CHIỀU KÍCH MỸ HỌC
NƠI BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Mar-ti-nô Au-gus-ti-nô Bùi Văn Hồng Phúc
Nội dung:
I.
Giới thiệu.
II.
Chiều kích Mỹ
học trong Bí tích Thánh Thể.
1.
Cái
đẹp trong Bí tích Thánh Thể.
1.1.
Cái đẹp của Hy Tế
Thập Giá.
1.2.
Cái đẹp thể hiện
qua việc Thánh Thể trở nên nguồn linh dược chữa lành, dưỡng nuôi đời sống đức
tin người tín hữu.
1.3.
Cái đẹp của Lòng
Thương Xót.
1.4.
Cái đẹp trong
cách thức thể hiện tình yêu.
2.
Cái
cao cả trong Bí tích Thánh Thể.
3.
Bí
tích Thánh Thể - nghệ thuật bày tỏ tình yêu
III. Hướng đến tôn thờ Chúa Giê-su nơi Bí tích Thánh
Thể bằng tâm hồn của người nghệ sỹ.
1.
Hành
vi tôn thờ
2.
Tư
chất của người nghệ sỹ
3.
Hướng
đến tôn thờ Chúa Giê-su Thánh Thể bằng tâm hồn của người nghệ sỹ.
IV. Kết luận
I. Giới thiệu
Nhiều người cứ
ngỡ rằng, ở đâu có hòa bình, tự do, hay tiền của vật chất, quyền lực…là ở đó có
hạnh phúc. Do vậy, đã có bao con người, bao thế hệ đi tìm những thứ cứ ngỡ là
hạnh phúc. Nhưng thực ra, hạnh phúc là một điều gì đó siêu hình, không thể nhìn
thấy được. Thiết nghĩ, người có được hạnh phúc là người nhận ra giá trị chân,
thiện, mỹ trong cuộc sống. Trải qua thời gian dài của lịch sử nhân loại, đã có
nhiều sự thật được khám phá, nhiều sự thiện được tôn vinh và vô vàn cái đẹp
được khơi gợi.
Chân, thiện,
mỹ thực ra chỉ là một yếu tố, một tổng thể. Người ta thường phân tách chân,
thiện, mỹ thành ba lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, ta không thể
phân tách. Bởi ở đâu có chân lý thì ở đó cũng có sự thiện và cái đẹp. Chân,
thiện, mỹ luôn tồn tại cùng nhau. Có nhiều điều, nhiều nơi trong cuộc sống ta
nghĩ là hội đủ ba yếu tố chân thiện mỹ như: tình yêu, sự chiến thắng… Nhưng
trong cái nhìn đức tin của người Ki-tô hữu có một nơi hội tụ chân, thiện, mỹ
trọn vẹn nhất. Đó là Tình yêu của Đức Ki-tô nơi Bí tích Thánh Thể. Nơi Bí tích Thánh
Thể không chỉ tồn tại chân lý đích thực, sự thánh thiện vẹn toàn mà còn ẩn chứa
cái đẹp viên mãn.
Vì còn nhiều
giới hạn về kiến thức và thời gian, nên bài viết chỉ xin được bàn đến cái đẹp
nơi Bí tích Thánh Thể với đề tài: “ Chiều Kích Mỹ Học Nơi Bí tích Thánh Thể.”
II. Chiều kích
Mỹ học trong Bí tích Thánh Thể.
1.
Cái đẹp trong Bí tích Thánh Thể.
Nói đến cái đẹp người ta thường hay nhắm đến những hình ảnh cụ thể như:
bông hoa đẹp, bức tranh đẹp, cô gái đẹp... đôi khi trừu tượng hơn như: hành
động đẹp, chơi đẹp, lối sống đẹp...Tuy nhiên, một tình yêu đẹp thường được quan
tâm nhất.
Trong văn học nghệ thuật, điện ảnh có nhiều tình yêu đẹp được xây dựng như:
chuyện tình Rô-mê-ô và Ju-li-ét, hay Rose và Jack trong Titanic...
Phần lớn tình yêu đẹp thường chỉ giới hạn trong phạm vi nhỏ hẹp. Có thể chỉ là tình cảm của cha mẹ với con cái, tình yêu nam nữ.
Có một tình yêu không hạn hẹp, nhỏ bé mà vươn lên tầm thường để trở thành một
tình yêu phổ quát, phi thường. Xin được nói đến cái đẹp trong Tình Yêu Tự Hiến
Của Đức Giê-su Ki-tô.
Theo Đức Hồng y Joshep Ratzinger: “ Thánh
Thể là cung cách ứng xử công cộng, qua đó, Đức Giê-su mời gọi mọi người đến gặp
gỡ Thiên Chúa phổ quát, để nhận tương quan máu huyết với Ngài, trở nên một thân
thể với Ngài.”[1]
Điều đó cho thấy Thánh Thể không là tình yêu nhỏ hẹp thông thường như của con
người, cũng không thể hiểu như món quà tình bạn mang tính cá nhân hay sức mạnh
của đức tin chủ quan, nhưng phải hiểu Thánh Thể là biểu hiện của tình yêu Thiên
Chúa.
Tình yêu nơi Bí tích Thánh Thể là tình yêu đẹp, cao cả thể hiện ở một vài
khía cạnh sau:
1.1- Cái đẹp của Hy Tế Thập Giá.
Cái đẹp nơi Bí tích Thánh Thể trước hết là Hy Tế Thập Giá của Đức Ki-tô
hiến ban cho con người. Thánh Thể là bằng chứng cao nhất về tình yêu Thiên Chúa
ban tặng cho con người, là bảo chứng tình yêu cứu độ được hiến tế trên thập
giá. Nơi Bí tích Thánh Thể Chúa Giê-su tiếp tục hiện diện để ban ơn và chuyển
cầu cho dân người.[2]
1.2- Cái đẹp thể hiện qua việc Thánh Thể trở nên nguồn linh
dược chữa lành, dưỡng nuôi đời sống đức tin người tín hữu.[3]
Thật vậy, mỗi lần ta rước Mình và Máu Thánh Chúa là lúc linh hồn ta được
dưỡng nuôi và
chữa lành. Chính Mình Máu Chúa trở nên Bánh Hằng Sống
dưỡng nuôi linh hồn ta. Khi rước Mình Máu Chúa là ta kết hợp với Người, trở nên
đồng hình đồng dạng với Người. Trong chốc lát ta được mặc lấy bản tính Thiên
Chúa. Cùng với Bí tích Hòa Giải, Bí tích Thánh Thể cũng là Bí tích của sự chữa
lành. Chính Mình Máu Thánh Chúa chữa lành, tha thứ
mọi lỗi phạm mỗi khi ta rước Mình Máu Thánh Chúa với lòng ăn năn thống
hối và với tâm hồn đơn sơ, một tình yêu tha thiết, một khát khao nên một với
Chúa.
1.3-
Cái đẹp của Lòng Thương Xót.
Chúng ta biết rằng, ơn tha thứ của Thiên Chúa khởi đi từ tình yêu của Thiên
Chúa Cha. Chính Chúa Giê-su cũng đã mặc khải: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con
của Ngài thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời.”[4] Hy tế Thập Giá thể hiện rõ nhất tình yêu Thiên Chúa dành cho con người,
chính tình yêu đó đã phủ lấp muôn vàn tội lỗi của con người. Cuộc khổ nạn của
Chúa Giê-su nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa. Người đón nhận cái chết như
hiến lễ dâng lên Thiên Chúa Cha, như của lễ đền tội thay cho nhân loại: “tất cả anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là
Mình Thầy hiến tế vì anh em,... hãy cầm lấy mà uống này là chén Máu Thầy, Máu
Giao Ước mới, giao ước vĩnh cửu, đổ ra vì anh em và mọi người được tha tội.”[5]
1.4-
Cái đẹp trong cách thức thể hiện tình yêu.
Có nhiều cách thức thể hiện tình yêu khác nhau chẳng hạn như: tặng một đóa
hoa, gởi một bài hát, hay một Thông điệp yêu thương, cũng có thể là một cử chỉ
âu yếm, một nụ hôn... Nhìn chung lại, khi yêu nhau, người ta chỉ muốn luôn được
ở bên nhau, được là của nhau, được trở nên một. Thế nhưng có ai dám nghĩ như Đức Ki-tô. Thật là một sáng tạo độc đáo trong cách thức thể hiện
tình yêu. Chúa đã trở nên của ăn nuôi sống người mình yêu. “Ai ăn thịt và uồng máu Tôi, thì được sống
muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.”[6]
Tóm lại, cái đẹp trong Bí tích Thánh Thể được thể hiện qua nhiều khía cạnh
khác nhau. Ta có thể liệt kê một vài khía cạnh như sau:
- Cái đẹp của Hy Tế Thập Giá
- Cái đẹp thể hiện qua việc Thánh Thể trở nên nguồn linh dược chữa lành,
dưỡng nuôi đời sống đức tin người tín hữu.
- Cái đẹp của Lòng Thương Xót
- Cái đẹp trong cách thức thể hiện tình yêu.
2.
Cái cao cả trong Bí tích Thánh Thể.
Một phạm trù khác của mỹ học thường được nói đến sau cái đẹp là cái cao cả.
Vậy cái cao cả là gì? Tại sao Bí tích Thánh Thể lại bao hàm cái cao cả?
Triết gia Kant cho rằng cái cao cả chỉ là một quan niệm của lý trí quan
niệm về cái vô hạn. Do đó không có chỗ đứng trong bất kì một hình thức cảm tính
nào. Ông khẳng định cái cao cả chỉ có ở trong ta, trong những ý nghĩ mà cái cao
cả khơi gợi để góp vào quan niệm chung của tự nhiên. Cảm xúc mà cái cao cả khơi gợi ở con người theo ông đó là
niềm tự hào.
Cái cao cả là cái to lớn hơn tất cả những cái mà ta đem
so sánh với nó.
Sở dĩ nói Bí tích Thánh Thể mang tính cao cả bởi tình yêu của Đức Ki-tô nơi
Bí tích Thánh Thể là biểu hiện một tình yêu to lớn về tầm vóc – tình yêu phổ
quát, phi thường về sức mạnh – hiến tế mạng sống, và phản ảnh tình yêu vô tận,
vĩnh cửu – tồn tại muôn đời.
Đứng trước tình yêu nơi Bí tích Thánh Thể ta không khỏi không thán phục,
ngưỡng mộ, thậm chí nếu ta có một đức tin vững mạnh vào Chúa Ki-tô ta sẽ cảm
thấy sảng khoái, bình an. Từ đó khơi dậy trong ta một sức mạnh tiềm tàng. Sức
mạnh đó giúp ta nâng cao ý chí, khát vọng vượt qua những khó khăn thử thách để
vươn tới sự thánh thiện là kiết hiệp với Đức Ki-tô nơi Bí tích Thánh Thể.
3.
Bí tích Thánh Thể - nghệ thuật bày tỏ tình yêu
Để có thể chứng minh được tình yêu của Đức Ki-tô nơi Bí tích Thánh Thể đạt
đến mức nghệ thuật trước hết chúng ta cần hiểu rõ tình yêu là gì và tình yêu
đạt đến mức nghệ thuật là tình yêu như thế nào.
- Tình yêu
là gì?
Tình yêu là gì? Là câu hỏi mà rất nhiều người muốn biết, muốn trả lời theo
quan điểm của mình. Nhưng hầu như vẫn không có câu trả lời thuyết phục. Bởi khi
nói về tình yêu thì mỗi người nhìn ở quan điểm và góc độ khác nhau. Những câu
giải thích hay định nghĩa về tình yêu chỉ mang tính cá nhân mà không có tính
phổ quát, vì điều đó còn lệ thuộc vào cách thức của mỗi người khi yêu.
Theo Từ Điển Bách Khoa Toàn Thư thì: “Tình
yêu là một khái niệm đa nghĩa trong cách diễn đạt và cách hiểu của mọi người,
nhưng theo nghĩa chung nhất, tình yêu là một trạng thái tình cảm của chủ thể
này với chủ thể khác ở mức độ cao hơn sự thích thú và phải nảy sinh ý muốn được
gắn kết với chủ thể đó ở một khía cạnh hay một mức độ nhất định.”[7]
Trong văn hóa Hy-lạp thì tình yêu được diễn tả bằng từ ngữ Eros. “Eros là một sức
bật giúp nâng con người lên từ bình diện khả giác sang bình diện khả tri. Đó là
nhu cầu tìm kiếm và sở hữu những gì thiện hảo và hoàn mỹ, là những điều mà con
người chưa có được hoặc có rất ít. Eros
là một khát vọng, là sự thèm muốn.”[8] Bản chất của Eros là một sức mạnh chiếm
hữu, muốn đạt tới và sở hữu điều mình còn thiếu.
Theo Kinh Thánh tình yêu lại được dùng với thuật ngữ A-ga-pê. Sức mạnh của
Agapê không nằm trong “chiếm hữu”, mà nằm trong cho đi. Agapê là
một sức mạnh từ trên xuống tương phản với sức mạnh “từ dưới lên” của Eros.
Thiên Chúa là Tình yêu cho đi trọn vẹn, cho đi tất cả: “ Thiên Chúa yêu mến thế gian đến nỗi ban Con một mình cho thế gian”[9]…
Ở đây vừa có một sự đảo ngược trong quan niệm về Thiên Chúa, và một sự đảo
ngược khác trong quan niệm về Tình yêu. Tình yêu Ki-tô giáo không là một sự
chiếm đoạt, mà là một hồng ân, là ân sủng con người nhận lãnh từ Thiên Chúa.
Trong khi Eros là khát vọng, thì Agapê là hy sinh. Eros
càng cao thượng khi đối tượng càng “vĩ đại”. Trên bình diện này Tình yêu đối
với Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ “vĩ đại nhất”. Còn Agapê càng cao cả khi
đối tượng càng “nhỏ bé” (những con người phận nhỏ, những ai yếu đuối, đau khổ,
bệnh tật, bị áp bức…)[10]
- Tình yêu đạt đến mức nghệ thuật là tình yêu phải hội đủ
hai yếu tố.
Trước hết là có sự sáng tạo mới và độc đáo, thứ hai là được nhiều người
chấp nhận. Nếu xét theo hai yếu tố này thì trên thực tế có rất ít tình yêu thật
sự đạt đến mức nghệ thuật. Thường những tình yêu đạt đến mức nghệ thuật chỉ là
những tình yêu được sáng tạo ra trong văn học, sân khấu, điện ảnh nhằm mục đích
ca ngợi tình yêu.
Có thể nói, nghệ thuật là nơi bày tỏ tình yêu. Nhiều tình yêu đẹp được tìm
thấy trong nghệ thuật. Có tình yêu quê hương đất nước, có tình yêu gia đình
giữa các thành viên với nhau, có tình yêu đồng loại, tình yêu thiên nhiên vũ
trụ...Chủ đề tình yêu chiếm một mảng lớn trong lĩnh vực nghệ thuật nói riêng và
trong cuộc sống nói chung. Vì con người luôn khao khát tình yêu và luôn muốn
được sống với tình yêu mà mình khao khát. Đôi khi tình yêu cũng đồng nghĩa với
hạnh phúc.
Vì yêu, nhiều người có thể làm được nhiều điều tưởng chừng như không thể.
Như Hòn Vọng Phu yêu chồng, chờ chồng cho đến khi hóa đá, hay Rô-mê-ô và
Ju-li-ét dám uống thuốc tự tử để có thể được ở bên nhau...Khi yêu nhau người ta
có thể làm mọi thứ cho nhau để thể hiện tình cảm của mình với người yêu. Ca dao
tục ngữ Việt Nam của có câu: “yêu nhau mấy núi cũng leo, mấy sống cũng lội mấy
đèo cũng qua.” Hoặc: “yêu nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.” Tình yêu rất đẹp, lãng mạn, tình tứ. Mỗi người có cách bày tỏ tình yêu của mình ra bên ngoài
khác nhau.
Nếu đem xét hai điều kiện khiến cho một tình yêu đạt đến mức nghệ thuật thì
ta có thể nói tình yêu của Chúa Giê-su nơi Bí tích Thánh Thể là tình yêu đạt
đến mức nghệ thuật.
Trước hết tình yêu của Chúa Giê-su nơi Bí tích Thánh Thể có sáng tạo, độc
đáo trong cách thức thể hiện tình yêu. Người ta khi yêu nhau có thể làm mọi thứ
cho nhau, nhưng ít ai có thể hy sinh và cho đi chính mạng sống của mình. Đức Ki-tô không chỉ cho đi mạng sống mà còn hiến thân mình làm của
ăn nuôi sống người mình yêu. Có thể khẳng định từ cổ chí kim chưa ai dám và thể
hiện tình yêu một cách độc đáo và sáng tạo như thế ngoại trừ Đức Ki-tô.
Kế đến, tình yêu của Đức Ki-tô không những có sáng tạo mà còn được nhiều
người chấp nhận và thán phục. Không chỉ có người Công giáo mà tất cả những ai
tin vào Đức Ki-tô đều chấp nhận tình yêu tự hiến của Người. Khi yêu nhau, người
ta luôn muốn nên một, là của nhau, thuộc về nhau cả về thể xác và tinh thần.
Nhưng thuộc về nhau như thế nào đây? Cho dù chúng ta có kết hợp với người mình yêu như thế nào đi nữa thì hai
người vẫn là hai nhân vị khác nhau. Đức Ki-tô đã biến Mình làm của ăn, để ta
được tháp nhận vào Thiên Tính của Ba Ngôi Thiên Chúa. Mỗi khi chúng ta rước
Mình Máu Thánh Chúa là chúng ta rước lấy chính Chúa, được hòa tan vào tình yêu
của Chúa được nên một với Chúa cả về thể xác lẫn tinh thần.
II. Hướng đến
tôn thờ Chúa Giê-su nơi Bí tích Thánh Thể bằng tâm hồn của người nghệ sỹ.
1.
Hành vi tôn thờ
“Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Đấng
đã đưa ngươi ra khỏi Ai cập, khỏi nhà nô lệ. Ngoài ta ra không có thần nào
khác. Ngươi sẽ không làm bất cứ hình tượng điêu khắc nào, không vật gì giống
như những gì ở trên trời cao kia, hoặc trên mạch đất này, hoặc ở trong nước,
hoặc ở dưới đáy lòng đất. Người sẽ không phục lạy trước các ảnh tượng đó và sẽ
không phục vụ chúng.[11]
“Có
lời viết rằng: ‘ngươi sẽ thờ lạy Chúa, Thiên Chúa của ngươi và chỉ phụng sự một
mình Ngài mà thôi.’”[12]
“Tôn
thờ hay thờ lạy là cách biểu lộ những phản ứng phức tạp của con người khi gần
Thiên Chúa, vừa bộc phát, vừa ý thức, vừa bó buộc, vừa tự ý, ý thức sắc bén về
tình trạng tội lỗi của mình, xấu hổ trong im lặng, kính sợ trong run rẩy, biết
ơn hay hân hoan sùng bái với cả con người.”[13]
Thật vậy, con
người khi đứng trước vinh quang của Thiên Chúa, như tiên tri Ê-dê-ki-en (Ez
1,28) chẳng hạn, hoặc như Sao-lô khi đứng trước Chúa Giê-su Phục sinh (Cv 9,4)
đều ngã xuống đất như tiêu tan đi vậy. Tất cả chúng ta cũng thế, mặc dầu không
trực tiếp kinh nghiệm về Thiên Chúa như các thánh, nhưng khi quan sát vũ trụ và
nhìn lại bản thân ta có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Và để thực
hiện nhận biết này, con người thực hiện hành vi thờ lạy trước Đấng tạo dựng nên
vũ trụ, muôn loài.
Có nhiều hành
vi thờ lạy khác nhau: phục lạy, hôn kính, và mọi cử chỉ của hành vi phụng vu.
Nhưng cốt yếu nhất của thờ lạy Thiên Chúa là ba nhân đức đối thần, tức là thể
hiện ở tấm lòng đối với Thiên Chúa chứ không chỉ là những gì bên ngoài.
Sách Giáo lý Hội
thánh Công giáo[14]
cho biết:
-
Đức tin.[15]
Đời sống luân
lý của ta bắt nguồn từ nơi niềm tin vào Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta
biết và tình Ngài yêu thương chúng ta. Trong thư của thánh Phao-lô gửi giáo
đoàn Rô-ma có nói đến “sự vâng phục của
niềm tin” là nghĩa vụ thứ nhất của con người. Bổn phận của ta với Thiên
Chúa là tin kính và tỏ lòng yêu mến Ngài.
- Đức cậy[16]
Thiên Chúa đã
mặc khải cho con người biết Ngài và Ngài kêu gọi con người, con người không thể
tự sức đáp lại tình yêu của Thiên Chúa cách đầy đủ. Con người phải hy vọng
Thiên Chúa ban cho mình đủ khả năng yêu mến Ngài và hành động hợp với giới ranh
của đức ái. Đức trông cậy là sự tin tưởng chờ đợi sự chúc lành của Thiên Chúa,
và được hưởng kiến Ngài.
- Đức mến[17]
Niềm tin vào
Thiên Chúa bao hàm tiếng gọi và nghĩa vụ phải đáp lại tình yêu của Chúa bằng
một tình yêu chân thành. Điều răn thứ nhất dạy ta yêu mến Thiên Chúa trên hết
mọi sự và trên hết mọi loài thọ tạo. Yêu mến Ngài, vì Ngài và bởi Ngài mà thôi.
“Đạo đức Chúa trời có mười điều răn. Thứ
nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.”[18]
2.
Tư chất của người nghệ sỹ
Thuật ngữ nghệ
sỹ được sử dụng khá rộng rãi trong đời sống lẫn trong nghiên cứu nghệ thuật.
Trong đời sống thuật ngữ nghệ sỹ được dùng để chỉ tính chất, đặc điểm của những
người vốn không phải là nghệ sỹ nhưng có một tâm hồn lãng mạn, giàu cảm xúc.
Trong nghiên cứu, lý luận, phê bình nghệ thuật thì thuật ngữ nghệ sỹ dùng để
gọi những người chuyên sáng tạo hoặc biểu diễn nghệ thuật.
Có nhiều quan
điểm khác nhau về hình ảnh và tư chất của người nghệ sỹ, chẳng hạn như:[19]
H. de
Balzac(1799-1850) gọi nghệ sỹ là “ người
thư ký của thời đại”
V. Hugo
(1802-1885) coi nghệ sỹ là “ngọn đuốc soi
đường”
E. Zola
(1840-1902) nói rằng “ nghệ sỹ là lương
tâm của thời đại”
Theo cách hiểu
thông thường, nghệ sỹ là người
chuyên hoạt động (sáng tác hoặc biểu diễn) trong một bộ môn nghệ thuật. Nghệ sỹ
là người sáng tạo ra loại hình nghệ thuật như vẽ, đồ họa, chạm khắc, chụp ảnh,
làm mô hình, diễn kịch sân khấu về các ý tưởng và cảm xúc lành mạnh với văn hóa
xã hội. Có thể nói, khái niệm nghệ sĩ gắn liền với khái niệm nghệ thuật. Vì vậy
khái niệm nghệ sĩ phụ thuộc nhiều vào cách hiểu về nghệ thuật. Một khái niệm
gần giống với nghệ sĩ là nghệ nhân. Ở một góc độ khác, người nghệ sỹ là người
luôn nhạy cảm, dễ dàng khám phá, sáng tạo ra cái đẹp trong cuộc sống. Cũng có ý
kiến cho rằng người nghệ sỹ phải là người có năng lực sáng tác phong phú, hay
người nghệ sỹ phải là người có tâm hồn xúc động và nhạy cảm, phải có trí nhớ
tốt…
Như vậy, có
nhiều quan điểm khác nhau về tư chất của người nghệ sỹ, nhưng ta có thể tóm gọn
như sau: “Người nghệ sỹ là người có phẩm chất đặc biệt, có tài năng về nghệ
thuật. Tuy nhiên một người giỏi nghệ thuật thì chưa hẳn là một nghệ sỹ thực
thụ. Bởi không nhất thiết một người làm nghệ thuật phải có tâm hồn nghệ sỹ và
ngược lại.”
Ta có thể đưa
ra một vài tư chất đặc trưng của người nghệ sỹ như sau:
- Người nghệ sỹ là người có tâm hồn
phóng khoáng
Phóng khoáng ở
đây không có nghĩa là thích gì làm đó, sống sao cũng được. Người nghệ sỹ phóng
khoáng là người sáng tạo dựa trên nền tảng, khuôn phép, lề luật của bộ môn nghệ
thuật mà họ đang theo đuổi. Người nghệ sỹ phóng khoáng là người luôn làm việc
một cách nghiêm túc. Chính vì tư cách phóng khoáng này mà người nghệ sỹ đã vươn
lên lề luật và khuôn khổ. Họ không bị ràng buộc bởi luật, mà hơn thế nữa qua
luật họ sáng tạo trong tự do.
- Người
nghệ sỹ là người có tâm hồn nhạy cảm và cởi mở.
Giá trị nghệ
thuật không đơn thuần chỉ là kết quả của tài năng mà hơn nữa còn là kết quả của
một trái tim luôn thổn thức, thiết tha yêu cuộc sống. Thật vậy, người nghệ sỹ
nếu không có cảm xúc thật sự thì sẽ không có sáng tạo nghệ thuật chân chính. Do
đó, để có được những tác phẩm nghệ thuật đích thực đòi hỏi người nghệ sỹ phải
có tâm hồn nhạy cảm, cởi mở. Nhạy cảm, cởi mở không chỉ với bản thân con người
mà còn với cả thiên nhiên vũ trụ. Chính nhờ tư chất nhạy cảm cởi mở này mà
người nghệ sỹ luôn khám phá ra cái đẹp trong cuộc sống, ngay cả khi cuộc sống
đó toàn đau khổ, tang thương.
- Người nghệ sỹ là người luôn khao khát giới thiệu
cái đẹp cho mọi người
Không chỉ dừng
lại ở một tâm hồn nhạy cảm cởi mở, dễ dàng khám phá ra cái đẹp, mà hơn thế nữa
người nghệ sỹ luôn khao khát, mong mỏi mang cái đẹp đến mọi người. Trong lời
diễn từ đọc tại lễ nhận thưởng giải Nô-ben ngày 14/2/1957 nhà văn Albeert Camus
(1913-1960) nói rằng: “…đối với tôi, nghệ
thuật không phải là lạc thú để hưởng thụ một mình. Nó là phương tiện để cảm xúc
một số quần chúng lớn lao nhất bằng những hình ảnh đặc thù về những nỗi đau
thương chung. Như vậy, nó buộc người nghệ sỹ không được sống lẻ loi. Nó buộc
người nghệ sỹ phải phục tùng sự tầm thường nhất và đại chúng nhất. Và kẻ nào đã
chọn cái số kiếp của người nghệ sỹ vì tự cảm thấy mình khác người, kẻ đó sớm
biết rằng hắn giống tất cả mọi người. Người nghệ sỹ tự rèn luyện mình trên con
đường giao tiếp thường trực giữa hắn với thiên hạ, ở khoảng giữa cái đẹp mà hắn
không thể bỏ qua được và cái cộng đồng mà hắn không thể tách rời được.”[20]
Thật vậy, người nghệ sỹ không thể tồn tại một mình vì những tác phẩm nghệ thuật
phải cần được công chúng công nhận. Hơn nữa, chẳng một người nghệ sỹ nào lại
muốn những đứa con tinh thần của mình bị chôn vùi hoặc quên lãng. Họ luôn khao
khát giới thiệu đến công chúng.
Tóm lại ta có
thể nói tư chất của một nghệ sỹ bao gồm ba yếu tố cơ bản sau:
- Thứ nhất,
người nghệ sỹ là người có tâm hồn phóng khoáng.
- Thứ hai,
người nghệ sỹ phải là người nhạy cảm, cởi mở.
- Thứ ba, người nghệ sỹ phải là người
luôn biết mang cái đẹp đến cho mọi người.
3. Hướng đến
tôn thờ Chúa Giê-su Thánh Thể bằng tâm hồn của người nghệ sỹ.
Trong thư gửi
cho bà Giu-li-o, thánh Ê-ma có nói: “con
hãy đến với Chúa Giê-su Thánh Thể bằng tâm hồn của người nghệ sỹ.”[21]
Thật vậy, nếu tình yêu của Chúa Giê-su nơi Bí tích Thánh Thể mang tính nghệ
thuật cao thì cũng cần lắm việc tôn thờ Chúa Giê-su Thánh Thể bằng tâm hồn của
người nghệ sỹ. Vấn đề cần được làm rõ ở đây là tại sao ta phải tôn thờ Chúa
Giê-su Thánh Thể bằng tâm hồn của người nghệ sỹ, và khi tôn thờ như thế sẽ mang
lại lợi ích gì?
- Tôn
thờ Đức Ki-tô với Đức tin sâu xa.
Trước hết, khi
đến với Chúa Giê-su Thánh Thể bằng tâm hồn của người nghệ sỹ ta sẽ dễ dàng vượt
lên những giới hạn của giác quan để tôn thờ Chúa bằng đức tin sâu xa. Đối với
việc tôn thờ Chúa nơi Bí tích Thánh Thể, ta chỉ biết lấy đức tin bù lại giác
quan. Giác quan thì chỉ giới hạn ở những sự vật khả giác. Giác quan chỉ nhận
biết Bí tích Thánh Thể là bánh và rượu, đức tin lại cho thấy qua hình ảnh bánh
và rượu chính là sự hiện diện của Đức Ki-tô cách đích thực. Điều này sẽ luôn là
một thách thức cho những ai có đầu óc suy lý, khoa học. Một người suy lý, khoa
học luôn nại đến những lý luận để giải thích mọi vấn đề như: “ Thế nào là thay
đổi bản thể bánh và rượu thành bản thể Chúa?” hay “Chúa Giê-su là Thiên Chúa,
Ngài hiện diện khắp nơi, thì ngoài Bí tích Thánh Thể ra Ngài còn hiện diện ở
nơi nào nữa không?”[22]…
và còn rất nhiều câu hỏi tương tự như thế.
Ở điểm này, với một tâm hồn phóng khoáng của
người nghệ sỹ, ta sẽ không dùng lý luận để giải thích sự hiện diện của Chúa
Giê-su nơi Bí tích Thánh Thể mà vượt qua lý luận để nhận biết bằng con tim,
bằng đức tin và sự phó thác tuyệt đối, từ đó giúp ta dễ dàng đón nhận mầu nhiệm
Thánh Thể, nhận ra sự hiện diện đích thực của Chúa và kiết hiệp mật thiết với
Người.
- Sống
Đức cậy vững vàng.
Kế đến, nếu ta
tôn thờ Chúa Giê-su Thánh Thế với tâm hồn nhạy cảm cởi mở của người nghệ sỹ,
giúp ta dễ dàng sống đức cậy vững vàng. Nếu với một tâm hồn nhạy cảm cởi mở
giúp người nghệ sỹ dễ dàng nhận ra cái đẹp trong cuộc sống thì khi đến với Chúa
với tâm hồn đó sẽ giúp ta khám phá ra sự quan phòng của Thiên Chúa. Chính tâm hồn
cởi mở giúp ta nhận biết sự quan phòng của Thiên Chúa thông qua vũ trụ, thiên
nhiên, con người và ngay chính bản thân ta. Cũng lắm khi ta gặp khó khăn thất
bại trong cuộc sống, hay bị sa lầy bởi tội lỗi đam mê, thì chính tâm hồn cởi mở
nhạy cảm giúp ta thấy được cái đẹp, cái hay, thấy được sự quan phòng của Thiên
Chúa thông qua những điều tưởng chừng như tệ hại nhất. Từ đó ta có thể sống
trông cậy, phó thác vào Chúa cho dù luôn phải sống trong đau khổ thất bại.
- Sống
Đức mến cách trọn vẹn.
Cuối cùng mỗi
khi đến với Chúa Giê-su Thánh Thể bằng tâm hồn khao khát khám phá cái đẹp và
mang cái đẹp đến cho mọi người thì đó cũng chính là lúc ta sống đức mến cách
trọn vẹn nhất. Xuất phát từ việc khám phá ra tình yêu của Chúa Giê-su nơi Bí
tích Thánh Thể, ta không ngừng kín múc tình yêu đó, để tình yêu của Chúa tràn
đầy trong ta. Từ đó ta mang tình yêu của Chúa đến cho mọi người. Một người nghệ
sỹ có thể mang cái đẹp cho người khác thì trước hết họ cần phải chiếm hữu cái
đẹp đó. Cũng vậy, ta không thể nói về Chúa cho người khác nếu ta chưa có Chúa
trong tâm hồn. Ta không thể nói về một Thiên Chúa đầy lòng thương xót mà lại
chưa cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời ta.
IV. Kết luận
Trên thực tế
đã có rất nhiều chiều kích của Bí tích Thánh Thể được khơi gợi như: chiều kích
hợp nhất, vũ trụ, hy tế, bữa tiệc của Chúa… Tất cả các chiều kích đều có chung
một đích điểm đó là làm sáng Danh Chúa và đưa ta đến kết hiệp với Chúa hiện
diện nơi Bí tích Thánh Thể. Với đề tài “Chiều kích mỹ học nơi Bí tích Thánh Thể”,
người viết chẳng dám mong có đóng góp nào khác hơn ngoài điều khơi gợi một
chiều kích mới về Thánh Thể nhằm tạo thêm một lối cầu nguyện mới đi đến sự kết
hiệp với Chúa hầu làm cho Danh Chúa được rạng tỏ khắp trần gian.[23]
Chiều Kích Mỹ
Học Nơi Bí tích Thánh Thể được khơi gợi từ những quan điểm triết lý về cái đẹp
của một vài triết gia tiêu biểu. Nhưng với những tư tưởng đó của các triết gia,
thiết nghĩ chỉ là tìm kiếm cái đẹp trên phạm vi lý luận của triết học mà không
phải là lý luận từ con tim. Thực tế, cái đẹp không chỉ hiện diện trên lãnh vực
nghệ thuật mà còn trải rộng trên nhiều lãnh vực khác trong cuộc sống. Để nhận
biết cái đẹp có nhiều cách thức khác nhau. Với các triết gia họ nhận biết cái
đẹp bằng “cái đầu”, bằng những lý luận triết học.[24]
Với các nghệ sỹ, họ cảm nhận cái đẹp bằng con tim, bằng cảm xúc. Bài viết cho
thấy được phần nào bản chất, cũng như giá trị của cái đẹp ở chỗ cái đẹp khơi
gợi một thực tại mới ngay chính trong thế giới hiện tại. Cái đẹp được chắt lọc
từ thực tại tầm thường để có một cái nhìn siêu việt. Khi tìm kiếm cái đẹp có
nghĩa là lúc ta tìm kiếm Thiên Chúa, bởi chỉ nơi Thiên Chúa mới có cái đẹp hoàn
bị, viên mãn còn tất cả cái đẹp khác chỉ là phản ảnh về sự hiện diện của Thiên
Chúa mà thôi. Như thánh Âu-tinh đã nói: “lạy
Chúa, Chúa là cái đẹp cổ xưa và hiện đại, con đã yêu Ngài quá muộn….”[25]
Cho dù có
nhiều chiều kích của Bí tích Thánh Thể được khơi gợi, sáng tạo suy tư của những
nhà thần học, triết gia đi trước nhưng thiết nghĩ sẽ không có một lối cầu
nguyện nào thiết thực và hữu hiệu cho bằng nhận biết Thiên Chúa qua chính mặc
khải của Chúa: Thánh kinh và Thánh truyền, Tông huấn, Giáo lý ….Bài viết đã
khép lại, thế nhưng những thao thức về việc khơi gợi một lối cầu nguyện mới với
Chúa Giê-su nơi Bí tích Thánh Thể vẫn còn đó. Chẳng mong bài viết sẽ có những
đóng góp to lớn nhưng đó là tất cả những thao thức mà người viết có được mỗi
khi chiêm ngắm Chúa Giê-su Thánh Thể muốn chia sẻ cho mọi người mà thôi./.
MAPHUC,SSS
MAPHUC,SSS
[1] Joshep Ratzinger , God Is Near Us, bản Việt ngữ Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Nguyễn Luật
Khoa dịch, NXB Đông phương, tr. 73.
[2]
Xc. Dt 7,25.
[4]
Ga 3,6.
[5]
Xc. Cr 11, 23-25.
[6]
Ga 6,25.
[8]
SỰ TƯƠNG PHẢN VÀ ĐỒNG QUY GIỮA EROS VÀ AGAPÊ, TRONG THÔNG ĐIỆP
THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThongDiep/TuongPhanDongQuiDeusCaritas.htm, truy câp 2/4/2013
[9]
Ga, 3,16
[10] SỰ TƯƠNG PHẢN VÀ ĐỒNG QUY GIỮA EROS VÀ AGAPÊ, TRONG THÔNG ĐIỆP
THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThongDiep/TuongPhanDongQuiDeusCaritas.htm, truy câp 2/4/2013
[11]
Xh 20,2-5.
[12]
Mt 4,10.
[13]
Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, tr.
144.
[14]
GLHTCG,số 2068
[15]
GLHTCG,số 2087
[16]
GLHTCG,số 2090
[17]
GLHTCG,số 2093
[18] Kinh Mười Điều Răn.
[19]
Lê Văn Dương, Giáo trình Mỹ Học Đại Cương,NXB
Giáo Dục Việt Nam, 2009, tr. 195.
[20] Trích Báo Văn
Nghệ, số 32 - 1992, bài Mới và Cũ.
[21]
Thư Thánh Eymard gửi bà Giu-li-o
[22] LUDWIG OTT
, Trong Bí
Tích Thánh Thể, Mình và Máu Đức Ki-tô Hiện Diện Thực Sự và Bản Thể, http://catechesis.net/news/THAN-HOC-61/TRONG-BI-TICH-THANH-THE-MINH-VA-MAU-DUC-KITO-HIEN-DIEN-THAT-SU-CU-THE-VA-BAN-THE-De-fide-771/,
truy cập 2/4/2013
[23]
X. Luật Sống Dòng Thánh Thể, số 1
[24]
X. Lê Văn Dương, Giáo trình Mỹ Học Đại
Cương, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2009, tr. 5- 17
[25] Augustin,
Tự Thuật, NXB Tôn Giáo, 2007, tr.
608.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét