Chúa nhật 32 TN – B – CĐ
1V 17,10-16; Dt 9, 24-28; Mc
12, 41-44
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
Kính thưa cộng đoàn! Hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật 32
Thường niên. Sứ điệp Lời Chúa nhấn mạnh đến tinh thần phó thác tuyệt đối vào
Thiên Chúa. Bài Tin mừng tường thuật lại việc Chúa Giê-su quan sát người ta bỏ
tiền vào thùng tiền của đền thờ. Những người giàu bỏ rất nhiều, nhưng đó chỉ là
bỏ những của dư thừa, còn có một bà góa, tuy bỏ rất ít nhưng đó là tất cả gia tài
của bà. Qua đó, Chúa dạy cho mỗi người chúng ta phải biết tín thác vào bàn tay
quan phòng của Thiên Chúa, phải dâng cho Chúa ngay chính mạng sống của mình.
Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành
Mầu Nhiệm Thánh.
BÀI GIẢNG
NỖI OAN NGƯỜI GIÀU
Kính thưa cộng đoàn! Nhiều lần Chúa Giê-su giảng dạy về Nước Trời,
và phần lớn Người nhấn mạnh rằng: Người giàu có khó vào Nước Trời (Mt 19,24). Chẳng
hạn như dụ ngôn người phú hộ giàu có và anh La-da-rô nghèo hèn (Lc 16, 19-31),
hoặc trường hợp anh thanh niên muốn theo Chúa nhưng khi Chúa đề nghị bán tất cả
của cải mà theo thì anh ta lại sa sầm nét mặt bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải
(Mt 19), hoặc như Tin mừng hôm nay Chúa Giê-su lên án những người giàu chỉ bỏ
vào đền thờ những điều dư thừa (Mc 12, 41-44).
Xuất phát từ những dụ ngôn như thế, nên đã từ lâu, nhiều người
thường có thái độ lên án người giàu thế này thế kia, rằng chỉ có người nghèo mới
được Chúa thương yêu, rằng người giàu bán víu vào của cải nên mất hạnh phúc đời
sau…
Thiết tưởng nghĩ như thế là hoàn toàn không đúng. Vì thế dựa
theo sứ điệp Lời Chúa Chúa nhật 32 Thường niên hôm nay, xin được chia sẻ với cộng
đoàn đề tài: NỖI OAN NGƯỜI GIÀU.
1.
Nỗi oan thứ nhất –
thường xuyên bị lên án dù chẳng có lỗi lầm
gì.
Như
đã nói ở trên, rất nhiều lần Chúa Giê-su lấy gương của người giàu mà dạy cho
chúng ta. Thật ra Chúa Giê-su không có ý lên án người giàu, Chúa chỉ lên án những
ai xem của cải vật chất trọng hơn Thiên Chúa mà thôi.
Vì
thế, cách nào đó, chúng ta thường hay lên án người giàu thế này thế kia. Nhiều
cha giảng lễ, vô tình cũng khiến cho nhiều người hiểu lầm về người giàu.
Người
giàu cũng là những người như chúng ta. Họ cũng làm giàu lên từ hai bàn tay trắng,
bằng mồ hôi nước mắt của họ, bằng sự chắt chiu, tiết kiệm…
2.
Nỗi oan thứ hai –
dù làm việc lành, bố thí rất nhiều nhưng cũng bị mang tiếng là keo kệt.
Nhiều
khi chúng ta hay lên án người giàu, nhưng thiết nghĩ, nếu không có những người
giàu thì rất khó khăn để tổ chức lễ lạy, hay làm bác ái… Biết bao nhiêu hội
đoàn sinh hoạt, rồi tiền bạc chi cho nhiều thứ khác, nhất là những dịp mừng lễ
bổn mạng của giáo khu, giáo xứ…Nếu không có lòng quản đại của những người giàu
thì chắc chắc chúng ta không thể tổ chức lễ được. Có nhiều người trong giáo xứ
chúng ta, hễ có hội đoàn nào đến xin đều sẵn lòng rộng rãi chia sẻ.
Mặt
khác, nhiều người nghèo vật chất nhưng cũng nghèo cả tinh thần. Nhiều ông trùm
khi đến nhà để quyên góp tiền để tổ chức lễ bổn mạng giáo khu, có người lấy ra
được 10,000 kèm theo một câu nói: Từ mai đừng đến xin nữa! Nói mà không sợ người
ta bị xúc phạm. Bởi đi quyên góp cho công việc chung của giáo khu chứ không phải
đi ăn xin cho bản thân mình.
Đấy,
chỉ đưa ra một ví dụ điển hình như thế để cho thấy đâu phải ai giàu cũng keo kiệt..
Ngược lại, nhiều người đã nghèo vật chất mà lại còn nghèo cả tinh thần. Lẽ ra
mình không của thì mình có công, phụ giúp một tay. Nhất là trong những công việc
chung.
Kính thưa cộng đoàn! Nãy giờ chúng ta bàn về nỗi oan người
giàu. Thế thì xin được hỏi, trong thánh đường này, ai tự nhận mình là người
giàu có. Vâng! Tất cả chúng ta không ai là người giàu có thật sự cả. Chúng ta
có thể giàu về vật chất, nhưng lại thiếu thốn những thứ khác: tình yêu, hạnh
phúc, bình an…
Thế
thì việc chia sẻ một chút về nỗi oan người giàu như thế để mỗi người chúng ta
có cái nhìn đúng đắn hơn với lời Chúa dạy. Chúa không bao giờ lên án người
giàu, nhưng Chúa chỉ lên án những ai chỉ biết bám vào của cải vật chất trần
gian này mà loại trừ Chúa ra bên ngoài.
Bà
góa trong Tin mừng, và những người giàu có đều có lòng thành, đó là muốn dâng của
lễ cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự khác biệt không hệ tại ở việc cho ít hay cho
nhiều, mà hệ tại ở chỗ CHO ĐI TẤT CẢ. 2 đồng xu tuy rất ít ỏi, nhưng là tất cả
những gì bà góa có. Còn những người khác cho nhiều gấp trăm ngàn lần nhưng đó
chỉ là những của dư thừa. Không có 2 đồng xu, bà sẽ đối diện với cái chết; những
người giàu cho rất nhiều, nhưng không chết được, bởi họ còn đầy những thứ khác.
Như
vậy, khi nói lên nỗi oan của người giàu để muốn chứng minh rằng, giàu có hay
nghèo khó tự nó không phải là cái tội, tự nó không có gì đáng lên án cả. Đáng trách
là chúng ta không biết phó thác hoàn toàn, tuyệt đối chính mạng sống của chúng
ta vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
Bài
đọc 1 trích sách Các Vua quyển thứ nhất đã làm rõ điều đó. Một bà góa nghèo chỉ
có một ít bột. Bà dự định sẽ làm bánh, ăn rồi sẽ chết. Tuy vậy, khi ông Ê-li-a
xin, bà đã quảng đại cho đi tất cả. Vì thế, bà đã được Thiên Chúa làm phép lạ
ban cho hũ bột không bao giờ cạn. Và bà đã được cứu sống.
Nếu
chúng ta muốn có được sự sống đời đời, đòi buộc chúng ta phải tin tưởng, phó
thác và dâng tất cả những gì mình có, thậm chí cả mạng sống mình vào bàn tay
quan phòng của Thiên Chúa. Thật vậy, như bài đọc 2 trích thư gửi tín hữu Híp-ri
nói rõ: chúng ta chỉ có mỗi một mình Đức Giê-su là vị thượng tế vẹn toàn. Chính
Người đã thay chúng ta dâng chính mạng sống mình lên Thiên Chúa, vì thế Thiên Chúa
đã cho người sống lại từ cõi chết, trở thành trưởng tử trong số những người từ
cõi chết trỗi dậy. Vì thế, nếu muốn được sống lại như Đức Giê-su thì chúng ta
cũng phải dâng trọn cuộc đời như Người đã làm.
Nói
tóm lại, dù giàu có hay nghèo khó mỗi người chúng ta cũng được mời gọi phó dâng
cuộc đời vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Hãy dâng cho Chúa mọi thứ chúng
ta có kể cả mạng sống này để chỉ còn mỗi Chúa trong cuộc đời thôi.
Nói
điều này có vẻ dễ và êm tai, nhưng trong thực hành lại rất khó. Bởi mang thân
phận con người, chúng ta còn các tương quan, trách nhiệm với những người Chúa
đã trao phó cho chúng ta. Chúng ta không thể cái gì cũng dâng cúng cho Chúa,
cho nhà thờ hay bố thí tất cả. Chúng ta không hiểu theo nghĩa đen như thế.
Chúng ta cũng cần tiền bạc để sinh sống chứ. Nhưng Chúa muốn chúng ta hãy biết
ung dung tự tại, không ràng buộc vào những gì thuộc về thế gian này. Của cải vật
chất chỉ là phương tiện đưa chúng ta về quê trời mà thôi. Cho nên nếu có những lúc
cần chọn lựa giữa Chúa và của cải vật chất, chúng ta hãy biết khôn ngoan mà chọn
lựa Chúa. Vì đơn gian, có Chúa là có tất cả. Amen.
Lm.
Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét