MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ – A -CĐ BÍ TÍCH THÁNH THỂ - NGHỆ THUẬT BẢY TỎ TÌNH YÊU

MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ – A -CĐ
Đnl 8,2-3.14b-16a; 1Cr 10,16-17; Ga6,51-58


BÍ TÍCH THÁNH THỂ - NGHỆ THUẬT BẢY TỎ TÌNH YÊU

      Kính thưa cộng đoàn! Nói tới Bí Tích Thánh Thể không thể không nói đến tình yêu của Đức Kitô. Bởi nơi Bí Tích Thánh Thể, Đức Giêsu đã thể hiện trọn vẹn nhất tình yêu của Người cho nhân loại. Có nhiều cách thức thể hiện tình yêu trong cuộc sống. Tuy nhiên có thể nói tình yêu của Đức Kitô nơi Bí Tích Thánh Thể là cách thức sáng tạo và độc đáo, mang giá trị nghệ thuật cao. Do vậy trong thánh lễ kính Mình Máu Chúa Kitô hôm nay con xin được chi sẻ với cộng đoàn đề tài mới, qua lăng kính của một nghệ sĩ đó là: Bí Tích Thánh Thể - Nghệ Thuật bày tỏ tình yêu.
      Cộng đoàn Phụng vụ thân mến! Khái niệm nghệ thuật được dùng để chỉ một tài nghệ nào của con người và nghệ thuật thường gắn liền với các nghệ sĩ. Thật vậy, nghệ thuật có vai trò quan trọng trong cuộc sống. Chính nhờ nghệ thuật mà con người có thể truyền đạt cảm xúc của mình cho người khác. Từ đó thắt chặt hơn tình người, xua tan mọi ngăn cách và đẩy lùi những cái xấu xa để nhường chỗ cho cái đẹp, cái chân, cái thiện.
Nghệ thuật được ứng dụng trong mọi lãnh vực của đời sống. Đặc biệt nhất là trong tình yêu. Bởi tình yêu được biết đến như là cái tinh túy nhất của con người. Có nhiều cách thức thể hiện tình yêu như: sự chăm sóc, quan tâm của cha mẹ với con cái, hoặc với các cặp tình nhân thì đó là đóa hoa, là cử chỉ âu yếm, là nụ hôn…Vì yêu, nhiều người có thể làm được nhiều điều tưởng chừng như không thể. Như Hòn Vọng Phu yêu chồng, chờ chồng cho đến khi hóa đá, hay Rô-mê-ô và Ju-li-ét dám uống thuốc tự tử để có thể được ở bên nhau...Khi yêu nhau người ta có thể làm mọi thứ cho nhau để thể hiện tình cảm của mình với người yêu. Ca dao tục ngữ Việt Nam của có câu: “yêu nhau mấy núi cũng leo, mấy sống cũng lội mấy đèo cũng qua” hoặc “yêu nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.” Tình yêu rất đẹp, lãng mạn, tình tứ. Mỗi người có cách bày tỏ tình yêu của mình ra bên ngoài khác nhau. Tuy vậy, tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại lại có một sự khác biệt to lớn. Sự khác biệt đó thể hiện ở ba khía cạnh:
Trước hết, tình yêu Thiên Chúa thể hiện qua việc đưa con người đến sự tự do đích thực. Điều này được nói rõ trong bài đọc 1 trích sách Đệ nhị luật. Vì yêu thương Thiên Chúa không những cứu dân Itraen ra khỏi ách nô lệ Ai cập, mà Ngài còn hướng dẫn dân về Đất Hứa, vùng đất của sự tự do. Trong suốt 40 năm, Ngài nuôi dân bằng Mana từ trời và nước uống chảy ra từ khe đá. (x Đnl 8, 14-16)
Kế đến, tình yêu Thiên Chúa thể hiện ở khía cạnh hiệp nhất. Thánh Phaolô trong bài đọc 2 chứng minh điều đó khi ngài khẳng định rằng: “Chỉ có một Tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta chỉ là một thân thể.” (1Cr 10, 17). Sự hiệp nhất mà tình yêu Thiên Chúa mang lại là hiệp nhất trong thân thể nhiệm màu Hội thánh, đầu của thân thể này là Đức Kitô.
Sau cùng tình yêu Thiên Chúa thể hiện qua việc trao ban sự sống. Chính Đức Giêsu đã khẳng định điều đó khi Người nói rằng: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6, 54). Nơi Bí Tích Thánh Thể, Chúa đã ban chính thân mình làm của ăn nuôi dưỡng dân Người. Của ăn này không như manna xưa, ăn rồi sẽ chết, Bánh Hằng Sống Đức Kitô ban tặng khi ăn vào sẽ được sống và sống dồi dào.
Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại có một sự khác biệt, nếu không muốn nói là vượt trội hơn tình yêu giữa con người với nhau. Tình yêu đó mang giá trị nghệ thuật cao mà chỉ có người nghệ sĩ thực thụ mới có thể nghĩ ra như thế. Tình yêu xuyên suốt chiều dài Lịch Sử Cứu Độ. Tình yêu của Thiên Chúa giải thoát con người, liên kết con người và mang lại sự sống cho con người. Đỉnh điểm của tình yêu Thiên Chúa thể hiện qua hình ảnh của Đức Kitô. Đức Kitô đã hy sinh chịu chết hầu hầu muôn người được sống. Thật vậy, người ta khi yêu nhau có thể làm mọi thứ cho nhau, nhưng có ai dám hy sinh và cho đi chính mạng sống của mình. Đức Ki-tô không chỉ cho đi mạng sống mà còn hiến thân mình làm của ăn nuôi sống người mình yêu. Có thể khẳng định từ cổ chí kim chưa ai dám và thể hiện tình yêu một cách độc đáo và sáng tạo như thế ngoại trừ Đức Ki-tô.
Khi yêu nhau, người ta luôn muốn nên một, là của nhau, thuộc về nhau cả về thể xác và tinh thần. Nhưng thuộc về nhau như thế nào đây? Cho dù nhiều người khi yêu có kết hợp với người mình yêu như thế nào đi nữa thì hai người vẫn là hai nhân vị khác nhau. Đức Ki-tô đã biến Mình làm của ăn, để muôn người được tháp nhận vào thiên tính của Ba Ngôi Thiên Chúa. Mỗi khi ki-tô hữu rước Mình Máu Thánh Chúa là rước lấy chính Chúa, được hòa tan vào tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa được nên một với Thiên Chúa cả về thể xác lẫn tinh thần.
Tóm lại, mừng lễ kính Mình Máu Đức Kitô hôm nay, chúng ta có dịp chiêm ngắm tình yêu của Đức Ki-tô. Tình yêu đó thể hiện nơi Bí Tích Thánh Thể mang giá trị nghệ thuật cao. Bằng sáng kiến độc đáo, Thiên Chúa đã sai Con một mình đến thế gian để làm thức dậy cái đẹp vốn đã bị thế gian làm cho xấu đi bởi tội lỗi và bất toàn. Thánh Au-gus-ti-no cả một đời tìm kiếm cái đẹp thụ tạo, cái đẹp chóng qua để rồi cuối đời thốt lên rằng: “Ôi vẻ đẹp cổ xưa và hiện đại, con đã yêu Ngài quá muộn![1] Vẻ đẹp cổ xưa và hiện đại đó vẫn âm thầm hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể chờ đón những ai lạc bước trở về. Để khi lãnh nhận lấy chính vẻ đẹp cổ xưa và hiện đại này người tín hữu không những làm sáng lên cái đẹp nơi mình mà còn được tháp nhập vào cái đẹp vĩnh cửu, cái đẹp hiệp nhất trong thời viên mãn.
 MAPHUC,SSS




[1] Thánh Augustino, Tự Thuật, (NXB Tôn Giáo, 2007), tr. 608.
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét