CHÚA NHẬT XII TN – A – CĐ
Gr20,10-13; Rm5,12-15; Mt10,26-33
“NÊN SỢ VÀ ĐỪNG
SỢ”
Cộng đoàn
Phụng vụ thân mến, trong cuộc sống chúng ta sợ hãi rất nhiều điều, tuy vậy con
xin được chia thành ba nỗi sợ hãi:
Nỗi sợ thứ nhất: Sợ mất mâm cơm, hay còn gọi
là sợ nghèo.
Thật vậy, ai mà chẳng muốn cuộc sống của gia đình mình
được sung túc, giàu sang. Vì thế mà chúng ta phải lao động cật lực không chỉ để
có ba bữa cơm mà còn phải chi tiêu nhiều thứ khác. Đó còn chưa kể chúng ta phải
dành dụm cho tương lai, cho con cái sau này. Giáo xứ chúng ta con thấy làm kinh
tế đa phần là xây phòng trọ. Hàng tuần con hay đi đọc kinh với các bạn di dân
nhiều khi vào phòng của các bạn con tự đặt câu hỏi tại sao chủ nhà này có thể để
cho các bạn sống trong một căn phòng mà không ra cái phòng, hôi thối mùi nhà vệ
sinh, nóng bức ngột ngạt đến như thế. Dĩ nhiên khi được hỏi thì chẳng có bạn
nào dám than cả. Nhiều bạn tặc lưỡi “tiền nào của đó mà thầy. Tụi em chịu khổ
tý, dư ít tiền gửi về nhà cho ba má.” Nói vậy thôi chứ ánh mắt cũng len lên một
sự cay đắng nào đó. Cộng đoàn thân mến, thử hỏi nếu không có công nhân thì chắc
hẳn cuộc sống của nhiều người trong xứ chúng ta cũng không ổn định và nếu không
muốn nói là sung túc như hiện nay.
Hoặc với những ai buôn bán ngoài chợ, có phải vì nỗi sợ
hãi trước miếng cơm manh áo mà chúng ta buôn bán thực phẩm bẩn, không rõ nguồn
gốc, hoặc chỉ biết thu lợi…
Như vậy, liệu rằng nỗi sợ hãi và kinh tế, về chén cơm
manh áo có đang làm cho chúng ta trở nên ích kỷ lắm không? Thưa cộng đoàn.
Nỗi sợ thứ hai: sợ mất danh dự, thể diện
Nhiều gia
đình vợ chồng sứt mẻ, ngoại tình, rượu chè, cờ bạc, nhưng khi được hỏi thì cứ
tươi cười: “chồng em tốt lắm, hay vợ em chu đáo lắm.” Nhiều nhà con cái hoang
đàng, lêu lổng bỏ học, bỏ nhà thờ nhà thánh vậy mà khi được hỏi thì thản nhiên
trả lời: “cháu nhà em ngoan lắm.” Vâng! Chỉ vì sợ mất danh dự, giữ thể diện mà
chúng ta chịu trận, không dám bày tỏ chuyện gia đình cho người khác, hoặc nhờ
giúp đỡ. Đến khi mọi chuyện không thể dấu được nữa, không thể hàn gắn được nữa
thì mới chạy đến các cha các thầy cầu nguyện như một phương thức giải quyết vấn
đề tốt nhất. Để rồi tự an ủi rằng mình đã cố gắng hết sức, rằng không phải lỗi
tại tôi.
Như vậy,
liệu rằng nỗi sợ hãi vì danh dự và thể diện có làm cho chúng ta sống ảo quá
không? Thưa cộng đoàn.
Nỗi sợ thứ ba: sợ mất tình yêu, mất lòng
Nhiều khi
thấy người mình yêu có tật xấu nào đó mà chúng ta không dám nói. Sợ nói ra chồng
mình, vợ mình buồn, hay người yêu của mình buồn, sợ làm họ tổn thương. Hoặc khi
thấy hàng xóm làm ăn bất chính, mất công bằng, bác ái chúng ta cũng im lặng vì
sợ mất lòng.
Như vậy,
liệu rằng nỗi sợ mất lòng có làm cho chúng ta đồng thuận với cái xấu và tội ác
không? Thưa cộng đoàn.
Cộng đoàn
Phụng Vụ thân mến, trên đây là ba nỗi sợ hãi tiêu biểu mà trong cuộc sống chúng
ta thường gặp phải. Thật ra tất cả những nỗi sợ hãi đó chính là cái bẫy của mà
quỷ giăng ra mà thôi. Ma quỷ rất khôn ngoan và lừa lọc. Chúng làm cho chúng ta
cảm thấy sợ hãi trước những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống. Nếu chúng ta
không cảnh giác, thì thay vì chúng ta làm chứng cho Chúa lại cộng tác với ma quỷ
để cái xấu và sự dữ ngày càng lan rộng.
Thật vậy, chính những nỗi sợ hãi mà ma quỷ gieo lên đó
làm cho chúng ta chỉ biết an phận, ích kỷ, chỉ biết gom góp cho mình, bảo vệ
quyền lợi của gia đình mình. Để rồi, cách nào đó chúng ta để cho sự bất công,
cái xấu, sự gian dối, ích kỷ, thiếu bác ái ngày càng lan rộng trong cuộc sống. Không
những thế nhiều người trong chúng ta lại nghĩ rằng việc sợ hãi, và biết lo cho
cuộc sống là chuyện chính đáng nên càng cầu xin Chúa nhiều hơn như những lời
trích sách Tiên tri Giêrêmia: “Con nghe
biết bao người vu cáo: hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi. Tất cả những bạn bè thân
thích đều rình xem con vấp ngã…”(Gr20,10)
Vâng! Thưa cộng đoàn, chúng ta có rất nhiều lý do để sợ,
nhưng quan trọng Chúa nhấn mạnh rằng: “Phàm
ai tuyên bố nhận thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng tuyên bố nhận người ấy
trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn những ai chối Thầy trước mặt thiên
hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”
(Mt10,32-33) Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta để cho sự sợ hãi làm chủ và bao
chùm lấy cuộc đời chúng ta, để rồi chúng ta không dám đứng lên làm chứng cho
Chúa một cách nào đó chúng ta đang chối Chúa. Làm chứng cho Chúa ở đây không phải
rao giảng, hoặc đi truyền đạo nhưng làm chứng bằng chính đời sống của chúng ta.
Đó là đời sống không bị những nỗi sợ về kinh tế, danh dự, thể diện kìm kẹp, bao
trùm.
Chúa
Giêsu khẳng định những nỗi sợ hãi trên không đáng để sợ. Vì đó chỉ là những nỗi
sợ hãi từ bên ngoài, thể xác, ngoại tại. Chúng ta có gom góp, thu vén cho mình
nhưng cuối cùng chết đi chúng ta còn lại gì? Chúa Giêsu đưa ra một nỗi sợ hãi
mà chúng ta cần biết sợ đó là biết sợ Thiên Chúa là Đấng không chỉ giết được thể
xác mà còn giết được cả linh hồn. Vâng! Sợ mất cả thể xác và linh hồn đó là nỗi
sợ mà chúng ta cần biết sợ. Danh dự, tiền bạc, tình yêu có đấy nhưng khi chết
chúng ta không mang theo được. Không những thế, tiền bạc còn là những cản trở
chúng ta trên đường về nhà Chúa.
Như vậy, sứ điệp Lời Chúa trong Chúa nhật 12 hôm nay
Chúa nhắc chúng ta cần phân định điều nào đáng sợ hãi, điều nào không nên sợ. Đừng
để mình bị mắc bẫy của ma quỷ khi mà chỉ vì sợ điều này điều kia mà chúng ta để
cho bất công, ích kỷ, sự gian dối, tội lỗi ngày càng lan rộng trong cuộc sống.
Chúng ta không nên quá lo lắng, sợ hãi trước những nhu cầu của bản thân như tiền
bạc, tình yêu, danh dự nhưng trước hết hãy biết kính sợ một mình Thiên Chúa, là
Đấng có thể giết chết cả thể xác và linh hồn. Đấng ấy đầy lòng thương xót, Người
sẽ tha thứ tất cả nếu chúng ta biết bỏ mọi sự mà theo Người. Amen
MAPHUC,SSS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét