LỄ CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG
LATERANO
(1Cr 3,9-11.16-17; Ga
2,13-22)
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
Kính thưa cộng đoàn! Hôm
nay chúng ta tụ họp nhau nơi đây để dâng thánh lễ kính ngày cung hiến
thánh đường La-tê-ra-nô.
Vậy, thánh đường la-tê-ra-nô có gì đặc biệt mà lại đừng mừng
kính trọng thể như thế?
Thưa,
Thánh đường hay Ðền thờ Latêranô là nhà thờ chánh toà của Ðức Giáo Hoàng. Ðức
Thánh Cha với tư cách là Giám Mục Roma, cũng đặt ngai tòa của mình tại nhà thờ
chánh tòa. Ðền thờ này được xây dựng vào năm 320 khi Giáo Hội Chúa Kitô, tượng
trưng cho Tòa Thánh Roma vừa thoát qua khỏi một thời kỳ cấm cách, bắt bớ khủng
khiếp. Ðền thờ này do công của Hoàng đế Constantinô xây dựng để tôn vinh danh
Chúa và để dân Chúa có nơi tụ tập, đọc kinh cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích.
Ðền thờ này đã được cung hiến vào khoảng thời gian nói trên. Lịch sử thuật lại
rằng khi hoàn tất ngôi thánh đường này, nhiều đoàn người khắp trong thành phố
Roma đã tuôn đến để dự lễ khánh thành và hiệp ý trong nghi lễ cung hiến ngôi
thánh đường dùng đặt ngai tòa của Ðức giáo hoàng, với tư cách là Giám Mục Roma.
Ngôi đền thờ Latêranô đã trải qua biết bao nhiêu biến cố, biết bao nhiêu thăng
trầm của đạo giáo, biết bao nhiêu thử thách, khó khăn của các thời Hoàng đế
Roma trị vì. Biết bao nhiêu người đã tới thánh đường Latêranô để xin rửa tội,
gia nhập dân thánh Chúa trong những đêm phục sinh và mừng lễ vượt qua tại đây.
Ngày
nay, đền thờ Latêranô vẫn vút cao, vẫn đứng sững như muốn nói với mọi người
Thiên Chúa luôn yêu thương dân người. Ngày nay, vẫn có đoàn đoàn lớp người tới
dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Hàng năm, ngày thứ năm tuần thánh Ðức
Thánh Cha vẫn tới cử hành lễ với hàng linh mục Roma, với các Hồng y, Giám mục
và Ngài diễn tả lại hành động, cử chỉ của Chúa Giêsu xưa nơi nhà tiệc ly là rửa
chân cho các tông đồ.
Như vậy, dâng thánh lễ này, chúng ta hướng
về đền thờ là trung tâm của mọi đền thờ để tạ ơn Chúa, và cũng để nhận ra rằng,
mỗi người chúng ta cũng đều là đền thờ của Chúa.
Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối
để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.
BÀI GIẢNG
ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA
Kính
thưa cộng đoàn! Cộng đoàn có biết chương trình ca nhạc Thúy Nga Paris by night
không? Đó là một chương trình ca nhạc rất nổi tiếng ở hải ngoại. Có lẽ giám đốc
của trung tâm Thúy Nga là người đạo Công Giáo, nên mỗi dịp lễ Giáng Sinh thường
hay hỗ trợ, giúp các nhà thờ có một đêm văn nghệ thánh ca. Thường thì chương
trình này được tổ chức trên gian cung thánh của một nhà thờ nào đó.
Nhiều
người không đồng ý, cho rằng tổ chức văn nghệ múa nhảy trên gian cung thánh là
không tôn nghiêm trước thánh nhan Chúa. Tại sao người ta lại nói như vậy?
Thưa,
là vì nhà thờ là nơi qui tụ dân Chúa, là nơi các tín hữu tới cầu nguyện và lãnh
nhận các bí tích. Nhưng quan trọng hơn, nhà thờ là nơi Chúa ngự, là nơi Mình
Máu Thánh Chúa luôn hiện diện, là nơi dân Chúa lãnh nhận muôn vàn ơn huệ, muôn
vàn hồng ân của Chúa. Chứ không phải là nơi của những việc phàm tục.
Ngay
từ thời Chúa Giê-su, đền thờ là nơi trang nghiêm nhất, nơi thờ phượng Thiên
Chúa. Nơi này không được làm những gì phàm tục. Bài Tin mừng hôm nay trình bày
rất rõ cho chúng ta điều đó. Khi những người Do thái lợi dụng đền thờ để buôn
bán, trao đổi…Chúa đã rất nóng giận dùng dây làm roi và đạp đổ hết đồ đạc của họ:
Đừng biến nhà cha tôi thành nơi buôn bán (Ga 2, 16).
Qua
hành động này của Chúa, chúng ta thấy được tầm quan trọng của nhà thờ. Nơi đó
là nhà Chúa, là nơi được thánh hiến để phụng thờ Chúa chứ không được làm những
việc phàm tục.
Nhiều
lần con để ý, có rất nhiều người khi đi ngang qua nhà thờ dù chạy xe hay đi bộ
thì cũng cúi đầu chào. Có người thì chậm rãi, sốt sắng, có người chạy xe honda
cũng ráng gật một cái. Điều đó rất đúng vì chúng ta có lòng tôn kính nhà thờ.
Tuy
vậy, sự tôn kính ấy chưa thật sự trọn vẹn. Bởi có một đền thờ khác cũng quan trọng
không kém nhà thờ. Đó chính là tâm hồn của mỗi người chúng ta. Thật vậy, trong
thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô nói rõ: Anh em chẳng biết rằng,
anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?
Vì đền thờ Thiên Chúa chính là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em (x. 1Cr
3, 16-17).
Hơn
nữa, thánh Eymard cả một đời tìm kiếm Phòng tiệc ly, nơi Chúa đã cử hành bữa tiệc
cuối cùng để chầu Chúa 24/24, nhưng ngài đã không thành công. Trong lúc tĩnh
tâm tại Rô-ma, ngài đã được Chúa soi sáng để khám phá ra rằng, mỗi người chúng
ta chính là một Phòng Tiệc Ly, nơi có Chúa ngự trị - PHÒNG TIỆC LY NỘI TÂM.
Như
vậy, ngoài nhà thờ là nơi Chúa ngự thì mỗi người chúng ta cũng là một đền thờ,
một phòng tiệc ly của Chúa. Chính vì thế, nếu chúng ta tôn kính nhà thờ bao
nhiêu thì chúng ta cũng phải tôn kính bản thân mình bấy nhiêu. Do đó, chúng ta
được mời gọi hãy biết sửa đổi tâm hồn mình cho xứng đáng để Chúa ngự vào. Bên cạnh
đó, chúng ta cũng phải biết tôn trọng thân xác của người khác.
Đặc
biệt nhất là trong đời sống hôn nhân, nhất là giới trẻ ngày nay,. Thánh Phao-lô
nói rất mạnh: anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thánh
Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã
ban cho anh em” (1Cr 6,19). Lạm dụng thân xác mình là làm cho đền thờ của Thánh
Thần ra ô uế. Và nếu ai làm cho đền thờ này ra ô uế, là phá huỷ đền thờ của
Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người đó (1Cr 3,17). Phaolô cũng viết
trong thư Ephêsô: phạm tội tà dâm là “làm phiền lòng Thánh Thần” (Ep 4,30). Các
bạn trẻ, và cả những người đang sống trong đời sống vợ chồng cũng hãy ý thức điều
này. Thân xác của vợ, hay chồng là đến thờ của Thiên Chúa chứ không phải là nơi
để chúng ta thỏa mãn bản năng. Vì thế, vợ chồng cũng được mời gọi sống khiết tịnh
để qua đó, dành chính thân xác mình trong việc phụng sự Thiên Chúa.
Nói
tóm lại, trong ngày lễ kính mừng ngày cung hiến thánh đường La-tê-ra-nô mỗi người
chúng ta được nhắc nhớ bản thân mình chính là đến thờ của Thiên Chúa. Khi chúng
ta phạm tội, là chúng ta đang xúc phạm đến chính Thiên Chúa đang ngự trong tâm
hồn chúng ta. Vậy chúng ta phải giữ cho đền thờ tâm hồn phải trong sạch bằng
cách siêng năng đến với Chúa nơi Bí tích Hòa giải và bí tích Thánh Thể để được tẩy
rửa, chữa lành và biến đổi. Amen.
Lm.
Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét