CN 21 TN – A –CĐ
Is 22,19-23; Rm
11,33-36; Mt 16,13-20
CÙNG NHAU
CHĂM SÓC
ĐOÀN CHIÊN CỦA
CHÚA
Sau khi bước vào cuộc đời công khai, Chúa Giêsu đã
lần lượt kêu gọi mười hai tông đồ theo Chúa đi rao giảng Tin mừng. Bao năm theo
Thầy, các tông đồ đã chứng kiến biết bao nhiêu phép lạ Thầy làm, nghe biết bao
nhiêu bài giảng, cùng Thầy cho đám đông được no nê, chữa lành các bệnh hoạn tật
nguyền cho dân…nhưng chưa một ai biết Thầy là người như thế nào cách tỏ tường.
Đang khi mọi người, kể cả các tông đồ không biết rõ về căn tính cũng như sứ mạng
của Chúa thì Chúa Giêsu hỏi các tông đồ: “Người
ta bảo thầy là ai?”(Mt 16,13) Nhưng câu trả lời của các ông xem ra không
thuyết phục nên Chúa hỏi lại một lần nữa, và dứt khoát hơn: “Còn anh em, anh em bảo thầy là ai?”(Mt
16,15) Câu hỏi này của Chúa không phải làm khó các tông đồ cho bằng Chúa muốn
các ông trả lời bằng chính chính kiến của mình về Người Thầy mà các ông theo bấy
lâu nay.
Phêrô được biết đến như là một người bộc trực, nóng tính nhưng lại mau
lẹ: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa”(Mt
16,16) nghĩa là Thầy là Đấng Cứu Độ nhân loại, là Con Một Thiên Chúa.
Thật vậy, Do Thái giáo chỉ tin kính một Thiên Chúa Duy nhất, nghĩa là
chỉ có một mình Ngài là Thiên Chúa, không có ngôi vị nào khác ngoài Thiên Chúa
Giavê. Thế nên, để một người Do Thái chính gốc như Phêrô xác tín mạnh mẽ “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”
thì quả thật là điều không dễ chút nào. Đó hoàn toàn không phải là suy nghĩ
của con người “mà là chính Thiên Chúa mặc
khải điều ấy cho Phêrô.”(Mt 16,17)
Đứng trước sự xác tín mạnh mẽ như thế của Phêrô, Chúa Giêsu đã không ngần
ngại trao quyền cho ngài làm trưởng Tông Đồ Đoàn, qua đó xác định quyền lực của
ngài: “Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá,
trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không
thắng nổi.”(Mt 16,18)
Thưa cộng đoàn, nói đến đây con liên tưởng ngay đến các linh mục của
Chúa. Nhiều tin hữu hay phàn nàn rằng các linh mục thế này thế nọ, hoặc đặt ra những
câu hỏi: “tại sao lại có một cha xứ như thế? Làm cha mà hành xử như vậy là
không được? hay làm cha xứ mà bảo thủ, không cảm thông, hiểu cho giáo dân…? Và trăm
ngàn những câu hỏi cũng như phàn nàn khác. Nhưng Chúa mới là người quyết định
chọn những con người hẹn mọn, thậm chí là yếu kém và giới hạn làm người chăn dắt
đoàn chiên của Chúa. Điều này làm cho chúng ta khó hiểu. Mà nếu có muốn hiểu
cũng không được bởi như bài đọc 2 trích
thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường
nào! Quyết định của Người, ai dò thấu được! đường lối của Người ai theo dõi được!
Thật vậy, ai đã biết tư tường của Chúa?”(Rm 11, 33)
Không nói tới các cha, chúng ta nói gần hơn chút nữa là Ban hành giáo, trưởng các giáo
khu, nhóm, hội đoàn. Nhiều người phàn nàn BHG nhiều khi làm việc còn thiếu xót,
chưa hiệu quả, hoặc thế này, hoặc thế kia. Nhưng hơn ai hết, họ lại là những
người được Chúa mời gọi trong vai trò của một giáo dân, cộng tác với linh mục để
cai quản dân Chúa mặc dù họ chỉ là những con người yếu đuối và tội lỗi.
Không nói tới BHG, nói gần hơn chút nữa, nói về những bậc làm cha làm mẹ.
Cha mẹ phải chăng là những con người phi thường, hay đạo đức, thánh thiện.
Không! Họ chỉ là những con người bình thường, thậm chí là người tội lỗi. Thế nhưng
Chúa vẫn trao chìa khóa vương quyền cho các bậc làm cha làm mẹ, để rồi cha mẹ
dùng quyền đó mà cai quản và giáo dục con cái trong gia đình mình.
Vâng! Thưa cộng đoàn, Phêrô không chỉ là vị tông đồ cả, một vị thánh, một
nhân vật lịch sử đã sống và chết cách chúng ta hơn 2000 năm, nhưng cũng là những
con người sống động đang hiện diện nơi mỗi người chúng ta. Cũng như Phêrô,
chúng ta tuy yếu đuối và tội lỗi nhưng lại được Chúa đặt để và trao cho sứ vụ
nào đó, dù lớn nhỏ. Chúa mới là người có quyền quyết định trao chìa khóa của
Người cho những người Chúa chọn và chính Ngài đã khẳng định:“Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột,
nó sẽ nên như ngai vinh hiển…”
(Is 22,23)
Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật 21 thường niên có sứ điệp rất rõ ràng: Thiên
Chúa kêu gọi và đặt để những người hết sức bình thường, thậm chí là những người
yếu kém và tội lỗi làm nhiệm vụ lãnh đạo Hội Thánh của Người. Nếu như các linh
mục có nhiệm vụ coi sóc giáo dân, BHG có nhiệm vụ cộng tác với linh mục trong
việc lãnh đạo giáo xứ thì mỗi người chúng ta cũng được trao chìa khóa để chăm
sóc và lãnh đạo những người dưới quyền của chúng ta là con cái, là cháu chắt…
Vậy, hãy biết chấp nhận thân phận yếu đuối của mình để rồi cũng biết cảm
thông cho các giám mục, linh mục, hoặc gần hơn là quý chức trong BHG, gần hơn nữa
là chính cha mẹ chúng ta để chúng ta biết san sẻ, yêu thương và cùng nhau chu
toàn sứ vụ coi sóc đoàn chiên của Chúa.Amen
MA.PHUC, SSS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét