Chúa Nhật III Mùa Chay
Xh 20,1-17; 1Cr 1,22-25; Ga 2,13-25
Dẫn đầu lễ
Kính
thưa cộng đoàn! Tin Mừng Chúa nhật III Mùa Chay hôm nay, phác họa cho chúng ta
một chân dung hoàn toàn khác với Đức Giêsu mà chúng ta vẫn thường hay nghĩ đến.
Một Đức Giêsu nóng giận, và nổi cơn thịnh nộ. Sỡ dĩ Chúa nóng giận là vì những
người Do thái đã xem thường Thiên Chúa và Lề Luật của Người qua việc biến Đền
Thờ - vốn là nơi thờ phượng Thiên Chúa thành nơi buôn thần bán thánh.
Dâng
thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa thanh tẩy và thánh hóa chúng ta để thân xác
và tâm hồn mỗi người chúng ta xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi .
Giờ
đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.
CƠN THỊNH NỘ CỦA THIÊN CHÚA
Người
xưa có câu: “thương thì cho roi cho vọt,
ghét thì cho ngọt cho bùi.” Trong việc dạy con cái, nhiều khi cha mẹ hay nổi
cáu, nhiều lúc phát điên lên vì con cái không chịu nghe lời dạy bảo của cha mẹ.
Lắm lúc cha mẹ cũng dùng biện pháp cứng rắn, quất cho vài roi. Nhưng việc dùng
biện pháp cứng rắn đó không phải là ghét bỏ con nhưng hơn hết, đó là tình yêu
và trách nhiệm đối với con, sâu xa là muốn con nên người.
Cũng
vậy, con người chúng ta trong tương quan với Thiên Chúa là Cha, lúc nào chúng
ta cũng ca tụng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, hiền lành và nhân từ, ấy
vậy mà Tin mừng hôm nay lại cho chúng ta thấy một khuôn mặt hoàn toàn trái ngược.
Một Đức Kitô tưởng chừng như hiền lành và giàu lòng thương xót ấy hôm nay bỗng
trở nên “nổi điên” với chúng ta.
Tại
sao Chúa Giêsu lại nóng giận như thế?
1. Trước hết, vì chúng ta không vâng nghe Lời Người.
Nhiều
khi chúng ta cứ đổi lỗi cho nguyên tổ không tuân phục Thiên Chúa, đã ăn trái cấm
khiến loài người phải đau khổ và phải chết. Thật ra, mỗi người chúng ta đã có
quá nhiều lần bất phục tùng Thiên Chúa qua việc vi phạm giới răn của Người.
Thật
vậy, Thiên Chúa luôn đi bước trước trong tương quan với con người, và vì muốn
con người không sa ngã một lần nữa như tổ tiên xưa nên Người đã ban giới răn
yêu thương để đưa con người về cõi sống. Giới răn đó Người đã ban qua trung
gian mà Môsê trên núi Sinai và đã được Đức Kitô kiện toàn. Đó là Mười Điều Răn
như ngày hôm nay chúng ta vẫn thường đọc trong các thánh lễ Chúa nhật. Bài đọc
1 trích sách Xuất Hành (Xh 20, 1-17) nhắc lại cho chúng ta điều đó.
Như
vậy, Thiên Chúa rất mực yêu thương con người, không muốn con người phải đau khổ
và phải chết như tổ tiên xưa nên Người đã ban Lề Luật để con người biết bỏ đường
tà gian mà quay trở về với Thiên Chúa. Thế nhưng, con người ở bất kỳ giai đoạn
nào trong dòng lịch sử nhân loại cũng luôn muốn gạt Thiên Chúa ra bên ngoài, bất
phục tùng Người. Chính vì thế, Thiên Chúa đã nổi cơn thịnh nộ đánh phạt con người.
2. Kế đến, Chúa nóng giận là vì trách nhiệm đối với con người.
Cũng
như cha mẹ có trách nhiệm với con cái của mình, nên nhiều khi phải dùng biện
pháp mạnh để răn dạy con cái, Thiên Chúa cũng có trách nhiệm với con người, nên
Người cũng có lúc nóng giận, nổi cơn thịnh nộ.
Tin
mừng mở ra cho chúng ta quang cảnh ở Đền Thờ, vốn là nơi tôn thờ Thiên Chúa, nhưng
nay đã trở thành nơi buôn bán: “Đem tất cả
những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà cha tôi thành nơi buôn bán.” (Ga
2, 16). Đức Giêsu nhẹ nhàng hiền lành là thế, nhưng hôm nay bỗng nổi điên chỉ vì
những người Do thái quá ư là cứng đầu cứng cổ. Họ không chỉ không tuân giữ giới
răn của Thiên Chúa mà còn biến đền thờ Chúa thành nơi buôn thần bán thánh. Vâng!
Chính vì con người quá cứng đầu như thế nên Đức Giêsu đã dùng biện pháp mạnh để
ranh dạy và cảnh cáo dân chúng: “Người lấy
dây làm roi, mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của
những người đổi bạc, Người đổ tung ra và lật nhào bàn ghế của họ.” (Ga 2,
15)
Như
vậy, cũng như cha mẹ có trách nhiệm dạy dỗ con cái nên nhiều khi nóng giận dùng
roi vọt thì Thiên Chúa cũng nóng giận và nổi cơn thịnh nộ khi con người quá cừng
đầu không tuân phục giới răn của Người.
3. Sau cùng, Chúa nóng giận là vì yêu thương chúng ta.
Trong
thư gửi tín hữu Hípri có nói: “Anh em đã
quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như những người con: Con ơi đừng coi nhẹ
Lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới
sửa dạy người ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em
hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy.” (Hr 12,5-7)
Thiên
Chúa sửa dạy chúng ta không chỉ dừng lại ở những cử chỉ hiền lành, âu yếm, hoặc
nóng giận nhưng trên hết đó là vì tình yêu thương vô bờ bến của người dành cho
chúng ta. Vì thế, Đức Giêsu đã dùng chính cái chết của mình để cứu chúng ta khỏi
ách nô lệ tội lỗi, mang lại cho chúng ta sự sống đời đời. Chính hành động này, Đức
Giêsu đã thể hiện tình yêu trọn vẹn của Thiên Chúa đối với chúng ta.
Thật
vậy, người Do thái, hay Hy lạp không thấu hiểu được điều này nên cho rằng Chúa
chúng ta chịu chết trên thập giá là quá điên rồ và không thể chấp nhận được,
nhưng thánh Phaolô đã xác tín và khẳng định trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô
rằng: “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn
cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh
mẽ của loài người.”
Nói
tóm lại, chỉ vì con người quá cứng đầu cứng cổ nên Thiên Chúa mới dùng biện
pháp mạnh để răn dạy con người. Tuy nhiên, Thiên Chúa có nóng giận, có nổi điên
cũng là vì trách nhiệm và tình yêu thương vô bờ bến đối với con người. Thiên
Chúa nổi cơn thịnh nộ nhưng không phải giết chóc, hủy diệt nhưng là tỏ lòng
thương xót và cứu vớt con người.
Cộng
đoàn phụng vụ thân mến! Kể từ đầu Mùa Chay đến nay, Chúa luôn mời gọi con người
ăn năn sám hối trở về với Chúa cách nhẹ nhàng, êm dịu. Nhưng hôm nay đây, bởi
vì nói nhẹ không nghe, và dường như chúng ta vốn “thân lừa ưu nặng” nên Chúa đã phải “nổi điên” lên với chúng ta,
dùng biện pháp cứng rắn, dùng roi để kêu gọi chúng ta ăn năn thống hối trở về với
Thiên Chúa. Tuy nhiên Người nóng giận, giận
trong giây lát, nhưng yêu thương thương suốt cả đời. (Tv 29,6). Thiên Chúa
có nóng giận và trừng phạt chúng ta như thế đấy, nhưng cũng chỉ vì Người quá
yêu thương chúng ta mà thôi.
Vậy
chúng ta còn mãi ù lì như thế sao? Hãy trở về với Thiên Chúa, ăn năn thống hối,
làm hòa với Thiên Chúa và tha nhân qua lối sống mới, một lối sống từ bỏ và chết
đi con người cũ, con người của tội lỗi.
MA.PHUC,SSS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét