LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ SỐNG VÀ CHẾT CHO CHÚA

LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ
TÔNG ĐỒ
(Cv 12, 1-11; 2Tm 4,5-8.16b.17-18)

Lời dẫn đầu lễ

        Kính thưa cộng đoàn! Hôm  nay Giáo hội long trọng mừng kính hai vị đại thánh, trụ cột của Giáo hội đó là thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ. Thánh Phê-rô được mệnh danh là tông đồ của dân Ít-ra-en, còn Phao-lô là tông đồ của dân ngoại. Hai thánh nhân có một ví trí quan trọng trong giáo hội sơ khởi, góp một phần rất lớn trong việc rao truyền Tin mừng Phục Sinh cho những con người đầu tiên ngay khi Chúa Phục sinh.
        Mừng lễ hai thánh Phê-rô và Phao-lô chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi người chúng ta biết noi gương hai thánh nhân đó là trở thành tông đồ cho Chúa ngay trong môi trường sống của mình.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

SỐNG VÀ CHẾT CHO CHÚA

        Hôm nay chúng ta mừng kính trọng thể hai thánh Phê-rô và Phao-lô. Đây quả thực là hai vị đại thánh, là cột trụ của Giáo hội, bởi các ngài đã có một vai trò rất quan trọng trong việc đưa tin mừng Phục sinh lan rộng khắp hoàn cầu.

        Khi đọc các bài đọc hôm nay có một điểm rất thú vị và dường như mâu thuẫn với đời sống thực của các ngài. Bài đọc một trích sách Công vụ tông đồ trình thuật lại cho chúng ta biết thánh Phê-rô được thiên sứ cứu thoát khỏi tay vua Hê-rô-đê. Tuy vậy, chẳng lâu sau đó, thánh Phê-rô lại bị đóng đinh ngược đầu xuống đất tại Rô-ma năm 64 dưới tay hoàng đế Nê-ra. Bài đọc 2 trích thư của thánh Phao-lô gửi ông Ti-mô-thê cho thấy ngài xác tín rằng: “Tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử, Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời.” (2Tm 4, 18). Ấy vậy mà thánh Phao-lô đã tử đạo vào năm 67.

        Điều mâu thuẫn ở đây là cả hai thánh nhân đều xác tín rằng Chúa sẽ cứu các ngài khỏi chết, ấy vậy mà các ngài vẫn chết. Vậy qua sự sống và cái chết của các ngài chúng ta học được gì?

1.     Cần phải trả lời câu hỏi: Với tôi Đức Ki-tô là ai?

Cuộc đời hai Thánh Phê-rô và Phao-lô đã sang trang mới, và các ngài chỉ sống cho Thiên Chúa khi các ngài nhận biết ra Đức Ki-tô là ai trong cuộc đời mình.

Thánh Phê-rô đại diện các tông đồ xác tín niềm tin của mình vào Đức Giê-su: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 16). Thánh Phao-lô đã được Đức Giê-su gọi đích danh trên đường đi Đa-mát để bắt bớ dân Chúa. Và chính khi ngã ngựa, Thánh Phao-lô nhận ra người mình bắt bớ là chính Đức Ki-tô. Vâng! Chỉ khi hai thánh nhân trả lời câu hỏi: “Đức Ki-tô là ai? Thì cuộc đời các ngài bước sang một trang mới, và chỉ sống cho một mình Thiên Chúa mà thôi.

Mỗi chúng ta cũng cần phải trả lời câu hỏi: “Bao nhiêu năm nay, tôi theo đạo, sống đạo, vậy với tôi, Đức Ki-tô là ai?” Một khi chúng ta trả lời được câu hỏi này, chúng ta mới có cái nhìn chính xác về Đức Giê-su để rồi có được sự thay đổi, và có một đời sống mới như hai thánh Phê-rô và Phao-lô.

2.     Thực thi sứ vụ mà Chúa trao phó

Ngay khi Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô thì Người trao cho thánh nhân nhiệm vụ cao cả đó là trở nên người nắm giữ chìa khóa Nước Trời (Mt 16,18). Còn thánh Phao-lô, một khi nhận ra bấy lâu nay mình đã bắt hại Đức Giê-su qua việc bắt hại các tín hữu thì ngài đã trở thành một tông đồ nhiệt thành mang tin mừng Phục sinh đến cho dân ngoại. Và cả cuộc đời, từ khi nhận ra Đức Giê-su là ai, từ khi được Người trao phó sứ vụ, các ngài chỉ sống là thực thi sứ vụ mà Chúa đã trao phó cho mình mà thôi.

Mỗi chúng ta, chắc hẳn cũng đã được Chúa trao cho một sứ vụ nào đó. Có thể đó không phải là một sứ vụ to lớn như hai thánh tông đồ, nhưng việc đặt để chúng ta vào trong gia đình nhỏ bé thì chúng ta hãy thực thi sứ vụ là loan truyền tin mừng Phục sinh cho các thành viên ngay trong gia đình của mình, hoặc rộng hơn là cho giáo xứ, môi trường chúng ta đang sống. Chỉ đơn giản không cần nói nhiều nhưng bằng đời sống bác ái, phục vụ.

3.     Sống và chết cho Chúa

“Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.” (Rm 14, 8) Thánh Phao-lô đã dạy cho các tín hữu Rô-ma như thế, và ngài, hay thánh Phao-lô, hay bất kỳ một vị thánh nào đi chăng nữa thì cuộc đời của các ngài đã trao phó cho bàn tay quan phòng của Chúa rồi, nên sống hay chết các ngài đều chỉ vì Chúa mà thôi. Thế nên, cho dầu các ngài đã được Chúa cứu sống khỏi vòng vây của sự dữ thì các ngài cũng ca tụng Chúa; nhưng đến lúc, Chúa muốn các ngài dùng cái chết để làm chứng cho Chúa thì các ngài cũng vui vẻ chấp nhận.

Liệu mỗi chúng ta các dám sống và chết cho Chúa hay không? Đừng vội trả lời, nhưng để thời gian kiểm chứng. Chúng ta còn nhiều dịp để chỉ mình chúng ta khi đối diện với Đấng Giàu Lòng Xót Thương chúng cha sẽ trả lời cho Người.

Nói tóm lại, mừng kính lễ hai thánh Phê-rô và Phao-lô chúng ta được dịp nhìn lại cuộc đời các ngài. Trước hết, các ngài chỉ là những con người hết sức bình thường, thậm chí học thức còn thua cả chúng ta, nhưng một khi chính các ngài xác định được Đức Giê-su là ai thì cuộc đời của các ngài đã sang trang mới. Từ đây, dù sống, dù chết các ngài vẫn một lòng tín thác vào Chúa và không ngừng loan truyền Tin mừng Phục Sinh cho muôn người.

Mừng lễ kính hai đại thánh, mỗi chúng ta cũng phải bắt chước các ngài qua việc đặt lại câu hỏi:  Với tôi, Đức Giê-su là ai? Chỉ khi nào chúng ta trả lời được câu hỏi này cách rốt ráo thì cuộc đời chúng ta mới sang trang mới, và lúc đó, chúng ta cũng có thể xác tín như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ  TÔNG ĐỒ
(Cv 12, 1-11; 2Tm 4,5-8.16b.17-18)

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét