Thứ năm tuần thánh
Xh 12,1-8.11-14; 1Cr 11,23-26; Ga 13,1-15
THÁNH THỂ - ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY
TA PHỤC VỤ CHÚA VÀ THA NHÂN
Kính thưa cộng đoàn! Khi nhắc đến hai chữ phục vụ
người ta thường hay nhắc đến gương các thánh, hay các giám mục, linh mục, tu
sĩ… là những chủ chăn biết noi gương Đức Giêsu, hy sinh thân mình phục vụ cộng
đoàn. Nhưng riêng con, khi nhắc đến hai chữ “phục vụ” con liên tưởng ngay đến cộng
đoàn giáo xứ chúng ta. Phải nói là cộng đoàn giáo xứ chúng ta có tinh thần phục
vụ rất tốt. Từ BHG, các đoàn thể ca đoàn, gia trưởng, các bà mẹ, Lêgiô, Đội mai
táng, nhóm Tôma, AEC di dân, giới trẻ, các huynh trưởng… cho đến những người quét rác, dọn dẹp trong
nhà thờ. Để có được một Thánh đường sạch đẹp, thánh lễ trang nghiêm và sốt sắng
đó là do công lao của biết bao nhiêu người ngày đêm âm thầm phục vụ.
Cộng đoàn nếu không để ý thì làm sao có thể hình
dung ra được một hội đồng BHG phải cực khổ vất vả như thế nào trong việc cộng
tác với cha xứ để điều hành giáo xứ. Nhiều cuộc họp kéo dài mấy tiếng đồng hồ để
giải quyết những vấn đề của giáo xứ, giáo khu, thậm chí cho vài cá nhân nào đó
trong giáo xứ. Nếu không chứng kiến thì làm sao cộng đoàn thấu được sự mệt nhọc
của anh em Tôma. Có những ngày trời nắng như lửa đốt mà anh em Tôma phải quần
quật để hoàn thành công việc cho kịp tiến trình, mặc kệ cho mồ hôi ướt đẫm cả
áo. Hoặc có những bữa trời mưa như trút mà đội mai táng Martinô vẫn không quản
ngại hy sinh chôn cất người quá cố. Hay mỗi khi đi tham dự Thánh lễ, chúng ta
được nghe các ca đoàn hát chúc tụng Chúa rất hay, làm cho tâm hồn được thanh thản,
bình an nhưng làm sao chúng ta biết được ca đoan đã phải trải qua những buổi tối
tập hát đến khan cả cổ, mất cả tiếng. Và nếu không đi lễ sớm thì làm sao cộng
đoàn biết được các bà các mẹ đi lễ còn phải ôm theo mấy cái chổi chà để quét dọn
cho sạch sân nhà thờ trước khi thánh lễ bắt đầu. Nhiều người một tuần chỉ đến
nhà thờ một lần thì làm sao biết được có những mùa lá rụng các bà các mẹ đã phải
quét lá cả ngày, muốn còng cả lưng…và còn, còn rất nhiều người âm thầm phục vụ
nữa mà thời gian không cho phép để con kể ra nơi đây chi tiết từng người một.
Phải chăng những người phục vụ nhà thờ nhiệt tâm như
thế là vì tiền bạc? Không phải thế! Con biết như Hội đồng MV làm việc cực nhọc
như thế mà đến như bộ quần áo đồng phục còn phải tự mình đóng góp thêm thì làm
gì có tiền mà ham hố chức vụ đó. Hay phải chăng những người phục vụ là vì có chức
có quyền ư? Không phải thế! Ông quản trang ngày đêm túc trực ngoài nghĩa trang,
toàn là mồ với mã thì có quyền có chức với ai. Hoặc nhiều khi cộng đoàn đi lễ
đông quá, mà ông quản phòng áo không chuẩn bị đủ bánh lễ cũng bị cha la rầy.
Quyền lực ở chỗ nào?
Vậy thì động lực nào khiến cho những người con vừa kể
trên phải hy sinh vất vả để phục vụ?
Con xin trả lời ngay đó là vì tình yêu thúc đẩy.
Thánh Augustinô có câu nói nổi tiếng: “cứ
yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Hẵn
là những người phục vụ nhà thờ đã có tình yêu rất lớn. Tình yêu đó xuất phát,
hay nói cách khác đó là bắt nguồn từ tình yêu của Chúa Giêsu nơi bí tích Thánh
Thể. Thật vậy, những gương mặt mà con nhìn thấy nơi công trường, trong những giờ
lao động mệt nhọc là những gương mặt thân quen con nhận ra trong những giờ chầu
Thánh Thể. Vâng! Những người phục vụ hăng say nhất lại chính là những người thường
xuyên chầu Thánh Thể nhất.
Ngày thứ Năm tuần Thánh hôm nay là ngày chúng ta tưởng
niệm Chúa Giêsu thiết lập BTTT và BT Truyền chức thánh. Có thể nói hai BT này
là một, là bí tích của phục vụ. Thánh Thể chính là hình ảnh tròn đầy của con
chiên bị sát tế xưa kia đã cứu Dân Do Thái vượt qua, thoát khỏi nô lệ Ai cập mà
bài đọc 1 chúng ta vừa nghe. Thánh Thể chính là chiên Thiên Chúa bị sát tế để cứu
chúng ta được tự do, thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và bóng đêm sự chết,
mang lại cho ta sự sống đời đời. Thánh Phaolô khẳng định điều đó trong bài đọc
2. Ngài đã nhận được từ Chúa và ngài truyền lại cho Giáo hội cử hành Thánh Thể
hằng ngày để mang lại ơn CĐ cho mọi người qua mọi thời và ở khắp mọi nơi.
Việc Chúa lập BTTT là sáng kiến độc nhất vô
nhị. Chỉ một mình Thiên Chúa với tình yêu thương tuyệt đối mới có thể
nghĩ ra cách thức để được ở lại với con người quá tuyệt vời đến như thế.
Cũng vì muốn ở với anh em mọi ngày cho đến
tận thế Người đã lập bí tích Truyền chức thánh để thông ban chức
linh mục cho một số người được tuyển chọn để hằng ngày ban chính Mình
Máu Người cho nhân loại. Đây là một tình yêu tự hiến được trao ban cách trọn
vẹn trên thập giá trong ngày thứ Sáu tuần thánh. Và ngày hôm nay, trong bữa tiệc
sau cùng này Người cụ thể hoá tình yêu trao hiến bằng hành động rửa chân cho
các tông đồ. Qua đó Chúa Giêsu thực hiện đúng như lời Người đã nói: “con người đến để phục vụ chứ không phải để
được phục vụ.” Hành động quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ chính là
hành động của một người đầy tớ phục vụ cho chủ mình. Chính hành động phục
vụ như một đầy tớ đó mà Chúa được Chúa Cha
siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu trỗi vượt trên muôn ngàn danh hiệu: Đức
Giêsu Kitô là Kirios, là Đức Chúa.
Cộng đoàn PV thân mến, từ đầu bài giảng con nói nhiều
đến tinh thần phục vụ của một số người trong giáo xứ để rồi nối qua tinh thần
phục vụ của Đức Kitô Chúa chúng ta, không phải là con nịnh hót, hay để khen ngợi
qua đó, như một số kẻ vốn có ác cảm với Giáo hội cho đó là cách mị dân hữu hiệu
nhất của các mục tử để giáo dân theo mình, mà tiếp tục làm việc không công.
Không phải thế, sỡ dĩ con kể ra là vì cảm phục sâu sắc tinh thần phục vụ của cộng
đoàn. Có thể những người phục vụ như BHG, hoặc các hội đoàn là những người
không hiểu biết Lời Chúa nhiều như các linh mục, tu sĩ nhưng chắc chắn họ là những
người có khả năng sống Lời Chúa cách triệt để, trọn vẹn nhất. Không những thế,
họ còn là những người thấm nhuần tình yêu hiến thân phục vụ của Chúa Giêsu nơi
BTTT.
Với những người con vừa kể trên đã sống tốt lời dạy
của Chúa về bài học phục vụ tại nhà thờ thì đại đa số những người còn lại ngồi
đây thực hiện lời dạy phục vụ của Chúa bằng cách nào? Chẳng lẽ cũng lên nhà thờ
mà làm việc? Không! Phục vụ không nhất thiết là phải lên nhà thờ mới là phục vụ
mà chúng ta phục vụ trong chính gia đình của mình. Con cái phục vụ cha mẹ, cha
mẹ phục vụ con cái. Không những thế chúng ta phục vụ cộng đồng, xã hội bằng những
hành động thiết thực, cộng tác vào sự đoàn kết dân tộc, cổ vũ một lối sống văn
hoá, lành mạnh…Tóm lại là chúng ta có thể làm bất cứ thứ gì, vật chất, tinh thần
miễn là qua hành động đó người ta có thể nhận ra chúng ta là môn đệ của Đức
Kitô – Một Đức Kitô hiến thân phục vụ cho đến hơi thở cuối cùng.
Cộng đoàn phụng vụ thân mến! nhắc đến phục vụ mà ta
không nhắc đến các linh mục thật là điều thiếu xót. Hơn nữa, hôm nay Giáo hội mừng
lễ này cách đặc biệt để tưởng nhớ đến việc Đức Giêsu thiết lập BTTT và BT truyền
chức. Do đó, càng có lý do hơn để ta nhắc đến tinh thần phục vụ của các linh mục.
Sỡ dĩ các ngài được cho là những bậc thầy của phục vụ là do đời sống các ngài
luôn gắn liền với Đức Kitô – một Đức Kitô cúi mình rửa chân cho các môn đệ. Sáng nay, linh mục đoàn từng giáo phận qui tụ
với nhau quanh giám mục, để lập lại lời thề linh mục. Mỗi khi chính thức thi
hành tác vụ linh mục là cử hành Thánh Thể và các bí tích, người linh mục không
được nói chủ thể ban bí tích là 'Giêsu', mà phải xưng 'Tôi'. "Hãy cầm lấy
mà ăn, này là Mình Thầy ! Hãy cầm lấy mà uống, này là chén Máu Thầy".
Trong bí tích Giao Hòa thì nói 'Tôi tha tội cho anh !'. Thầy, Tôi, ngôi thứ nhất
số ít, là Giêsu, mà cũng chính là người linh mục đang hòa tan trong Giêsu mà cử
hành ! Nếu lấy lưỡi lam mà tách tìm khe hở giữa Giêsu và linh mục thì cũng chẳng
thấy.
Linh mục tức
là nên một Giêsu mà cúi xuống rửa chân. Và rửa chân cho đến cùng bằng phanh
thây xẻ thịt. Không phanh thây xẻ thịt vừa vừa, mà phải tới cùng, là vượt qua,
Chết và Sống Lại ! Đó là lời thề, là đại nguyện của đời linh mục. Xin cộng đoàn cầu nguyện
cách đặc biệt cho hàng linh mục luôn biết noi gương vị linh mục tối cao là Đức
Kitô Chúa chúng ta.
Tóm lại, trong thánh lễ ngày hôm nay, mỗi người
chúng ta dù là linh mục, tu sĩ, hay giáo dân cũng đều được gọi để phục vụ Thiên
Chúa và phục vụ tha nhân như chính mình. Đó không phải là phục vụ chung chung,
hời hợt nhưng là phục vụ cách cụ thể và trực tiếp bằng hành động. Hành động đó
chính là tự hiến chính mình như Đức Kitô đã hiến thân cho chúng ta đến giọt máu
cuối cùng. Amen
MAPHUC,SSS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét