Chúa nhật tuần VII TN – C – CĐ ANH EM HÃY CÓ LÒNG NHÂN TỪ NHƯ CHA ANH EM LÀ ĐẤNG NHÂN TỪ


Chúa nhật tuần VII TN – C – CĐ
1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23; 1Cr 15, 45-49; Lc 6, 27-38


LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật VII thường niên, phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến lòng nhân từ của Thiên Chúa, qua đó Chúa cũng mời gọi chúng ta cũng hãy đối xử nhân từ với tha nhân như Chúa đã nhân từ với chúng ta: “ Anh em hãy có lòng nhân từ như cha anh em là Đấng nhân từ.”
        Dâng thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn để qua từng ngày sống, chúng ta cũng nhận ra thân phận khố khổ nghèo nàn của mình để rồi biết tín thác vào lòng nhân từ Chúa, qua đó, chúng ta cũng biết xót thương và tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng ta.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

SÁM HỐI
1.   Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi chúng con hãy yêu thương kẻ thù, vậy mà chúng con luôn tìm cách trả thù, xin Chúa thương xót chúng con.
2.   Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa mời gọi chúng con đừng xét đoán, vậy mà chúng con liên tục lên án tha thân, xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con.
3.   Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi chúng con hãy có lòng nhân từ như Chúa Cha, vậy mà chúng con luôn ghen ghét, lên án, và thù hằn tha nhân, xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót tha tội và dẫn đưa chúng ta đến cuộc sống muôn đời.


BÀI GIẢNG
ANH EM HÃY CÓ LÒNG NHÂN TỪ
NHƯ CHA ANH EM LÀ ĐẤNG NHÂN TỪ

Thật là nực cười và khó có thể chấp nhận khi nghe những lời Chúa Giê-su nói trong Tin mừng hôm nay phải không cộng đoàn?
-        Làm sao có thể tha thứ cho kẻ thù, cầu nguyện cho kẻ thù?
-        Làm sao có thể không đánh lại nếu như người ta đánh chúng ta? Chứ đừng nói là đưa cả má kia cho người ta đánh.
-        Làm sao có thể cho người ta vay mà không đòi lại?
-        Làm sao mà nó cướp áo ngoài mà lại còn cởi luôn áo trong cho nó? (x. Lc 6, 27-35)

Ấy vậy mà Chúa Giê-su lại nói: Anh em hãy tha thứ và cầu nguyện cho kẻ thù.

Trong văn hóa Trung Hoa, nhất là mỗi khi chúng ta xem phim kiếm hiệp, nội dung chính trong hầu hết các tác phẩm là oan oan tương báo, có thù thì phải trả, đời này không trả được thì đời sau sẽ trả…
Não trạng báo thù đó phần nào ảnh hưởng đến suy nghĩ và lối sống của chúng ta. Đã là kẻ thù thì không bao giờ thành bạn được.
“Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ.” Vậy, nhân từ như Chúa Cha là nhân từ như thế nào? Xin gợi lên cho cộng đoàn 3 hình ảnh để chúng ta cùng suy nghĩ:

1.   Hình ảnh thứ nhất Vua Đa-vít
Chúng ta biết rằng Vua Sa-un là người được Đức Chúa xức dầu phong vương và trở thành vị vua đầu tiên của dân Ít-ra-en. Thế nhưng, vì ông đã không đi theo đường lối của Đức Chúa nên Ngài đã chọn Đa-vít để thay thế ông. Và vì lo sợ mất ngai vàng, Vua Sa-un hết lần này đến lần khác tìm cách giết hại Đa-vít. Bài đọc một chúng ta vừa nghe thuật lại cho chúng ta việc Đa-vít có cơ hội để trả thù, giết Vua Sa-un trong tầm tay, nhưng Đa-vít đã tha thứ không giết hại Sa-un.

2.   Hình ảnh thứ hai Đức Giê-su
Từ khi sinh ra, Đức Giê-su đã phải trốn chạy qua Ai cập để khỏi bị giết hại bởi vua Hê-rô-đê. Rồi khi bị xét xử oan, Chúa không hề phản ứng lại trước những bất công mà người ta gây ra cho Chúa. Đến khi chịu treo lơ lững giữa trời và đất, Đức Giê-su vẫn không chống lại kẻ thù. Ngược lại, Người còn cầu nguyện: Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.
Thật vậy, nói như thánh Phao-lô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô thì: Đức Giê-su chính là A-đam mới. A-đam cũ được Thiên Chúa dựng nên từ đất, nên thuộc về đất. Còn A-đam mới đến từ trời nên thuộc về trời, có thần trí ban sự sống. Sở dĩ có thần trí ban sự sống là do Đức Giê-su đã sống lòng nhân từ như Cha trên trời. Người đã đón nhận tất cả những bất cộng, giết hại do chính con người gây ra. Để rồi, trên thánh giá, Đức Giê-su đã hóa giải tất cả sự thù hận, giết chóc bằng sự tha thứ trọn vẹn.
        Như vậy, qua hình ảnh Vua Đa-vít trong Cựu ước và Đức Giê-su trong Tân Ước, chúng ta được mời gọi sống triệt để lòng nhân từ của Thiên Chúa, qua việc biết tha thứ trọn vẹn và cầu nguyện cho kẻ thù.

        Kính thưa cộng đoàn! Nếu ai trong chúng ta cũng dễ dàng tha thứ và cầu nguyện như Đa-vít và Đức Giê-su thì đâu còn gì để nói. Vấn đề là nhiều khi lòng tự trọng và sự tổn thương làm cho chúng ta không thể nào tha thứ được.
Chẳng nói đâu tha thứ cho những người xa xôi, ngay những người thân trong gia đình như: cha mẹ, vợ chồng, con cái, nhiêu khi chúng ta còn không thể tha thứ và cầu nguyện được.

        Chẳng hạn như mấy ngày nay báo đài liên tục đăng tin về sự kiện vợ chồng của Cà-phê Trung Nguyên ra tòa li dị. Tôi không nói đến vấn đề phân chia tài sản, hay tìm hiểu nguyên nhân sâu xa về sự đổ vỡ gia đình, nhưng tôi chỉ nói đến nghĩa vợ tình chồng. Bao nhiêu năm chung chăn sẻ gối, có với nhau mấy mặt con; bao nhiêu năm chia ngọt sẻ bùi…ấy vậy mà người ta có thể bỏ qua tất cả hạnh phúc đó để kiện cáo nhau như những kẻ thù, như những người chưa từng đi qua đời nhau.
        Mỗi người chúng ta thử nhìn lại bản thân mình xem, chúng ta có đã rơi, đang dần rơi vào hoàn cảnh như thế không?

3.   Cuối cùng, xin được mượn hình ảnh của đất, để như một thông điệp gửi đến mỗi người chúng ta.  

Thật vậy, mặt đất lạ kỳ dường bao. Đất khác biệt với những thứ vật chất khác. Bởi những thứ mà đất nhận toàn là những thứ hôi thối nhất, bẩn thỉu nhất, tồi tệ nhất…Nhưng càng nhận những thứ hôi thối bẩn thủi bao nhiêu, thì đất lại trổ sinh nhiều hoa trái tươi tốt nhất, đẹp đẽ bấy nhiêu.
Cũng vậy, trong đời sống, nếu như chúng ta bị bắt bớ, bị thù ghét, bị hiểu lầm, bị thiếu lòng thương xót, bị bỏ rơi…thì hãy học trở nên như đất, đón nhận tất cả để rồi từ sâu thẳm trong linh hồn là sự tha thứ trọn vẹn như Đức Giê-su đã làm. Qua đó, chúng ta hóa giải, và trổ sinh những hoa trái tươi tốt.

Đấy, “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em” là như thế đấy. Có nghĩa là hãy tha thứ trọn vẹn. Hãy sẵn sàng trở nên như đất, đón nhận tất cả những hôi thối, bẩn thỉu là bất công, thù hận, ghen ghét…để qua đó, trổ sinh sự sống, bình an và hoan lạc. Amen.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét