“CÁI ĐẸP” TRONG CỬ HÀNH THÁNH LỄ

“CÁI ĐẸP” TRONG CỬ HÀNH THÁNH LỄ

   
DÀN BÀI
Giới thiệu.
1. Cái đẹp
1.1. Cái đẹp – một phạm trù triết học
1.2. Cái đẹp hoàn bị chỉ có nơi Thiên Chúa
      1.2.1. Thiên Chúa vừa là Đấng Sáng Tạo, vừa là một nghệ sĩ tài ba
      1.2.2. Phụng vụ - đỉnh cao của công trình sáng tạo
2. Khái quát về nghệ thuật và vai trò của nghệ thuật trong phụng vụ
      2.1. Nghệ thuật là gì?
      2.2. Vai trò của nghệ thuật trong phụng vụ
      2.3. Các nghệ sĩ trong cộng đoàn phụng vụ
3. Cái đẹp trong cử hành Thánh Lễ
      3.1. Cái đẹp của sự quy tụ
      3.2. Cái đẹp của sự đàm đạo
      3.3. Cái đẹp của tình yêu tự hiến
      3.4. Cái đẹp của sự hiệp nhất
      3.5. Lời mời gọi mang cái đẹp cho thế giới
Kết luận

Giới thiệu
Cái đẹp là một phần ý vị của cuộc sống, cái đẹp cách nào đó làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa và đáng sống hơn. Tuy vậy, mỗi người đều có quan niệm khác nhau về cái đẹp. Có thể nói cái đẹp tồn tại trong mọi lĩnh vực của cuộc sống con người. Cùng với cái chân và cái thiện, cái đẹp hướng con người lên những giá trị cao cả. Chân, thiện, mỹ thực ra chỉ là một yếu tố, một tổng thể. Người ta thường phân tách chân, thiện, mỹ thành ba lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, ta không thể phân tách. Bởi ở đâu có chân lý thì ở đó cũng có sự thiện và cái đẹp. Chân, thiện, mỹ luôn tồn tại cùng nhau. Có nhiều điều, nhiều nơi trong cuộc sống ta nghĩ là hội đủ ba yếu tố chân thiện mỹ như: tình yêu, sự chiến thắng… nhưng trong cái nhìn đức tin của người Ki-tô hữu chỉ có một nơi hội tụ chân, thiện, mỹ trọn vẹn nhất. Đó là Thiên Chúa. Quả thật, Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, Đấng vẽ lên bầu trời với trăng sao và muôn ngàn tinh tú. Đấng tạo thành biển khơi và muôn ngàn sinh vật lúc nhúc. Đấng nặn con người từ bùn đất, rồi ban cho sự sống bằng chính Thần Khí của mình. Đấng thấy mọi sự đều tốt đẹp.[1] Đấng mang trong mình chính chân lý vẹn toàn, sự thánh thiện tinh tuyền và cái đẹp hoàn bị.
Tuy nhiên, việc ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo[2] cũng chưa đủ cho thấy rõ nét chân dung của Người Nghệ Sĩ – Đấng Tạo Hóa với cái đẹp viên mãn, đẹp hoàn bị và vĩnh cửu. Chỉ có Ngôi Lời – Con Một Thiên Chúa mới thể hiện rõ nét gương mặt của Thiên Chúa bằng chính sự hiện diện của Người trong trần gian. Người đã thiết lập Hội thánh như muốn quy tụ muôn loài trong tình yêu của Người. Hội thánh vẫn trung thành lệnh truyền: “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy[3] trong việc cử hành Thánh lễ. Qua đó phác họa lại chân dung của Đức Ki-tô - Đấng là đầu của Hội thánh, như chính người hiện diện thực sự và sống động. Qua hành vi phụng tự, con người được trở nên đẹp với cái đẹp của Đấng Tạo Hóa.
1.Cái đẹp
1.1.                        Cái đẹp – một phạm trù triết học
Từ thời xa xưa, con người đã có đời sống thẫm mỹ và biết hưởng thụ cái đẹp. Bằng chứng là ở các hang động của người xưa, qua các di vật văn hóa đã có nhiều dấu vết thm mỹ, thậm chí còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật.[4] Tuy nhiên, phải đến thời các triết gia Hy Lạp thì cái đẹp mới được nghiên cứu một cách có hệ thống. Trải qua thời gian, với sự hình thành và phát triển tư tưởng Mỹ học, phạm trù cái đẹp cũng không ngừng được mở rộng. Ngược dòng thời gian, nếu không kể các nhà triết học sơ khai của Hy Lạp và tư tưởng Mỹ học Đông phương, có thể liệt kê ba nhà tư tưởng lớn hợp thành nền tảng đầu tiên của Mỹ học là Socrate, Platon và Aristote.
Socrate đánh dấu sự khởi đầu một giai đoạn căn bản của Mỹ học trong “Những người đáng nhớ và bữa tiệc” của ông, qua đó khắc họa vẻ đẹp tinh thần dưới lớp vỏ thân thể. Không những thế, người ta còn nói Mỹ học sinh ra từ cái ngày Socrate trả lời cho Hippias rằng cái đẹp không phải là thuộc tính riêng của một nghìn lẻ đối tượng… và trên tất cả thứ đó là vẻ đẹp tự nó.[5] Mỹ học theo Socrate là một thứ Mỹ học đạo đức, là một quan niệm về cái đẹp có tính chất tương đối, là một quan niệm nghệ thuật nghiêng về nội dung.[6] Cái đẹp, theo Socrate còn là nguyên lý về một tâm hồn tỏa chiếu phát ra hết sức mạnh mẽ vẻ đẹp siêu nhiên.
Sang đến Platon, cái đẹp đối với ông, là một cái gì thuần khiết tuyệt đối và siêu nhiên. Và trong sự tìm kiếm siêu nhiên này có thể hướng dẫn những bước đi bấp bênh của con người. Mặt khác, vì không có một cái đẹp nào nằm bên ngoài cái đẹp tự nó, nên nó đẹp không phải vì một lí do nào khác ngoài sự tham gia của nó vào cái đẹp tự nó, nên cái đẹp cao nhất trùng với cái thiện cao nhất, không thể nhìn thấy cái đẹp mà người ta không hiểu cái gì là cái thiện. Do đó, nhờ có vẻ đẹp tự nó nên con người có thể đạt tới cái tuyệt đối, hay nói cách khác, cùng với thiện và chân, cái đẹp như là yêu cầu cuối cùng để đạt tới một cuộc sống hoàn thiện.[7]
Đối với Aristote, ông là người đầu tiên cho thấy tính chất chủ quan và khách quan về cái đẹp. Ông khẳng định rằng cái đẹp chỉ có thể xác lập tính chất khách quan trong mối tương quan với những đặc tính vật thể, với sự cảm thụ của con người.[8] Chính vì thế, cái đẹp được coi như là sự thanh lọc hóa tâm hồn. Vì cái đẹp là sự sắp xếp cấu trúc của một thế giới được hình dung dưới mặt tốt nhất của nó. Ở đây không phải là nhìn thấy con người như đang có mà như những con người lẽ ra phải có. Trong tác phẩm Chính Trị, Aristote viết: “người ta chỉ tìm kiếm cái có ích và cái cần thiết để có cái đẹp mà thôi”. Do vậy, cái đẹp được xác định như một sự xuất phát từ nội tại tinh thần nhằm hướng đến cái lý tưởng nhất của đời sống con người.[9]
Bước sang thời kỳ cận đại, triết gia Kant được biết đến với nhiều tư tưởng triết lý mới. Có thể nói, Mỹ Học của Kant cũng có những đóng góp to lớn cho sự phát triển nền triết học về cái đẹp. Theo Kant, mỹ học nằm ở sự hài hòa của lý trí và tưởng tượng nhờ vào hoạt động tự do của tư tưởng.[10] Có thể tóm gọn phân tích Cái Đẹp trong Phê phán năng lực phán đoán  thành 4 yếu tố:
- Theo phương diện chất, sở thích là quan năng phán đoán về một đối tượng hay về một phương cách biểu tượng bằng một sự hài long hay không hài long mà không có bất kỳ sự quan tâm nào. Đối tượng của một sự hài lòng như vậy gọi là đẹp.
- Theo phương diện lượng, đẹp là cái gì làm hài lòng một cách phổ biến, độc lập với khái niệm.
- Theo phương diện tương quan, vẻ đẹp là hình thức của tính hợp mục đích của một đối tượng, trong chừng mực tính hợp mục đích ấy được tri giác mà không có hình dung nào về một mục đích khách quan nơi đối tượng.
- Theo phương diện hình thái, đẹp là cái gì được nhận thức như là đối tượng của một sự hài lòng tất yếu nhưng độc lập với khái niệm.
Từ 4 yếu tố trên, chủ đề chính của Mỹ học Kant là: sự hài hòa- hài hòa giữa thiên nhiên và thế giới tinh thần, giữa cảm xúc với ý chí, giữa lý trí với tưởng tượng. Sự hài hòa này là độc lập, nên “cảm giác về cái đẹp do đó cũng tồn tại tiên nghiệm và, với tư cách đó, nó tạo ra giá trị phổ quát và tất yếu của những xét đoán Mỹ Học”.[11]
Trong các thần học gia Công Giáo, thánh Tô-ma được xem là người đề cập nhiều đến cái đẹp. Theo ngài: “điều gì đẹp là điều hễ nhìn thấy là thích.” Cái đẹp là một hoàn bị siêu nghiệm phát sinh từ việc hiện hữu của các sự vật. Sự phong phú cũng như các dạng thức khác nhau của cái đẹp thì này sinh từ nhiều cấp độ và cách thức hiện hữu. Theo Tô-ma, vẻ đẹp tối cao của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác biệt với vẻ đẹp hữu hạn của các loài thụ tạo. Tuy nhiên ngay trong lĩnh vực các thụ tạo ngài cũng cho thấy những cấp độ khác nhau. Có hai loại cái đẹp:
-       Cái đẹp khả tri: là cái đẹp thuộc về đời sống tinh thần, liên kết với chân lý và thiện hảo luân lý một cách khẩn thiết.
-       Cái đẹp khả giác: là cái đẹp thuộc về tầm mức thấp kém hơn.
Ngoài ra, có một cái đẹp tự nhiên vốn nảy sinh từ bản chất của sự vật và một cái đẹp nhân tạo được tìm thấy nơi những công trình do con người làm nên. Theo thánh Tô-ma thì việc nắm bắt cái đẹp nhờ vào năng lực nhận thức bao gồm: các giác quan, trí khôn, hoặc cả hai cùng hợp tác. Ngoài ra, việc nắm bắt điều gì đẹp đem lại thêm cho nhận thức sự sang khoái vốn nảy sinh từ tri thức đó. Một sự vật là đẹp nếu như việc nắm bắt nó về mặt trí tuệ hoặc về giác quan khiên người ta vui lòng.
Như vậy, theo thánh Tô-ma thì cái đẹp nảy sinh từ nhiều cấp độ và cách thức hiện hữu. Trong đó, vẻ đẹp của Thiên Chúa  là hoàn bị nhất, rồi đến các hữu thể khác, hữu thể nào hiện hữu càng nhiều thì vẻ đẹp càng hoàn bị hơn.[12]
Quan niệm của các nhà duy vật nhân bản thế kỉ XIX coi bản chất cái đẹp phải tạo cho con người cảm giác hoan hỷ, trong sáng giống như cảm giác ta gặp mặt người yêu. Vì cái đẹp thể hiện trong những đối tượng có thể rất khác nhau nên cái đẹp phải là cái chung nhất. Mà cái chung nhất trong số những cái thân thiết với con người chính là cuộc sống. “Cái đẹp là cuộc sống, một thực thể đẹp là một thực thể trong đó ta nhìn thấy cuộc sống đúng như quan niệm của chúng ta. Một đối tượng đẹp là một đối tượng trong đó cuộc sống được thể hiện hay là nó nhắc ta nghĩ đến cuộc sống”. Vậy mọi cuộc sống đều đẹp, đều tạo cho ta một cảm giác hoan hỷ, trong sáng.
Như vậy, có thể nói cái đẹp đã được con người nhận biết và khao khát từ thời xa xưa. Trải qua thời gian dài, những suy tư, nghiêm cứu về cái đẹp đã mang một tầm vóc cao lớn. Cái đẹp trở thánh một phạm trù triết học độc đáo, luôn thu hút nhiều bận tâm của các triết gia nói riêng và nhân loại nói chung. Thi hào người Nga Mikhailovich Dostoyevsky đã từng nói: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” [13] - câu nói trên đã khơi nguồn một tư tưởng nhân văn, khẳng định sự cần thiết của cái đẹp đối với cuộc sống, rằng: Ở đâu có cái đẹp ở đó cuộc sống thêm màu sắc ý nghĩa. Cái đẹp cứu rỗi những phận người, cứu rỗi những nghĩ suy, cứu cả nhân loại trong những cuộc đổi thay, cứu niềm tin sống… Tuy nhiên, cho đến hiện tại, cái đẹp dường như vẫn là một thứ “sa sỉ” chỉ dành cho thiểu số những người không phải lo toan với bộn bề của cái ăn, cái mặc. Thật vậy, Platon đã cho rằng cái đẹp không ở dưới trần gian này. Nó ở bên trên hay ở bên kia thế giới. Cái đẹp tự nó là không thể sờ thấy nhưng con người phải cố đến với nó càng gần càng tốt.[14]  
1.2.                        Cái đẹp hoàn bị chỉ có nơi Thiên Chúa.
1.2.1.                        Thiên Chúa vừa là Đấng Sáng Tạo, vừa là một nghệ sĩ tài ba.
Lật lại những trang đầu của Kinh Thánh, sách Sáng Thế đã giới thiệu Thiên Chúa như một khuôn mẫu cho tất cả những ai có khả năng tạo ra các tác phẩm. Qua cách miêu tả, tác giả sách Sáng Thế đã trình bày một Thiên Chúa như một nghệ sĩ tài ba. Người nghệ sĩ này không chỉ biết sáng tạo ra muôn loài mà còn biết tự thẩm định, đánh giá tác phẩm của mình là đẹp:Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt  đẹp[15]. Đến ngày thứ sáu trong công trình sáng tạo, thì đỉnh cao của sáng tạo, đỉnh cao của cái đẹp thụ tạo là con người. Thật vậy, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ...Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.[16]
Theo trình bày trên cho thấy Thiên Chúa vừa là Đấng Tạo Hóa vừa là một nghê nhân tài ba. Tuy nhiên, “người sáng tạo” và “nghệ nhân” thì khác nhau. Theo thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II: “Người sáng tạo là người mang tới sự hiện hữu, đưa một sự gì đó ra khỏi cõi hư vô, như ngạn ngữ La-tinh thường nói: “ex nihilo sui et subjecti” (từ hư vô của mình và của chủ thể), và hiểu cho chặt nghĩa thì đây là cách hoạt động của một mình Đấng Tối Cao. Trái lại, “nghệ nhân” sử dụng một vật gì đó đã có, rồi cho nó một hình dạng và một ý nghĩa. Đây là cách hoạt động riêng của con người, một hữu thể đã được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. [17]
Như vậy, chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng Sáng Tạo. Nơi Ngài, hay nói cách khác chính Ngài là cái đẹp tuyệt đối, cái đẹp hoàn bị, là cội nguồn sáng tạo, là đỉnh cao của mọi hoạt động nghệ thuật của con người. Con người chỉ được tạo dựng nên theo hình ảnh vô cùng đẹp đẽ của Thiên Chúa và chính Ngài đã trao phó cho con người nhiệm vụ thống trị mặt đất.[18] Hơn thế nữa, con người còn được Thiên Chúa mời gọi công tác vào công trình áng tạo qua việc giao cho con người nhiệm vụ của những nghệ nhân. Chính qua “hoạt động sáng tạo nghệ thuật” ấy mà hơn bao giờ hết, con người cho thấy mình “giống Thiên Chúa”.[19]
Cái đẹp thụ tạo, cái đẹp do những nghệ nhân làm ra, hay cái đẹp của thiên nhiên vũ trụ chỉ là phản ảnh phần nào cái đẹp của Thiên Chúa, như trong thư gửi cho các nghệ sĩ, thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã nói:Cái đẹp là chìa khoá mở cửa mầu nhiệm và là tiếng gọi mời ta vươn lên cao. Đó cũng là tiếng nói mời gọi ta cảm nếm cuộc sống và mơ về tương lai. Chính vì thế, cái đep của thụ tạo không bao giờ có thể làm ta cảm thấy thoả mãn hoàn toàn. Nó khơi dậy nỗi nhớ nhung thầm kín về Thiên Chúa, một sự thật mà chỉ có người mê say cái đẹp như thánh Augustinô mới diễn tả được một cách tuyệt vời như sau: “Con yêu Chúa quá muộn màng, ôi vẻ đẹp rất xưa mà rất mới; con yêu Chúa quá muộn màng”[20].
1.2.2.                        Phụng vụ, đỉnh cao của công trình sáng tạo.
Không dừng lại ở công trình sáng tạo được thuật lại trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa vẫn tiếp sáng tạo liên lỷ như chính sự hằng hữu của Ngài. Sự hiện diện của Thiên Chúa xuyên suốt dòng lịch sử cho thấy Thiên Chúa vẫn không ngừng sáng tạo, không ngừng làm việc. Khi còn ở thế gian, Đức Ki-tô đã nói: cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.[21] Thật vậy, Đức Ki-tô đã liên lỷ làm việc. Người đã lao động, rao giảng, làm các phép lạ… và đặc biệt nhất là thiết lập Hội Thánh, đứng đầu là thánh Phê-rô[22]. Sau khi Đức Giê-su phục sinh và về trời, Chúa Thánh Thần đã nối tiếp Người trong việc hướng dẫn Hội Thánh. Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa Hội Thánh. Thông qua Hội Thánh, Thiên Chúa tiếp tục sáng tạo. Thật vậy, “Sứ vụ của Đức Ki-tô và của Chúa Thánh Thần được thực hiện trong Hội Thánh, là thân thể Đức Ki-tô và đến thờ Chúa Thánh Thần. Sứ vụ phối hợp này từ nay đưa các tín hữu hiệp thông với Đức Ki-tô, với Chúa Cha và với Thánh Thần”[23] qua các nghi thức phụng vụ nói chung và phụng vụ Thánh Lễ nói riêng.
Hơn nữa, Phụng vụ chính là công việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh được thừa tác viên hợp pháp cử hành đúng nghi thức và cử hành nhân danh Hội Thánh.[24] Như vậy, có thể nói Thiên Chúa tiếp tục sáng tạo qua việc của hành phụng vụ của Hội Thánh. Thiên Chúa là cội nguồn và là chính cái đẹp. Nơi Ngài, cái đẹp được tạo thành, nên có thể nói, các nghi thức phụng vụ là đỉnh cao của cái đẹp mà nơi đó con người thờ phượng Thiên Chúa. Phụng vụ có một mối liên hệ sâu xa với cái đẹp: nó là vẻ rạng ngời của chân lí (veritatis splendor). Phụng vụ là sự biểu tỏ sáng ngời về mầu nhiệm phục sinh, trong đó Chúa Kitô lôi kéo chúng ta đến với Người và kêu gọi chúng ta đi vào hiệp thông. Như Thánh Bô-na-ven-tu-ra đã nói, trong Chúa Giê-su chúng ta chiêm ngắm vẻ đẹp và sự sáng ngời tại chính nguồn cội của nó. Đây không chỉ thuộc về thẩm mĩ học, nhưng còn là cách thế cụ thể trong đó sự thật về tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Ki-tô gặp gỡ chúng ta, lôi cuốn chúng ta và làm chúng ta say mê, giúp chúng ta vượt thoát khỏi chính mình và hướng chúng ta về ơn gọi đích thực của chúng ta, là tình yêu. Thiên Chúa tự để cho mình được nhìn thấy trước trong thụ tạo, trong cái đẹp và sự hài hoà của vũ trụ (Kn 13, 5; Rm 1, 19- 20).[25]
Như vậy, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh tiếp tục công trình sáng tạo của Thiên Chúa qua việc cử hành Phụng Vụ. Qua Phụng Vụ, con người thờ phượng Thiên Chúa – là Đấng Sáng Tạo và là cội nguồn của mọi cái đẹp nên có thể nói, Phụng Vụ là đỉnh cao của công trình sáng tạo.
2.Khái quát về nghệ thuật và vai trò của nghệ thuật trong phụng vụ.
2.1.                        Nghệ thuật là gì?[26]
“Nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội đặc biệt, dùng hình tượng sinh động, cụ thể và gợi cảm để phản ảnh hiện thực và truyền đạt tư tưởng tình cảm. Nghệ thuật là phương pháp, phương thức giàu tính sáng tạo.[27] Theo từ điển thì có thể đưa ra một định nghĩa xác định nghệ thuật là gì, nhưng xét trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từng thời kỳ lịch sử, và theo quan điểm của mỗi tác giả thì nghệ thuật lại được nhìn ở nhiều quan niệm rộng hơn.
-       Thời cổ đại: Người ta chia nghệ thuật làm 7 loại hình nghệ thuật tự do là: văn phạm, logic, hùng biện, số học, hình học, âm nhạc, thiên văn học. Mẹ của 7 loại hình nghệ thuật đó là triết học. Các loại hình nghệ thuật mang tính kỷ thuật như : kiến trúc,nông nghiệp, hội họa, điêu khắc và các nghề thủ công khác xếp ở thứ hạng thấp hơn.
-       Thời trung cổ: nghệ thuật được coi là đứa con của tự nhiên.
-       Thế kỷ 18: thuật ngữ nghệ thuật được dùng rộng rãi để bao hàm mọi hình thức kỹ năng của con người và tất cả những gì con người có thể tạo ra bằng tài nghệ khéo léo.
-       Hiện nay: thuật ngữ nghệ thuật được dùng với nghĩa rất hạn hẹp. Thuật ngữ nghệ thuật chỉ được dùng cho những tác phẩm nghệ thuật, hay đồng nhất nghệ thuật với nghệ sĩ.
Trong tác phẩm Nghệ thuật là gì? được xuất bản năm 1896, tác giả Chiến tranh và hòa bình đã định nghĩa nghệ thuật như một hình thức truyền đạt các cảm xúc mà một người đã trải qua tới những người khác, khiến cho những người này cũng bị lây nhiễm các cảm xúc đó và thấy như mình cũng trải qua những kinh nghiệm đó. Theo Tolstoy, để hiểu nghệ thuật một cách đúng đắn, “chúng ta cần từ bỏ thói quen coi nghệ thuật như công cụ tạo nên khoái lạc, như hoạt động nhằm tạo ra cái Đẹp. Cái Đẹp là một khái niệm chủ quan, vì thế không thể dùng cái Đẹp như một tiêu chuẩn khách quan để định ra cái gì là nghệ thuật, cái gì không phải là nghệ thuật. Nghệ thuật là một trong những điều kiện của cuộc sống con người, là một trong những phương thức giao tiếp giữa con người với nhau. Nghệ thuật không phải là của riêng của một giai cấp đặc biệt nào trong xã hội. Việc giới hạn nghệ thuật nhằm phục vụ quyền lợi của một vài giai cấp nào đó, bất kể đó là tư sản, công nhân, hay nông dân, v.v., là chối bỏ chân lý rằng nghệ thuật là quan trọng cho toàn xã hội.”[28]
2.2.                        Vai trò của nghệ thuật trong phụng vụ
Hầu như bất cứ người nào yêu nghệ thuật và tò mò về lịch sử nghệ thuật thế giới, hoặc ít nhất nghệ thuật Tây phương, cũng đều quan tâm đến nghệ thuật Công giáo.[29] Điều đó cho thấy nghệ thuật có vai trò quan trọng không chỉ trong cuộc sống mà còn trong đời sống tâm linh của con người, cách riêng trong Công giáo. Trên thực tế Giáo hội đã sử dụng nghệ thuật như một phương tiện để giúp các tín hữu thể hiện niềm tin trong việc thờ phượng Thiên Chúa, sống và tuyên xưng niềm tin, cũng như nuôi dưỡng và truyền bá đức tin.[30] Có thể nói nghệ thuật nói chung có liên quan đến sự thánh thiêng, do đó mục đích cao cả nhất của nghệ thuật là diễn tả những thực tại thánh thiêng bằng ngôn ngữ riêng của mỗi loại hình nghệ thuật. Công đồng Va-ti-ca-nô II trong Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh đã khẳng định: Trong những hoạt động cao quí nhất của tài năng con người, rất đáng kể đến mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo mà tột đỉnh của nghệ thuật này chính là nghệ thuật thánh. Tự bản tính, nghệ thuật thánh nhằm diễn tả một cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại; nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhằm chủ đích nào khác ngoài sự góp phần tích cực vào việc đạo đức là hướng tâm trí người ta về cùng Chúa.[31] Chính vì thế Giáo hội luôn khích lệ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ thể hiện tài năng và nhất là dùng tài năng của mình ứng dụng trong việc phụng tự Thiên Chúa. Thật vậy, Công Đồng nói rõ: “Giáo Hội Mẹ Cao Sang luôn luôn là bạn của mỹ thuật và không ngừng tìm đến sứ mạng cao quí của mỹ thuật, nhất là để những vật dùng vào việc phụng tự thánh được thực sự xứng đáng thích hợp và mỹ thuật, đồng thời biểu thị và tượng trưng những thực tại trên trời;” [32]
Xác định được vai trò quan trọng trong đời sống đức tin nói riêng cũng như trong phụng vụ nói riêng nên vào cuối Công đồng Va-ti-ca-nô II, các nghị phụ đã có lời chào hỏi và hiệu triệu đối với các văn nghệ sĩ: “Thế giới chúng ta đang sống rất cần cái đẹp để không rơi vào thất vọng. Cái đẹp, cũng như sự thật, mang lại niềm vui cho tâm hồn con người và là hoa trái quý giá có thể chịu được sự sói mòn của thời gian, nối kết các thế hệ và đưa họ đến với nhau trong cùng một tâm tình cảm phục và ngưỡng mộ!”. Trong tinh thần kính trọng sâu xa đối với cái đẹp như thế, hiến chế về Phụng Vụ đã nhắc lại sự thiện cảm của Giáo Hội đối với nghệ thuật và, cách riêng đối với nghệ thuật thánh, tức là “đỉnh cao” của nghệ thuật tôn giáo, Công đồng đã không ngần ngại coi các nghệ sĩ ấy là những người đang thi hành “một thừa tác vụ cao cả” khi các tác phẩm của họ phản ảnh vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa, giúp nâng cao tâm trí con người lên với Ngài. Cũng nhờ các nghệ sĩ ấy mà “Thiên Chúa được mặc khải nhiều hơn, Tin Mừng được trở nên rõ ràng hơn cho tâm trí loài người”.[33]
Như vậy, nghệ thuật không chỉ có vai trò trong cuộc sống, làm đẹp thêm cuộc sống mà trong việc phụng tự, nghệ thuật cũng có một chỗ đứng riêng cho mình. Nghệ thuật với những đặc tính riêng của mình đã được Giáo hội ứng dụng vào việc phụng tự thánh. Ngõ hầu, qua nghệ thuật con người có thể đến gần hơn với Đấng là nguồn cội của mọi cái đẹp và là chính cái đẹp hoàn bị.
2.3.                        Các nghệ sĩ trong cộng đoàn phụng vụ
Nếu như nghệ thuật có vai trò quan trọng trong phụng vụ như nói trên thì nghệ sĩ cũng phải được lưu tâm. Thật vậy, mối bận tâm của các nghệ sĩ là tìm kiếm, chiêm ngắm và trình bày vẻ đẹp của Thiên Chúa, qua đó dù muốn hay không muốn họ cũng giúp cho người khác nhận ra vẻ đẹp của ấy, bởi lẽ vẻ đẹp của vũ trụ thiên nhiên chỉ là phản ánh vẻ đẹp hoàn hảo của Thiên Chúa.[34] Thế nên Giáo Hội cũng luôn lo huấn luyện các nghệ thuật gia. Những nghệ sĩ, những nhà sáng tạo tài tình của cái đẹp, sự rung động tình cảm (pathos) mà Thiên Chúa đã cảm nhận khi nhìn công trình do tay mình tạo dựng vào thuở khai nguyên vũ trụ.” Bởi đó, Thiên Chúa cho con người hiện hữu, giao cho con người nhiệm vụ của những nghệ nhân. Chính qua “hoạt động sáng tạo nghệ thuật” ấy mà hơn bao giờ hết, con người cho thấy mình “giống Thiên Chúa”.[35]
Để huấn luyện các nghệ sĩ Công giáo, trước hết cần xác định ơn gọi đặc biệt của các nghệ sĩ. Thật vậy, không phải ai cũng có ơn gọi làm nghệ sĩ bởi “có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí… Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.”[36] Người nghệ sĩ được mời gọi phụng sự Chúa trong lãnh vực nghệ thuật. Chính họ có khả năng nhìn thấy nghệ thuật làm cho sự phát triển tâm linh của mình vừa có một chiều kích mới vừa có được một cách diễn tả hết sức đặc biệt. Thông qua tác phẩm của mình, người nghệ sĩ trò chuyện và trao đổi với người khác.[37]
Về việc đào tạo các nghệ sĩ, trong thư của Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nói rất rõ: Trước hết, “các Giám Mục, hoặc phải tự mình hoặc phải nhờ các linh mục đủ khả năng, thông thạo và yêu thích nghệ thuật, lưu tâm đến các nghệ thuật gia sao cho họ thấm nhuần tinh thần Nghệ Thuật Thánh và Phụng Vụ Thánh. Ngoài ra cũng khuyến khích thành lập những trường học hay những Học Viện về Nghệ Thuật Thánh ở những miền xét ra là nên thành lập để đào tạo các nghệ thuật gia. Riêng đối với tất cả những nghệ thuật gia, những người sẵn có tài năng muốn phụng sự Thiên Chúa để làm vinh danh Người trong Giáo Hội, phải luôn luôn nhớ rằng họ làm một việc thánh, một phần nào họ giống như Thiên Chúa, Ðấng Sáng Tạo, họ sáng tác những tác phẩm dùng vào việc thờ phượng trong đạo Công Giáo, đồng thời họ cũng cảm hóa các tín hữu, cho họ thêm lòng đạo đức và huấn luyện giáo lý cho họ nữa.”[38]





3.Cái đẹp trong cử hành Thánh Lễ
3.1.                        Cái đẹp của sự quy tụ
Mọi cử hành phụng vụ nói chung và cử hành phụng vụ Thánh Lễ nói riêng là việc Thiên Chúa tụ họp dân chúng thuộc đủ mọi dân sắc tộc, mọi dân, mọi nước. Cộng đoàn Ki-tô hữu là cộng đoàn mà ở đó không còn ai là Do Thái, Hy lạp, nô lệ, nam hay nữ, nhưng là nơi để tất cả nên một trong Đức Giê-su Ki-tô. Thật vậy, việc quy tụ dân Chúa là hành vi phụng tự chung đầu tiên của dân Chúa. Việc quy tụ này là quan trọng, bởi vì như toàn thể phụng vụ, tự nó là hành vi bí tích, chỉ ra những thực tại bên trong và siêu việt.[39] Chính sự quy tụ này làm toát lên vẻ đẹp của phụng vụ Thánh Lễ.
Trước hết, việc quy tụ khi cử hành phụng vụ Thánh Lễ là đẹp bởi cộng đoàn tham dự không phải là một đám đông hỗn tạp. Cuộc họp mặt để cử hành phụng vụ thì khác và phải khác với đám người tụ họp lại xem một trận đấu thể thao hoặc xem chiếu bóng. Ở sân vận động hoặc ở nhà hát, tất cả đều là một việc, cùng một lúc, nhưng mỗi người làm theo cá nhân, cho cá nhân mình. Họ họp mặt nhau, như những khối cẩm thạch trong một cái bao, lạnh lùng vô cảm, không ai quan tâm đến sự hiện diện của người khác cũng có mặt bên họ. Cộng đoàn Ki-tô hữu phụng vụ không thể so sánh như một đám khán giả thụ động ngồi theo dõi việc gì đang xảy ra trên cung thánh. [40] Quả thực, cộng đoàn phụng vụ là hình ảnh thu nhỏ của Giáo Hội mà Đức Ki-tô đã thiết lập. Trong việc cử hành phụng vụ thì Giáo Hội, nhân danh Đức Ki-tô mời gọi, quy tụ muôn dân với mục đích duy nhất là cùng nhau cử hành Hy Lễ Tạ Ơn – Hy lễ mà chính Đức Ki-tô đã thiết lập bằng máu của Người. Trong tài liệu “ Chúa Ki-tô, tấm bánh bẻ ra cho thế giới mới” năm 1979 nói rõ điều đó: “nếu không có Giáo Hội thì không có Thánh lễ tạ ơn. Chính Giáo hội làm thánh lễ tạ ơn, trước hết bằng cách mời gọi các tín hữu tụ họp quanh Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh vào thập giá và đã sống lại, Đấng mà họ tuyên xưng là Đức Chúa và là Thiên Chúa của họ. [41]
Kế đến, hình ảnh muôn dân quy tụ để cử hành Thánh Lễ cũng có thể được so sánh với việc họa sĩ tập hợp nhiều màu sắc trước khi vẽ tác phẩm. Việc tập hợp này mang tính nghệ thuật cao. Thật vậy, để một bức tranh được đánh giá là đẹp, sáng tạo, mang giá trị nghệ thuật cao phải là bức tranh mang nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, yếu tố màu sắc mang tính quyết định nhất.  Bởi màu sắc chẳng những biểu hiện trạng thái tình cảm của tác giả mà còn truyền tới người xem những ý vị của ngôn ngữ hội hoạ. Sắc độ là yếu tố quyết định đến chiều sâu trên mặt phẳng hai chiều của tác phẩm, làm cho người xem cảm nhận được các thể chất và mức độ xa gần hay tình hình bối cảnh của sự vật - hiện tượng mà tác giả muốn trình bày. Màu sắc tạo nên những cung bậc phức tạp của tình cảm, là yếu tố tinh tế và huyền bí, có sức hút lớn, tác động mạnh mẽ vào tâm hồn con người.[42] Mỗi màu sắc được họa sĩ tập hợp lại trong tác phẩm của mình đều có giá trị riêng của nó. Không có màu sắc xấu, mà chỉ có sự phối hợp các màu sắc lại với nhau xấu. Điều này có thể so sánh với tính cộng đoàn của Thánh Lễ. Cũng như mỗi màu có sắc thái riêng, nhưng được họa sĩ hòa sắc, tạo nên một gam màu chung cho toàn bộ tác phẩm thì việc dân chúng được quy tụ trước Thánh Lễ mỗi người một vẻ, mang theo cả nỗi lo âu, sở hãi, hy vọng và khát khao liên quan đến cuộc sống hằng ngày[43] cũng được mời gọi nên một “gam màu” qua việc dâng tất cả điều đó lên Thiên Chúa Cha như chất liệu của lễ của mình cùng với hiến lễ của Đức Ki-tô. Sau công đồng Va-ti-ca-nô II chiều kích cộng đoàn trong cử hành phụng vụ Thánh Lễ được nhấn mạnh nhiều hơn. Giáo Hội hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động: họ được đào tạo bởi lời Chúa; được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa; họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô Trung Gian, họ được tiêu hao trong tình kết liên với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người.[44]  
Như vậy, cái đẹp đầu tiên trong phụng vụ là cái đẹp của sự quy tụ. Cái đẹp này không phải là cái đẹp đơn lẻ như những màu sắc đơn lẻ, nhưng là cái đẹp tổng thể liên kết mọi người trong Đức Ki-tô.
3.2.                        Cái đẹp của sự đàm đạo
Trong cuộc sống, giao tiếp giữa người với người thông qua các giác quan bên ngoài như nhìn, nói, nghe... Tuy nhiên, có thể nói hành động nghe là hành động quan trọng nhất trong việc giao tiếp. Khi giao tiếp, điều quan trọng không phải là nói mà là nghe.[45] Nghe cũng phải có nghệ thuật – nghệ thuật lắng nghe. Nhiều bài viết về nghệ thuật sống liên quan đến nghệ thuật lắng nghe. Có thể liệt kê một vài ý tưởng về nghệ thuật lắng nghe như: lắng nghe ý kiến của người khác một cách cẩn thận, kiên nhẫn lắng nghe, đặt mình vào vị trí của người nói, tạo ra dấu hiệu hứng thú với câu chuyện…[46]  
Nếu như lắng nghe có vai trò quan trọng trong cuộc sống thì khi cử hành Thánh Lễ, lắng nghe cũng giữ một vai trò tiên quyết. Lắng nghe trong Thánh Lễ không chỉ đơn thuần là giao tiếp giữa con người với nhau, nhưng là cuộc giao tiếp giữa Thiên Chúa và con người, hay nói một cách khác đó là cuộc đàm đạo giữa Thiên Chúa và con người. Thật vậy, Thiên Chúa không phải là Đấng ẩn mình nín lặng. Tuy nhiên, Kinh thánh đã cho thấy Thiên Chúa luôn tìm cách gặp gỡ và nói với các loài thọ tạo của Ngài. Chẳng hạn, Ngài biểu lộ chính mình trong thiên nhiên qua các biến cố.[47] Ngài đi sâu vào tận đáy lòng con người và nói với họ trong cõi thinh lặng của lương tâm, hay Ngài tỏ mình qua Thánh Thần, Đấng ngự trong lòng những người tin: “Chúa Cha ở trên trời bằng tất cả lòng trìu mến muốn đến gặp gỡ con cái của mình và ngỏ lời với họ.”[48];  hay như trong thư gửi tín hữu Híp-ri có nói: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào tời sau hết này, Thiên Chúa đã phán với chúng ta qua một người Con, mà Thiên Chúa đã đặt làm người thừa hưởng muôn vật, và cũng nhờ Người Con ấy mà Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ.”[49] Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh đã nói rõ: “Trong Phụng Vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài. Cho dầu Phụng Vụ Thánh đặc biệt là việc phụng thờ Thiên Chúa uy quyền, nhưng còn bao hàm việc giáo dục lớn lao cho dân chúng trung thành. Thực vậy, trong Phụng Vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài; đồng thời Chúa Kitô cũng rao giảng Phúc Âm. Còn dân chúng đáp lại Thiên Chúa qua tiếng hát lời kinh. Hơn nữa, linh mục, là hiện thân Chúa Kitô, chủ tọa cộng đoàn, đọc những lời kinh trực tiếp dâng lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân thánh và mọi người tham dự. Sau hết, những biểu hiệu hữu hình được dùng trong Phụng Vụ Thánh để diễn tả những thực tại vô hình của Thiên Chúa là những biểu hiệu đã được Chúa Kitô hoặc Giáo Hội tuyển chọn. Do đó, không những chỉ đọc "những gì đã chép cốt để dạy ta" (Rm 15,4) mà cả việc Giáo Hội cầu nguyện, ca hát, hay hành động, đều nuôi dưỡng đức tin của những người tham dự, nâng tâm trí họ lên cùng Chúa, để họ sáng suốt tuân phục Ngài, và để lãnh nhận ân sủng của Ngài cách dồi dào hơn.[50]
Như vậy, cử hành phụng vụ Lời Chúa không đơn thuần chỉ là việc Thiên Chúa nói với con người, nhưng còn còn là con người đáp trả tiếng Chúa qua hành động lắng nghe. Có thể nói cử hành phụng vụ là cuộc giao tiếp, đàm đạo thâm mật giữa Thiên Chúa và con người. Trong cuộc đàm đạo này, cả hai bên cùng nói và cùng lắng nghe nhau. Thiên Chúa nói với con người qua các bài đọc trong Thánh lễ, qua bài giảng của vị chủ tế, con người nói với Thiên Chúa qua lời chúc tụng, qua lời ca tiếng hát, lời cầu xin. Thiên Chúa lắng nghe con người qua việc ban những ơn lành, con người lắng nghe Thiên Chúa qua việc thực thi thánh ý Ngài. Chính cuộc đàm đạo này làm toát lên cái đẹp của sự lắng nghe.
Cái đẹp của sự đàm đạo trong Thánh lễ được thể hiện ở hai khía cạnh. Trước hết, nhìn từ phía Thiên Chúa đó là “cái đẹp của Đấng đang nói với dân của Ngài”. Thật vậy, cử hành phụng vụ Lời Chúa chính là lúc Thiên Chúa nói với dân Ngài một cách rõ ràng nhất, vì Ngài không dùng ngôn từ mập mờ, nhưng nói tất cả kế hoạch Ngài đã sắp đặt cho họ.[51] Nơi bàn tiệc Lời Chúa, Thiên Chúa hiện diện cách hữu hình và sống động qua linh mục – hiện thân của Đức Ki-tô [52]. Chính vì thế, linh mục đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải Lời Chúa cho cộng đoàn. Việc truyền tải Lời Chúa này của linh mục cũng phải mang tính nghệ thuật. Có thể nói đó là nghệ thuật giảng dạy. Thế nên, cần phải gia tăng phẩm chất của bài giảng. Giảng là “một phần của hành vi phụng vụ” và có mục đích nuôi dưỡng sự hiểu biết Lời Chúa sâu xa hơn để Lời Chúa có thể sinh hoa trái trong đời sống người tín hữu. Bởi vậy, những thừa tác viên có chức thánh phải “chuẩn bị bài giảng một cách cẩn thận, dựa trên sự hiểu biết xứng hợp về Sách Thánh”. Cần phải tránh những bài giảng quá sơ lược và trừu tượng. Một cách đặc biệt, tôi yêu cầu các thừa tác viên này phải giảng thế nào để bài giảng liên quan chặt chẽ với việc công bố Lời Chúa trong việc cử hành Bí tích cũng như đời sống cộng đoàn để Lời Chúa thật sự trở nên sự bồi bổ và nâng đỡ cho Giáo Hội.” Như vậy, qua hình ảnh người linh mục, cái đẹp của Đấng đang nói với dân của Ngài đã được thể hiện rõ ràng qua việc tự hạ mình của Đấng vô hình, đã trở nên hữu hình, để nói với con người, bằng ngôn ngữ của con người. Đó là vẻ đẹp của sự tự hạ, vẻ đẹp của Đấng vô ngôn đã trở nên hữu ngôn để mặc khải ý định của Ngài cho con người.
Kế đến, cái đẹp của sự đàm đạo còn được biểu hiện qua việc chú ý lắng nghe Lời Chúa của cộng đoàn dân Chúa. Cái đẹp ở đây chính là sự đồng lòng của cộng đoàn dân Chúa. Trên thực tế, ngoài cuộc sống, khó có cuộc hội tụ nào mà toàn cử tọa lại tập trung lắng nghe như cộng đoàn dân Chúa đang hiệp dâng Thánh lễ. Thật vậy, sau khi toàn dân được quy tụ lại với cái đẹp muôn sắc, thì phụng vụ Lời Chúa làm toát lên vẻ đẹp từ bỏ. Chính sự từ bỏ tận căn của mỗi tín hữu khi tham dự Thánh lễ làm cho Thánh lễ khác biệt với các cuộc hộp họp khác. Chính nơi đây, mỗi tín hữu ý thức sự từ bỏ bản thân để một lòng một ý lắng nghe tiếng Chúa, từ đó ghi nhớ và mang Lời Chúa ra thực thi trong cuộc sống. Việc lắng nghe Lời Chúa có vai trò quan trong nên Đức Phao-lô VI đã khẳng định:“Lời Chúa luôn luôn phải được chuẩn bị và cử hành cách cẩn thận. Do vậy, tôi tha thiết nhắc nhở phải hết sức cố gắng để bảo đảm cho việc công bố Lời Chúa được trao cho những người đọc đã được chuẩn bị kĩ lưỡng. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng “khi Kinh Thánh được đọc trong Giáo Hội, chính Thiên Chúa ngỏ lời với dân Người, và Chúa Kitô, hiện diện trong chính lời của Người, công bố Tin Mừng.”[53] Hơn nữa, với cái đẹp của việc lắng nghe Lời Chúa trong cử hành Thánh Lễ, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh nói thêm: “Để có thể hiểu Lời Chúa một cách đúng đắn, chúng ta phải lắng nghe và đón nhận trong tinh thần hiệp thông với Giáo Hội và trong ý thức sáng tỏ về sự duy nhất giữa Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể.”[54]
Như vậy, cái đẹp trong cử hành Thánh lễ còn được thể hiên khi cử hành Phụng vụ Lời Chúa. Phụng vụ Lời Chúa chính là cuộc đàm đạo giữa Thiên Chúa và con người. Trong cuộc đàm đạo này cả hai bên cùng nói những lời yêu thương và cùng biết lắng nghe nhau. Đó là cái đẹp, cái đẹp này không tìm thấy ở bất kỳ một cuộc tụ họp nào khác ngoài cuộc tụ họp cử hành Thánh lễ. 
3.3.                        Cái đẹp của tình yêu tự hiến
Đức Ki-tô yêu thương nhân loại đến nỗi đã tự hiến thân mình trên thập giá để cứu chuộc nhân loại.[55] Điều đó đã cho thấy cái đẹp hoàn bị và vĩnh cửu về tình yêu của Thiên Chúa với con người. Vẻ đẹp của tình yêu tự hiến này thể hiện trọn vẹn qua cách thức Đức Ki-tô đã làm cho nhân loại. Cách thức đó chính là việc Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Thật vậy, cách thức thể hiện tình yêu của Đức Ki-tô nơi Bí tích Thánh Thể đạt đến mức nghệ thuật nghệ thuật cao. Tuy nhiên, để hiểu được tính nghệ thuật cũng như cái đẹp của Bí tích Thánh Thể thì trước hết, cần hiểu rõ tình yêu là gì và tình yêu đạt đến mức nghệ thuật là tình yêu như thế nào.
- Tình yêu là gì?
Tình yêu là gì? Là câu hỏi mà rất nhiều người muốn biết, muốn trả lời theo quan điểm của mình. Nhưng hầu như vẫn không có câu trả lời thuyết phục. Bởi khi nói về tình yêu thì mỗi người nhìn ở quan điểm và góc độ khác nhau. Những câu giải thích hay định nghĩa về tình yêu chỉ mang tính cá nhân mà không có tính phổ quát, vì điều đó còn lệ thuộc vào cách thức của mỗi người khi yêu.
Theo Từ Điển Bách Khoa Toàn Thư thì: “Tình yêu là một khái niệm đa nghĩa trong cách diễn đạt và cách hiểu của mọi người, nhưng theo nghĩa chung nhất, tình yêu là một trạng thái tình cảm của chủ thể này với chủ thể khác ở mức độ cao hơn sự thích thú và phải nảy sinh ý muốn được gắn kết với chủ thể đó ở một khía cạnh hay một mức độ nhất định.”[56]
Trong văn hóa Hy-lạp thì tình yêu được diễn tả bằng từ ngữ E-ros. E-ros là một sức bật giúp nâng con người lên từ bình diện khả giác sang bình diện khả tri. Đó là nhu cầu tìm kiếm và sở hữu những gì thiện hảo và hoàn mỹ, là những điều mà con người chưa có được hoặc có rất ít. E-ros là một khát vọng, là sự thèm muốn.[57] Bản chất của E-ros là một sức mạnh chiếm hữu, muốn đạt tới và sở hữu điều mình còn thiếu.
Theo Kinh Thánh tình yêu lại được dùng với thuật ngữ A-ga-pê. Sức mạnh của A-ga-pê không nằm trong “chiếm hữu”, mà nằm trong cho đi. A-ga-pê là một sức mạnh từ trên xuống tương phản với sức mạnh “từ dưới lên” của E-ros. Thiên Chúa là tình yêu cho đi trọn vẹn, cho đi tất cả: “Thiên Chúa yêu mến thế gian đến nỗi ban Con một mình cho thế gian”[58] Ở đây vừa có một sự đảo ngược trong quan niệm về Thiên Chúa, và một sự đảo ngược khác trong quan niệm về tình yêu. Tình yêu Ki-tô giáo không là một sự chiếm đoạt, mà là một hồng ân, là ân sủng con người nhận lãnh từ Thiên Chúa. Trong khi E-ros là khát vọng, thì A-ga-pê là hy sinh. E-ros càng cao thượng khi đối tượng càng “vĩ đại”. Trên bình diện này Tình yêu đối với Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ “vĩ đại nhất”. Còn A-ga-pê càng cao cả khi đối tượng càng “nhỏ bé” (những con người phận nhỏ, những ai yếu đuối, đau khổ, bệnh tật, bị áp bức…)[59]
- Tình yêu đạt đến mức nghệ thuật là tình yêu phải hội đủ hai yếu tố.
Trước hết là có sự sáng tạo mới và độc đáo, thứ hai là được nhiều người chấp nhận. Nếu xét theo hai yếu tố này thì trên thực tế có rất ít tình yêu thật sự đạt đến mức nghệ thuật. Thường những tình yêu đạt đến mức nghệ thuật chỉ là những tình yêu được sáng tạo ra trong văn học, sân khấu, điện ảnh nhằm mục đích ca ngợi tình yêu.
Có thể nói, nghệ thuật là nơi bày tỏ tình yêu. Nhiều tình yêu đẹp được tìm thấy trong nghệ thuật. Có tình yêu quê hương đất nước, có tình yêu gia đình giữa các thành viên với nhau, có tình yêu đồng loại, tình yêu thiên nhiên vũ trụ...Chủ đề tình yêu chiếm một mảng lớn trong lĩnh vực nghệ thuật nói riêng và trong cuộc sống nói chung. Vì con người luôn khao khát tình yêu và luôn muốn được sống với tình yêu mà mình khao khát. Đôi khi tình yêu cũng đồng nghĩa với hạnh phúc.
Vì yêu, nhiều người có thể làm được nhiều điều tưởng chừng như không thể. Như Hòn Vọng Phu yêu chồng, chờ chồng cho đến khi hóa đá, hay Rô-mê-ô và Ju-li-ét dám uống thuốc tự tử để có thể được ở bên nhau...Khi yêu nhau người ta có thể làm mọi thứ cho nhau để thể hiện tình cảm của mình với người yêu. Ca dao tục ngữ Việt Nam của có câu: “yêu nhau mấy núi cũng leo, mấy sống cũng lội mấy đèo cũng qua.” hoặc “yêu nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.” Tình yêu rất đẹp, lãng mạn, tình tứ. Mỗi người có cách bày tỏ tình yêu của mình ra bên ngoài khác nhau.
Nếu đem xét hai điều kiện khiến cho một tình yêu đạt đến mức nghệ thuật thì ta có thể nói tình yêu của Chúa Giê-su nơi Bí tích Thánh Thể là tình yêu đạt đến mức nghệ thuật.
Trước hết tình yêu của Chúa Giê-su nơi Bí tích Thánh Thể có sáng tạo, độc đáo trong cách thức thể hiện tình yêu. Người ta khi yêu nhau có thể làm mọi thứ cho nhau, nhưng ít ai có thể hy sinh và cho đi chính mạng sống của mình. Đức Ki-tô không chỉ cho đi mạng sống mà còn hiến thân mình làm của ăn nuôi sống người mình yêu. Có thể khẳng định từ cổ chí kim chưa ai dám và thể hiện tình yêu một cách độc đáo và sáng tạo như thế ngoại trừ Đức Ki-tô.
Kế đến, tình yêu của Đức Ki-tô không những có sáng tạo mà còn được nhiều người chấp nhận và thán phục. Không chỉ có người Công giáo mà tất cả những ai tin vào Đức Ki-tô đều chấp nhận tình yêu tự hiến của Người. Khi yêu nhau, người ta luôn muốn nên một, là của nhau, thuộc về nhau cả về thể xác và tinh thần. Nhưng thuộc về nhau như thế nào đây? Cho dù chúng ta có kết hợp với người mình yêu như thế nào đi nữa thì hai người vẫn là hai nhân vị khác nhau. Đức Ki-tô đã biến Mình làm của ăn, để ta được tháp nhận vào Thiên Tính của Ba Ngôi Thiên Chúa. Mỗi khi Ki-tô hữu rước Mình Máu Thánh Chúa là rước lấy chính Chúa, được hòa tan vào tình yêu của Chúa được nên một với Chúa cả về thể xác lẫn tinh thần.
Chính vì tình yêu của Đức Ki-tô nơi Bí tích Thánh Thể mang tính nghệ thuật cao nên tình yêu đó cũng mang cái đẹp hoàn bị. Ngày nay mỗi khi linh mục cử hành phụng vụ Thánh Thể như lời mời gọi của Đức Ki-tô: “anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến thầy” thì cái đẹp đó được họa lại qua hình ảnh người linh mục, tựa như một tác phẩm hội họa được sao chép lại. Việc cử hành phụng vụ Thánh Thể làm sống lại tình yêu mà Đức Ki-tô đã thể hiện khi còn ở trần gian.
3.4.                        Cái đẹp trong sự hiệp nhất
Chủ thể của vẻ đẹp sâu xa của phụng vụ là chính Chúa Ki-tô, phục sinh và vinh quang trong Chúa Thánh Thần, Đấng bao quát Giáo Hội trong công trình của Người.[60] Nên chính Đức Ki-tô mời gọi cộng đoàn phụng vụ hiệp nhất với cái đẹp sâu xa này qua việc rước Mình Máu Người. Thật vậy, cao điểm của Thánh lễ là lời vinh tụng ca: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.”[61] Nên việc hiệp lễ là lúc Ki-tô hữu được nên một với Đức Ki-tô, từ đó nên một với Chúa Cha, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần. Đức Ki-tô mời gọi cộng đoàn dân Chúa nên một với Người như hình ảnh cành nho gắn liền với thân cây nho[62], Người chính là đầu của chi thể[63], Người luôn khao khát đoàn chiên của Người hiệp nhất với Người trong Chúa Cha[64]…Việc đáp lại lời mời gọi nên một với Đức Ki-tô của linh mục chủ tế - “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” – đã cho thấy cái đẹp của sự hiệp nhất trong Thánh lễ.
Cái đẹp của sự hiệp nhất trước hết được thể hiện qua hành vi bẻ bánh của linh mục chủ tế. Một hành động tuy nhỏ, và ngày nay dường như ít được chú ý trong Thánh lễ nhưng lại mang nhiều ý nghĩa cao quý. Một trong những ý nghĩa cao quý của hành động bẻ bánh nói lên sự hy sinh mạng sống của Đức Ki-tô. Hành động bẻ bánh là điểm nhấn trong bức tranh của tình yêu tự hiến. Bẻ ra là chấp nhận hy sinh, chấp nhận chết. Qua  đó, Đức Ki-tô trao ban chính mình Người để những ai “ăn thịt và máu tôi thì được sống muôn đời.”[65] Thật vậy, cái đẹp của hành vi bẻ bánh mà Đức Ki-tô đã làm, Người cũng mời gọi cộng đoàn phụng vụ tự bẻ thân mình cho tha nhân. Không phải là để chết như Người, nhưng là hiến thân phục vụ như Người đã phục vụ “Con Người đến để phục vụ chứ không phải được phục vụ.”[66]
Kế đến, cái đẹp của sự hiệp nhất còn thể hiện qua việc cộng đoàn phụng vụ được trở nên chính cái mà họ lãnh nhận. Thật vậy, nhờ tham dự vào Thánh Thể, tức nhờ Hiệp Lễ, Ki-tô hữu thực sự trở thành ‘cái mà họ ăn’ như Đức Lê-ô cả viết: “tham dự vào Mình và Máu Chúa Ki-tô có mục đích duy nhất là biến ta thành cái mà ta ăn” (Bài giảng 12 về Cuộc Thương Khó, 7).[67] Chính khi trở nên “cái mà họ ăn” cộng đoàn phụng vụ được tháp nhập trọn vẹn vào bản tính Thiên Chúa, được nên một với Đức Ki-tô, trong Chúa Cha và trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần. Cái đẹp ở đây được thể hiện qua việc một thụ tạo vốn chỉ là cái đẹp khiếm khuyết nay được tháp nhập vào cái đẹp hoàn bị, cái đẹp trường cửu, cái đẹp cổ xưa và hiện đại.[68] Khi được nên một với Đức Ki-tô qua hiệp lễ thì Ki-tô hữu được hiệp thông với Mình và Máu Chúa Ki-tô, hiệp thông với toàn thể cuộc sống và cái chết của Người. Do đó người Ki-tô hữu có thể cảm nghiệm toàn bộ cuộc sống của Người. Từ đó có thể chia sẻ và làm sống lại cuộc sống của Đức Ki-tô nơi chính cuộc sống của mình[69] như thánh Phao-lô đã xác tín “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là chính Đức Ki-tô sống trong tôi, đời sống của tôi lúc này trong thân xác, tôi sống nó trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và phó nộp mình vì tôi.”[70]
Cuối cùng cái đẹp của sự hiệp nhất thể hiện qua việc Ki-tô hữu được nên một với Hội thánh và với nhau. Nghi thức hiệp lễ được bắt đầu từ việc cả cộng đoàn phụng vụ đọc Kinh Lạy Cha.[71] Điều đó là nổi bật tình huynh đệ trong công đoàn phụng vụ. Thật vậy, lời Kinh Lạy Cha không chỉ là lời chúc tụng, cầu xin lên Chúa Cha mà Đức Ki-tô đã dạy, mà còn cho thấy tất cả mọi người là anh chị em với nhau, cùng thưa lêm “Abba, cha ơi!”[72]  Hình ảnh đức Ki-tô là đầu của Hội thánh[73] và mỗi người là chi thể được nổi bật khi cộng đoàn cử hành phụng vụ và nhất là khi cộng đoàn ăn cùng một tấm bánh, uống chung một chén. Thánh Phao-lô đã xác tín điều này: “Khi ta nâng chén tạ ơn mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Ðức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.”[74]
Như vậy, hành động hiệp lễ thể hiện nhiều cái đẹp của sự hiệp nhất. Chính khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa là lúc người Ki-tô hữu được  hiệp nhất với Đức Ki-tô, hiệp nhất với Giáo hội và hiệp nhất với nhau. Cái đẹp ở sự hiệp nhất này tưởng như muôn màu sắc hòa quyện, vẽ lên một tuyệt tác bằng bàn tay khéo léo của Thiên Chúa. Chính Ngài là nghệ sĩ tài ba đã khéo quy tụ muôn màu sắc thụ tạo, để rồi chính Ngài hòa sắc muôn màu thụ tạo đó bằng chính Mình Máu Con của Ngài. Trong tuyệt tác này, người Nghệ Sĩ, Đấng Sáng Tạo ấy đã tự hủy chính vẻ đẹp hoàn bị của mình để mặc lấy muôn màu thọ tạo hầu có thể sáng tạo một bức tranh mới. Bức tranh được vẽ bằng sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người.
3.5.                        Lời mời gọi mang cái đẹp cho thế giới
Lúc khai mạc Thánh lễ, vị chủ tế chào cộng đoàn bằng lời khẩn cầu Ba Ngôi Thiên Chúa. Vào lúc kết lễ, trong phép lành thông thường vị chủ tế lại nhân danh Thiên Chúa mà chúc lành cho cộng đoàn: “Xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.” Sau đó, linh mục chủ tế hay phó tế tuyên bố giải tan: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an.”[75] Lời giải tán này chính là lời mời gọi mang cái đẹp cho thế giới.
Thật vậy, nếu như vẻ đẹp của sự quy tụ là vẻ đẹp đầu tiên trong việc cử hành Thánh lễ thì lời mời gọi mang cái đẹp cho thế giới lại là lời kết thúc Thánh lễ. Trước hết, muôn người quy tụ lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoàn bị, vĩnh cửu của Thiên Chúa. Kế đến, không những chỉ được mời gọi quy tụ, mà cộng đoàn phụng vụ còn được đàm đạo với Thiên Chúa qua phụng vụ Lời Chúa. Đỉnh cao của Thánh lễ chính là mời gọi trở nên vẻ đẹp hoàn bị khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa. Cuối cùng, sau khi đã nên đẹp, nên no thỏa trong Thiên Chúa, cộng đoàn được mời gọi ra đi mang Chúa – là cội nguồn của cái đẹp đến cho muôn loài thụ tạo.  
Đáp lại lời mời gọi mang cái đẹp cho thế giới thì cũng là lúc Ki-tô hữu thi hành chức vụ Ngôn sứ của Thánh Lễ. Thật vậy, lời chúc của chủ tế cuối Thánh lễ không phải là lúc kết thúc mọi chuyện nhưng lời chào ấy là khởi đầu cho nghi thức sai đi. Một cách nào đó, tất cả diễn tiến trong phụng vụ  phải được dẫn đến câu kết của Thánh lễ: “hãy bình an ra đi để yêu thương và phục vụ Thiên Chúa.” Ki-tô hữu không chỉ đơn giản được mời gọi ra đi, nhưng họ còn bị thúc bách hối hả ra đi để phục vụ. Sẽ mất đi ý nghĩa của nghi thức này nếu chỉ nhấn mạnh đến việc ra đi, đúng hơn sứ mạng quan trọng nhất cho mọi Ki-tô hữu sau khi cử hành Thánh lễ là ra đi để yêu thương và phục vụ. Cử hành phụng vụ Thánh lễ sẽ không mang lại lợi ích gì nếu sai đi không được thi hành.[76]
Một phụng vụ mang tính ngôn sứ giúp tránh khỏi việc tạo nên những vách tường ngăn cách mà Ki-tô hữu thường có khuynh hướng dựng lên trong các việc đạo đức của mình. Nếu Ki-tô hữu đóng kín Thiên Chúa trong chiếc thùng của siêu việt hoặc siêu nhiên, đức tin của Ki-tô hữu bị niêm phong tách khỏi cuộc sống hằng ngày.
       Như vậy, lời mời gọi sai đi cuối Thánh lễ là lời mời gọi mang cái đẹp cho thế giới, hầu đáp cứu những con người đói khát, khát tình yêu, khát cái đẹp.

Kết luận
Nói tóm lại, cái đẹp trong phụng vụ Thánh lễ trước hết được thể hiện qua việc tụ họp của cộng đoàn Phụng vụ. kế đến, trong việc cử hành phụng vụ này, mỗi người được mời gọi từ bỏ cái đẹp thụ tạo của mình để lắng nghe, đối thoại với Đấng mang trong mình cái đẹp hoàn bị, viên mãn. Không những thế, Thiên Chúa còn mời gọi cộng đoàn cùng hòa sắc nên một gam màu chung cho tổng thể. Gam màu chung này chính là sự hiệp nhất nên một với Đức Ki-tô thông qua hành vi rước Mình Máu Người. Sự hiệp nhất với Đức Ki-tô cũng là sự hiệp nhất với Chúa Cha và Thánh Thần và muôn loài thọ tạo. Một khi đã được chiêm ngắm, kìn múc và mặc lấy cái đẹp hoàn bị, viên mãn của Thiên Chúa, người tín hữu được mời gọi mang cái đẹp đến cho thế giới nhằm đáp ứng những con người đói khát.  

 MAPHUC,SSS





[1] Xc. St 1-3.
[2] Xc. Tv 8, 4.
[3] Xc. Lc 22, 19.
[4] Xc. Đỗ Văn Khang,  Giáo trình Lịch Sử Mỹ Học, (NXB Giáo Dục Việt Nam, 2010), tr. 5 – 10.
[6] Đỗ Văn Khang, Giáo Trình Lịch Sử Mỹ Học, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2010, tr. 74.
[8] Đỗ Văn Khang, Giáo Trình Lịch Sử Mỹ Học, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2010, tr. 100.
[10] Denis Huisman, Mỹ Học, (NXB Thế Giới, 2003), tr. 41.
[12] Xc. Đỗ Ngọc Bảo, Siêu Hình Học, (TTHV Đaminh - lưu hành nội bộ, 2005), tr. 196.

[13] Scandal "hậu" HHVN 2012: Cái đẹp cứu rỗi được ai?, http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/87055/scandal--hau--hhvn-2012--cai-dep-cuu-roi-duoc-ai-.html, truy cập 7/4/2014.  

[14] Xc. Denis Huisman, Mỹ Học, (NXB Thế Giới, 2003), tr. 23-24.
[15] Xc. St 1,31.
[16] Xc. St 27-31.
[17] Xc. Nguyễn Hưng, Nghệ Thuật Công Giáo - Thư Đức Cô Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II Gửi Các Nghệ Sĩ, (NXB Đồng Nai), tr. 159.
[18] Xc. St 1, 27-28.
[19] Xc. Nguyễn Hưng, Nghệ Thuật Công Giáo - Thư Đức Cô Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II Gửi Các Nghệ Sĩ, (NXB Đồng Nai), tr. 159.
[20] Nguyễn Hưng, Nghệ Thuật Công Giáo, (NXB Đồng Nai, 2011), tr.173.
[21] Xc. Ga 5, 17.
[22] Xc. Mt 16, 13-20.
[23] Xc. GLHTCG, số 737 – 738.
[25] Xc. Sacramentum Caritatis, số 35.
[26] Xc. Nguyễn Đình Đăng, Nghệ Thuật Là Gì?, http://ribf.riken.go.jp/~dang/whoarewe/Nghethuatlagi.htm, truy cập 7/5/2014.
[27] Viên Ngôn Ngữ Học, Từ Điển Tiếng Việt, (NXB Đà Nẵng, 2005), tr. 676.
[28] Xc. Nguyễn Đình Đăng, Nghệ Thuật Là Gì?, http://ribf.riken.go.jp/~dang/whoarewe/Nghethuatlagi.htm, truy cập 7/5/2014.
[29] Nguyễn Hưng, Nghệ Thuật Công Giáo, tập 1, (NXB Đồng Nai, 2011), tr. 184.
[30] Tác Giả?, Vai Trò Của Nghệ Thuật Đối Với Đời Sống Đức Tin,
[31] Sacramentum Caritatis, số 122.
[32] Sacramentum Caritatis, số 122.
[33] Xc. Nguyễn Hưng, Nghệ Thuật Công Giáo - Thư Đức Cô Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II Gửi Các Nghệ Sĩ, (NXB Đồng Nai), tr. 158-169.
[34] Tác Giả?, Vai Trò Của Nghệ Thuật Đối Với Đức Tin,
[35] Xc. Nguyễn Hưng, Nghệ Thuật Công Giáo - Thư Đức Cô Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II Gửi Các Nghệ Sĩ, (NXB Đồng Nai), tr. 158-169.
[36] Xc. 1Cr 12, 4-11.
[37] Xc. Nguyễn Hưng, Nghệ Thuật Công Giáo - Thư Đức Cô Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II Gửi Các Nghệ Sĩ, (NXB Đồng Nai), tr. 158-169.
[38] Ibid., tr.160.
[39] Phạm Đình Ái, Cử Hành Hy Lễ Tạ Ơn, (Học Viên Dòng Thánh Thể, 2012), tr. 5.
[40] Xc. Trần Đình Long,  Thánh Lễ Gõ Nhịp Cho Cuộc Sống, (Tủ Sách Mục Vụ, 2007), tr. 30-31.
[41]  Tác giả?, Thần Học Phụng Vụ Thánh Thể, 2000, tr. 58-59.
[42] Bùi Thị Nam, Cảm Thức Về Sắc Độ Trong Tranh,
[43] Phạm Đình Ái, Cử Hành Hy Lễ Tạ Ơn, (Học Viên Dòng Thánh Thể, 2012), tr. 5-6.
[44] Lumen Gentium, 48.   
[45] Thúy Lộc, Nghệ Thuật Lắng Nghe Giúp Bạn Thành Công, http://www.careerlink.vn/cam-nang-viec-lam/tu-van-nghe-nghiep/nghe-thuat-lang-nghe-giup-ban-thanh-cong#.U2dG6VdOR3o, truy cập 5/5/2014.
[46] Ibid.
[47] Xc. Tv 19,2; Rm1, 19-20.
[48] Dei Verbum, số 21.
[49] Hr 1, 1-2.
[50] Sacrosanctum Concilium, số 33-34.
[51] Phạm Đình Ái, Cao Cả Thay Mầu Nhiệm Cứu Độ, (NXB Phương Đông, TP. HCM, 2014), tr. 75-76.
[52] Sacrosanctum Concilium, số 34.
[53] Sacrosanctum Concilium, số 45.
[54] Ibid.
[55] Xc. Ga 13, 1.
[56] Bách Khoa Toàn Thư, Tình Yêu, https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%ACnh_y%C3%AAu. Truy cập 2/4/2013.
[57] Bùi Văn Đọc, Sự Tương Phản Và Đồng Quy  Giữa Eros Và Agapê, Trong Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThongDiep/TuongPhanDongQuiDeusCaritas.htm, truy câp 2/4/2013.
[58] Xc. Ga, 3,16.
[59] Bùi Văn Đọc, Sự Tương Phản Và Đồng Quy  Giữa Eros Và Agapê, Trong Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThongDiep/TuongPhanDongQuiDeusCaritas.htm, truy câp 2/4/2013.

[60] Sacramentum Caritatis, số 36.
[61]Nghi thức Thánh Lễ.
[62] Xc. Ga 15.
[63] Xc Cl 1, 18.
[64] Xc. Ga 17, 11.
[65] Xc. Ga 6, 54.
[66] Xc. Mc 10, 45.
[67] Nguyễn Phúc Thuần, Hiệu Quả Của Hiệp Lễ, (Tủ Sách Thánh Thể, Houston, 2002), tr. 1.
[68] Thánh Augustino, Tự Thuật, (NXB Tôn Giáo, 2007), tr. 608.
[69] Nguyễn Phúc Thuần, Hiệu Quả Của Hiệp Lễ, (Tủ Sách Thánh Thể, Houston, 2002), tr. 6.
[70] Xc. Gl 2, 20.
[71] Phạm Đình Ái, Cao Cả Thay Mầu Nhiệm Cứu Độ, (NXB Phương Đông, 2014), tr.137.
[72] Xc. Rm 8, 15.
[73] Xc. Cl 1, 18.
[74] Xc. 1Cr 10, 16-18.
[75] Phạm Đình Ái, Cao Cả Thay Mầu Nhiệm Cứu Độ, (NXB Phương Đông, 2014), tr. 188.
[76]Trần Đình Long, Thánh Lễ Gõ Nhịp Cho Cuộc Sống, (Học Viện Thánh Thể, 2007), tr. 171-172.
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét