Thứ Năm tuần IV Mùa Chay Xh 32,7-14; Ga 5,31-47 LỜI CHỨNG

Thứ Năm tuần IV Mùa Chay
Xh 32,7-14; Ga 5,31-47


LỜI CHỨNG

Kính thưa cộng đoàn! Sau khi Chúa Giê-su đến hồ Bết-da-tha và chữa lành cho người đàn ông bị bại liệt 38 năm, thì những kinh sư và Pha-ri-siêu bắt bẻ Chúa và cho rằng Chúa đã vi phạm luật ngày Sa-bát vì đã chữa bệnh trong ngày này. Tiếp đó, Chúa Giê-su trực tiếp trả lời với những kinh sư và Pha-ri-siêu về thân thế và sứ vụ của Người.
Người công nhận Người chính là Con Thiên Chúa và Người đến thế gian để hoàn tất công việc của Thiên Chúa nghĩa là canh tân và hoàn tất lề luật. Đức Giê-su khẳng định Người không làm bất cứ điều gì nếu chưa thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm thì người Con cũng làm như vậy. Nếu như Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho con ngườ thế nào thì người Con cũng ban sự sống cho ai tùy ý.(x. Ga 5, 19-21).
Nói tới đây, Đức Giêsu biết người Do Thái đang nghĩ trong lòng: Ai là người đã sai Đức Giê-su đến để làm những việc đó? Nên Chúa đã trả lời cho các ông: “Nếu tôi làm chứng về chính mình thì lời chứng của tôi không thật…Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi.” (x. Ga 5, 31-37). Hơn nữa chính Kinh thánh được viết ra cũng là để làm chứng cho Đức Giê-su (x. Ga 5,39).

Kính thưa cộng đoàn! Hiểu được Lời Chúa như thế, xin được chia sẻ với cộng đoàn 2 điểm:

1. Điểm thứ nhất: Chúng ta đã tin Chúa như thế nào?

Cho dù có 3 chứng nhân làm chứng cho Đức Giê-su đó là: Ông Gio-an, Chúa Cha, và Kinh thánh nhưng những người Do thái vẫn không tin Chúa là vì họ không chấp nhận được một Đấng Mê-si-a khác với não trạng của họ. Với họ, Đấng Mê-si-a phải là một bậc quân vương cầm gươm đánh đuổi ngoại xâm thống nhất đất nước như Vua Đa-vít.
Mỗi người chúng ta cũng thế, chúng ta tự nghĩ ra trong đầu mình một Thiên Chúa theo ý riêng mình. Một Thiên Chúa đáp ứng cho những nhu cầu của chúng ta. Vì vậy, nhiều khi không xin được ơn chúng ta đâm ra nghi ngờ và mất niềm tin vào Chúa.

2. Điểm thứ hai: Chúng ta đã làm chứng cho Chúa ra sao?

Chúa đã khẳng định với những người kinh sư và Pha-ri-siêu, và cũng là khẳng định với chúng ta: “Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân.” (Ga 5, 34). Thế nhưng hiện nay, ở một vài chỗ hành hương rộ lên một số người, không ngại đứng ra làm chứng nhân cho Lòng Thương Xót Chúa. Bỏ qua những chiều kích tiêu cực, ở đây chúng ta chỉ bàn về khía cạnh tích cực thôi. Việc làm chứng cho Chúa như thế thì đáng được khích lệ, bởi cách nào đó chúng ta cũng đang giới thiệu Chúa cho mọi người. Tuy nhiên, trong số trăm ngàn chứng nhân đó, được bao nhiêu người có sự thay đổi thật sự trong đời sống của họ. Thật vậy, việc làm chứng trở nên sai lầm và xa rời thánh ý Chúa là do chúng ta chỉ làm chứng bằng lời nói suông mà không có hành động cụ thể. Chúa đã nói rất rõ với người bị bại liệt 38 năm, sau khi chữa lành cho anh ta: “Anh đã được lành bệnh và từ nay đừng phạm tội nữa kẻo phải khốn khổ hơn trước.” (Ga 5,14). Đừng phạm tội đơn giản chỉ là thay đổi lối sống. Đó là một lối sống tích cực, yêu thương, và bác ái.

Nói tóm lại, chúng ta tin Chúa đấy, chúng ta đi lễ hằng ngày, rước Thánh Thể Chúa hằng ngày, diện đối diện với Chúa qua những giờ chầu Thánh Thể, nhưng liệu rằng chúng ta đã hết lòng đặt niềm tin vào Chúa chưa? hay cũng còn nghi ngờ và tính toán so đo?. Hơn thế nữa, mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên một chứng nhân cho Chúa trong gia đình và ngoài xã hội. Làm chứng không chỉ bằng lời nhưng quan trọng bằng chính lối sống của chúng ta. Đó là một đời sống tích cực, một đời sống bác ái, yêu thương. Amen

MAPHUC,SSS


Share:

Related Posts:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét