CẦU NGUYỆN LIÊN LỶ


Thứ Bảy tuần 32 TN
3Ga 5,8; Lc 18, 1-8
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Nhiều lần Chúa Giê-su dạy các tông đồ cầu nguyện, chẳng hạn như Người dạy Kinh Lạy Cha. Tin mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta thái độ cần có khi cầu nguyện. Đó chính là kiên trì khi cầu nguyện.
        Dâng thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi người chúng ta, là những tu sĩ cần phải biết xây dựng đời mình trên những lời cầu nguyện.
        Giờ đây chúng ta cùng dâng lên Chúa những thánh vịnh trong giờ kinh sáng.


BÀI GIẢNG
CẦU NGUYỆN LIÊN LỶ
        Kính thưa cộng đoàn! Cầu nguyện chính là hơi thở trong đời sống của một ki-tô hữu. Vậy mà nhiều người nói rằng: cha ơi con không cầu nguyện làm sao hết, cha chỉ cho con cách nào cầu nguyện đi… Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo đưa ra cho chúng ta ba hình thức cầu nguyện khác nhau: Khẩu nguyện; suy niệm; và chiêm niệm.

1.   Khẩu nguyện:
Nghĩa là cầu nguyện ra bằng môi miệng. Khẩu nguyện là yếu tố rất cần thiết cho đời sống ki-tô hữu. Chúa Giê-su dạy chúng ta khẩu nguyện bằng KINH LẠY CHA. Vì khẩu nguyện là phát biểu ra bên ngoài và hợp với bản tính nhân loại, nên rất thích hợp với việc cầu nguyện của đám đông.

2.   Suy niệm:
Trước tiên suy niệm là một sự tìm kiếm. Con người đi tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong thinh lặng. Thông thường người ta thường dùng quyển sách nào đó để hỗ trợ, phần lớn là các sách Thánh. Việc suy niệm cần vận dụng tư tưởng, trí tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn.

3.   Chiêm niệm:
Thánh Tê-rê-sa Avila cho rằng: Chiêm niệm hay tâm nguyện không gì khác hơn là cuộc trao đổi thân tình giữa bạn hữu, trong đó chúng ta năng dành thời gian để ở một mình với Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta biết Ngài luôn yêu thương chúng ta.

Như vậy, có ba cách thức cầu nguyện khác nhau. Tùy mỗi hoàn cảnh  mà chúng ta sử dụng cách thức cầu nguyện nào cho phù hợp.

Thế nhưng, điều quan trọng trong cầu nguyện không phải chúng ta dùng cách thức nào, hay chúng ta cầu nguyện bao nhiêu lần một ngày mà chúng ta có cầu nguyện liên lỷ hay không?
Điều đó đã được Đức Giê-su nhấn mạnh trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe. Chúa kể cho chúng ta dụ ngôn về một bà góa nài xin ông quan tòa. Ông ta vốn là người chẳng biết kính sợ Thiên Chúa, nhưng vì bà góa cứ nài nỉ mãi, cuối cùng ông cũng siêu lòng mà giúp đỡ bà ta.
Ông quan tòa vốn là kẻ bất lương là còn động lòng trước sự van nài liên lỷ của bà góa, huống hồ Thiên Chúa là Cha chúng ta, là Đấng đầy lòng thương xót, lẽ nào Người lại chối từ lời cầu nguyện liên lỷ của chúng ta.
Là những tu sĩ sống đời dâng hiến, mỗi người chúng ta được mời gọi phải biến đổi con người mình thành một con người của cầu nguyện. Con người của cầu nguyện không đơn giản là chúng ta cầu nguyện nhiều hay ít, nhưng cầu nguyện phải là hơi thở, là nếp sống, là cùng đích của đời sống chúng ta.
Cầu nguyện không phải là xin thứ này thứ kia cho bản thân mình, hay xin cho người khác, nhưng cầu nguyện đích thực là giây phút chúng ta sống thân tình với Thiên Chúa trong tương quan Cha – con. Mỗi chúng ta cần phải ý thức rằng, tôi có một người Cha, rất mực yêu thương tôi. Cha tôi cho tôi mọi thứ tốt đẹp nhất, và tôi có nhiệm vụ là sống theo thánh ý của Người.

Nói tóm lại, qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta phải biết cầu nguyện liên lỷ không ngừng. Điều này không dễ thực hành đâu. Do vậy, chúng ta cần phải thực tập việc cầu nguyện thường xuyên để trở thành lối sống của chúng ta. Một lối sống khiến chúng ta khác biệt với những người khác. Chính nhờ cầu nguyện mà chúng ta trở thành những máng truyền, chuyển ơn Chúa đến cho bản thân và tha nhân. Amem.
Lm. Mar – aug Bùi Văn Hồng Phúc, sss



Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét