CHÚA NHẬT V MC – B - GT Gr 31,31-34; Hr 5,7-9; Ga 12,20-33 GIỜ TỬ NAN

CHÚA NHẬT V MC – B - CĐ
Gr 31,31-34; Hr 5,7-9; Ga 12,20-33

Lời dẫn đầu lễ
        Kính thưa cộng đoàn! Sứ điệp lời Chúa chúa nhật V Mùa Chay trình bày cho chúng ta khuôn mặt rất thật của Đức Giê-su trước khi bước vào Giờ Tử Nạn. Trong thân phận con người, Chúa cũng lo lắng xao xuyến, thế nhưng Người lại đặt toàn bộ niềm tin và hy vọng vào bàn tay quan phòng của Chúa Cha. Chính vì thế, Chúa sẵn sàng, chấp nhận bước vào Cuộc khổ nạn, chịu chết để cứu chuộc nhân loại.
        Dâng Thánh lễ này chúng ta xin Chúa ban ơn cho chúng ta luôn biết sẵn sàng cho giờ tử nạn của bản thân. Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ chết, nhưng chết để được sống lại, hay chết để rồi phải muôn đời trầm luân phụ thuộc vào cách thức mà chúng ta đang sống hiện nay.
Giờ đây, chúng ta hãy ăn năn thống hối lỗi lầm để xứng đáng cửu hành Mầu Nhiệm Thánh.



GIỜ TỬ NAN

Kính thưa cộng đoàn! Các riêng là các bạn trẻ. Có bao giờ các bạn nghĩ đến cái chết chưa? Chắc hẳn là cũng đã từng nghĩ thoáng qua, và  rồi gạt đi. Bởi theo tâm lý tự nhiên, giới trẻ hầu hết là những người đang căng tràn sức sống, mạnh mẽ bước vào tương lai, đang mải miết dệt mộng đời mình bằng những hình ảnh rất thơ mộng, hoặc chỉ đơn giản là có một gia đình vài ba đứa con và công ăn việc làm ổn định.
Đang ngay khi đời mình căng tràn sức sống như thế, chẳng may ai đó mắc một căn bệnh trầm kha, và vô phương chữa chạy, cái chết dường như đang chờ trực ở cửa; hoặc được báo rằng sẽ chết trong nay mai vì một tai nạn nào đó…Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng cảm thấy sợ hãi lắm. Không dễ để có thể chấp nhận từ giã cõi đời này.
Đức Giê-su trong Tin mừng hôm nay cũng đang trãi qua tâm trạng này như chúng ta. Bởi Giờ của Đức Ki-tô đã đến, và Chúa đến thế gian cũng là vì Giờ này. Đó là Giờ Tử Nạn.
Chúng ta thử tìm hiểu xem tâm trang của Chúa Giê-su như thế nào trước khi người bước vào Giờ Tử Nan.

1. Sợ hãi, xao xuyến
Trước khi bước vào Cuộc Tử Nạn, trong thân phận con người Đức Giê-su cũng lo buồn, xao xuyến: “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến, Thấy biết nói gì đây!” (Ga 12, 27). Thư gửi tín hữu Híp-ri bài đọc 2 nói rõ hơn: “khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện, nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết (Hr 5,7).
Như vậy, trong thân phận yếu đuối của kiếp người, Đức Giê-su cũng sợ hãi, xao xuyến và không muốn bước vào cuộc khổ nạn.

2. Tin tưởng, phó thác
Tuy nhiên, dường như càng xao xuyến lo buồn bao nhiêu thì Đức Giê-su lại tin tưởng phó thác vào Chúa Cha bấy nhiêu.
Người nói với Chúa Cha: “Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.” (Ga 12,27). Thật vậy, Đức Giê-su đến thế gian vì vâng phục thánh ý Chúa Cha và để chịu chết chuộc tội cứu con người khỏi chết đời đời. Chính máu của Đức Giê-su khi đổ ra trên thập giá, là lúc Thiên Chúa ký kết với dân Người một giao ước mới. Giao ước này trỗi vượt hơn giao ước với Mô-sê trên núi Si-nai. Bởi nếu giao ước xưa được ghi khắc trên đá, thì giao ước của Đức Giê-su được ghi khắc vào tâm khảm con người.
Như vậy, khi bước vào Giờ Tử Nạn, Đức Giê-su hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Cha. Vì Người xuống thế cũng chỉ là để thực thi thánh ý Chúa Cha mà thôi.

3. Chấp nhận bước vào Giờ Tử Nạn
Cũng chính vì tin tưởng phó thác vào bàn tay quan phòng của Chúa Cha nên Đức Giê-su sẵn sàng bước vào Giờ Tử Nạn: “Đã đến giờ con người được tôn vinh.” (Ga 12,23). Thật vậy, Giờ Tử Nạn với chúng ta là giờ chết, là chấm hết, nhưng với Đức Ki-tô lại khác. Đó là giờ Chúa được tôn vinh. Chính lúc chết đi là lúc được tôn vinh. Bởi chỉ có chết thì mới có sự sống lại. Cũng như hạt lúa có chết đi thì mới sinh được nhiều hạt khác.(Ga 12, 24) Đức Giê-su hy sinh mạng sống của mình, chết đi để cho muôn người được sống.

4. Như vậy, chúng ta học được gì từ phản ứng của Chúa trước Giờ Tử Nạn?
        Ai trong chúng ta cũng sợ chết, đặc biệt là các bạn trẻ, những người đang mải mê thêu dệt đời mình. Nhưng bỗng một ngày bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ, buộc chúng ta dừng cuộc chơi trở về với Chúa. Rất khó đế chúng ta chấp nhận. Tuy nhiên, nhìn vào tấm gương của Đức Giê-su. Người đến thế gian có sứ mạng cứu độ con người. Cũng vậy, mỗi người chúng ta sinh ra đều cũng có một sứ mạng nào đó. Mặc dù trong con mắt người đời, hay trong chính suy nghĩ của mình, chúng ta nhận thấy mình còn quá trẻ, chưa làm được gì nên chưa thể chết. Vâng! Chính vì suy nghĩ như thế, nhiều bạn trẻ ngày nay rơi vào lối sống buông thả, thác loạn, bấp chấp …
Tuy vậy, cái chết đến bất ngờ, không trừ một ai, bất kể già hay trẻ. Đức Giê-su cũng đã khẳng định: “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12,25). Sự sống này chỉ là tạm bợ và chúng ta được sống đời đời hay trầm luân đau khổ phụ thuộc hoàn toàn vào cách mà chúng ta sống hiện nay.

Nói tóm lại, bước vào Giờ Tử Nạn, Chúa chúng ta cũng xao xuyến lo lắng đấy. Tuy nhiên ngay sau đó Người biết tin tưởng phó thác và sẵn sàng bước vào Giờ Tử Nạn. Chính khi sẵn sáng như thế, cái chết của người trở nên có ý nghĩa. Giờ Tử Nạn không còn là giờ của bế tắc chết chóc nhưng là giờ Tôn vinh: “Ta đã tôn vinh Danh ta và ta còn tôn vinh nữa.” (Ga 12, 28). Học nơi Đức Giê-su, mỗi người chúng ta luôn ý thức lại đời sống của mình. Đừng quá bám víu vào những gì thuộc trần thế mà không sẵn sàng cho Giờ Tử Nạn của mình. Bởi Giờ Tử Nạn cũng sẽ là giờ chúng ta được tôn vinh nếu chúng ta luôn biết chuẩn bị bằng lối sống tích cực, bác ái, yêu thương. Amen

MAPHUC,SSS












Share:

Related Posts:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét