Chúa nhật IV MC – B – TN 2Sbn 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21 SỰ CÔNG BÌNH và LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

Chúa nhật IV MC – B – TN
2Sbn 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21

SỰ CÔNG BÌNH và LÒNG THƯƠNG XÓT 
CỦA THIÊN CHÚA

Lời dẫn đầu lễ
        Kính thưa cộng đoàn! Sứ điệp Lời Chúa Chúa nhật thứ IV Mùa Chay hôm nay đề cập đến sự công bình và lòng thương xót của Thiên Chúa. Nếu như con người liên phá vỡ giao ước, lỗi phạm đức công bình nên phải gánh lấy hậu quả năng nề, phải đau khổ, phải chết; thì Thiên Chúa không những trung thành giữ giao ước mà lại tỏ lòng xót thương cứu vớt con người.   
Dâng Thánh lễ này, chúng ta ý thức lại thân phận tội lỗi của mình. Đã nhiều lần chúng ta phạm tội, xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân nhưng Thiên Chúa vẫn tha thứ cho chúng ta. Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn để chúng ta lướt qua mọi cám dỗ và quay về đường ngay nẻo chính.
Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm Thánh.

Chia sẻ Lời Chúa

Kính thưa cộng đoàn, trước đến nay hễ khi nhắc đến Thiên Chúa là chúng ta nhắc đến một Thiên Chúa giàu lòng xót thương, một người cha nhân từ luôn tha thứ cho các tội nhân. Ấy vậy mà bài đọc 1 trích quyển thứ 2 sách Sử Biên Niên khắc họa cho chúng ta một Thiên Chúa vô cùng độc ác, một vị thần hỷ diệt và giết chóc: “Đức Chúa bừng bừng nổi giận và trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa…Những ai còn sót lại không bị gươm đâm, thì vua bắt đi đày ở Ba-bi-lon; họ trở thành nô lệ của vua và con cháu vua…” (2Sbn 36, 19-20).
Sự trừng phạt của Thiên Chúa không chỉ trong quá khứ, nhưng trong não trạng của con người ngày nay, chúng ta vẫn nghĩ rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục trừng phạt con người vì thế nên mới có chiến tranh, thiên tai, bệnh hoạn tật nguyền, giết chóc…
Một câu hỏi đặt ra cho mỗi người chúng ta: Tại sao Thiên Chúa - Đấng vốn giàu lòng xót thương lại có thể ra tay độc ác như thế đối với con người?
1. Trước hết, sở dĩ Thiên Chúa nghiêm khắc trừng phạt con người là vì sự công bình của Thiên Chúa.
Thiên Chúa yêu thương ban cho con người sự tự do. Tuy nhiên cũng chính vì thế mà con người phải luôn chọn lựa giữa hai thái cực: tốt – xấu. Sự xung đột này được thánh Phaolô diễn tả: “điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm.” (Rm 7,15). Chính vì thế, để con người không sa ngã một lần nữa như tổ tiên xưa và để đưa con người về cõi sống nên Thiên Chúa đã ký kết giao ước với con người. Về phía mình, con người có bổn thận thờ phượng Thiên Chúa và về phía Thiên Chúa, Người sẽ ban phước và chở che con người. Ai vi phạm giao ước này là lỗi đức công bình.
Thật vậy, Thiên Chúa không chỉ là Đấng giàu lòng xót thương, hiền lành nhưng Người còn là Đấng Công Bình. Con người được coi là công chính, công bình khi giữ giao ước và thi hành đầy đủ các giới răn mà Chúa đã truyền. Đối lại, con người cũng có quyền đòi Thiên Chúa thanh toán nghĩa vụ của Ngài, tức là ban thưởng nếu con người hết lòng thờ phượng Thiên Chúa.
 Tuy nhiên, trong quá khứ, và ngay cả hiện tại, con người liên tục phạm tội chống lại Thiên Chúa, phá bỏ giao ước, bất phục tùng Thiên Chúa. Một khi phá bỏ giao ước thì con người vi phạm đức công bình. Nên Thiên Chúa không còn bảo vệ và ban ơn cho con người nữa. Một khi không còn Thiên Chúa bảo vệ chở che, con người ngay lập tức rơi vào cảnh khốn cùng, đau khổ, trầm luân, bế tắc, lưu đày. Vì thế, cuộc lưu đày ở Babylon mà bài đọc 1 chúng ta vừa nghe, tạo ra một ấn tượng khó quên trong lòng dân Israel. Khiến họ luôn nghĩ rằng Thiên Chúa đã rời bỏ, và trừng phạt họ.
Thế nhưng, thay vì lên án kẻ có tội, và đòi lại sự công bình cho mình, Thiên Chúa luôn tỏ ra là Cha giàu lòng thương xót, rất mực yêu thương con cái mình, bất chấp con mình phá vỡ giao ước, vi phạm đức công bình. Đức Chúa tác động trên tâm trí Ki-rô, vua Ba tư, ra lệnh giải phóng dân Người khỏi lưu đày ở Ba-bi-lon, trở về Giu-đa tái thiết đến thờ Giê-ru-sa-lem. (x 2Sbn 36,22-23)
 Thật vậy, mặc dầu con người phá bỏ giao ước nhưng Thiên Chúa vẫn tiếp tục kiên nhẫn duy trì giao ước với dân Người. Người nhận về mình phần đổ vỡ, bất công của con người và sẵn sàng bị mang tiếng là độc ác và hủy diệt.

2. Điểm thứ hai: Thiên Chúa tỏ ra cứng rắn là để thương xót và cứu vớt con người.

Mặc dầu, trong não trạng Ít-ra-en, Thiên Chúa nhiều lần trừng phạt con người, nhưng với chúng ta, sự trừng phạt ấy không phải để giết chóc, hủy diệt mà là để tỏ lòng thương xót và cứu vớt con người. Thánh Pha-lô trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô đã xác tín điều đó: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dẫu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được sống cùng với Đức Ki-tô.”(Ep 2,4)
Thật vậy, trong Cựu ước, khi con người phạm tội và bị rắn cắn chết, con rắn đồng được dương lên để những ai khi bị rắn cắn nhìn thấy con rắn đồng thì được cứu sống. Tuy nhiên, con rắn đồng khi được dương cao trong sa mạc, tự nó không mang lại sự sống cho con người. Con rắn chỉ là biểu tượng cho lòng thương xót của Thiên Chúa mà thôi. Chính lòng thương xót đã cho con người được sống chứ không phải con rắn. Khi thời gian đến hồi viên mãn, Đức Ki-tô đến thế gian, Người chính là dấu chứng sống động cho lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Lúc này đây, Thiên Chúa không còn dùng con rắn, hay bất kỳ biểu tượng nào khác để nói lên lòng thương xót của Người; mà dùng chính cái chết của Con Ngài mà cứu chữa chúng ta.
Phần chúng ta, một khi được cứu sống chúng ta được mời gọi dứt khoát từ bỏ bóng đêm của tội lỗi, sống theo sự thật, bước vào ánh sáng của sự sống. Vì ai là điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng,…Nhưng kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.(x Ga,21)

Nói tóm lại, Thiên Chúa là Đấng Công Bình nên con người phải trả lại công bằng cho Người vì những lỗi phạm và vì đã phá vỡ giao ước. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng là Đấng đầy lòng xót thương, Người không bỏ rơi con người, mà qua Đức Ki-tô, chính do ân sủng và lòng tin mà con người đã được cứu độ; đây không phải là bởi sức con người mà là một ân huệ của Thiên Chúa. (x Ep 2,8)
Vì vậy, nhận được ân huệ nhưng không này, không lẽ chúng ta cứ mãi cứng đầu cứng cổ vậy sao, thưa cộng đoàn? Mùa Chay thánh đã gần hết, lời mời họi sám hối vẫn còn văng vẳng bên tai chúng ta. Không có lý do nào mà chúng ta lại không ăn năn thống hối trở về với Thiên Chúa. Vì đơn giản, có Chúa là có tất cả, là thiên đàng, mất Chúa là mất tất cả, là lưu đầy, là hỏa ngục. Amen

MAPHUC,SSS


Share:

Related Posts:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét