CHÂN DUNG ĐỨC MARIA

CHÂN DUNG ĐỨC MARIA


Dàn bài
1. Giới thiệu
2. Giai đoạn phác thảo – chân dung Đức Maria trong Cựu Ước
3. Giai đoạn phối màu – chân dung Đức Maria trong Tân Ước
      3.1. Gam màu nóng – những đoạn Tân Ước nói trực tiếp về Đức Maria
      3.2. Gam màu lạnh – những đoạn Tân Ước nói gián tiếp về Đức Maria
4. Giai đoạn hoàn thành tác phẩm – Đức Maria trong Giáo Hội
      4.1. Đức Maria là thành viên của Hội Thánh
      4.2. Đức Maria là khuôn mẫu của Hội Thánh
5. Kết luận

1.Giới thiệu
Qua lăng kính của người nghệ sĩ, Nhiệm Cục Cứu Độ của Thiên Chúa được ví như một bức tranh lớn - Bức Tranh Cứu Độ. Bức tranh ấy được vẽ lên bằng chính sự toàn năng của Thiên Chúa. Ngài vừa là Đấng Tạo Hóa vừa là một nghê nhân tài ba[1]. Do đó, Bức Tranh Cứu Độ do Thiên Chúa vẽ chắc hẳn là tuyệt hảo. Bức tranh ấy chứa đựng Chân Lý vẹn toàn, sự Thánh Thiện trỗi vượt và Cái Đẹp viên mãn của Đấng Tạo Hóa.
Chương trình Cứu độ của Thiên Chúa đã được manh nha ngay từ khi ông bà nguyên tổ phạm tội. Chương trình Cứu độ ấy đã được Thiên Chúa thực hiện cách tiệm tiến trong dòng lịch sử[2]. Đến thời viên mãn, Con Thiên Chúa xuống thế làm người để thực hiện công cuộc Cứu độ của Ngài[3]. Tương tự thế, Bức Tranh Cứu Độ của Thiên Chúa không được vẽ một lần trong một thời gian xác định. Nhưng công trình ấy đã phải trải qua quá trình phác thảo, phối màu và đang trong quá trình hoàn thành.
Trong Bức Tranh Cứu Độ, nổi bật nhất là chân dung của Đức Kitô. Quả thật, Đức Kitô là nhân vật trung tâm của Lịch sử cứu độ, là điểm sáng, điểm nhấn và trọng tâm của toàn Bức Tranh Cứu Độ. Mọi chi tiết khác của Bức tranh đều quy về nhân vật trung tâm này. Tuy nhiên, bên cạnh chân dung rạng tỏ của Đức Kitô, người ta thấy còn thấy chân dung của những nhân vật khác, góp phần không nhỏ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đức Maria là một trong số những nhân vật ấy.
Qua lăng kính của người nghệ sĩ, xin được trình bày Chân dung Đức Maria qua ba giai đoạn chính, tương ứng với ba giai đoạn của một tác phẩm hội họa.
·   Giai đoạn phác thảo: là những hình ảnh, biểu tượng về Đức Maria trong Cựu ước.
·   Giai đoạn phối màu: là những gam màu khác nhau về hình ảnh Đức Maria trong Tân ước.
·   Giai đoạn hoàn thành tác phẩm: là hình ảnh Đức Maria trong Hội thánh, đặc biệt trong giáo huấn của Công đồng Vaticanô II.
Mỗi một giai đoạn đều tập trung phác họa chân dung Đức Maria cách tốt nhất. Tuy nhiên, các giai đoạn này không thể tách rời nhau nhưng liên kết với nhau để làm nên một tác phẩm vĩ đại – Chân Dung Đức Maria.


2.Giai đoạn phác thảo – Chân dung Đức Maria trong Cựu Ước
Trong kỹ thuật vẽ tranh, các họa sĩ muốn có một tác phẩm đẹp cần phải trải qua giai đoạn vẽ phác thảo. Vẽ phác thảo tức là sử dụng một bút chì cứng hoặc bút lông có đầu nhỏ để tạo ra một bản phác thảo, xác định vị trí các đối tượng, ánh sáng của chủ đề họa sĩ cần vẽ.[4] Khi họa sĩ muốn vẽ một chủ đề nào đó thì giai đoạn vẽ phác thảo không những cần thiết để định hình ý tưởng mà còn là cách thức, hướng đi để thể hiện nội dung bức tranh.
Phác thảo là những nét chì được vẽ khá sơ sài, chỉ là định hình cho một ý tưởng. Đức Maria được trình bày trong Cựu Ước cũng thế. Những đoạn Kinh thánh trong Cựu ước, những nhân vật, hay những ý tưởng chỉ là những phác thảo rất sơ sài về Đức Maria mà Thiên Chúa – Người Nghệ Sĩ tài ba muốn thể hiện trong Bức Tranh Cứu Độ của Ngài. Ta có thể liệt kê một số đoạn Kinh Thánh sau phản ảnh chân dung Đức Maria, tuy còn khá mờ nhạt:
Trước hết, hình ảnh những người phụ nữ được xem là tiên trưng cho Đức Maria.[5] bà Evà, bà Sara[6], bà Đêbôra[7], bà Anna[8], bà Rút, Giuđitta, Ester, …Thật vậy, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng xác quyết: “Suốt thời Cựu Ước, sứ vụ của Đức Maria đã được chuẩn bị bởi sứ vụ của những phụ nữ thánh thiện.  Ngay từ đầu, là bà Evà: bất chấp sự bất tuân phục của mình, bà đã nhận  được Lời Hứa rằng một hậu duệ của bà sẽ chiến thắng ma quỷ[9] và Lời Hứa rằng bà sẽ làm mẹ chúng sinh[10]. Do lời hứa đó, bà Sara, mặc dù đã cao niên, vẫn thụ thai một người con trai[11]. Trái với mọi niềm hy vọng nhân loại, Thiên Chúa đã chọn những gì bị coi là bất lực và yếu đuối[12] để chứng tỏ Ngài luôn trung tín với lời Ngài đã hứa: Bà Anna, mẹ của tiên tri Samuel[13], bà Đêbôra, bà Ruth, bà Juđitha, bà Esther và nhiều phụ nữ khác.[14].” Những phụ nữ được gọi là tiên trưng cho Đức Maria bởi đã phản ảnh những tính cách khiêm hạ và nghèo hèn của Đức Maria mà sau này Tân Ước làm rõ. Hình ảnh của những phụ nữ ấy được xem là những nét vẽ sơ sài về Đức Maria mà Thiên Chúa dùng để truyền tải ý tưởng của mình. Nói theo ngôn ngữ hội họa thì đó chỉ là những nét vẽ chì khá mờ nhạt. Nếu họa sĩ chỉ dừng lại ở giai đoạn phác thảo thì bức tranh sẽ không được hoàn thành và chưa thể nói đó là bức tranh đẹp.
Kế đến, ngoài hình ảnh của những phụ nữ nêu trên, một số đoạn Kinh thánh Cựu Ước khác cũng được cho là có ý ám chỉ Đức Maria sau này. Đặc biệt là những tuyên bố của các tiên tri. Ta có thể liệt kê một số các đoạn sau.
·     Lời tiên tri của Isaia về dấu chỉ Đức Trinh Nữ phải sinh ra Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta: “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen.[15]
·     Lời của tiên tri Mikha nói về Người Nữ sinh con tại Bêlem, nước Do Thái: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi Ta sẽ có xuất hiện một vị có sứ mạng thống lĩnh Israel. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa. Vì thế Giavê sẽ bỏ mặc họ vào tay ngoại bang cho đến thời người sản phụ sẽ sinh con. Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ dựa vào quyền lực của Giavê, vào uy danh Giavê, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, vì bấy giờ, quyền lực Người sẽ trải rộng đến tận cùng trái đất. Chính Người sẽ đem lại hòa bình.[16]
·     Sách Diễm Tình Ca đề cập đến vị Hiền Thê, ám chỉ Đức Trinh Nữ Maria và Giáo Hội.[17]
Còn nhiều chỗ khác trong các sách Cựu Ước như muốn diễn tả về chân dung Đức Maria. Tuy nhiên, có thể nói đoạn văn trong sách Sáng Thế: “Ta sẽ gây mối thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó.”[18] là rõ nét nhất. Thật vậy, “sau khi sa ngã, con người không bị Thiên Chúa bỏ rơi. Trái lại, Thiên Chúa gọi con người và, một cách bí nhiệm, loan báo cho con người cuộc chiến thắng trên sự dữ và việc nâng con người sa ngã dậy[19]. Đoạn này trong sách Sáng Thế được gọi là “Tiền Tin Mừng” bởi vì đó là lời loan báo đầu tiên về Đấng Mêsia Cứu Chuộc, về cuộc chiến đấu giữa con rắn và Người Nữ và về chiến thắng chung cuộc của một hậu duệ Người Nữ này[20]”.
Với các họa sĩ, giai đoạn vẽ phác thảo một tác phẩm hội họa là giai đoạn khá quan trọng. Bởi để có được một tác phẩm đẹp thì phác thảo không chỉ như là khung sườn, là bộ xương cho toàn bộ tác phẩm mà còn là lúc họa sĩ gợi lên một ý tưởng, một nội dung được xếp đặt trước. Sau này, trong giai đoạn phối màu, người họa sĩ sẽ thực hiện ý đồ sáng tác của mình cách rõ ràng hơn, qua đó ý tưởng và nội dung của bức tranh cũng được sáng tỏ. Tương tự thế, chân dung Đức Maria trong Cựu Ước cũng được Thiên Chúa vẽ lên chỉ bằng những nét vẽ sơ sài. Tuy nhiên qua những nét vẽ đó, cũng cho thấy ý tưởng và nội dung mà Thiên Chúa muốn thực hiện trong chương trình Cứu độ của Ngài. Có thể nói, phác thảo chân dung Đức Maria trong Cựu Ước như khẳng định Ơn Tiền Định mà Thiên Chúa đã muốn Đức Maria cộng tác trong Công trình Cứu độ từ ngàn xưa. Thật vậy, chữ Tiền Định chỉ hành động đời đời của Thiên Chúa, nhờ đó Ngài xếp đặt trước tất cả những gì được thể hiện trong thời gian, nhờ ân sủng Ngài trợ giúp.[21]
Như vậy, chân dung Đức Maria trong Cựu Ước chỉ là những nét vẽ mộc rất sơ sài. Đó chỉ là hình ảnh của một vài phụ nữ, vài đoạn văn của các tiên tri ám chỉ khá mờ nhạt về Đức Maria.  Chân dung Đức Maria không thể được hoàn thành nếu như không được ánh sáng của nhân vật chính trong Bức Tranh Cứu Độ - là Đức Kitô chiếu rọi. Chân dung Đức Maria trong Cựu Ước chỉ rõ ràng nếu được nhìn bằng cái nhìn trong sự mặc khải của Tân Ước.
3.Giai đoạn phối màu – Chân dung Đức Maria trong Tân Ước
Nếu như trong Cựu Ước, chân dung Đức Maria khá mờ nhạt và sơ sài thì Tân Ước lại cho thấy một Đức Maria rõ nét hơn. Thật vậy, một bức tranh trong giai đoạn phối màu là giai đoạn vẽ màu và lên chi tiết cho bức tranh. Màu được lên từ từ, lớp nọ chồng lên lớp kia, các chỗ sáng cần được vẽ dày bằng màu ấm, các chỗ trung gian và tối cần được vẽ mỏng bằng màu lạnh[22]. Tương tự như cách thức lên màu trong vẽ tranh, chân dung Đức Maria trong giai đoạn Tân Ước được trình bày với hai gam màu chính: Nóng – Lạnh. Gam màu nóng là những đoạn văn Tân Ước nói trực tiếp đến Đức Maria. Gam màu lạnh là những đoạn văn Tân Ước nói cách gián tiếp đến Đức Maria. Hai gam màu này được kết hợp từ từ, lớp nọ chồng lên lớp kia, không tách rời nhau nhưng lại cùng nhau tạo nên gam màu chung, rõ nét nhất cho chân dung Đức Maria.
3.1.            Gam màu nóng – Những đoạn văn Tân Ước nói trực tiếp về Đức Maria.
Một bức tranh sau khi đã trải qua giai đoạn phác thảo, thì giai đoạn phối màu được xem là giai đoạn thể hiện trọn vẹn ý tưởng của tác giả. Nếu như ở Cựu Ước, Thiên Chúa vẽ chân dung Đức Maria chỉ bằng những nét chấm phá, thì Tân Ước là lúc Thiên Chúa bắt tay vào công việc phối màu. Bắt đầu bằng những gam nóng, gam màu chính, vẽ những nét chính yếu của bức tranh. Chân dung Đức Maria trong các bản văn Tân Ước nói đến cách trực tiếp thì không nhiều lắm: khoảng chừng 150 câu, rải rắc trong bốn cuốn Tin mừng và sách Tông đồ công vụ[23]. Tuy nhiên, chỉ với bấy nhiêu câu tương ứng với gam màu nóng chính yếu, Tân Ước cũng đủ thể hiện rõ nét chân dung Đức Maria. Thật vậy, nếu các đoạn văn Tân Ước nói trực tiếp về Đức Maria được đọc trong bối cảnh của Cựu Ước và những chú giải của Hội thánh tiên khởi, thì ta đã được một bức chân dung về vai trò của Đức Maria trong chương trình của Thiên Chúa. Dữ kiện chắc chắn nhất của Tân Ước về Đức Maria là: đây là một phụ nữ có thực, tên là Maria: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria...”[24]; bà là mẹ của Đức Giêsu và việc sinh hạ đồng trinh Người Con của Thiên Chúa: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, Mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.”[25] Tân Ước trình bày cho thấy chân dung của Đức Maria như một phụ nữ sống đời bình thường khác với các thần thoại, sống giữa lòng dân tộc, với đầy tình người, quan tâm đến tha nhân. Người là một phụ nữ biết suy tư, lắng nghe, hỏi han, lo lắng cho người khác[26], một con người sống với lòng tin sắt đá[27].
Như vậy, Thiên Chúa đã tiền định cho Đức Maria cộng tác trong chương trình Cứu độ của Ngài. Qua phác thảo trong Cựu Ước, đến thời viên mãn Thiên Chúa đã sai Con mình tới[28], nhưng để tạo một thân xác cho Người, Thiên Chúa đã muốn có sự cộng tác của một thụ tạo. Với mục đích ấy, từ muôn đời Thiên Chúa đã chọn, để làm Mẹ của Con mình, một người con gái Israel, một thiếu nữ Do Thái ở Nazareth miền Galilêa, “một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1, 26-27)[29]

3.2.            Gam màu lạnh – những đoạn văn Tân Ước nói gián tiếp về Đức Maria.[30]
Bên cạnh gam màu nóng chính yếu vẽ lên chân dung Đức Maria, ta còn thấy những gam màu lạnh được đặt song song hoặc chồng lên gam màu nóng. Cả hai gam màu hòa quyện vào nhau với những điểm sáng tối, nóng lạnh làm cho bức chân dung thêm chân thực và rõ ràng. Nếu gam màu nóng được xem là những đoạn Tâm Ước nói trực tiếp về Đức Maria, thì gam màu lạnh là những đoạn nói cách gián tiếp. Ở đây ta cũng có thể liệt kê một vài chỗ.
Trong “Tin mừng thơ ấu”, Matthêu và Luca cung cấp nhiều thông tin khác nhau. Tuy phát xuất từ những nguồn khác nhau, nhưng cả hai đều có những điểm chung: Đức Giêsu thuộc dòng dõi vua Đavit[31]; việc thụ thai trinh khiết[32]; sự can thiệp của Thánh Thần[33]; việc nhấn mạnh đến sự trinh khiết của đức Maria[34]; cuộc hôn nhân với thánh Giuse[35]; việc đặt tên Giêsu do lệnh trời[36]; Đức Giêsu là đấng cứu vớt muôn dân[37]; Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem[38]; Đức Giêsu trải qua thời thơ ấu tại Nazareth cùng với đức Maria và thánh Giuse[39]. Tuy được Thiên Chúa tuyển chọn đặc biệt, nhưng Đức Maria cũng không tránh khỏi những giây phút căng thẳng khi sống bên cạnh mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người. Mặc dù Đức Giêsu chấp nhận sống trong gia đình của Đức Maria như một người con thảo hiếu[40], nhưng bà mẹ cảm thấy mình không thể nào chiếm hữu được người con ấy bởi người con này đã hiến dâng trót đời mình cho Thiên Chúa[41]. Truyền thống Tin mừng không giấu diếm mối tương quan khó khăn giữa Chúa Giêsu với thân mẫu trong thời kỳ hoạt động công khai[42]. Mặt khác, các bản văn Kinh Thánh đều cho thấy Đức Maria luôn có mặt ở những biến cố trọng đại của công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu: - Lúc Nhập thể, khi thời gian tới hồi viên mãn, do tác động huyền nhiệm của Thánh Thần, Đức Maria đã sinh hạ Con của Đấng Tối cao làm người. - Trong mầu nhiệm Vượt qua, khi Đức Giêsu hoàn tất công cuộc cứu chuộc bằng sự tự huỷ, thì Đức Maria hiện diện như người Nữ của “giờ” của Chúa[43]. Vào lúc khai nguyên của Hội thánh, Đức Maria, “thân mẫu của Chúa”[44] đã hiện diện với các tông đồ tại nhà Tiệc ly, như là ký ức và bà mẹ của “biến cố Đức Kitô”, khởi điểm của Hội thánh. Người ở “trong” và “với” Hội thánh. Người là mẫu gương của “kẻ đã tin”[45], luôn nghiền ngẫm Lời Chúa[46], sẵn sàng luôn để cho Thánh Thần hướng dẫn.
Theo một vài liệt kê trên về sự xuất hiện cách gián tiếp của Đức Maria trong Tân Ước đã cho thấy những gam màu phong phú trong cách thức phối màu của Thiên Chúa – Người Nghệ Sĩ tài ba. Ngài đã khéo léo tuyển chọn những chi tiết chắt lọc nhất sao cho có thể thể hiện rõ nét và chân thực nhất chân dung của Người Nữ mà Ngài đã tiền định từ ngàn xưa để làm Mẹ Con của Ngài. “Chúa Cha rất nhân từ đã muốn có sự ưng thuận của người Mẹ đã được tiền định, trước khi Chúa Con nhập thể, để như vậy, một người nữ đã mang đến sự chết như thế nào, thì một người nữ cũng sẽ mang sự sống như vậy.”[47] Người Con ấy vì vâng phục mà xuống thế làm người để cứu chuộc muôn người, và cũng để hoàn tất Bức Tranh Cứu Độ đã được vẽ lên trong một thời gian dài.

4.Giai đoạn hoàn thành tác phẩm
Đây là giai đoạn cuối cùng. Hoạ sĩ nhìn lại toàn bộ bố cục, sửa các chi tiết sao cho toàn bộ bề mặt bức tranh được hoàn thiện, không bỏ sót chỗ nào. Một trong các cách kiểm tra bộ cục, hình khối và hòa sắc là nhìn bức tranh ở khoảng cách xa, nhìn bức tranh lộn ngược, hoặc nhìn hình phản chiếu trong gương của bức tranh. Cũng có thể chụp lại bức tranh rồi cho vào Photoshop có màn hình rộng để nhìn rõ các chỗ cần sửa[48]. Tương tự thế, nếu như chân dung Đức Maria đã được Thiên Chúa phác thảo trong Cựu Ước và đã được Ngài làm sáng tỏ trong Tân Ước thì công việc của Giáo Hội là chiêm ngưỡng lại bức tranh ở những góc độ khác nhau. Giáo hội cũng cần khám phá những nét đẹp còn tiềm ẩn. Thật vậy, mặc khải của Thiên Chúa không được thể hiện một lần, trong thời gian xác định nhưng là mặc khải tiệm tiến theo thời gian. Đến thời viên mãn, mặc khải ấy được trọn vẹn nhờ Con Thiên Chúa xuống thế làm người[49]. Tuy nhiên, do những giới hạn mà con người cần phải nhờ đến sự tác động và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mới có thể thấu hiểu được những mặc khải của Thiên Chúa[50]. Dưới sự tác động của Thánh Thần, Giáo Hội đã rất cẩn trọng trong việc chiêm ngưỡng và khám phá những nét đẹp trong chân dung Đức Maria. Chính vì thế, trải qua thời gian, Giáo hội đã tuyên tín 4 tín điều về Đức Maria. Điều đó cho thấy Giáo Hội đã cung kính chiêm ngắm chân dung Đức Maria để rồi nhận ra những nét đẹp ẩn sâu bên trong mà Người Nghệ Sĩ tài ba đã vẽ lên.
Ngoài ra, Giáo hội còn có nhiệm vụ đặt chân dung Đức Maria vào trong bố cục chung của toàn bộ Bức Tranh Cứu Độ. Thật vậy, chân dung Đức Maria được trình bày trong các văn kiện của Giáo hội cho thấy Đức Maria không như một nhân vật đừng bên ngoài, tách biệt hay nằm bên trên Giáo hội. Chân dung Đức Maria được được đặt trong lòng Giáo hội, như một thành phần Giáo hội nhưng lại được làm cho nổi bật bởi những nét tiêu biểu sau:
4.1.            Đức Maria là thành viên của Hội Thánh[51].
Trong các văn kiện của mình, nhất là văn kiện Lumen Gentium, Giáo Hội cho thấy Đức Maria không tách biệt ra bên ngoài hay bên trên Giáo Hội, nhưng Đức Maria là một thành viện, một phần tử của Giáo Hội. Tuy nhiên, Đức Maria lại là thành viên ưu việt và trỗi vượt.
Sự ưu việt của Đức Maria được thể hiện trước hết qua việc Mẹ là trung gian. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại, đó là Đức Giêsu Kitô[52]. Nhưng vai trò làm Mẹ của Đức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực vai trò trung gian của Chúa Kitô[53]. Đức Maria là trung gian không theo nghĩa thông truyền ân sủng tự thân, nhưng là trao ban ân sủng cho con người trong tư cách là chuyển giao, là máng thông ân sủng của Thiên Chúa. Hơn nữa, Đức Maria là trung gian bởi vừa lệ thuộc vào Chúa Kitô, vừa mang tính phổ quát đối với mọi người. Tính phổ quát từ vai trò trung gian của Đức Maria xuất phát từ thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa.
Kế đến, sự ưu việt và trỗi vượt của Đức Maria thể hiện qua việc Mẹ cộng tác vào công trình cứu chuộc. Như đã nói trên, chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa như bức tranh và đã được vẽ phác thảo từ muôn thuở. Đức Maria cũng được Thiên Chúa phác thảo ra, hay nói cách khác là Ngài đã tiền định cho Đức Maria làm Mẹ của Ngôi Lời trong ý định ngàn đời của Ngài. Đức Maria đã cộng tác với Thiên Chúa qua việc đáp tiếng “Xin vâng!”. Lời ưng thuận của Đức Maria không chỉ là việc sinh ra một Người Con, nhưng còn là lãnh nhận trách nhiệm cộng tác với Người Con ấy trong việc thực thi ý định cứu độ của Thiên Chúa[54]. Ngoài ra, Đức Maria cộng tác với Thiên Chúa bằng thái độ tin tưởng cậy trông. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa không ai hiểu thấu, Ngài mời gọi ai thì muốn người đó quảng đại đáp lại lời mà không chất vấn Ngài. Đức Maria không bao giờ đặt vấn đề về ơn tuyển chọn của mình. Mẹ chỉ thấy ở nơi mình quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa đến nỗi dám thốt lên rằng: “Vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những việc trọng đại, và Danh Ngài là thánh.”[55] Sau cùng, Đức Maria cộng tác vào công trình cứu độ qua việc tôn trọng chương trình hành động của Thiên Chúa. Qua các biến cố như: lạc mất con[56]; cuộc đời công khai với bao thử thách bách hại, nhất là dưới chân thập giá[57]. Dù không hiểu thấu chương trình của Thiên Chúa, nhưng Đức Maria vẫn luôn can đảm theo chân Con mình trên mọi nẻo đường, trong mọi biến cố để thực hiện ý định cứu độ của Chúa Cha.[58]
Sau cùng, sự ưu việt của Đức Maria thể hiện qua việc Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh. Đức Maria nhờ ân huệ và sứ mệnh làm Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó Mẹ được hiệp nhất với Con là Đấng Cứu chuộc và nhờ các ơn và nhiệm vụ đặc biệt khác, ngài còn kết hiệp mật thiết với Giáo Hội. Đức Maria chính là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô[59]
4.2.            Đức Maria là khuôn mẫu của Hội Thánh.
Trong hiến chế Tín lý Lumen Gentium số 65, Công Đồng xác định: “Giáo Hội phải bắt chước nhân đức của Đức Maria. Tuy nhiên, Giáo Hội, qua con người của Đức Trinh Nữ, đã đạt tới sự hoàn thiện làm cho mình nên thanh sạch và vẹn tuyền, nhưng Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng chiến thắng tội lỗi để tiến trên đường thánh thiện. Vì thế, họ ngước mắt nhìn lên Đức Maria là một mẫu gương nhân đức sáng ngời cho toàn thể cộng đoàn những người được chọn.”
Mẫu gương đầu tiên mà Đức Maria để lại đó là sự chiêm ngắm. Thật vậy, hình ảnh Đức Maria chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ Bêlem là hình ảnh của Hội Thánh chiêm ngắm Chúa Giêsu hiện diện trong cử hành Thánh Thể. Không chỉ dừng lại ở chiên ngắm, Đức Maria còn ghi nhớ tất cả những sự việc đó và suy niệm trong lòng[60].
Mẫu gương thứ hai Đức Maria để lại đó là sự hiện diện. Đức Maria không chỉ hiện diện bên Con của mình kể từ những ngày đầu mang thai cho đến khi nhìn thấy Con trút hơi thở sau cùng trên thập giá, mà còn hiện diện trong cộng đoàn các môn đệ sau khi Đức Giêsu sống lại và lên trời. Cũng vậy, Đức Maria luôn hiện diện trong Hội Thánh như dấu chứng của tình yêu Mẹ dành cho Hội Thánh. Mẹ hiện diện như thành phần ưu tuyển của Hội Thánh và nên như gương mẫu của Hội Thánh cầu nguyện.[61]

5.Kết luận
Nói tóm lại, qua lăng kính của người nghệ sĩ, chương trình cứu độ của Thiên Chúa tự như một bức tranh vĩ đại. Nơi đó thể hiện toàn vẹn ý định cứu độ của Thiên Chúa. Bức tranh nổi bật với nhân vật trung tâm là Đức Giêsu. Nhân vật này sáng ngời và chiếu soi toàn bộ bức tranh. Chân dung Đức Maria trong Bức Tranh Cứu Độ cũng được nổi bật bởi phản ảnh rõ nét nhất chân dung của Đức Giêsu, Người Con mà Mẹ được diễm phúc cưu mang. Thiên Chúa – Người Nghệ Sĩ tài ba đã khéo phác thảo chân dung Người Nữ mà sau này Ngài chọn làm Mẹ của Con Thiên Chúa. Thật vậy, “Thiên Chúa đã không tìm kiếm trong muôn ngàn thiếu nữa thế giới để chon lấy một người tốt lành nhất, đặt làm Mẹ Chúa Kitô. Đức Trinh Nữ Maria cũng không được Thiên Chúa tuyển chọn vì đã tìm thấy người hoàn hảo nhất trong các thiếu nữ, trái lại, Thiên Chúa đã tạo dựng một Thiếu Nữ hết sức tuyệt hảo là Đức Trinh nữ Maria, để làm Mẹ Chúa Kitô, Con Thiên Chúa.”[62] Thế nên, trong số các con cháu Evà, Thiên Chúa đã tiền định Đức Trinh Nữ Maria làm Mẹ của Con Ngài. Chính vì thế Đức Maria đã được Thiên Chúa giữ gìn khỏi nguyên tội và suốt đời Mẹ cũng không phạm một tội riêng nào. Đức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa và trọn đời đồng trinh. Sau khi hoàn tất đời mình, Mẹ đã được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác[63]. Giáo hội, bước theo Chúa Giêsu, đã đón nhận Đức Maria như là Mẹ của Hội Thánh. Tuy vậy, Mẹ vẫn là một phần tử của Hội Thánh nhưng trỗi vượt và là mẫu gương rạng ngời nhất.
MAPHUC,SSS





[1] Xc. Nguyễn Hưng, Nghệ Thuật Công Giáo - Thư Đức Cô Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II Gửi Các Nghệ Sĩ, (NXB Đồng Nai), tr. 159.
[2] Xc. LG số 55.
[3] Xc. Hr 1, 1-4.
[4] Huy Vũ, Các Bước Vẽ Bức Tranh Sơn Dầu, http://tranhsondauviet.com/lam-the-nao-de-ve-1-buc-tranh-son-dau-dep-va-ky-thuat-ve-tranh-co-ban/, truy cập 2/12/2014.
[5] Xc. Phan Tấn Thành, Magnificat, (Học Viện Đa Minh, 2010), tr. 99 – 102.
[6] Xc. St 21, 1-7.
[7] Xc. Tl 4,4.
[8] Xc. 1Sm chương 1, chương 2.
[9] St 3, 15.
[10] St 3, 20.
[11] Xc. St 18, 10 -14; 21, 1-2.
[12] Xc. 1Cr 1, 27.
[13] Xc, 1Sm chương 1.
[14] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, (NXB Tôn Giáo, 2012), số 489.
[15] Is 7, 14
[16] Mk 5, 1-4
[17] An Bình, Giáo Lý Về Đức Maria, (Carthage, Missouri, 1994), tr. 64.
[18] St 3,15
[19] Xc. St 3,9,15.
[20] Xc. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, (NXB Tôn Giáo, 2012), số 410.
[21] An Bình, Giáo Lý Về Đức Maria, (Carthage, Missouri, 1994), tr. 59.
[22] Nguyễn Đình Đăng, Phương Pháp Vẽ Sơn Dầu Nhiều Lớp,(2013),
[23] Xc. Salvatore M. Perrella, Thánh Mẫu Học Trong Giáo Hội Từ Vaticano II Đến Nay, (Lược dịch Phan Tấn Thành, 2014), http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/ThanhMauHoc/13TMHSauVat2.htm, truy cập 2/12/2014.
[24] Xc. Mc 6,3; Mt 1,16.18; Lc 1,27.30; Cv 1,14.
[25] Xc. Mt 1,18-25; Lc 1,26-38.
[26] Xc. Lc 1, 39-56; Ga 2, 1-12.
[27] Xc. Lc 2, 51.
[28] Xc. Gl 4,4.
[29] Xc. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, (NXB Tôn Giáo, 2012), số 488.
[30] Xc. Salvatore M. Perrella, Thánh Mẫu Học Trong Giáo Hội Từ Vaticano II Đến Nay, (Lược dịch Phan Tấn Thành, 2014), http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/ThanhMauHoc/13TMHSauVat2.htm, truy cập 2/12/2014.
[31] Xc. Mt 1,16.20; Lc 1,27; 2,25.
[32] Xc. Mt 1,18-25; Lc 1,26-38; 2,6-7.
[33] Xc. Mt 1,18.20; Lc 1,35.
[34] Xc. Mt 1,16; Lc 1,27.
[35] Xc. Mt 1,16; Lc 1,27: 2,25.
[36] Xc. Mt 1,21; Lc 2,11.
[37] Xc. Mt 1,21; Lc 2,11.
[38] Xc. Mt 2,5; Lc 2,11.
[39] Xc. Mt 2,23; Lc 2,39.
[40] Xc. Lc 2,16-19.48-50.
[41] Xc. Lc 2,49.
[42] Xc. Mc 3,20-21.31-35; Lc 11,27-28; Ga 7,1-13.
[43] Xc. Ga 19,25-27.
[44] Xc. Cv 1,14.
[45] Xc. Lc 1,45.
[46][46] Xc. Lc 2,19.51.
[47] CĐ VaticanoII, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 56.
[48] Nguyễn Đình Đăng, Phương Pháp Vẽ Sơn Dầu Nhiều Lớp,(2013),
[49] Xc. Hr 1, 1-4.
[50] Xc. Ga 16, 4-15.
[51] Xc. Nguyễn Thế Thủ, Mẹ Maria trong Phụng Vụ Công Giáo, (TP. HCM, 2004), tr. 8 – 13.
[52] Xc. 1Tm 2, 5-6.
[53] CĐ VaticanoII, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 60.
[54] Xc. CĐ VaticanoII, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 61.
[55] Lc 1, 49.
[56] Xc. Lc 2, 41-50.
[57] Xc. Ga 19, 25-27.
[58] Xc. Nguyễn Thế Thủ, Mẹ Maria trong Phụng Vụ Công Giáo, (TP. HCM, 2004), tr. 11.
[59] Xc. CĐ VaticanoII, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 63.
[60] Xc. Lc 2, 19.
[61] Xc. Nguyễn Thế Thủ, Mẹ Maria trong Phụng Vụ Công Giáo, (TP. HCM, 2004), tr. 15.
[62] Walter Farrell and Martin J. Healy, Đường Sống Của Tôi,  tr. 475.
[63] Xc. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, (NXB Tôn Giáo, 2012), số 508.
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét