CHÚA NHẬT 24 TN – A – CĐ (Hc 27,30-28-7; Rm 14,7-9; Mt 18,21-35) THA THỨ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

CHÚA NHẬT 24 TN – A – CĐ
(Hc 27,30-28-7; Rm 14,7-9; Mt 18,21-35)

THA THỨ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
       
        Kính thưa cộng đoàn! Cộng đoàn có khi nào nghe đến cụm từ: Bia căm thù chưa? Ở Việt Nam con thấy có rất nhiều nơi có bia căm thù. Nghĩa là lòng căm thù đó phải khắc vào bia, tạc vào đá, ăn sâu đến tận xương tủy. Hoặc khi xem các phim kiếm hiệp của Trung Quốc ta dễ dàng nhận ra đề tài chính trong các bộ phim là oan oan tương báo. Nghĩa là có thù thì phải trả. Đời này chưa trả được thì đời sau sẽ trả. Tư tưởng báo thù đó có phần nào giống với não trạng của người Do thái thời Cựu ước. Theo trình thuật Sáng Thế, có thù thì phải trả: “Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy!” (St 4, 24). Do vậy, theo Tin mừng hôm nay, việc một người Do Thái chính gốc như Phê-rô có quan điểm phải tha thứ 7 lần cho kẻ thù đã hẳn là một ý tưởng vượt xa với não trạng chung lúc bấy giờ. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Chúa Giêsu muốn ông đi đến sự tha thứ cách trọn vẹn hơn qua việc đòi hỏi Phê-rô phải  tha thứ 70 lần 7, nghĩa là tha thứ mãi mãi.
Không khó để nhận ra chủ đề chính của Lời Chúa Chúa nhật 24 TN này là tha thứ, phải tha thứ thì mới được Thiên Chúa tha thứ. Tuy vậy, tha thứ là một đề tài rất rộng trong đời sống, không có sự tha thứ chung chung. Vì vậy, trong bài chia sẻ này con xin chỉ nói gọn sự tha thứ trong đời sống gia đình. Bởi năm nay là năm Hội Thánh quan tâm đến các bạn trẻ chuẩn bị đời sống gia đình.
Có một bộ phim về bi kịch gia đình mà con từng được xem đó là phim Cánh Đồng Bất Tận, phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bộ phim xoay quanh 4 nhân vật, người cha và hai đứa con, cùng cưu mang một người đàn bà làm nghề mại dâm. Bốn người lênh đên trên một chiếc xuồng máy, nuôi vịt chạy đồng, không nhà không cửa, nay đây mai đó theo con nước. Đời sống của họ ngập chìm đau khổ dằn vặt xuất phát từ sự thù hằn.
Đầu tiên là người cha. Số là anh ta lấy vợ và có hai con. Cuộc sống cơ cực, anh phải vất vả để lo cho ba mẹ con. Ấy vậy mà người vợ ham sang phụ khó theo một thương lái người Hoa, bỏ lại hai đứa con cho anh. Đau khổ tột cùng vì bị chính người vợ yêu thương phản bội, anh đốt căn nhà, đốt cái mái ấm bấy lâu nay xuống ghe lênh đênh, bắt đầu một cuộc sống trôi sông lạc chợ, nay đây mai đó, không tương lai, không định hướng. Bao nhiêu hận thù, người cha trút hết lên đầu hai đứa con.
Kế đến là sự thù hận của cô gái điếm. Vì hận cha mẹ ly dị bỏ rơi cô, nên cô làm gái để trả thù đời. Trong một lần đi khách, cô bị đám đông các bà vợ bắt và đổ keo dán sắt vào vùng kín. Cô đau đớn chạy trốn và được ba cha con đưa lên ghe cứu chữa. Cuộc sống của 4 người cứ lênh đênh trên sông nước, buồn tẻ vì mỗi người đều mang trong mình những nỗi thù hằn, căm phẫn vì bị chính những người thương yêu phản bội. Ông bố hận vợ, thù người bạc tình luôn cau có, bạo lực đánh đập 2 đứa con. Cậu con trai tuy còn nhỏ nhưng đã mang trong mình nỗi hận thù của cha, cậu nói rằng cậu ghét cái ác, và muốn trả thù, có thù thì phải trả. Cô gái làm điếm vì hận thù gia đình, hận thù bố mẹ…
        Cũng vì sự hận thù và lòng muốn trả thù nên 4 người trở thành thù địch của nhau. Và đi đâu cũng gây oán thù chỗ đó, nên nhiều bọn giang hồ ghen ghét. Cậu con trai vì không chịu nổi người ta ức hiếp người đàn bà nên giết người. Và vì sợ cậu đã bỏ trốn. Người đàn bà không chịu được sự thù hằn của người bố nên cũng bỏ đi. Chỉ còn lại người cha và đứa con gái. Câu chuyện được đẩy lên đỉnh điểm khi đứa con gái bị nhóm côn đồ hiếp dâm ngay trước mặt ông bố. Chúng nó đánh ông bố ngã quỵ để rồi buộc ông phải nhìn cảnh bọn côn đồ từng thằng hiếp dâm đứa con gái của mình trong bất lực. Không còn đau khổ nào hơn nữa.
Kết thúc bộ phim, cô gái có bầu không biết cha đứa bé là ai. Cô đi trên một cánh đồng mênh mông, bất tận, vừa đi vừa nói với đứa con trong bụng: Là trẻ con, nên tha thứ lỗi lầm cho người lớn. Và mẹ sẽ đặt tên con là Thương.
Vâng! Thưa cộng đoàn, không biết Nguyễn Ngọc Tư có đạo Công giáo hay không nhưng rõ ràng với những bế tắc của các nhân vật, cuối cùng chỉ có giáo lý Kitô giáo mới giải quyết được vấn đề. Hận thù chỉ làm cho con người bế tắc, chỉ có sự tha thứ và tình yêu sẽ cứu rỗi thân phận con người.
Trong đời sống gia đình vợ chồng, cha mẹ, con cái, sự tha thứ thật sự rất quan trọng. Nói tha thứ thì dễ nhưng trên thực tế thật khó biết chừng nào. Bình thường thì chúng ta có thể tha thứ nhưng nếu chẳng may lấy phải người chồng rượu chè bê bết, đánh vợ đánh con hết ngày này qua ngày khác hoặc với những ai từng bị phản bội, bị chính người mình sẻ ái chia ân phản bội thật không gì có thể đau hơn. Chính những nỗi đau đó, và không thể tha thứ cho nhau nên đã có biết bao nhiêu gia đình tan vỡ, cha mẹ mỗi người một nẻo, con cái không ai nuôi dưỡng. Và cứ thế, sự thù hằn truyền từ người này qua người khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Vậy làm thế nào chúng ta có thể tha thứ được?
        Xin được gợi ý với cộng đoàn 2 điều kiện để chúng ta có thể tha thứ dựa vào chính đời sống của Chúa Giêsu.
1.               Hy sinh bản thân
Không biết cha ông ta đã cảm nghiệm đời sống vợ chồng như thế nào mà thường dùng hai chữ duyên nợ để diển tả nghĩa vợ tình chồng. Vợ chồng lấy nhau không chỉ là duyên mà còn là nợ. Và nói theo tư tường Phật giáo thì do kiếp trước nợ nhau nên kiếp này phải trả nợ. Tuy vậy, với Đức Giêsu lại khác. Dù chẳng mắc nợ gì với con người nhưng chính lòng thương xót, Đức Giêsu đã chấp nhận thân phận con người, gánh lấy tội lỗi và cao điểm là hy sinh thân mình để cứu chuộc con người. Đời sống vợ chồng cũng cần lắm sự hy sinh cho nhau. Sỡ dĩ ngày nay nhiều gia đình tan vỡ là do vợ chồng, cha mẹ, con cái không biết hy sinh cho nhau. Bài đọc 2 trích thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma có nói: “không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa và có chết cũng là chết cho Chúa.” (Rm14,7-8) Vợ chồng, con cái, cha mẹ là những người Chúa gửi đến để chúng ta sống với, sống cùng, chính họ là hình ảnh sống động của Thiên Chúa ngay trong gia đình chúng ta. Vậy, hãy bắt chước noi gương Đức Giêsu hy sinh bản thân để phục vụ và yêu thương những người trong gia đình. 
2.               Cầu nguyện cho người phản bội
Ngay trên thập giá, đỉnh cao của sự phản bội, Đức Giêsu không những không thù hằn mà Người còn cầu nguyện cho những kẻ giết người: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”(Lc 23,34). Bài đọc 1 trích sách Huấn Ca nói rõ hơn: “oán hờn và giận dữ là điều ghê tởm, về chuyện đó, kẻ tội lỗi có biệt tài.” (Hc 27,30). Chúa đã cầu nguyện và tha thứ cho những kẻ thù của mình, chính vì thế Thiên Chúa Cha đã mở ra cho Người một cơ hội mới, một sự sống mới. Thật vậy, khi ta không tha thứ cho một ai đó, tức là chúng ta đang quay lưng lại với tương lai của mình. Sự tha thứ không thể làm thay đổi quá khứ, nhưng nó có thể mở rộng tương lai. Khi chúng ta bao dung, điều đó có nghĩa chúng ta đang tiến về phía trước, mở ra cho đời sống gia đình một tương lai mới, một sự cứu chữa. Và chính vì làm được điều đó nên Chúa Giêsu đã cứu chữa được cả nhân loại.
Tóm lại, Lời Chúa Chúa nhật 24TN cho chúng ta bài học về sự tha thứ. Nói tha thứ chung chung thì dễ nhưng để tha thứ thật sự, và nhất là trong đời sống gia đình thì khó. Những người chúng ta thực sự yêu thương mà phản bội, hoặc gây tổn thương chúng ta, yêu càng nhiều thì đau càng nhiều, thì thật khó mà có thể tha thứ. Khó, không có nghĩa là không thể. Hãy chiêm ngắm đời sống đức Giêsu nhất là ở khía cạnh hy sinh và cầu nguyện. Có như vậy chúng ta mới có thể tha thứ cho nhau và chính khi tha thứ cũng là lúc chúng ta được Chúa thứ tha vì “hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn đã được tha.” (Hc28,2)


 MA.PHUC,SSS
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét