LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ
(Xh 24,3-8; Hr 9,11-15; Mc 14, 12-16.22-26)
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
Kính
thưa cộng đoàn! Chúng ta sống thì cần phải có ăn uống để dưỡng nuôi thể xác
này. Tuy vậy, chúng ta là con người có xác và hồn, chẳng lẽ linh hồn chúng ta lại
không được dưỡng nuôi. Chúa muốn chúng ta phát triển toàn vẹn cả về thể xác về
linh hồn, nên Người không chỉ ban cho chúng ta “lương thực hằng ngày” như lời
Kinh Lạy Cha chúng ta vẫn đọc, mà hơn thế nữa, Người còn ban Thánh Thể là chính
Mình Máu Người làm của ăn dưỡng nuôi linh hồn chúng ta.
Ngày
hôm nay, toàn thể Giáo hội mừng kính lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô. Mỗi người chúng
ta được mời gọi đến với Chúa nơi Bí tích Thánh Thể để được Chúa dưỡng nuôi và ủi
an.
Dâng
Thánh lễ này, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta ngày càng yêu mến Chúa
Giê-su Thánh Thể qua việc siêng năng tham dự Thánh lễ và chầu Thánh Thể mỗi
ngày, bởi như Thánh Eymard đã xác tín: “Chỉ
cần một chỗ dưới chân Chúa Giê-su Thánh Thể sẽ làm cho linh hồn khố khổ của tôi
được bổ dưỡng và dứt khỏi nhiều điều lo lắng.”
Giờ
đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Thánh Thể - Bữa Tiệc Chiên
Thiên Chúa.
SÁM HỐI
1.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã thiết lập Tiệc Thánh Thể để phục vụ chúng con qua đó chúng
con biết noi gương Chúa mà phục vụ Chúa và tha nhân. Xin Chúa thương xót chúng
con.
2.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã thiết lập Tiệc Thánh Thể để chúng con được hiệp nhất,
nên một với nhau và với Chúa. Xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con.
3.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã thiết lập Tiệc Thánh Thể để nuôi sống chúng con. Xin
Chúa thương xót chúng con.
Xin
Thiên Chúa toàn năng thương xót tha thứ và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA “BỮA CƠM”
TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
Kính thưa cộng đoàn! Cách riêng là ba cặp bạn trẻ kết hôn hôm
nay! Khi kết hôn, bắt đầu bước vào đời sống gia đình, ai cũng mong ước rằng đời
sống gia đình mình luôn được trong ấm ngoài êm, hạnh phúc viên mãn. Tuy nhiên,
ngày nay rất nhiều cặp bạn trẻ đã không giữ được hạnh phúc gia đình chỉ sau vài
năm cưới, thậm chí có cặp chỉ vài tháng sau khi cưới là anh đường anh, em đường
em.
Có
rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ đời sống gia đình, từ vấn đề tâm sinh lý, vật
chất tiền bạc, tôn giáo… cho đến những vấn đề xã hội. Tuy vậy, trong tâm tình của
Thánh Lễ KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ ngày hôm nay, xin được chia sẻ với cộng
đoàn, cách đặc biệt với ba cặp hôn phối đề tài: “Tầm
Quan Trong Của Bữa Cơm Trong Đời Sống Gia Đình” với ba nội dung chính
sau đây:
1. Bữa cơm là dịp mọi người
phục vụ nhau.
2. Bữa cơm là lúc mọi người
được hiệp thông và nên một với nhau.
3. Bữa cơm là lúc mọi người nuôi
sống nhau.
Kính
thưa cộng đoàn! Tin mừng hôm nay chúng ta vừa nghe thuật lại cho chúng ta bối cảnh
của Bữa Tiệc Sau Cùng. Có thể nói đây là bữa tiệc mẫu mực cho tất cả các bữa tiệc.
Bởi, bữa tiệc sau cùng này của Chúa không đơn giản chỉ là bữa ăn thuần túy,
nhưng đó là tiệc Vượt Qua, Tiệc Chiên Thiên Chúa, Tiệc Thánh Thể. Mọi bữa tiệc
của chúng ta đều quy hướng về bữa tiệc sau cùng này. Chính vì thế, bữa cơm gia
đình mà chúng ta nói đến hôm nay cũng được đặt nền tảng trên bữa tiệc sau cùng
của Chúa.
1. Trước hết, bữa cơm là lúc mọi người có dịp phục vụ lẫn nhau.
Chúng
ta thấy trong bài Tin mừng, các môn đệ là những người phục vụ, khi một số người
được cắt cử chuẩn bị bữa tiệc. Thật vậy, làm sao có được bữa tiệc nếu không có
người chuẩn bị tiệc: “Thầy muốn chúng con
đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” (Mc 14,12), và các ông đã đi dọn tiệc.
Câu hỏi này cho thấy một sự chủ động phục vụ của các tông đồ, không cần Chúa ra
lệnh. Cũng trong bữa ăn ấy, Chúa chúng ta thực hiện hành động phục vụ cách trọn
vẹn nhất đó là lúc “Người đứng dậy,…đổ nước
vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ.” (x.Ga 13, 4-5). Người tuy là Thầy,
là Chúa mà Người còn rửa chân cho các tông đồ trong vai trò của một nô lệ, vì
thế Người cũng mời gọi chúng ta hạ thấp mình để rửa chân cho nhau (x. Ga 13,
14). Chúng ta được mời gọi nên giống Chúa, nghĩa là đến để phục vụ chứ không phải được phục vụ (x. Mc 10, 45).
Cũng
vậy, trong đời sống gia đình, nhiều người ngày nay vẫn còn suy nghĩ công việc
phục vụ bếp núc là của người vợ. Hiểu như thế là hoàn toàn sai, ngày nay không
phải là thời Phong Kiến nữa mà còn não trạng “chồng chúa vợ tôi”. Bởi ai trong chúng ta, đặc biệt trong đời sống
gia đình, ai cũng được mời gọi phục vụ lẫn nhau. Vợ phục vụ chồng, chồng phục vụ
vợ, cha mẹ phục vụ con cái, con cái phục vụ cha mẹ. Càng làm lớn thì càng phải
là người phục vụ. Không thể chấp nhận được, cả hai vợ chồng cùng đi làm, mà chiều
về bao nhiêu công việc trong gia đình từ giặt giũ, cơm nước, quét dọn, chăm con…đổ
hết lên đầu một mình người vợ, còn chồng thì nằm phỡn xem ti-vi hoặc đọc báo.
Bữa
cơm gia đình được hình thành từ thói quen mọi người trong gia đình biết phục vụ
nhau. Phục vụ không phải là gánh nặng, hay là một công việc gì to tác, nhưng nếu
không có ý thức phục vụ trong gia đình chắc chắn không có bữa cơm ngon lành. Bởi
bữa ăn có được là do công lao, ý thức phục vụ và là trách nhiệm của mọi người
trong gia đình.
2. Bữa cơm là lúc mọi người được hiệp thông và nên một với nhau.
Trong
Bữa Tiệc Vượt Qua, Đức Giê-su đã biến bánh rượu trở nên chính Mình Màu Thánh
Người, rồi bẻ ra trao cho các môn đệ. Do vậy, các môn đệ tuy nhiều người, nhưng
cùng ăn một Bánh, uống cùng một Chén. Và chính khi ăn Bánh Trường Sinh và uống Chén
Cứu Độ đó, các ông được hiệp thông, nên một với nhau. Như thánh Phao-lô nói
trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô: “Bởi
vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy
nhiều người chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10, 17).
Cũng
vậy, gia đình tuy nhiều người nhưng là một gia đình, một thân thể. Gia đình đó
phải có bữa cơm là cầu nối mọi người lại với nhau. Thật vậy, bữa cơm là khoảng
thời gian mà mọi thành viên sum vầy ngồi ăn cùng nhau. Đó không chỉ đơn giản là
một bữa ăn cung cấp năng lượng mà còn là nơi gắn kết yêu thương, hiệp nhất mọi
thành viên trong gia đình. Nơi mà tất cả mọi người đều cảm nhận được tình thương
thực sự, sự quan tâm lẫn nhau, sự hiệp thông giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con
cái.
Người
xưa có câu: “râu tôm nấu với ruột bầu, chồng
chan vợ húp gật đầu khen ngon.” Dù rằng “râu tôm” và “ruột bầu” là những thứ
người ta bỏ đi, tuy nhiên, cả gia đình đều cảm thấy ngon. Ngon ở đây không phải
là cao lương mĩ vị nhưng đó là cái ngon của tình yêu, cái ngon của hạnh phúc, cái
ngon sự hiệp nhất, mà chỉ có gia đình nào có bữa cơm chung mới cảm nhận được mà
thôi.
Có
những bữa cơm tuy đơn sơ, đạm bạc nhưng rất đầm ấm và đầy tình nghĩa. Sau một
ngày cha mẹ lao động, làm việc cật lực, con cái học tập vất vả thì bữa cơm
chính là thời gian dành cho nhau. Bữa cơm là thời gian quí báu nhất trong ngày
mà cha mẹ và con cái có thể gần gũi và trò chuyện, bộc bách tâm sự với nhau. Đó
cũng là lúc vợ chồng hỏi han nhau, sẻ chia với nhau. Đó cũng là lúc cha mẹ tìm
hiểu về việc học hành của con cái, các mối quan hệ bạn bè cũng như mong ước của
con trẻ. Và đó cũng là lúc mọi người hiệp thông nên một với nhau.
3. Bữa ăn là thời gian mọi người nuôi sống nhau.
Đức
Giê-su khi biết Người sẽ không còn ở thế gian này nữa, nên trong Bữa Tiệc Vượt
Qua, Người đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, để không chỉ ở lại với chúng ta mọi
ngày cho đến tận thế mà quan trọng là trở nên lương thực thần lương dưỡng nuôi
chúng ta trên đường dương thế.
Cũng
vậy, bữa cơm gia đình là thời gian mọi người nuôi sống nhau. Đó không chỉ là
nuôi sống về thân xác nhưng quan trọng là nuôi sống tình thân. Bữa cơm gia đình
giúp mỗi thành viên vui vẻ, thư giãn, gạt đi hết những muộn phiền, tìm thấy được
những yêu thương và sự chia sẻ, tìm thấy được nguồn động lực để sống.
Thật
vậy, ngày nay nhiều người tuy sống chung một mái nhà nhưng hầu như không có thời
gian ở bên nhau chứ đừng nói là có bữa cơm chung với nhau. Chính vì thế không
có bữa cơm chung thì không có tiếng nói chung, không có tiếng nói chung nên hậu
quả là mọi người sẽ không hiểu nhau, dần dần xa cách nhau, khắc khẩu với nhau,
và cuối cùng là gia đình ấy chết dần chết mòn lúc nào không hay.
Nói
tóm lại, mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa chúng ta có dịp suy niệm về Bí tích
Thánh Thể. Thánh Thể là chính là Bữa Tiệc. Qua bữa tiệc đó, Chúa ban chình Mình
và Máu Người để trở nên lương thực cho chúng ta trên đường dương thế.
Từ
bữa tiệc Thánh Thể đó chúng ta quy chiếu để thấy được vai trò quan trọng của bữa
cơm trong đời sống gia đình. Bữa cơm gia đình dựa trên nền tảng của Bữa Tiệc Thánh
Thể. Có thể nói, bữa cơm có vai trò rất quan trọng trong đời sống gia đình bởi
qua bữa cơm các thành viên trong gia đình có cơ hội phục vụ nhau, hiệp nhất nên
một với nhau và nuôi sống nhau.
Ba
cặp hôn nhân thân mến, khởi đầu tình yêu của các anh chị có lẽ rất đẹp, hứa hẹn
một hạnh phúc viên mãn. Nhưng nếu các anh chị không chịu phục vụ nhau, không biết
hiệp nhất với nhau, không biết cách nuôi sống nhau thì chắc chắn chẳng mấy chốc
gia đình của các anh chị sẽ có những rạn nứt đổ vỡ. Hãy biết dành thời gian cho
nhau, không chỉ trong bữa cơm gia đình mà còn cùng nhau tham dự Tiệc Thánh Thể.
Có như vậy, chắc chắn rằng các anh chị sẽ luôn có được niềm vui và hạnh phúc
trong đời sống gia đình. Amen.
Lm.
Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét