Thứ Ba tuần V MC - CĐ Ds 21,4-9; Ga 8,21-30 THÁNH GIÁ BIỂU TƯỢNG CỦA TÌNH YÊU

Thứ Ba tuần V MC - CĐ
Ds 21,4-9; Ga 8,21-30

Lời dẫn đầu lễ
        Kính thưa cộng đoàn! Hằng ngày chúng ta làm Dấu Thánh Giá không biết bao nhiêu lần. Tuy vậy, nhiều khi chúng ta chỉ làm dấu cách vô thức và không hiểu hết được ý nghĩa của việc làm dấu; cũng như ý tưởng mà Thánh giá biểu tượng cho. Thật vậy, Thánh giá chính là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa giành cho nhân loại.
        Dâng Thánh lễ này chúng ta xin Chúa ban ơn cho chúng ta luôn biết sẵn sàng làm Dấu Thánh Giá để chứng tỏ mình thuộc về Đức Ki-tô và cũng để chứng minh cho người khác biết biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại đó chình là Thánh giá.
Giờ đây, chúng ta hãy ăn năn thống hối lỗi lầm để xứng đáng cửu hành Mầu Nhiệm Thánh.


THÁNH GIÁ
BIỂU TƯỢNG CỦA TÌNH YÊU

Kính thưa cộng đoàn! Trong cuộc sống chúng ta có rất nhiều biểu tượng khác nhau. Biểu tượng là một hình ảnh cụ thể làm cho ta liên tưởng đến một giá trị thiêng liêng, siêu hình. Ví dụ, hình ảnh Hòn vọng phu là biểu tượng cho tình chung thủy của một người vợ chờ chồng cho đến khi hóa đá, hoặc hình ảnh chữ thập đỏ là biểu tượng của y tế…
Nhiều người cho rằng trái tim là biểu tượng của tình yêu. Tuy nhiên, với niềm tin của chúng ta có lẽ Thánh Giá chính là biểu tượng trọn vẹn nhất của tình yêu. Bởi đó không đơn thuần chỉ là tình yêu trai gái, hay tình cảm vợ chồng, gia đình mà là tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Tình yêu của Đấng vô thủy vô chung đối với thọ tạo hữu hình.
Sở dĩ Thánh giá là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa, bởi:
1. Trước hết, Thánh Giá có giá trị chữa lành tận căn.
Nếu như trong Cựu ước, khi dân Do thái than trách Chúa, nên đã bị rắn độc cắn chết. Thiên Chúa nghe lời khẩn cầu của Mô-sê sẽ cứu dân, bằng cách đề nghị Mô-sê làm một con rắn bằng đồng và treo lên, để những ai bị rắn cắn nhìn lên rắn đồng sẽ không chết nữa. Con rắn đồng tự nó không có giá trị chữa lành. Con rắn chỉ là biểu tượng cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mới có sức chữa lành cho dân chúng. Thế nhưng, sự chữa lành đó chỉ là hình bóng cho sự chữa lành tận căn mà mãi sau này, khi thời gian đến hồi viên mãn Đức Ki-tô mới ban cho con người.
Thật vậy, Đức Ki-tô khi được treo lên thập giá, thì thập giá không còn là biểu tượng cho hình phạt của những kẻ tử tù nữa mà ngay tức khắc thập giá trở thành Thánh giá. Và những ai nhìn vào Thánh giá với niềm tin sâu xa rằng chính Con Thiên Chúa đã bị treo lên đó để cứu chuộc nhân loại thì sẽ được chữa lành. Nhưng nếu như con rắn đồng chỉ chữa lành phần xác thì Thánh giá có giá trị chữa lành phần hồn. Con rắn đồng chữa lành nọc độc của rắn thì Thánh giá chữa lành nọc độc của satan.
Như vậy, Thánh Giá có giá trị chữa lành tận căn nghĩa là chữa lành những vết thương do chính tội lỗi của chúng ta và nọc độc, tội ác của ma quỷ, satan gây ra trên thể xác và linh hồn chúng ta.

2. Kế đến, Thánh giá mang lại sự sống đời đời cho con người.

Những người được cứu sống bởi rắn đồng chỉ sống được vài năm nữa rồi cũng sẽ chết. Con rắn đồng tự nó không mang lại sự sự sống thật. Sống đấy, rồi lại chết. Chỉ có Thánh giá mới mang lại cho con người sự sống đời đời. Sống lại và không bao giờ chết nữa.
Đức Giê-su đến từ Chúa Cha, là Con Thiên Chúa, Đấng Hằng Hữu. Người là Đấng Mê-si-a mà Kinh thánh và các ngôn sứ nói đến. Chính Người sẽ đến thế gian cứu chuộc nhân loại, bằng việc chịu chết trên thập giá. Để tất cả những ai đã chết do tội thì khi nhìn lên và tin vào Thánh giá thì được cứu sống.
Tuy nhiên những người Do thái không hiểu được điều này nên không tin và không đón nhận Chúa. Thế nên Đức Giê-su khẳng định rằng: “Các ông bởi hạ giới, còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông mang tội mình mà chết.” (Ga 8,23-24). Thật vậy, chúng ta cũng sẽ trở thành những người mang tội mình mà chết nếu chúng ta cũng cứng đầu cứng cổ như những người Do thái.

Như vậy, thập giá tuy là hình phạt dành cho tử tội nhưng một khi Đấng Cứu Thế được treo lên đó, thập giá trở thành Thánh Giá. Chính Thánh giá lại trở nên biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đó không phải là tình yêu nam nữ hay cha mẹ với con cái, đó là tình yêu của người đã hiến mạng sống mình cho người mình yêu. Qua cái chết của Đức Giê-su trên Thánh giá, nhiều người sẽ được cứu độ, được sống lại hiển vinh như Chúa.
Mỗi chúng ta mang danh là Ki-tô hữu hằng ngày chúng ta làm Dấu Thánh Giá không biết bao nhiêu lần. Nhưng liệu rằng chúng ta có thực sự hiểu hết được giá trị của Thánh Giá. Chúng ta phải luôn cảm thấy hãnh diện mỗi khi làm Dấu Thánh Giá. Khi làm dấu ta không chỉ tuyên xưng mình thuộc về Đức Ki-tô mà hơn thế nữa cần phải chứng tỏ cho những người xung quanh biết Thánh giá chính là biểu tượng của tình yêu đích thực, tình yêu của Đấng đã hy sinh mạng sống để chúng ta được sống đời đời. Amen.
MAPHUC,SSS


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét