Thứ Sáu tuần IV Mùa Chay Kn 2,1a.12-22; Ga 7,1-2.10,25-30 VỚI TÔI, ĐỨC GIÊ-SU LÀ AI?

Thứ Sáu tuần IV Mùa Chay
Kn 2,1a.12-22; Ga 7,1-2.10,25-30

Dẫn đầu lễ
Kính thưa cộng đoàn! Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết những người Do thái không chịu nổi và đã tìm cách giết Chúa. Sở dĩ họ tìm cách giết Chúa là vị họ không thể chấp nhận được một Đấng Mê-si-a khác với não trạng của họ. Thật vậy, vói họ, Đấng Mê-si-a phải xuất thân từ dòng dõi Đavít dũng mãnh, uy lực đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Dâng Thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn nâng đỡ mỗi người chúng ta giảm bớt tính kiêu ngạo, để có thể nhận ra Chúa đang hiện diện nơi người khác và nhất cần đặt lại câu hỏi: Với tôi, Đức Giê-su là ai?
Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.


VỚI TÔI, ĐỨC GIÊ-SU LÀ AI?

Những ngày này, Tin mừng cho chúng ta biết mâu thuẫn giữa Đức Giê-su và những người Do thái ngày càng lên cao. Và sau nhiều lần tranh luận với Chúa, người Do thái không thể đối đáp lại được sự khôn ngoan của Người, chính vì thế họ đã có ý định giết Đức Giê-su. Điều này đã được tác giả sách Khôn ngoan tiên báo: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.” (Kn 2, 12)

Thật vậy, những người Do-thái đã tranh luận rất nhiều về thân thế cũng như sứ mạng của Chúa Giêsu. Chính Chúa đã trả lời rất rõ cho họ Người từ Chúa Cha mà đến và để thi hành thánh ý Chúa Cha. Người chính là Đấng Ki-tô, Đấng Mê-si-a mà các ngôn sứ và Kinh thánh nói đến. Tuy vậy, những người Do thái không chấp nhận vì hai lý do:

1. Lý do thứ nhất, Đức Giê-su xuất hiện khác với não trạng của họ vốn có về Đấng Mê-si-a. Thật vậy, Kinh thánh diễn tả một Đấng Mê-si-a mạnh mẽ, đầy quyền năng và dũng lực đánh đuổi quân xâm lược, xây dựng lại đất nước như vua Đa-vít.

2. Lý do thứ hai, họ biết được thân thế của Chúa. Chúa xuất thân trong một gia đình nghèo hèn, chẳng có một chút gì gọi là đẳng cấp. “ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a…” (Mc 6,3). Chính vì thế, họ nghĩ rằng không thể Đấng Mê-si-a lại xuất thân từ thành phần bình dân trong xã hội. Người phải thuộc dòng tộc quân vương Đavít.

Như vậy, những người Do thái nghĩ rằng họ hiểu rất nhiều về Chúa, thế nhưng Chúa khẳng định thật ra họ chẳng hiểu gì cả: “các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất phát từ đâu ư? (Ga 7,28). Chính thành kiến và tích ích kỷ độc tôn tầng lớp của mình đã khiến mắt họ trở nên mù lòa không nhận ra Đấng Mê-si-a đã đến với dân tộc họ. Đã vậy, họ còn tìm cách giết Người. Họ dám thử thách cả Thiên Chúa: “nếu tên công chính là Con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ đến phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.” (Kn 2,18)

3. Với tôi, Đức Giê-su là ai?
Kính thưa cộng đoàn! chúng ta là những người theo Chúa. Chúng ta đã được rửa tội mấy chục năm và mang danh là Ki-tô hữu nhưng với chúng ta, Chúa Giê-su là ai?
Trước hết, chúng ta tin Chúa đấy, nhưng với chúng ta, Chúa chỉ là một ông thần đáp chỉ có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu cho chúng ta. Mùa Chay chúng ta được mời gọi ăn chay và làm phúc bố thí. Nhưng khi làm như thế, chúng ta luôn nghĩ rằng tôi làm việc tốt cho Chúa thì Chúa phải ban ơn lại cho tôi. Nhiều người còn khấn hứa theo kiểu trả giá, hay ra điều kiện, con sẽ làm điều này cho Chúa, nếu Chúa ban cho con thứ này thứ kia. Chúng ta nghĩ như thế là hoàn toàn sai lầm. Chúng ta có nhiệm vụ tôn thờ Chúa, còn việc Chúa ban ơn cho ai, ban ít hay nhiều là tùy thuộc vào quyền năng và tự do của Chúa. Chúng ta không có quyền đòi hỏi. Cũng chính vì không thể chấp nhận được Thiên Chúa như thế, chúng ta cũng chẳng khác nào những người Do thái xưa, luôn tìm cách gạt Chúa ra khỏi cuộc đời mình.

Kế đến, chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết Chúa. Tuy vậy, cũng như người Do thái sự hiểu biết của chúng ta có đáng gì đâu. Đã hơn 2000 năm kể từ khi Chúa đến thế gian, và đã có biết bao nhiêu thần học gia nghiên cứu tìm hiểu Chúa nhưng chỉ là giọt nước giữa biển khơi. Điều đó đã được thánh Augustino cảm nghiệm khi ngài thơ thẩn bên bờ biển để suy tư về Thiên Chúa. Chúng ta có thể hiểu được Thiên Chúa phần nào chỉ khi chính Người mặc khải cho chúng ta mà thôi.

Nói tóm lại, Mùa Chay thánh không chỉ là dịp chúng ta ăn năn thống hối, ăn chay, hay làm phúc bố thí nhưng cũng là thời gian chúng ta đặt lại câu hỏi cho chính mình: Với tôi, Chúa Giê-su là ai? Để có thể trả lời được câu hỏi này đòi buộc chúng ta phải dành nhiều thời gian thinh lặng nhìn vào thập giá và chiêm ngắm Thánh Thể Chúa. Bởi đơn giản như Mẹ Thánh Tê-rê-sa Can-cút-ta đã nói: “Khi con nhìn lên thánh giá con biết Chúa đã yêu con dường bao và khi con nhìn vào Bánh Thánh con biết được Chúa đang yêu con biết dường nào”. Vâng! Chúa đã và đang yêu chúng ta. Chúa đã chết và ngày ngày vẫn tiếp tục hiến tế chính mình nơi mỗi Thánh lễ để giao hòa và mang lại cho chúng ta ơn cứu độ. Nếu hiểu được như thế thì tại sao chúng ta vẫn còn cứng đầu cứng cổ mà không thay đổi lối sống cho phù hợp với thánh ý Chúa?

 MAPHUC,SSS


Share:

Related Posts:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét