Thứ Ba tuần III Mùa Chay Đn 3,25.34-34; Mt 18,21-35 THA THỨ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Thứ Ba tuần III Mùa Chay
Đn 3,25.34-34; Mt 18,21-35

Dẫn đầu lễ
Kính thưa cộng đoàn! “Thầy không bảo là đến bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy”. Chúa Giêsu đã trả lời cho thắc mắc của Phêrô về sự tha thứ như thế. Nghĩa là tha thứ không thể tính được số lần mà phải tha thứ mãi mãi. Qua đó, Chúa cũng mời gọi chúng ta cũng hãy biết tha thứ như Cha trên trời luôn tha thứ cho chúng ta.
Dâng Thánh lễ này chúng ta ý thức lại thân phận tội lỗi của chúng ta. Đã có quá nhiều lần chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa mà Chúa đã tha thứ cho chúng ta thì chùng ta cũng hãy biết tha thứ cho tha nhân như vậy.
Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

THA THỨ
TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
Kính thưa cộng đoàn! Tha thứ nghĩa là hành động bỏ qua lỗi lầm của một người. Trong Kinh Thánh, từ Hy Lạp được dịch là “tha thứ” có nghĩa đen là “buông ra”, giống như khi một người không đòi lại số tiền mình đã cho mượn. Chúa Giêsu đã dùng cách so sánh này khi ngài dạy các môn đồ cầu nguyện: “Xin tha tội chúng con, vì chúng con cũng tha thứ mọi người có lỗi [người mắc nợ] với mình” (Lc 11,4). Tương tự, trong dụ ngôn về người đầy tớ không thương xót mà Tin mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu ví sự tha thứ với việc xóa nợ.(Mt 18, 23-35). Và Người nhấn mạnh: “Thầy không bảo là tha thứ bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,22)

Tuy nhiên, từ trước đến nay, mỗi khi nói về tha thứ chúng ta thường có một khái niệm chung chung. Vì thế, nhiều khi chúng ta nghe rất nhiều cần phải biết tha thứ như Chúa đã tha thứ cho chúng ta, nhưng trên thực tế chúng ta chẳng biết phải tha thứ như thế nào. Chính vì thế, xin được chia sẻ một ý nhỏ của sự tha thứ. Đó là THA THỨ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH.


1. Trước hết, trong đời sống gia đình rất khó để nói lời tha thứ.
Trong đời sống gia đình, những tưởng chúng ta sẽ dễ tha thứ hơn vì dù sao đó cũng là tình cảm vợ chồng con cái, ông bà cha mẹ anh chị em máu mủ thịt thà. Nhưng trên thực tế có thể nói tha thứ trong đời sống gia đình rất khó.

Tại sao tha thứ trong đời sống gia đình lại khó?

Thưa là vì đời sống gia đình dựa trên tình yêu. Chính vì yêu nên chúng ta đã cởi bỏ tất cả những rào cản phòng vệ của chúng ta. Vậy nên một khi bị phản bội, bị làm nhục, bị lên án, bị hiểu lầm… bởi chính những người thân trong gia đình, chúng ta bị tổn thương rất lớn, bởi vì lớp phòng vệ không còn. Chính tổn thương lớn đó mà chúng ta khó mà có thể tha thứ được. Thế nên càng yêu nhiều chúng ta càng dễ bị tổn thương và càng khó để tha thứ.

Có những người chồng, người vợ lỡ có một sai phạm gì đó trong tương quan vợ chồng, nhất là chuyện chia chăn sẻ gối với người thứ ba. Có thể chúng ta nói là chúng ta tha thứ, nhưng thật ra, cho dù người có lỗi đã ăn năn thống hối và sự việc diễn ra rất lâu, nhưng hễ mỗi khi có mâu thuẫn, gây gỗ gì đó trong gia đình là y như rằng chúng ta lôi chuyện cũ ra bới móc, chửi rủa.

2. Kế đến, hãy tha thứ vì Thiên Chúa đã tha cho chúng ta trước.

Thật vậy, chúng ta có tha thứ cho những người thương yêu trong đời sống gia đình cũng đâu đáng gì so với món nợ mà Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Trong khi Thiên Chúa không những tha thứ mà còn chết để chuộc tội chúng ta, và Người không đòi bất kỳ một quyền lợi nào, thậm chí Người dường như quên hết tất cả; thì chúng ta nói tha thứ đấy, nhưng trên thực tế lòng chúng ta vẫn còn đau đáu nỗi đau bị phản bội, bị tổn thương. Thế nên cũng như tên đầy tớ bất nhân, lâu chúng ta lại lôi chuyện cũ, những tai nạn, những lầm lỡ, những thiếu xót… của những người thân yêu ra để dày vò, chửi rủa và đòi lại công bằng. Vâng! Thưa cộng đoàn, nếu chúng ta cư xử như thế chẳng khác nào chúng ta hành xử như những tên đầy tớ độc ác trong Tin mừng. Hãy nhớ rằng chính Chúa đã tha thứ cho chúng ta trước, và Người đã quên tất cả và không bao giờ Người nhắc lại. Hãy học gương này của Chúa, nếu vợ, chồng hay con cái đã lỡ gây ra lầm lỗi mà đã ăn năn, thì sau khi chúng ta tha thứ, hãy quên đi quá khứ. Vì chỉ có quên đi chúng ta mới có sự tha thứ thật sự.

3. Sau cùng: Hãy tha thứ vì tình yêu.

Nếu như vì yêu, chúng ta dễ bị tổn thương do đó khó tha thứ thì cũng vì yêu mà chúng ta hãy tha thứ cho nhau. Thật vậy, Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta. Chúa vì quá yêu loài người, dám chấp nhận cởi bỏ tất cả thiên tính của Người để trở nên một người phàm, và không hề có bất kỳ một phòng vệ nào cho bản thân mình. Thế nên, khi bị phản bội, Chúa cũng đã rất đau khổ, tan nát cõi lòng đến nỗi “tầm hồn Thầy buồn rầu đến chết được”(Mt 26, 38). Tuy nhiên, ngay đỉnh cao của đau khổ và cái chết, ngay trên thập giá, Người lại cất lên được hai tiếng tha thứ cách trọn vẹn: “Lạy Cha xin tha cho họ và họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Do đó, chúng ta cũng được mời gọi tha thứ như Chúa đã nêu gương.
Cũng vậy, trong việc mời gọi hãy biết tha thứ trong đời sống gia đình, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói rõ: “Tha thứ giúp cho gia đình vững mạnh trong tình yêu và qua đó, làm cho xã hội có thêm tình yêu và nhân bản. Nó là đá tảng vững chắc để xây dựng đời sống của chúng ta và là một dấu chứng mạnh mẽ, hùng hồn của người môn đệ Đức Kitô trong việc tuân theo thánh ý Thiên Chúa Cha.” (ĐGH Phanxicô). Và ngài nhấn mạnh chúng ta phải tha thứ tức khăc chứ đừng chần chừ, bởi “nếu chúng ta để quá lâu,  mọi việc càng trở nên khó khăn hơn. Và nếu có một biện pháp đơn giản thì đừng để đến cuối ngày mà chưa xin lỗi, chưa tha lỗi, cho dù là giữa cha mẹ và con cái, hoặc anh chị em với nhau. Không cần phải nói điều gì to tát. Một cái bắt tay cũng đủ. Và cũng vậy, gia đình có thể trở nên vững mạnh hơn, nếu chúng ta dám dẹp bỏ những sai lỗi lớn, nhỏ của chúng ta”. (ĐGH Phanxicô)
Hơn nữa, tha thứ không có nghĩa là chúng ta dung túng cho tội lỗi của người khác, nhưng tha thứ là lúc chúng ta mở ra cho người khác và cho chính chúng ta một cơ hội để sửa đổi để làm lại. Vì biết đâu, trong tương lai, chính chúng ta lại là người có lỗi và cần được tha thứ.

Nói tóm lại, không có sự tha thứ chung chung, chỉ có tha thứ cách cụ thể. Hôm nay, Chúa mời gọi và nhắc nhở chúng ta phải biết tha thứ trong đời sống gia đình. Tha thứ trong gia đình tưởng dễ nhưng lại rất khó. Nhưng khó không có nghĩa là không thể làm được. Chính Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về sự tha thứ.
Mùa Chay, Chúa mời gọi chúng ta ăn năn thống hối trở về với Thiên Chúa và làm hòa với tha nhân, vậy thì hôm nay đây chúng ta hãy thực hành điều đó qua việc làm hòa với các thành viên trong gia đình của mình. Không cần phải làm những gì to tát, hay những lời nói sáo rỗng, chỉ cần một nụ cười, một ánh mắt và nhất là một hy sinh, một lời cầu nguyện cho những ai mà chúng ta cảm thấy chưa tha thứ được.


MAPHUC,SSS
Share:

Related Posts:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét