Chúa nhật 28 TN – A – CĐ
Is 25,6-10a; Pl4,12-14.19-20,
Mt 22,1-14
Kính thưa cộng đoàn! Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta từng
có kinh nghiệm của người tổ chức một bữa tiệc hoặc là khách dự tiệc. Trong bữa
ăn gia đình hằng ngày, phụ nữ thường là người chuẩn bị, tất nhiên, họ chuẩn bị
bữa cơm với tất cả tấm lòng và tình yêu dành cho chồng con. Nhưng thật buồn nếu
như nấu cơm xong mà chồng lại đi nhậu, con cái lại đi học hoặc đi chơi, không
ai ăn cơm cả. Hay khi chúng ta tổ chức tiệc cưới mà khách mời lại không đến,
thì thật buồn và lo lắng. Bởi nếu ế cỗ buồn thì không nói, nhưng khách không đi
thì lấy tiền đâu là chi trả…
Tin mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta một câu chuyện về bữa
tiệc tương tự như thế. Nước Trời được ví như một bữa tiệc. Tuy vậy, khách mời
đã được mời nhưng lại không ai chịu đến. Do đó, Đức Vua đã sai đầy tớ ra đường
gặp ai cũng mời vào dự tiệc cưới. Bài chia sẻ này con không bàn đến lý do tại
sao khách mời lại không đi dự tiệc, hay tại sao ông chủ lại mời vô tội vạ tất cả
bất luận xấu tốt vào dự tiệc cưới, nhưng chỉ bàn đến ý nghĩa của bữa tiệc mà
thôi.
Vâng! Bữa tiệc có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống. Đó không
chỉ là dịp mọi người tập họp để ăn uống nhưng cao hơn là chia sẻ niềm vui, nối
kết yêu thương…Tuy nhiên, Tiệc Thánh Thể khác hẳn với những bữa tiệc thông thường
khác. Điểm khác biệt đó thể hiện ở 2 điểm sau đây:
1.
Tiệc Thánh Thể
- Nối kết yêu thương
Trước
hết, khi tổ chức tiệc người ta nghĩ ngay đến việc sẽ mời những người thân quen
nhất. Từ các thành viên trong gia đình, bà con lối xóm, bạn bè thân hữu gần xa.
Tiệc được tổ chức thường vào dịp nào đó: thôi nôi, sinh nhật, cưới hỏi, ma chay...
Tiệc không đơn thuần là chỉ đến để ăn uống nhưng là để nối kết yêu thương giữa
chủ tiệc và các khách mời. Cha mẹ tổ chúc sinh nhật cho con cái là để mừng con
thêm một tuổi mới, thể hiện tình yêu thương của cha mẹ với đứa con của mình. Tiệc
cưới cũng thế, mời mọi người đến để chung vui với cô dâu chú rể trong ngày trọng
đại…
Tiệc Thánh Thể khác ở chỗ là mở
ra để nối kết tình yêu giữa Thiên Chúa với dân của người. Nhưng không đơn thuần
là tương quan chủ với khách, nhưng qua bữa tiệc ấy, Thiên Chúa muốn nhắm đến
tương quan bằng hữu với con người. Thật vậy, chỉ có tương quan, tình cảm bằng hữu
mới có thể mở một bữa tiệc thịnh soạn vô vị lợi như thế. Chính nơi Thánh Thể,
Chúa Giêsu đã thể hiện trọn vẹn nhất tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta: Không ai có tình thương lớn hơn tình thương
của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.(Ga15,13)
2. Tiệc Thánh Thể - Trao ban sự sống
Tiệc
được tổ chức nhắm nuôi dưỡng nhau, qua đó nuôi dưỡng tình thân. Thật vậy, một bữa
tiệc cũng phải có món này món kia, sao cho thực khác cảm thấy ăn ngon miệng và được
phục vụ ân cần. Từ việc được nuôi dưỡng bồi bổ thân xác, tiệc là cơ hội chúng
ta nuôi dưỡng tương quan, thiết lập mối quan hệ mỗi ngày một khắng khít hơn. Tiệc
Thánh Thể, Thiên Chúa không tiếp đãi con người bằng những món ngon thông thường:
tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon; nhưng thịt đó được thay bằng Mình Chúa, rượu đó
được thay bằng Máu Chúa. Mình Máu Chúa thật sự là một lương thực trổi vượt hơn
muôn vàn lương thực khác: Bởi Chúa Giêsu đã khẳng định: Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống
muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được
sống".(Ga6,51) Nếu như chúng ta ăn những của ăn thông thường, những thức
ăn ấy trở thành chất dinh dưỡng nuôi sống chúng ta thì việc chúng ta lãnh nhận
Mình Máu Thánh Chúa thì ngược lại. Chúa không thành chúng ta nhưng chúng ta lại
được tháp nhập, được nên một với Thiên Chúa hằng sống. Chính vì thế, khi rước
Mình Thánh Chúa chúng ta cũng được sống đời đời như chính Chúa là Đấng Hằng Sống.
Như
vậy, tiệc Thánh Thể khác biệt với những bữa tiệc khác vì qua tiệc đó chúng ta nối
kết yêu thương với Thiên Chúa và với nhau; và quan trong hơn qua bữa tiệc đó,
Chúa ban chính thân mình làm của ăn, mang lại cho chúng ta sự sống đời đời.
Tuy
vậy, trên thực tế, rất ít người trong chúng ta ý thức tầm quan trọng của Tiệc
Thánh Thể trong đời sống của mình. Chính vì thế, cách nào đó, chúng ta là hình ảnh
của những vị khách được nhà vua mời mà lại không tới dự tiệc: “Họ không thèm đến xỉa tới, lại bỏ đi. Kẻ
thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn…” (Mt 22,5) Thưa công đoàn, có
ngàn vạn lý do để chúng ta biện minh cho việc mình không đi lễ, dự Tiệc Thánh. Thế
nên, việc chúng ta từ chối Tiệc Thánh, từ chối Thánh Thể Chúa, điều đó cũng đồng
nghĩa với việc từ chối những ơn lành mà Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta trong bữa
Tiêc Thánh. Mà thử hỏi, cuộc sống chúng ta không có ơn lành của Chúa thì làm
sao chúng ta có thể sống tốt, sống đúng như thánh ý Chúa được?
Thưa
cộng đoàn! Cuộc sống của chúng ta có trăm ngàn bữa tiệc: nào là đám cưới, đám hỏi,
thôi nôi, giỗ, sinh nhật…Nhưng có một thực tế các bữa tiệc của con người hiếm
khi đạt được mục đích trọn vẹn. Chưa kể tiệc tùng bây giờ người ta còn phải
tính đến chuyện chi phí, lời lỗ… Chỉ Tiệc Thánh Thể mới là bữa tiệc đích thực
và trọn vẹn mà thôi. Bởi chính nơi đây, chúng ta nối kết yêu thương với Thiên
Chúa và với nhau và quan trọng là Thiên Chúa trao ban sự sống đời đời của Người
cho chúng ta.
Vậy
còn chần chờ gì nữa mà chúng ta lại không mau mắn đáp lại lời mời gọi tham dự
Tiệc Thánh Thể mỗi ngày, hoặc mỗi khi có thể. Amen
0 nhận xét:
Đăng nhận xét