CHÚA NHẬT V MC – B - CĐ
Gr 31,31-34; Hr 5,7-9; Ga 12,20-33
Lời dẫn đầu lễ
Kính thưa cộng đoàn! Sứ điệp lời Chúa chúa nhật V Mùa
Chay trình bày cho chúng ta khuôn mặt rất thật của Đức Giê-su trước khi bước
vào Giờ Tử Nạn. Trong thân phận con người, Chúa cũng lo lắng xao xuyến, thế
nhưng Người lại đặt toàn bộ niềm tin và hy vọng vào bàn tay quan phòng của Chúa
Cha. Chính vì thế, Chúa sẵn sàng, chấp nhận bước vào Cuộc khổ nạn, chịu chết để
cứu chuộc nhân loại.
Dâng Thánh lễ này chúng ta xin Chúa ban ơn cho chúng ta luôn
biết sẵn sàng cho giờ tử nạn của bản thân. Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ chết,
nhưng chết để được sống lại, hay chết để rồi phải muôn đời trầm luân phụ thuộc
vào cách thức mà chúng ta đang sống hiện nay.
Giờ
đây, chúng ta hãy ăn năn thống hối lỗi lầm để xứng đáng cửu hành Mầu Nhiệm Thánh.
SỢ HÃI TRƯỚC CÁI CHẾT
Kính
thưa cộng đoàn!
Mùa
Chay đã đi qua được 2/3 chặng đường. Chúa Giê-su trong những tuần vừa qua liên
tục mời gọi chúng ta ăn năn thống hối trở về với Thiên Chúa và tha nhân. Hôm
nay đây, Người mời gọi chúng ta bước thêm một bước nữa trong hành trình theo
Chúa đó là dám cùng với Người bước vào Giờ Tử Nạn.
Thật
vậy, đã là con người, ai trong chúng ta cũng ham sống sợ chết. Nỗi sợ hãi đó
ngày càng lớn hơn khi lỡ ai đó trong chúng ta mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Rất
khó để chúng ta có thể chấp nhận. Chính vì thế, dù tốn tiền, hoặc dù không có đủ
tiền thì chúng ta cũng tìm đủ mọi cách để chữa trị.
Tuy
nhiên, trong thân phận cát bụi, và hậu quả của tội để lại, ai trong chúng ta trước
sau rồi cũng sẽ chết. Thế nhưng chúng ta sẽ chết như thế nào? Và sau cái chết
liệu rằng chúng ta được sống lại hiển vinh như Chúa hay đời đời trầm luân, tất
cả phụ thuộc vào cách mà chúng ta đón nhận cái chết ngay khi còn sống ở đời
này.
Vì
thế chúng ta cần có thái độ nào trước cái chết?
1. Trước hết đó là tin tưởng, phó thác vào bàn tay quan phòng của
Chúa ngay ở đời này.
Mặc
dù trước cái chết ai cũng sợ. Chính Đức Giê-su trước khi bước vào cuộc tử nạn,
người cũng xao xuyến, sợ hãi. Thư gửi tín hữu Híp-ri cho biết:“khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã
lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện, nài xin lên Đấng có quyền
năng cứu Người khỏi chết (Hr 5,7). Tuy vậy, Chúa cũng chết. Điều đó không
có nghĩa là Chúa Cha không nhận lời Đức Giê-su. Nhưng trong thân phận cát bụi,
nếu muốn sống trường cửu đòi buộc con người phải chết đi. Vì chỉ có chết đi con
người mới được sống đời đời. Hiểu rõ điều này hơn ai hết, nên Đức Giê-su đã nói
rõ: “Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà
không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được
nhiều hạt khác.” (Ga 12,24). Chính vì thế, Chúa đã một lòng tin tưởng, phó
thác đời mình vào bàn tay quan phòng của Chúa Cha. Chính khi làm được như thế,
thì giờ tử nạn không còn là giờ của cái chết nữa mà là giờ Con Người được tôn
vinh. Chính hành động tự hiến thân mình của Đức Giê-su mà Thiên Chúa Cha được
tôn vinh: “Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha…Ta
đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa.” (Ga 12,28)
Như
vậy, mặc dù trước cái chết Chúa sợ hãi và xin Thiên Chúa Cha cứu mình khỏi chết.
Nhưng không vì thế mà Đức Giê-su ham sống sợ chết. Người một lòng tin tưởng phó
thác vào bàn tay quan phòng của Chúa Cha. Chính vì thế Người đã được tôn vinh,
được sống lại.
Mỗi
người chúng ta cũng được mời gọi học nơi Chúa gương sáng này. Cho dù chúng ta sợ
hãi đấy, nhưng thật sự chết chưa phải là hết, chết là để đưa chúng ta vào cõi sống
trường sinh bất diệt.
2. Sẵn sàng bước theo Chúa vào Giờ Tử Nạn.
Đức
Giê-su hiểu được giá trị cái chết của mình nên người sẵn sàng bước vào cuộc khổ
nạn. Người nói với các tông đồ: “Đã đến
giờ con Người được tôn vinh.” (Ga 12, 24). Thật vậy, nhiều lần Đức Giê-su
nói rằng: “Giờ của ta chưa đến!”, hay
khi những người Do thái tìm cách bắt Người, nhưng họ không bắt được vì giờ của Người
chưa đến. Vậy Giờ của đức Giê-su là giờ gì?
Thưa
đó là giờ Đức Giê-su chính thức bước vào cuộc khổ nạn để cứu chuộc nhân loại. Thật
vậy, Đức Giê-su đến thế gian để thi hánh thánh ý Chúa Cha đó là ký kết với dân
Người một giao ước mới. Giao ước này đã được tiên tri Giê-rê-mi-a tiên báo mà
bài đọc 1 chúng ta vừa nghe. Giao ước mới được ký kết bằng máu Đức Giê-su và
ghi khắc vào tâm khảm của lòng người. Thế nên giờ của Đức Giê-su cũng chính là
giờ Người ký kết giao ước với con người một giao ước mới. Nhờ giao ước này mà
con người được Thiên Chúa tha thứ mọi tội ác và không còn nhớ đến lỗi lầm của họ
nữa.(x.Gr 31,34) Chính vì thế, một khi Đức Giê-su từ cõi chết chỗi dậy cũng sẽ
kéo theo những ai khi còn sống đã tin và tín thác vào Người.
Nói
tóm lại, Mùa Chay thánh Chúa không chỉ mời gọi chúng ta ăn năn thống hối lỗi lầm,
trở về làm hòa với Thiên Chúa và tha nhân; mà Người còn đòi buộc chúng ta cùng
với Người bước vào cuộc khổ nạn. Bởi chỉ có chết đi chúng ta mới có cuộc sống mới.
Tuy
nhiên, không phải tự nhiên chúng ta đang sống mà đòi chúng ta chết. Điều đó rất
vô lý. Chết đi ở đây có nghĩa là chết đi cho con người cũ để sống lại với con
người mới. Con người cũ là con người của xác thịt còn con người mới là con người
sống theo Thần khí. Về điểm này, Thánh Phao-lô đã có những chỉ dẫn cho chúng
ta: “Những việc do xác thịt gây ra thì ai
cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất
hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỷ, say sưa, chè
chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng
bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa. Còn hoa
quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm,
trung tín, hiền hòa, tiết độ.(Gl 5,23). Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su
thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê.
Vâng!
thưa cộng đoàn, nếu chúng ta làm được như thế thì cái chết không còn là một nỗi
sợ hãi nữa. Giờ tử nạn chính là giờ chúng ta được tôn vinh vì đã sống trọn cuộc
đời theo thánh ý Thiên Chúa. Amen.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét