GIỚI TRẺ SỐNG TINH THẦN TỬ ĐẠO


Chúa nhật 33 TN – Kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
(2Mcb 7, 1.20-29; Rm 8, 31-39; Lc 9, 23-26)
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật 33 thường niên, kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
        Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã anh dũng hy sinh mạng sống mình, quyết bảo vệ đức tin để làm sáng danh Chúa. Máu của các ngài đã trở nên phân bón, khiến hạt giống đức tin nơi chúng ta được nảy nở và phát triển.
        Chúng ta, những người còn trẻ, được mời gọi noi gương các bậc cha anh, để rồi qua từng ngày sống, chúng ta cũng biết hy sinh bản thân qua đời sống bác ái yêu thương để làm chứng cho danh Chúa.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

SÁM HỐI
1.   Lạy Chúa, Chúa chính là vị tử đạo trỗi vượt trên muôn vàn các thánh tử đạo, hy sinh mạng sống để chúng con được sống – Xin Chúa thương xót chúng con.

2.   Lạy Chúa, Chúa đã thêm sức cho Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, để các ngài đủ can đảm hy sinh mạng sống quyết làm vinh danh Chúa – Xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con.

3.   Lạy Chúa, Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để dưỡng nuôi và bổ sức cho chúng con, qua đó, chúng con có sức mạnh mà làm chứng cho Chúa trong đời sống của mình – Xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót và dẫn đưa chúng con đến sự sống muôn đời.


GIỚI TRẺ SỐNG TINH THẦN TỬ ĐẠO

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ và các bạn trẻ thân mến! Nếu ngày nay chúng ta vẫn bị bắt bớ và cấm cách đạo như trước kia, thì cha tin chắc rằng rất nhiều bạn trẻ dám hy sinh thân mình để bảo vệ đức tin. Nhưng tiếc rằng, cơ hội tử đạo như thế không còn nữa.
Vậy, chúng ta phải làm chứng cho Chúa bằng cách nào đây?
Thưa, chúng ta phải làm chứng cho Chúa bằng chính lối sống của chúng ta. Lối sống đó phải là lối sống thắm đượm tinh thần tử đạo. Vì thế, xin được chia sẻ với cộng đoàn, cách riêng là các bạn trẻ đề tài: GIỚI TRẺ SỐNG TINH THẦN TỬ ĐẠO.
       
1.   SỐNG CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI BẢN THÂN, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI, VÀ VỚI CHÚA.
Trước hết, sống tinh thần tử đạo nghĩa là chúng ta phải sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Chúa Giê-su được sinh ra là để sống cho một sứ mạng cao cả. Và cả cuộc đời Người chỉ sống cho sứ mạng đó mà thôi. Trách nhiệm của Chúa là làm sao đưa nhân loại trở về với với cội nguồn của mình là Thiên Chúa: “Lạy Cha chí thánh xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha, mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. (Ga 17,11).
Các Thánh Tử Đạo đã sống trọn vẹn trách nhiệm của mình. Chắc chắn các ngài không chỉ chu toàn trách nhiệm với gia đình, mà quan trọng là các ngài chu toàn trách nhiệm với Thiên Chúa. Cho dầu bị giết chết, các ngài vẫn quyết tâm bảo vệ Danh Chúa. Qua cái chết của mình, các ngài góp phần làm cho Danh Chúa được rạng tỏ.
Ngày nay, nhiều bạn trẻ sống thiếu trách nhiệm với bản thân qua việc sống vô mục đích, hường thụ, thực dụng; thiếu trách nhiệm với gia đình, và xã hội khi không biết tự trưởng thành, không biết tự lập, sống ích kỷ, vô cảm; thiếu trách nhiệm với Chúa trong việc làm không những sa sút trong đời sống đạo mà còn gây cớ vấp phạm cho người khác trong việc sống thiếu bác ái, yêu thương.
Vì thế, sống tinh thần tử đạo trước hết những người trẻ phải sống có trách nhiệm với chính mình, với gia đình – xã hội và với Chúa.

2.   DÁM HY SINH BẢN THÂN
Tinh thần thứ hai là dám hy sinh bản thân. Chúa Giê-su đã hy sinh chính đời sống của mình để cứu chuộc nhân loại. Người vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân phận con người. Không những thế, Người lại còn hy sinh chính thân mình để mang lại sự sống cho nhân loại.
Các thánh tử đạo là người đã noi gương hy sinh của Chúa cách triệt để. Trước sự chọn lựa nếu muốn sống thì phải chối Chúa, còn không chối Chúa thì sẽ chết. Các ngài đã dám hy sinh mạng sống mình, quyết không từ chối Chúa. Bài đọc một trích sách Ma-ca-bê quyển thứ hai cho ta thấy được tinh thần anh dũng của những người trẻ, dám hy sinh mạng sống mình, quyết không chối bỏ Thiên Chúa.
Nhiều bạn trẻ ngày này không bao giờ biết hy sinh bởi nhiều người nghĩ rằng: Hy sinh là một thứ gì đó thiệt thòi, mất mát. Thế nên, đã xảy ra trong giới trẻ một lối sống ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ, đòi buộc người khác phải phục vụ mình thay vì mình hy sinh cho một ai đó.
Nếu các bạn trẻ có tinh thần hy sinh thì chắc chắn đời sống của các bạn sẽ trở thành chứng nhân cho Chúa giữa xã hội vô thần hiện nay.

3.   LÀM VIỆC BÁC ÁI
Tinh thần tử đạo chính là một đời sống bác ái, yêu thương. Bác ái nghĩa là phải biết yêu thương tha nhân. Điều này được rút ra từ những bài giảng của Chúa. Thật vậy, mến Chúa yêu người là giới răn tóm gọn toàn bộ lề luật.
Các Thánh Tử Đạo chắc chắn là những người đã sống trọn vẹn giới răn yêu thương. Yêu thương đã trở thành nếp sống của các ngài. Qua đó, vì yêu thương được những con người hữu hình, nên các ngài cũng đã yêu thương được Thiên Chúa là Đấng vô hình. Như lời thánh Gioan trích trong thư thứ nhất của mình đã nói: Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. (1Ga 4, 20).
Giới trẻ phải là những người đi đầu trong việc sống bác ái yêu thương. Đó không chỉ là lý thuyết mà phải là việc làm cụ thể. Qua việc biết chia sẻ, giúp đỡ người khác. Ngày nay, nhiều bạn trẻ sống thác loạn, để cho bản năng và tình dục làm chủ. Vì thế đã gây ra biết bao tệ nạn trong đời sống. Là những người trẻ Công Giáo, chúng ta được mời gọi trở thành những chứng nhân cho mọi người qua đời sống bác ái yêu thương.

Nói tóm lại, mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, mỗi người chúng ta được mời gọi noi gương bắt chước tinh thần tử đạo của các ngài. Tử đạo ngày nay không còn lên pháp trường để chịu chết nữa, mà tử đạo phải được thể hiện qua chính đời sống của chúng ta. Đó là một đời sống có trách nhiệm, chịu thiệt thòi để hy sinh và biết làm việc bác ái.
Nêu chúng ta làm được như thế trong đời sống của mình, chắc chắn rằng, sau khi từ giã cuộc sống này, chúng ta sẽ được Chúa trao cho cành thiên tuế chiến thắng như Chúa đã trao cho Các Thánh Tử Đạo vậy.
Xin được kết thúc bài chia sẻ này với các khẩu hiệu mà Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Hà Nội tại Hải Phòng đã đưa ra chỉ cách đây ít ngày:
1.   Giới trẻ Công giáo nói không với sống thử.
2.   Giới trẻ Công giáo nói không với bạo lực.
3.   Giới trẻ Công giáo nói không với hận thù ghen ghét.
4.   Giới trẻ Công giáo nói không với chối bỏ đức tin.
5.   Giới trẻ Công giáo nói không với sống vô cảm.
6.   Giới trẻ Công giáo nói không với bỏ lễ Chúa nhật.
7.   Giới trẻ Công giáo nói không với ly hôn.
8.   Giới trẻ Công giáo nói không với ma túy.
9.   Giới trẻ Công giáo nói không với cờ bạc.
10.                     Giới trẻ Công giáo nói không với lười biếng.
Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share:

CẦU NGUYỆN LIÊN LỶ


Thứ Bảy tuần 32 TN
3Ga 5,8; Lc 18, 1-8
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Nhiều lần Chúa Giê-su dạy các tông đồ cầu nguyện, chẳng hạn như Người dạy Kinh Lạy Cha. Tin mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta thái độ cần có khi cầu nguyện. Đó chính là kiên trì khi cầu nguyện.
        Dâng thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi người chúng ta, là những tu sĩ cần phải biết xây dựng đời mình trên những lời cầu nguyện.
        Giờ đây chúng ta cùng dâng lên Chúa những thánh vịnh trong giờ kinh sáng.


BÀI GIẢNG
CẦU NGUYỆN LIÊN LỶ
        Kính thưa cộng đoàn! Cầu nguyện chính là hơi thở trong đời sống của một ki-tô hữu. Vậy mà nhiều người nói rằng: cha ơi con không cầu nguyện làm sao hết, cha chỉ cho con cách nào cầu nguyện đi… Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo đưa ra cho chúng ta ba hình thức cầu nguyện khác nhau: Khẩu nguyện; suy niệm; và chiêm niệm.

1.   Khẩu nguyện:
Nghĩa là cầu nguyện ra bằng môi miệng. Khẩu nguyện là yếu tố rất cần thiết cho đời sống ki-tô hữu. Chúa Giê-su dạy chúng ta khẩu nguyện bằng KINH LẠY CHA. Vì khẩu nguyện là phát biểu ra bên ngoài và hợp với bản tính nhân loại, nên rất thích hợp với việc cầu nguyện của đám đông.

2.   Suy niệm:
Trước tiên suy niệm là một sự tìm kiếm. Con người đi tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong thinh lặng. Thông thường người ta thường dùng quyển sách nào đó để hỗ trợ, phần lớn là các sách Thánh. Việc suy niệm cần vận dụng tư tưởng, trí tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn.

3.   Chiêm niệm:
Thánh Tê-rê-sa Avila cho rằng: Chiêm niệm hay tâm nguyện không gì khác hơn là cuộc trao đổi thân tình giữa bạn hữu, trong đó chúng ta năng dành thời gian để ở một mình với Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta biết Ngài luôn yêu thương chúng ta.

Như vậy, có ba cách thức cầu nguyện khác nhau. Tùy mỗi hoàn cảnh  mà chúng ta sử dụng cách thức cầu nguyện nào cho phù hợp.

Thế nhưng, điều quan trọng trong cầu nguyện không phải chúng ta dùng cách thức nào, hay chúng ta cầu nguyện bao nhiêu lần một ngày mà chúng ta có cầu nguyện liên lỷ hay không?
Điều đó đã được Đức Giê-su nhấn mạnh trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe. Chúa kể cho chúng ta dụ ngôn về một bà góa nài xin ông quan tòa. Ông ta vốn là người chẳng biết kính sợ Thiên Chúa, nhưng vì bà góa cứ nài nỉ mãi, cuối cùng ông cũng siêu lòng mà giúp đỡ bà ta.
Ông quan tòa vốn là kẻ bất lương là còn động lòng trước sự van nài liên lỷ của bà góa, huống hồ Thiên Chúa là Cha chúng ta, là Đấng đầy lòng thương xót, lẽ nào Người lại chối từ lời cầu nguyện liên lỷ của chúng ta.
Là những tu sĩ sống đời dâng hiến, mỗi người chúng ta được mời gọi phải biến đổi con người mình thành một con người của cầu nguyện. Con người của cầu nguyện không đơn giản là chúng ta cầu nguyện nhiều hay ít, nhưng cầu nguyện phải là hơi thở, là nếp sống, là cùng đích của đời sống chúng ta.
Cầu nguyện không phải là xin thứ này thứ kia cho bản thân mình, hay xin cho người khác, nhưng cầu nguyện đích thực là giây phút chúng ta sống thân tình với Thiên Chúa trong tương quan Cha – con. Mỗi chúng ta cần phải ý thức rằng, tôi có một người Cha, rất mực yêu thương tôi. Cha tôi cho tôi mọi thứ tốt đẹp nhất, và tôi có nhiệm vụ là sống theo thánh ý của Người.

Nói tóm lại, qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta phải biết cầu nguyện liên lỷ không ngừng. Điều này không dễ thực hành đâu. Do vậy, chúng ta cần phải thực tập việc cầu nguyện thường xuyên để trở thành lối sống của chúng ta. Một lối sống khiến chúng ta khác biệt với những người khác. Chính nhờ cầu nguyện mà chúng ta trở thành những máng truyền, chuyển ơn Chúa đến cho bản thân và tha nhân. Amem.
Lm. Mar – aug Bùi Văn Hồng Phúc, sss



Share:

NGÀY TẬN THẾ SẼ NHƯ THẾ NÀO?


Thứ Sáu tuần 32 TN – CĐ
(2Ga 4,9; Lc 17, 26-37)
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Những ngày cuối năm Phụng vụ, Lời Chúa ít nhiều nhắc nhớ chúng ta về Ngày Cánh Chung – Ngày Chúa đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Gọi nôm na là ngày tận thế. Đứng trước ngày tận thế, mỗi người chúng ta được mời gọi tinh thần sẵn sàng, không sợ hãi. Bởi ngày tật thế không phải là ngày sự chết chiến thắng mà là ngày Chúa của chúng ta đến, mang chúng ta về với Ngài là nơi có sự sống vĩnh cửu.
        Dâng thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng đón chào Chúa đến.
        Trong tháng 11 chúng ta được mời gọi cầu nguyện cách đặc biệt cho các linh hồn. Trong số đó có những người thân của chúng ta bằng những lời kinh và những hy sinh.
        Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.


BÀI GIẢNG
NGÀY TẬN THẾ SẼ NHƯ THẾ NÀO?
        Kính thưa cộng đoàn! Con có một cô em họ sống bên Mỹ. Cô em này theo một nhóm lạc giáo, lúc nào cũng loan truyền ngày tận thế gần kề rồi. Năm 2012, nhóm lạc giáo này tin rằng vào ngày 12/12/2012 sẽ tận thế, nên hẹn nhau đến một nơi để chờ ngày tận thế. Nhưng đến ngày đó, và qua ngày hôm sau nữa vẫn chưa thấy tận thế, nên nhiều người trong nhóm này đã tự tử. Rất may là cô em của con không tham dự ngày hôm đó.
        Thật vậy, ai trong chúng ta cũng tò mò, và sợ hãi xem ngày tận thế sẽ như thế nào. Trước đây nhiều người đồn đoán rằng, năm 2000 sẽ là ngày tận thế. Rồi sau khi năm 2000 qua đi, người ta lại đưa ra một dự đoán năm 2012 sẽ là ngày tận thế. Và thế là mỗi khi nghi ngờ ngày tận thế sẽ đến, người la bắt đầu dự trữ nào là mì gói, nước uống rồi nến làm phép…
        Những ngày cuối năm Phụng vụ này, Mẹ Giáo hội cho chúng ta nghe những bài Tin mừng nói về ngày tận thế, Ngày Cánh Chung. Vậy, ngày tận thế là ngày nào? Và chúng ta phải có thái độ như thế nào khi ngày tận thế đến?
        Câu hỏi thứ nhất: Ngày tận thế hay Ngày Quang Lâm là ngày nào?
1.   Trước hết, Ngày Quang Lâm là gì?
Thưa! Ngày Quang Lâm chính là ngày Phán Xét Cuối Cùng (GLHTCG, số 1038). Ngày đó Đức Ki-tô sẽ đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu…các dân thiên hạ sẽ được tụ tập trước mặt Người; và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê, Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê thì bên trái…Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sữ sống đời đời (x.Mt 25, 31-46).

2.   Ngày tận thế không ai biết ngoại trừ một mình Chúa Cha.

Chúa Giê-su đã nói như thế khi các tông đồ thắc mắc về ngày tận thế: Còn về ngày giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không biết, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi (x. Mc 13, 24032).
Sách Công vụ tông đồ cho chúng ta biết thêm: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt.” (x. Cv 11,7).
Vì thế, tất cả những gì người ta dự đoán về ngày tận thế thì không đúng với đức tin của chúng ta. Vì thế, đừng bao giờ để cho đức tin của chúng ta bị lung lay khi nghe theo một tin đồn nào đó về ngày tận thế.

3.   Ngày tận thế sẽ đến bất ngờ.

Nhiều khi chúng ta cứ đoán già đoán non xem ngày tận thế đến khi nào rồi chuẩn bị thực phẩm, đồ dùng…Điều đó vô ích và hão huyền. Bởi ngày ấy đến như kẻ trộm và không ai có thể sống sót. Ngày đó các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu hủy. (x. 2Pr 3, 10). Ngày đó, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển…(Mc 13, 24-26).
Như vậy, Ngày Quang Lâm, hay ngày tận thế là ngày không ai biết ngoại trừ một mình Chúa Cha và ngày ấy sẽ đến bất ngờ.

Câu hỏi thứ hai: Chúng ta phải có thái độ nào trước Ngày Chúa Quang Lâm?

Chúng ta cần có hai thái độ sau:
1.   Tỉnh thức và sẵn sáng đón chào Chúa đến.

Khi giảng về Ngày Quang Lâm, Đức Giê-su đã giảng rất nhiều dụ ngôn nhằm nhấn mạnh thái độ tỉnh thức và sẵn sàng của người Ki-tô hữu trước ngày tận thế. Chẳng hạn như dụ ngôn người đầy tớ trung tín. Phúc cho những người đầy tớ ấy, vì khi chủ về bất ngờ, sẽ thưởng công xứng đáng cho anh ta (x. Mt 24, 37-44), hoặc dụ ngôn 10 cô trinh nữ đón chào chàng rễ, 5 cô dại và 5 cô khôn ngoan (x. Mt 25, 1-13).
Do vậy, Chúa mời gọi chúng ta phải luôn có tinh thần sẵn sáng và tỉnh thức cho Ngày Chúa Quang Lâm.

2.   Không sợ hãi.
Chính Đức Giê-su đã nói rất rõ trong Tin mừng:“Khi ngày ấy đến, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28). Ngày tận thế không phải là ngày hủy diệt, ngày chết chóc, ngày ma quỷ hoành hành nhưng là ngày Chúa đến để đưa muôn loài thọ tạo về với Chúa. Ngày đó, Chúa sẽ đưa chúng ta về trời, nơi chỉ có tình yêu chan hòa.
Do vậy, Nước Trời chỉ dành cho những ai khi ở đời này sống trọn vẹn giới răn yêu thương. Thật vậy, chính Chúa trước khi bước vào cuộc khổ nạn đã dạy chúng ta hãy yêu thương nhau. Vì cứ dấu này người ta sẽ nhận ra anh em là môn đệ thầy, ở chỗ anh em có lòng yêu thương nhau (x.Ga13,35). Thánh Augsutino cũng đã nói: Tình yêu thì không có sợ hãi.
Do vậy, nếu chúng ta đã sống giới răn yêu thương thì ngày Chúa đến chúng ta không có lý do nào phải sợ hãi cả.

Nói tóm lại, những ngày cuối năm phụng vụ này, Lời Chúa luôn nhắc nhở chúng ta về ngày tận thế. Ngày đó không ai biết cả, ngoại trừ một mình Đức Giê-su. Chúng ta không cần phải bận tân để biết ngày Chúa quang lâm là ngày nào, mà điều Chúa đòi hỏi là mỗi người chúng ta phải có tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng đón chào Chúa khi Chúa đến lần thứ hai.
Ước mong sao, mỗi người chúng ta luôn biết sống tỉnh thức và sẵn sàng qua lối sống bác ái yêu thương. Vì Nước Trời chỉ dành cho những ai khi còn sống ở đời này sống trọn vẹn giới răn tóm gọn muôn vàn lề luật – giới răn yêu thương. Amen.
Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Share:

NỖI OAN NGƯỜI GIÀU


Chúa nhật 32 TN – B – CĐ
1V 17,10-16; Dt 9, 24-28; Mc 12, 41-44
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật 32 Thường niên. Sứ điệp Lời Chúa nhấn mạnh đến tinh thần phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa. Bài Tin mừng tường thuật lại việc Chúa Giê-su quan sát người ta bỏ tiền vào thùng tiền của đền thờ. Những người giàu bỏ rất nhiều, nhưng đó chỉ là bỏ những của dư thừa, còn có một bà góa, tuy bỏ rất ít nhưng đó là tất cả gia tài của bà. Qua đó, Chúa dạy cho mỗi người chúng ta phải biết tín thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, phải dâng cho Chúa ngay chính mạng sống của mình.
        Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.


BÀI GIẢNG
NỖI OAN NGƯỜI GIÀU
        Kính thưa cộng đoàn! Nhiều lần Chúa Giê-su giảng dạy về Nước Trời, và phần lớn Người nhấn mạnh rằng: Người giàu có khó vào Nước Trời (Mt 19,24). Chẳng hạn như dụ ngôn người phú hộ giàu có và anh La-da-rô nghèo hèn (Lc 16, 19-31), hoặc trường hợp anh thanh niên muốn theo Chúa nhưng khi Chúa đề nghị bán tất cả của cải mà theo thì anh ta lại sa sầm nét mặt bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải (Mt 19), hoặc như Tin mừng hôm nay Chúa Giê-su lên án những người giàu chỉ bỏ vào đền thờ những điều dư thừa (Mc 12, 41-44).
        Xuất phát từ những dụ ngôn như thế, nên đã từ lâu, nhiều người thường có thái độ lên án người giàu thế này thế kia, rằng chỉ có người nghèo mới được Chúa thương yêu, rằng người giàu bán víu vào của cải nên mất hạnh phúc đời sau…
        Thiết tưởng nghĩ như thế là hoàn toàn không đúng. Vì thế dựa theo sứ điệp Lời Chúa Chúa nhật 32 Thường niên hôm nay, xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài: NỖI OAN NGƯỜI GIÀU.
1.   Nỗi oan thứ nhất –  thường xuyên bị lên án dù chẳng có lỗi lầm gì.
Như đã nói ở trên, rất nhiều lần Chúa Giê-su lấy gương của người giàu mà dạy cho chúng ta. Thật ra Chúa Giê-su không có ý lên án người giàu, Chúa chỉ lên án những ai xem của cải vật chất trọng hơn Thiên Chúa mà thôi.
Vì thế, cách nào đó, chúng ta thường hay lên án người giàu thế này thế kia. Nhiều cha giảng lễ, vô tình cũng khiến cho nhiều người hiểu lầm về người giàu.
Người giàu cũng là những người như chúng ta. Họ cũng làm giàu lên từ hai bàn tay trắng, bằng mồ hôi nước mắt của họ, bằng sự chắt chiu, tiết kiệm…

2.   Nỗi oan thứ hai – dù làm việc lành, bố thí rất nhiều nhưng cũng bị mang tiếng là keo kệt.
Nhiều khi chúng ta hay lên án người giàu, nhưng thiết nghĩ, nếu không có những người giàu thì rất khó khăn để tổ chức lễ lạy, hay làm bác ái… Biết bao nhiêu hội đoàn sinh hoạt, rồi tiền bạc chi cho nhiều thứ khác, nhất là những dịp mừng lễ bổn mạng của giáo khu, giáo xứ…Nếu không có lòng quản đại của những người giàu thì chắc chắc chúng ta không thể tổ chức lễ được. Có nhiều người trong giáo xứ chúng ta, hễ có hội đoàn nào đến xin đều sẵn lòng rộng rãi chia sẻ.
Mặt khác, nhiều người nghèo vật chất nhưng cũng nghèo cả tinh thần. Nhiều ông trùm khi đến nhà để quyên góp tiền để tổ chức lễ bổn mạng giáo khu, có người lấy ra được 10,000 kèm theo một câu nói: Từ mai đừng đến xin nữa! Nói mà không sợ người ta bị xúc phạm. Bởi đi quyên góp cho công việc chung của giáo khu chứ không phải đi ăn xin cho bản thân mình.
Đấy, chỉ đưa ra một ví dụ điển hình như thế để cho thấy đâu phải ai giàu cũng keo kiệt.. Ngược lại, nhiều người đã nghèo vật chất mà lại còn nghèo cả tinh thần. Lẽ ra mình không của thì mình có công, phụ giúp một tay. Nhất là trong những công việc chung.

        Kính thưa cộng đoàn! Nãy giờ chúng ta bàn về nỗi oan người giàu. Thế thì xin được hỏi, trong thánh đường này, ai tự nhận mình là người giàu có. Vâng! Tất cả chúng ta không ai là người giàu có thật sự cả. Chúng ta có thể giàu về vật chất, nhưng lại thiếu thốn những thứ khác: tình yêu, hạnh phúc, bình an…
Thế thì việc chia sẻ một chút về nỗi oan người giàu như thế để mỗi người chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn với lời Chúa dạy. Chúa không bao giờ lên án người giàu, nhưng Chúa chỉ lên án những ai chỉ biết bám vào của cải vật chất trần gian này mà loại trừ Chúa ra bên ngoài.
Bà góa trong Tin mừng, và những người giàu có đều có lòng thành, đó là muốn dâng của lễ cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự khác biệt không hệ tại ở việc cho ít hay cho nhiều, mà hệ tại ở chỗ CHO ĐI TẤT CẢ. 2 đồng xu tuy rất ít ỏi, nhưng là tất cả những gì bà góa có. Còn những người khác cho nhiều gấp trăm ngàn lần nhưng đó chỉ là những của dư thừa. Không có 2 đồng xu, bà sẽ đối diện với cái chết; những người giàu cho rất nhiều, nhưng không chết được, bởi họ còn đầy những thứ khác.
Như vậy, khi nói lên nỗi oan của người giàu để muốn chứng minh rằng, giàu có hay nghèo khó tự nó không phải là cái tội, tự nó không có gì đáng lên án cả. Đáng trách là chúng ta không biết phó thác hoàn toàn, tuyệt đối chính mạng sống của chúng ta vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
Bài đọc 1 trích sách Các Vua quyển thứ nhất đã làm rõ điều đó. Một bà góa nghèo chỉ có một ít bột. Bà dự định sẽ làm bánh, ăn rồi sẽ chết. Tuy vậy, khi ông Ê-li-a xin, bà đã quảng đại cho đi tất cả. Vì thế, bà đã được Thiên Chúa làm phép lạ ban cho hũ bột không bao giờ cạn. Và bà đã được cứu sống.
Nếu chúng ta muốn có được sự sống đời đời, đòi buộc chúng ta phải tin tưởng, phó thác và dâng tất cả những gì mình có, thậm chí cả mạng sống mình vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Thật vậy, như bài đọc 2 trích thư gửi tín hữu Híp-ri nói rõ: chúng ta chỉ có mỗi một mình Đức Giê-su là vị thượng tế vẹn toàn. Chính Người đã thay chúng ta dâng chính mạng sống mình lên Thiên Chúa, vì thế Thiên Chúa đã cho người sống lại từ cõi chết, trở thành trưởng tử trong số những người từ cõi chết trỗi dậy. Vì thế, nếu muốn được sống lại như Đức Giê-su thì chúng ta cũng phải dâng trọn cuộc đời như Người đã làm.
Nói tóm lại, dù giàu có hay nghèo khó mỗi người chúng ta cũng được mời gọi phó dâng cuộc đời vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Hãy dâng cho Chúa mọi thứ chúng ta có kể cả mạng sống này để chỉ còn mỗi Chúa trong cuộc đời thôi.
Nói điều này có vẻ dễ và êm tai, nhưng trong thực hành lại rất khó. Bởi mang thân phận con người, chúng ta còn các tương quan, trách nhiệm với những người Chúa đã trao phó cho chúng ta. Chúng ta không thể cái gì cũng dâng cúng cho Chúa, cho nhà thờ hay bố thí tất cả. Chúng ta không hiểu theo nghĩa đen như thế. Chúng ta cũng cần tiền bạc để sinh sống chứ. Nhưng Chúa muốn chúng ta hãy biết ung dung tự tại, không ràng buộc vào những gì thuộc về thế gian này. Của cải vật chất chỉ là phương tiện đưa chúng ta về quê trời mà thôi. Cho nên nếu có những lúc cần chọn lựa giữa Chúa và của cải vật chất, chúng ta hãy biết khôn ngoan mà chọn lựa Chúa. Vì đơn gian, có Chúa là có tất cả. Amen.
Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Share:

ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA


LỄ CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATERANO
(1Cr 3,9-11.16-17; Ga 2,13-22)
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Hôm  nay chúng ta tụ họp nhau nơi đây để dâng thánh lễ kính ngày cung hiến thánh đường La-tê-ra-nô.
        Vậy, thánh đường la-tê-ra-nô có gì đặc biệt mà lại đừng mừng kính trọng thể như thế?
Thưa, Thánh đường hay Ðền thờ Latêranô là nhà thờ chánh toà của Ðức Giáo Hoàng. Ðức Thánh Cha với tư cách là Giám Mục Roma, cũng đặt ngai tòa của mình tại nhà thờ chánh tòa. Ðền thờ này được xây dựng vào năm 320 khi Giáo Hội Chúa Kitô, tượng trưng cho Tòa Thánh Roma vừa thoát qua khỏi một thời kỳ cấm cách, bắt bớ khủng khiếp. Ðền thờ này do công của Hoàng đế Constantinô xây dựng để tôn vinh danh Chúa và để dân Chúa có nơi tụ tập, đọc kinh cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Ðền thờ này đã được cung hiến vào khoảng thời gian nói trên. Lịch sử thuật lại rằng khi hoàn tất ngôi thánh đường này, nhiều đoàn người khắp trong thành phố Roma đã tuôn đến để dự lễ khánh thành và hiệp ý trong nghi lễ cung hiến ngôi thánh đường dùng đặt ngai tòa của Ðức giáo hoàng, với tư cách là Giám Mục Roma. Ngôi đền thờ Latêranô đã trải qua biết bao nhiêu biến cố, biết bao nhiêu thăng trầm của đạo giáo, biết bao nhiêu thử thách, khó khăn của các thời Hoàng đế Roma trị vì. Biết bao nhiêu người đã tới thánh đường Latêranô để xin rửa tội, gia nhập dân thánh Chúa trong những đêm phục sinh và mừng lễ vượt qua tại đây.
Ngày nay, đền thờ Latêranô vẫn vút cao, vẫn đứng sững như muốn nói với mọi người Thiên Chúa luôn yêu thương dân người. Ngày nay, vẫn có đoàn đoàn lớp người tới dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Hàng năm, ngày thứ năm tuần thánh Ðức Thánh Cha vẫn tới cử hành lễ với hàng linh mục Roma, với các Hồng y, Giám mục và Ngài diễn tả lại hành động, cử chỉ của Chúa Giêsu xưa nơi nhà tiệc ly là rửa chân cho các tông đồ.
Như vậy, dâng thánh lễ này, chúng ta hướng về đền thờ là trung tâm của mọi đền thờ để tạ ơn Chúa, và cũng để nhận ra rằng, mỗi người chúng ta cũng đều là đền thờ của Chúa.
Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

BÀI GIẢNG
ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA
Kính thưa cộng đoàn! Cộng đoàn có biết chương trình ca nhạc Thúy Nga Paris by night không? Đó là một chương trình ca nhạc rất nổi tiếng ở hải ngoại. Có lẽ giám đốc của trung tâm Thúy Nga là người đạo Công Giáo, nên mỗi dịp lễ Giáng Sinh thường hay hỗ trợ, giúp các nhà thờ có một đêm văn nghệ thánh ca. Thường thì chương trình này được tổ chức trên gian cung thánh của một nhà thờ nào đó.
Nhiều người không đồng ý, cho rằng tổ chức văn nghệ múa nhảy trên gian cung thánh là không tôn nghiêm trước thánh nhan Chúa. Tại sao người ta lại nói như vậy?
Thưa, là vì nhà thờ là nơi qui tụ dân Chúa, là nơi các tín hữu tới cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Nhưng quan trọng hơn, nhà thờ là nơi Chúa ngự, là nơi Mình Máu Thánh Chúa luôn hiện diện, là nơi dân Chúa lãnh nhận muôn vàn ơn huệ, muôn vàn hồng ân của Chúa. Chứ không phải là nơi của những việc phàm tục.
Ngay từ thời Chúa Giê-su, đền thờ là nơi trang nghiêm nhất, nơi thờ phượng Thiên Chúa. Nơi này không được làm những gì phàm tục. Bài Tin mừng hôm nay trình bày rất rõ cho chúng ta điều đó. Khi những người Do thái lợi dụng đền thờ để buôn bán, trao đổi…Chúa đã rất nóng giận dùng dây làm roi và đạp đổ hết đồ đạc của họ: Đừng biến nhà cha tôi thành nơi buôn bán (Ga 2, 16).
Qua hành động này của Chúa, chúng ta thấy được tầm quan trọng của nhà thờ. Nơi đó là nhà Chúa, là nơi được thánh hiến để phụng thờ Chúa chứ không được làm những việc phàm tục.
Nhiều lần con để ý, có rất nhiều người khi đi ngang qua nhà thờ dù chạy xe hay đi bộ thì cũng cúi đầu chào. Có người thì chậm rãi, sốt sắng, có người chạy xe honda cũng ráng gật một cái. Điều đó rất đúng vì chúng ta có lòng tôn kính nhà thờ.
Tuy vậy, sự tôn kính ấy chưa thật sự trọn vẹn. Bởi có một đền thờ khác cũng quan trọng không kém nhà thờ. Đó chính là tâm hồn của mỗi người chúng ta. Thật vậy, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô nói rõ: Anh em chẳng biết rằng, anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vì đền thờ Thiên Chúa chính là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em (x. 1Cr 3, 16-17).
Hơn nữa, thánh Eymard cả một đời tìm kiếm Phòng tiệc ly, nơi Chúa đã cử hành bữa tiệc cuối cùng để chầu Chúa 24/24, nhưng ngài đã không thành công. Trong lúc tĩnh tâm tại Rô-ma, ngài đã được Chúa soi sáng để khám phá ra rằng, mỗi người chúng ta chính là một Phòng Tiệc Ly, nơi có Chúa ngự trị - PHÒNG TIỆC LY NỘI TÂM.
Như vậy, ngoài nhà thờ là nơi Chúa ngự thì mỗi người chúng ta cũng là một đền thờ, một phòng tiệc ly của Chúa. Chính vì thế, nếu chúng ta tôn kính nhà thờ bao nhiêu thì chúng ta cũng phải tôn kính bản thân mình bấy nhiêu. Do đó, chúng ta được mời gọi hãy biết sửa đổi tâm hồn mình cho xứng đáng để Chúa ngự vào. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải biết tôn trọng thân xác của người khác.
Đặc biệt nhất là trong đời sống hôn nhân, nhất là giới trẻ ngày nay,. Thánh Phao-lô nói rất mạnh: anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em” (1Cr 6,19). Lạm dụng thân xác mình là làm cho đền thờ của Thánh Thần ra ô uế. Và nếu ai làm cho đền thờ này ra ô uế, là phá huỷ đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người đó (1Cr 3,17). Phaolô cũng viết trong thư Ephêsô: phạm tội tà dâm là “làm phiền lòng Thánh Thần” (Ep 4,30). Các bạn trẻ, và cả những người đang sống trong đời sống vợ chồng cũng hãy ý thức điều này. Thân xác của vợ, hay chồng là đến thờ của Thiên Chúa chứ không phải là nơi để chúng ta thỏa mãn bản năng. Vì thế, vợ chồng cũng được mời gọi sống khiết tịnh để qua đó, dành chính thân xác mình trong việc phụng sự Thiên Chúa.
Nói tóm lại, trong ngày lễ kính mừng ngày cung hiến thánh đường La-tê-ra-nô mỗi người chúng ta được nhắc nhớ bản thân mình chính là đến thờ của Thiên Chúa. Khi chúng ta phạm tội, là chúng ta đang xúc phạm đến chính Thiên Chúa đang ngự trong tâm hồn chúng ta. Vậy chúng ta phải giữ cho đền thờ tâm hồn phải trong sạch bằng cách siêng năng đến với Chúa nơi Bí tích Hòa giải và bí tích Thánh Thể để được tẩy rửa, chữa lành và biến đổi. Amen.
Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS



Share:

LỄ GIỖ MÃN TANG


LỄ GIỖ MÃN TANG
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Tháng 11 là tháng dành riêng để tưởng nhớ và cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Họ không phai ai xa lạ cả, là tổ tiên, ông bà cha mẹ, những người thân quen đã ra đi trước chúng ta.
        Chắc chắn trong thân phận con người, các linh hồn cũng đã có những lỗi phạm đến Chúa và tha nhân. Vì thế mà các ngài rất cần những lời cầu nguyện của chúng ta.
        Cách riêng trong thánh lễ này xin cộng đoàn hiệp với gia đình ông bà cố Are Đặng Văn Thường cầu nguyện cho ông Phê-Rô Nguyễn Văn Kiêm trong dịp lễ mãn tang. Xin Chúa thương tha thứ mọi lỗi phạm sớm đưa ông Phê-rô sớm về thiên quốc.
        Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
(Ga 11:17-27)
Khi đến nơi, Ðức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. Vừa được tin Ðức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. Cô Mác-ta nói với Ðức Giê-su: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy." Ðức Giê-su nói: "Em chị sẽ sống lại! " Cô Mác-ta thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết." Ðức Giê-su liền phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không? " Cô Mác-ta đáp: "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Ðức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Ðấng phải đến thế gian."




CHÚNG TA CẦN CÓ THÁI ĐỘ NHƯ THẾ NÀO KHI ĐỐI DIỆN VỚI CÁI CHẾT?

Kính thưa cộng đoàn! Con nhớ có một lần nằm mơ thấy mẹ chết và người ta đem đi chôn. Con không nhớ rõ lúc đó mình như thế nào chỉ nhớ khi người ta chôn mẹ xong, con đã khóc rất nhiều, ôm mộ mẹ mà khóc. Con khóc và không để cho ai khuyên nhủ. Con cứ khóc mãi, và phép lạ xảy ra. Mẹ con bỗng dưng đội mồ sống lại…vừa lúc ấy con cũng chợt tỉnh ngủ, rờ lên mặt, thấy mặt đã ướt mèm, cổ họng vẫn còn nghẹn ứ. Rồi tự nhủ thầm: Chỉ là mơ, mẹ vẫn chưa chết!
Sáng hôm sau, con xin phép cha giám đốc cho về thăm mẹ. Vừa về đến nhà, thấy mẹ một mình nằm trên võng, miệng bõm bẽm nhai trầu, con chạy lại ôm mẹ mà khóc. Mẹ hỏi sao con khóc, con im lặng… muốn nói một lời “con thương mẹ” sao lúc đó lại khó khăn đến thế.
Vâng! Nếu như đó chỉ là giấc mơ và con còn có cơ hội được ôm mẹ thì đối với những ai không còn cha mẹ, sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được ôm cha, được hôn mẹ. Đặc biệt nhất là trong tháng 11 này, tháng dành riêng cầu nguyện cho những người đã khuất. Đốt cây nến, cắm vài bông hoa, thắp một nén nhang, hương khói nghi ngút, bỗng hình ảnh những người đã khuất hiện về trong tâm trí. Không thể không bùi ngùi thương nhớ.
Vâng! Trước cái chết của người thân trong gia đình, không có một lời nào có thể nói hết được nỗi đau mất mát của họ. Chỉ những người trong cuộc mới hiểu thế nào là mất mát, là trống vắng, là thương, là nhớ. Thế nên trong tâm tình của tháng 11, tháng dành riêng cầu nguyện cho những người đã khuất, cũng như trong ngày lễ mãn tạng của cụ ….xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài: TRƯỚC CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI THÂN VÀ CỦA CHÍNH MÌNH, CHÚNG TA CẦN CÓ THÁI ĐỘ NÀO?

Tin Mừng mở ra cho chúng ta quang cảnh Đức Giêsu đối diện với sự ra đi của người bạn thân yêu. Ladarô có hai người chị là Matta và Maria. Trước cái chết của đứa em trai thân yêu hai người chị đã có hai thái độ hoàn toàn trái ngược.
Nếu như, cô Maria chỉ biết đau buồn, ngồi ở nhà khóc lóc, thì cô Matta đã nhanh chóng ra tiếp đón Chúa. Cô quả thật là một người mạnh mẽ, có niềm xác tín vào việc con người sẽ sống lại vào ngày sau hết. Thế nên cô đã trả lời với Chúa:“con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” Chúng ta hãy dừng lại ở hai thái độ này, của Maria và Matta, để nhận định xem, đâu là thái độ đúng đắn nhất, mà mỗi Kitô hữu cần có, trước cái chết của người thân và của chính chúng ta.

1.   Trước hết, Maria là đại diện cho típ người sống tình cảm, uỷ mị.
Trước cái chết của người thân chỉ biết đau buồn, than khóc, không để ai an ủi. Với những người như thế cái chết là hết, là chấm dứt, là ra đi vĩnh viễn.
2.   Còn Matta là đại diện cho những người quá thiên vào lý trí.
Những người như thế thường tự an ủi mình bằng lý luận: con người chết rồi sẽ sống lại. Do vậy, trước cái chết của người thân dường như họ không có một chút tình cảm quyến luyến nào.

Vâng! Cả hai thái độ này đều chưa đúng với thánh ý Thiên Chúa.
Tại sao lại chưa đúng? Chúng ta thử xem Chúa đã có thái độ như thế nào?
Đức Giêsu sau khi vào nhà, thì cô Maria chạy đến quỳ dưới chân và nói: “Thưa thầy, nếu có thầy ở đây thì em con đã không chết” và cô khóc. Trước tình cảnh đó, tác giả Gioan cho biết Chúa đã thổn thức trong lòng, xao xuyến và khi vừa nhìn thấy mộ Ladarô Chúa liền khóc. Chính hành động này cho thấy trước cái chết của người thương yêu, Chúa cũng đau buồn, cũng rơi lệ. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Đức Giê-su cầu xin Chúa Cha cách khẩn thiết cho Ladarô sống lại. Và Chúa đã làm cho Ladarô sống lại trước con mắt ngỡ ngàng của tang quyến và những người chứng kiến.
Đến đây, một câu hỏi lại đến trong đầu chúng ta: Chúa đã làm phép lạ cho Ladarô sống lại, thế tại sao bây giờ Chúa không làm cho những người thân của chúng ta được sống lại?
Thưa rằng, Ladarô sau khi Chúa cho sống lại, người ta sẽ chúc mừng anh, chúc mừng gia đình anh, thậm chí còn ganh tỵ nữa. Tuy vậy, anh cũng chỉ sống được thêm một vài năm rồi cũng chết.
Cho nên, việc Chúa làm cho Ladarô sống lại chắc chắn còn có một ý nghĩa khác. Đó chính là báo trước sự sống lại đích thực, sống lại mà không bao giờ chết nữa. Việc sống lại đích thực không phải là việc tăng thêm tuổi thọ như Ladaro, nhưng là một cuộc biến đổi toàn diện con người chúng ta. Bởi thân xác phục sinh là thân xác có thần khí chứ không phải là thân xác của sinh khí như chúng ta hiện nay. Ơn Phục Sinh đó phát xuất từ Chúa Giêsu, Đấng bị kết án, chịu chết và Người đã sống lại để mở ra cho những ai tin vào Người, cũng sẽ được phục sinh vinh hiển như Người. Đức Giêsu chính là trưởng tử của những kẻ chết sống lại.
Nói tóm lại, qua Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy cho chúng ta thái độ đúng đắn trước cái chết của người thân yêu và trước cái chết của chính chúng ta. Thái độ đó không phải là quá đau buồn, tuyệt vọng như Maria hoặc như Matta lại quá thiên vào lý trí, đến nỗi dường như vô cảm trước cái chết của người thân.
Thái độ cần có là đau buồn đấy nhưng không tuyệt vọng. Tin tưởng vào quyền năng của Chúa sẽ cho chúng ta sống lại. Chúng ta không phải xin Chúa cho người thân hoặc chính chúng ta sống lại như Ladarô để rồi lại chết một lần nữa, mà là được sống lại như Chúa, Phục Sinh vinh hiển, sống lại với một con người được biến đổi toàn diện, sống lại và không bao giờ chết nữa.Amen.


Share: