hy sinh hãm mình.
Các con thiếu nhi tuy chưa buộc phải ăn chay như người lớn nhưng các con có thể chay bằng cách kiêng bớt, giảm bớt các chi tiêu, hoặc giảm chơi game, giảm đi chơi, hoặc bớt xin tiền của bố mẹ đi, chỉ xin những gì cần thiết ...chỉ cần các con làm được những việc đó là các con đang ăn chay rồi.
4.   Xức tro
Ngoài ra, khởi đầu Mùa Chay còn được nổi bật với việc xức tro lên đầu. Như cha nói ở đầu lễ “tro” đã mang hai ý nghĩa nhắc nhớ con người phải biết sống như thế nào. Thứ nhất, “tro” tượng trưng cho “sự thống hối ăn năn” và thứ hai, cho “đời sống khiêm nhường.” Do vậy, lát nữa đây, khi các con lên xức tro lên đầu là các con nhớ mình phải biết khiêm nhường trước Thiên Chúa, chấp nhận thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình. Kế đến, các con phải ăn năn thống hối về những lỗi tội mà các con xúc phạm đến Chúa qua việc làm buồn lòng người lớn ông bà cha mẹ, quý cha, quý xơ và các anh chị huynh trưởng. Từ đó quyết tâm phải biết sống ngoan ngoãn hơn.

Nói tóm lại, Mùa Chay, qua việc xức tro, các con ý thức mình chỉ là tro bụi, là con người yếu hèn tội lỗi. Qua đó, các con biết sống mùa Chay cách trọn vẹn qua 3 việc: làm bác ái, cầu nguyện, và ăn chay. Cầu chúc cho các con biết hy sinh hãm mình, siêng năng cầu nguyện và có một Mùa Chay sốt sắng đẹp lòng Chúa và đẹp lòng mọi người.

 MA.PHUC,SSS
Share:

LỄ MÙNG 2 TẾT KÍNH NHỚ TỔ TIÊN ÔNG BÀ CHA MẸ (Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6) THẾ NÀO LÀ CHỮ HIẾU ĐÍCH THỰC?

LỄ MÙNG 2 TẾT
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN ÔNG BÀ CHA MẸ
(Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6)

THẾ NÀO LÀ CHỮ HIẾU ĐÍCH THỰC?

Nhạc sĩ Trần Tiến có một ca khúc rất hay về Mẹ: Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con. Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ, nhớ ngôi nhà xưa…” Vâng! Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ lớn, lấy vợ lấy chồng, có con có cái, rồi cũng làm cha làm mẹ, rồi cũng sẽ già... nhưng có lẽ kí ức về một thời tuổi thơ, kí ức một thời tối ngủ được gối lên tay cha, chui vào vạt áo mẹ có lẽ sẽ không bao giờ phai nhòa trong tâm trí chúng ta. Để rồi đến một lúc nào đó, trước những va vấp sóng gió của cuộc đời, khi mà không còn ai bên cạnh thì bóng dáng cha mẹ bỗng nhiên ùa về trong ký ức, làm sóng sánh nụ cười, xốn xang lồng ngực.
Mỗi năm, Mẹ Giáo Hội dành ngày mùng 2 Tết để ca tụng các bậc tiền nhân và để nhắc nhớ cho chúng ta phải có bổn phận báo hiếu cho cha mẹ: “Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.” (Hc44,1;10). Rất nhiều người trong chúng ta, hễ nhắc đến cha mẹ lại khiến chúng ta rơi nước mắt. Bởi cha mẹ là một điều gì đó rất cao quý và thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ban tặng. Nhưng thử hỏi được mấy người trong chúng ta có những hành động cụ thể, quyết tâm trong đời sống để báo hiếu cho cha mẹ.
Trong tâm tình của ngày Lễ Kính Nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ hôm nay, xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài: THẾ NÀO LÀ CHỮ HIẾU ĐÍCH THỰC?

Người xưa có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”. Nghĩa là: Trăm cái thiện thì chữ Hiếu đứng đầu. Chữ Hiếu không chỉ là nhân bản con người mà còn là luật Chúa. Nói về chữ Hiếu chúng ta nghĩ nôm na rằng con cái có bổn phận phụng dưỡng và chăm sóc cha mẹ. Nhưng để có thể hiểu tường tận thì ít nhiều chúng ta chưa chú ý lắm. Chữ Hiếu đích thực thể hiện qua hai khía cạnh:
1.   Trước hết: Giáo dục chữ Hiếu
Ngày nay chúng ta thường xuyên nghe báo đài đăng tin nhiều nghịch tử; nhẹ thì từ bỏ, đánh đập cha mẹ; nặng thì giết cha giết mẹ. Khi nghe những chuyện như thế, ai trong chúng ta cũng cảm thấy căm phẩn và lên án đứa con. Tuy nhiên đó chỉ là phần ngọn. Cần phải truy về gốc để xem tại sao ngày nay lại có nhiều người vô ơn với cha mẹ như thế.
Thiết tưởng đó là vì ngày nay cha mẹ thương yêu con không đúng, nuông chiều con quá mức. Chẳng hạn như trong việc bênh vực bảo vệ con cái khỏi bạo hành học đường, nhiều phụ huynh đã bênh vực con cách quá đáng, bất kể con mình đúng hay sai. Nhiều trường hợp, khi các em thiếu nhi đi học Giáo lý, các em còn nhỏ nên hễ các bạn chọc ghẹo là không kiềm chế được nên xảy ra va chạm, đánh nhau. Nhiều phụ huynh bênh con mình, không những đánh lại con người ta mà còn lên làm ùm beng trên văn phòng Huynh trưởng, làm khó dễ các anh chị Huynh trưởng. Nhưng đến khi sự việc được điều tra rõ ràng thì con của mình mới là người có lỗi. Đó là trong môi trường nhà đạo, tại nhà thờ mà nhiều phụ huynh còn như vậy, huống hồ chi ngoài đời. Con cái hư đốn, bất hiếu là vì cha mẹ thương con chưa đúng, nuông chiều con quá mức. Thiết nghĩ kinh nghiệm dạy con của cha ông ta vẫn còn rất thích hợp với ngày nay: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.”
Để con cái biết chữ Hiếu mà sống, cha mẹ cần phải giáo dục chữ Hiếu cho con cái mình qua hai khía cạnh: Giáo dục nhân bản và giáo dục Kitô giáo.
Giáo dục nhân bản:
Theo tự điển Hán Việt: Hiếu có nghĩa là hết lòng thờ cha, kính mẹ, biết ơn cha mẹ đã sinh ra và nuôi nấng con cái. Do vậy, con cái phải có lòng biết ơn cha mẹ, thảo hiếu phụng dưỡng cha mẹ. Hiếu là phạm trù đạo đức của Nho giáo. Vì thế, dưới chế độ phong kiến: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ sử tử vong tử bất vong bất hiếu”. Nghĩa là: Vua khiến tôi chết, tôi không chết là tôi chẳng trung. Cha khiến con chết, mà con không chết là con chẳng hiếu.
Tuy vậy, đó là quan niệm chữ Hiếu ngày xưa, ngày nay, chúng ta không còn đặt nặng chữ Hiếu quá mức như thời phong kiến, nhưng con cái vẫn phải có bổn phận và trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, khi các ngài còn sống và cả khi các ngài đã qua đời. Và để con cái ý thức được chữ Hiếu, cha mẹ phải dạy dỗ con cái, cũng như phải làm gương cho con qua cách sống của mình đối với ông bà. Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó, nếu chúng ta vô ơn, bất hiếu với cha mẹ thì sau này con cháu chúng ta cũng thế.
Giáo dục Kitô giáo: Đối với người Công Giáo, đạo hiếu không chỉ là một bổn phận phải có đối với các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mà còn là đòi hỏi, là lệnh truyền, là giới răn của chính Thiên Chúa. Trong thập giới, Thiên Chúa dành ra giới răn thứ tư để truyền phải giữ, đó là: “Thảo kính cha mẹ”. Giới răn này chỉ đứng sau những giới răn tôn thờ Thiên Chúa. Như vậy, ngoài bổn phận với Thiên Chúa, người Công Giáo phải trung thành tuân giữ lòng hiếu nghĩa với tổ tiên.
        Tóm lại, trước hết để con có hiếu với cha mẹ thì cha mẹ cần biết giáo dục chữ Hiếu cho con, ngay từ khi chúng còn nhỏ. Đó là giáo dục ở khía cạnh nhân bản và giáo dục Kitô giáo.

2.   Thực hành chữ Hiếu
Tin mừng cho chúng ta biết Luật Thiên Chúa đã đặt ra là phải “hiếu thảo với cha mẹ của mình”, nhưng những người Do Thái lại nói: “Những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi”(Mt15,5). Những người Do Thái, đã dùng nghi lễ bề ngoài, để thoái thác một bổn phận căn bản là hiếu kính cha mẹ. Họ đã lấy quy ước của các kinh sư để xóa bỏ đi điều răn của Thiên Chúa. Không có chuyện nhập nhằng giữa việc thờ phượng Thiên Chúa và phụng dưỡng cha mẹ, hoặc thoái thác bổn phận và trách nhiệm đối với cha mẹ. Hiểu về chữ Hiếu là một chuyện, nhưng thực hành chữ Hiếu lại là chuyện khác. Con cái có hiếu với cha mẹ được thể hiện qua việc làm cụ thể:
Trước hết là chia sẻ vật chất: Con cái phải có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ, lo cho cha mẹ, không để các ngài thiếu thốn vật chất. Nhiều người, cứ nghĩ rằng cha mẹ phải cho con chứ con cái không cần cho cha mẹ. Hoặc cho cha mẹ cái gì đó thì kể lể, than vãn...Nhưng thử hỏi cha mẹ cho chúng ta cả cuộc đời mà các ngài có than vãn gì đâu. Vậy mới thấy cha mẹ nuôi con biển trời lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.
Kế đến, phải biết dành nhiều thời giờ cho cha mẹ. Nhiều người, hay biện minh vì công việc, vì ở xa, vì không đủ thời gian nên chẳng mấy khi thăm nom cha mẹ. Thảo kính cha mẹ không phải là chuyện gởi tiền trợ cấp đều đặn hàng tháng, hay cho các ngài những món quà to... nhưng thảo kính cha mẹ còn thể hiện ở chỗ biết về bên các ngài trong những ngày nghỉ, thăm hỏi, chăm sóc, hiện diện, an ủi, đỡ đần và yêu thương. Càng già, càng cảm thấy cô đơi, tủi thân, tâm lý các ngài càng mong muốn có con cháu bên cạnh để hỏi han thưa gửi, để chuyện trò...
3.   Thiên Chúa chúc phúc cho những ai sống trọn chữ Hiếu
Khi hiếu kính với tổ tiên, chúng ta sẽ được Thiên Chúa chúc phúc và tha thứ lỗi lầm, vì: “Ai tôn thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3,3-4). Thánh Phaolô thêm: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3); vì: “Ai vâng lời cha mẹ trong mọi sự sẽ đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20) và sẽ được Thiên Chúa sẽ nhận lời người hiếu nghĩa cầu xin (x. Hc 3,8). Còn với Đức Giêsu, ngài nhắc lại và kèm theo cảnh báo: “Ngươi hãy thờ kính cha mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).

Nói tóm lại, chữ Hiếu đích thực cần được thể hiện ở hai khía cạnh. Đó là giáo dục chữ Hiếu và thực hành chữ Hiếu. Con cái không tự nhiên biết hiếu thảo với cha mẹ mà chúng cần phải được giáo dục ngay từ nhỏ, mang ơn thì biết trả ơn, biết đền tạ công ơn cha mẹ. Khi sống trọn chữ Hiếu, không những ta chu toàn bổn phận và trách nhiệm với cha mẹ nhưng con được Thiên Chúa ban thưởng và chúc phúc cho chúng ta.
Những ngày đầu năm mới này, không khí tết trở nên chộn rộn khắp mọi nơi, người người, nhà nhà đang đón mùa xuân mới. Đêm giao thừa, cả gia đình cùng nhau đi lễ, sáng mùng 1, sau thánh lễ rạng đông, con cháu cùng quy tụ đông đủ để cùng nhau chúc tuổi ông bà, cha mẹ. Thế nhưng, nhiều gia đình sẽ buồn lắm bởi chẳng còn thấy bóng dáng của ông bà, cha mẹ ngồi đấy, quây quần bên con cháu. Chỉ còn lại tấm ảnh trên bàn thờ với ba nén hương trầm như chứng kiến tất cả những buồn vui của con cháu. Vâng! Thưa cộng đoàn, đừng đợi đến khi ông bà, cha mẹ qua đời rồi chúng ta mới báo hiếu. Hãy yêu thương, chăm sóc và ở bên ngay khi các ngài còn sống với chúng ta bởi: mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi. Mồ côi tội lắm ai ơi, đói cơm khát nước biết người nào lo.”
MA.PHUC,SSS
Share: