GIA ĐÌNH SỐNG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI


CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI – C
Cn 8, 22-31; Rm 5, 1-5; Ga 16, 12-15
LỜI DẪN ĐẦU LỄ


        Kính thưa cộng đoàn! Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm quan trọng nhất trong đức tin Công giáo. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi tự con người không thể biết được và chỉ khi Đức Giê-su mặc khải thì chúng ta mới biết. Tuy vậy, để hiểu được tỏ tường tại sao cùng một bản thể là Thiên Chúa mà Ba Ngôi lại riêng biệt thì rất khó để con người có thể hiểu tường tận.

        Tuy vậy, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi lại trở nên sống động ngay trong chính đời sống gia đình chúng ta nếu gia đình biết sống yêu thương và hiệp thông với nhau.

        Dâng thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho các gia đình luôn biết họa lại mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi qua chính đời sống của mình.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.
SÁM HỐI
        Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã xuất hiện cùng với Chúa Cha ngay trong buổi đầu tạo dựng – Xin Chúa thương xót chúng con.
        Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã đến thế gian để cứu chuộc chúng con – Xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con.
        Lạy Chúa Giê-su, ngày nay Chúa vẫn hiện diện với chúng con qua sự hoạt động của Chúa Thánh Thần – Xin Chúa thương xót chúng con.

        Xin Thiên Chúa toàn năng, thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

BÀI GIẢNG
GIA ĐÌNH SỐNG MẦU NHIỆM
THIÊN CHÚA BA NGÔI

Kính thưa cha! Người ta cứ nói phụ nữ luôn là người chịu thiệt thòi trong đời sống gia đình, tuy vậy có lẽ con là trường hợp ngoại lệ. Yêu nhau rồi lấy nhau, chúng con cũng như bao cặp vợ chồng khác. Nhưng cũng vì con quá yêu vợ mà con dành tất cả mọi việc để vợ con quyết định. Thế nhưng, kể từ khi có con cái, rồi công việc ổn định, vợ con đã thay đổi tính nết. Một thời gian sau con mắc bệnh cột sống nên không thể làm nặng được, thế là con ở nhà để phụ giúp việc nhà và chăm con. Công việc buôn bán của vợ con vất vả nhưng cũng đủ sống. Tuy vậy cũng từ đấy, đời sống gia đình trở nên nặng nề. Cảm giác là một thằng đàn ông mà phải ăn bám vợ con luôn đè nặng. Là đàn ông mà chỉ quanh quẩn ở nhà dọn dẹp, cơm nước, giặt giũ quần áo, con cái và mọi quyết định trong gia đình nhiều khi một mình vợ con quyết định mà không hề bàn hỏi ý kiến của con…bản lĩnh đàn ông làm con tự ái. Vợ chồng thường xuyên cải vã, gia đình bỗng chốc trở nên nặng nề. Vợ con thì không bao giờ tế nhị nể mặt chồng, nhiều khi có bạn bè đến chơi hoặc con đi nhậu đâu đó thì chửi rủa mắng mỏ làm con bẻ mặt.
Cha biết đấy, phụ nữ người ta có thể dễ dàng kể chuyện với nhau, than vãn với nhau, chứ đàn ông chúng con, vì tự ái cao, vì bản lĩnh đàn ông ai lại đi kể lễ về những thiệt thòi trong gia đình của mình cả, nhất là chuyện bị vợ con cầm đầu. Vì thế con thường xuyên uống rượu, mượn rượu để giải sầu, mượn rượu để có thể chửi rủa bâng quơ…
Con phải công nhận vợ con là một phụ nữ rất giỏi từ trong gia đình lẫn những sinh hoạt trong giáo xứ. Nhưng con biết, trong thâm tâm cô ấy, con chẳng là tích sự gì. Chỉ là một thằng đàn ông nhu nhược mà thôi…con thật sự chán nản cuộc sống gia đình này cha ơi.

Vâng thưa cộng đoàn! Có một người đàn ông trong cơn say tâm sự với tôi như thế. Hiếm lắm tôi mới thấy một người đàn ông khóc. Nhưng cái khóc ở đây không chỉ là những giọt nước mắt, nhưng là nuốt trọn vào lòng tâm sự của mình.
Thật vậy, rất nhiều gia đình, nhiều cặp vợ chồng, tuy sống với nhau, tuy đêm đêm cùng chung giường với nhau nhưng dường như chưa bao giờ hiểu được những tâm tư của nhau và chưa bao giờ thông cảm cho nhau. Để rồi vô tình, làm cho tình yêu trong gia đình cạn dần, và cuối cùng là bế tắc.

Trong tâm tình của ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài: GIA ĐÌNH SỐNG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI.

1.   Trước hết, sống mầu nhiệm Ba Ngôi là SỐNG TÌNH YÊU TRÀN ĐẦY.

Phẩm tính đặc trưng nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa đó là tình yêu. Nói như thánh Gio-an trong thư thứ nhất của mình: “Thiên Chúa là Tình yêu”(1Ga 4, 16). Chính tình yêu là sợi dây liên kết Ba Ngôi nên một bản thể duy nhất. Chúa Cha yêu Chúa Con, và Chúa Thánh Thần chính là tình yêu nối kết Cha với Con. Cả ba ngôi trở thành một thể thống nhất không thể tách rời. Tình yêu của Thiên Chúa không ích kỷ chỉ gói gọn trong Ba Ngôi  nhưng trao ban tình yêu đó cho thế gian cách nhưng không: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16)

Trong gia đình cũng thế, tình yêu là sợi dây liên kết mọi thành viên. Tuy vậy, trên thực tế, nhiều gia đình khởi đi bằng tình yêu, nhưng bị thời gian và cuộc sống cuốn đi, để rồi người ta quên đi việc cần phải làm đó là hy sinh bản thân để dưỡng nuôi tình yêu trong gia đình. Thật vậy, một gia đình không có tình yêu thì ngay lập tực gia đình đó trở thành hỏa ngục. Mọi người sống trong gia đình đó sẽ đau khổ và bế tắc. Hãy không ngừng liên kết với Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu qua các giờ kinh chung ban tối, thường xuyên tham dự thánh lễ với nhau để có thể kín múc tình yêu của Thiên Chúa nơi Thánh Thể.

Thánh Pha-lô khẳng định rất rõ ràng trong thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô: “Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an sẽ ở cùng anh em.” (2Cr 13, 11). Có cầu xin tình yêu của Ba Ngôi chúng ta mới giữ được và phát triển tình yêu trong gia đình.

2.   Kế đến, sống mầu nhiệm Ba Ngôi trong gia đình qua việc TÔN TRỌNG VỊ TRÍ VÀ PHẨM GIÁ CỦA NHAU.

Tại sao người chồng trong câu chuyện đầu bài giảng lại cảm thấy nặng nề và bẽ mặt. Bởi cách nào đó, anh ta nhận ra vị thế của mình bị đánh mất. Mình không còn là trụ cột, không được tôn trọng như đúng chức năng và trách nhiệm của một người chồng. Và cũng vì sự tự ái anh ta đã phản ứng trong vô thức bằng việc mượn rượu để kiếm chuyện với vợ con. Người vợ cũng không hiểu tâm lý chồng, thấy chồng nhậu nhẹt, bè bạn lại chửi rủa la rày, như thế càng như thêm dầu vào lửa.  

Thật vậy, trong tương quan với nhau, Ba Ngôi tuy là một Thiên Chúa duy nhất, nhưng Ba Ngôi phân biệt nhau, không có ngôi nào chiếm đoạt vị thế của ngôi khác. Chẳng hạn như chúng ta phân chia Chúa Cha có vai trò tạo dựng trời đất muôn loài muôn vật. Chúa con cứu thế nhân loại, và Chúa Thánh Thần thánh hóa. Đó là cách thức chúng ta phân chia công việc và vị thế của mỗi ngôi để trí não chúng ta dễ hiểu. Như trên thực tế, công trình tạo dựng, công trình cứu chuộc và thánh hóa đều có sự hiện diện của cả ba ngôi. Ba Ngôi luôn tôn trọng vị thế của nhau. Cha là Cha đối với Con, Con là Con của Cha, và Thánh Thần là Tình yêu nối kết Cha với Con. Không Ngôi nào tranh giành hoặc tìm cách loại trừ, đè bẹp ngôi khác.

        Trong đời sống gia đình của mình, chúng ta thường hay không tôn trọng vị thế và phẩm giá của nhau. Chồng có vị thế của chồng, vợ có trách nhiệm của vợ, con cái có vai trò của con cái. Nhất là ngày nay, phụ nữ cứ biện lý do là bình đẳng đòi cho bằng được giống đàn ông. Đồng ý là phải có sự bình đẳng. Nhưng bình đẳng ở đây thể hiện chúng ta đều là con cái Thiên Chúa. Tuy vậy mỗi người lại có vị thế và phẩm giá khác nhau trong gia đình. Đừng bao giờ chồng cướp đi quyền làm vợ, vợ đòi cưỡi đầu cưỡi cổ chồng, con cái phải tuân phục cha mẹ, cha mẹ phải lắng nghe con cái. Nếu chúng ta không tôn trọng vị thế và phẩm giá của nhau, chắc chắn sớm muộn gì gia đình đó cũng rạn nứt.
         
3.   Điểm cuối cùng, gia đình sống Mầu nhiệm Ba Ngôi qua việc ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH PHẢI LÀM PHÁT SINH SỰ SỐNG.

Chúa Cha yêu Chúa Con và Chúa Thánh Thần là tình yêu nối kết cha với con. Cả ba cùng yêu thương nhau. Tình yêu này không ích kỷ nhưng tràn đầy đến nổi đổ ra bên ngoài. Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi làm nảy sinh sự sống qua việc sáng tạo trời đất muôn loài muôn vật. Vì Thiên Chúa trao ban tình yêu của Người cách nhưng không, nên chỉ cần chúng ta mở lòng, đặt niềm tin vào Thiên Chúa thì ngay lập tức chúng ta sẽ được thừa hưởng sức sống từ tình yêu của Ngài. Thánh Phao-lô đã khẳng định rằng: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5, 5)

Gia đình cần phải tái hiện lại hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa qua việc biết làm nảy sinh sự sống. Trước hết là phải sanh con đẻ cái. Đó chính là hoa quả cụ thể nhất thể hiện gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhiều cặp vợ chồng ngày nay vì nhiều lý do như chưa có công việc ổn định, hay chưa sẵn sàng có con, hoặc là đã có con rồi không muốn sanh con nữa nên đã sử dụng các biện pháp tránh thai. Dám tin chắc rằng rất nhiều người ở đây không hiểu biết đầy đủ và rõ ràng các biện pháp tránh thai để rồi vô tình phá thai rất nhiều mà không biết. Trong đó, đặt vòng và cấy que tránh thai được xem là vi phạm luân lý nặng nề vì trực tiếp phá thai.

Bên cạnh đó, gia đình còn nảy sinh hoa trái qua việc vợ chồng con cái sống hòa thuận, yêu thương, hy sinh, phục vụ nhau. Gia đình phải là nơi để chúng ta tìm về mỗi khi đi xa, gia đình là nơi xoa dịu và chữa lành mọi thương tích.

Nói tóm lại, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi xem ra rất khó hiểu với trí não của chúng ta. Tuy vậy, thật ra một khi chúng ta biết yêu thương, biết tôn trọng vị thế của nhau, và cùng cộng tác với nhau để làm phát sinh sức sống trong gia đình là chúng ta đang tái hiện lại chính Ba Ngôi Thiên Chúa ngay trong gia đình của chúng ta.

Hy vọng, trong ngày lễ mừng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi gia đình, mỗi người cần ý thức hơn về vai trò và trách nhiệm của mình, để qua từng ngày sống chúng ta có thể làm chứng cho một Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Amen.

Share:

VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH


VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

        

        Con xin chào cộng đoàn! Con là tu sĩ Dòng Thánh Thể, cùng dòng với thầy Tuấn, con ông cố Vinh. Hôm qua con lên Buôn Hô dâng lễ tạ ơn Tân Linh Mục của một cha, bữa nay con ghé xứ đây và được cha xứ ưu ái cho con được đồng tế với ngài, hơn nữa lại cho phép con được chia sẻ Lời Chúa với cộng đoàn trong thánh lễ đặc biệt hôm nay, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Kính thưa cộng đoàn, hôm nay hòa với Giáo hội Hoàn Vũ chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Khi nói đến Chúa Thánh Thần thì ai trong chúng ta cũng biết rằng Chúa Thánh Thần chính là Ngôi Ba Thiên Chúa, đồng bản thể với Đức Chúa Cha và Chúa Con. Biểu tượng của Chúa Thánh thần là: Lửa, Nước, Chim Bồ câu…Tuy nhiên, sâu xa hơn dường như nhiều người vẫn chưa hiểu biết nhiều về vai trò Chúa Thánh Thần. Vì vậy, rất nhiều người có vẻ xa lạ với Chúa Thánh Thần và hầu như chưa hiểu biết các công trình cũng như hoạt động của Ngài và Ngài có giúp gì cho đời sống người Kitô hữu hay không?

Chính vì thế, trong ngày mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài: VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH. Với 3 điểm chính sau đây.



1.   trước hết, Thánh Thần, Đấng khơi lên Tình yêu trong gia đình.

Có bao giờ trong đời sống gia đình của mình, chúng ta tự hỏi: tại sao tôi yêu anh/chị đó mà không phải là người khác không? Văn hóa Đông phương cho rằng đó là do ông Tơ Bà Nguyệt se duyên nên hai người mới yêu thương nhau và nên nghĩa vợ chồng. Còn theo thần thoại Hy lạp thì cho rằng chẳng ai khác, chính thần tình yêu Cupis đã bắn mũi tên xuyên qua trái tim của hai người vì thế họ yêu nhau.

Tuy nhiên, trong niềm tin của chúng ta, tình yêu có xuất phát từ chính Thiên Chúa. Thánh Gio-an đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16).  Đời sống gia đình được xây dựng trên nền tảng tình yêu. Đó là do Thiên Chúa tuôn đổ Thần Khí của Ngài, nguồn mạch tình yêu xuống trên đôi bạn trẻ. Nhờ tình yêu đó mà họ liên kết với nhau nên nghĩa phu phụ. Thật vậy, trong thư gửi tín hữu Rô-ma thánh Phao-lô đã khẳng định:“Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Tuôn đổ là một thuật ngữ của Kinh Thánh thường được dùng để chỉ Thánh Thần được ban cho các tín hữu một cách tràn trề. Nhờ Chúa Thánh Thần, mà  con người biết yêu thương nhau. Do vậy, có thể nói Thánh Thần là Đấng khơi dậy tình yêu trong đời sống gia đình.


Tuy vậy, con người vốn tội lỗi và bất toàn, nên nhiều khi lẫn lộn không phân biệt giữa tình yêu và tình dục. Chính vì thế, nhiều cặp vợ chồng đã tan vỡ khi một trong hai không đáp ứng được nhu cầu tình dục của người kia. Người ta nghiên cứu nhiều cặp vợ chồng tan li dị vì lý do tế nhị này, nhưng lại không nói ra. Vâng! Tình yêu mà Chúa Thánh Thần khơi lên trong chúng ta, khiến vợ chồng gắn kết với nhau vượt lên trên cảm xúc tình dục. Để qua đó, dù mỗi người có những giới hạn và cảm xúc riêng, dù một trong hai người không đáp ứng được nhu cầu của người còn lại, thì nhờ tình yêu do Chúa Thánh Thần tác động, họ vẫn chung thủy, liên kết với nhau mà không cảm thấy chán nản, thất vọng vì người mình yêu.



2.   Thánh Thần khơi dậy sự sống trong gia đình.

Nếu như Thánh Thần là Đấng khơi lên tình yêu trong gia đình thì chính Ngài cũng là nguyên nhân làm phát sinh sự sống. Sự sống này không chỉ là con đàn cháu đống, nhưng còn là những hoa quả tốt đẹp mà Thần Khí mang lại như thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Ga-lát nói rõ: “Hoa quả của Thần Khí là: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Gl 5, 22-23).

Như vậy, chúng ta cần nhìn ra rằng hạnh phúc mình đang có, bao gồm con cái, tài sản hoặc những thứ thiêng liêng như bình an, hoan lạc…đều là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần là nguồn mạch phát sinh mọi sự sống trong gia đình.



3.   Thánh thần hiệp nhất mọi thành viên trong gia đình.

Ngày nay, nhiều gia đình tan vỡ vì nghi ngờ nhau, mất niềm tin vào nhau, mối dây hiệp nhất giữa các thành viên trong gia đình bị phá vỡ. Lúc đó vợ chồng con cái chia rẽ, lục đục, tranh cãi nhau, khắc khẩu với nhau. Ngôi nhà bỗng chốc không còn là chốn bình yêu để trở về nữa.

Thật vậy, Đức Giêsu biết chúng ta dễ chia rẽ, nên đã cầu xin cùng Chúa Cha cho các tín hữu nói chung và gia đình nói riêng: Xin cho “tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. (Ga 17,21). Sự hiệp nhất chỉ có thể được thực hiện trong Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần sẽ liên kết mọi người trong gia đình làm nên một thể thống nhất, một tế bào của Giáo hội, không gì có thể chia cắt được.

Như lời Đức Giê-su đã nói với các tông đồ: “Bình an cho anh em!” (Ga 20, 21). Vâng! Chỉ có sự hiệp nhất mới mang lại cho gia đình nguồn bình an. Vì thế, mỗi khi gia đình có chuyện gì lục đục, mâu thuẫn bất đồng, chán nản nhau thì hơn bao giờ hết, mọi thành viên trong gia đình cần cầu xin Chúa Thánh Thần, để Ngài hiệp nhất mọi người và ban bình an cho mọi người.



4. Thánh Thần giúp gia đình vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Sau khi Chúa chết, các tông đồ rơi vào tình trạng rắn mất đầu, tất cả đều sợ hãi, co cụm lại với nhau. Tuy vậy, trong ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần được ban xuống thì tất cả các ông được đầy tràn sức mạnh, mạnh dạn mở tung cánh cửa bước ra ngoài loan báo Tin mừng Phục sinh.

Cũng vậy, đời sống gia đình không phải lúc nào cũng suông sẻ. Sẽ có những lúc cơm không lành, canh không ngọt, khiến chúng ta sợ hãi, chán nản thì chính Thánh Thần là Đấng thúc đẩy trong lòng mỗi người để chính mỗi thành viên, như các tông đồ, dám đối đầu với những sóng gió, thay vì tìm cách tránh né hoặc muốn từ bỏ gia đình.



Nói tóm lại, tuy chúng ta không ý thức sự hiện diện cũng như những ơn ban nhưng không của Chúa Thánh Thần, thế nhưng Ngài có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống của gia đình. Không có gia đình nào hạnh phúc, bình an mà không có bóng dáng của Chúa Thánh Thần. Bởi Chúa Thánh Thần không chỉ là Đấng khơi lên tình yêu trong gia đình, làm nảy sinh sự sống, liên kết mọi thành viên mà quan trọng nhờ ơn Chúa Thánh Thần gia đình mới có thể đủ sức vượt qua mọi sóng gió thử thách.



Lm. Mar - Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS.

Share:

VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH


Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – CĐ
Cv 2, 1-11; 1Cr 12,3b-7,12-13
Bài giảng
VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
         
        Kính thưa cộng đoàn, hôm nay hòa với Giáo hội Hoàn Vũ chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Khi nói đến Chúa Thánh Thần thì ai trong chúng ta cũng biết rằng Chúa Thánh Thần chính là Ngôi Ba Thiên Chúa, đồng bản thể với Đức Chúa Cha và Chúa Con. Biểu tượng của Chúa Thánh thần là: Lửa, Nước, Chim Bồ câu…Tuy nhiên, sâu xa hơn dường như nhiều người vẫn chưa hiểu biết nhiều về vai trò Chúa Thánh Thần. Vì vậy, rất nhiều người có vẻ xa lạ với Chúa Thánh Thần và hầu như chưa hiểu biết các công trình cũng như hoạt động của Ngài và Ngài có giúp gì cho đời sống người Kitô hữu hay không?
Chính vì thế, trong ngày mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài: VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH.

1.   Thánh Thần, Đấng khơi lên Tình yêu trong gia đình.
Có bao giờ chúng ta tự hỏi: tại sao tôi yêu anh/chị đó mà không phải là người khác? Văn hóa Đông phương cho rằng đó là do ông Tơ Bà Nguyệt se duyên nên hai người mới yêu thương nhau và nên nghĩa vợ chồng. Còn theo thần thoại Hy lạp thì cho rằng chẳng ai khác, chính thần tình yêu Cupis đã bắn mũi tên xuyên qua trái tim của hai người vì thế họ yêu nhau. Tuy nhiên, trong niềm tin của chúng ta, tình yêu có xuất phát từ chính Thiên Chúa. Thánh Gio-an đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16).  Đời sống gia đình được xây dựng trên nền tảng tình yêu. Đó là do Thiên Chúa tuôn đổ Thánh Thần, nguồn mạch tình yêu xuống trên đôi bạn trẻ. Nhờ tình yêu đó mà họ liên kết với nhau nên nghĩa phu phụ. Thật vậy, trong thư gửi tín hữu Rô-ma thánh Phao-lô đã khẳng định:“Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Tuôn đổ là một thuật ngữ của Kinh Thánh thường được dùng để chỉ Thánh Thần được ban cho các tín hữu một cách tràn trề. Nhờ Chúa Thánh Thần, mà  con người biết yêu thương nhau. Do vậy, có thể nói Thánh Thần là Đấng khơi dậy tình yêu trong đời sống gia đình.

Tuy vậy, con người vốn tội lỗi và bất toàn, nên nhiều khi lẫn lộn không phân biệt giữa tình yêu và tình dục. Chính vì thế, nhiều cặp vợ chồng đã tan vỡ khi một trong hai không đáp ứng được nhu cầu tình dục của người kia. Vâng! Tình yêu mà Chúa Thánh Thần khơi lên trong chúng ta, khiến chúng ta gắn kết với nhau vượt lên trên cảm xúc tình dục, để qua đó, dù mỗi người có những giới hạn và cảm xúc riêng nhưng tình yêu do Chúa Thánh Thần tác động vẫn có thể liên kết chúng ta mà không làm cho chúng ta chán nản, thất vọng vì người mình yêu.

2.   Thánh Thần khơi dậy sự sống trong gia đình.
Nếu như Thánh Thần là Đấng khơi lên tình yêu trong gia đình thì chính Ngài cũng là nguyên nhân làm phát sinh sự sống. Sự sống này không chỉ là con đàn cháu đống, nhưng còn là những hoa quả tốt đẹp mà Thần Khí mang lại như thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Ga-lát nói rõ: “Hoa quả của Thần Khí là: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Gl 5, 22-23).
Như vậy, chúng ta cần nhìn ra rằng hạnh phúc mình đang có, bao gồm con cái, tài sản hoặc những thứ thiêng liêng như bình an, hoan lạc…đều là hoa trái của Chúa Thánh Thần.

3.   Thánh thần hiệp nhất mọi thành viên trong gia đình.
Ngày nay, nhiều gia đình tan vỡ nguyên nhân chính đó là mối dây hiệp nhất trong gia đình bị phá vỡ. Lúc đó vợ chồng con cái chia rẽ, lục đục, tranh cãi nhau, khắc khẩu với nhau. Tuy nhiên, nếu gia đình chúng ta biết cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, chắc chắn gia đình sẽ luôn bền vững vì biết hiệp nhất với nhau. Sự hiệp nhất này xuất phát từ Thánh Thần, Đấng liên kết mọi thành viên.
Thật vậy, Đức Giêsu biết chúng ta dễ chia rẽ, nên đã cầu xin cùng Chúa Cha cho các tín hữu nói chung và gia đình nói riêng: Xin cho “tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. (Ga 17,21). Sự hiệp nhất chỉ có thể được thực hiện trong Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần sẽ liên kết mọi người trong gia đình làm nên một thể thống nhất, một tế bào của Giáo hội.
Như lời Đức Giê-su đã nói với các tông đồ: “Bình an cho anh em!” (Ga 20, 21). Vâng! Chỉ có sự hiệp nhất mới mang lại cho gia đình nguồn bình an. Vì thế, mỗi khi gia đình có chuyện gì lục đục, thì hơn bao giờ hết, mọi người cần cầu xin Chúa Thánh Thần để Ngài hiệp nhất mọi người và ban bình an cho mọi người.

4. Thánh Thần giúp gia đình vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Sau khi Chúa chết, các tông đồ rơi vào tình trạng rắn mất đầu, tất cả đều sợ hãi, co cụm lại với nhau. Tuy vậy, trong ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần được ban xuống thì tất cả các ông được đầy tràn sức mạnh, mạnh dạn mở tung cánh cửa bước ra ngoài loan báo Tin mừng Phục sinh.
Cũng vậy, đời sống gia đình không phải lúc nào cũng suông sẻ. Sẽ có những lúc cơm không lành, canh không ngọt, khiến chúng ta sợ hãi, chán nản thì chính Thánh Thần là Đấng thúc đẩy trong lòng mỗi người để chính mỗi thành viên, như các tông đồ, dám đối đầu với những sóng gió, thay vì tìm cách tránh né hoặc muốn từ bỏ gia đình.

Nói tóm lại, tuy chúng ta không ý thức sự hiện diện cũng như những ơn ban nhưng không của Chúa Thánh Thần, thế nhưng Ngài có vai trò rất quan trọng trong đời sống của gia đình. Không có gia đình nào hạnh phúc, bình an mà không có bóng dáng của Chúa Thánh Thần. Bởi Chúa Thánh Thần không chỉ là Đấng khơi lên tình yêu trong gia đình, làm nảy sinh sự sống, liên kết mọi thành viên mà quan trọng nhờ ơn Chúa Thánh Thần gia đình mới có thể đủ sức vượt qua mọi sóng gió thử thách.

Lm. Mar - Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS.

Share: